TÌNH TRẠNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở CÁC BỆNH NHÂN
ĐIỀU TRỊ TẠI KHOA CƠ XƯƠNG KHỚP
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN
Lưu Thị Bình*, Bùi Văn Hoàng*
* Bộ môn Nội Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên
TÓM TẮT
Mục tiêu: Khảo sát tình trạng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở các bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, từ tháng 05 đến tháng 10/2014. Đối tượng: Tiến cứu 75 bệnh nhân điều trị tại khoa Cơ xương khớp được chẩn đoán và điều trị ĐTĐ từ trước và/hoặc mới phát hiện theo tiêu chuẩn của hiệp hội ĐTĐ Mỹ 2010 (ADA). Kết quả: 13% bệnh nhân cơ xương khớp có kèm bệnh ĐTĐ, trong đó 97,3% là ĐTĐ typ 2; 33,3% bệnh nhân vào viện mới được chẩn đoán ĐTĐ. 58,7% bệnh nhân tuổi từ 50 – 69. Tỷ lệ nam/nữ là 2:3. Đánh giá kiểm soát bệnh ĐTĐ: 92% mức độ kém, 8% chấp nhận. Tỷ lệ các bệnh ở bệnh nhân cơ xương khớp có kèm ĐTĐ: 62,7% bệnh nhân thoái hóa khớp và cột sống, 33,3% bệnh nhân loãng xương; 80% có kèm rối loạn chuyển hóa lipid, 50,6% có kèm tăng huyết áp. Tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài là 13,3%. Kết luận: ĐTĐ typ 2 là bệnh lý kèm theo thường gặp ở các bệnh nhân điều trị bệnh cơ xương khớp, tuy nhiên đa phần các bệnh nhân này đều kiểm soát bệnh ĐTĐ ở mức độ kém. Trên các bệnh nhân có kèm ĐTĐ, các bệnh xương khớp thường gặp là thoái hóa khớp và loãng xương; rối loạn lipid máu và tăng huyết áp là các bệnh nội khoa phối hợp hay gặp.
Từ khóa: Bệnh cơ xương khớp, đái tháo đường (ĐTĐ).
SUMMARY
Aim: To describe the statement of diabetes mellitus (DM) in hospitalized patients in skeletal department of Thai Nguyen General central hospital from May to October, 2014. Subjects and Methods: Cross-sectional study 75 skeletal patients who had history of DM diagnosed and treated or new diagnosis of DM by ADA2010 criteria. Result: there was 13% of skeletal patients having DM. 58,7% patients at the age of 50 to 69. Male to female was 2:3. For all, 97,3% patients had type 2 DM, 92% patients have poor control of DM. Among skeletal patients with MD: 62,7% had degenerative joint and spine, 33,3% had osteoporosis, 80% had hyperlipidemia, 50,6% had hypertension. Patients with long taking Corticoid history was 13,3%. Conclusion: DM which was very poor controlled is a frequent combine disease of skeletal patients.
Keywords: skeletal disorder and disease; diabetes mellitus.
Chịu trách nhiệm chính: Lưu Thị Bình
Ngày nhận bài: 20.5.2015
Ngày phản biện khoa học: 24.5.2015
Ngày duyệt bài: 26.5.2015
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Các bệnh cơ xương khớp rất thường gặp trên lâm sàng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế. Trên thế giới tỷ lệ bệnh xương khớp là rất khác nhau: Trung Quốc 9,1%; Thái Lan 11,3%…[8] Ở Việt Nam, theo thống kê các bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa khớp bệnh viện Bạch Mai tăng từ 4,5% (1988) đến 5,53%(1998) trong tổng số bệnh nhân nhập viện.
Mô hình bệnh cũng có nhiều thay đổi theo thời gian: Trước đây nhập viện chủ yếu là các bệnh khớp viêm, bệnh hệ thống hiện nay chuyển dần sang các bệnh khớp chuyển hóa và thoái hóa với tỷ lệ tăng dần[1].
Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Thái Nguyên được thành lập từ tháng 5 năm 2014, trong khoảng thời gian 6 tháng qua đã tiếp nhận hơn 500 lượt bệnh nhân. Các bệnh nhân tới điều trị tại khoa đa phần là cao tuổi nên thường có các bệnh nội khoa khác kèm theo như tim mạch, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường (ĐTĐ)….
Bệnh ĐTĐ với diễn biến thầm lặng, nhiều biến chứng nặng nề và nguy hiểm, gây tàn phế hoặc tử vong cho bệnh nhân. Năm 2010, Tổ chức y tế Thế giới đã công bố ĐTĐ đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tàn phế [7].
Các bệnh nhân bị bệnh cơ xương khớp khi phối hợp với ĐTĐ làm tăng mức độ nặng của bệnh, gây nguy cơ bị tàn phế cao hơn. Việc phát hiện bệnh và đánh giá được mức độ kiểm soát đường huyết trên các đối tượng này sẽ giúp thày thuốc điều trị một cách toàn diện, hiệu quả theo từng cá thể hóa. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: Khảo sát tình hình bệnh đái tháo đường ở các bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên từ tháng 05 – 10/2014.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
– Đối tượng nghiên cứu:
+ Các bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Cơ xương khớp đã được chẩn đoán và điều trị ĐTĐ từ trước và/hoặc mới phát hiện ĐTĐ theo tiêu chuẩn ADA 2010 trong thời gian từ tháng 05 đến tháng 10 năm 2014.
+ Các bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.
– Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang.
– Thiết kế nghiên cứu: Tiến cứu; cỡ mẫu toàn bộ, chọn mẫu có chủ đích.
* Chỉ tiêu nghiên cứu:
– Lâm sàng:
+ Tuổi, giới, địa dư.
+Thời gian mắc bệnh cơ xương khớp/ ĐTĐ.
+ Chẩn đoán bệnh cơ xương khớp, typ ĐTĐ, bệnh khác phối hợp.
+ Tiền sử sử dụng corticoid, các thuốc điều trị bệnh ĐTĐ.
+ Bệnh nhân được đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, BMI, đo vòng bụng.
– Cận lâm sàng:
+ Làm các xét nghiệm: Đường máu, HbA1c, Triglycerid, Cholesteron, LDL-Cho, HDL-Cho…
+ Làm các xét nghiệm cơ bản và đặc hiệu để chẩn đoán các bệnh cơ xương khớp…
* Nội dung nghiên cứu:
– Tất cả các bệnh nhân được lựa chọn vào nhóm nghiên cứu đều được hỏi bệnh, khám lâm sàng tỉ mỉ và điền dữ liệu thu được theo mẫu bệnh án nghiên cứu.
– Các bệnh nhân được làm:
+ Các xét nghiệm cơ bản (công thức máu, ure, creatinin…), xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán các bệnh cơ xương khớp (chụp xquang, MRI, máu lắng, CRP, RF, anti CCP…).
+ Lấy máu tĩnh mạch vào buổi sáng, lúc đói (bệnh nhân được nhịn ăn ít nhất 8 giờ), làm xét nghiệm: Glucose huyết, HbA1C, bilan lipid.
– Chẩn đoán xác định các bệnh cơ xương khớp, các bệnh khác phối hợp theo tiêu chuẩn quốc tế với từng bệnh và theo phân loại mã bệnh của ICD10
– Chẩn đoán đái tháo đường theo tiêu chuẩn của hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA) 2010 [7].
– Đánh giá mức độ kiểm soát bệnh ĐTĐ theo WHO 2002 và khuyến cáo của ADA 2009 có 3 mức: Tốt, chấp nhận, kém [7].
* Xử lí và phân tích số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 16.0.
III. KẾT QUẢ
Bảng 1. Đặc điểm chung của các bệnh nhân đái tháo đường
Nhóm tuổi từ 50 đến 69 chiếm tỷ lệ cao nhất (58,7%). Tỷ lệ nam: nữ là 2:3. Phân bố địa dư chủ yếu ở nông thôn chiếm 74,7%.
Biểu đồ 1. Tỷ lệ bệnh nhân khớp có bệnh ĐTĐ kèm theo
Nhận xét: Tỷ lệ bệnh nhân có ĐTĐ chiếm tỷ lệ 13% các bệnh nhân điều trị trong khoa.
Bảng 2. Đặc điểm chẩn đoán ĐTĐ ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu
(*): ĐTĐ do xơ gan và ĐTĐ sau viêm tụy mạn.
97,3% bệnh nhân là ĐTĐ type 2. Trong đó 64% bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị ĐTĐ, 33,3% đối tượng nghiên cứu mới được chẩn đoán ĐTĐ trong thời gian điều trị nội trú.
Bảng 3. Mức độ kiểm soát bệnh đái tháo đường (tiêu chuẩn WHO 2002 và khuyến cáo của hội nội tiết – ĐTĐ 2009)
Trong số 50 bệnh nhân đã được điều trị từ trước, đa phần các bệnh nhân đều có kiểm soát bệnh ĐTĐ ở mức độ kém (92%).
Bảng 4. Đặc điểm bệnh khớp của các bệnh nhân ĐTĐ
Tỷ lệ bệnh nhân có bệnh khớp thoái hóa chiếm tỷ lệ cao nhất, thoái hóa đa khớp chiếm tỷ lệ 34,7%, loãng xương chiếm tỷ lệ 33,3%.
Biểu đồ 2. Đặc điểm các bệnh phối hợp
80% bệnh nhân đái tháo đường có rối loạn chuyển hóa Lipid, một nửa số bệnh nhân có tăng huyết áp kèm theo (50,6%).
Bảng 5. Tiền sử các bệnh nhân có dùng corticoid kéo dài
13,3% bệnh nhân có tiền sử sử dụng Corticoid kéo dài.
IV. BÀN LUẬN
Qua nghiên cứu 75 bệnh nhân ĐTĐ tại khoa Cơ xương khớp bệnh viện Đa khoa Trung Ương Thái Nguyên từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2014, chúng tôi nhận thấy các bệnh nhân này có các đặc điểm nổi bật sau:
1. Đặc điểm chung của các đối tượng nghiên cứu
Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp phối hợp ĐTĐ là 13% (biểu đồ 1), so sánh với nghiên cứu ở Khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai tỷ lệ này là 19,1% . Nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ có thấp hơn nhưng không đáng kể. Có thể do thời gian nghiên cứu ngắn nên cỡ mẫu của chúng tôi nhỏ hơn nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai [1]. Tuy nhiên cả hai nghiên cứu đều cho thấy có một tỷ lệ đáng kể các bệnh nhân bị bệnh cơ xương khớp có phối hợp bệnh ĐTĐ.
Các bệnh nhân cơ xương khớp có kết hợp ĐTĐ chủ yếu là gặp ở nhóm tuổi trung niên và cao tuổi (nhóm tuổi 50 đến 69 chiếm tỷ lệ cao nhất 58,7%), nam gặp nhiều hơn nữ (60%) và ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao là 74,7% (bảng 1). Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu ở Bệnh viện Bạch Mai tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc bệnh cơ xương khớp kèm ĐTĐ là 60%, gặp chủ yếu ở lứa tuổi 50-60 tuổi [1]. Điều này cũng dễ hiểu bởi các bệnh nhân trong nghiên cứu chủ yếu là ĐTĐ type 2 (97,3%) thường gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi.
2. Đặc điểm bệnh đái tháo đường, bệnh cơ xương khớp và các yếu tố liên quan
Bảng kết quả 3 trình bày đặc điểm kiểm soát bệnh ĐTĐ của các đối tượng nghiên cứu đã có bệnh sử ĐTĐ rõ ràng cho thấy chủ yếu ở mức kiểm soát bệnh kém với tỷ lệ (92%). Việc kiểm soát bệnh kém sẽ gây ra một loạt các biến chứng của bệnh đã được biết đến, đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng trên chính bệnh lí cơ xương khớp đang điều trị.
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng rối loạn đường huyết, tình trạng kháng Insulin sẽ dẫn đến các biến chứng thần kinh, mạch máu nhỏ, tác động vào chu chuyển xương gây các biến đổi trên tất cả các mô liên kết của cơ thể [9].
Việc kiểm soát đường huyết một cách tích cực không chỉ giúp tránh biến chứng của bệnh ĐTĐ mà còn giúp cải thiện bệnh lí cơ xương khớp.
Về đặc điểm các bệnh khớp (bảng 4), các đối tượng nghiên cứu có tỷ lệ thoái hóa khớp và loãng xương chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó nếu tính chung tất cả các bệnh nhân bị thoái hóa đa khớp, thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống, tỷ lệ bệnh nhân bị thoái hóa khớp lên đến 62,7%.
Trái ngược với nghiên cứu của bệnh viện Bạch Mai với tỷ lệ bệnh khớp trên các đối tượng này chủ yếu lại là các bệnh khớp viêm, bệnh hệ thống như viêm khớp dạng thấp chiếm tỷ lệ cao nhất (25,3%) [1].
Sự khác biệt này có thể do khoa xương khớp bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối cùng nên chủ yếu tiếp nhận điều trị nội trú các trường hợp bệnh rất nặng, các trường hợp thoái hóa khớp, loãng xương thường được kê đơn và điều trị ngoại trú vì thế tỷ lệ bệnh nhân bị thoái khớp và loãng xương trong nghiên cứu thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi.
Loãng xương một đại dịch âm thầm từ lâu cũng đã được coi là có mối quan hệ mật thiết đến bệnh lí ĐTĐ. ĐTĐ gây giảm chất lượng xương thông qua ảnh hưởng đến chu chuyển xương và giảm các chất colagene trong xương, gây tăng tỷ lệ gãy xương, cùng với biến chứng ảnh hưởng trên thị giác, trương lực cơ của bệnh ĐTĐ làm tăng tỷ lệ gãy xương bệnh lí của bệnh nhân ĐTĐ lên gấp 3 lần so với người bình thường.
Việc chẩn đoán bệnh loãng xương tại khoa hiện nay còn nhiều khó khăn do không có máy đo mật độ xương theo tiêu chuẩn quốc tế, nên chẩn đoán phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Xquang. Hình ảnh loãng xương nếu có trên phim Xquang tức là bệnh nhân đã mất đến trên 30% mật độ xương [2], [3]. Như vậy với cơ sở vật chất hiện tại chúng ta đã bỏ sót một tỷ lệ không nhỏ các bệnh nhân bị loãng xương trên đối tượng nguy cơ cao như ĐTĐ là một điều rất không tốt cho người bệnh.
Chúng tôi ghi nhận 8 trường hợp lao khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, cốt tủy viêm, viêm cơ trên các bệnh nhân ĐTĐ. Chứng tỏ ĐTĐ có thể là yếu tố nguy cơ của các bệnh khớp nhiễm khuẩn và thiếu máu nuôi tổ chức xương. Vì thế việc kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ lại càng trở nên cần thiết.
Trong nghiên cứu có một tỷ lệ rất lớn đối tượng có rối loạn chuyển hóa Lipid (80%) và tăng huyết áp (50,6%) kèm theo, nhiều bệnh nhân nằm trong bối cảnh bệnh nhân hội chứng chuyển hóa. Đây cũng là một nguyên nhân rất lớn khiến cho các bệnh nhân này có mức kiểm soát bệnh ĐTĐ kém.
Việc điều trị các bệnh nhóm chuyển hóa này trước tiên cần có một chế độ vận động thích hợp và ăn uống hợp lí [5].
Các bệnh nhân mắc bệnh xương khớp thường có thể kết hợp 3-4 bệnh mạn tính, nên cần dùng thuốc kéo dài và liên tục suốt đời. Đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh cơ xương khớp hay bị lạm dụng như Corticoid có nguy cơ làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng giữ muối nước, giảm mật độ xương làm nặng thêm các bệnh phối hợp[4];
các thuốc chống viêm không Steroid làm tăng nguy cơ hạ đường máu của các thuốc điều trị ĐTĐ đường uống, tăng nguy cơ bị bệnh dạ dày tá tràng, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc đường uống; làm giảm tác dụng điều trị của các thuốc hạ áp [6].
Với kết quả có13,3% bệnh nhân cóĐTĐ tại khoa có tiền sử sử dụng Corticoid kéo dài (bảng 5), tất cả các bệnh nhân này đều tự ý sử dụng Corticoid trước khi nhập viện một thời gian dài để điều trị bệnh khớp.
Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát bệnh ĐTĐ ở các đối tượng nghiên cứu là rất kém, và cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến khởi phát bệnh ĐTĐ ở một số bệnh nhân. Vấn đề lạm dụng Corticoid rất phổ biến ở nước ta, đặc biệt trong điều trị bệnh khớp vì vậy cần được cảnh báo và thay đổi nhận thức cho người dân.
KẾT LUẬN
– Tỷ lệ bệnh nhân cơ xương khớp có bệnh ĐTĐ phối hợp là 13%, trong đó 97,3% bệnh nhân ĐTĐ type 2.
– Nhóm tuổi có tỷ lệ cao nhất là 50-69 (58,7%). Tỷ lệ nam/nữ là 2:3, 74% bệnh nhân sống ở khu vực nông thôn.
– 92% bệnh nhân ĐTĐ kiểm soát bệnh mức độ kém, không có bệnh nhân nào kiểm soát bệnh ở mức độ tốt.
– 62,7% bệnh nhân thoái hóa khớp và cột sống; 33,3% bệnh nhân loãng xương có bệnh ĐTĐ phối hợp.
– 80% bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp và ĐTĐ có kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, 50,6% bệnh nhân có kèm theo tăng huyết áp.
– 13% bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp kèm ĐTĐ có tiền sử dùng corticoid kéo dài.
KHUYẾN NGHỊ
Có tỷ lệ đáng kể bệnh ĐTĐ type 2 kèm theo ở các bệnh nhân điều trị bệnh cơ xương khớp, với tình trạng kiểm soát ĐTĐ mức độ kém ở các đối tượng này là thường gặp. Vì vậy cần phát hiện chẩn đoán và kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ ở các bệnh nhân điều trị bệnh cơ xương khớp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Ngọc Lan (2009), “Nghiên cứu tỷ lệ rối loạn đường máu của bệnh nhân điều trị nội trú khoa cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai”.
- Carnevale V., Romagnoli E., D’Erasmo L., D’Erasmo E. (2014), “Bone damage in type 2 diabetes mellitus”, Nutr Metab Cardiovasc Dis.
- Dede A. D., Tournis S., Dontas I., Trovas G. (2014), “Type 2 diabetes mellitus and fracture risk”, Metabolism.
- Ericson-Neilsen W., Kaye A. D. (2014), “Steroids: pharmacology, complications, and practice delivery issues”, Ochsner J, 14 (2), pp. 203-7.
- Gurgenian S. V., Vatinian SKh, Zelveian P. A. (2014), “Arterial hypertension in metabolic syndrome: pathophysiological aspects”, Ter Arkh, 86 (8), pp. 128-32.
- Khatchadourian Z. D., Moreno-Hay I., de Leeuw R. (2014), “Nonsteroidal anti-inflammatory drugs and antihypertensives: how do they relate?”, Oral Surg Oral Med Oral Pathol Oral Radiol, 117 (6), pp. 697-703.
- Prajesh M. Joshi Janet B. McGill (2012), “Standards of Care for Diabetes Mellitus”, The Washington Manual.
- Wong Rose, Davis Aileen M., Badley Elizabeth, Grewal Ramandip, Mohammed Malaika (2010), prevalence of arthritis and rheumatic diseases around the world a growing burden and implications for Health Care Needs.
- Wyatt L. H., Ferrance R. J. (2006), “The musculoskeletal effects of diabetes mellitus”, J Can Chiropr Assoc, 50 (1), pp. 43-50.
- Bauer DC, Black DM, Garnero P, et al. Change in bone turnover and hip, non-spine, and vertebral fracture in alendronate-treated women: the fracture intervention trial. J Bone Miner Res. 2004;19:1250-8.
- Sambrook PN, Geusens P, Ribot C, et al. Alendronate produces greater effects than raloxifene on bone density and bone turnover in postmenopausal women with low bone density: results of EFFECT (Effi cacy of Fosamax versus Evista Comparison Trial). International J Intern Med. 2004;255:503-11.
- Ju HS, Leung S, Brown B, et al. Comparison of analytical performance and biological variability of three bone resorption assays. Clin Chem. 1997;43:1570–6.
- Baron R, Ferrari S, Russell RG. Denosumab and bisphosphonates: different mechanisms of action and effects. Bone 2011;48:677–692.
- Bolognese MA. SERMs and SERMs with estrogen for postmenopausal osteoporosis. Rev Endocr Metab Disord 2010;11:253–259.
- Bowring CE, Francis RM. National Osteoporosis Society’s Position statement on hormone replacement therapy in the prevention and treatment of osteoporosis. Menopause Int 2011;17:63–65.
- Favus MJ. Bisphosphonates for osteoporosis. N Engl J Med 2010;363:2027–2035.
- Holick MF, Binkley NC, Bischoff-Ferrari HA, et al. Evaluation, treatment, and prevention of vitamin D deficiency: an Endocrine Society clinical practice guideline. J Clin Endocrinol Metab 2011;96:1911–1930.
18. Rachner TD, Khosla S, Hofbauer LC. Osteoporosis: now and the future. Lancet 2011;377:1276–1287.