TỶ LỆ TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở
BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 TẠI TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2017
Vũ Huyền Trang1 Nguyễn Thanh Hiếu 2
1Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai
ABSTRACT
The prevalence of treatment adherence and some related factors in type 2 diebetes patients in Dong Nai province, 2017
Background: Non-adherence to diabetes treatment leads to poor glucose control and increases the risk of disease complications. Objectives: The research was aimed at surveying the prevalence of patients’ type 2 diabetes treatment adherence and some related factors in Dong Nai province. Methods: A cross-sectional study was carried out on 492 type 2 diabetes patients managed at 82 commune health stations in Dong Nai province. Results: The rate of the total patients’ diabetes treatment adherence was 27.24%. Among those, the rate of patients’ diabetes medication adherence was 56.71%, that of those whose dietary adherence was 91.46%, that of those whose physical activity adherence was 47.15%. Finally, the patients’ diabetes treatment adherence were found significant association with other factors such as occupation, marriage status, and job characteristic (p<0.05). Conclusion: The rate of the total patients’ diabetes treatment adherence was rather low. Therefore, patients’ knowledge about medication adherence and physical exercises adherence should be improved in order to enhance effective treatment.
Keywords: treatment adherence, type 2 diebetes, Dong Nai.
Chịu trách nhiệm chính:
Ngày nhận bài:
Ngày phản biện khoa học:
Ngày duyệt bài:
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tốc độ phát triển của bệnh đái tháo đường tăng nhanh trong những năm qua. Theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, năm 2015 trên thế giới có 415 triệu người mắc đái tháo đường và được dự báo tăng lên 642 triệu vào 2040 [11].
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đái tháo đường và rối loạn dung nạp glucose ở lứa tuổi 30 – 69 tuổi trên toàn quốc tăng nhanh hơn dự báo, tăng xấp xỉ gấp đôi trong vòng 10 năm từ 2002 – 2012 [2].
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết trung ương trên hơn 11.000 người trong độ tuổi 30 – 69 trên toàn quốc cho thấy có 5,42% mắc đái tháo đường [2]. Dự báo mỗi năm sẽ có thêm khoảng 88.000 người mắc mới, đưa số bệnh nhân mắc đái tháo đường lên 3,42 triệu người vào năm 2030 [2]. Bệnh nhân đái tháo đường cần được theo dõi, điều trị đúng, đủ, điều trị lâu dài, kéo dài đến hết cuộc đời. Mục tiêu điều trị là kiểm soát chỉ số glucose máu ở mức độ cho phép để giảm tối đa các nguy cơ biến chứng.
Tại Đồng Nai, sau 5 năm thực hiện chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường đã khám sàng lọc, quản lý, tư vấn cho 9.739 bệnh nhân đái tháo đường; tỷ lệ người mắc đái tháo đường có đường huyết được duy trì ở mức ổn định thấp, tỷ suất hiện mắc đái tháo đường tăng từ 12% năm 2014 lên 14,26 % năm 2015 [7]. Vì vậy, nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu xác định tỷ lệ tuân thủ điều trị và các yếu tố liên quan ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2 được quản lý tại các trạm y tế, tỉnh Đồng Nai.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang
2.2. Thời gian nghiên cứu:
Tháng 08/2016 đến tháng 08/2017.
2.3. Đối tượng nghiên cứu:
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 trên 18 tuổi, hiện không mang thai được quản lý theo dõi tại 82 trạm y tế xã/phường/thị trấn của tỉnh Đồng Nai.
Cỡ mẫu: Tính theo công thức ước lượng một tỷ lệ
Theo nghiên cứu của Võ Văn Minh (2015), tại phòng khám ngoại trú bệnh viện Quận Phú Nhuận, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường type 2 là 20% [5], chọn p = 0,2. Với Z(1-α/2)=1,96, α = 0,05; d = 0,05; n = 380. Cỡ mẫu là n = 246 người. Sử dụng kỹ thuật chọn mẫu cụm nên cỡ mẫu: 246 người x 2 = 492 người.
Chọn mẫu: Chọn mẫu cụm 2 bậc xác suất tỷ lệ theo cỡ dân số (PPS: Propability proportionate to size), cụm được chọn là phường/xã/thị trấn. Số cụm được chọn là 82 cụm.
Định nghĩa biến số:
Tuân thủ dùng thuốc: Khi bệnh nhân dùng thuốc đều đặn suốt đời đúng thuốc, đúng giờ, đúng liều lượng và không ngưng thuốc khi cảm thấy khỏe hơn, khi thấy tác dụng phụ của thuốc, khi đi du lịch, khi ở nhà hết thuốc và số lần quên uống/tiêm thuốc trong một tháng từ 2 lần trở xuống.
Tuân thủ chế độ dinh dưỡng: Khi bệnh nhân ăn các thức ăn nên sử dụng như các loại trái cây, rau, đậu hoặc các loại thịt nạc và cá ít nhất 3 lần trong tuần trở lên.
Tuân thủ chế độ vận động thể lực: Khi bệnh nhân có vận động thể lực (đi bộ hoặc tập luyện các hoạt động có mức độ vừa phải như bơi lội, chạy bộ, đạp xe thong thả, chơi golf, tenis) từ 150 phút trỏe lên trong 1 tuần theo dõi với thời gian luyện tập là 30 phút/ ngày và tối thiểu 5 ngày/ tuần.
Tuân thủ điều trị chung: Khi bệnh nhân đạt cả 3 yếu tố tuân thủ điều trị bằng thuốc, tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tuân thủ chế độ vận động thể lực.
2.4. Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm EpiData, Stata 12 để xử lý và phân tích số liệu. Sử dụng test c2 để so sánh các tỷ lệ.
2.5. Đạo đức nghiên cứu: Tuân thủ tất các quy định của Hội đồng khoa học Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Đảm bảo quyền lợi của đối tượng tham gia nghiên cứu và bảo mật thông tin cá nhân.
3. KẾT QUẢ
Khảo sát 492 bệnh nhân đái tháo đường type 2 được quản lý trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ nữ là 65,85%, nam là 34,15%.
Về nhóm tuổi, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường dưới 55 tuổi là 23,17% và từ 55 tuổi trở lên là 76,83%.
Về tình trạng hôn nhân, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường đang sống cùng vợ/chồng là 77,64% và độc thân/ly thân/ly hôn/góa là 22,36%.
Về trình độ học vấn, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường có trình độ học vấn trung học cơ sở là 33,33%, tiểu học 30,89 %.
Về nghề nghiệp, tỷ lệ cao là nhóm lao động chân tay với 77,03%, tính chất công việc chủ yếu là lao động nhẹ và vừa 67,68% và bệnh nhân có tình trạng kinh tế không nghèo 70,12%.
3.1 Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường
Bảng 1. Tỷ lệ tuân thủ điều trị đái tháo đường ở bệnh nhân (n=492)
Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường là 27,24%. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc là 56,71%, tuân thủ điều trị bằng chế độ dinh dưỡng là 91,46% và tuân thủ điều trị bằng vận động thể lực là 47,15%.
3.2 Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường
Bảng 2. Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường ở bệnh nhân (n=492)
Về tình trạng hôn nhân, tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân độc thân/ly thân/ly hôn/góa là 19,09% thấp hơn so với nhóm bệnh nhân sống chung cùng vợ/chồng (PR=0,65, p<0,05). Về nghề nghiệp, tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân lao động chân tay là 26,39%, ở nhóm nghỉ hưu 19,23% thấp hơn so với nhóm bệnh nhân lao động trí óc (PR lần lượt là 0,34, 0,49, p<0,05). Về tính chất công việc, tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân vận động nhẹ và vừa là 31,23% cao hơn so với nhóm bệnh nhân làm việc tĩnh tại (PR=1,82, p<0,05).
4. BÀN LUẬN
4.1 Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường
Tuân thủ điều trị chung. Không tuân thủ điều trị đái tháo đường là nguyên nhân chính không kiểm soát được đường huyết. Qua nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường khá thấp với 27,24%. Kết quả này thấp hơn kết quả nghiên cứu của Đỗ Quang Tuyển (2012), tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị là 33,6% [8], nghiên cứu của Lê Thị Cầm và cộng sự (2013), tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt là 57,4% [3]và nghiên cứu Hoàng Thị Thu và cộng sự (2015), tại Bệnh viện Quân y 103, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ toàn diện theo hướng dẫn của bác sĩ là 36% [6].
Từ những nghiên cứu trên cho thấy tỷ lệ tuân thủ điều trị của bệnh nhân chưa cao. Việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân có ảnh hưởng quan trọng đến tình trạng kiểm soát các chỉ số như glucose, HbA1c, BMI, huyết áp, Cholesterol TP, Triglycerid, LDl-c và HDL-c [3]. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến việc tuân thủ điều trị, nên đưa vào tiêu chí để tư vấn, giáo dục bệnh nhân chấp hành tốt nhằm hạn chế biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường. Theo Nguyễn Thị Thu Vân và cộng sự (2013), tại Bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương, những bệnh nhân có tuân thủ cả 3 chế độ ăn, vận động và thuốc từ trung bình đến tốt đạt mục tiêu HbA1c khá cao (82,4%) [9].
Như vậy, việc tuân thủ đồng thời 3 chế độ gồm dinh dưỡng, vận động và thuốc trong điều trị bệnh đái tháo đường có hiệu quả nhiều hơn trong việc giảm nguy cơ tim mạch và tử vong bệnh đái tháo đường.
Bảng 3. So sánh kết quả tuân thủ điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường trong các nghiên cứu
Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị dùng thuốc và tuân thủ điều trị hoạt động thể lực trong nghiên cứu của chúng tôi đều thấp hơn so với các nghiên cứu khác [1], [4], [5], [8], [9]. Sự khác biệt này một phần là do cách đánh giá khác nhau cũng như đối tượng nghiên cứu khác nhau.
Tuân thủ điều trị dùng thuốc. Tuân thủ điều trị dùng thuốc là sự hợp tác tự nguyện của bệnh nhân sử dụng thuốc theo đơn đã được kê bao gồm thời gian sử dụng thuốc, liều dùng và số lần dùng. Qua nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị dùng thuốc khá thấp chỉ có 56,71%. Vì đa số bệnh nhân tham gia nghiên cứu từ 55 tuổi trở lên 76,83% nên việc suy giảm trí nhớ khi tuổi cao có thể dẫn đến tính trạng quên dùng thuốc. Nghiên cứu của EI-Hadiyah T.M. và cộng sự (2016), tại Sudan, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị dùng thuốc 45% [10]..
Tuân thủ hoạt động thể lực. Tuân thủ chế độ luyện tập là tập thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày (tối thiểu 150 phút/ tuần). Qua nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ hoạt động thể lực khá thấp 47,15%. Điều này có thể giải thích rằng nhiều bệnh nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc luyện tập thường xuyên có tác dụng hỗ trợ kiểm soát glucoze máu. Để khắc phục vấn đề này, nhân viên y tế cần tăng cường các buổi tư vấn, giải thích kỹ cho bệnh nhân.
Tuân thủ dinh dưỡng. Tỷ lệ tuân thủ dinh dưỡng trong nghiên cứu của chúng tôi khá cao 91,46%. Điều này có thể giải thích rằng nhiều bệnh nhân tuân thủ đúng do hàng ngày họ cập nhật thông tin trên nhiều phương tiện khác nhau và cũng đã được bác sỹ tư vấn trước khi tham gia vào nghiên cứu. Do đó họ hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ dinh dưỡng sẽ góp phần kiểm soát được đường huyết.
4.2 Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường
Tình trạng hôn nhân liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường. Qua nghiên cứu, tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân độc thân/ly thân/ly hôn/góa là 19,09% thấp hơn so với nhóm bệnh nhân sống chung cùng vợ/chồng (PR=0,65, p<0,05).
Kết quả này là hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Đỗ Quang Tuyển (2012), tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương [8] và nghiên cứu của Sweileh W.M (2014), tại Palestine [12], đã chỉ ra rằng mối quan hệ gia đình đóng một vai trò quan trọng trong quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường, những bệnh nhân có sự hỗ trợ của vợ/chồng và các thành viên trong gia đình, dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội như cung cấp dịch vụ điều dưỡng, chăm sóc quản lý bệnh nhân đái tháo đường đã thúc đẩy được quá trình tuân thủ điều trị chế độ ăn, uống thuốc và tự kiểm soát đường huyết.
Nghề nghiệp liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường. Qua nghiên cứu, tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân lao động chân tay là 26,39%, ở nhóm nghỉ hưu 19,23% thấp hơn so với nhóm bệnh nhân lao động trí óc (PR lần lượt là 0,34, 0,49, p<0,05).
Tính chất công việc liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường. Qua nghiên cứu, tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân vận động nhẹ và vừa là 31,23% cao hơn so với nhóm bệnh nhân làm việc tĩnh tại (PR=1,82, p<0,05).
Như vậy, việc lấy bệnh nhân làm trung tâm (liên quan đến vai trò của bệnh nhân trong quyết định điều trị) có thể làm tăng sự tuân thủ điều trị. Cần có những biện pháp hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị như gọi điện, phát tài liệu về hướng dẫn điều trị và tăng cường sự hỗ trợ của người thân.
5. KẾT LUẬN
Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường là 27,24%. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc là 56,71%, tuân thủ điều trị bằng chế độ dinh dưỡng là 91,46% và tuân thủ điều trị bằng vận động thể lực là 47,15%. Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường ở bệnh nhân bao gồm nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân và tính chất công việc của của bệnh nhân (p<0,05).
TÓM TẮT
Không tuân thủ điều trị đái tháo đường dẫn đến kiểm soát đường huyết kém và làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ tuân thủ điều trị và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại tỉnh Đồng Nai. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 492 bệnh nhân đái tháo đường type 2 được quản lý tại 82 trạm y tế xã/ phường/ thị trấn, tỉnh Đồng Nai năm 2017. Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường là 27,24%. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc là 56,71%, tuân thủ điều trị bằng chế độ dinh dưỡng là 91,46% và tuân thủ điều trị bằng vận động thể lực là 47,15%. Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị đái tháo đường ở bệnh nhân bao gồm nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân và tính chất công việc của bệnh nhân (p<0,05). Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường khá thấp. Do đó, cần nâng cao kiến thức cho bệnh nhân về tuân thủ dùng thuốc và vận động thể lực, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường.
Từ khóa: Tuân thủ điều trị, đái tháo đường type 2, Đồng Nai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Xuân Ái, Trương Thụy Kiều Oanh, Nguyễn Văn Tập (2016), “Tuân thủ điều trị đái tháo đường của người bệnh tại khoa Nội Tim Mạch – Nội Tiết bệnh viện Bình Thạnh”. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, Số 5, tr.522-531.
- Bộ Y tế (2016), Báo cáo chung tổng quan y tế năm 2015 – tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, NXB Y học, Hà Nội.
- Lê Thị Cầm và cộng sự (2015), “Kiểm soát một số chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An”. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nghệ An, Số 6, tr.15-20.
- Lê Thị Hương Giang (2013), “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị bệnh đái tháo đường type 2 của người bệnh đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện 198 năm 2013”. Tạp chí Y học thực hành, Số 11 (893), tr.93-97.
- Võ Văn Minh (2015), Mối liên quan giữa kiến thức và tuân thủ điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 đang điều trị ngoại trú tại phòng khám đa khoa bệnh viện quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa II, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoàng Thị Thu, Đỗ Thị Lan Hương, Đàm Thị Thúy Hồng và cộng sự (2015), “Khảo sát nhận thức và nhu cầu thông tin của người bệnh đái tháo đường type 2 điều trị tại Bệnh viện Quân y 103”. Báo cáo Hội nghị khoa học điều dưỡng Bệnh viện Quân y 103 năm 2015.
- Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai (2015), Báo cáo hoạt động dự án phòng chống bệnh đái tháo đường năm 2015, tr.3.
- Đỗ Quang Tuyển (2012), Mô tả kiến thức, thực hành và các yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại phòng khám, bệnh viện lão khoa Trung ương, Luận văn Thạc sỹ Y tế Công cộng, Trường đại học Y tế Công cộng.
- Nguyễn Thị Thu Vân, Đỗ Công Tâm, Phạm Thị Huỳnh Giao và cộng sự (2013), “Tình hình kiểm soát đái tháo đường type 2 đạt mục tiêu điều trị tại phòng khám bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương”. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, Tập 17, Số 4, tr.38-43.
- EI-Hadiyah T.M., Madani A.M., H.M Abdelrahim, et al. (2016), “Factors affecting medication non adherence in type 2 Sudanese diabetic patients”. Pharmacology & Pharmacy, 7, pp.141-146.
- International Diabetes Federation (2015) “IDF diabetes atlas 2015”.
- Sweileh W.M., Zyoud S.H., Abu Nab’a R.J. (2014), “Influence of patients’ disease knowledge and beliefs about medicines on medication adherence: findings from a cross-sectional survey among patients with type 2 diabetes mellitus in Palestine”. BMC Public Health, 14 (94), pp.1-8.