GIÁ TRỊ DỰ BÁO CỦA ACID URIC HUYẾT THANH
VỚI BIẾN CHỨNG MẸ TRONG BỆNH LÝ TIỀN SẢN GIẬT – SẢN GIẬT
Lê Lam Hương*, Phan Lê Nam**
Trường Đại học Y Dược Huế
ABSTRACT
The predictive value of serum uric with the maternal complications in preeclampsia –eclampsia
Objectives: To examine the predictive value of serum uric acid with the maternal complication in preeclampsia – eclampsia. Materials and Method: Cross-sectional descriptive study on 150 pregnant women were diagnosed with preeclampsia – eclampsia from March 2015 to July 2016 at Obstetric and Gynecology Dept., Hue central hospital. Results:The rate of hyperuricemia in preeclampsia (34.2%), severe preeclampsia (73.1%) and eclampsia (100%) with (p < 0.05).The rate of HELLP syndrome (12.0%), coagulative disorders (7.3%), eclampsia (4.7%), acute renal failure (4.0%)in women with preeclampsia – eclampsia. There are the significant increasing in rate of maternal complication 11.36 times (95% Cl: 2.56 – 50.49; p < 0.05) in hyperuricemia group compare with no hyperuricemia group. Receiver operation characteristic analysis showedthat serum uric acid, at a 447 µmol/l cut-off, with a specificity of 73.9% and sensitivity of 81.1%, is a optimal prediction of adverse maternal outcomes in preeclampsia (area under the curver: 0.80 with p<0.001). Conclusions: The results of our study show that serum uric acid is a reliable predictor of maternal complication in preeclampsia – eclampsia.
TÓM TẮT
Mục tiêu: Tìm hiểu giá trị dự báo của nồng độ acid uric huyết thanh với các biến chứng mẹ trong bệnh lý tiền sản giật – sản giật. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 150 sản phụ mang thai được chẩn đoán và điều trịtiền sản giật – sản giật tại Khoa Phụ Sản Bệnh viện Trung Ương Huế từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2016. Kết quả nghiên cứu: Sản phụ tiền sản giật có tỷ lệ tăng acid uric huyết thanh(34,2%), tiền sản giật nặng (73,1%), sản giật (100%) với (p < 0,05). Tỷ lệ hội chứng HELLP(12,0%), rối loạn đông máu(7,3%), sản giật(4,7%), suy thận cấp (4,0%) ở sản phụ tiền sản giật – sản giật. Nhóm tăng acid uric huyết thanh làm tăng biến chứng mẹcao hơn11,36 lần(95% Cl: 2,56 – 50,49; p < 0,05)sovới nhóm không tăng acid uric. Tại điểm cắt nồng độ acid uric huyết thanh 447µmol/l cho độ nhạy 73,9% và độ đặc hiệu là 81,1% là tối ưu trong dự báo tiền sản giật có biến chứng mẹ. Diện tích dưới đường cong (AUC) của nồng độ acid uric là 0,80 với (p < 0,001). Kết luận: Nồng độ acid uric huyết thanh cao giúp dự báo các biến chứng mẹ ở sản phụ tiền sản giật – sản giật.
Chịu trách nhiệm chính: Lê Lam Hương
Ngày nhận bài: 5/7/2017
Ngày phản biện khoa học: 21/7/2017
Ngày duyệt bài: 31/7/2017
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tiền sản giậtlà một trong năm tai biến sản khoa có nguy cơ gây tử vong cao cho bà mẹ và thai nhi. Đây là một hội chứng bệnh lý đặc trưng chỉ có khi mang thai, gây ra tình trạng tăng huyết áp và protein niệu có thể kèm theo phù hoặc không, thường xuất hiện sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và chấm dứt trước 6 tuần sau sinh.Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tỷ lệ tử vong do tiền sản giật – sản giật là 16%. Tại Hoa Kỳ, từ năm 1998 đến năm 2005, Berg và cộng sự (2010) đã báo cáo trong 4693 ca tử vong mẹ, tiền sản giật – sản giật chiếm 12,3%. Tỷ lệ tương tự là 10% đã được báo cáo ở Pháp từ năm 2003 đến năm 2007 (Saucedo, 2013) [5]. Tại Việt Nam, tỷ lệ tiền sản giật chiếm khoảng 5-10% tổng số thai nghén, sản giật chiếm 0,2 – 0,5%.Trong một nghiên cứu năm 2014, tỷ lệ tiền sản giật – sản giật tại Huế là 5,5% [3].
Tiền sản giật có thể gây tổn thương ở đa cơ quan mẹ, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các kết quả bất lợi cho cả mẹ và thai, đặc biệt là tiền sản giật nặng và sản giật. Chính vì những đặc điểm trên nên tiền sản giật nhận được sự quan tâm lớn trong lĩnh vực sản khoa.Trên thế giới cũng như Việt Nam, đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này và mỗi nghiên cứu tập trung khai thác một khía cạnh của bệnh lý. Hiện nay, các nghiên cứu về chỉ số cận lâm sàng để giúp tiên lượng bệnh đã được thực hiện. Điều này giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra những can thiệp hợp lý và kịp thời làm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho cả mẹ và thai.
Trong những năm qua người ta đã đặc biệt chú ý đến vai trò của acid uric huyết thanh trong bệnh lý tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh tăng acid uric huyết thanhở bệnh nhân tăng huyết áp là một chỉ dẫn sinh học sớm cho tổn thương thận do tăng huyết áp [6]. Ngoài ra tăng acid uric huyết thanhliên quan với các bệnh lýbéo phì, đái đường, rối loạn lipid máu, nhồi máu cơ tim. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã xếp tăng aciduric huyết thanh vào chùm yếu tố nguy cơ cho tai biến mạch máu não.
Trong bệnh lý tiền sản giật, tăng acid uric huyết thanh thường xuất hiện trước các biểu hiện lâm sàng nên được xem như một chỉ dẫn sinh học sớm cho tổn thương thận, không những vậy acid uric còn góp phần trực tiếp vào cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật [12]. Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về acid uric dự báo kết quả bất lợi của bà mẹ và thai nhi [8], [9]. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chưa có nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này.
Trước thực tế như vậy, nhằm đóng góp một phần vào việc nghiên cứu bệnh lý tiền sản giật – sản giật, chúng tôi tiến hành đề tài “Giá trị dự báo của nồng độ acid uric huyết thanh với biến chứng mẹ trong bệnh lý tiền sản giật – sản giật”.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.Đối tượng nghiên cứu:
150 sản phụ mang thai tiền sản giật – sản giật từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2016 điều trị tại Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Trung ương Huế.
Tiêu chuẩn chọn bệnh
– Các sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật – sản giật theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ năm 2013 [5].
– Đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
– Các thông tin và yếu tố nghiên cứu được ghi nhận đầy đủ trong hồ sơ.
Tiêu chuẩn loại trừ
– Các bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp hoặc cao huyết áp trước tuần lễ thứ 20 của thai kỳ.
– Các bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá, có bệnh lý về thận như viêm thận cấp, viêm thận mạn, viêm mủ bể thận, hội chứng thận hư. Các bệnh nhân mắc bệnh gan, bệnh tim, một số bệnh lý ảnh hưởng đến chuyển hóa acid uric huyết thanh như suy thận, tăng hủy tế bào (ung thư, bệnh lý tan máu…). Sử dụng các loại thuốc tăng acid uric huyết thanh trong thời gian mang thai.
2. Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
3. Phương pháp tiến hành:
Khảo sát đặc điểm chung: Tuổi bệnh nhân, địa dư, nghề nghiệp… Trình độ văn hóa. Số lần mang thai
Phân loại tiền sản giật – sản giật
– Tiền sản giật: Tăng huyết áp sau tuần 20 của thai kỳ với protein niệu dương tính và không có bất kì triệu chứng nào của tiền sản giật nặng kèm theo.
– Tiền sản giật nặng: Tăng huyết áp sau tuần 20 của thai kỳ với protein niệu dương tính hoặc âm tính và có ít nhất một triệu chứng của tiền sản giật nặng kèm theo. Những triệu chứng của tiền sản giật nặng:
+ Tăng huyết áp: huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg đo 2 lần cách nhau ít nhất 4 giờ trong khi bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường (trừ khi điều trị thuốc hạ huyết áp bắt đầu trước thời điểm này).
+ Giảm số lượng tiểu cầu (tiểu cầu <100.000/mm3).
+ Rối loạn chức năng gan (các men gan tăng gấp 2 lần so với ngưỡng trên trị số bình thường), đau tăng liên tục hạ sườn phải hoặc thượng vị không đáp ứng với thuốc điều trị và không liên quan tới các chẩn đoán khác.
+ Sự phát triển mới của tình trạng giảm chức năng thận (nồng độ creatinin huyết thanh > 1,1 mg/dl hoặc tăng gấp đôi nồng độ creatinin huyết thanh trong trường hợp không do bệnh lý thận khác).
+ Phù phổi cấp.
+ Xuất hiện các rối loạn về não hoặc thị giác.
– Sản giật: Sản giật được xác định là khi xuất hiện những cơn co giật hoặc hôn mê, xảy ra trên một bệnh nhân có bệnh lý tiền sản giật nặng.
Xét nghiệm sinh hóa: Bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm lần đầu tiên khi nhập viện sau khi đã nghỉ ngơi 30 phút, lấy máu tĩnh mạch. Khi lấy phải đảm bảo nguyên tắc vô trùng và tuân thủ chế độ bảo quản bệnh phẩm trong thời gian chờ làm xét nghiệm.
– Đánh giá chức năng thận: Ure máu bằng phương pháp Talkee. Kết quả bình thường: 3,3 – 8,3 mmol/l; Creatinin máu bằng phương pháp S.Jaffe. Kết quả bình thường: 53 – 106 µmol/l.
– Đánh giá chức năng gan: Định lượng theo phương pháp chuẩn của IFFC. Kết quả bình thường: SGOT ≤37 U/L, SGPT ≤41 U/L.
– Định lượng protein niệu: theo phương pháp Turbidimetric với hóa chất Trichoroacetic acid (TCA). Kết quả dương tính khi ≥0,5 g/l (mẫu nước tiểu bất kỳ) hoặc ≥0,3 g/l (mẫu nước tiểu 24 giờ).
– Định lượng acid uric: Dùng phương pháp so màu có sử dụng enzym (Enzymatic colorimetrictest/TOOS). Xác định kết quả: nhờ sử dụng hệ thống so màu tự động BIOCAL. Nồng độ acid uric huyết thanh đo được tối đa là 20mg/dl (1190 µmol/l). Nếu nồng độ cao hơn thì pha mẫu bệnh phẩm với dung dịch Natrichlorua sinh lý 0,9% theo tỷ lệ 1:1. Lặp lại thí nghiệm và nhân kết quả với 2,4… tùy vào lần lặp lại. Giá trị nồng độ acid uric huyết thanh là bình thường tham chiếu ở phòng xét nghiệm sinh hóa Bệnh viện Trung ương Huế: 150 – 360 µmol/l (ở nữ giới). Tăng acid uric huyết thanhkhi nồng độ > 360 µmol/l.
Biến chứng mẹ
– Sản giật: biểu hiện bằng cơn giật trải qua 4 giai đoạn: xâm nhiễm, giật cứng, giật giãn cách và hôn mê. Các dấu hiệu cận lâm sàng: protein niệu tăng cao, nước tiểu ít và đôi khi vô niệu. Ure, creatinin, acid uric huyết thanh tăng cao, men gan tăng cao…
– Hội chứng HELLP, chẩn đoán với các triệu chứng sau: đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, nhức đầu, vàng da, có thể tiểu máu. Cận lâm sàng: tiểu cầu giảm <100.000/mm3, tăng các men gan (SGOT, SGPT), tan máu (biểu hiện chảy máu, rối loạn chức năng đông máu, tăng bilirubin).
– Rau bong non: trên bệnh nhân có tiền sản giật nặng: ra máu âm đạo bầm loãng, không đông, tử cung go cứng liên tục, tim thai dao động liên tục hoặc có thể không có tim thai. Trường hợp nặng có thể có choáng, rối loạn đông chảy máu.
– Phù phổi cấp: dựa vào hoàn cảnh xuất hiện, gồm khó thở đột ngột, ho khạc đàm bọt hồng, nghe phổi có nhiều ran ẩm dâng lên như thủy triều.
– Băng huyết sau sinh: khi lượng máu mất > 500ml hoặc choáng do mất máu xảy ra sau sinh và thường xảy ra trong 24 giờ đầu. Hoặc lượng máu mất ảnh hưởng tới tổng trạng sản phụ tùy theo thể trạng và bệnh lý trước đó.
– Suy thận cấp: Suy thận cấp là một hội chứng được biểu hiện bằng sự giảm nhanh của mức lọc cầu thận với thể tích nước tiểu <0,5 ml/kg/giờ kéo dài trên 6 giờ, và có nồng độ creatinin huyết tương tăng thêm 0,5 mg/dl (44µg/l) hoặc trên 50% so với giá trị bình thường (trên 130µg/l) ở người trước đó chức năng thận bình thường.
– Rối loạn đông máu: giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch
– Phù võng mạc: dựa vào kết quả soi đáy mắt.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bảng 1. Tỷ lệ các biến chứng mẹ
Biến chứng mẹ có tỷ lệ cao nhất là hội chứng HELLP có 18 bệnh nhân chiếm 12%, tiếp theo là rối loạn đông máu 7,3%. Các biến chứng còn lại có tỷ lệ thấp.
Bảng 2. Tỷ lệ tăng acid uric huyết thanh giữa các nhóm
Tất cả các trường hợp SG đều tăng acid uric máu, có 73,1% trường hợp TSG nặng và 34,2% trường hợp TSG tăng acid uric máu.
Bảng 3. Nồng độ acid uric huyết thanh với biến chứng mẹ
Nhóm có biến chứng mẹ có tỷ lệ tăng acid uric là 91,3%. Tăng acid uric làm tăng biến chứng so với không tăng acid uric (OR = 11,36; 95% Cl:2,56 – 50,49; p < 0,05).
Bảng 4. Nồng độ acid uric huyết thanh và các biến chứng mẹ
Có mối liên quan giữa tăng nồng độ acid uric huyết thanh với biến chứng: rối loạn đông máu, hội chứng HELLP, suy thận cấp, và sản giật (p < 0,05).
Biểu đồ 1. Biểu diễn đường cong ROC của nồng độ acid uric trong dự báo tiền sản giật có biến chứng mẹ
Diện tích dưới đường cong (AUC) của nồng độ acid uric huyết thanh trong dự báo tiền sản giật có biến chứng mẹ là 0,803 với p < 0,001. Tại điểm cắt nồng độ acid uric huyết thanh 447µmol/l, độ nhạy 73,9% và độ đặc hiệu là 81,1%
IV. BÀN LUẬN
Tiền sản giật là bệnh lý gây ra nhiều biến chứng cho mẹ trong thời kỳ thai nghén, thậm chí gây tử vong. Những biến chứng thường gặp là sản giật, tai biến mạch máu não, hội chứng HELLP (tăng men gan, giảm tiểu cầu, tan máu), suy tim, suy thận, phù phổi cấp, chảy máu sau sinh. Theo kết quả nghiên cứu bảng 1, biến chứng mẹ gặp với tần suất cao nhất là hội chứng HELLP (18 bệnh nhân) chiếm 12% và biến chứng rối loạn đông máu chiếm tỷ lệ bằng nhau (7,3%). Có 7 trường hợp sản giật chiếm 4,7%, các biến chứng còn lại chiếm tỷ lệ thấp. Đặng Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Thị Anh (2013) nghiên cứu trên 244 bệnh nhân tiền sản giật nặng được mổ lấy thai, biến chứng chiếm tỷ lệ cao nhất là suy gan 20,5%; tiếp theo là suy thận 9%, hội chứng HELLP 6,98% [4]. Có sự thay đổi về tỷ lệ các biến chứng của mẹ giữa các nghiên cứu, điều này có thể do thiết kế nghiên cứu có sự khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm cả đối tượng tiền sản giật nhẹ, trong khi các nghiên cứu trên đối tượng là những bệnh nhân tiền sản giật nặng – sản giật.
Trong số 150 bệnh nhân tiền sản giật có 82 bệnh nhân tăng nồng độ acid uric huyết thanh (54,7%), và sự phân bố tăng acid uric huyết thanh có trong 34,2% trường hợp bệnh nhân tiền sản giật; 73,1% bệnh nhân tiền sản giật nặng và 100% bệnh nhân sản giật, và sự khác biệt có ý nghĩa về nồng độ acid uric giữa các nhóm (p < 0,05). Theo nghiên cứu của tác giả Félix Essiben năm 2016 trên 95 bệnh nhân gồm 35 bệnh sản giật và 60 bệnh nhân tiền sản giật nặng thì có 91% bệnh nhân sản giật và 63% bệnh nhân tiền sản giật nặng có tăng acid uric máu [7]. Như vậy nghiên cứu của chúng tôi có kết quả tương đương với các nghiên cứu trên.Theo nghiên cứu của Phạm Thị Dung (2014), tỷ lệ tăng acid uric huyết thanhở nhóm tăng huyết áp là 43,5%; nhóm có hội chứng chuyển hóa và rối loạn lipid máu là 13,1%; còn nhóm có tiền sử bệnh lý tim mạch tỷ lệ này là 16,5% [2]. Theo Hồ Thị Ngọc Dung (2009), tỷ lệ tăng acid uric ở nhóm bệnh nhân tăng acid uric là 48,5% [1]. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ tăng acid uric huyết thanhtrong tiền sản giật trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với các bệnh lý khác ở các nghiên cứu trên. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của nồng độ acid uric huyết thanhtrong bệnh lý tiền sản giật.
Theo nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3), tỷ lệ tăng nồng độ acid uric ở sản phụ tiền sản giật – sản giật có biến chứng là khá cao 91,3%, và nhóm có tăng acid uric huyết thanhlàm tăng biến chứng mẹ so với không tăng acid uric máu, với OR = 11,36; khoảng tin cậy 95% (Cl:1,46 – 6,75), p < 0,05. Theo nghiên cứu của Hawkins năm 2012, tăng acid uric làm tăng biến chứng ở mẹ 2,4 lần so với không tăng acid uric (OR = 2,4; 95% Cl:1,7 – 3,4) [8]. Joel. R Livingston năm 2014, cho thấy tăng acid uric làm tăng biến chứng ở mẹ 1,5 lần so với không tăng acid uric. Như vậy có thể thấy so với kết quả các nghiên cứu trên, thì kết quả trong nghiên cứu chúng tôi cao hơn rất nhiều. Giải thích cho điều này là do cách định nghĩa về biến chứng ở mẹ khác nhau, như trong nghiên cứu của Joel. R Livingston bao gồm: tử vong mẹ hoặc bất kỳ các bệnh lý sau đây của hệ thống: gan (rối loạn chức năng gan, tụ máu, hoặc vỡ); não (sản giật, hôn mê Glasgow <13 điểm, đột quỵ, tổn thương thần kinh do thiếu máu, thiếu máu cục bộ thoáng qua, mù vỏ não, hoặc bong võng mạc); thận (suy thận cấp tính, được xác định như creatinine huyết thanh >150 µmol/l ở phụ nữ không có bệnh thận trước đây hoặc > 200 µmol/l trong số phụ nữ có bệnh thận tồn tại trước đó hoặc phải lọc máu); hô hấp (phù phổi cấp, yêu cầu ≥ 50% cho FiO2 ≥ 1 giờ, hoặc phải đặt nội khí quản không phải vì mổ đẻ); tim mạch (cần hỗ trợ co bóp tim tích cực, truyền ba loại thuốc vận mạch hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim/ nhồi máu cơ tim với các triệu chứng: điện tâm đồ của ST thay đổi phân đoạn, hoặc sóng Q; marker hóa sinh của troponin hoặc creatine kinase – MB, can thiệp động mạch vành, hoặc biểu hiện bệnh lý); hoặc huyết học (phải truyền bất kỳ sản phẩm máu nào) [9]. Như vậy, cách đánh giá biến chứng ở mẹ của chúng tôi là khác với nghiên cứu trên.
Theo nghiên cứu của chúng tôi (Bảng 4), cho thấy có hầu hết các trường hợp có biến chứng mẹ đều nằm chủ yếu ở nhóm có tăng nồng độ acid uric. Có mối liên quan giữa sự tăng nồng độ acid uric với các biến chứng rối loạn đông máu, sản giật, hội chứng HEELP và suy thận cấp với mức ý nghĩa
p < 0,05. Không tìm thấy mối tương quan giữa nồng độ acid uric huyết thanh với các biến chứng còn lại. Theo nghiên cứu của Patel Tejal và cộng sự năm 2014, trên 100 sản phụ chia làm 2 nhóm. Nhóm A gồm 50 bệnh nhân có nồng độ acid máu >360 µmol/l, nhóm B gồm 50 bệnh có nồng độ acid uric huyết thanh<360 µmol/l cho kết quả như sau: có 5 trường hợp mẹ biến chứng sản giật, 4 trường hợp rau bong non, 4 trường hợp hội chứng HELLP, và 1 trường hợp suy thận cấp. Hầu hết các trường hợp có biến chứng này nhóm A. Tuy nhiên, không có mối liên quan giữa nồng độ acid uric huyết thanhvà các biến chứng mẹ [11]. Theo chúng tôi điều này có lẽ là do nghiên cứu trên có cỡ mẫu nhỏ, và tần suất xuất hiện các biến chứng mẹ thấp, do vậy không thể tìm được mối liên quan như nghiên cứu của chúng tôi.
Theo Biểu đồ 1 chúng tôi nhận thấy rằng diện tích dưới đường cong (AUC) của nồng độ acid uric huyết thanh trong dự báo tiền sản giật có biến chứng mẹ là 0,80 với p<0,001. Ở điểm cắt nồng độ acid uric huyết thanh 447µmol/l cho độ nhạy 73,9% và độ đặc hiệu là 81,1% là tối ưu. Với kết quả như vậy cho thấy giá trị dự báo tiền sản giật có biến chứng mẹ của nồng độ acid uric là khá tốt.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nhằm đưa ra một ngưỡng giá trị acid uric nhằm dự báo các biến chứng ở mẹ và đã cho ra các kết quả khác nhau. Nghiên cứu của Parrish và cộng sự năm 2010 khẳng định tăng acid uric là một yếu tố dự báo tốt về biến chứng mẹ (tỷ lệ khả dĩ dương LR+ là 5,3 với nồng độ acid uric ≥ 376µmol/l) [10]. Trong khi đó nghiên cứu của Joel. R Livingston năm 2014 thì nồng độ acid uric huyết thanh cũng cho thấy một mối liên hệ quan trọng với kết quả bất lợi ở mẹ, tuy nhiên diện cong dưới đường cong ROC là < 0,7. Do đó theo tác giả thì giá trị dự báo của nồng độ acid uric huyết thanh đối với biến chứng mẹ ở bệnh nhân tiền sản giật là không đáng kể [9].
V. KẾT LUẬN
Tỷ lệ tăng acid uric huyết thanhở bệnh nhân tiền sản giật – sản giật là 54,8%; 73,1% với nhóm tiền sản giật nặng và 100% với nhóm sản giật.
Nhóm tiền sản giật – sản giật có tăng acid uric huyết thanh làm tăng biến chúng mẹ so với nhóm không tăng acid uric huyết thanh (p < 0,05).
Tại điểm cắt nồng độ acid uric huyết thanh 447µmol/l cho độ nhạy 73,9% và độ đặc hiệu là 81,1% là tối ưu trong dự báo tiền sản giật có biến chứng con. Diện tích dưới đường cong (AUC) của nồng độ acid uric là 0,80 với p < 0,001.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Thị Ngọc Dung, Châu Ngọc Hòa (2009), “Nồng độ acid uric huyết thanh ở bệnh nhân Tăng huyết áp”, Tạp chí y học TP. Hồ Chí Minh,13(6), tr. 41 – 46.
- Phạm Thị Dung (2014), Tình trạng tăng acid uric huyết thanh, yếu tố và hiệu quả can thiệp chế độ ăn ở người 30 tuổi trở lên tại cộng đồng nông thôn Thái Bình, Luận văn tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
- Võ Văn Đức, Nguyễn Trần Thảo Nguyên, Trần Mạnh Linh (2014), “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng và giá trị doppler động mạch tử cung trong dự báo tiền sản giật ở tuổi thai 11 tuần – 13 tuần 6 ngày”, Tạp chí phụ sản, 12(1), tr. 46 – 49.
- Đặng Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Anh (2013), “Nhận xét kết quả mổ lấy thai ở các sản phụ tiền sản giật nặng tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương”,Tạp chí phụ sản, 11(2), tr. 19 – 22.
- Cunningham F. G., Kenneth J. L., Steven L. B. (2014), Hypertensive Disorders. In: Williams Obstetrics. Vol 24th ed. New York: McGraw-Hill Education, pp.728 – 769.
- Feig D. I. (2009), “Uric acid – a novel mediator and marker of risk in chronic kidney disease?”, Curr Opin Nephrol Hypertens, 18(6), pp. 526 – 530.
- Félix E., Olivier I., Pascal F., et al (2016), “Blood Uric Acid Level as a Marker of Increased Risk of Eclampsia in Severe Pre-Eclamptic Patients”, Health Sci. Dis, Vol 17 (2).
- Hawkins A.T., Roberts J. M. , Mangos G. J., Davis G. K., Roberts L. M., Brown M. A. (2012), “Plasma uric acid remains a marker of poor outcome in hypertensive pregnancy: a retrospective cohort study”, BJOG, 119, pp. 484 – 492.
- Joel R. L., Beth P., Mark B., James M. R., Anne M. C., Laura A. M., Peter V. D. (2014), “ Uric Acid as a predictor of adverse maternal and perinatal outcomes in women hospitalized with preeclampsia”, J Obstet Gynaecol Can, 36(10)/2014, pp. 870 – 877.
- Parrish M., Griffin M., Morris R., Darby M., Owens MYMJ (2010), “Hyperuricemia facilitates the prediction of maternal and perinatal adverse outcome in patients with severe/superimposed preeclampsia”, J Matern Fetal Neonatal Med, 23, pp. 1541- 1545.
- Patel T., Dudhat A. (2014), “Relationship of Serum Uric Acid Level to Maternal and Perinatal Outcome in Patients with Hypertensive Disorders of Pregnancy”,Gujarat Medical Journal, Vol. 69 No. 2, pp. 44 – 47.
- Shannon A. B., James M. R. (2008), “ Uric Acid as a Pathogenic Factor in Preeclampsia”,Placenta, 29( A), pp. 67 – 72.