Đánh giá kết quả điều trị sớm ung thư tuyến giáp bằng phẩu thuật tại ngoại khoa chung Bệnh viện nội tiết trung ương 2018

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ SỚM UNG THƯ TUYẾN GIÁP

BẰNG PHẪU THUẬT TẠI KHOA NGOẠI CHUNG BỆNH VIỆN

NỘI TIẾT TRUNG ƯƠNG NĂM 2018

PGS. TS. Trần Ngọc Lương, BS CK II Nguyễn Tiến Lãng,

TS Đinh Văn Trực, ThS Phạm Bá Tuân, BS Nguyễn Ngọc Huân

ABSTRACT

Evaluating early results of surgical treatment in thyroid carcinoma at  General Surgery Department – National Hospital of Endocrinology

Aim:Describing the clinical, subclinical characteristics and evaluating early results ofearly surgical treatment for thyroid cancer in The Department of General Surgery  – National Hospital of Endocrinology.Materials and methods: 753 thyroid cancer cases were operated in The Department of General Surgery- National Hospital of Endocrinology between January 1st,2018 and December 31 st,2018.Results:Median age:42,7 ± 13,5 years, common age: 30-44 years(40,4%); female/male: 696/57 ≈ 12,2/1; history of Graves’ disease: 2,7%.Time before to detect disease: <12 months: 82,1%, 74,1% self –exam neck mass, 25,9% were detected by healthyscreening. Symptoms: dysphagia and hoarseness: 31,2% và 2,4%. Nodules examine: hard density: 93,5%; clear boderline 90,3%; moveable 95,2%. Lymph nodesexam22,4%; included 91,1% ipsilateral, hard density 95,3%; movealbe 96,4%. Nodules in ultrasound: multinodules is 67,7%; size of nodule < 20mm is79,2%; tirads 4: 93,8%(tirads 4b: 50,6%). Ipsilateral lymph nodes in ultrasound: 76,2%; size of lymph node ≤ 10mm is 51,1%. High Tg level in 63,2%. Positive FNA: 76,0%; suspicious cancer 12,9%; positive frozen section:95,8%. Pathologist(pathology) results: PTC: 97,7%; FTC: 1,7%; MTC: 0,4% and anaplastic 0,1%.  T1, T2 stage: 88,2%; stage I: 60,3%; stage IV 16,7%. Procedures: total thyroidectomy 71,8%; lobectomy 28,2%. Neck dissection 57,9%; In surgery:Bleeding 0,1%, Injury recurrent nerve 0,5%. Complications after surgery: hoarseness is a common symptom inthe 1st post-operative day: 2,7%; after 1 week: 1,5%; after 3 months: 0,5%. Hypocalcemia is a common symptom inthe 3rd post-operative day 4,1%, after decreasing and  stability before dicharged from the hospital;permanent hypocalcemia: 0%. Chyle Leakage1,1 %, there are 2 case must reoperative surgery to close Leakage.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị sớm ung thư tuyến giáp bằng phẫu thuật tại Khoa Ngoại chung – Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 753 trường hợp ung thư tuyến giáp được điều trị phẫu thuật tại Khoa Ngoại Chung – Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2018. Kết quả: Độ tuổi trung bình là 42,7 ± 13,5 tuổi, hay gặp nhất là 30-44 tuổi chiếm 40%; tỷ lệ nữ/nam = 696/57 ≈ 12,2/1; tiền sử bệnh basedow 2,7%. Thời gian phát hiện bệnh dưới 12 tháng 82,1%; 74,1% trường hợp tự sờ thấy khối vùng cổ; 25,9% trường hợp phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ; triệu chứng nuốt vướng và khàn tiếng chiếm 31,2% và 2,4%. Khám thấy u87,8%; mật độ cứng chắc 93,5%; ranh giới rõ 90,3%; di động dễ 95,2%. khám thấy hạch cổ 22,4%; trong đó 91,1% hạch cổ cùng bên, mật độ cứng chắc 95,3%; di động dễ 96,4%. Siêu âm u hai thùy 58,6%; đa u 67,7%; kích thước u < 20mm chiếm 79,2%; tirads 4 chiếm tỷ lệ cao 93,8% trong đó tirads 4b chiếm 50,6%. Tỷ lệ phát hiện hạch nghi ngờ trên siêu âm là 31,2%; đa số là hạch cổ cùng bên (76,2%); kích thước hạch ≤ 10mm 51,1%. Nồng độ Tg tăng chiếm 63,2%. Tỷ lệ chọc tế bào dương tính 76,0%; nghi ngờ 12,9%; cắt lạnh dương tính 95,8%. Mô bệnh học thể nhú, nhú nang 97,7%; thể nang 1,7%; thể tủy 0,4% và thể không biệt hóa 0,1%. Khối u T1, T2 chiếm 88,2%; Giai đoạn I chiếm 60,3%; giai đoạn IV là 16,7%. Phương pháp phẫu thuật: cắt toàn bộ tuyến giáp 71,8%; cắt 1 thùy + eo 28,2%; nạo vét hạch cổ 57,9%. Tai biến chảy máu trong mổ 0,1%, tổn thương TKTQ 0,5%. Biến chứng gặp chủ yếu trong ngày đầu là khàn tiếng 2,7%; sau tuần đầu giảm còn 1,5%; sau 3 tháng còn 0,5%. Hạ canxi chủ yếu xảy ra trong ngày thứ 3 sau mổ (4,1%) sau đó giảm dần và ổn định khi ra viện; không có trường hợp nào suy cận giáp vĩnh viễn. Tỷ lệ rò dưỡng chấp là 1,1% trong đó 2 trường hợp phải đóng đường rò.

Chịu trách nhiệm chính:Nguyễn Tiến Lãng

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1.ĐẶT VẤN ĐỀ:

Ung thư tuyến giáp (UTTG) là bệnh ác tính thường gặp nhất của hệ nội tiết.  Những nghiên cứu gần đây tại Mỹ ghi nhận có khoảng 63.000 trường hợp ung thư biểu mô tuyến giáp được báo cáo hàng năm, tăng 25% trong 3 năm qua [1].Tại Việt Nam tỷ lệ mắc UTTG có xu hướng gia tăng. Báo cáo thống kê tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2016 có 1327/6433 ca UTTG (20,62%), năm 2017 có 2526/7883 ca UTTG (32,04%), năm 2018 có 3757/9199 ca UTTG (40,84%).

Về nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân UTTG trong những năm gần đây thật sự chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tại Mỹchẩn đoán thường xuất phát từ việc kiểm tra nhân tuyến giáp. Dữ liệu từ nghiên cứu Framingham cho thấy các nhân tuyến giáp có thể sờ thấy ở 4% dân số, nhưng các nhân không sờ thấy có thể tồn tại trong 67% dân số. Các nhân như vậy thường được phát hiện ngẫu nhiên khi các phương thức hình ảnh ngày càng được sử dụng thường xuyên tại các cơ sở y tế. Phần lớn các nhân tuyến giáp đều lành tính, nhân có nguy cơ bị ung thư chiếm khoảng 5% đến 15% [1].

Phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò quyết định trong điều trị UTTG. Ngày nay việc ứng dụng rộng rãi công nghệ cao, cùng với kinh nghiệm của phẫu thuật viên đã góp phần làm cho việc phẫu thuật UTTG ngày càng đạt đến độ hoàn chỉnh, tỷ lệ tai biến, biến chứng cũng giảm thiểu một cách đáng kể.

Về phương pháp phẫu thuật cho tới nay còn một số quan điểm khác nhau nhất là với UTTG thể biệt hóa, vấn đề chỉ cắt bỏ thùy giáp, cắt gần TBTG hay cắt TBTG ± nạo vét hạch cổ còn nhiều tranh luận.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương việc chỉ định phẫu thuật UTTG dựa trên các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm về sinh hóa, tế bào học, chẩn đoán hình ảnh, yếu tố nguy cơ, đánh giá tổn thương trong mổ theo hướng dẫn của Hiệp hội tuyến giáp Hoa kỳ (ATA), mạng lưới ung thư toàn diện quốc gia (NCCN) và Hiệp hội các nhà lâm sàng học học Mỹ (AACE)để áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với từng trường hợp cụ thể.

 

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

2.1. Đối tượng nghiên cứu:   

Gồm tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán xác định về mô bệnh học là UTTG được điều trị phẫu thuật tại khoa Ngoại chung – Bệnh viện Nội tiết TW từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2018, có đủ các tiêu chuẩn chọn mẫu nghiên cứu.

  • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

– Có chẩn đoán mô bệnh học sau phẫu thuật: UT biểu mô tuyến giáp.

– Được điều trị bằng phẫu thuật tại khoa Ngoại Chung.

– Không mắc bệnh ung thư khác.

– Có thông tin sau điều trị.

– Có hồ sơ lưu trữ đầy đủ.

  • Tiêu chuẩn loại trừ:

– Bệnh nhân đã phẫu thuật tại tuyến trước.

– Bệnh nhân cũ đến điều trị vì tái phát, di căn.

– Bệnh nhân mắc bệnh nội khoa nặng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Thiết kế nghiên cứu:Phương pháp nghiên cứu mô tả.

Cỡ mẫu: Tất cả các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nghiên cứu trong thời gian từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2018. Qua thu thập bệnh nhân và hồ sơ bệnh án có 847 trường hợp UTTG điều trị phẫu thuật tại khoa Ngoại chung, trừ những bệnh nhân không đủ tiêu chuẩn chúng tôi chọn vào mẫu nghiên cứu tất cả là 753 bệnh nhân.

Phương pháp thu thập số liệu:Tất cả bệnh nhân UTTG đủ tiêu chuẩn nghiên cứu được thu thập thông tin theo một mẫu bệnh án thống nhất gồm các chỉ số về lâm sàng, cận lâm sàng, cách thức phẫu thuật, các tai biến trong phẫu thuật và biến chứng sau phẫu thuật; theo dõi sau điều trị.

Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý bằng phần mềm tin học SPSS 16.0. Phân tích kết quả theo phương pháp thống kê y học. So sánh sự khác biệt giữa các tỷ lệ bằng test c2, các trường hợp có tần số nhỏ hơn 5 sử dụng test Fisher’s Exact Test.

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN:

* Đặc điểm lâm sàng:

Bảng 1. Tuổi, giới

Theo nghiên cứu của chúng tôi độ tuổi trung bình 42,7±  13,5 tuổi, nhỏ nhất là 16 và cao nhất là 83 tuổi; lứa tuổi 30-59 tuổi (78,9%) cao nhất là nhóm 30-44 tuổi (40%) (Bảng1). Lê Văn quảng (2001) thấy lứa tuổi 21-60 tuổi là 76,6% và đỉnh cao cũng ở nhóm tuổi 31-40 tuổi chiếm 29,2% [2]. Những nghiên cứu gần đây cho thấy UTTG ngày càng có xu hướng trẻ hơn nhưng vẫn chủ yếu tập trung trong độ tuổi lao động 21-60 tuổi cao nhất là nhóm 31-45 tuổi; vì vậy việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật là rất quan trọng để bệnh nhân có chất lượng sống tốt nhất. Tỷ lệ nữ/nam = 696/57 ≈ 12,2/1; tỷ lệ của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Bảo (2010) là 3,1/1 [3]; của Trương Quang Xuân là 3,05/1 [4].

Tiền sử:Chưa có sự khẳng định về tiền sử bệnh Basedow có ảnh hưởng tới sự xuất hiện hay phát triển của UTTG hay không nhưng một số tác giả thấy rằng một u giáp trạng phát triển trên nền một bệnh nhân bị bệnh Basedow thì dễ nghi ngờ ung thư. Nghiên cứu của chúng tôi có 20 trường hợp có tiền sử Basedow chiếm 2,7%. Tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Gandon (1985) là 1,12% [5]; của Đinh Xuân Cường (2010)1,3% [6].

Biểu đồ 1. Thời gian phát hiện bệnh

Trong nghiên cứu của chúng tôi thời gian phát hiện bệnh đến lúc bệnh nhân vào viện ≤ 12 tháng chiếm 82,1%, trong đó dưới 6 tháng  chiếm  65,1% (Biểu đồ 1); có 25,9% trường hợp phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ; điều này chứng tỏ có nhiều người hiểu và quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên cũng có 7,8% trường hợp đến muộn sau 36 tháng, trong đó có 5 trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 15 năm.

Triệu chứng cơ năng: Kết quả của chúng tôi có 31,2% nuốt vướng; 2,4% khàn tiếng; 1,3% khó thở. Tỷ lệ này trong nghiên cứu của Trần Trọng Kiểm (2009) lần lượt là 28,6%; 2,5% và 5,7%.

Triệu chứng thực thể: Trong nghiên cứu của chúng tôi khám lâm sàng phát hiện 87,8% có khối u trong đó mật độ cứng chắc 93,5%; ranh giới u rõ 90,3%; di động dễ 95,2%. Vị trí u thùy eo chiếm tỷ lệ 4,8%; u ở cả hai thuỳ chiếm tỷ lệ cao 46,9%; thuỳ phải 26,3% và thuỳ trái 21,9%. Kích thước u < 20mm chiếm 76,2%; 20-40mm chiếm 21,9%; > 40mm chiếm 1,8%. Tỷ lệ u > 40mm trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn của Lê Văn Quảng (2002) (26,4%) [2]; Trần Trọng Kiểm (2009) (23,0%) [7], có thể do bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đến khám và điều trị ở giai đoạn sớm hơn.

Tỷ lệ khám thấy hạch cổ 22,4%; hạch cùng bên 91,1%; mật độ cứng chắc (95,3%).

* Đặc điểm cận lâm sàng:

Siêu âm: Siêu âm tuyến giáp rất có giá trị phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư, bướu đa nhân chiếm 67,7%; vị trí u hai thùy 58,6%; thùy phải 22,7%; thùy trái 15,5% và thùy eo 3,2%. TIRADS 4 chiếm 93,8% trong đó TIRADS 4b chiếm 50,6%. Tỷ lệ phát hiện hạch nghi ngờ trên siêu âm là 31,2%; hạch cổ một bên 76,2%.

Biểu đồ 2. Chọc tế bào bằng kim nhỏ

Tỷ lệ thấy tế bào ác tính 76,0%; 12,8% nghi ngờ; 11,2% lành tính (Biểu đồ 2). Kết quả của chúng tôi phù hợp với Nguyễn Quốc Bảo (1999) tỷ lệ dương tính 74,1%, âm tính giả 25,9% [3]; thấp hơn so với Trần Trọng Kiểm (2009) tỷ lệ dương tính là 81%, âm tính giả là 19% [7]; theo Dina K. (2000) mức độ chính xác của phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ đạt từ 71% đến 96% tùy theo cách lấy và vị trí chọc hút [8]. 119 trường hợp nghi ngờ chúng tôi cho cắt lạnh trong mổ kết quả dương tính 95,8%.

Bảng 2. Phân loại mô bệnh học

Kết quả nghiên cứu chúng tôi có 97,7% là UTTG thể nhú, nhú nang; thể nang chiếm 1,7%; thể tủy 0,4% và thể không biệt hóa 0,1% (Bảng 2). Kết quả UTTG thể nhú – nhú nang của chúng tôi cao hơn so với các tác giả trong và ngoài nước:Mazzaferi E.L thể nhú – nhú nang chiếm 80 – 90%, thể nang chiếm 10 – 20% [9]; Lê Văn Quảng (2001) 79,5%[2]; Vũ Trung Chính (2002) 88,9% [10]; Trần Trọng Kiểm (2009) 90,2% [7].

Phân loại TNM và giai đoạn bệnh: dựa vào bảng phân loại TNM của Hiệp hội Quốc tế phòng chống Ung thư (UICC – 2010) và Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ (AJCC – 2010). Trong 753 bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi, khối u T1& T2 chiếm 88,2%; khối u T4 chiếm 2,4%. Hạch di căn vùng cổ 42,2%.Giai đoạn bệnh: giai đoạn I chiếm 60,3%; giai đoạn II, III, IV tương ứng là 8,1%; 14,9% và 16,7%; Theo nghiên cứu của Lê Văn Quảng (2001): giai đoạn I, II, III, IV tương ứng là 65,6%; 7,8%; 22,4% và 4,2% [2]. Nghiên cứu của Đinh Xuân Cường (2010) là 64,4%; 7,6%; 24,9% và 3,1 % [6].

* Kết quả điều trị:

Bảng 3. Phương pháp phẫu thuật:

Về phương pháp phẫu thuật u giáp hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ cắt 1 thùy và eo tuyến giáp là 28,2%, tỷ lệ cắt TBTG là 71,8% (Bảng 4). Tỷ lệ này có sự khác biệt lớn so với các nghiên cứu trước đây. Chúng tôi chỉ định phẫu thuật theo khuyến cáo của NCCN và ATA cắt 1 thùy và eo tuyến giáp trong UTTG thể nhú khi BN có tất cả các yếu tố sau: u khu trú ở 1 thùy, kích thước < 4cm, chưa phá vỡ vỏ bao tuyến giáp, không có tiền sử chiếu xạ vùng đầu cổ, chưa có di căn hạch cổ và di căn xa. Cắt TBTG khi u ở cả 2 thùy, đa nhân, kích thước ≥ 4cm, đã phá vỡ vỏ bao tuyến giáp, có di căn hạch cổ, di căn xa, có tiền sử chiếu xạ vùng đầu cổ. Chúng tôi không cắt gần TBTG bởi để lại 1 phần nhỏ tuyến giáp thùy đối diện tuy giảm được tai biến về dây TKTQ nhưng bệnh nhân vẫn phải uống hormon và việc theo dõi, phát hiện tái phát di căn sau mổ bằng định lượng Tg và xạ hình toàn thân gặp khó khăn. Vì vậy những trường hợp nguy cơ cao chúng tôi chủ động cắt TBTG.

Biểu đồ 3. Phương pháp nạo vét hạch cổ

Vấn đề vét hạch trong UTTG cũng còn nhiều tranh luận, đặc biệt là vét hạch khoang trung tâm dự phòng.Thông thường các tác giả đồng ý tiến hành nạo vét hạch khi có hạch xác địnhtrước mổ trên lâm sàng hoặc cận lâm sàng. Nghiên cứu của 1 số tác giả: theo Vũ Trung Chính (2002) tỷ lệ vét hạch cổ một bên 53,8%, hai bên 16,7%[10];Theo Trần Trọng Kiểm (2009) tỷ lệ vét hạch là 75,4 % (92/122BN) trong đó vét hạch khoang trung tâm là 28,3%; vét hạch khoang trung tâm và khoang bên là 71,7% [7]; theo G. Giugliano (2014) tỷ lệ vét hạch khoang trung tâm là 73,9%; vét hạch khoang trung tâm và khoang bên 1 bên 24,6%; 2 bên 1,5% [12].Trong nghiên cứu của chúng tôi có 436/753 trường hợp vét hạch cổ chiếm 57,9% trong đó vét hạch trung tâm 50%, vét hạch khoang trung tâm và khoang bên 1 bên 37,2% và vét hạch khoang trung tâm và khoang bên 2 bên 12,8% (Biểu đồ 4). Chúng tôi chỉ định nạo vét hạch cổ căn cứ vào kích thước khối u, mức xâm lấn xung quanh của khối u, tình trạng hạch phát hiện trên lâm sàng, cận lâm sàng và trực tiếp kiểm tra trong mổ.

Các tai biến và biến chứng: Tỷ lệ tai biến và biến chứng phụ thuộc nhiều yếu tố như kích thước u, tình trạng xâm lấn tại chỗ, di căn xâm lấn tại hạch cổ, phương pháp phẫu thuật, kinh nghiệm của phẫu thuật viên…

Bảng 4. Các tai biến trong mổ

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 1 trường hợp chảy máu trong mổ (0,1%), 4 trường hợp tổn thương TKTQ quặt ngược (0,5%); 9 trường hợp tổn thương 1 tuyến cận giáp (1,2%); 3 trường hợp tổn thương bạch mạch (0,7%).

Các tai biến đều xử lý ngay trong mổ: khâu cầm máu, cấy lại tuyến cận giáp vào cơ ức đòn chũm, khâu nối lại TKTQ quặt ngược, đóng đường rò. Tỷ lệ tai biến ở nhóm cắt TBTG + vét hạch cổ cao hơn nhưng không có ý nghĩa thống kê (Bảng 4).

Bảng 5. Các biến chứng sau mổ

Trong nghiên cứu của chúng có 7 trường hợp chảy máu sau mổ đã được xử trí mổ cầm máu ngay (0,9%); 2 trường hợp suy hô hấp được đặt lại ống NKQ, lưu ống sau 5 ngày rút bệnh nhân ổn định (0,3%). Tỷ lệ biến chứng chảy máu, suy hô hấp giữa các phương pháp phẫu thuật khác nhau nhưng không có ý nghĩa thống kê (Bảng 5).

Về biến chứng khàn tiếng, trong nghiên cứu của chúng tôi có 20 trường hợp khàn tiếng tạm thời trong 24h đầu sau phẫu thuật (2,7%), những bệnh nhân này được điều trị bằng Solumedrol – Vitamin 3B và châm cứu sau 1 tuần tỉ lệ này giảm còn 1,5%.

Kết quả của chúng tôi thấp hơn so vớiShah D.H, Samuel A.M (1999) 8% [13]; Vũ Trung Chính (2002)3,8% [10];Trần Trọng Kiểm (2009) 4,9% [7].

Theo dõi sau 3 tháng còn 4 bệnh nhân nói khàn (0,5%), soi tai mũi họng kiểm tra thấy liệt dây thanh 1 bên. Đối chiếu lại hồ sơ bệnh án, các bệnh nhân này đều là những trường hợp đến muộn khối u đã xâm lấn rộng.

Tỷ lệ của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Hyemi Kwon và CS (2017) (0,7%) [11]. Tỷ lệ biến chứng khàn tiếng tạm thời thấp hơn khi cắt 1 thùy + eo, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,04) (Bảng 5). Tỷ lệ khàn tiếng trong cắt TBTG + vét hạch cổ lớn hơn cắt TBTG đơn thuần không có ý nghĩa thống kê (p = 0,479 & 0,421) (Bảng 6).

Bảng 6. Liên quan giữa khàn tiếng, tê chân tay với phương pháp phẫu thuật

Về biến chứng hạ canxi máu: qua theo dõi chúng tôi thấy trong ngày đầu tiên tỉ lệ hạ canxi máu tạm thời gây tê bì mặt, co quắp tay chân 1,5%, tỷ lệ này tăng cao nhất trong ngày thứ 3 sau mổ (4,1%) (Bảng 5), bệnh nhân được tiêm Calciclorid tĩnh mạch 1-2g/ngày x 3-5 ngày sau đó dùng Calcitriol, hầu hết bệnh nhân đều ổn định khi ra viện. Tỷ lệ suy cận giáp tạm thời trong nghiên cứu của của chúng tôi thấp hơn Nguyễn Quốc Bảo (1999) 6,45% [3]; Vũ Trung Chính (2002) 7,7% [10]; Hyemi Kwon và CS (2017) 13% [11]. Tỷ lệ biến chứng hạ calci tạm thời thấp khi cắt 1 thùy + eo, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,002) (Bảng 5). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê khi so sánh giữa cắt TBTG đơn thuần và cắt TBTG + vét hạch cổ (p = 0,696) (Bảng 6).

Về biến chứng rò dưỡng chấp: Trong nghiên cứu của chúng tôi có 5/436 trường hợp vét hạch có rò dưỡng chấp (1,1%) trong đó 2 trường hợp rò nhiều phải mổ khâu đóng lại đường rò (Bảng 5).Tỷ lệ rò dưỡng chấp trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Trần Trọng Kiểm (2009) 1,1% [7].Theo NC của Inhye Park và CS (2016) tỷ lệ rò dưỡng chấp là 0,5-8,3% tùy loại phẫu thuật [14].

Bảng 7. Liên quan giữa rò dưỡng chấp theo phương pháp vét hạch

Sự khác biệt giữa tỷ lệ rò dưỡng chấp với phương pháp vét hạch không có ý nghĩa thống kê (p= 0,607) (Bảng 7).

4. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu kết quả phẫu thuật 753 trường hợp UTTG tại khoa Ngoại Chung Bệnh viện Nội tiết Trung ương chúng tôi rút ra 1 số kết luận sau:

Tỷ lệ UTTG ngày càng gia tăng, chủ yếu là ung thư tuyến giáp thể nhú, bệnh nhân thường được phát hiện sớm nhờ sự phát triển và ứng dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.

– Phẫu thuật là lựa chọn đầu tiên và mang tính quyết định trong chiến lược điều trị UTTG, việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật dựa trên các yếu tố nguy cơ cao và giai đoạn bệnh:

+ Cắt 1 thùy & eo tuyến giáp được thực hiện ở bệnh nhân u 1 thùy giai đoạn T1,2   không có các yếu tố nguy cơ cao.

+ Vét hạch cổ được thực hiện ở những bệnh nhân đã xác định có hạch di căn trước, trong mổ hoặc những bệnh nhân mà hạch được phát hiện có các đặc điểm của hạch di căn.

– Tai biến và biến chứng của phẫu thuật phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, yếu tố nguy cơ đi kèm và liên quan chặt chẽ đến trình độ, kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sara A. Morrison, M.D., Hyunsuk Suh, M.D., and Richard A. Hodin, M.D.*(2014), Department of Surgery, Massachusetts General Hospital, Boston, MA, USA,TheSurgicalManagementofThyroid Cancer.
  2. Lê Văn Quảng (2001), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị và một số yếu tố tiên lượng ung thư giáp trạng”, Luận văn tốt nghiệp Bác sỹ nội trú, Trường Đại học Y Hà Nội.
  3. Nguyễn Quốc Bảo (1999), “Nghiên cứu điều trị ung thư tuyến giáp bằng cắt bỏ tuyến giáp toàn bộ”, Luận văn tốt nghiệp BS CK II, Trường Đại học Y Hà Nội.
  4. Trương Quang Xuân, Trịnh Thị Minh Châu và cs (2002), “Điều trị ung thư giáp trạng bằng đồng vị phóng xạ I131tại Bệnh viện Chợ Rẫy”. Tạp chí Y học thực hành, Hội thảo Quốc gia phòng chống ung thư, tr. 330 – 334.
  5. Gandon L (1986) ” Le nodule thyroidien”, Fr. OPL (Lyon). 35, pp. 313 – 318.
  6. Đinh Xuân Cường (2010), “ Đặc điểm lâm sàng, mô bệnh học và kết quả điều trị phẫu thuật ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K trung ương”, Luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ, Trường Đại học Y Hà Nội.
  7. Trần Trọng Kiểm (2009),“Nghiên cứu phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp kết hợp I131 điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa”,Luận án tiến sỹ y học, trường HVQY – Hà Nội.
  8. Dina K et al (2000), ” Molecular genetics of thyroid tumor and surgical decision-making”, World J. Surgery, Vol 24 N08, pp. 923 – 929.
  9. Mazzaferri EL., (1994), “Long term impact of initial surgery and medical therapy on papillary and follicular thyroid cancer”, Am J Med 97, pp. 418 – 428.
  10. Vũ Trung Chính(2002), “Nghiên cứu áp dụng phương pháp điều trị ung thư giáp trạng thể biệt hóa bằng cắt bỏ tuyến giáp toàn bộ kết hợp I131”. Luận văn Thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  11. Hyemi Kwon và CS (2017), A comparison of lobectomy and total thyroidectomy in patients with papillary thyroid microcarcinoma: a retrospective individual risk factor-matched cohort study.
  12. Giugliano (2014), Central neck disection in differentiated thyroid cancer: technical notes.
  13. Shah D.H., Samuel A.M. Rao R.S (1999), Thyroid Cancer – An Indian perspective, Sudarshan Art Printing. Press.
  14. Inhye Park MD và CS (2017), Management of chyle leakage after thyroidectomy, cervical lymph node dissection, in patients with thyroid cancer.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …