XÁC ĐỊNH DÂY THẦN KINH THANH QUẢN KHÔNG QUẶT NGƯỢC TRONG PHẪU THUẬT TUYẾN GIÁP TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TRUNG ƯƠNG
Trần Xuân Hùng, Trần Ngọc Lương, Nguyễn Giang Sơn
Khoa Ngoại – Bệnh viện Nội tiết Trung ương
ABSTRACT
Nonrecurrent laryngeal nerve identification intra thyroidectomy in National Hospital of Endocrinology
Background: The non-recurrent laryngeal nerve (NRLN) is a rare anatomical anomaly of the recurrent laryngeal nerve (RLN), the rate of the right is 0.1-0.6%, the left is very rare with 0.004 % in thyroid surgery. It is difficult to identify this anomaly preoperatively unless an associated vascular anomaly is suspected. This abnormality is common on the right and accompanied by abnormalities in the blood vessels. In thyroid surgery, the injury to the NRLN is the same as that of the RLN. Therefore, this study aim: The description for technique surgery the NRLN in thyroid surgery. Evaluate the results of thyroid surgery with the technique surgery the NRLN in National Hospital of Endocrinology. Results: A total of 12500 cases of thyroid surgery were performed with 19 patients of NRLN (0.125%). All of patients were females (100%), the age mean were 47.94 ± 9.37 years. On ultrasound, the size mean of goiters were 2.3 ± 1.1cm. The preoperative diagnosis were 11 cases (57.89%) benign multinodular goiters, the right nodular goiter were 7 cases (36.85%), carcinoma were one (5.26%). Total thyroidectomy were 12 cases (63,16%), right lobectomy by endoscopic were 7 cases (36.84%). NRLN intra surgery were easy. After surgery: no patients had complications. Evaluate the results: all patients are good and satisfied with the surgery results. Conclusion: How to determine NRLN: through anatomical marks such as RLN triangles, the tracheoesophageal groove, ligament Berry, Zuckerkandl, lower thyroid artery, the thyroid cartilage to determine RLN. If not found, we must immediately think of NRLN and look at the bottom of the thyroid cartilage, which is across the place of the larynx of this nerve. With this method of determining NRLN, this separation of nerves is easy. After surgery, patients do not complications and are satisfied with the surgery results.
Keywords: The non-recurrent laryngeal nerve.
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Thần kinh thanh quản không quặt ngược (TKTQKQN) là một biến thể hiếm gặp của thần kinh thanh quản quặt ngược (TKTQQN), tỉ lệ gặp ở bên phải là 0,1- 0,6%, bên trái rất hiếm gặp với 0,004% . Rất khó để xác định sự bất thường này trước phẫu thuật. Sự bất thường này thường gặp ở bên phải và kèm theo bất thường về mạch máu.Trong phẫu thuật tuyến giáp tổn thương dây TKTQKQN cũng giống như TKTQQN. Do đó chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục tiêu: 1. Mô tả kỹ thuật xác định dây TKTQKQN trong phẫu thuật tuyến giáp. 2. Đánh giá kết quả phẫu thuật tuyến giáp có áp dụng kỹ thuật xác định dây TKTQKQN tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kết quả: 19 BN được xác định dây TKTQKQN bên phải trong mổ, tỷ lệ gặp TKTQKQN của chúng tôi là 0,125%. Độ tuổi trung bình 47,94 ± 9,37 năm, nữ chiếm 100%, kích thước bướu đo trên siêu âm: 2,3 ± 1,1cm. Chẩn đoán trước mổ: 11 BN (57,89%) là bướu đa nhân hai thùy, 7 BN (36,85%) bướu nhân thùy phải, 1 BN (5,26%) carcinoma. Cách thức phẫu thuật: 12 BN cắt toàn bộ tuyến giáp (63,16%), 7 BN cắt thùy phải qua nội soi (36,84%). Xác định dây TKTQKQN bên phải trong phẫu thuật dễ dàng, sau mổ: không có BN nào tai biến. Đánh giá kết quả: tất cả BN tốt và hài lòng về kết quả phẫu thuật. Kết luận: Cách xác định dây TKTQKQN: qua mốc giải phẫu như tam giác TKTQQN, rãnh khí – thực quản, dây chằng Berry, thùy củ Zuckerkandl, động mạch giáp trạng dưới, sừng dưới sụn giáp để xác định dây TKTQQN, nếu không tìm được dây TKTQQN thì phải nghĩ ngay đến dây TKTQKQN và đi tìm ở bờ dưới sụn giáp ngang chỗ đổ vào thanh quản của dây thần kinh này. Với cách xác định dây TKTQKQN này việc tách dây thần kinh này dễ dàng, BN sau mổ không gặp tai biến và hài lòng về kết quả phẫu thuật.
Từ khóa: Thần kinh thanh quản không quặt ngược
Chịu trách nhiệm chính: Trần Xuân Hùng
Ngày nhận bài: 01/7/2019
Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019
Ngày duyệt bài: 1/8/2019
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thần kinh thanh quản không quặt ngược (TKTQKQN) là một biến thể hiếm gặp của thần kinh thanh quản quặt ngược (TKTQQN), dây thần kinh này đi ngang và trực tiếp vào thanh quản mà không đi xuống lồng ngực do bất thường trong thời kỳ phôi thai. Sự bất thường này thường gặp ở bên phải và kèm theo bất thường về mạch máu: động mạch dưới đòn bên phải tách ra trực tiếp từ cung động mạch chủ mà không tách ra từ động mạch thân cánh tay đầu. Năm 1823, Stedman là người đầu tiên báo cáo TKTQKQN bên phải trên xác, tỉ lệ gặp ở bên phải là 0,1- 0,6%, bên trái cực hiếm gặp với 0,004% [1,2,3].
Trong phẫu thuật tuyến giáp, TKTQKQN sẽ là một rủi ro tổn thương lớn nếu không được phát hiện, tổn thương dây TKTQKQN cũng giống như TKTQQN, nó gây ra biến chứng: nói khàn, uống sặc, thậm chí là mở khí quản. Hầu hết TKTQKQN đều không được phát hiện trước mổ mà chỉ được phát hiện trong mổ nên việc xác định dây thần kinh này là hết sức quan trọng để tránh gây tổn thương.
Trong phẫu thuật tuyến giáp xác định dây TKTQQN dựa các mốc giải phẫu: tam giác TKTQQN, rãnh khí – thực quản, dây chằng Berry, thùy củ Zuckerkandl, động mạch giáp trạng dưới, sừng dưới sụn giáp, nếu không tìm được dây TKTQQN thì phải nghĩ ngay đến dây TKTQKQN và đi tìm nó ở bờ dưới sụn giáp ngang chỗ đổ vào thanh quản của dây thần kinh này. Hiện nay, chưa thấy tác giả nào mô tả kỹ thuật xác định dây TKTQKQN trong phẫu thuật tuyến giáp, do đó chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục tiêu:
- Mô tả kỹ thuật xác định dây TKTQKQN trong phẫu thuật tuyến giáp.
- Đánh giá kết quả phẫu thuật tuyến giáp có áp dụng kỹ thuật xác định dây TKTQKQN tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu: 19 bệnh nhân (BN) được xác định dây TKTQKQN bên phải trong tổng số 12500 BN phẫu thuật tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương từ ngày 01/01/2018 đến ngày 17/05/2019, trong đó 12 trường hợp phẫu thuật mở, 7 trường hợp phẫu thuật nội soi tuyến giáp.
2.2. Phương pháp nghiên cứu: mô tả tiến cứu.
2.3. Xác định dây TKTQKQN trong phẫu thuật tuyến giáp
2.3.1. Phẫu thuật mở tuyến giáp
– Rạch da, cân cổ nông, bọc lộ tuyến giáp bằng đường bên.
– Di động thùy giáp bằng cách: kẹp, cắt bó mạch giáp trên sát thùy giáp và tách, di động cực dưới thùy giáp, không nên cắt bó mạch giáp dưới vì dễ gây tổn thương TKTQQN chạy qua đấy.
– Nâng thùy tuyến giáp ra trước và vào trong, bóc tách dần tuyến từ ngoài vào trong, có thể bóc tách tuyến cận giáp trạng trên và dưới nếu gặp.
– Các mốc giải phẫu dùng để tìm dây TKTQQN: tam giác TKTQQN, rãnh khí – thực quản, dây chằng Berry, thùy củ Zuckerkandl, động mạch giáp trạng dưới, sừng dưới sụn giáp, nếu không tìm được dây TKTQQN thì phải nghĩ ngay đến dây TKTQKQN và đi tìm nó ở bờ dưới sụn giáp ngang chỗ đổ vào thanh quản của dây thần kinh này.
– Sau khi tìm và xác định dây thần kinh này, tiến hành cắt bướu giáp trên dây chằng Berry và giải phóng bướu khỏi thành khí quản.
Hình 1. Dây TKTQKQN được xác định ngang bờ dưới sụn giáp sau khi tìm các mốc
giải phẫu bình thường không thấy (BN. Nguyễn Thị B- 64 tuổi- mổ ngày 17/05/2019)
2.3.2. Phẫu thuật nội soi tuyến giáp
Quá trình phẫu thuật được thực hiện dưới sự gây mê toàn thân có đặt ống nội khí quản, kê gối dưới vai, cổ ưỡn tối đa, quay mặt sang bên trái. Phẫu thuật nội soi tuyến giáp sử dụng 3 trocar của bộ nội soi ổ bụng. Trocar thứ 1là 10mm ở đường nách giữa, chỗ giao giữa bờ trên vú và đường nách giữa, trocar thứ 2 ở quầng vú, vị trí 2h, trocar 3 ở vùng vai sao cho 3 trocar tạo thành 1 hình tam giác, 2 trocar này là 5mm.
Hình 2. Vị trí đặt trocar trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp
Ống soi được sử dụng là 0°. Việc tạo khoang phẫu thuật được sử dụng khí CO2 với áp lực 12mmHg, lưu lượng 6l/phút. Dùng dao đốt diện đơn cực với hook tách da và tổ chức dưới da. Mốc giải phẫu thứ 1 cần bộc lộ là hõm ức, mốc thứ 2 là sụn giáp và mốc thứ 3 là bờ ngoài cơ ức đòn chũm. Khi đã tạo được khoang làm việc, tiến hành tiếp cận tuyến giáp theo đường bên. Tách bờ trong cơ ức đòn chũm, tìm và tách bụng trên cơ vai móng lên trên, ra ngoài. Đẩy cơ ức đòn chũm xuống, xẻ dọc cơ ức giáp ở vị trí 1/3 ngoài và 2/3 trong, gạt 2 thớ cơ sang 2 bên để bộc lộ tuyến giáp.
Hình 3. Tạo khoang làm việc và bộc lộ tuyến giáp trong phẫu thuật nội soi
Xác định cực trên, cực dưới, các tuyến cận giáp.
Bước quan trọng nhất là xác định vị trí, đường đi của dây TKTQQN. Bình thường, dây TKTQQN được xác định trong phẫu thuật nội soi sau khi đã xác định các mốc cực trên, cực dưới bằng cách dùng ống hút nâng thùy tuyến giáp, sau đó dùng phẫu tích tách từng lớp dây chằng ức giáp từ phía cơ ức đòn chũm về phía khí quản. Dây TKTQQN sẽ đi lên từ trung thất, nằm song song, giữa khe khí quản, thực quản, sau đó đổ vào thanh quản. Bên phải nằm sâu và khó tìm hơn bên trái.
Hình 4. Dây TKTQQN bên phải
(BN. Trần Thanh M- 32 tuổi, mổ ngày 07/08/2018)
Sau khi đã xác định các mốc giải phẫu nhưng không tìm thấy dây TKTQQN nằm tại vị trí bình thường. Chúng tôi nghĩ đến bất thường về giải phẫu, phẫu tích và nâng tuyến giáp lên đến dây chằng Berry, ngang bờ dưới sụn giáp, chỗ đổ vào thanh quản thì thấy dây TKTQKQN đi ra từ phía bó mạch cảnh và dây X, chạy vuông góc với khí quản và đổ vào thanh quản. Sau đó thùy tuyến giáp phải được cắt theo thứ tự: cực dưới, dây chằng Berry, cực trên và cắt eo tuyến giáp cuối cùng. Bệnh phẩm được đưa ra ngoài bằng túi nilon, dẫn lưu đặt ở trocar 10mm.
Hình 5. TKTQKQN bên phải tách ra từ dây X vùng cổ, đi vào thanh quản qua phẫu thuật nội soi.
(BN. Trần Thanh M- 32 tuổi, mổ ngày 07/08/2018)
2.4. Xử lý số liệu: Bằng phần mềm SPSS 16.0
3. KẾT QUẢ
3.1. Dịch tễ học
Trong tổng số 12500 BN được phẫu thuật tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương từ ngày 01/01/2018 đến ngày 17/05/2019, chúng tôi gặp 19 bệnh nhân với TKTQKQN bên phải là nữ với độ tuổi trung bình 47,94 ± 9,37 tuổi, thấp nhất là 23 tuổi, cao nhất là 64 tuổi.
3.2. Cận lâm sàng
3.2.1. Kích thước nhân tuyến giáp đo trên siêu âm
Bảng 1. Kích thước nhân tuyến giáp (cm)
Nhận xét: Kích thước nhân giáp trung bình 2,3 ± 1,1 cm
3.2.2. Vị trí nhân tuyến giáp trên siêu âm
Bảng 2. Vị trí nhân tuyến giáp
Nhận xét: Trong tổng số 19 BN có 12 BN bướu đa nhân 2 thùy tuyến giáp (63,15%), 7 BN bướu nhân thùy phải tuyến giáp (36,85%).
3.2.3. Hormon tuyến giáp, nội soi tai mũi họng và FNA trước mổ.
– T3, FT4, TSH: Tất cả BN bình giáp trước mổ.
– Nội soi tai mũi họng: Tất cả BN dây thanh hai bên di động bình thường.
– FNA trước mổ:
Bảng 3. FNA trước mổ
Nhận xét: 18 BN lành tính (94,74%), 1 BN carcinoma tuyến giáp (5,26%).
3.3. Chẩn đoán trước mổ
Bảng 4. Chẩn đoán trước mổ
Nhận xét: 11 BN (57,89%) bướu đa nhân 2 thùy TG, 7 BN (36,85%) bướu nhân thùy phải TG và 1 BN (5,26%) Carcinoma tuyến giáp.
3.4. Cách thức phẫu thuật
Bảng 5. Cách thức phẫu thuật
Nhận xét: 12 BN (63,16%) cắt toàn bộ tuyến giáp, 7 BN (36,84%) cắt thùy P qua nội soi.
3.5. Nhận diện dây thần kinh thanh quản không quặt ngược
Bảng 6. Nhận diện TKTQKQN
Nhận xét: Tất cả BN chúng đều gặp dây TKTQKQN bên phải, không gặp BN nào bên trái.
3.6. Thời gian phẫu thuật
Bảng 7. Thời gian phẫu thuật (phút)
Nhận xét: Thời gian phẫu thuật trung bình là 35,8 ± 16,3 phút.
3.7. Lượng máu mất trong mổ
Bảng 8. Lượng máu mất trong mổ (ml)
Nhận xét: Lượng máu mất trong mổ trung bình 5,46 ± 2,43 ml.
3.8. Bất thường mạch máu qua CT scanner
Bảng 9. Bất thường mạch máu qua CT scanner
Nhận xét: Tất cả 19 bệnh nhân sau mổ chụp CT scanner đều thấy động mạch dưới đòn phải tách ra từ cung động mạch chủ.
3.9. Biến chứng sớm sau mổ
+ Không có bệnh nhân nào chảy máu sau mổ hay phải chuyển mổ mở do chảy máu trong mổ nội soi.
+ Không có bệnh nhân nào khàn tiếng hay tê chân tay.
+ Không có bệnh nhân nàonhiễm trùng vết mổ sau mổ.
3.10. Thời gian nằm viện
Bảng 10. Thời gian nằm viện (ngày)
Nhận xét: Thời gian nằm viện trung bình 5,3 ± 2,4 ngày.
3.11. Đánh giá kết quả phẫu thuật
Bảng 11. Đánh giá kết quả phẫu thuật
Nhận xét: Chúng tôi đánh giá kết quả phẫu thuật ở 3 mức độ:
1-Tốt: Bệnh nhân sau mổ rất hài lòng về kết quả phẫu thuật + không có biến chứng sau mổ.
2- Trung bình: Bệnh nhân sau mổ hài lòng về kết quả phẫu thuật + không có biến chứng sau mổ.
3- Xấu: Bệnh nhân sau mổ chấp nhận được hoặc không hài lòng về kết quả phẫu thuật + có biến chứng sau mổ.
Tất cả các bệnh nhân (100%) được đánh giá kết quả tốt.
4. BÀN LUẬN
4.1. Dịch tễ học
Cũng giống như các tác giả khác đã công bố, bướu giáp chủ yếu gặp ở phụ nữ với độ tuổi trung bình 40-50 tuổi [1,2,3,4]. Ở nghiên cứu của chúng tôi có 19 bệnh nhân với TKTQKQN bên phải là nữ với độ tuổi trung bình 47,94 ± 9,37 tuổi, thấp nhất là 23 tuổi, cao nhất là 64 tuổi.
Dây thần kinh thanh quản không quặt ngược là một bất thường giải phẫu hiếm gặp với tần số: 0.1 – 0.6% ở bên phải và 0.004% ở bên trái tùy theo nghiên cứu[1,2,3], cũng như các tác giả khác tỷ lệ gặp dây TKTQKQN bên phải của chúng tôi là 0,125% và không gặp dây TKTQKQN nào bên trái.
4.2. Cận lâm sàng
Cũng giống như các tác giả khác hầu như dây TKTQKQN đều không phát hiện được trước mổ trên siêu âm hay soi họng mà chỉ được phát hiện ngẫu nhiên trong mổ [4,5,6].
4.3. Kỹ thuật xác định dây TKTQKQN trong phẫu thuật tuyến giáp
4.3.1. Phẫu thuật mở tuyến giáp
Trong phẫu thuật mở tuyến giáp, để tránh biến chứng tổn thương thần kinh quặt ngược, phẫu thuật viên phải phẫu tích theo các mốc giải phẫu để tìm dây thần kinh. Trong trường hợp không tìm thấy dây thần kinh ở vị trí bình thường nên nghĩ tới khả năng là dây TKTQKQN.
Vì vậy, không nên cắt bất cứ thành phần nào giữa động mạch cảnh và thanh quản trước khi tìm thấy dây không quặt ngược, trừ tĩnh mạch giáp giữa và vỏ bao tuyến giáp.
Nếu không tìm được thấy, có thể dây thần kinh này đã bị tổn thương trong quá trình phẫu tích.
4.3.2. Phẫu thuật nội soi tuyến giáp
Trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp, với việc phẫu tích theo đường bên, hướng nhìn từ phía dưới lên, nên việc phẫu tích các tổ chức cũng theo hướng từ dưới lên: phẫu tích xác định động mạch giáp dưới, xác định khí quản, sau đó từ khí quản tách về phía động mạch cảnh để tìm dây quặt ngược, tách dây thần kinh tới chỗ đổ vào thanh quản.
Trong trường hợp không tìm thấy dây thần kinh ở vị trí bình thường, như trong mổ mở, không được cắt bất cứ thành phần nào giữa động mạch cảnh và thanh quản.
Vì trên màn hình nội soi, đôi khi hình ảnh của mạch máu và thần kinh cũng tương tự nhau.
Dùng các loại phẫu tích đầu tù hoặc ống hút để tách các tổ chức vỏ bao tuyến giáp, gạt xuống dưới.
Không nên cắt động mạch giáp dưới trước khi tìm được dây thần kinh không quặt ngược, vì dây và mạch máu có đi cùng nhau.
Khi tìm được dây không quặt ngược, tách dây từ chỗ bờ ngoài tuyến giáp và động mạch giáp dưới, dùng ống hút hoặc phẫu tích nâng thùy tuyến lên để bộc lộ dây cho đến chỗ đổ vào thanh quản để chắc chắn là dây thanh quản.
4.4. Đánh giá bất thường mạch máu sau mổ
Các bệnh nhân do không được chẩn đoán trước mổ là dây TKTQKQN, nên sau mổ đã được cho đi chụp CT hệ động mạch chủ, thấy rõ hình ảnh động mạch dưới đòn bên phải tách ra từ cung động mạch chủ, đi vòng sang trái, ra phía sau thực quản rồi về phía dưới xương đòn.
Hình 6. Động mạch dưới đòn phải tách ra từ cung động mạch chủ
(BN. Ngô Thị M- 58 tuổi, mổ ngày 18/04/2019)
4.5. Phôi thai học
Bất thường về dây thần kinh không quặt ngược bên phải thường đi kèm với bất thường về động mạch dưới đòn phải tách ra trực tiếp từ cung động mạch chủ.
Về mặt phôi thai học, dây thần kinh thanh quản trên xuất phát từ dây X, đi vòng lên dưới điểm giữa của cung động mạch chủ thứ 6 ở bên trái và cung động mạch cánh tay thứ 6 ở bên phải.
Cung động mạch chủ thứ 6 ở bên trái hình thành ống động mạch bên trái, ống động mạch tồn tại trong suốt thời kỳ phôi thai nên dây thanh quản trên nằm trong trung thất.
Nhưng ở bên phải, cung động mạch chủ thứ 5 và một phần của cung động mạch chủ số 6 sẽ thoái triển, nên dây thần kinh bên phải sẽ vòng ngược lên trên về phía cung động mạch số 4, sau này sẽ là động mạch dưới đòn.
Nếu cung động mạch số 4 bị thất bại trong quá trình phát triển và biến mất, thì sẽ không có động mạch đưa dây thần kinh xuống trung thất ở vị trí quặt ngược, nên nó sẽ tách trực tiếp từ dây X vùng cổ, chạy trực tiếp vào thanh quản, và được gọi là dây thanh quản không quặt ngược.
Đây là lý do tại sao bất thường về dây thanh quản không quặt ngược phải thường đi kèm với bất thường về động mạch dưới đòn phải, xuất phát từ cung động mạch chủ. Có 3 dạng bất thường của dây quặt ngược: type 1, type 2A, type 2B:
– Type 1: dây thanh quản không quặt ngược xuất phát trực tiếp từ dây X vùng cổ, đi cùng với mạch máu cực trên tuyến giáp và đổ vào thanh quản.
– Type 2A: dây thanh quản không quặt ngược xuất phát từ dây X vùng cổ, đi theo hướng song song và vắt lên trên động mạch giáp dưới trước khi đi vào dây chằng Berry và đổ vào thanh quản.
– Type 2B: dây thần kinh xuất phát từ dây X vùng cổ, đi theo hướng song song và chui xuống dưới các nhánh của động mạch giáp dưới.
Hình 7. Các dạng TKTQKQN
5. KẾT LUẬN
5.1. Kỹ thuật xác định dây TKTQKQN trong phẫu thuật tuyến giáp
Dây TKTQKQN là một bất thường về giải phẫu hiếm gặp trong phẫu thuật tuyến giáp. Xác định dây TKTQQN theo các mốc giải phẫu như: tam giác TKTQQN, rãnh khí – thực quản, dây chằng Berry, thùy củ Zuckerkandl, động mạch giáp trạng dưới, sừng dưới sụn giáp, nếu không tìm được dây TKTQQN thì phải nghĩ ngay đến dây TKTQKQN và đi tìm nó ở bờ dưới sụn giáp ngang chỗ đổ vào thanh quản của dây thần kinh này.
Tránh cắt tuyến giáp trước khi tìm thấy dây thần kinh này để làm giảm khả năng tổn thương, mang lại hiệu quả cao trong phẫu thuật tuyến giáp.
5.2. Đánh giá kết quả phẫu thuật tuyến giáp có áp dụng kỹ thuật xác định dây TKTQKQN
Trong 19 BN có 12 BN mổ mở cắt toàn bộ tuyến giáp, 7 BN mổ nội soi cắt thùy phải tuyến giáp, tất cả BN sau mổ rất hài lòng về kết quả phẫu thuật và không có biến chứng sau mổ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cai et al. (2013). The usefulness of preoperative computed tomography and intraoperative neuromonitoring identification of the nonrecurrent inferior laryngeal nerve. Official Journal of the European Federation of Oto-Rhino-Laryngological Societies (EUFOS).
- Dolezel et al. (2015). Clinical relevance and surgical anatomy of non-recurrent laryngeal nerve: 7 year experience.
- Han, Bai & Lu (2015). Anatomical technique and clinical significance of the non-recurrent laryngeal nerve in thyroid surgery. Chinese General Practice.
- Iacobone et al. (2015). Increased and safer detection of nonrecurrent inferior laryngeal nerve after preoperative ultrasonography. The Laryngoscope.
- Satoh et al. (2013). Preoperative diagnosis of nonrecurrent inferior laryngeal nerve – usefulness of CT and ultrasonography. Nihon Jibiinkoka Gakkai Kaiho.
- Raj S, Deo RP, Mohiyuddin A (2012). Nonrecurrent laryngeal nerve: an Indian documentation. Int J Head Neck Surg. 28–29.
- Casal D, Pecas A, Sousa D (2010). A non-recurrent inferior laryngeal nerve in a man undergoing thyroidectomy: a case report. J Med Case Rep.386–386.
- Cannon C (1999). The anomaly of nonrecurrent laryngeal nerve: identification and management. Otolaryngol Head Neck Surg.769–771.
- Kamath S, Rathnakar P, Shetty K (2012). Nonrecurrent laryngeal nerve: a rare entity. NUJHS. 42–44.
- Sarkar A (2012). A case report on abnormal origin of right recurrent laryngeal nerve from right vagus in thorax. Int J Case Rep Images. 4–7.