Nghiên cứu tình hình bệnh nhân đái tháo đường điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế

NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ

Đào Thị Dừa, Hoàng Thị Lan Hương

Bệnh viện Trung ương Huế

ABSTRACT

 SITUATION OF DIABETIC INPATIENT DIAGNOSED AT HUE CENTRAL HOSPITAL

Author: Dua Dao Thi, Nghia Nguyen Trong, Minh Cao Van, Phuong Dang Thi Thuy, Loan Phan Thi Thanh, Tien Bui Thi Thuy – Hue Central Hospital

Background: Diabetes is metabolic – endocrinology disease. They are popular through the world. At Hue central Hospital, inpatients and outpatients are more and more increased. The diabete cause many complications consequently it cost too much for their treatment. Objective 1. To comment on features in diabetic inpatients at Hue central Hospital.2. To study common complications in diabetic inpatients. Patients and methods: 347 diabetic inpatients were treated at Hue Central Hospital from 2008 to 2010. Patients were diagnosed diabete mellitus belong to the American Diabetes Association (ADA) criteria with method of cross description. Patients were examined clinic (notice age, sex, BMI, symptoms at the first onset, treatment), paraclinic (echography, biochemistry, X-ray, measure fasting plasma glucose , plasma insulin, plasma peptid C)Results: The ratio of type 1 diabete was 22.48% and type 2 diabete was 77.52%. The ages of type 1 diabete was 36.8 ± 17.3 years old and type 2 diabetes was 54.7 ± 15.6 years old. BMI of type 1 diabete was 18.02 ± 1.06 and type 2 diabete was 23.21 ± 2.31. Conclusion: Type 2 diabetic patient was the advantage, the patients hospitalized with high glucose level. The proportions of angiopathie and of neuropathies were quite high (> 40%).

Key word: Diabete mellitus, inpatient, fasting plasma glucose, HbA1c, complication, treatment, insulin, metformin.

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý nội tiết-chuyển hoá, bệnh trở thành phổ biến trên toàn thế giới. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ nhập viện điều trị ngày một tăng. Bệnh thường gây ra nhiều biến chứng làm cho chi phí điều trị trở nên tốn kém hơn. Mục tiêu nghiên cứu1. Nhận xét một số đặc điểm của bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế.2. Khảo sát một số biến chứng thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú.Đối tượng và phương pháp: 347 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 2008 – 2010. Chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn của Hiệp hội ĐTĐ Mỹ. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, bệnh nhân được khám lâm sang (ghi nhận tuổi, giới, BMI, triệu chứng khởi bệnh, điều trị), cận lâm sang (siêu âm Xquang, điện cơ đồ, định lượng glucose máu, insnulin máu, peptid C) Kết quả: Đặc điểm: Tỷ lệ ĐTĐ týp 1 là 22,48% và týp 2 là 77,52%. Tuổi trung bình của týp 1 là 36,8±17,3 và týp 2 là 54,7±15,6. BMI của ĐTĐ týp 1 là 18,02±1,06 và týp 2 là 23,21±2,31. Glucose máu đói ở týp 1 là 23,82 ±5,49mmol/L, týp 2 là 17,97±4,35mmol/L. Insulin máu týp 1 giảm và điều trị 100% với insulin; týp 2 có insulin máu bình thưòng là 91,08%, và điều trị thuốc uống chiếm phần lớn.

Biến chứng: Hôn mê do nhiễm toan ceton 11,54% ở ĐTĐ týp 1, do ưu trương 7,8% ở týp 2, do hạ glucose máu có tỷ lệ thấp hơn. Biến chứng mạch máu ở týp 1 là 38,46, và týp 2 là 44,61. Biến chứng thần kinh chiếm tỷ lệ cao > 40% ở cả 2 týp. Biến chứng nhiễm trùng có tỷ lệ thấp hơn: týp 1 28,21%, và týp 2 là 21,93.Kết luận: ĐTĐ týp 2 chiếm ưu thế, bệnh nhân nhập viện vì glucose máu cao. Biến chứng mạch máu và thần kinh chiếm tỷ lệ > 40%

Từ khóa: Đái tháo đường, bệnh nhân nội trú, glucose máu đói, HbA1c, biến chứng, điều trị, insulin, metformin.

Chịu trách nhiệm chính: Đào Thị Dừa

1. ĐẶT VẤN ĐỀ    

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý nội tiết-chuyển hoá đã được biết từ rất lâu, là căn bệnh phổ biến toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp hội ĐTĐ Quốc tế (International Diabetes Federation), bệnh có xu hướng phát triển rất nhanh trong một thập kỷ trở lại đây. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng gia tăng nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ nhập viện điều trị ngày một tăng. Với đặc trưng là tăng glucose máu mạn tính, kéo theo một loạt rối loạn chuyển hoá khác, bệnh ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính, làm cho chi phí điều trị trở nên tốn kém hơn, là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Các Hiệp hội đã khuyến cáo về chiến lược điều trị theo những tiêu chí ngày càng nghiêm ngặt hơn, nhằm hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi nghiên cứu đề tài này nhằm mục tiêu sau:

Mục tiêu nghiên cứu

  1. Nhận xét một số đặc điểm của bệnh ĐTĐ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 1 năm 2007 đến tháng 1 năm 2009.
  2. Khảo sát một số biến chứng cấp tính và mạn tính thường gặp.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tượng: 347 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại BVTW Huế từ năm 2008 – 2010.

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu:

Chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chẩn của Hội ĐTĐ Hoa kỳ: trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng glucose huyết thanh lúc đói ≥ 7 mmol/L đẻ chẩn đoán ĐTĐ [13].

Chẩn đoán týp ĐTĐ:

+ Tuổi khởi bệnh: týp 1 thường < 40 tuổi, týp 2 thường > 40 tuổi

+ BMI: týp 1 thường BMI < 18,5, týp 2 thường BMI > 18,5 hoặc béo phì)

+ Triệu chứng khởi bệnh: týp 1 thường rầm rộ với glucose máu đói không điều trị > 300mg/dL, týp 2 thường khởi bệnh âm thầm

+ Phương thức điều trị: týp 1 lệ thuộc insulin, týp 2 phần lớn đáp ứng với thuốc viên

+ Định lượng insulin máu hoặc peptid C: týp 1 thấp, týp 2 thường bình thường hoặc tăng

+ Biến chứng cấp: týp 1 nhiễm toan ceton khi không điều trị với insulin, týp 2 thường có biến chứng cấp hôn mê ưu trương…

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ: tăng glucose máu phản ứng như bị sang chấn tinh thần, bệnh tật cấp tính nặng …), tăng glucose máu do dung thuốc như corticoids kéo dài, chuyền dung dịch có đường…

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

2.2.1. phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang mô tả cắt ngang.

2.2.1. Khám lâm sàng:

– Tuổi,- Giới,- BMI

– Triệu chứng khởi bệnh: khát nước, tiểu nhiều, gầy…

– Phương tiện điều trị: thuốc uống, insulin tiêm…

2.2.2. Khám cận lâm sàng:

– Định lượng glucose máu đói

– Insulin máu, peptid C (khi cần thiết để chẩn đoán týp ĐTĐ)

– Ceton niệu,- Điện giải đồ, – Ure, creatinin máu,  Protein niệu

2.2.3. Thăm dò một số biến chứng thường gặp: mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng với siêu âm, điện cơ đồ, Xquang, công thức máu…

2.2.4. Xử lý số liệu: Sử dụng các thuật toán thống kê y học với phần mềm của máy tính như Excell 2003, Medical.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Một số đặc điểm của bệnh ĐTĐ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Bảng 3.1.  Một số đặc điểm của bệnh ĐTĐ điều trị nội trú.

ĐTĐ týp 2 chiếm gần 80%, tỷ lệ nữ cao hơn nam cả 2 týp, 11,16% týp 2 cần insulin

 3.2. Một số biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

3.2.1. Biến chứng cấp

Bảng 3.2. Biến chứng cấp

Biến chứng cấp có tỷ lệ thấp ở cả 2 týp, hạ glucose máu chủ yếu ở týp 1

3.2.2. Biến chứng mạn ở bệnh nhân ĐTĐ

Bảng 3.3. Biến chứng mạn ở bệnh nhân ĐTĐ

 

  Hình 3.1. Biến chứng mạn ở bệnh nhân ĐTĐ

 

Biến chứng mạch máu và thần kinh chiếm tỷ lệ tương đối cao ở cả 2 týp

4. BÀN LUẬN

4.1. Một số đặc điểm bệnh ĐTĐ điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế

Qua nghiên cứu 347 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ ĐTĐ týp 1 là 22,48% và týp 2 là 77,52%.  ĐTĐ týp 2 chiếm ưu thế và tỷ lệ bệnh nhân nữ chiếm ưu thế ở cả 2 týp. Tuổi  của týp 1 là 36,8±17,3 và týp 2 là 54,7±15,6. Tuổi khởi bệnh đối với týp 1: trước 20 tuổi là 17,95%, từ 20-40 tuổi là 37,18% và sau tuổi 40 là 44,87%; đối với týp 2: khởi bệnh sau tuổi 40 là 44,87% là 95,54%. Nghiên cứu của Võ Bảo Dũng cho thấy tỷ lệ ĐTĐ týp 1 chỉ 8,20% [3]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Nhạn tỷ lệ ĐTĐ týp 1 là 33,33%. Như vậy, tỷ lệ týp 1 của chúng tôi cao hơn Võ Bảo Dũng nhưng thấp hơn của Nguyễn Thị Nhạn. Nghiên cứu của Chu Minh Tân cũng có tỷ lệ nữ cao hơn nam (55,73%) và tuổi trung bình là 54. Nghiên cứu của Tạ Văn Bình cho thấy tỷ lệ nam/nữ là 47/53 và tuổi trung bình là 50,9±13,6 [1]. Diabcare-Asia 2001 và 2003 có tỷ lệ ĐTĐ týp 1 thấp hơn của chúng tôi, nhưng tuổi thì kết quả của chúng tôi tương đương. Như vậy, về vấn đề giới và tuổi, nghiên cứu của chúng tôi có kết quả khá phù hợp với một số nghiên cứu trong nước và thế giới [7].

Kết quả của chúng tôi cũng ghi nhận chủ yếu bệnh nhân ĐTĐ đã được chẩn đoán trước, bệnh mới phát hiện chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 11,36% đối với týp 1 và 25,64% đối với týp 2. Nghiên cứu của Tạ Văn Bình tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ mới được chẩn đoán 47,5%, cao hơn của chúng tôi, nhưng mẫu nghiên cứu của chúng tôi chỉ trên những đối tượng điều trị nội trú tại bệnh viên.

Nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận BMI của ĐTĐ týp 1 là 18,02±1,06 và týp 2 là 23,21±2,31. Nghiên cứu của Tạ Văn Bình cũng cho thấy BMI > 23 chiếm tỷ lệ cao, nhất là khu vực nội thành. Theo Nguyễn Hải Thủy và CS., bệnh nhân ĐTĐ trên 40 tuổi có BMI béo chiếm tỷ lệ 63,34% [5]. Hầu hết các nghiên cứu đều ghi nhận BMI của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 thường béo phì. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Nhạn gần 80% bệnh nhân ĐTĐ týp 1 có BMI < 18,5, và không có trường hợp nào béo phì, nhưng týp 2 hơn 30% béo phì.

Kết của chúng tôi cũng ghi nhận nồng độ glucose máu đói ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 là 23,82 ±5,49mmol/L, cao hơn týp 2 (17,97±4,35mmol/L) có ý nghĩa thống kê (p< 0,01). Nghiên cứu  của Nguyễn Hải Thủy và CS cho thấy nhóm bệnh nhân ĐTĐ > 40 tuổi có nồng độ glucose máu đói là 11,99mmol/L, thấp hơn của chúng tôi [5]. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Nhạn, nồng độ glucose máu đói là týp 1 là 18±5,25 mmol/L và týp 2 là  9,34±3,66. Nghiên cứu của Võ Bảo Dũng trên 317 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định là 15,19mmol/l. Nghiên cứu của Khăm Pheng Phun M.K. cho thấy bệnh nhân ĐTĐ type 2 chấp hành tốt chế độ điều trị glucose máu vẫn > 14mmol/l ở 100% trường hợp. Diabcare-Asia 2001 và 2003 cho thấy nồng độ glucose máu thấp hơn của chúng tôi [7]. Như vậy nồng độ glucose máu của kết quả chúng tôi cao hơn so với một số nghiên cứu do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những bệnh nhận được chuyển từ tuyến dưới có kiểm soát chuyển hoá kém cần điều trị
nội trú.

Nồng độ insulin máu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 giảm, và điều trị với insulin chiếm tỷ lệ 100%; nhưng týp 2 có nồng độ insulin máu bình thưòng chiếm tỷ lệ 91,08%, và điều trị thuốc uống chiếm phần lớn, chỉ 11,16% có chỉ định inslin, thường insulin chỉ định đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có biến chứng nặng như suy thận, nhiễm trùng nặng…Kết quả của chúng tối tương đối phù hợp với Diabcare-Asia 2001 và 2003. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Nhạn và Hồ Xuân Sơn ghi nhận nồng độ insulin máu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 là 4,74±4,72µU/L và týp 2 là 10,67±5,59µU/L. Nghiên cứu của Võ Bảo Dũng cũng cho thấy 12,03% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có chỉ định insulin đơn độc [3]. Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận kết quả tương đối phù hợp với nghiên cứu của một số tác giả.

4.2. Một số biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

4.2.1. Biến chứng cấp ở bệnh nhân đái tháo đường

Biến chứng cấp thường xảy ra ở những bệnh nhân ĐTĐ không được phát hiện bệnh và điều trị, hoặc đang điều trị nhưng không được theo dõi để điều chỉnh thuốc phù hợp. Nhiều nghiên cứu ghi nhận bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng rất nặng do các biến chứng cấp như hôn mê toan ceton ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1, hôn mê ưu trương ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2. Nhiều trường hợp kèm theo biến chứng nhiễm trùng cấp rất nặng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm thận bể thận…[6], [8], [11], [12].Nghiên cứu  của chúng tôi cho thấy hôn mê do nhiễm toan ceton 11,54% ở ĐTĐ týp 1, do ưu trương 7,8% ở ĐTĐ týp 2, do hạ glucose máu có tỷ lệ thấp hơn. Nghiên cứu của Đỗ Thị Tính ghi nhận hôn mê do toan ceton là 8%. Nghiên cứu của Khăm Pheng Phun M.K. cho thấy biến chứng hôn mê do ĐTĐ là 6,15%. Nghiên cứu của Wu Loo L. cho thấy HbA1c > 8% ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 thì có 30% bị nhiễm toan ceton, nhưng HbA1c < 8% thì chỉ 4%. Một số nghiên cứu ghi nhận hạ glucose máu thường do bệnh nhân bỏ bữa ăn nhưng liều thuốc thì không giảm, nhưng cũng có trường hợp do rối loạn thần kinh thực vật tại đường tiêu hoá nên thức ăn không được hấp thụ như bình thường [6], [8], [9]. Tỷ lệ hôn mê do hạ glucose máu ở bệnh nhân ĐTĐ rất thấp, vì hầu hết bệnh nhân được giáo dục triệu chứng hạ glucose máu ngay khi mới đến khám lần đầu. Theo nghiên cứu của Nordfeldt S. và CS., tỷ lệ hạ glucose máu đã giảm từ 42% xuống 27% ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 sau khi được giáo dục triệu chứng hạ glucose máu. Nghiên cứu của Trần Hữu Dàng và Nguyễn Hải Thủy vào năm 1992, cho thấy hạ glucose máu gây tử vong chiếm 34,6%. Hiện nay, tỷ lệ hạ glucose máu rất thấp và thường xảy ra ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 hoặc týp 2 có điều trị insulin, những trường hợp hạ glucose máu ở bệnh nhân nội trú đều được cứu sống nhờ trang bị đầy đủ các phương tiện xét nghiệm và cấp cứu (máy xét nghiệm glucose mao mạch cho kết quả sau 5 giây) nên điều trị kịp thời, không xảy ra tử vong [2].

4.2.2. Biến chứng mạn ở BN ĐTĐ

Biến chứng mạn xảy ở bệnh nhân ĐTĐ một cách âm thầm nhưng lại ảnh hưởng rất trầm trọng đến chất lượng sống. Bệnh ĐTĐ không được kiểm soát glucose máu sẽ gây rối loạn chuyển hoá của nhiều chất trong cơ thể, hậu quả của sự rối loạn này sẽ gây thương tổn hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Khi được điều trị kiểm soát glucose máu tốt, các biến chứng mạn có thể ngưng tiến triển nhưng việc thoái triển của các biến chứng mạn một cách hoàn toàn ít được ghi nhận trên thực tế lâm sàng.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy biến chứng mạch máu ở ĐTĐ týp 1 là 40,46%, và týp 2 là 44,61%. Biến chứng thần kinh chiếm tỷ lệ cao > 40% ở cả 2 týp. Biến chứng nhiễm trùng có tỷ lệ thấp hơn: týp 1 28,21%, và týp 2 là 21,93%. Nghiên cứu của Framingham trong vòng 20 năm đã ghi nhận tỷ lệ tổn thương mạch máu não ở bệnh nhân ĐTĐ tăng gấp 3 lần người không bị ĐTĐ và tỷ lệ tổn thương động mạch vành mới phát hiện tăng 1,7 ở bệnh nhân nam và 2,1 ở bệnh nhân nữ so với người không bị ĐTĐ. Nghiên cứu của Nguyễn Hải Thuỷ cho thấy tỷ lệ xơ vữa động mạch cảnh ở bệnh nhân ĐTĐ qua siêu âm Doppler là 77,6% trong lúc đó ở người không bị ĐTĐ chỉ 43,3%. Nghiên cứu của Tô Văn Hải cho thấy biến chứng thần kinh ngoại biên 44,44%; viêm răng lợi 40,28%; nhiễm trùng thận-tiết niệu 12,5% và một số biến chứng khác thì thấp hơn của chúng tôi như: lao phổi chỉ 1,39%; viêm phổi 4,17%; bàn chân 11,11%. Một nghiên cứu khác của Tô Văn Hải ghi nhận bệnh lý võng mạc ĐTĐ có tỷ lệ rất cao: 60,5% [4]. Theo Stolk R.P. và CS., chỉ có 40.2% bệnh nhân ĐTĐ type 2 chưa có biến chứng võng mạc. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Thảo và Nguyễn Thy Khuê cho thấy bệnh lý thận ĐTĐ 52,2%; võng mạc 17,4%; bệnh thần kinh ngoại biên 21,7%; thần kinh thực vật 9,8%; bệnh mạch vành 30,4%; đột quỵ 4,3%; mạch máu ngoại biên 12%; nhiễm trùng đường tiểu 16,3%; viêm da 9,8%; viêm phổi 5,4% và lao phổi 3,3%. Nghiên cứu Collis và CS. nhồi máu cơ tim 19%, các mạch máu khác là 18%. Kết quả của Romald K. C. về biến chứng mạn ở bệnh nhân ĐTĐ cao hơn của chúng tôi (> 60%); trong đó có hơn 42% suy thận giai đoạn cuối là do bệnh lý thận ĐTĐ và biến chứng tim mạch thì tăng lên hai đến bốn lần so với người không bị bệnh ĐTĐ. Theo Rajeev C.D. bệnh lý võng mạc 21,2%; malbumin niệu 41%; thần kinh ngoại biện 15,3%; mạch máu lớn 14,4%. Theo Romald K.C., hơn 42% trường hợp suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo và ghép thận là do ĐTĐ, hơn 60% bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thần kinh. Như vậy, qua một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các biến chứng mạn ở bệnh nhân ĐTĐ khá cao. Bệnh ĐTĐ là yếu tố nguy cơ của nhiều biến chứng ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, nhằm hạn chế  tỷ suất của các biến chứng cần kiểm soát glucose máu tốt và loại bỏ các yếu tố nguy cơ phối hợp như tăng HA, béo phì, thuốc lá, bia rượu và tăng cường tập luyện-vận động thể lực.

V. KẾT LUẬN

1. Đặc điểm : Tỷ lệ ĐTĐ týp 1 là 22,48% và týp 2 là 77,52%.- Tuổi trung bình của týp 1 là 36,8±17,3 và týp 2 là 54,7±15,6. Tuổi khởi bệnh đối với týp 1: trước 20 là 17,95%, từ 20 – 40 tuổi là 37,18% và sau tuổi 40 là 44,87%; đối với týp 2: khởi bệnh sau tuổi 40 là 44,87% là 95,54%.- BMI của ĐTĐ týp 1 là 18,02±1,06 và týp 2 là 23,21±2,31. – Nồng độ glucose máu đói ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 là 23,82 ±5,49mmol/L, týp 2 là 17,97±4,35mmol/.- Nồng độ insulin máu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 giảm, và điều trị với insulin 100%; ở týp 2, nồng độ insulin máu bình thường chiếm tỷ lệ 91,08%, và điều trị thuốc uống chiếm phần lớn, chỉ 11,16% có chỉ định insulin.

2. Biến chứng : Hôn mê do nhiễm toan ceton 11,54% ở ĐTĐ týp 1, do ưu trương 7,8% ở ĐTĐ týp 2, do hạ glucose máu có tỷ lệ thấp hơn và chủ yếu xảy ra ở týp 1. Biến chứng mạch máu và thần kinh chiếm tỷ lệ tương đối cao (> 40%) ở cả 2 týp. Biến chứng nhiễm trùng có tỷ lệ thấp hơn: týp 1 là 28,21% và týp 2 là 21,93%.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2007), “Đại cương về đái tháo đường – tăng glucose máu”, Những nguyên lý nền tảng bệnh đái tháo đường-tăng glucose máu, NXB Y học, 11-53.
  2. Trần Hữu Dàng và CS. (2001), “Bước đầu tìm hiểu nguyên nhân tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học đại hội NT-ĐTĐ Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, tr. 317-322.
  3. Võ Bảo Dũng (2008), “Nghiên cứu một số đăc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Bình Định”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học hội nghị ĐTĐg, nội tiết và RLCH Miền Trung lần thứ VI, Bộ Y tế xuất bản, tr. 267-273.
  4. Tô Văn Hải (2005), “Biến chứng thần kinh và nhiễm trùng ở bệnh nhân tiểu đường”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học- Đại hội Hội Nội tiết và Đái tháo đường quốc gia Việt Nam lần thứ III, tr. 702-706.
  5. Nguyễn Hải Thủy (2006), “Vai trò của glucose mao mạch trong kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường”, Tạp chí Nội tiết và RLCH. Bộ Y tế, 37-42.
  6. Altunbas H., Karayyalcin U., Undar L. (1998), Glycemic control and coagulation inhibitor in diabetic patients, Haemostasis, Department of Endorcrinology, Akdeniz University School of Medicine, Antalya, Turkey, 28(6), pp. 307 – 312.
  7. Carr M.E. (2001), “Diabetes mellitus: hypercoagulatable state”, Diabetes complication, pp 44-54.
  8. Diabetes Care (2003), a survey- study on diabetes management & diabetes complication status in Western Pacific Region, pp. 21-30.
  9. International Diabetes Federation (2001), “Practical targets and treatments of type 2 diabetes Asian – Practice type 2 diabetes Policy Group”, pp.18-19.
  10. Pete J.Grant, S. Karunakaran et al (2001), suppression of fibirinolysis and increased factor VII concentrations with dysglycaemia, University of Oxford, UK, pp.68.
  11. Pierre-Jean Guillausseau (1997), “Complication vassculaires du diabète: anormalies plaquettaires. Le diabète non insulinodépendant: Nouvelles acquisitions”, L´Institut Servier du diabète, pp.37-39.
  12. Robertson C. et al (2006), “Diabetic complication”, Diabetic medicine, Volume 23, Issue 10, pp. 1110-1116.
  13. World Health Organization (2006), “Definition and diagnosis of diabetes mellitus and intermediate hyperglycaemia”, Report of a WHO/IDF consultation.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …