Tương quan giữa nồng độ HbA1C và glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường

TƯƠNG QUAN GIỮA NỒNG ĐỘ HbA1c VÀ  GLUCOSE MÁU Ở  BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

ThS. Nguyễn Anh Dũng*,  PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương**

* Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, **Trường Đại học Y Dược Huế

ABSTRACT

Correlation between HbA1c concentration and blood glucose levels in diabetes patients

Objective: Investigation of the correlation between HbA1c and plasma glucose in patients with diagnosed new diabetes. Methods: cross sectional describes study the trials on 68 patients to examination at Hue University of Medicine and Pharmacy Hospital have a fasting blood glucose G0 ≥ 7,0 mmol/l (≥126 mg/dl), not yet treatment. Results: The HbA1c average concentrations in patients with diagnosed new diabetes in G0 is 8,21 ± 1,83%; The HbA1c average concentrations in the control group was 5,92 ± 0,55%. This difference was statistically significant with p < 0,01. The average fasting blood glucose of patients with diagnosed diabetes new was 9,49 ± 2,69 mmol/l; fasting blood glucose concentrations in the control group was 5,50 ± 0,73 mmol/l. This difference was statistically significant (p < 0,001). Conclusions: The HbA1c concentrations correlated very closely with fasting blood glucose (r = 0,885), with statistical significance (p < 0,001). The HbA1c concentrations closely correlated with blood glucose after 2 hours of drinking 75g of sugar (r = 0,755), a statistically significant (p < 0,001).

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Anh Dũng

Ngày nhận bài: 15.11.2016

Ngày phản biện khoa học: 210.11.2016

Ngày duyệt bài: 1.12.2016

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm các bệnh chuyển hóa được đặc trưng bởi tăng glucose máu mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin hoặc kết hợp cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong ĐTĐ thường làm tổn thương, rối loạn và suy chức năng của nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là các tổn thương ở mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu [1], [6]. Trước đây, cân bằng đường máu ở bệnh nhân ĐTĐ được đánh giá qua đường máu. Nhưng đường máu chỉ phản ánh glucose trong máu bệnh nhân thời gian chỉ vài phút vào lúc lấy máu, trong khi việc theo dõi bệnh ĐTĐ là một quá trình lâu dài và liên tục [3]. Trong các xét nghiệm có thể giúp ích cho thầy thuốc để đạt đến các mục tiêu chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân ĐTĐ, HbA1c cho phép đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong thời gian khoảng 2-3 tháng liền kề trước đó nên xét nghiệm này được đặc biệt ưa chuộng trong quản lý bệnh nhân ĐTĐ. Tuy nhiên theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ năm 2010, định lượng HbA1c cũng là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu là khảo sát mối tương quan giữa HbA1c với glucose huyết tương ở bệnh nhân đái tháo đường mới được chẩn đoán bằng nghiệm pháp dung nạp glucose uống.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

– Nhóm bệnh: Gồm 68 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế có glucose máu lúc đói G0 ≥ 7,0 mmol/l (≥126 mg/dl), chưa điều trị, trong thời gian từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2011.

– Nhóm chứng: Gồm 158 người đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế có xét nghiệm G0 < 7,0 mmol/l, có biểu hiện lâm sàng bình thường. Nhóm chứng được lựa chọn có độ tuổi tương đương với nhóm nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có đối chứng

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Kết quả nghiên cứu của HbA1c theo G0

Có 13,24% bệnh nhân HbA1c chỉ ở mức tiền ĐTĐ (5,7 ≤ HbA1c < 6,5 %) ở nhóm bệnh ĐTĐ (với G0 ≥ 7,0 mmol/l). Không có trường hợp nào bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ mà HbA1c bình thường. Có 86,76% bệnh nhân chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn G0 ≥ 7,0 mmol/l phù hợp với chẩn đoán ĐTĐ theo HbA1c ≥ 6,5 %.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ các mức HbA1c theo G0

 

3.2. Nồng độ trung bình của HbA1c, G0 ở nhóm bệnh và nhóm chứng

Bảng 1. So sánh nồng độ trung bình của HbA1c ở nhóm bệnh và nhóm chứng

Bảng 2. So sánh nồng độ trung bình của G0 ở nhóm bệnh và nhóm chứng

3.3. Kết quả nghiên cứu của HbA1c theo G0 ở nhóm chứng

Biểu đồ 2. Đặc điểm của HbA1c theo G0 ở nhóm chứng

Có 40 người ở nhóm chứng G0 < 5,6 mmol/l (mà 5,7 ≤ HbA1c < 6,5 %) chiếm tỷ lệ 46,51% và có 05 người ở nhóm chứng G0 < 5,6 mmol/l (mà HbA1c ≥ 6,5 %) chiếm tỷ lệ 5,82%.

Có 19 người ở nhóm chứng 5,6 ≤ G0 < 7,0 mmol/l (mà HbA1c ≥ 6,5 %) chiếm tỷ lệ 26,39%.

3.4. Tương quan giữa HbA1c với glucose máu

Bảng 3. Hệ số tương quan giữa HbA1c với glucose máu

Biểu đồ 3. Tương quan giữa HbA1c với G0


Biểu đồ 4. Tương quan giữa HbA1c với G2

IV. BÀN LUẬN

4.1. Về nồng độ glucose máu khi đói (G0)

Nồng độ trung bình G0 của nhóm bệnh là 9,49 ± 2,69 mmol/l so với nồng độ trung bình G0 của nhóm chứng là 5,50 ± 0,73 mmol/l. Sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).

Nồng độ trung bình G0 trong nghiên cứu của Annemieke M. W. Spijkerman và cộng sự trên đối tượng mới phát hiện ĐTĐ là 9,0 ± 1,35 mmol/l [11], kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với nghiên cứu này.

Theo tác giả Văn Công Trọng, nồng độ glucose máu trung bình ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 2 là 12,63 ± 4,75 mmol/l [4]. So sánh với nghiên cứu của chúng tôi thì nồng độ G0 của chúng tôi thấp hơn, điều này có lẽ là do đối tượng bệnh nhân của chúng tôi mới vừa phát hiện ĐTĐ khi đi khám.

4.2. Về nồng độ trung bình HbA1c ở nhóm chứng và nhóm bệnh

Nồng độ trung bình HbA1c trong nhóm bệnh của chúng tôi là 8,21 ± 1,83 %, cao hơn so với nồng độ trung bình HbA1c ở nhóm chứng là 5,92 ± 0,55 %. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).

Theo nghiên cứu của Phạm Thị Thu Trang, Trần Hoài Nam và Đào Văn Tùng (2011) thì nồng độ trung bình HbA1c của 328 bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ tại Bệnh viện Hữu nghị Hải Phòng là 8,45 ± 2,28 % [2]. Theo tác giả Annemieke M. W. Spijkerman và cộng sự thực hiện tại Hà Lan, nồng độ trung bình HbA1c trong nhóm mới phát hiện ĐTĐ là 8,3 ± 1,8 % [11]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu này.

4.3. Về nồng độ HbA1c trong chẩn đoán đái tháo đường

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đề nghị sử dụng xét nghiệm HbA1c như là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ với HbA1c từ 5,7% đến 6,4% là tiền đái tháo đường và HbA1c ≥ 6,5% là đái tháo đường.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 13,24% bệnh nhân HbA1c chỉ ở mức tiền ĐTĐ (5,7 ≤ HbA1c < 6,5 %) ở nhóm bệnh (với G0  ≥ 7 mmol/l). Không có trường hợp nào bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ mà HbA1c bình thường. Có 86,76% bệnh nhân chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn G0 ≥ 7 mmol/l phù hợp với chẩn đoán đái tháo đường theo tiêu chuẩn HbA1c ≥ 6,5 %.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của chúng tôi các kết quả ở nhóm chứng cho thấy khi G0 < 5,6 mmol/l thì có 46,51% người được chẩn đoán là tiền ĐTĐ theo HbA1c (5,7 ≤ HbA1c < 6,5 %). Đặc biệt có 5,82% người được chẩn đoán là đái tháo đường (HbA1c ≥ 6,5 %) trong khi G0 < 5,6 mmol/l. Khi 5,6 ≤ G0 < 7,0 mmol/l thì có 26,39% người được chẩn đoán là đái tháo đường (HbA1c ≥ 6,5 %). Điều này muốn nói lên rằng sử dụng tiêu chuẩn HbA1c có thể xác định thêm số người mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường mà tiêu chuẩn glucose máu lúc đói thông dụng có thể bỏ sót.

Theo Wenyu Wang, Elisa T. Lee, và cộng sự nghiên cứu G0 và HbA1c trong việc xác định bệnh ĐTĐ thì HbA1c ≥ 6,5% chỉ xác định 54% những trường hợp được chẩn đoán bởi G0 ≥ 7,0 mmol/l, trong khi G0 xác định 89% của những người được chẩn đoán bởi HbA1c. Sử dụng HbA1c một mình chỉ xác định 57% của tất cả các chẩn đoán G0 và HbA1c, trong khi đó sử dụng G0 xác định được 94%. Tác giả cho rằng việc sử dụng HbA1c một mình trong sàng lọc những người ĐTĐ xác định được ít trường hợp hơn sử dụng G0 một mình, sử dụng cả 2 phương pháp HbA1c và G0 xác định được một số lượng lớn hơn những người có nguy cơ [12].

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, chẩn đoán đái tháo đường khi HbA1c ≥ 6,5%. Có dưới 100% sự phù hợp giữa thử nghiệm glucose máu đói và nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống, có không đầy đủ sự phù hợp giữa HbA1c và thử nghiệm glucose [5].

4.4. Về mối tương quan của HbA1c và glucose máu

4.4.1. Tương quan giữa HbA1c với G0

Chúng tôi ghi nhận ở bệnh nhân mới phát hiện ĐTĐ nồng độ HbA1c có mối tương quan rất chặt chẽ với G0 (r = 0,885), có ý nghĩa thống kê p < 0,001. Phương trình thể hiện mối tương quan là: y = 0,6005x + 2,5133.

Theo nghiên cứu của Văn Công Trọng, ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, HbA1c có tương quan chặt chẽ với G0 (r = 0,729; p < 0,001) [4]. Tác giả Trịnh Xuân Tráng nghiên cứu ở Thái Nguyên cũng cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa HbA1c với G0 (r = 0,71; p < 0,01) [5]. Nghiên cứu của Elizabeth Selvin và cộng sự, HbA1c và G0 có mối tương quan chặt chẽ với nhau (r = 0,73) [10], nghiên cứu của Haseeb Ahmad Khan cho thấy HbA1c có mối tương quan chặt chẽ với G0 (r = 0,81; p < 0,001) [7]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với tất cả các nghiên cứu trên.

Nghiên cứu của tác giả Curt L. Rohlfing và cộng sự (2002) xác định mối quan hệ giữa glucose huyết tương và HbA1c ở những bệnh nhân ĐTĐ cho thấy giữa chúng có mối tương quan chặt chẽ với nhau (r = 0,82), ước tính khi HbA1c tăng lên 1% thì glucose huyết tương tăng lên 1,98 mmol/l [9]. Theo tác giả Nathan D. M. và cộng sự cũng ghi nhận có sự tương quan chặt chẽ giữa nồng độ HbA1c với G0 ở những bệnh nhân ĐTĐ với hệ số tương quan r = 0,90 [8].

4.4.2. Tương quan giữa HbA1c với G2

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nồng độ HbA1c có mối tương quan chặt chẽ với glucose máu sau 2 giờ uống 75 gam đường, hệ số tương quan r = 0,755 và có ý nghĩa thống kê p < 0,001. Phương trình thể hiện mối tương quan giữa HbA1c với G2 là: y = 0,2461x + 3,8263.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của Văn Công Trọng tại Bệnh viện Trung ương Huế, HbA1c có mối tương quan khá chặt chẽ với G2 với hệ số tương quan
r = 0,698 (p < 0,01) [4].

V. KẾT LUẬN

Nồng độ HbA1c có mối tương quan rất chặt chẽ với glucose máu lúc đói, hệ số tương quan r = 0,885, có ý nghĩa thống kê p < 0,001.

Nồng độ HbA1c có mối tương quan chặt chẽ với glucose máu sau 2 giờ uống 75g đường, hệ số tương quan r=0,755, có ý nghĩa thống kê p < 0,001. Như vậy, HbA1c đều có tương quan chặt chẽ với G0 và G2.

VI. KIẾN NGHỊ

Tất cả các đối tượng kiểm tra sức khỏe có yếu tố nguy cơ mắc ĐTĐ cần làm kết hợp các xét nghiệm: glucose máu đói, nghiệm pháp dung nạp glucose uống và HbA1c để phát hiện sớm những người tiền ĐTĐ và ĐTĐ (theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ), tránh bỏ sót các trường hợp ĐTĐ. Từ đó có giải pháp dự phòng và điều trị kịp thời, thích hợp, tránh các biến chứng của ĐTĐ và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Khảo sát mối tương quan giữa HbA1c với glucose huyết tương ở bệnh nhân ĐTĐ mới được chẩn đoán bằng nghiệm pháp dung nạp glucose uống. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có đối chứng trên 68 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế có glucose máu lúc đói G0 ≥ 7,0 mmol/l (≥126 mg/dl), chưa điều trị. Kết quả: Nồng độ HbA1c trung bình ở bệnh nhân mới phát hiện ĐTĐ theo G0 là 8,21 ± 1,83 %; nồng độ HbA1c trung bình ở nhóm chứng là 5,92 ± 0,55 %. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Glucose máu lúc đói trung bình của bệnh nhân mới phát hiện ĐTĐ là 9,49 ± 2,69 mmol/l; nồng độ glucose máu lúc đói ở nhóm chứng là 5,50 ± 0,73 mmol/l. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Kết luận: Nồng độ HbA1c có mối tương quan rất chặt chẽ với glucose máu lúc đói (r = 0,885), có ý nghĩa thống kê p < 0,001. Nồng độ HbA1c có mối tương quan chặt chẽ với glucose máu sau 2 giờ uống 75g đường (r = 0,755), có ý nghĩa thống kê p < 0,001.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2007), Những nguyên lý nền tảng bệnh đái tháo đường-tăng glucose máu, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, tr.13-30.
  2. Phạm Thị Thu Trang, Trần Hoài Nam, Đào Văn Tùng (2011), “Tỷ lệ HbA1c, nồng độ glucose và các chỉ số lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 được điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Hữu nghị Hải Phòng”, Tạp chí Y học Việt Nam, 384, tr.33-38.
  3. Văn Công Trọng, Nguyễn Hải Thủy (1999), “Khảo sát HbA1c của bệnh nhân đái tháo đường thể 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế”, Tạp chí Y học thực hành, 368, tr.40-41.
  4. Văn Công Trọng (1999), Nghiên cứu HbA1c huyết tương ở bệnh nhân đái tháo đường thể 2, Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Huế, tr.33-46.
  5. Trịnh Xuân Tráng (2008), “Nghiên cứu hàm lượng insulin, HbA1c và cân bằng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên”, Tạp chí Y học Việt Nam, 351, tr.322-330.
  6. American Diabetes Association (2010), “Diagnosis and classification of diabetes mellitus”, Diabetes Care, 33(1), 62-69.
  7. Khan H. A. (2007), “Clinical significance of HbA1c as a marker of circulating lipids in male and female type 2 diabetic patients”, Acta Diabetol, 44, pp.193-200.
  8. Nathan D. M., Turgeon H., Regan S. (2007), “Relationship between glycated haemoglobin levels and mean glucose levels over time”, Diabetologia, 50, pp.2239-2244

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …