NHẬN XÉT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG
BỆNH NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP ĐƯỢC PHẪU THUẬT NỘI SOI
Phan Hoàng Hiệp, Trần Ngọc Lương
ABSTRACT
115 thyroid cancer patients were undergone endoscopic thyroidectomy at National Hospital of Endocrinology include 109 females (94.8%) and 6 males (5.2%). The proportion of female/male is 18/1. Age of patient is 15 to 45. Mean age of male is 30.4 ± 6.4 and 33.2 ± 4.5 of female. The mean age for the whole world is 32.7 ± 6.8. Mainly disease ages 25 – 35 (74.8%). 68.7% of patients were internal treatment 12 months before diagnosis. Patients were done surgery after 36 months of diagnosis: 13.9%. The mean time from detected until done surgery was 10.3 ± 6.7 months. 100% of patients with thyroid nodule. 80% of patients with solid density. The most of nodules with not clear boundaries (92.2%). 21.7% surface roughness, 80% nodules migratory. 60/115 (52.18%) with metastatic neck lymph nodes, of which 61.7% center lymph nodes; 38.3% bilateral metastatic neck lymph nodes. Papillary cancer accounts for 76.5%; 10.4% follicular, 13.1% papillary-follicular. Compare the results of FNA with pathology: 78.9% positive and false-negative rate was 7.8%.
Chịu trách nhiệm chính:
Ngày nhận bài:
Ngày phản biện khoa học:
Ngày duyệt bài:
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ung thư tuyến giáp (UTTG) chiếm tỷ lệ 1% trong các loại ung thư. Đây là loại u ác tính phổ biến nhất của hệ thống nội tiết [4], [7]. Theo mô bệnh học, UTTG được chia thành hai thể: thể biệt hoá và thể không biệt hoá. Tiến triển lâm sàng, cách điều trị và tiên lượng của hai thể là khác nhau. UTTG thể biệt hoá chiếm đa số (khoảng 80%), bao gồm thể nhú, thể nang và thể hỗn hợp nhú – nang, bệnh thường tiến triển chậm, chủ yếu phát triển tại chỗ và di căn hạch vùng cổ, nếu phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp sẽ mang lại hiệu quả cao [6], [7]. Mục tiêu nghiên cứu là: Phân tích các hình thái lâm sàng , cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được lựa chọn trong phẫu thuật nội soi.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
115 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Khoa y học hạt nhân Bệnh viện 108 từ tháng 3/2012 đến tháng 4/2018.
3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. Tuổi và giới của bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Theo báo cáo của hội Nội tiết Hoa kỳ (ATA 2015), ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chiếm đa số, gặp ở mọi lứa tuổi cả nam và nữ. Tuổi và giới tính có liên quan đến tiên lượng của bệnh, tuổi < 15 hoặc > 45 tuổi là yếu tố tiên lượng xấu. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới 2- 3 lần [1].
Bảng 1. Tỷ lệ về giới và tuổi trung bình của bệnh nhân
Tại Việt Nam, các tác giả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nữ chiếm nhiều hơn 2 – 3 lần so với nam giới.
Nghiên cứu của Nguyễn Tiến Lãng có tỷ lệ của nữ cao hơn hẳn là 7,85 lần so với nam. Lứa tuổi hay gặp của Nguyễn Quốc Bảo và Trần Minh Đức là hơn 40 tuổi, các tác giả khác là từ 31- 45 tuổi.
Bảng 2. Tỷ lệ về giới và tuổi trung bình của các BN phẫu thuật nội soi
Bệnh nhân được lựa chọn trong phẫu thuật nội soi có tỷ lệ nữ chiếm nhiều hơn giao động từ 6 – 18 lần so với nam tùy theo từng tác giả. Nghiên cứu này có 115 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, trong đó có 109 bệnh nhân nữ (chiếm 94,8%) và 6 bệnh nhân nam (chiếm 5,2%). Tuổi thấp nhất là 15, cao nhất là 45, tuổi trung bình của bệnh nhân là 32,7 ± 6,8, trong đó tuổi trung bình của nam là 30,4 ± 6,4 và của nữ là 33,2 ± 4,5. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng như các tác giả trong nước và nước ngoài khác nhau về tỷ lệ độ tuổi thường gặp và khác nhau giữa nam và nữ là do sự khác nhau về đối tượng và phạm vi nghiên cứu…Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ ung thư tuyến giáp biệt hóa phân bố khá rộng về độ tuổi, mọi lứa tuổi đều có thể bị UTTG, đặc biệt có xu hướng gặp ở người trẻ, bệnh nhân đang ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn, tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư tuyến giáp giữa các tác giả đều dao động trong độ tuổi 40, đây là độ tuổi lao động, do đó việc điều trị kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân rất có ý nghĩa. Vì vậy, khi bệnh nhân có u tuyến giáp, nhất là ở độ tuổi 40, cần phải làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp, điều trị sớm và triệt để cho bệnh nhân sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.
3.2. Triệu chứng cơ năng
UTTG thể biệt hóa tiến triển chậm, âm thầm, kéo dài. Các triệu chứng ban đầu thường nghèo nàn, khó phát hiện, ít có giá trị chẩn đoán. Triệu chứng cơ năng như nuốt nghẹn, nói khàn, cảm giác nghẹt, tức ở cổ thường không phải là triệu chứng chính để bệnh nhân đến khám và điều trị. Ở giai đoạn đầu của bệnh ít gặp các triệu chứng đặc trưng có giá trị giúp chẩn đoán sớm, bệnh nhân đến khám bệnh tình cờ phát hiện u tuyến giáp hoặc hạch cổ, có trường hợp u to chèn ép tổ chức cơ quan lân cận làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu giúp cho chẩn đoán dễ dàng nhưng bệnh đã muộn ảnh hưởng đến kết quả điều trị và tiên lượng bệnh [6], [8].
Trong nghiên cứu của chúng tôi: triệu chứng lâm sàng đầu tiên cũng chính là lý do khám bệnh: bệnh nhân có u tuyến giáp: 21,8%, đau họng: 24,4%, phát hiện nuốt vướng: 10,4%, tức nghẹn 13,0% và khàn tiếng là hai bệnh nhân (1,7%). Bệnh nhân khàn tiếng đi khám chuyên khoa tai mũi họng thấy có hạt xơ dây thanh và siêu âm phát hiện u tuyến giáp. Nghiên cứu của Trần Minh Đức: 53,4% bệnh nhân UTTG có cảm giác tức, vướng, bó chặt vùng cổ; 38.9% nghẹn khi ăn; 15,3% khàn tiếng; 22,1% đau tại chỗ lan lên mang tai [8]. Vũ Trung Chính: triệu chứng toàn thân khá nghèo nàn, đa số thể trạng trung bình; 4,8% bệnh nhân UTTG có sút cân, những bệnh nhân này đã có di căn xa hoặc khối u lớn ảnh hưởng tới sinh hoạt bình thường. Triệu chứng cơ năng gặp với tỷ lệ thấp, triệu chứng toàn thân nghèo nàn; 98,8% bệnh nhân không có biểu hiện toàn thân. Bệnh nhân đến khám bệnh do tình cờ phát hiện có khối u hoặc hạch vùng cổ, những triệu chứng cơ năng một phần giúp cho chẩn đoán nhưng thường chỉ gặp ở bệnh nhân tới khám ở giai đoạn muộn, khối u gây chèn ép hoặc thâm nhiễm vào tổ chức xung quanh như: cơ, khí quản, thần kinh. Ung thư tuyến giáp được phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn làm cho phẫu thuật viên gặp nhiều khó khăn trong phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp và vét hạch cổ, do khối u to, phá vỡ vỏ bao, xâm lấn tổ chức lân cận, di căn nhiều hạch cổ… nên kết quả điều trị còn hạn chế, tỷ lệ tái phát và di căn cao.
3.3. Triệu chứng thực thể
Trong nghiên cứu chúng tôi thấy u tuyến giáp và hạch cổ là 2 triệu chứng lâm sàng thường gặp và xuất hiện đầu tiên của ung thư tuyến giáp. Triệu chứng u giáp đơn thuần chiếm 35,7%, hạch vùng cổ chiếm 13,9%, có cả u và hạch chiếm 38,3%. Khi có triệu chứng này bệnh nhân đã đến khám chuyên khoa và phát hiện ra bệnh. Khi khám lâm sàng, chúng tôi đều phát hiện thấy u tuyến giáp ở 100% bệnh nhân. Tuy nhiên khi khám thấy u ở 2 thùy chỉ có 62,9%, siêu âm tuyến giáp phát hiện thấy u ở cả 2 thùy tăng lên là 85,2%. Điều này chứng tỏ nhiều u nhỏ, u nằm ở sâu trong nhu mô, nằm ở thành sau tuyến giáp không phát hiện được khi khám. Tỷ lệ phát hiện bằng siêu âm tăng 22,3% so với khám lâm sàng.
Bảng 3. Đặc điểm nhân tuyến giáp ở nhóm nghiên cứu
Trong nghiên cứu này có 80% u có mật độ cứng chắc và 20% u có mật độ mềm. 78,3% u có bề mặt nhẵn,21,7% bề mặt nhân gồ ghề. Theo Nguyễn Tiến Lãng (2008), nhân giáp xuất hiện đơn thuần hoặc nhân kết hợp với hạch cổ ở hầu hết các bệnh nhân, triệu chứng nhân tuyến giáp đơn thuần là 54,8%; nhân và hạch là 45,2. Nghiên cứu của Trần Trọng Kiểm(2008): 98,4% bệnh nhân có nhân tuyến giáp; 1,6% bệnh nhân không có nhân tuyến giáp nhưng có hạch cổ, khi chọc hút tế bào tại hạch cho kết quả UTTG di căn hạch cổ, khi bệnh nhân mổ cắt tuyến giáp và vét hạch cổ kiểm tra thấy nhân tuyến giáp có đường kính < 1 cm [13]. Điều đó cho thấy UTTG biệt hóa tiến triển chậm, âm thầm. Do vậy, cần tuyên truyền về UTTG để người dân hiểu, tự phát hiện, khi có u tuyến giáp cần đi khám và điều trị sớm để mang lại hiệu quả khỏi bệnh cao.
3.4. Siêu âm đánh giá u tuyến giáp: Nhiều nghiên cứu công bố khả năng dự báo u tuyến giáp là lành tính hay ác tính trên cơ sở các dấu hiệu siêu âm. Jin Joung Kwak và cs (2011) đưa ra bảng phân loại TIRADS dựa vào 6 đặc điểm siêu âm gồm: Cấu trúc dạng đặc hoặc thành phần đặc là chủ yếu, giảm âm hoặc rất giảm âm, bờ không đều hoặc có múi nhỏ, có vi vôi hóa, chiều cao lớn hơn chiều rộng. Tác giả xếp loại TIRADS từ 1 đến 6.Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phân độ TIRADS càng cao thì tỷ lệ ung thư càng lớn và cũng tương tự như các báo cáo của các tác giả: phân độ TIRADS 5 là 63,5%. TIRADS 4: 27,8 (TIRADS 4a: 4,4%; TIRADS 4b: 13,0%; TIRADS 4c: 10,4%). TIRADS 2 và 3 chỉ là 1,7% và 7%.
Kích thước u trên siêu âm:
Kết quả nghiên cứu phẫu thuật nội soi của chúng tôi: 84,3% bệnh nhân kích thước ulà 2–4cm, 15,7% bệnh nhân có khối u là1< u ≤ 2 cm và u có kích thước ≤ 1 cm chiếm 3,5%. Hay và cộng sự nghiên cứu 1500 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú, theo dõi 20 năm, khi u có kích thước (2 – 3,9 cm), (4 – 6,9 cm) và u ≥ 7 cm thì tỷ lệ tử vong tương ứng là 6%, 16% và 50%. Nghiên cứu củaKim B.S vàcs (2014) ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang khi kích thước u< 1,5 cm còn khu trú ở tuyến giáp, chưa xâm lấn ra tổ chức xung quanh thì hầu như không di căn xa, theo dõi sau 30 năm tỷ lệ tái phát chỉ bằng 1/3 so với u có kích thước lớn hơn, tỷ lệ tử vong là 0,4% so với 7% khi kích thước u ≥ 1,5 cm (p < 0,01) [70].
Như vậy, ung thư tuyến giáp khi u có kích thước nhỏ tiên lượng tốt hơn, sau điều trị tỷ lệ tái phát và tử vong thấp hơn. Khám sớm khi phát hiện thấy u vùng cổ và phối hợp cận lâm sàng (siêu âm, xạ hình, CT…) để phát hiện các u tuyến giáp có kích thước nhỏ còn nằm sâu trong nhu mô tuyến giáp để tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng tốt hơn cho bệnh nhân.
Số lượng u: Theo hội tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA 2015), 50-70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có từ 2 u trở lên. Khám lâm sàng khó phát hiện được những u nhỏ hoặc u nằm sâu trong nhu mô tuyến giáp, phải kết hợp với đánh giá bằng siêu âm và trong mổ[2].Theo Lee.J (2014), ung thư tuyến giáp thường nhiều ổ, sau phẫu thuật 52% bệnh nhân có các ổ ung thư ở cả 2 thùy, 30% có nhiều ổ nhỏ trong 1 thùy, giải phẫu tử thi thấy 25-36% bệnh nhân có microcarcinoma mà các phương pháp thông thường không phát hiện được. Nghiên cứu của chúng tôi: siêu âm tuyến giáp phát hiện được các u mà lâm sàng không thấy, chính vì vậy tỷ lệ u tuyến giáp ở hai thùy khi siêu âm tăng lên 85,2% so với khám lâm sàng là 62,6%. Số lượng từ 3 u trở lên chiếm 73%, bệnh nhân có 2 u là 25,2% và có 1 u có 1,8%. Do vậy, trong khám chẩn đoán cần thận trọng, phối hợp nhiều phương pháp cận lâm sàng để tránh bỏ sót những nhân nhỏ nằm sâu trong nhu mô tuyến giáp mà lâm sàng không phát hiện được.
Ranh giới của u:Ranh giới của u là một yếu tố quan trọng giúp định hướng chẩn đoán và điều trị. U giáp nếu ranh giới không rõ, bề mặt u gồ ghề, mật độ cứng chắc hướng tới ung thư tuyến giáp. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi, ranh giới của nhân tuyến giáp được xác định trên siêu âm. 92,2% bệnh nhân có u ranh giới không rõ với nhu mô còn lại, 7,8% u ranh giớirõ. Tất cả các bệnh nhân chưa có xâm lấn ra tổ chức xung quanh.Cho M. J và Cs (2015) nghiên cứu 262 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú, mổ mở cắt toàn bộ tuyến giáp cho thấy tổ chức ung thư đã xâm lấn ra xung quanh như vào: cơ là 53%, khí quản là 37%, thần kinh thanh quản là 47%, thực quản là 21%, thanh quản là 12% và xâm lấn ra vị trí khác là 30%.Siêu âm và chụp CT cổ là hai xét nghiệm có thể xác định được ranh giới của u với mô tuyến còn lại và với tổ chức xung quanh nhanh chóng và thuận tiện nhất [2].
* Siêu âm đánh giá di căn hạch vùng cổ
Hạch di căn vùng cổ là một triệu chứng hay gặp của ung thư tuyến giáp. Có bệnh nhân đến viện vì phát hiện có hạch cổ trước khi phát hiện nhân tuyến giáp. Sau khi khám lâm sàng thì siêu âm là xét nghiệm đầu tay để có thể phát hiện có hạch hay không, với các đặc điểm về vị trí, khích thước, ranh giới, mật độ… Dựa vào các tiêu chuẩn nghi ngờ hạch ung thư trên siêu âm của ATA 2015 từ đó đánh giá cho mỗi bệnh nhân.
Nghiên cứu của chúng tôi,siêu âm đã phát hiện được các hạch mà khám lâm sàng không phát hiện được (phát hiện thêm có hạch tăng 25%). Kết quả giải phẫu bệnh có 60 bệnh nhân có hạch cổ di căn, siêu âm nghi ngờ 42 bệnh nhân (chiếm 70%), 30% là không nghi ngờ. Khi so sánh với kết quả chụp CT có bơm thuốc cản quang cho thấy các hạch nghi ngờ trên CT (hạch có ngấm thuốc) chiếm tỷ lệ 73,3% cao hơn so với hạch nghi ngờ của siêu âm là 3%. Cả hai phương pháp này có kết quả hướng tới hạch ung thư thấp hơn so với chọc tế bào bằng kim nhỏ (78,3%).
Như vậy, hạch cổ di căn của ung thư tuyến giápcó thể phát hiện được bằng các xét nghiệm cận lâm sàng, mỗi phương pháp có độ nhậy và độ đặc hiệu khác nhau, cần phối hợp các phương pháp từ đó định hướng cho chỉ định và lựa chọn phương pháp nạo vét hạch cổ phù hợp.
3.5. Đặc điểm tế bào học và phân loại mô bệnh học
Chọc tế bào bằng kim nhỏ: Chọc tế bào u tuyến giáp để chẩn đoán tế bào học là tiêu chuẩn vàngvới nhiều ưu điểm: dụng cụ đơn giản, cho kết quả nhanh, thuận tiện, giá trị chẩn đoán cao, ít tai biến, có thể làm được ở nhiều cơ sở y tế. Chọc tế bào cần kết hợp với siêu âm rất có ý nghĩa trong chẩn đoán, đặc biệt khi u tuyến giáp nhỏ, ở sâu sẽ cho kết quả cao hơn.
Nghiên cứu của Hội tuyến giáp Hoa Kỳ ATA (2015): chọc hút tế bào bằng kim nhỏ đạt độ nhạy là 79,54%; độ đặc hiệu là 96,7%; độ chính xác là 88,7% và giá trị dự báo dương tính là 95,5%. Đối chiếu kết quả chẩn đoán tế bào học và mô bệnh học: tỷ lệ dương tính phù hợp chẩn đoán mô bệnh học là 65,9%, tỷ lệ chẩn đoán nghi ngờ là 13,6%; tỷ lệ âm tính giả là 20,5%. Đối với ung thư biểu mô thể nhú có độ nhạy là 81,2%; ung thư biểu mô thể nang là 61,6% [1].
Trong nghiên cứu này tỷ lệ dương tính chiếm 87,9%, âm tính giả chiếm 7,8%, không xác định chiếm 4,3%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ dương tính cao hơn so với các tác giả khác, tuy nhiên độ chính xác của phương pháp này cũng còn phụ thuộc vào u cần chọc hút, vị trí chọc hút, kỹ thuật lấy bệnh phẩm và đặc biệt với những u nhỏ có được chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm hay không.Trong quá trình phẫu thuật nếu nghi ngờ tổn thương là ung thư thì nên áp tế bào tổ chức u để có chẩn đoán chính xác từ đó đưa ra phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Sinh thiết tức thì: Peng Y.W. và Cs (2009) khẳng định độ nhạy và độ đặc hiệu của sinh thiết tức thì cao hơn chọc tế bào. Độ nhạy của chọc tế bào là 71%. Khi làm sinh thiết tức thì trong mổ có kết quả chính xác hơn xét nghiệm chọc tế bào vì thấy các mạch máu và sự xâm nhập trong tổ chức tuyến giáp. Sinh thiết tức thì đạt độ nhạy và độ đặc hiệu thường trên 80%, có ý nghĩa quan trọng để chỉ định phẫu thuật trong khi mổ[3]. Trong nghiên cứu này, chúng tôi áp tế bào tất cả các trường hợp, tỷ lệ dương tính chiếm 93,9%, âm tính giả chiếm 2,7%, nghi ngờ chiếm 3,4%. Kết quả nghiên cứu này có tỷ lệ dương tính tương đương với các tác giả khác.
Phân loại mô bệnh học: Hiện nay, phân loại mô bệnh học của UTTG loại biệt hóa gồm có UTTG thể nhú, thể nang và thể nhú-nang được Hiệp hội Ung thư Thế giới và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ sử dụng trong thực hành lâm sàng và nghiên cứu.
Bảng 4. Phân loại mô bệnh học của các tác giả
Qua các nghiên cứu chúng tôi nhận thấy: trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thì tỷ lệ ung thư thể nhú chiếm chủ yếu từ 68% – 88%. Ung thư thể nang chiếm tỷlệ từ 10% – 16%. Ung thư tuyến giáp thể nhú-nang thay đổi tùy vào từng tác giả bởi lý do: các tác giả có thể xếp riêng thành thể nhú-nang hoặc căn cứ vào đặc điểm mô bệnh học khi có nhiều tiêu chuẩn của thể nhú thì xếp vào thể nhú, nhiều về thể nang thì xếp vào thể nang, do vậy một số tác giả không xếp loại thể nhú-nang.
– Hạch di căn vùng cổ: Là một triệu chứng hay gặp của UTTG. Có bệnh nhân đến viện vì phát hiện có hạch cổ trước khi phát hiện nhân tuyến giáp. Ở thời điểm chẩn đoán UTTG bằng chọc tế bào tại nhân hoặc tại hạch cổ di căn, đã có 5% bệnh nhân UTTG thể nhú, 10% bệnh nhân UTTG thể nang hoặc tế bào Hurthle xâm lấn tổ chức vùng cổ hoặc có di căn xa.
Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi có 60 BN di căn hạch vùng cổ chiếm tỷ lệ 52,2% (bảng 3.21). Vị trí di căn chủ yếu gặp ở hạch thuộc khoang trung tâm chiếm ưu thế với tỷ lệ 61,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với Allanic H Slemen C (87%) nhưng cũng tương đương với các tác giả khác, chứng tỏ hạch di căn gặp ở khoang trung tâm là cao nhất, điều này lưu ý các phẫu thuật viên trong quá trình phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần ưu tiên nạo vét hạch khoang trung tâm. Di căn hạch khoang cùng bên với u là 30%, hạch đối bên với u là 0%.
Khi lấy hạch ở mỗi bệnh nhân chúng tôi phân theo nhóm để làm giải phẫu bệnh sau mổ. Kết quả cho thấy tỷ lệ di căn của các hạch nhóm VI là cao nhất chiếm tỷ lệ là 35,8%. Nhóm III, nhóm IV và nhóm V là tương đương nhau lần lượt chiếm tỷ lệ là 18,4%; 17,4% và 20,4%. Di căn thấp nhất ở nhóm I là 1,5%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự các báo cáo của các tác giả trong và ngoài nước.
Sự liên quan giữa di căn hạch với mô bệnh học: Theo Shah D.H, Samuel A.M di căn hạch ở ung thư thể nhú chiếm 42%, ở ung thư thể nang chiếm 17,2%. Theo Fraker di căn hạch cổ trong ung thư thể nhú trong cùng thời gian chẩn đoán chiếm 33 – 36%. Nghiên cứu của Trần Văn Thiệp thì tỷ lệ di căn hạch ở ung thư thể nhú là 78,3%.
Nghiên cứu của Vũ Trung Chính cho thấy di căn hạch ở ung thư thể nhú chiếm 62,9%. Trong nghiên cứu của chúng tôi, ung thư thể nhú di căn hạch chiếm 59,1%, tỷ lệ di căn hạch đối với thể nang là 25%, di căn hạch thể nhú-nang là 33,3%.
Có sự khác biệt về tình trạng di căn hạch giữa các thể mô bệnh học với p < 0,05. So với nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, tỷ lệ di căn hạch trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn, điều này có thể lý giải do đối tượng lựa chọn của chúng tôi là ở giai đoạn sớm.
UTTG biệt hóa di căn hạch cổ tương đối cao, tất cả các nhóm hạch cổ đều có thể di căn. UTTG kết hợp với hạch cổ di căn hoặc hạch cổ di căn đơn độc. Căn cứ vào tần suất, vị trí hạch cổ di căn để định hướng cho chỉ định và lựa chọn phương pháp vét hạch cổ hệ thống hay chọn lọc của phẫu thuật viên.
4. KẾT LUẬN
Ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp ở nhiều lứa tuổi, lứa tuổi hay gặp nhất là 25-35 tuổi chiếm 74.8%. Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Nhân ở cả 2 thùy có tỷ lệ cao. Đặc điểm nhân cứng chắc, ranh giới không rõ chiếm tỷ lệ cao lần lượt là: 80%, 92,2%. Chọc tế bào là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, siêu âm giúp phát hiện các nhân nhỏ mà khám lâm sàng không phát hiện ra.Di căn hạch cổ chiếm tỷ lệ là 52,18%, chủ yếu hạch nhóm VI và hạch cùng bên với u tuyến giáp. ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thì tỷ lệ ung thư thể nhú chiếm chủ yếu từ 68% – 88%. Ung thư thể nang chiếm tỷlệ từ 10% – 16%.
TÓM TẮT
Phẫu thuật nội soi 115 bệnh nhân UTTG tại BV Nội tiết TW có 109 bệnh nhân nữ (94,8%) và 6 bệnh nhân nam (5,2%). Tỷ lệ bệnh nhân nữ/nam là 18/1. Tuổi thấp nhất là 15 cao nhất là 45.Tuổi trung bình của bệnh nhân nam là 30,4 ± 6,4 và của bệnh nhân nữ là 33,2 ± 4,5. Tuổi trung bình chung cho cả 2 giới là 32,7 ± 6,8. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu từ 25- 35 (74,8%).68,7% bệnh nhân UTTG được điều trị phẫu thuật trước 12 tháng kể từ khi phát hiện bệnh. Bệnh nhân phẫu thuật sau phát hiện bệnh 36 tháng là 13,9%. Thời gian trung bình tính từ khi phát hiện bệnh đến khi phẫu thuật là 10,3 ± 6,7 tháng. 100% bệnh nhân có nhân tuyến giáp. 80% bệnh nhân có nhân mật độ chắc. Đa số u có ranh giới không rõ (chiếm 92,2%). 21,7% có bề mặt u gồ ghề, 80% ucó mật độ chắc 60/115 (52,18%) bệnh nhân UTTG có di căn hạch cổ, trong đó 38,3% hạch cùng bên với u tuyến giáp; 61,7% hạch khoang trung tâm. Ung thư thể nhú chiếm 76,5%; 10,4%thể nang, 13,1% thể nhú-nang. So sánh kết quả chọc hút tế bào bằng kim nhỏ tại u tuyến giáp trước khi phẫu thuật với kết quả mô bệnh học sau phẫu thuật cho thấy tỷ lệ dương tính là 78,9% và tỷ lệ âm tính giả là 7,8%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Minh Đức (2002), Nghiên cứu chẩn đoán và điều trị ngoại khoa ung thư tuyến giáp, Luận án Tiến sỹ Y học, Học viện Quân Y.
- Trần Trọng Kiểm (2008), Nghiên cứu phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp kết hợp iode phóng xạ 131I điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, Luận án Tiến sỹ Y học, Học viện Quân y.
- Nguyễn Tiến Lãng (2008), Đánh giá phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp phối hợp 131I điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, Luận văn tốt nghiệp BSCK II, Trường đại học Y Hà Nội
- Trần Văn Thiệp, Phan Triệu Cung, Bùi Xuân Trường và CS (2000), “Di căn hạch cổ của carcinoma tuyến giáp dạng nhú”, Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 4, tr. 148 – 203
- Karl Y.B, David J.B, Clifford Y.K, Andren K.S et al (2012), “Extent of surgery affects survival for papillary thyroid cancer”, Annals of Surgery, 246 (3), pp. 375 – 380.