ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG KIỂM SOÁT ĐA YẾU TỐ Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2 ĐẾN KHÁM LẦN ĐẦU TẠI KHOA KHOA KHÁM CHỮA BỆNH THEO YÊU CẦU, BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Đỗ Trung Quân
Abstract
Objective: to assess multi factors control: fasting blood glucose, HbA1c, BMI, blood pressure, serum lipid in type 2 diabetic patients who first visited in outpatient department, Bach Mai hospital. Subjects: 216 type 2 diabetic patients first visited in outpatient department from 4/2014 to 8/2014. Method: cross sectional study. Results: the rate of well-controlled HbA1c was 31,9%, fasting blood glucose is 31%, blood pressure is 34,3%. There were 45,9% of patients with well-controlled LDL-c, 38,9% of patients with well-controlled HDL-c and 39,8% of patients with well-controlled serum triglyceride. The rate of patients that had one well-controlled factor was 36,8%; two well-controlled factors was 40,2% and three well-controlled factors was 12,4%. Key words: multifactor control, type 2 diabetes
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Trung Quân
Ngày nhận bài: 1.1.2016
Ngày phản biện khoa học: 15.1.2016
Ngày duyệt bài: 1.2.2016
2. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất, có diễn biến phức tạp, với tốc độ phát triển rất nhanh, bệnh được xem là đại dịch ở các nước đang phát triển. Đái tháo đường là vấn đề sức khỏe cộng đồng của toàn cầu, bệnh gây ra nhiều biến chứng ở não, mắt, tim, thận, mạch máu, thần kinh…ảnh hưởng tới tuổi thọ, chất lượng cuộc sống và đòi hỏi kinh phí điều trị cao trở thành gánh nặng kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội. Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường sẽ ngăn ngừa và làm chậm sự xuất hiện các biến chứng, giảm được các biến cố tim mạch, tàn tật và tử vong, giảm được gánh nặng cho gia đình, xã hội [1][2][3][4]. Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu:
Đánh giá tình trạng kiểm soát đa yếu tố: glucose máu đói, HbA1c máu, chỉ số khối cơ thể, huyết áp, lipid máu ở bệnh nhân ĐTĐ týp2 đến khám lần đầu tại khoa Khám bệnh Theo Yêu Cầu Bệnh viện Bạch Mai
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: 216 bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường typ 2 theo tiêu chuẩn của ADA 2013 (không sử dụng tiêu chuẩn HbA1c) và đến khám lần đầu tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh viện Bạch Mai [1].
Thời gian tiến hành nghiên cứu: từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2014
Tiêu chuẩn loại trừ: Đái tháo đường typ 1, đái tháo đường thứ phát, đái tháo đường ở phụ nữ mang thai, bệnh nhân có những bệnh nội tiết khác kèm theo (Basedow, to đầu chi, hội chứng Cushing), bệnh nhân có những biến chứng cấp tính (nhiễm khuẩn huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu), bệnh nhân trong tình trạng rối loạn ý thức, bệnh nhân khám và theo dõi định kỳ tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu: Các bệnh nhân được hỏi bệnh, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm theo một mẫu bệnh án thống nhất.
Các chỉ số nghiên cứu:
* Tuổi, giới, trình độ học vấn, nghề nghiệp.
* Thể trạng tính theo BMI, vòng eo, chỉ số vòng eo/vòng mông.
* Đái tháo đường: Thời gian mắc bệnh, kiểm soát đường máu dựa vào đường máu lúc đói và HbA1c, thuốc điều trị đái tháo đường.
* Tăng huyết áp: Tỷ lệ tăng huyết áp, phân độ theo JNC VII, thuốc điều trị tăng huyết áp.
* Rối loạn lipid máu: Cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL –C, LDL- C. Tỷ lệ rối loạn lipid máu, thuốc điều trị rối loạn lipid máu.
* Một số yếu tố ảnh hưởng kiểm soát đa yếu tố: tuổi, giới, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thời gian mắc bệnh, chế độ ăn và luyện tập, tuân thủ điều trị, khám định kỳ.
Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Xử lý số liệu: Phần mềm SPSS 16.
4. KẾT QUẢ
4.1. Tình trạng kiểm soát đường máu lúc đói và HbA1c của bệnh nhân nghiên cứu
Biểu đồ 1: Tình trạng kiểm soát đường máu lúc đói và HbA1c
Nhận xét: Tỉ lệ kiểm soát tốt đường máu lúc đói là 31%, kiểm soát tốt HbA1c là 31,9%
4.2. Tình trạng kiểm soát lipid máu của bệnh nhân nghiên cứu
Bảng 1. Kiểm soát lipid máu ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2
Nhận xét: Tỉ lệ bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị còn cao (chiếm > 50%)
4.3. Tình trạng kiểm soát huyết áp của bệnh nhân nghiên cứu
Bảng 2. Kiểm soát huyết áp ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2
Nhận xét: Trong số 216 bệnh nhân đái tháo đường týp 2, tỉ lệ tăng huyết áp là 65,7. Trong số 89 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp, tỉ lệ bệnh nhân không kiểm soát tốt huyết áp là 86,5%.
4.4. Tình trạng kiểm soát BMI của bệnh nhân nghiên cứu
Biểu đồ 2: Tỉ lệ béo trung tâm
Nhận xét: Tỷ lệ béo trung tâm ở nữ là 96,8% cao hơn nam là 52,7%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
4.5. Mức độ kiểm soát đa yếu tố của bệnh nhân nghiên cứu
Bảng 3. Phân bố bệnh nhân kiểm soát đạt 3 yếu tố HbA1c, huyết áp, LDL – c
Nhận xét: Có 26 bệnh nhân kiểm soát được 3 yếu tố chiếm tỷ lệ 12,4%.
5. BÀN LUẬN
5.1. Tình trạng kiểm soát đường máu lúc đói và HbA1c
Theo mục tiêu của ADA 2013, trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi, có 69% bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị đường máu lúc đói. Kết quả này tương tự của Hoàng Trung Vinh (2007) là 86,26%[5], Nguyễn Thị Thúy Hằng (2010) là 66,5%. Tỉ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu HbA1c < 7% là 31,9%. Qua kết qủa trên cho thấy tình trạng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân còn kém. Hiện nay, điều trị đái tháo đường có xu hướng cá thể hóa trong điều trị. Các mục tiêu cần đạt khác nhau ở những đối tượng bệnh nhân khác nhau tùy thuộc vào tuổi đời, thời gian mắc bệnh đái tháo đường, nguy cơ hạ đường huyết, bệnh phối hợp.
5.2. Tình trạng kiểm soát huyết áp
Trước một bệnh nhân đái tháo đường không được theo dõi từ trước, khó mà biết được tăng huyết áp có trước hay là hậu quả của đái tháo đường. Tuy nhiên tăng huyết áp có trước hay là hậu quả thì đối với bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp đều có mục tiêu là < 140/80 mmHg, khi có biến chứng thận là < 125/75 mmHg [6]
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp là 41,2% (89/216 bệnh nhân), trong đó có 80 bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp tại tuyến cơ sở. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn tác giả khác: Nguyễn Thị Thanh Hương tỷ lệ tăng huyết áp là 62,2%, Nguyễn Minh Sang thì tỷ lệ này là 57,7%. Trong nghiên cứu của chúng tôi, huyết áp tâm thu trung bình 126,6 ± 17,2 mmHg, huyết áp tâm trường trung bình 77,1 ± 11,0 mmHg. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của một số tác giả khác.
5.3. Tình trạng kiểm soát BMI của bệnh nhân nghiên cứu
BMI trung bình của đối tượng nghiên cứu là 22,80 ± 3,15. Tỷ lệ bệnh nhân có BMI bình thường chiếm tỷ lệ cao nhất 49,1%, bệnh nhân thừa cân và béo phì có tỷ lệ lần lượt là 24,1% và 20,3%. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu trong nước như Hoàng Trung Vinh [5] là 63,9% trường hợp có BMI < 23 kg/m2, 18,3% > 23 kg/m2. Nguyễn Thị Thanh Hương có 49,9% bệnh nhân có BMI < 23 kg/m2, 43,1% > 23 kg/m2. Béo bụng là một thuật ngữ dùng để chỉ những người mà phân bố mỡ ở bụng, nội tạng và phần trên cơ thể chiếm tỷ trọng lớn, và cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập gây ra rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hoá đường.
5.4. Tình trạng kiểm soát lipid máu của bệnh nhân nghiên cứu
Theo phân loại rối loạn lipid máu của Hội Tim mạch Việt Nam (2006), kết quả nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có rối loạn lipid máu chiếm 80,1%, tỷ lệ tăng triglyceride là cao nhất 60,2%, tăng cholesterol toàn phần là 43,1%, giảm HDL- C 40,3%, tăng LDL-C 31,6%. Kiểu rối loạn này cũng thấy trong nghiên cứu của tác giả khác. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Hằng (2010) tăng triglyceride chiếm tỷ lệ cao nhất 56%, tăng Cholesterol máu là 53%, giảm HDL-C là 36%, tăng LDL-C có 32%. Bệnh nhân Việt Nam khó kiểm soát các thành phần triglyceride, có lẽ do bệnh nhân ăn nhiều chất bột và nam giới uống nhiều rượu là nguyên nhân.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi: không có rối loạn lipid máu là 20,5%, có 1 chỉ số bị rối loạn chiếm 22,5%, 2 chỉ số bị rối loạn chiếm 29,7%, 3 chỉ số bị rối loạn chiếm 22,5%, cả 4 chỉ số bị rối loạn có 4,8%.
5.5. Kiểm soát đa yếu tố HbA1c, huyết áp, Lipid máu, BMI
Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường đạt cả 3 mục tiêu HbA1c < 7%, huyết áp < 140/80 mmHg, LDL-C < 2,6 mmol/l chiếm 11,5%. 13,4% không đạt được mục tiêu kiểm soát nào. Theo nghiên cứu của Nguyễn Khánh Ly (2014) [7] chỉ có 1,8% bệnh nhân đạt cả 3 mục tiêu khuyến cáo ADA 2012. Tỷ lệ bệnh nhân đạt 3 mục tiêu trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn các nghiên cứu khác có lẽ do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có thời gian mắc bệnh chủ yếu dưới 5 năm, ít biến chứng hơn do vậy dễ đạt được các mục tiêu kiểm soát hơn[8][9].
TÓM TẮT
Mục tiêu: đánh giá tình trạng kiểm soát đa yếu tố: glucose máu đói, HbA1c máu, chỉ số khối cơ thể, huyết áp, lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đến khám lần đầu tại khoa Khám bệnh Theo Yêu Cầu Bệnh viện Bạch Mai
Đối tượng nghiên cứu: 216 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đến khám lần đầu tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2014
Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang
Kết quả và kết luận: Trong 216 bệnh nhân nghiên cứu, tỉ lệ kiểm soát tốt HbA1c là 31,9%, đường huyết lúc đói là 31%, huyết áp là 34,3%. Kiểm soát tốt LDL-c có 45,9% bệnh nhân, HDL-c có 38,9% và 39,8% bệnh nhân đạt mục tiêu triglyceride. Tỉ lệ bệnh nhân kiểm soát được một yếu tố là 36,8%, hai yếu tố là 40,2% và ba yếu tố là 12,4%.
Từ khoá: kiểm soát đa yếu tố, đái tháo đường typ 2
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- American Diabetes Association (2013). Standards of medical Care in Diabetes – 2013. Diabetes Care, 36 (1), 11 – 66.
- JNC VII Report (2003). JAMA 289, 2560- 2572.
- Peter Gæde, Pernille Vedel, Larsen N et al (2003). Multifactorial intervention and cardiovascular disease in patients with type 2 diabetes. N Engl J Med, 348, 383-393.
- Casagrande SS, Fradkin JE, Saydah SH et al (2013). The Prevalence of Meeting A1C, Blood Pressure, and LDL Goals Among People With Diabetes, 1988–2010. Diabetes Care. 36(8). 2271-2279.
- Hoàng Trung Vinh (2007). Nghiên cứu tình trạng kiểm soát đa yếu tố ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Báo cáo toàn văn đề tài khoa học, Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành Nội tiết và chuyển hóa lần thứ 3, tr 339- 344.
- Peter M. Nilsson (2003). Hypertention in diabetes mellitus. Texbook of Diabetes. Third Edition, 2,1 – 55.16.
- Nguyễn Khánh Ly, Nguyễn Thị Bích Đào (2014). Khảo sát tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu kiểm soát đa yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường týp điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến quận. Tạp chí y học thành phố Hồ Chí Minh, 18 (4). 44 – 51.
- World Health Organization et al (2002). The Asia-Pacific perspective: redefining obesity and its treatment. Health Communications Australia
- Alvin C, Power (2009). Dyslipidemia and diabetes mellitus. Harrison’s principles of internal medicine II, pp 2152-2180.
- Home PD, Pocock SJ, Beck-Nielsen H, Curtis PS, Gomis R, Hanefeld M, et al. Rosiglitazone evaluated for cardiovascular outcomes in oral agent combination therapy for type 2 diabetes (RECORD): a multicentre, randomised, open-label trial. Lancet 2009;373(9681):2125-35.
- Richter B, Bandeira-Echtler E, Bergerhoff K, Lerch CL. Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) inhibitors for type 2 diabetes mellitus(Cochrane Review). In: The Cochrane Library, Issue 2, 2008.London: Wiley.
- DeFronzo RA, Hissa MN, Garber AJ, Gross JL, Duan RY, Ravichandran S, et al. The efficacy and safety of saxagliptin when added to metformin therapy in patients with inadequately controlled type 2 diabetes with metformin alone. Diabetes Care 2009;32(9):1649-55.
- Rosenstock J, Aguilar-Salinas C, Klein E, Nepal S, List J, Chen R. Effect of saxagliptin monotherapy in treatment-naive patients with type 2 diabetes. Curr Med Res Opin 2009;25(10):2401-11.
- Hermansen K, Kipnes M, Luo E, Fanurik D, Khatami H, Stein P. Efficacy and safety of the dipeptidyl peptidase-4 inhibitor, sitagliptin, in patients with type 2 diabetes mellitus inadequately controlled on glimepiride alone or on glimepiride and metformin. Diabetes Obes Metab 2007;9(5):733-45.
- Nauck MA, Meininger G, Sheng D, Terranella L, Stein PP, Tesone P, et al. Efficacy and safety of the dipeptidyl peptidase-4 inhibitor, sitagliptin, compared with the sulfonylurea, glipizide, in patients with type 2 diabetes inadequately controlled on metformin alone: A randomized, double-blind, non-inferiority trial. Diabetes Obes Metab 2007;9(2):194-205.