Sàng lọc đái tháo đường và tiền đái tháo đường mới được phát hiện tại Hà Nội năm 2014

SÀNG LỌC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN TẠI HÀ NỘI NĂM 2014

 Hoàng Minh Hiền1, Nguyễn Ngọc Tâm2, Hà Trần Hưng2,

Bùi Công Đức3, Vũ Thị Thanh Huyền2

1Sở y tế Hà Nội, 2Trường Đại học Y Hà Nội,  3 Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

Người chịu trách nghiệm:  Vũ Thị Thanh Huyền

 SUMMARY

SCREENIG DIABETES

AND PREDIABETES IN HANOI

The study aimed to estimate the incidence of newly diagnosed pre-diabetes, diabetes and related risk factor in Hanoi 2014. The descriptive cross-sectional study screened 4113 subjects. The results showed that the incidence of diabetes and pre-diabetes was 3.2% and 16.9%. The highest rate of diabetes and pre-diabetes was found in An Thuong – Hoai Duc (5.3% and 30.1%), the lowest percentage in Duc Tu – Đông Anh (1.6%) and Tu Lien – Tây Hồ (3.7%). The incidence of diabetes/pre-diabetes have gradually increased with age and was highest among 66-69 age groups and 5 risk factor groupm, respectively, 5.3%, 19.1%, 14.3% and 28.6%, (p <0.01). People with hypertension, large waist circumference, increased BMI, family history of diabetes were higher risk for type 2 diabetes than the those with normal blood pressure, waist circumference and BMI, as well as no family history of diabetes (p <0.01). The incidence of diabetes and pre-diabetes in Hanoi 2014 is relatively high and correlated with risk factors for diabetes.

Keywords: diabetes, pre-diabetes, screening

Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Minh Hiền

Ngày nhận bài: 1.1.2016

Ngày phản biện khoa học: 15.1.2016

Ngày duyệt bài: 1.2.2016

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh đái tháo đường đang trở thành đại dịch của thế kỷ 21 [1]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng một nửa số bệnh nhân đái tháo đường týp 2 không được chẩn đoán do bệnh có thể tiến triển trong một thời gian dài mà không có biểu hiện lâm sàng [2],[3]. Giai đoạn tiền lâm sàng này có thể được chẩn đoán được bằng các xét nghiệm đường máu hiện có, có độ tin cậy cao và dễ được chấp nhận. Bên cạnh đó các bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch là tăng huyết áp và rối loạn lipid máu có thể dự phòng được các biến chứng tim mạch ở những người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 [4],[5]. Các yếu tố nguy cơ tim mạch trên là thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2, kể cả ở giai đoạn tiền lâm sàng và tiền đái tháo đường. Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường týp 2 bằng sàng lọc và kiểm soát tốt đường máu có thể làm giảm các biến chứng và tử vong liên quan đến bệnh đái tháo đường týp 2 [6], [7].

Trong thực tế, việc quyết định có tiến hành chương trình sàng lọc bệnh đái tháo đường trong một cộng đồng hay không, cần dựa vào cáo yếu tố sau: tỷ lệ bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, khả năng của hệ thống y tế tiến hành sàng lọc, quản lý chăm sóc điều trị những người được phát hiện mắc đái tháo đường và thực hiện chương trình phòng bệnh đái tháo đường cho những có yếu tố nguy cơ, sự chấp nhận và tham gia của cộng đồng, chi phí sàng lọc đối với cá nhân và hệ thống y tế, hiệu quả của việc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường so với việc nâng cao chất lượng quản lý cho những người đã có bệnh đái tháo đường được chẩn đoán [8]. Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường ở người có yếu tố nguy cơ giúp quản lý điều trị nhằm làm chậm tiến triển biến chứng để người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường đồng thời lập kế hoạch quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Chính vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài nhằm xác định tỷ lệ tiền đái tháo đường, đái tháo đường mới phát hiện và các yếu tố nguy cơ tại thành phố Hà Nội năm 2014.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

2.1. Tiêu chuẩn lựa chọn: Các đối tượng cần được sàng lọc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường theo Quyết định số 3280/QĐ-BYT ngày 09 tháng 09 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường, đối tượng được lựa chọn là những người Việt Nam [5] hiện đang sinh sống tại xã/phường/thị trấn tuổi từ 45 đến 69 có từ một yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 như: thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2), tăng vòng eo (≥ 90 cm đối với nam; ≥ 80 cm đối với nữ), tăng huyết áp trên 130/80 mmHg, rối loạn lipid máu, tiền sử gia đình có người thân trực hệ bị bệnh đái tháo đường týp 2, đã từng được chẩn đoán rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose, nữ có tiền sử sinh con >3,6 kg hoặc có tiền sử đái tháo đường thai kỳ.

2.2. Tiêu chí loại trừ: Người từ chối tham gia nghiên cứu, người không đủ tỉnh táo để trả lời câu hỏi nghiên cứu.

2.3. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2014

2.4. Địa điểm nghiên cứu: Địa điểm sàng lọc tại cộng đồng: tiến hành tại các xã được chọn gồm 8 xã/phường; Tại 8 quận/huyện chọn 1 xã và đăng ký tên xã được chọn với Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội gồm xã Tứ Liên, Dục Tú, Cổ Nhuế, Vạn Phúc, An Thượng, Ngọc Mỹ, Nam Triều và phường Hàng Bồ, mỗi xã/phường chọn 500 đối tượng, tổng số đối tượng khám sàng lọc 8000 đối tượng.

2.5. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang

Các bước tiến hành

Bước 1: Lập danh sách các đối tượng cần sàng lọc bệnh đái tháo đường của xã: toàn bộ những người trong độ tuổi từ 45 đến 69 hiện đang sinh sống tại địa bàn sàng lọc, hướng dẫn và đề nghị tất cả các đối tượng tự điền đầy đủ các thông tin vào “Phiếu tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường” rồi thu lại, gửi nghiên cứu viên, qua đó phát hiện những người có yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường để tiến hành tiếp các bước sàng lọc và lập “Danh sách các đối tượng cần sàng lọc bệnh đái tháo đường” của xã, gồm tất cả những người từ 45 tuổi có từ 01 yếu tố nguy cơ trở lên.

Bước 2: Sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại cộng đồng, phát “Giấy mời” cho những người có tên trong “Danh sách các đối tượng cần sàng lọc bệnh đái tháo đường” của xã, hẹn và mời đến địa điểm thực hiện khám bệnh, sàng lọc bệnh đái tháo đường. Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường khám bệnh và sử dụng “Phiếu sàng lọc phát hiện bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường”, để hỏi và điền đầy đủ các thông tin vào phiếu cho những người có tên trong “Danh sách các đối tượng cần sàng lọc bệnh đái tháo đường” của xã. Qua đó, xác định những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 để chỉ định những người cần làm xét nghiệm đường máu.

– Làm xét nghiệm glucose máu lúc đói cho tất cả những người có yếu tố nguy cơ, đánh giá kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói:

+ Đường huyết lúc đói ≤ 5,6 mmol/L: Bình thường

+ Nếu đường huyết lúc đói từ 5,6 mmol/L đến 6,9 mmol/L: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose.

+ Đường huyết lúc đói  ≥ 7,0 mmol/l: Chuyển đến cơ sở Y tế, nơi có thể tiến hành xét nghiệm lại đường huyết tương vào một ngày khác để chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.

– Làm nghiệm pháp dung nạp glucose máu mao mạch cho tất cả những người có đường huyết lúc đói ≥ 5,6 mmol/l và < 6,9mmol/l. Đánh giá kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose (Tại cộng đồng thử đường huyết bằng máy thử đường huyết so màu của hãng Johnson & Johnson).

+ Đường huyết sau 2 giờ ≥ 11,1 mmol/l: chẩn đoán đái tháo đường

+ Đường huyết sau 2 giờ ≥ 7,8 mmol/l và < 11,1 mmol/l: chẩn đoán “Rối loạn dung nạp glucose”.

+ Đường huyết sau 2 giờ < 7,8 mmol/l: chẩn đoán “Rối loạn đường huyết lúc đói”.

– Căn cứ kết quả xét nghiệm đường huyết để xác định những người mắc bệnh đái tháo đường (đái tháo đường mới phát hiện) và những người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường (tiền đái tháo đường). Lập “Danh sách những người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường” và “Danh sách bệnh nhân đái tháo đường mới phát hiện” của xã để quản lý, chăm sóc.

2.3. Xử lí số liệu: Các số liệu được xử lý và phân tích theo phần mềm thống kê y học SPSS 16.0. Xác định các tỷ lệ %, trị số trung bình, độ lệch chuẩn. So sánh sự khác biệt của các tỷ lệ % và kiểm định tính độc lập theo test  Khi bình phương và so sánh giá trị trung bình của các nhóm theo t-test với mức khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

III. KẾT QUẢ

 1. Đặc điểm chung

Bảng 1: Phân bố một số đặc điểm của các đối tượng sàng lọc

Tổng số đối tượng có nguy cơ được sàng lọc là 4133 người. Trong đó tỷ lệ nữ giới lớn hơn nam giới (68,7% so với 31,3%), Tỷ lệ người tham gia sàng lọc giảm dần theo nhóm tuổi, cao nhất là nhóm 45- 60 tuổi và thấp nhất là nhóm 66 – 69 tuổi (tương ứng là 72,2% – 11,9%). Tính chất công việc của các đối tượng tham gia sàng lọc chủ yếu là ở mức lao động trung bình và nhẹ (tương ứng là 61,9% – 33,4%), mức độ lao động nặng và tĩnh tại chiếm tỷ lệ rất thấp là 3,3% và 1,4%. Trình độ học vấn của các đối tượng tham gia sàng lọc chủ yếu là trung học cơ sở và trung học phổ thông (45,8% – 24,9%), tiểu học trở xuống 20,2%, THCN trở lên 9,1%

2. Tiền sử bệnh của đối tượng khám sàng lọc:

Bảng 2: Tiền sử bệnh của đối tượng khám sàng lọc


Kết quả cho thấy 15,5% đối tượng có tiền sử tăng huyết áp và có tới 23,1% số trường hợp phát hiện tăng huyết áp không điều trị, 9,9% đối tượng có người trong gia đình bị mắc bệnh đái tháo đường, 3,4% đối tượng có tiền sử tim mạch, bệnh mạch máu ngoại vi. 12,8% đối tượng đã từng được chẩn đoán là rối loạn mỡ máu,36,4% đối tượng có chỉ số BMI ≥ 23 lúc nặng cân nhất, 23,2% phụ nữ có tiền sử đẻ con to ≥ 3,6kg. Tuy nhiên chỉ có 0,6% trong tổng số phụ nữ sinh con được khám, chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

3. Kết quả khám sàng lọc

Tổng số đối tượng tham gia sàng lọc là 4133 người, tuy nhiên có 20 người có chỉ số xét nghiệm lúc đói từ 5,6 – 6,9 nhưng không quay lại làm nghiệm pháp tăng đường máu do đó không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán. Số trường hợp đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là 4113 người, trong đó tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường là 3,2% (133 người), tỷ lệ người tiền đái tháo đường là 16,9% (697 người).

Bảng 3: Phân bố tỷ lệ bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường

Tỷ lệ đái tháo đường mới phát hiện tại An Thượng – Hoài Đức cao nhất trong 8 địa điểm sàng lọc là 5,3% và thấp nhất tại Dục Tú – Đông Anh là 1,6%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường mới phát hiện tại An Thượng – Hoài Đức (30,1%) cũng cao nhất trong số 8 xã phường được sàng lọc, và thấp nhất là Tứ Liên – Tây Hồ (3,7%).

Bảng 4: Phân bố tỷ lệ bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường

Tỷ lệ mắc đái tháo đường ở nam giới cao hơn ở nữ giới tương ứng là 3,6% và 3,0%, nhưng tỷ lệ tiền đái tháo đường ở nữ giới cao hơn ở nam giới tương ứng 18,9% so với 12,6% (p<0,05). Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng tăng dần theo nhóm tuổi, cao nhất là nhóm 66 – 69 tuổi (5,3%), và thấp nhất ở nhóm 45- 50 (2,0%). Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng tương tự như vậy cao nhất ở nhóm 66 – 69 (19,1%), thấp nhất ở nhóm 45 – 50 (14%) (p<0,01). Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở khu vực nội thành và ngoại thành tương ứng là 3,4% và 3,1%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường ở khu vực ngoại thành cao hơn khu vực nội thành tương ứng 19,3% và 14,5%; Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường theo tính chất công việc ở nhóm lao động nặng và lao động trung bình là 3,7% và 3,1%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng không đồng đều ở các nhóm, cao nhất ở nhóm lao động nhẹ (17,4%) và thấp nhất ở nhóm tĩnh tại (8,9%). Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0.05. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở nhóm phụ nữ sinh con  ≥ 3600 gr là 4,4%, trong khi tỷ lệ mắc ở nhóm sinh con < 3,6kg là 2,7%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường ở nhóm sinh con ≥ 3,6kg cũng cao hơn so với nhóm phụ nữ sinh con < 3,6kg tương ứng là 22,0% và 18,7%. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Bảng 5. Phân bố tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường  theo tổng số các yếu tố nguy cơ

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng dần theo số lượng yếu tố nguy cơ, cao nhất ở nhóm người có 5 yếu tố nguy cơ (14,3%), thấp nhất là ở nhóm không có yếu tố nguy cơ nào (1,1%). Tương tự, tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng tăng dần theo số lượng yếu tố nguy cơ, cao nhất ở nhóm có 5 yếu tố nguy cơ (28.6%), thấp nhất là nhóm không có yếu tố nguy cơ (12,3%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0.01

Mối liên quan giữa một số yếu tố nguy cơ với bệnh đái tháo đường

Bảng 6: Mối liên quan giữa đái tháo đường và tăng huyết áp

Người có huyết áp tăng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cao hơn những người huyết áp bình thường là 2,12 lần (p<0,01). Người có vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn những người có vòng eo bình thường là 1,67 lần (p<0,05). Người có tăng BMI có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cao hơn những người có chỉ số BMI bình thường là 2,25 lần (p<0,01). Những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường thì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cao hơn những người tiền sử gia đình không có người mắc bệnh đái tháo đường là 2,43 lần (p<0,01).

IV.  BÀN LUẬN

Bệnh đái tháo đường là một bệnh không lây nhiễm đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành gánh nặng cho ngành y tế cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên bệnh tiển triển âm thầm không có triệu chứng lâm sàng trong một thời gian dài, do vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm phát hiện bệnh sớm hơn trên các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.

Tiền sử bệnh tật của đối tượng nghiên cứu cho thấy có các yếu tố nguy cơ hay gặp là tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Kết quả này phù hợp với một số nghiên cứu cho thấy đó là những yếu tố nguy cơ độc lập dẫn tới bệnh đái tháo đường [9]. Tuy nhiên tỷ lệ người có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình hoặc mắc đái tháo đường thai kỳ (với nữ) là rất thấp. Điều này có thể là do việc sàng lọc sớm bệnh trong thai kỳ và cho bệnh nhân cao tuổi còn chưa được quan tâm đúng mức, đa số bệnh nhân không được làm nghiệm pháp dung nạp glucose trong thời kỳ mang thai.

Qua kết quả khám sàng lọc cho 4113 người cho kết quả tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường typ 2 mới được phát hiện lên tới 3,2% quần thể nghiên cứu (133 người). Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường mới được phát hiện ở Hà Nội cũng tăng lên 1,23 lần so với kết quả nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh công bố năm 2004 (tỷ lệ này là 2,6%) [10]. Điều này là phù hợp với xu hướng ngày càng gia tăng của bệnh đái tháo đường và cần sự đầu tư nguồn lực thích hợp hơn nữa cho việc sàng lọc sớm bệnh đái tháo đường, đặc biệt ở giai ddaongj sớm. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của hệ thống y tế dự phòng giúp cho việc nâng cao nhận thức người dân, chẩn đoán và quản lý sớm bệnh lý không lây nhiễm nói chung và quản lý bệnh đái tháo đường nói riêng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở nội thành cao hơn ở ngoại thành (3,4% so với 3,1%, p<0,01). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu tại Bangladesh (15% so với 8%, p<0,001), Trung Quốc (11% so với 8%) [11],[12]. Bệnh đái tháo đường có thể là phổ biến hơn ở nội thành so với ngoại thành là do lối sống ít vận động cũng như chế độ ăn không hợp lý và có nguy cơ cao hơn mắc thừa cân, béo phì. Người có chỉ số BMI tăng có nguy cơ bị đái tháo đường tăng gấp 2,25 lần so với người có chỉ số BMI bình thường (p<0,01). Điều này góp phần quan trọng trong việc lưu ý các thông tin truyền thông cho người dân, đặc biệt là người dân nội thành.

Trình độ học vấn là một yếu tố dự báo quan trọng cho bệnh đái tháo đường, giống như công bố của nhiều nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ này càng thấp hơn ở nhóm có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên, tăng dần lên và cao nhất ở nhóm tốt nghiệp tiểu học trở xuống [13],[14]. Kết quả này là dễ hiểu và phù hợp bởi người có trình độ dân trí càng cao thì hiểu biết về bệnh càng được nâng lên vì vậy việc khám chẩn đoán bệnh sớm càng được lưu ý hơn được thực hiện tại các cơ sở y tế (trung tâm y tế, bệnh viện,…). Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu ở nước phát triển cũng như đang phát triển, cho thấy nâng cao giáo dục giúp người dân nâng cao sự quan tâm và hiểu biết về sức khỏe, nhờ vậy công tác khám, phòng và chữa bệnh được thuận lợi hơn.

Có mối liên quan giữa tỷ lệ mắc mới đái tháo đường và số yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường của người dân, số yếu tố nguy cơ càng cao tỷ lệ mắc đái tháo đường càng nhiều (p<0,01). Điều này cho thấy bảng đánh giá yếu tố nguy cơ bệnh đái tháo đường là một công cụ hữu hiệu giúp sàng lọc tốt hơn đối tượng bệnh nhân cần khám phát hiện sớm bệnh. Trong số đó, một số yếu tố nguy cơ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường như: tăng huyết áp, BMI tăng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường. Kết quả trên tương tự với nghiên cứu tại tỉnh Hà Nam (năm 2012) [15]. Do vậy đó là những yếu tố nguy cơ cần lưu ý hơn khi tuyên truyền giáo dục người dân bởi ngoài yếu tố gia đình là không thể thay đổi được thì các yếu tố khác đều có thể thay đổi được với lối sống vận động và chế độ ăn phù hợp.

V. KẾT LUẬN

Tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường mới mắc ở thành phố Hà Nội năm 2014 tương đối cao và có mối liên quan với số yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường của người dân.

 TÓM TẮT

Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ tiền đái tháo đường, đái tháo đường mới phát hiện và các yếu tố nguy cơ tại thành phố Hà Nội năm 2014. Nghiên cứu mô tả cắt ngang, sàng lọc 4113 đối tượng. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường là 3,2% và 16,9%. Tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường mới phát hiện cao nhất tại An Thượng – Hoài Đức (5,3% và 30,1%), tỷ lệ thấp nhất tại Dục Tú – Đông Anh (1,6%) và Tứ Liên – Tây Hồ (3,7%). Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tiền đái tháo đường có xu hướng tăng dần theo nhóm tuổi và cao nhất ở nhóm 66 – 69 tuổi và nhóm có 5 yếu tố nguy cơ tương ứng là 5,3%, 19,1%, 14,3% và 28,6%, (p<0.01). Người có tăng huyết áp, vòng eo lớn, tăng BMI, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 cao hơn những người huyết áp, vòng eo và BMI bình thường cũng như người tiền sử gia đình không có người mắc bệnh đái tháo đường (p<0,01). Tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường mới mắc ở thành phố Hà Nội năm 2014 tương đối cao và có mối liên quan với số yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường.

Từ khóa: đái tháo đường, tiền đái tháo đường, sàng lọc

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Diabetes Association (2004), Diagnosis and Classification for Diabetes Mellitus, . Diabetes Care. 27: 5-10.
  2. S. Shaw, R.A. Sicree, P.Z. Zimmet (2010), Global estimate of the prevalence of diabetes for 2010 and 2030, Diabetes research and clinical practice, 87(1): 4-14.
  3. Tạ Văn Bình (2006), Dịch tễ học đái tháo đường ở Việt Nam, các phương pháp điều trị và biện pháp  dự phòng, NXB Y học.
  4. Ronald JS, Glen PK, and al. (2004). Physical activity/Exercise and Type 2 diabetes. Diabetes Care, 27(10): 2518 – 2539.
  5. World Health Organization (WHO) (2009), Global health risks: Mortality and burden of disease attributable to selected major risks.
  6. American Diabetes Association (2014), Standard of Medical care, Diabetes Care, 37: 13.
  7. World Health Organization Study Group (2003), Diet, Nutrition and the Prevention of Chronic Diseases, Technical Report Series, 916.
  8. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường typ 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3280/QĐ-BYT ngày 09/09/2011 của Bộ Y tế).
  9. Kumari M, Head J, Marmot M (2004). Prospective study of social and other risk factors for incidence of type 2 diabetes in the Whitehall II study. Arch Intern Med, 64 (17): 873-80
  10. E. N. T. Duc Son, K. Kusama, and al, Prevalence and risk factors for diabetes in Ho Chi Minh city, Vietnam, Diabetic Medicine, 21: 371–376.
  11. Shamima Akter, M Mizanur Rahman and al (2014), Prevalence of diabetes and prediabetes and their risk factors among Bangladesh: a national survey. Bulletin of the World Health Organization, 92:204-213A.
  12. Yang W, Lu J, Jia W, China national diabetes and metabolic disorders study group and al (2010), Prevalence of diabetes among men and women in China, N Engl J Med, 362: 1090-1101.
  13. Leonetti DL, Tsunehara CH, Wahl PW, Fujimoto WY (1992). Educational attainment and the risk of non-insulin-dependent diabetes or coronary heart disease in JapaneseAmerican men, Ethn Dis, 2(4):326-36.
  14. Tang M, Chen Y, Krewski D (2003), Gender-related differences in the association between socioeconomic status and self-reported diabetes, Int J EpidemioL, 32(3): 381-5.
  15. Tran Quang Binh, Pham Tran Phuong and al (2012), Prevalence and correlates of hyperglycemia in a rural population, Vietnam: implications from a cross-sectional study, BMC Public Health, 12: 939.

16.Handelsman Y, Bloomgarden ZT, Grunberger G, et al. American Association of Clinical Endocrinologists and          American College of Endocrinology: clinical practice guidelines for developing a diabetes mellitus                                  comprehensive care plan—2015. Endocr Pract. 2015;21:1-87.

17.Kivimaki M, Hamer M, Batty GD, et al. Antidepressant medication use, weight gain, and risk of type 2                      diabetes: a population-based study. Diabetes Care. 2010;33:2611-2616.

18.Newcomer JW. Antipsychotic medications: metabolic and cardiovascular risk. J Clin Psychiatry.2007;68(suppl          4):8-13.

19.Garber AJ, Handelsman Y, Einhorn D, et al. Diagnosis and management of prediabetes in the continuum of             hyperglycemia: when do the risks of diabetes begin? A consensus statement from the American College of               Endocrinology and the American Association of Clinical Endocrinologists. Endocr Pract. 2008;14:933-946.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …