Đặc điểm tế bào học và giải phẩu bệnh bướu giáp nhân đã phẫu thuật

ĐẶC ĐIỂM TẾ BÀO HỌC VÀ GIẢI PHẪU BỆNH
BƯỚU GIÁP NHÂN ĐÃ PHẪU THUẬT

Nguyễn Trúc Dung*, Trần Quang Nam*

ABSTRACT

Cytological and histological features

of operated thyroid nodule

Overview: Thyroid nodule is a common thyroid disease and may be a manifestation of goiter, thyroiditis and thyroid cancer. Risk factors for thyroid cancer depend on age, gender, history of radiation exposure, family history and other factors. The nature of thyroid nodules is determined by suggested clinical examination accompanied with benign or malignant characteristics using ultrasound. However, the true nature of thyroid nodule is only diagnosed by cytology and pathology. Since fine needle aspiration biopsy of thyroid nodule has been established, clinicians have chosen appropriate treatment method and have minimized unnecessary intervention for their patients. We conducted our study: “Cytological and histological features of operated thyroid nodule” in order to describe the ulsonographic, cytological, histological features of thyroid nodule and to examine the validity of fine needle aspiration biopsy. Objective: To describe clinical, cytological and histological features of patients with operated thyroid nodule. Method: The cross – sectional retrospective medical record of patients hosptilalized for thyroid nodules was conducted at Medical University hospital, Ho Chi Minh city from November 2016 through March 2017.Complete medical records with cytological and histological diagnosis were included and datawere collected to determine clinical features, ulsonographic findinds, cytological and histological diagnosis of  patients with thyroid nodules. Results: 397 patients (88.4 % female) had mean age of  43.7± 13.1 years. Proportion of multinodular goiter and solitary thyroid nodule were 52 % and 48 % respectively. Proportion of thyroid cancer was 38 %. In thyroid malignancy group,the rate of patient having painful was 3.3 %, difficulty swallowing 12.7 %, hoarseness 4.7 %, hypoechogenicity 5 %. Besides, the rate of thyroid nodules havingmicrocalcification was 44.7 %, solid characterictic 85.7 % and presentation of lymp node 44.7 %. Distribution ofthyroid cytological diagnosis groups based on Bethesda classification system was: group I with 12 cases (3 %), group II 179 cases (45 %), group III 53 cases (13.4 %), group V 82 cases (20.7 %), group VI 71 cases (17.9 %) and no case was found in group IV. Distribution of thyroid histological result was: goiter 44.8 %, papillary thyroid carcinoma 36.8 %, follicular thyroid adenoma 9.1 %. The positive predicted value, negative predicted value, sensitivity and specificity of fine needle aspiration were 100 %, 92 %, 78 % and 100 % respectively. Discussion: The sensitivity, specificity, positive predicted value and negative predicted value of fine needle aspiration biopsy are: 78 %, 100 %, 100 % and 92 % respectively. Comparing with different investigators like Le Minh Huy: 89 % and 100 %, Hua Thi Ngoc Ha: 84 % and 98 %, Nguyen Thi Chuc Bien: 96 % and 98 %, we conclude that fine needle aspiration biopsy has quite high sensitivity and specificity. The distribution of thyroid cytological resultsbased on Bethesda classification system is predominated by group II because oftaking samplein general hospital, similar to Park Jae Hyun and Santosh Komar’s results. However, the neoplasm and malignant group accounted for a high proportion inNguyen Thi Chuc Bien’s study because of her consecutivesampling on operated patients who had postoperative pathological diagnosis in Oncology Center.Comparing the cytological results with postoperative pathological results, similar to Nguyen Thi Chuc Bien, our result shows that group VI has a highest proportion of matching result with postoperative pathological diagnosis. Group III is an atypical group consequently corresponds to various postoperative pathological results. The malignant prevalence is predominated in “malignant group” and this result correspond to several studies like Nguyen Thi Chuc Bien, Bongiovanni, Onder S., Santosh K. However, the malignant prevalence of group I and III vary depending on different studies so that missing these groups will lead to get high false negative prevalence. Ultrasound examination show the significant difference between “cancer group” and “non – cancer group”, especially some characteristics of thyroid nodule such as solidity, hypoechogenicity, microcalcification and lympho node presentation are predominated in “cancer group”. In addition,  our results is appropriated to the others of Lam Van Hoang, Alfonso E., Campanella P. Conclusion:In summary, clinical examination and ultrasound assessementof patients with thyroid nodules are necessary step to considerthyroid nodules’s nature and to guide clinicians in thyroidfine needle aspiration indication. With high positive predicted value, negative predicted value, sensitivity and specificity (100 %, 92 %, 78 % and 100 % respectively), fine needle aspiration will become an ideal technique for thyroid cytological diagnosis and managingpatients with thyroid nodules.

Key words: cytology, thyroid nodule

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Bướu giáp nhân là bệnh lý tuyến giáp phổ biến, nhân giáp có thể là biểu hiện của phình giáp, viêm giáp, ung thư tuyến giáp. Yếu tố nguy cơ của ung thư giáp phụ thuộc vào tuổi, giới, tiền sử có tiếp xúc tia xạ, tiền sử gia đình và những yếu tố khác. Để xác định bản chất nhân giáp, khám lâm sàng chỉ gợi ý, siêu âm giúp phân biệt những đặc điểm lành tính và ác tính của nhân giáp. Tuy nhiên, bản chất thật sự của nhân giáp chỉ được chẩn đoán bằng kết quả tế bào học và giải phẫu bệnh. Từ khi kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ ra đời và được ứng dụng phổ biến, nhà lâm sàng đã lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân và giảm thiểu tối đa những can thiệp không cần thiết. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đặc điểm tế bào học và giải phẫu bệnh bướu giáp nhân đã phẫu thuật” nhằm mô tả đặc điểm siêu âm, tế bào học và giải phẫu bệnh của nhân giáp. Qua đó, chúng tôi khảo sát giá trị chẩn đoán của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ đối với bướu giáp nhân. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm tế bào học và giải phẫu bệnh của nhân giáp trên bệnh nhân có bướu giáp nhânđã phẫu thuật. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang hồi cứu trên những bệnh nhân có bướu giáp nhân được phẫu thuậttại bệnh việnĐại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 03 năm 2017.Ghi nhận từ hồ sơ bệnh án các biến số về đặc điểm lâm sàng, siêu âm, kết quả tế bào học và giải phẫu bệnh của nhân giáp trong đó, kết quả giải phẫu bệnh được xem là tiêu chuẩn vàng. Kết quả: Có 397 bệnh nhân(nữ88,4 %). Tuổi trung bình: 43,7± 13,1(năm). Số trường hợp bướu giáp đa nhân và đơn nhân lần lượt là 254trường hợp (64 %) và 143 trường hợp (36 %). Tỉ lệ ung thư giáp là 38 %. So sánh giữa hai nhóm ung thư giáp và không ung thư giáp, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về những đặc điểmsiêu âm sau: nhân phản âm kém 87,9 % so với 34,9 %, vi vôi 44,7 % so với 4,9 %, nhân đặc 85,7 % so với 16 % và hiện diện của hạch 44,7 % so với 8,9 %. Kết quảtế bào học tuyến giáp theo hệ thống phân loại Bethesda: nhóm I có 12 trường hợp (3 %), nhóm II có 179 trường hợp (45 %), nhóm có III 53 trường hợp (13 %), nhóm IV không cótrường hợpnào, nhóm V có 82 trường hợp (21 %) và nhóm VIcó 71 trường hợp(18 %).Kết quả giải phẫu bệnh: phình giáp 44,8 %, carcinôm tuyến giáp dạng nhú 36,8 %, u dạng túi tuyến 9,1%. Giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm, độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ lần lượt là 100 %, 92 %, 78% và 100 %. Bàn luận: Khảo sát về giá trị của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, chúng tôi ghi nhận độ nhạy là 78 %, độ đặc hiệu là 100 %, giá trị tiên đoán dương là 100 % và giá trị tiên đoán âm là 92 %. So sánh về độ nhạy và độ đặc hiệu với những tác giả khác như Lê Minh Huy: 89 % và 100%, Hứa Thị Ngọc Hà: 84 % và 98 %, Nguyễn Thị Chúc Biên: 96 % và 98 %, chúng tôi ghi nhận kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ có độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao. Về đặc điểm phân bố kết quả tế bào học, tỉ lệ phân bố nhóm II trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm ưu thế hơn các nhóm còn lại do chúng tôi lấy mẫu ở bệnh viện đa khoa, tương tự như các tác giả Park Jae Hyun và Santosh Komar. Trong khi đó, nhóm tân sinh và ác tính chiếm tỉ lệ cao trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên do tác giả chọn mẫu thuận tiện, ưu tiên lấy mẫu trên bệnh nhân đã được phẫu thuật và có kết quả giải phẫu bệnh ở trung tâm Ung Bướu. Đối chiếu kết quả tế bào học với kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật, kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả của tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên với nhóm VI có tỉ lệ phù hợp cao với kết quả giải phẫu bệnh, nhóm III là nhóm không điển hình nên có tỉ lệ phân bố kết quả giải phẫu bệnh rộng, nhóm IV chúng tôi không ghi nhận được trường hợp nào. Tỉ lệ ác tính chiếm cao nhất ở nhóm “ác tính”, kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước như của tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên, Bongiovanni,OnderS,Santosh K. Tỉ lệ ác tính của nhóm I và III thay đổi tùy theo từng nghiên cứu.Vì vậy, nếu chúng ta bỏ qua hai nhóm chẩn đoán này có thể dẫn đến tỉ lệ âm tính giả cao và hai nhóm thuật ngữ này không có trong các bảng phân loại trước đó, cho thấy đây là một bước tiến của hệ thống phân loại Bethesda. Về đặc điểm siêu âm của nhân giáp, có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa những đặc điểm như mật độ cứng, phản âm kém, vi vôi, nhân đặc, sự hiện diện của hạch trên siêu âm trong nhóm ung thư giáp so với nhóm không ung thư giáp. Kết quả này phù hợp với các tác giả Lâm Văn Hoàng, Alfonso E, Campanella P. Kết luận: Những đặc điểm siêu âm của nhân giáp như phản âm kém, vi vôi, nhân dạng đặc và sự hiện diện của hạch đều là những đặc điểm gợi ý ác tính.Giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm, độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ lần lượt là 100 %, 92 %, 78 % và 100%

Từ khóa: tế bào học, bướu giáp nhân.

Chịu trách nhiệm chính:Nguyễn Trúc Dung

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1.ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Bướu giáp nhân là bệnh lý tuyến giáp phổ biến, nhân giáp có thể là biểu hiện của phình giáp, viêm giáp, ung thư tuyến giáp… Tỉ lệ nhân giáp sờ thấy chiếm 5% ở nữ và 1% ở nam sống tại những vùng thiếu hụt iod trên thế giới(19,20). Ngược lại, tỉ lệ nhân giáp phát hiệntrên siêu âm chiếm 19% – 68%, tần suất này cao hơn ở phụ nữ và những người lớn tuổi(6,17).

Yếu tố nguy cơ của ung thư giáp phụ thuộc vào tuổi, giới, tiền sử có tiếp xúc tia xạ, tiền sử gia đình và những yếu tố khác(7,11).Theo Globocan năm 2008, tỉ suất ung thư tuyến giáp tại Việt Nam là 1/100.000 dân với cả hai giới nhưng đến năm 2012 là 2,5/100.000 dân (5,13). Để xác định bản chất nhân giáp, khám lâm sàng chỉ gợi ý, siêu âm giúp phân biệt bướu dạng nang hay đặc, bướu đặc thường dễ có khả năng ung thư hơn; nhưng ung thư tuyến giáp dạng nhú cũng có thể thoái hóa thành nang có vách tương đối dày và không đều(1). Tuy nhiên, bản chất thật sự của nhân giáp chỉ được chẩn đoánbằng kết quả tế bào học và giải phẫu bệnh.

Năm 1930, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim số 18 được thực hiện trên quy mô lớn tại Bệnh viện Memorial, New York. Tuy nhiên, kỹ thuật này không được triển khaiphổ biến ở Hoa Kỳ. Năm 1960, kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏđược giới thiệu ở Scandinavia và ngày nay, kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trên thế giới để hỗ trợ chẩn đoán bản chất lành hay ác tính của nhân giáp. Qua đó, nhà lâm sàng sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân và giảm thiểu tối đa những can thiệp không cần thiết.

Chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đặc điểm tế bào học và giải phẫu bệnh bướu giáp nhân đã phẫu thuật” nhằm mô tả đặc điểm siêu âm, tế bào học và giải phẫu bệnhcủa nhân giáp. Qua đó, chúng tôi khảo sátgiá trị chẩn đoán của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏđối với bướu giáp nhân.

2. ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hồi cứu cắt ngang được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 03 năm 2017.

Đối tượng nghiên cứu: Tất cả bệnh nhân có bướu giáp nhân đến khám và được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 11 năm 2016.

Tiêu chuẩn chọn bệnh: Chọn hồ sơ bệnh án của nhữngbệnh nhân có bướu giáp nhân đã được phẫu thuật và có đầy đủ kết quả tế bào học, giải phẫu bệnh.

Tiêu chuẩn loại trừ: Kết quả giải phẩu bệnh là ung thư di căn, lymphôm tuyến giáp hoặc hồ sơ không đủ dữ liệu nghiên cứu.

Quy trình thực hiện nghiên cứu: Đầu tiên, xác địnhtất cả mã số nhập viện của bệnh nhân được phẫu thuật bướu giáp nhân từ ngày 20 tháng 11 năm 2015 đến ngày 20 tháng 11 năm 2016. Bản danh sách gồm 412 bệnh nhânđược trình cho Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp để xin tiến hành thuthập hồ sơ bệnh án lưu trữ. Hồ sơ nào thỏa tiêu chuẩn chọn bệnh và không thỏa tiêu chuẩn loại trừ sẽ được đưa vào nghiên cứu. Các biến số được thu thập từ hồ sơ bệnh án bao gồm:

Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng nhưtuổi (năm), giới tính, triệu chứng đau, nuốt vướng, khàn giọng, mật độ và tính di động của nhân giáp, nồng độ hormon giáp, nồng độ calci máu, đặc điểm siêu âm về loại bướu giáp nhân, dạng, kích thước, đường kính, đặc tính phản âm, sự vôi hóa của nhân giáp và sự hiện diện của hạch vùng.

Kết quả tế bào học nhân giáp và phân nhóm tế bào học theo hệ thống phân loại Bethesda:

  • Nhóm I : Không thể chẩn đoán
  • Nhóm II: Biểu mô tuyến giáp lành tính, viêm giáp Hashimoto, nang giáp, phình giáp
  • Nhóm III: Tổn thương dạng túi tuyến
  • Nhóm IV: U dạng túi tuyến hoặc nghi ngờ u dạng túi tuyến
  • Nhóm V: Nghi ngờ carcinôm tuyến giáp dạng nhú
  • Nhóm VI: Carcinôm tuyến giáp dạng nhú, carcinôm tuyến giáp dạng nhú biến thể nang, carcinôm tuyến giáp kém biệt hóa, carcinôm tuyến giáp không biệt hóa.

Từ sáu nhóm tế bào học kể trên, chúng tôi tổng hợp thànhhai nhóm chính là nhómkhông ung thư gồm nhóm I, II, III, IV và nhóm ung thư là nhóm VI. Những trường hợp trong nhóm Vsẽ được sinh thiết lạnh trong lúc phẫu thuật để chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Kết quả giải phẫu bệnh nhân giáp gồm biểu mô tuyến giáp lành tính, nang giáp, phình giáp, viêm giáp Hashimoto, viêm giáp bán cấp, u tuyến túi của tuyến giáp, u tế bào Hurthle – thuộc nhóm không ung thư. Carcinôm tuyến giáp dạng nhú, carcinôm tuyến giáp dạng nhú biến thể nang, carcinôm tuyến giáp kém biệt hóa, carcinôm tuyến giáp không biệt hóa – thuộc nhóm ung thư.

Phương pháp phân tích số liệu

Nhập và xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê SPSS 22.0. Biến số định lượng sẽ được kiểm tra tính phân phối chuẩn, được trình bày dưới dạng trung bình và độ lệch chuẩn hoặc trung vị và khoảng tứ phân vị. Phép kiểm T dùng để so sáng hai trung bình giữa các biến số định lượng có phân phối chuẩn.

Phép kiểm Mann – Whitney dùng để so sánh hai trung bình giữa các biến số định lượng có phân phối không chuẩn.Phép kiểm Chi bình phương để phân tích mối liên hệ giữa hai biến định tính. Phân tích được xem là có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

Với kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật là tiêu chuẩn vàng, giá trị của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ được khảo sát qua những thông số sau: giá trị tiên đoán dương, giá tri tiên đoán âm, độ nhạy và độ đặc hiệu, được tính bằng công thức:

  • Giá trị tiên đoán dương = dương thật / (dương thật + dương giả)
  • Giá trị tiên đoán âm = âm thật / ( âm thật + âm giả )
  • Độ nhạy của xét nghiệm = dương thật / (dương thật + âm giả)
  • Độ đặc hiệu của xét nghiệm = âm thật / (âm thật + dương giả).

Trong đó, dương tính thật là số trường hợp có kết quả tế bào học ung thư và kết quả giải phẫu bệnh ung thư, dương tính giả là số trường hợp có kết quả tế bào học ung thư nhưng kết quả giải phẫu bệnh không ung thư.

Âm tính thật là số trường hợp có kết quả tế bào học không ung thư và kết quả giải phẫu bệnh không ung thư và âm tính giả là số trường hợp có kết quả tế bào học không ung thư nhưng kết quả giải phẫu bệnh ung thư.

3. KẾT QUẢ

Trong412 hồ sơ của bệnh nhân có bướu giáp nhân được phẫu thuật có 397 hồ sơ thỏa tiêu chuẩn chọn bệnh. Mười lăm hồ sơ không được nhận vào nghiên cứu, trong đó mười trường hợpkhông có hồ sơ lưu trữ, ba trường hợp không có kết quả giải phẫu bệnh và hai trường hợp không có kết quả tế bào học.

Bảng 1: Đặc điểm cơ bản của bệnh nhân có bướu giáp nhân

TB: Trung bình, ĐLC: Độ lệch chuẩn

Tuổi trung bình là 43,7± 13,1 (năm), nữ chiếm ưu thế so với nam. Tỉ lệ bệnh nhân có bướu giáp đa nhân chiếm ưu thế so với đơn nhân, tỉ lệ ung thư tuyến giáp là 38%. Những đặc điểm lâm sàng thường gặp là khám nhân giáp có mật độ cứng và nuốt vướng.

Bảng 2: Đặc điểm siêu âm của bệnh nhân có bướu giáp nhân

Đặc điểm phản âm kém, vi vôi, nhân đặc, sự hiện diện của hạch đều chiếm ưu thế trong nhóm ung thư giáp so với nhóm không ung thư giáp một cách có ý nghĩa thống kê.

Bảng 3: Đặc điểm phân bố kết quả tế bào học tuyến giáp theo hệ thống phân loại Bethesda

Trước khi phẫu thuật, 397 bệnh nhân đều được tiến hành kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ và kết quả tế bào học nhân giáp được trình bày trong bảng 3. Qua đó, ghi nhận nhóm II chiếm tỉ lệ cao nhất với 179 trường hợp (45 %), kế đến là nhóm V 82 trường hợp (21 %), nhóm VI 71 trường hợp (18 %), nhóm III 53 trường hợp (13 %), cuối cùng là nhóm I 12 trường hợp (3 %) và nhóm IV không có trường hợp nào (Bảng 3)

Bảng 4: Đối chiếu kết quả tế bào học và kết quả giải phẫu bệnh tuyến giáp

Sau khi phẫu thuật, kết quả tế bào học được đối chiếu với kết quả giải phẫu bênh trong bảng 4. Trong đó, nhóm VI có tỉ lệ phù hợp cao nhất với kết quả giải phẫu bênh, nhóm III có tỉ lệ phân bố kết quả giải phẫu bệnh rộng, nhóm IV không ghi nhận trường hợp nào (Bảng 4)

Bảng 5: Tương quan giữa kết quả tế bào học và kết quả giải phẫu bệnh tuyến giáp

Kết quả tế bào học: ung thư giáp là nhóm VI; không ung thư giáp gồm nhóm I, II, III và IV.

Kết quả giải phẫu bệnh: ung thư bao gồm carcinôm tuyến giáp dạng nhú, carcinôm tuyến giáp dạng nhú biến thể nang, carcinôm tuyến giáp kém biệt hóa, carcinôm tuyến giáp không biệt hóa; không ung thư bao gồm biểu mô tuyến giáp lành tính, nang giáp, phình giáp, viêm giáp Hashimoto, viêm giáp bán cấp, u tuyến túi của tuyến giáp, u tế bào Hurthle.

Bảng 5 được thành lập dựa trên phân tích mối tương quan giữa kết quả tế bào học và kết quả giải phẫu bệnh nhân giáp. Chúng tôi tổng hợpnămnhóm kết quả tế bào học thành hai nhóm “ung thư” và “không ung thư”; các kết quả giải phẫu bệnh nhân giáp cũng được tổng hợp thành hai nhóm “ung thư” và “không ung thư”. Sau khi phân tích, ghi nhậnsố trường hợp dương tính thật là: 71, dương tính giả là: 0, âm tính thật là: 224, âm tính giả là: 20. Từ đó, giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm, độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏlần lượt là 100 %, 92 %, 78 % và 100 %.

82 trường hợp thuộc nhóm V “nghi ngờ carcinôm tuyến giáp dạng nhú” khó xác định chắc chắn bản chất là ung thư nên không được tổng hợp để phân tích trong bảng 5.Những trường hợp này được phân tích riêng và ghi nhận  có 10 trường hợp không ung thư, chiếm tỳ lệ 12.2 % và có 72 trường hợp ung thư, chiếm tỷ lệ 87.8 %

4. BÀN LUẬN

Khảo sát về giá trị của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, chúng tôi ghi nhận độ nhạy là 78 %, độ đặc hiệu là 100 %. So sánh với những tác giả khác như Lê Minh Huy: 89 % và 100%(10);  Hứa Thị Ngọc Hà: 84 % và 98 %(8); Nguyễn Thị Chúc Biên: 96 % và 98 %(14)… Chúng tôi nhận thấy kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ có độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao.

Về đặc điểm phân bố kết quả tế bào học, trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên, nhóm tân sinh và ác tính chiếm tỉ lệ cao do tác giả chọn mẫu thuận tiện, ưu tiên lấy mẫu trên bệnh nhân đã được phẫu thuật và có kết quả giải phẫu bệnh ở trung tâm Ung Bướu(14). Trong khi đó, chúng tôi lấy mẫu ở bệnh viện đa khoa giống như các tác giả Park Jae Hyun và Santosh Komar nên tỉ lệ phân bố nhóm II chiếmưu thế, các nhóm còn lại chiếm tỉ lệ thấp hơn(12,16).

Đối chiếu kết quả tế bào học với kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật, kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả của tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên với nhóm VI có tỉ lệ phù hợp cao với kết quả giải phẫu bệnh, nhóm III là nhóm không điển hình nên có tỉ lệ phân bố kết quả giải phẫu bệnh rộng. Nhóm IVkhông ghi nhận được trường hợp nào nhưng tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên ghi nhận phân bố kết quả giải phẫu bệnh nhóm IV nằm trong dự đoán nhóm tân sinh dạng nang/tân sinh dạng nang loại tế bào Hurthle(14). Tỉ lệ ác tính chiếm cao nhất ở nhóm “ác tính”. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước như của tác giả Nguyễn Thị Chúc Biên, Bongiovanni,OnderS,Santosh K.(3,12,14,15).

Trong khi đó, tỉ lệ ác tính của nhóm I và III thay đổi tùytheo từng nghiên cứu.Nếu chúng ta bỏ qua hai nhóm chẩn đoán này có thể dẫn đến tỉ lệ âm tính giả cao và hai nhóm thuật ngữ này không có trong các bảng phân loại trước đó, cho thấy đây là một bước tiến của hệ thống phân loại Bethesda.

Về đặc điểm lâm sàng và đặc điểm siêu âm của mẫu nghiên cứu, không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa triệu chứng đau, khàn giọng với ung thư giáp. Kết quả này phù hợp với tác giá Lâm Văn Hoàng(9), Trần Quốc Luận(18).

Có thể vì triệu chứng đau và khàn giọng là những triệu chứng chủ quan và hay gặp trong nhiều bệnh lý phối hợp. Tuy nhiên, có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa những đặc điểm như mật độ cứng, phản âm kém, vi vôi, nhân đặc, sự hiện diện của hạch trên siêu âm với ung thư giáp so với nhóm không ung thư giáp. Kết quả này phù hợp với các tác giả Lâm Văn Hoàng, Alfonso E, Campanella P(2,4,9).

5. KẾT LUẬN

Nghiên cứu 397 trường hợp bệnh nhân có bướu giáp nhân đến khám và được phẫu thuật tại bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh từ tháng 11/2015 đến tháng 11/2016, chúng tôi ghi nhận những đặc điểm của nhân giáp như phản âm kém, vi vôi, nhân dạng đặc và sự hiện diện của hạch trên siêu âmlà những đặc điểm gợi ý ác tính. Với tiêu chuẩn vàng là kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật,giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm, độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ lần lượt là 100 %, 92 %, 78 % và 100 %.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Abdel NH, Falko JM et al. (1984), “Solitary cold thyroid nodule: cost-ineffectiveness of ultrasonography”,Southern medical journal, 77(9):1146-1148.
  2. Alfonso E, Sanabria A et al. (2011), “Surgeons overestimate the risk of malignancy in thyroid nodules, evaluation of subjective estimates using a bayesian analysis”,Biomedica, 31(4):600-608.
  3. Bongiovanni M, Spitale A et al. (2012), “The Bethesda system for reporting thyroid cytopathology: a meta-analysis”,Acta cytologica, 56(4):333-339.
  4. Campanella P, Ianni F et al. (2014), “Quantification of cancer risk of each clinical and ultrasonographic suspicious feature of thyroid nodules: a systematic review and meta-analysis”,European journal of endocrinology, EJE-13-0995.
  5. Ferlay J, Soerjomataram I et al. (2015), “Cancer incidence and mortality worldwide: sources, methods and major patterns in GLOBOCAN 2012”,International journal of cancer, 136 (5).
  6. Guth S, Theune U et al.(2009), “Very high prevalence of thyroid nodules detected by high frequency (13 MHz) ultrasound examination”,European journal of clinical investigation, 39(8): 699-706.
  7. Hegedüs L et al.(2004), “The thyroid nodule”,New England Journal of Medicine, 351(17):1764-1771.
  8. Hứa Thị Ngọc Hà, Đoàn Thị Phương Thảo và cs.(2003), “Đối chiếu siêu âm tế bào học giải phẫu bệnh các nhân giáp”, Tạp Chí Y Học Thành Phố Hồ Chí Minh – Chuyên đề giải phẫu bệnh, 7(3):57-63.
  9. Lâm Văn Hoàng, Nguyễn Thy Khuê (2004), “Đối chiếu lâm sàng, tế bào học và giải phẫu bệnh trên bệnh nhân bướu giáp nhân”,Luận Văn Thạc Sĩ Y Khoa, Trường Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
  10. Lê Minh Huy, Nguyễn Sào Trung và cs.(2009), “Đối chiếu tế bào học – giải phẫu bệnh nhân giáp”, Tạp Chí Y Học Tp. Hồ Chí Minh-Chuyên đề giải phẫu bệnh,13(3):58-63.
  11. Mandel SJ et al. (2004), “A 64-year-old woman with a thyroid nodule”,Jama, 292(21):2632-2642.
  12. Mondal SK, Sinha Set al.(2013), “The Bethesda system for reporting thyroid fine needle aspirates: A cytologic study with histologic follow-up”,Journal of Cytology/Indian Academy of Cytologists, 30(2): 94.
  13. Moore MA, Attasara P et al.(2010), “Cancer epidemiology in mainland South-East Asia-past, present and future”,Asian Pac J Cancer Prev, 11(2): 67-80.
  14. Nguyễn Thị Chúc Biên, Ngô Quốc Đạt và cs.(2015), “Áp dụng hệ thống phân loại Bethesda trong chẩn đoán tế bào học tuyến giáp”,Tạp Chí Y Học Tp. Hồ Chí Minh – Chuyên đề giải phẫu bệnh, tập 19:71-77
  15. Önder S, Firat P et al.(2014), “The Bethesda system for reporting thyroid cytopathology: an institutional experience of the outcome of indeterminate categories”,Cytopathology, 25(3):177-184.
  16. Park JH, Kim HKet al.(2012), “Second opinion in thyroid fine-needle aspiration biopsy by the Bethesda system”,Endocrine journal, 59(3):205-212.
  17. Tan GH, Gharib H et al.(1997), “Thyroid incidentalomas: management approaches to nonpalpable nodules discovered incidentally on thyroid imaging”,Annals of internal medicine, 126(3): 226-231.
  18. Trần Quốc Luận, Nguyễn Thy Khuê (2008), “Đối chiếu lâm sàng, tế bào học và giải phẫu bệnh học bướu giáp nhân”,Luận Văn Chuyên Khoa II – Trường Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
  19. Tunbridge WMG, Evered DC et al.(1977), “The spectrum of thyroid disease in a community: the Whickham survey”,Clinical endocrinology, 7(6):481-493.
  20. Vander JB, Gaston EA et al.(1968), “The significance of nontoxic thyroid nodules : Final Report of a 15-Year Study of the Incidence of Thyroid Malignancy”,Ann Intern Med, 69:537 – 540.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …