Nồng độ hormon FSH, LH, prolactin và testosterone trên nam giới trong các cặp vợ chồng vô sinh

NỒNG ĐỘ  HORMON FSH, LH, PROLACTIN VÀ, TESTOSTERONE

TRÊN NAM GIỚI TRONG CÁC CẶP VỢ CHỒNG VÔ SINH

Nguyễn Bá Trình, Phan Vân Anh, Trịnh Thế Sơn, Đoàn Văn Đệ

Học viện Quân y

ABSTRACT

Serum FSH, LH, prolactin and total testosterone concentration of male subjects in the infertile couples

Objectives: To estimate the changes in FSH, LH, Prolactin and total Testosterol (TT) levels and associated factors ofmale subjects in the infertile couples. Subjects and methods: This is a cross-sectional, descriptive study conducted on 138 male patients in infertile couples treated at Embryo Technology Center of Military Medical University, from January to May 2018. Results: Mean age of the subjects was 33.1 ± 5.77 years, mean levels of FSH, LH, PRL and TT were 7.9 ± 9.88 (mIU/ml), 5.7 ± 5.31 (mIU/ml), 14.4 ± 11.35 (ng/ml), (4.9 ± 2.36) ng/ml, respectively. There was a significant positive correlation between FSH and LH levels (r = 0.823, p < 0.05). Serum FSH showed low negative correlation with TT levels (r = -0,219, p < 0.05). Serum FSH, LH and PRL levels were not related to age and duration of infertile. TT levels were associated with BMI, physical activities but not with age, smoking or alcohol consumption. Mean levels of serum FSH and LH in subjects with azoospermia were significantly higher than those of other groups (p < 0.05). Conclusion: FSH, LH, PRL and TT levels in men in infertile couples were related to each other and to semen parameters but not to age or infertility duration.

Keywords: reproductive endocrine, male infertility.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Nhằm đánh giá sự biến đổi nồng độ các hormon FSH, LH, prolactin (PRL), testosteron (T) và các yếu tố liên quan trên nam giới trong các cặp vợ chồng vô sinh. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp mô tả cắt ngang trên 138 nam giới trong các cặp vợ chồng đến khám và điều trị vô sinh tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y từ tháng 01/2018 đến tháng 5/2018. Kết quả: Tuổi trung bình của các ĐTNC là 33,1 ± 5,77 năm. Nồng độ trung bình các hormon FSH, LH, PRL và T lần lượt là 7,9 ± 9,88 (mIU/ml); 5,7 ± 5,31 (mIU/ml); 14,4 ± 11,35 (ng/ml) và (4,9 ± 2,36) ng/ml. Giữa nồng độ FSH và LH có mối tương quan thuận rất chặt chẽ (r = 0,823, p < 0,05), Giữa FSH và T có mối tương quan nghịch mức độ yếu (r = -0,219, p < 0,05). Nồng độ FSH, LH, PRL không liên quan đến tuổi, thời gian vô sinh. Nồng độ T có liên quan với chỉ số BMI, luyện tập thể dục thể thao nhưng không liên quan đến tuổi, thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia của ĐTNC. Nồng độ trung bình FSH và LH trên nhóm đối tượng vô tinh cao hơn các nhóm khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết luận: Nồng độ các hormon FSH, LH, PRL, T trên nam giới trong các cặp vợ chồng có mối liên quan với nhau và với đặc điểm tinh dịch đồ nhưng không liên quan đến tuổi, thời gian vô sinh.

Từ khóa: nội tiết sinh sản, vô sinh nam.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Bá Trình

Ngày nhận bài: 01/10/2018

Ngày phản biện khoa học: 10/10/2018

Ngày duyệt bài: 15/10/2018

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vô sinh là một vấn đề mang tính thời sự, cấp bách đang thu hút sự chú ý quan tâm của toàn xã hội. Ước tính hiện nay trên thế giới tỷ lệ vô sinh nằm trong khoảng 8-12% tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, ảnh hưởng đến 186 triệu người trên toàn thế giới [1]. Tại Việt Nam, theo điều tra của Nguyễn Viết Tiến và cs (2010) tỷ lệ này hiện ở mức 7,7% [2]. Trong các nguyên nhân gây vô sinh thì vai trò do nam giới chiếm khoảng 50%.

Duy trì chức năng sinh sản trên nam giới có vai trò rất quan trọng của hệ thống nội tiết, đặc biệt là các hormon LH, FSH, prolactin (PRL), testosteron (T). Những hormon này được sản sinh và tồn tại trong một thể cân bằng, tương hỗ nhau tạo nên hoạt động tình dục và sinh tinh cũng như trưởng thành bình thường của tế bào dòng tinh. Khi mất cân bằng giữa các hormon này hoặc các thụ cảm thể của chúng không bình thường sẽ dẫn đến rối loạn chu trình hoạt động tình dục và sinh tinh, gây ra các rối loạn bất thường về tình dục và sinh sản [3]. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về nồng độ các hormon và các yếu tố liên quan trên nam giới vô sinh, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Do vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu đánh giá sự biến đổi nồng độ các hormon FSH, LH, PRL, T và các yếu tố liên quan trên nam giới trong các cặp vợ chồng vô sinh.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

138 nam giới (tuổi trung bình là 33,1 ± 5,77) trong các cặp vợ chồng vô sinh đến khám và điều trị tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y từ tháng 01/2018 đến 5/2018.

Các đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) được hỏi về tiền sử liên quan đến vô sinh, xét nghiệm tinh dịch đồ (TDĐ) đánh giá các chỉ số thể tích tinh dịch, số lượng, mật độ tinh trùng, khả năng di động theo tiêu chuẩn WHO 2010. Đặc điểm TDĐ trong các ĐTNC được chia thành 3 nhóm: vô tinh, TDĐ bất thường và TDĐ bình thường.

Nồng độ các hormon FSH, LH, PRL và T toàn phần trong máu được định lượng theo phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang.

Các số liệu của nghiên cứu được xử lý trên phần mềm SPSS 20.0.

 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm chung của ĐTNC

Bảng 1. Đặc điểm chung của ĐTNC

Đặc điểm Số lượng Tỷ lệ
Nhóm tuổi
  Từ 30 trở xuống 53 38,4%
31-40 tuổi 70 50,7%
  Trên 40 tuổi 15 10,9%
  Thời gian vô sinh
  Dưới 5 năm 91 65,9%
  5 đến 10 năm 34 24,6%
  Trên 10 năm 13 9,4%
  Loại vô sinh
  Nguyên phát 93 67,4%
  Thứ phát 45 32,6%
  Đặc điểm TDĐ
  Vô tinh 33 23,9%.
  Bất thường 43 31,2%.
  Bình thường 62 44,9%
  TỔNG 138 100%

* Nhận xét:

Độ tuổi vô sinh trong nghiên cứu từ 31-40 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 50,7% trong đối tượng nghiên cứu; Thời gian vô sinh trung bình của các bệnh nhân là 4,3 ± 3,77 (1,0-18,0) năm. Nhóm thời gian vô sinh dưới 5 năm có tỷ lệ cao nhất 65,9%, nhóm vô sinh trên 10 năm có tỷ lệ thấp chưa đến 10%.

Tỷ lệ vô sinh nguyên phát chiếm tỷ lệ trên 2/3 đối tượng nghiên cứu. Số lượng bệnh nhân có tinh dịch đồ bình thường về thể tích xuất tinh, mật độ tinh trùng và khả năng di động chiếm tỷ lệ cao nhất 44,9% sau đó đến nhóm có tinh dịch đồ bất thường 31,2%. Nhóm bệnh nhân vô tinh cũng chiếm một tỷ lệ khá cao trong nghiên cứu với 23,9%.

Bảng 2. Đặc điểm bất thường tinh dịch đồ

Bất thường Số lượng Tỷ lệ
Mật độ ít 13 30,2%
Di động yếu 38 88,4%
Thể tích xuất tinh ít 7 16,3%
Tổng 58 134,9%

* Nhận xét: Phần lớn các mẫu tinh dịch đồ bất thường có tỷ lệ di động tiến tới thấp sau đó đến mật độ ít, tỷ lệ bất thường thể tích xuất tinh ít chiếm 16,3% (Tổng tỷ lệ > 100% vì một mẫu tinh trùng có thể bất thường ở nhiều chỉ số).

Bảng 3. Mối liên quan giữa các yếu tố bất thường tinh dịch đồ

Mật độ tinh trùng Di động Tổng p
Yếu Bình thường
  Ít Số lượng 12 1 13 < 0,05
Tỷ lệ % 92,3% 7,7% 100,0%
Bình thường Số lượng 26 66 92
Tỷ lệ % 28,3% 71,7% 100,0%

* Nhận xét: Hầu hết các mẫu tinh dịch có mật độ tinh trùng ít thường đi kèm với di động yếu. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

2. Đặc điểm định lượng nồng độ hormon

Bảng 4. Giá trị trung bình của nồng độ các hormon

Hormon Min Max Mean
Nồng độ FSH (mIU/ml) 0,43 47,06 7,9 ± 9,88
Nồng độ LH (mIU/ml) 0,21 33,61 5,7 ± 5,31
Nồng độ PRL (ng/ml) 1,47 68,24 14,4 ± 11,35
Nồng độ Testosterol (ng/ml) 0,25 15,00 4,9 ± 2,36

* Nhận xét: Phần lớn nồng độ hormon trên các đối tượng nghiên cứu nằm trong giới hạn bình thường.

Bảng 5. Mối liên quan giữa các hormone

Hormon r Phương trình tương quan p
FSH và LH 0,823 y = 0,443 x + 2,286 < 0,05
FSH và PRL 0,267 y = 0,307 x + 12,042 < 0,05
LH và PRL 0,235 y = -0,503 x + 11,559 < 0,05
FSH và T -0,219 y = -0,052 x + 5,310 < 0,05
LH và T -0,097 y = -0,043 x + 5,144 > 0,05
PRL và T -0,071 y = -0,015 x + 5,108 > 0,05

* Nhận xét: Có mối tương quan thuận rất chặt chẽ, có ý nghĩa thống kê giữa nồng độ FSH và LH. Giữa nồng độ FSH và PRL, giữa LH và PRL cũng có tương quan thuận có ý nghĩa thống kê nhưng ở mức độ yếu. Nồng độ FSH và T cũng có tương quan nghịch mức độ yếu. Giữa nồng độ LH, PRL và T không có tương quan với nhau.

Bảng 6. Nồng độ FSH và loại vô sinh

Loại vô sinh Nồng độ FSH (mIU/mL) Tổng p
>12 ≤12
  Nguyên phát Số lượng 18 75 93 < 0,05
Tỷ lệ % 19,4% 80,6% 100,0%
Thứ phát Số lượng 0 45 45
Tỷ lệ % 0,0% 100,0% 100,0%

* Nhận xét: Những trường hợp có nồng độ FSH cao đều thuộc nhóm vô sinh nguyên phát, không có trường hợp vô sinh thứ phát nào có nồng độ FSH cao, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Trong nghiên cứu không quan sát thấy có mối liên quan giữa nồng độ các hormon FSH, LH, và PRL với các yếu tố tuổi, thời gian vô sinh,  của các ĐTNC.

Biểu đồ 1. Tương quan giữa nồng độ T và chỉ số BMI

Nồng độ T và chỉ số BMI có mối tương quan nghịch mức độ yếu với r = -0,238, p < 0,05.

Không có mối liên quan giữa nồng độ T toàn phần với các yếu tố tuổi, thời gian vô sinh, thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia trên các ĐTNC. Tuy nhiên trên các ĐTNC không luyện tập thể dục thể thao có tỷ lệ nồng độ T thấp (dưới 3ng/ml) cao hơn nhóm luyện tập thể dục thể thao (ít nhất 1 lần/tuần) có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 (Bảng 7).

Bảng 7. Liên quan giữa nồng độ T và luyện tập thể dục thể thao

Luyện tập thể dục thể thao Nồng độ T Tổng p
≤ 3ng/ml > 3ng/ml
  Không Số lượng 20 58 78 p<0,05
Tỷ lệ % 25,6% 74,4% 100,0%
Số lượng 5 55 60
Tỷ lệ % 8,3% 91,7% 100,0%

 3. Liên quan giữa nồng độ các hormon và đặc điểm tinh dịch đồ

 

Biểu đồ 2. Nồng độ các loại hormon theo đặc điểm tinh dịch đồ

* Nhận xét: Trong nhóm vô tinh nồng độ hormon FSH, LH, PRL tăng cao còn nồng độ T giảm thấp hơn so với hai nhóm còn lại. Sự khác biệt về nồng độ FSH và LH giữa các nhóm có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 còn sự khác biệt giữa nồng độ PRL và T chưa có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

4. BÀN LUẬN

1. Đặc điểm chung ĐTNC

Tuổi trung bình của ĐTNC là 33,0 ± 5.77 tuổi, tương đồng với độ tuổi trong nghiên cứu của Yang B. (2018) là 32,85 ± 5,98 [4], Zare Z. (2017) là 32,5 ± 5,1 [5] tuy nhiên thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Tâm (2014) là 36,25 ± 6,43 [6] và Satkunasivam R. (2010) là 36,3 ± 0,2 [7]. Điều này phần nào cho thấy tuổi của các bệnh nhân vô sinh đang có xu hướng ngày càng trẻ hơn và có sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của xã hội tới sức khỏe sinh sản.

Trong các bệnh nhân nam đến khám thì nhóm tuổi từ 30-40 chiếm tỷ lệ cao nhất (50,7%). Nhóm tuổi trên 40 chiếm tỷ lệ thấp nhất (10,9%) trong các bệnh nhân đến khám bệnh, đây thường là các bệnh nhân vô sinh thứ phát hoặc vô sinh đã lâu, từng khám và điều trị ở nhiều nơi.

Thời gian vô sinh trung bình của các bệnh nhân là 4,3 ± 3,77 (ngắn nhất là 1 năm, dài nhất lên đến 18 năm) trong đó tỷ lệ các bệnh nhân có thời gian vô sinh dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (65,9%), trong số này số lượng các cặp vợ chồng vừa kết hôn được 1-2 năm, đang mong con đi khám và điều trị rất cao. So sánh với nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Tâm (2014) thời gian vô sinh trung bình là 4,75 ± 2,57 năm, trong đó tỷ lệ nhóm có thời gian vô sinh từ 5-10 năm chiếm tỷ lệ cao nhất 49,7%.

Tỷ lệ vô sinh nguyên phát trong nghiên cứu của chúng tôi là 67,4%, cao gấp đôi vô sinh thứ phát là 32,6%, theo nghiên cứu của Nguyễn Viết Tiến (2010) điều tra tại cộng đồng cho kết quả tỷ lệ vô sinh nguyên phát và thứ phát xấp xỉ bằng nhau ở mức lần lượt là 3,9% và 3,8% tổng số các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ hay 50,6% và 49,4% trong tổng số các trường hợp vô sinh [8], [2].Liên quan giữa nồng độ các hormon

2. Liên quan giữa nồng độ các hormon

Phân tích tương quan cho thấy nồng độ của FSH và LH có mối tương quan thuận rất chặt chẽ với r= 0,823, p < 0,05, kết quả này là hợp lý khi cơ chế điều tiết của hai hormon này hoàn toàn tương tự nhau. Mối tương quan thuận mức độ yếu giữa FSH, LH với PRL cũng thể hiện một mối quan hệ gần gũi về vai trò của PRL với FSH và LH. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy PRL giữ vai trò một hormon hướng sinh dục yếu, tác động hỗ trợ cùng với FSH và LH lên quá trình sinh tinh và tổng hợp androgen [8].

LH mặc dù là yếu tố chính kích thích bài tiết T tuy nhiên trong nghiên cứu không nhận thấy sự tương quan giữa nồng độ LH và T mặc dù giữa FSH và T tồn tại mối tương quan nghịch mức độ yếu (r= -0,219, p < 0,05). Theo Briges N. A. và cs (1993) mặc dù FSH và LH được bài tiết đồng thời tuy nhiên một xung tiết T lại chỉ xuất hiện sau một xung tiết của LH 60 phút trong khi thời gian bán hủy của LH chỉ là 20 phút, ngắn hơn rất nhiều so với FSH. Có lẽ vì sự trì hoãn này nên khi tiến hành định lượng đồng thời LH và T, mối liên quan giữa hai hormon này không được biểu hiện [9].

3. Liên quan giữa nồng độ T và chỉ số BMI

Trong nghiên cứu của chúng tôi, giữa nồng độ T toàn phần và chỉ số BMI có mối tương quan nghịch mức độ yếu, hệ số tương r = -0,229, p < 0,05. Kết quả của chúng tôi thấp hơn so với một số nghiên cứu khác trên bệnh nhân nam vô sinh (r= -0,35) [10], béo phì (r= -0,447) [11], hay trên nam giới khỏe mạnh (r= -0,311) [12]. Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới đã đi sâu vào tìm hiểu cơ chế liên quan giữa tình trạng tăng BMI, nhất là béo phì với sự giảm nồng độ T máu, kết quả của các nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa hai yếu tố này không phải một chiều mà có sự tương tác qua lại lẫn nhau tạo thành một vòng xoắn bệnh lý.

Hiện tượng gia tăng chỉ số BMI gây ra giảm nồng độ T là hậu quả của tăng đề kháng Insulin và giảm nồng độ SHBG (Sex Hormone Binding Globulin)trong máu, cùng với sự tăng chuyển hóa T thành estradiol trong mô mỡ, các mô mỡ cũng tăng giải phóng các cytokin và cortisol gây ức chế tiết các gonadotropin gây giảm tổng hợp T. Trên các bệnh nhân béo phì khi giảm chỉ số BMI có sự tăng nồng độ T tương xứng đi kèm. Ngược lại, giảm T máu  gây rối loạn chuyển hóa mỡ, giảm khối lượng cơ, xương, ảnh hưởng lên tâm lý gây giảm khả năng vận động làm cho tình trạng béo phì trầm trọng hơn. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ T giảm trầm trọng làm cho khối lượng mỡ tăng nhanh và ngược lại khi điểu trị bằng T làm cho khối lượng mỡ giảm xuống [13].

Khi phân tách đối tượng trong nghiên cứu theo đặc điểm tinh dịch đồ, mối tương quan giữa T và BMI trong nhóm có tinh dịch đồ bình thường ở mức độ vừa (r = -0,413) nhưng không có sự tương quan giữa T và BMI trong nhóm vô tinh và có tinh dịch đồ bất thường. Đối với tương quan giữa nồng độ T và chỉ số WHR chúng tôi cũng quan sát thấy đặc điểm tương tự như trên. Như vậy có thể nhận xét rằng đã có sự thay đổi đáng kể về nồng độ T trên nhóm vô tinh và bất thường tinh dịch đồ làm cho mối tương quan giữa nó với chỉ số BMI không còn nữa.

4. Liên quan giữa nồng độ các hormon và đặc điểm tinh dịch đồ

Trong ba nhóm tinh dịch đồ, nhóm vô tinh có sự thay đổi nồng độ các hormon rõ ràng nhất qua đặc điểm: nồng độ trung bình FSH, LH, tăng cao hơn hai nhóm còn lại có ý nghĩa thống kê. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả của Lotti F. (2016) [14]. Sự khác biệt về nồng độ các hormon này trong nhóm vô tinh bắt nguồn từ sự kết hợp chặt chẽ giữa các hormon này trong quá trình sinh tinh và sự điều hòa theo cơ chế feed-back giữa chúng trong trục dưới đồi-tuyến yên-sinh dục. FSH và LH thông qua cơ chế tác dụng của chúng tác động vào các giai đoạn khác nhau của quá trình sinh tinh tại tinh hoàn, khi vô tinh do nguyên nhân tại tinh hoàn dẫn đến khả năng sản xuất T giảm và không sản xuất được tinh trùng, Inhibin không được tế bào Sertoli tiết ra. Khi đó theo cơ chế feed-back vùng dưới đồi lúc này sẽ tăng tiết GnRH và tuyến yên tăng tiết FSH và LH nhằm tăng cường quá trình sinh tinh dẫn đến nồng độ các hormon này tăng cao trong máu. Như vậy, nồng độ FSH và LH tăng cao đóng vai trò là kết quả của rối loạn quá trình sinh tinh chứ không phải nguyên nhân.

5. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu trên 138 nam giới trong các cặp vợ chồng vô sinh, chúng tôi rút ra những nhận định sau:

Nồng độ trung bình trong máu của FSH là 7,9 ± 9,88 mIU/ml, LH là 5,7 ± 5,31 mIU/ml, PRL là 14,4 ± 11,35 ng/ml và T là 4,9 ± 2,36 ng/ml.Giữa nồng độ FSH và LH tồn tại mối tương quan thuận rất chặt chẽ và có mối tương quan thuận mức độ yếu giữa FSH, LH với PRL. Giữa nồng độ FSH và T có mối tương quan nghịch mức độ yếu.

Nồng độ FSH, LH, PRL không liên quan đến tuổi, thời gian vô sinh. Nồng độ T có liên quan với chỉ số BMI, luyện tập thể dục thể thao nhưng không liên quan đến tuổi, thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia.

Trên nhóm các bệnh nhân vô tinh có sự rối loạn hoạt động của các hormon FSH, LH, nặng nề nhất. Giữa nhóm TDĐ bất thường và TDĐ bình thường chưa quan sát thấy sự khác biệt rõ rệt về nồng độ các hormon.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Inhorn M. C. and Patrizio P. (2015) Infertility around the globe: new thinking on gender, reproductive technologies and global movements in the 21st century. Hum Reprod Update, 21(4), 411-426.
  2. Nguyễn Viết Tiến, Ngô Văn Toàn và Bạch Huy Anh (2010) Tỷ lệ hiện mắc vô sinh và một số yếu tố ảnh hưởng. Tạp chí nghiên cứu y học, 70 (5), 114-122.
  3. Trần Quán Anh, Trần Thị Trung Chiến và Lê Văn Vệ (2011) Vô sinh nam giới. In: Bệnh học giới tính nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 253-323.
  4. Yang B., Xu P., Shi Y.. et al (2018) Erectile Dysfunction and Associated Risk Factors in Chinese Males of Infertile Couples. J Sex Med, 15(5), 671-677.
  5. Zare Z., Golmakani N. and Amirian M. (2017) Comparison of Sexual Problems in Fertile and Infertile Couples. J Caring Sci, 6(3), 269-279.
  6. Nguyễn Thị Minh Tâm (2014) Nghiên cứu đặc điểm tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn WHO năm 2010 của nam giới đến khám tại trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện Phụ sản Trung ương, Luận văn Thạc sĩ Y học, Trường Đại Học Y Hà Nội.
  7. Satkunasivam R., Ordon M., Hu D. et al (2014) Hormone abnormalities are not related to the erectile dysfunction and decreased libido found in many men with infertility. Fertility and Sterility, 101(6), 1594-1598.
  8. Rastrelli G., Corona G. and Maggi M. (2015) The role of prolactin in andrology: what is new? Rev Endocr Metab Disord, 16(3), 233-248.
  9. Bridges N. A., Hindmarsh P. C., Pringle P. J.. et al (1993) The relationship between endogenous testosterone and gonadotrophin secretion. Clin Endocrinol (Oxf), 38(4), 373-378.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …