LIÊN QUAN GIỮA CHỈ SỐ ĐỀ KHÁNG INSULIN VỚI MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHUYỂN HÓA Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2
Ngô Đức Kỷ¹*, Nguyễn Thị Hà², Lê Thị Trang²
1. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
2.Trường Đại học Y khoa Vinh
DOI: 10.47122/vjde.2021.49.5
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu mối liên quan giữa đề kháng insulin với các đặc điểm chuyển hóa bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 105 đối tượng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường típ 2 đang điều trị nội trú tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, thời gian từ tháng 01/2021 – 04/2021. Kết quả nghiên cứu: tất cả 105 bệnh nhân đái tháo đường típ 2, trong đó nam chiếm tỷ lệ 54,3%, nữ chiếm tỷ lệ 45,7%. Tuổi trung bình của nghiên cứu là 66,82 ± 12,6 tuổi. Chỉ số HOMA1-IR là 6,90 ± 4,43. Có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa HOMA1-IR với các chỉ số vòng bụng (r = 0,286; p < 0,05), tỷ lệ vòng bụng/vòng hông (r = 0,221; p < 0,05) và chỉ số BMI (r = 296; p < 0,05). Có có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa HOMA1-IR với cholesterol (r = 0,229; p < 0,05) và LDL-cholesterol (r = 0,206;p < 0,05). Ngược lại có mối tương quan nghịch giữa HOMA1-IR với HDL-cholesterol (r = – 0,225;p < 0,05). Kết luận: Có mối tương quan giữa chỉ số đề kháng insulin HOMA1-IR với các chỉ số nhân trắc và một số các thành phần lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Từ khóa: Đái tháo đường típ 2, HOMA1-IR.
ABSTRACT
Relationship between insulin resistance and parameters metabolic in patients with type 2 diabetes
Ngô Đức Kỷ¹*, Nguyễn Thị Hà², Lê Thị Trang²
1. Nghe An Friendship General hospital
2. Vinh Medical College
Objective: To study the relationship between insulin resistance and metabolic
characteristics in patients with type 2 diabetes. Methods: A cross-sectional descriptive study of 105 subjects who met the criteria for diagnosis of type 2 diabetes and were undergoing inpatient treatment at the Department of Endocrinology and Diabetes, Nghe An General freinship Hospital. period from January 2021 to April 2021. Results: All 105 patients with type 2 diabetes, in which male accounted for 54.3%, female accounted for 45.7%. The mean age of the study was 66.82 ± 12.6 years old. The HOMA1-IR index is 6.90 ± 4.43. There was a statistically significant positive correlation between HOMA1-IR and waist circumference (r = 0.286; p < 0.05), waist/hip ratio (r = 0.221; p < 0.05) and BMI (r = 296; p < 0.05). There was a statistically significant positive correlation between HOMA1-IR with cholesterol (r = 0.229; p < 0.05) and LDL-cholesterol (r = 0.206; p < 0.05). In contrast, there is a negative correlation between HOMA1-IR and HDL-cholesterol (r = – 0.225; p < 0.05). Conclusion: There is a correlation between the HOMA1-IR insulin resistance index with anthropometric indices and some blood lipid components in patients with type 2 diabetes.
Keywords: Type 2 diabetes, HOMA1-IR.
Chịu trách nhiệm chính: Ngô Đức Kỷ
Ngày nhận bài: 05/6/2021
Ngày phản biện khoa học: 10/6/2021
Ngày duyệt bài: 27/7/2021
Email: [email protected]
Điện thoại: 0936758595
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường (ĐTĐ) típ 2 là một bệnh rối loạn về chuyển hóa do sự kháng insulin, giảm tiết insulin, hoặc kết hợp cả hai. Cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ típ 2 rất phức tạp nhưng chủ yếu là kháng insulin và rối loạn bài tiết insulin.
Kháng insulin là đặc điểm nổi bật của ĐTĐ típ 2, kháng insulin là tình trạng suy giảm đáp ứng sinh học đối với insulin, biểu hiện thông thường bằng sự gia tăng nồng độ insulin trong máu. Đề kháng insulin dẫn đến giảm sử dụng glucose ở các mô và tăng sản xuất glucose từ gan. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tình trạng kháng insulin thường đi trước sự xuất hiện của các triệu chứng lâm sàng của ĐTĐ típ 2.
Khi nồng độ insulin không đủ để vượt qua tình trạng kháng gây tăng glucose máu mạn tính và bệnh ĐTĐ thực sự sẽ xuất hiện. Kháng insulin được xem là một trong những khiếm khuyết tiên phát đặt nền tảng cho sự xuất hiện bệnh ĐTĐ típ 2 [1]. Đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2. Nghệ An có rất ít đề tài đề cập về vấn đề này nên chúng tôi tiến hành nghiên cứu để có một tổng quan chung để so sánh với các khu vực khác trên cả nước.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu
Tất cả 105 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 được chẩn đoán và đang điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường – Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An. Thời gian từ tháng 01/2021 đến 04/2021.
Tiêu chuẩn loại trừ
– Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đang được điều trị với insulin.
– Bệnh nhân bị các biến chứng cấp tính của đái tháo đường: nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường huyết, nhiễm toan lactic.
- Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ típ 1.
- Mắc các bệnh cấp tính nặng như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim cấp, nhiễm trùng nặng, chấn thương, phẫu thuật.
- Bệnh nhân sử dụng các thuốc làm thay đổi tính nhạy cảm của insulin máu và gây tăng glucose máu (steroid, catecholamine, chẹn β, lợi tiểu).
2.3. Phương pháp nghiên cứu và cỡ mẫu Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện
2.4. Phương pháp tiến hành:
Các bước tiến hành nghiên cứu: Khám lâm sàng và làm các xét nghiệm lâm sàng như glucose máu, HbA1c, creatin, cholesterol, triglycerid, HDL-cholesterol, LDL – cholesterol, insulin, GOT, GPT. Hệ thống máy xét nghiệm COBAS 6000 của hãng Roche. Số liệu được xử lý theo SPSS 20.0.
2.5. Các tiêu chẩn được sử dụng trong nghiên cứu
- Chẩn đoán đái tháo đường típ 2 theo khuyến cáo Bộ Y tế năm 2017 [2]
- Chỉ số BMI, vòng eo và vòng hông theo tiêu chuẩn của WHO năm 2000 áp dụng cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
- Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp theo hội tim mạch Việt Nam.
- Chỉ số đề kháng insulin theo HOMA1-IR [3]:
Sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để nhập, phân tích và xử lý số liệu.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu
Bảng 1. Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu
Chỉ số | Đặc điểm | |
Tuổi (năm) | 66,82 | ± 12,6 |
Nam (%) | 54,3 | |
Nữ (%) | 45,7 | |
Vòng bụng nam (cm) | 80 | ± 7 |
Vòng bụng nữ (cm) | 77 | ± 6 |
Vòng bụng/Vòng hông (nam) | 0,85 | ± 0,05 |
Vòng bụng/Vòng hông (nữ) | 0,82 | ± 0,04 |
BMI (kg/m²) | 21,85 ± 2,6 | |
THA (%) | 29,6 | |
Glucose (mmol/l) | 10,78 ± 4,17 | |
HbA1c (%) | 8,83 | ± 2,62 |
Insulin (µUI/L) | 15,66 | ± 10,22 |
HOMA1-IR | 6,90 | ± 4,43 |
Cholesterol (mmol/l) | 4,57 | ± 1,15 |
Trigycerid (mmol/l) | 2,41 | ± 1,96 |
HDL-cholesterol (mmol/l) | 1,06 | ± 0,28 |
LDL-cholesterol (mmol/l) | 2,87 | ± 0,92 |
Nhận xét: Tất cả có 105 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, tuổi trung bình là 66,82 tuổi, trong đó không có sự khác biệt về giới nam và nữ ở trong nghiên cứu (p > 0,05). Không có sự khác biệt về chỉ số vòng bụng, tỷ lệ vòng bụng/vòng hông và BMI ở nam và nữ (p > 0,05). Tỷ lệ bệnh nhân THA là 29,6%. Nồng độ glucose máu lúc đói là 10,78 mmol/l, trung bình HbA1c là 8,83% và nồng độ insulin là 15,66 µUI/L. Chỉ số đề kháng insulin HOMA1-IR là 6,9.
3.2. Liên quan giữa HOMA1-IR với các chỉ số nhân trắc
Bảng 2. Liên quan giữa HOMA1-IR với các chỉ số nhân trắc
Chỉ số | r | p |
Vòng bụng | 0,286 | 0,03 |
Vòng bụng/Vòng hông | 0,221 | 0,02 |
BMI | 0,291 | 0,03 |
Nhận xét: Có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa HOMA1-IR với các chỉ số vòng bụng, tỷ lệ vòng bụng/vòng hông và chỉ số BMI (p < 0,05).
3.3. Mối tương quan giữa HOMA1-IR với HbA1c
Hình 1. Mối tương quan giữa HOMA1-IR với HbA1c
Nhận xét: Có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa HOMA1-IR và HbA1c với p < 0,05.
3.4. Mối liên quan giữa HOMA1-IR với các chỉ số lipid máu
Bảng 3. Mối liên quan giữa HOMA1-IR với các chỉ số lipid máu
Chỉ số | r | p |
Cholesterol | 0,229 | 0,01 |
Trigycerid | 0,177 | 0,07 |
HDL-cholesterol | – 0,225 | 0,02 |
LDL-cholesterol | 0,206 | 0,02 |
Nhận xét: Có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa HOMA1-IR với cholesterol và LDL-cholesterol (p < 0,05). Ngược lại có mối tương quan nghịch giữa HOMA1-IR với HDL-cholesterol (p < 0,05).
4. BÀN LUẬN
4.1. Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu
Tuổi trung bình của các bệnh nhân ĐTĐ típ 2 trong nghiên cứu của chúng tôi là 66,28 ± 12,6 (tuổi). Tỷ lệ ĐTĐ tương tự nhau cả hai giới. Trong nhóm bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ở nghiên cứu của chúng tôi nam là 57 bệnh nhân chiếm 54,3% và nữ là 48 bệnh nhân chiếm 45,7%. Nhìn chung lứa tuổi, phân bố giới ở nghiên cứu này cũng tương đồng các nghiên cứu đã thực hiện tại Việt Nam và nước ngoài [4],[5],[6]. Béo phì được coi là yếu tố trung tâm của hội chứng chuyển hóa, tình trạng kháng insulin và ĐTĐ. Đây là yếu tố góp phần vào quá trình tăng đề kháng insulin, làm bệnh ĐTĐ típ 2 phát triển [1]. Tỷ lệ vòng bụng/vòng hông (hay chỉ số bụng hông – WHR): không phải lượng mỡ mà chính sự phân bố mỡ là nguy cơ gây ra béo phì. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy vòng bụng được ưa chuộng hơn WHR trong đánh giá béo bụng [1]. Các chỉ số nhân trắc ở nghiên cứu này tương đồng với kết quả của các nghiên cứu trong nước đã công bố trước đây [4],[5]. Ngoài ra việc kiểm soát đường huyết, nồng độ insulin máu hay các chỉ số lipid máu cũng đề có tính tương đồng với các nghiên cứu ở Việt Nam trước đây, điều này phần nào phản ánh khách quan về kết quả của nghiên cứu này khi so sánh với các nghiên cứu đã được công bố.
4.2. Liên quan giữa HOMA1-IR với các chỉ số nhân trắc
Tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng, đi đôi với béo phì vòng bụng tăng lên và điều đó được coi là nhân tố quan trọng trong chẩn đoán ĐTĐ típ 2. Các mô mỡ dư thừa là nguồn phóng thích vào tuần hoàn các acid béo không este hóa, các cytokine và adiponectin.
Các yếu tố này làm tăng sự đề kháng insulin, tăng tạo khả năng gây viêm của nội mô mạch máu, tạo thuận lợi cho mảng xơ vữa hình thành và phát triển. Béo phì và kháng insulin có liên quan chặt chẽ với nhau. Người có BMI càng lớn khả năng kháng insulin càng tăng.
Nghiên cứu này cho thấy có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa vòng bụng, chỉ số vòng bụng/vòng hông và chỉ số BMI (p < 0,05). Kết quả nghiên cứu này tương tự như các nghiên cứu khác [6],[7],[8]. Điều này cho thấy rằng béo bụng, thừa cân/béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra bệnh ĐTĐ típ 2, đồng thời cũng là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh ĐTĐ típ 2.
Vì vậy trong quá trình chăm điều trị bệnh, chúng ta cần quan tâm tư vấn, điều chỉnh hoặc sử dụng các thuốc điều trị nhằm giảm hoặc hạn chế tăng cân cho bệnh nhân.
4.3. Mối liên quan giữa HOMA1-IR với HbA1c
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối tương quan thuận, mức độ nhẹ giữa chỉ số HOMA1-IR với HbA1c (r=0,199 và p= 0,042). Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của tác giả Ngô Thị Tuyết Nga cũng cho kết quả có mỗi tương quan thuận mức độ vừa giữa chỉ số HOMA1-IR với HbA1c (r=0,379, p= 0,001) [6], trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Dung cũng kết luận rằng HbA1c có liên quan tới chỉ số kháng insulin và chức năng tế bào β [5]. Tác giả Borona E cũng cho thấy có mối tương quan thuận giữa chỉ số HOMA1-IR với nồng độ HbA1c (r=0,314, p < 0,001) [8].
4.4. Mối liên quan giữa HOMA1-IR với các chỉ số lipis máu
Rối loạn lipid máu là biểu hiện thường gặp bệnh nhân ĐTĐ típ 2 và kháng insulin. Các bất thường lipoprotein đặc trưng liên quan đến kháng insulin bao gồm tăng triglycerid máu, tăng VLDL và giảm HDL [7].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên quan giữa kháng insulin với rối loạn lipid máu, đó là: tăng nồng độ cholesterol máu, giảm HDL-C và tăng LDL-C, có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tuy nhiên lại không thấy có mối liên quan giữa TG với chỉ số kháng insulin mặc dù tăng nồng độ TG là kiểu rối loạn điển hình nhất ở những người ĐTĐ. Điều này có thể lý giải do trong đối tượng nghiên cứu của chúng tôi đã có những bệnh nhân sử dụng thuốc hạ mỡ máu nên có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá mối liên quan giữa chỉ số kháng insulin với TG.
5. KẾT LUẬN
Như vậy, thừa cân/béo phì, đặc biệt béo bụng cũng như rối loạn lipid máu có liên quan đến đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Trong quá trình điều trị nên phối hợp kiểm soát cân nặng, điều trị rối loạn lipid máu là điều quan trọng để làm giảm thiểu được sự đề kháng insulin và các biến chứng tim mạch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tạ Văn Bình (2006). Bệnh đái tháo đường và Tăng glucose máu. Nhà xuất bản Y học.
- Bộ Y tế (2017). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2.
- Jonathan C Levy, David R Matthews and Michel P Hermans (1998), “Correct homeostasis model assessment (HOMA) evaluation uses the computer program”, Diabetes care, 21(12), pp.2191-2192.
- Nguyễn Thị Thùy Dung (2018), “Nghiên cứu tình trạng đề kháng insulin bằng chỉ số HOMA2 ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An”, Tạp chí Y học thực hành.
- Ngô Thị Tuyết Nga (2010), “Nghiên cứu tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 phát hiện lần đầu tại Bệnh viện Bạch Mai”, Luận văn thạc sỹ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
- Kohei Okita et al (2013), “Homeostasis model assessment of insulin resistance for evaluating insulin sensitivity in patients with type 2 diabetes on insulin therapy”, Endocr J, 60(3), pp.283-90.
- Châu Mỹ Chi (2018), “Khảo sát rối loạn lipid máu và các chỉ số xơ vữa mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2”, Tạp chí nội tiết và đái tháo đường, số 29/2018 , tr. 1859-4727.
- Borona E et al (2002), “HOMA-estimated insulin resistance is an independent predictor of cardiovascular disease in type 2 diabetic subjects”, Diabetes care, 25(7), pp.1135-1141.