Nồng độ i-ốt trong nước tiểu và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi tại tỉnh Quảng Ngãi

NỒNG ĐỘ I-ỐT TRONG NƯỚC TIỂU VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN

Ở PHỤ NỮ TỪ 18 ĐẾN 49 TUỔI TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI

Lê Quang Tòa

Trung tâm Nội tiết tỉnh Quảng Ngãi

ABSTRACT

Background: Iodine deficiency is a major public health problem for populations throughout the world, particularly for pregnant women and young children, they are a threat to the social and economic development of countries. Aims: To examine the concentration of iodine in the urine and its associated factors among women aged from 18 to 49 in Quangngai provice, Vietnam. Methods: This study used cross-sectional study design. A total 600 women aged between 18 to 49 in Quang Ngai province was interviewed. Test of urinary iodine concentration, test of salt iodate content of household had women.  Examine urinary iodine concentration with criteria of WHO. Results: Median urinary iodine concentration is 8.8 µg/dl, the frequency of urinary iodine concentration ≥ 10 µg/dl is 44.2%; < 10 µg/dl is 55.8%. There is a statistically significant association between the use of iodine salt for cooking and food preparation (p < 0.05), the habitual use of iodine salt continuously (p < 0.05), the cause of iodine salt is not sold or sold intermittenthy in the area (p < 0.05), the of iodine salt qualified for prevention (p < 0.05) with the urinary iodine concentration. Conclusions: The overral iodine nutritional status in Quangngai province was mild deficient. The rate of iodine sufficient nutrition and that of iodine deficient nutrition was 44.2% and 55.8%, respectively. The use of iodine salt for cooking and food preparation, the habitual regular use of iodine salt, the availability of iodine salt in the area, the use of adequately iodized salt were associated with urinary iodine concentration.

Key words: Urinary iodine concentration, associated factors, Quang Ngai, Viet Nam.

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Thiếu iốt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng chính của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em, là mối đe dọa cho sự phát triển kinh tế và xã hội của mối quốc gia. Mục tiêu: 1. Xác định nồng độ iốt trong nước tiểu ở phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi tại  tỉnh Quảng Ngãi năm 2016; 2. Khảo sát một số yếu tố liên quan đến nồng độ iốt trong nước tiểu ở đối tượng nghiên cứu. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 600 phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi tại tỉnh Quảng Ngãi. Các đối tượng được phỏng vấn theo bộ câu hỏi soạn sẵn, xét nghiệm nồng độ iốt trong nước tiểu, xét nghiệm hàm lượng iốt trong muối của hộ gia đình có đối tượng được phỏng vấn. Xác định nồng độ iốt trong nước tiểu theo tiêu chuẩn của WHO. Kết quả: 1. Nồng độ iốt trong nước tiểu: Trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu ở phụ nữ từ 18 – 49 tuổi của tỉnh Quảng Ngãi là 8,8 µg/dl, nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl: 44,2%; và < 10 µg/dl: 55,8%. 2. Có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa sử dụng muối iốt để nấu, chế biến thức ăn với nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl  (p < 0,05), thói quen sử dụng muối iốt liên tục với nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl (p < 0,05), nhóm nguyên nhân không có muối iốt được bán hoặc bán không liên tục trong vùng với nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl (p < 0,05), và sử dụng muối iốt đủ tiêu chuấn phòng bệnh với nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl (p < 0,05). Kết luận: Tình trạng dinh dưỡng iốt chung tại Quảng Ngãi ở mức thiếu nhẹ, trong đó 44,2% dân số có dinh dưỡng đủ iốt và 55,8% dân số có dinh dưỡng thiếu iốt;  Có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa việc sử dụng muối iốt để nấu, chế biến thức ăn; thói quen sử dụng muối iốt liên tục; sự sẵn có của muối iốt được bán liên tục trong vùng; và việc sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh với nồng độ iốt trong nước tiểu.

Từ khóa: Nồng độ iốt trong nước tiểu, Các yếu tố liên quan, Quảng Ngãi, Việt Nam.

Chịu trách nhiệm chính: Lê Quang Tòa

Ngày nhận bài: 01/7/2019

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019

Ngày duyệt bài: 1/8/2019

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Iốt là một vi chất dinh dưỡng, rất cần thiết cho con người và là thành phần thiết yếu của hormon tuyến giáp. Nồng độ iốt trong nước tiểu là chỉ dấu chính đánh giá tình trạng dinh dưỡng iốt của một người, nồng độ iốt trong nước tiểu cũng là công cụ chính dùng để đo lường sự cung cấp iốt trong quần thể dân cư.

Thiếu iốt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, là mối đe dọa cho sự phát triển kinh tế và xã hội của mối quốc gia. Ở Việt Nam, khi kết thúc dự án phòng chống các rối loạn thiếu iốt năm 2005, theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình năm 2005 thì trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu toàn quốc là 12,2 µg/dl [1], nhưng đến năm 2008-2009 thì trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu toàn quốc là 8,3 µg/dl, thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh (5,7 µg/dl và 5,6 µg/dl) [2].

Tại Quảng Ngãi, dự án phòng chống các rối loạn do thiếu iốt đã được thực hiện từ năm 1992 đến năm 2005 thì kết thúc, nhưng chưa có nghiên cứu nào về tình trạng dinh dưỡng iốt của người dân Quảng Ngãi, do đó, để đánh giá tình trạng thu nhận iốt hiện nay, chúng tôi nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu nồng độ iốt trong nước tiểu và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2016”,  với hai mục tiêu sau:

  1. Xác định nồng độ iốt trong nước tiểu ở phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2016.
  2. Khảo sát một số yếu tố liên quan đến nồng độ iốt trong nước tiểu của đối tượng nghiên cứu.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

– Tiêu chuẩn lựa chọn: Phụ nữ khỏe mạnh từ 18 đến 49 tuổi đang sinh sống tại tỉnh Quảng Ngãi tại thời điểm nghiên cứu (từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2016).

– Tiêu chuẩn loại trừ: Phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang,  điều tra dựa vào hộ gia đình theo hướng dẫn của WHO 2007.

2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2016.

2.3. Cỡ mẫu: Sử dụng công thức tính cỡ mẫu cho ước tính một tỷ lệ trong quần thể  như sau:

 

Áp dụng công thức trên ta tính được cỡ mẫu tổi thiểu cho nghiên cứu là 384 .

Do nghiên cứu được thực hiện trên mẫu chùm, nên nhân cỡ mẫu với hệ số thiết kế DE = 1,5 ta có cỡ mẫu tối thiểu là 576, cỡ mẫu thực tế cho nghiên cứu này là n = 600.

2.4. Phương pháp chọn mẫu

Bước 1: Chọn xã/phường theo phương pháp PPS để chọn ra 30 chùm (xã/phường) cho toàn tỉnh,

Bước 2: Chọn thôn/tổ nghiên cứu, chọn ngẫu nhiên từ danh sách được lập, bốc thăm 2 thôn/tổ của xã/phường (tổng cộng có 60 thôn tổ được chọn).

Bước 3: Chọn đối tượng nghiên cứu: Lập danh sách các hộ gia đình có phụ nữ từ 18 – 49 tuổi trong thôn/tổ được chọn, chọn ra 10 hộ gia đình theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên có hệ thống (tổng cộng có 600 hộ gia đình có phụ nữ từ 18 – 49 tuổi được chọn).

2.5. Nội dung nghiên cứu

2.5.1. Nồng độ iốt trong nước tiểu của phụ nữ 18 – 49 tuổi

– Trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu.

– Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu theo các mức iốt qui định của WHO – 2013 [36].

 2.5.2. Một số yếu tố liên quan đến nồng độ iốt trong nước tiểu: Giữa các đặc điểm chung, hành vi sức khỏe, kiến thức hiểu biết, bảo quản muối iốt, hàm lượng iốt trong muối và nồng độ iốt trong nước tiểu.

2.6. Kỹ thuật áp dụng                   

2.6.1. Kỹ thuật định lượng nồng độ iốt trong nước tiểu

Sử dụng Phương pháp A (phương pháp với ammonium persulfate), thực hiện trên máy quang phổ UV-VIS (thang đo 340 – 600 nm).

2.6.2. Kỹ thuật định lượng muối iốt: Phương pháp chuẩn độ iốt được áp dụng để xác định nồng độ iốt có trong mẫu muối iốt dựa vào phản ứng chuẩn độ ôxy hoá khử.

2.7. Phương pháp xử lý  số liệu

Nhập số liệu điều tra bằng phần mềm EPIDATA. Sử dụng phần mềm SPSS 16.0 để xử lý số liệu. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả (tỷ lệ) và thống kê phân tích (test chi bình phương để so sánh sự khác biệt giữa 2 hay nhiều tỷ lệ).

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Nồng độ iốt trong nước tiểu của đối tượng nghiên cứu

Bảng 3.1. Phân bố số mẫu iốt trong nước tiểu toàn tỉnh và vùng miền

Nhận xét: Tỷ lệ mẫu nước tiểu đủ iốt ở hải đảo cao nhất 90,0%, thấp nhất là miền núi với 40,7% mẫu nước tiểu đủ iốt.

Bảng 3.2.  Phân bố tình trạng dinh dưỡng iốt dựa vào iốt trong nước tiểu

Nhận xét: Tỷ lệ nhóm đối tượng có dinh dưỡng iốt tối ưu cao nhất chiếm 30,2%, tỷ lệ nhóm thừa iốt và thiếu iốt nặng là thấp nhất tương ứng 3,0% và 9,3%.

3.2. Hàm lượng iốt trong muối

Bảng 3.3. Phân bố hàm lượng iốt trong muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh

Nhận xét: Tỷ lệ mẫu muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng  bệnh chiếm 53,3% và không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chiếm 46,7%.

Bảng 3.4. Phân bố hàm lượng iốt trong muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh theo vùng miền

Nhận xét: Tỷ lệ mẫu muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng  bệnh ở miền núi 62,9% cao hơn ở hải đảo và đồng bằng tương ứng là 55,0% và 50,2%.

3.3. Một số yếu tố liên quan  đến nồng độ iốt trong nước tiểu

Bảng 3.5. Liên quan giữa dùng muối iốt để nấu, chế biến thức ăn và nồng độ iốt trong nước tiểu

Nhận xét: Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm đối tượng có dùng muối iốt để nấu và chế biến thức ăn (66,3%) cao hơn nhóm không dùng muối iốt để nấu và chế biến thức ăn (17,3%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05.

Bảng 3.6.  Liên quan giữa thói quen dùng muối iốt để nấu, chế biến thức ăn và nồng độ iốt trong nước tiểu (n = 329)

Nhận xét: Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm đối tượng có dùng muối iốt liên tục để nấu và chế biến thức ăn (73,3%) cao hơn nhóm dùng muối thường và dùng muối iốt cùng lúc hoặc dùng muối iốt không liên tục để nấu và chế biến thức ăn (55,0% và 59,7%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05.

Bảng 3.7.  Liên quan giữa nguyên nhân chính không dùng muối iốt và nồng độ iốt  trong nước tiểu

Nhận xét: Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm nguyên nhân không có MI được bán hoặc bán không liên tục trong vùng 16,9% thấp hơn nơi có muối iốt được bán liên tục 34,5%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05, các nhóm nguyên nhân khác cho thấy không có sự khác biệt p > 0,05.

3.3.2. Liên quan giữa muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và nồng độ iốt trong nước tiểu

Bảng 3.8. Liên quan giữa hàm lượng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh  và nồng độ iốt trong nước tiểu

Nhận xét: Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm có dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 20 ppm (65,9%) cao hơn nhóm dùng muối iốt không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh < 20 ppm (19,3%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05.

4. BÀN LUẬN

4.1. Nồng độ iốt trong nước tiểu của đối tượng nghiên cứu

4.1.1. Nồng độ iốt trong nước tiểu

Nghiên cứu được thực hiện trên 600 phụ nữ có độ tuổi từ 18 – 49 tuổi tại 30 xã/phường của tỉnh Quảng Ngãi năm 2016, cho thấy trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu trong nghiên cứu này là 8,8 µg/dl (Bảng 3.1).

Kết quả này, cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Vinh Quang năm 2008, 2009 trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu toàn quốc là 8,3 µg/dl [2], Nguyễn Văn Hoàn năm 2011 trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu ở vùng đồng bằng và ven biển tỉnh Nghệ An là 8,6 µg/dl [3], nghiên cứu này cũng phù hợp với báo cáo mới nhất về trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu ở Việt Nam tại “Hội thảo tư vấn liên ngành về tái thiết lập, củng cố chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu iốt và triển khai qui định về muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP” do Bộ Y tế tổ chức ngày 02/12/2016 tại Hà Nội.

Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết  hiện nay, lượng tiêu thụ muối iốt đã giảm một nửa, chỉ còn 45% trong năm 2011và iốt niệu trung vị còn 7,5 µg/dl,  đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ phát triển không đầy đủ của trẻ sơ sinh. Theo tiêu chuẩn dịch tễ học của WHO (2004 và 2013) Quảng Ngãi nằm trong vùng thiếu iốt nhẹ tức trong khoảng từ 5,0 – 9,9 µg/dl [4],[5].

Trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu ở đồng bằng và miền núi tương đương nhau (8,6 µg/dl và 8,7 µg/dl), nhưng hải đảo thì rất cao 18,4 µg/dl (Bảng 3.1).

Vì người dân ở đây có nhiều nguồn cung cấp dinh dưỡng iốt như hải sản, rong biển, như trong một nghiên cứu của Bath SC năm 2014 tại Anh cũng cho thấy những phụ nữ thu nhận liên tục thức ăn từ biển có trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu cao hơn phụ nữ không dùng thức ăn từ biển với p< 0,05 [6], tuy nhiên, điều này cần phải chứng minh trong các nghiên cứu khác.

Số lượng mẫu nước tiểu < 10 µg/dl trong nghiên cứu này là 55,8% và ≥ 10 µg/dl là 44,2%, thấp hơn Nguyễn Thành Danh năm 2005 ≥ 10 µg/dl là 50,5%, và < 10 µg/dl là 49,5% [7], Nguyễn Văn Hoàn năm 2011 có 59,4% ≥ 10 µg/dl, và 40,6% < 10 µg/dl [3], phù hợp với nghiên cứu toàn quốc năm 2008 – 2009 của Nguyễn Vinh Quang thì tỷ lệ mẫu nước tiểu có nồng độ iốt ≥ 10 µg/dl là 40,7%, và < 10 µg/dl là 59,3% [8], có lẽ do đối tượng nghiên cứu khác nhau, nên kết quả có khác nhau.

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này vẫn cao hơn nghiên cứu của Nguyên Văn Lành năm 2014 tại Hậu Giang tỷ lệ mẫu nước tiểu có nồng độ iốt ≥ 10 µg/dl là 26,2% [8].

Tỷ lệ mẫu nước tiểu có nồng độ iốt ≥ 10 µg/dl ở hải đảo cũng cao hơn đồng bằng và miền núi lần lượt là 90,0%, 43,2% và 40,7% (Bảng 3.1).

Tỷ lệ nhóm đối tượng có dinh dưỡng iốt tối ưu (10,0 – 19,9 µg/dl) cao nhất chiếm 30,2%, thiếu iốt  nhẹ (5,0 – 9,9 µg/dl) chiếm 27,3%, thiếu iốt trung bình (2,0 – 4,9 µg/dl) chiếm 19,2%, thiếu iốt nặng (< 2,0 µg/dl) 9,3%, tỷ lệ nhóm đối tượng có dinh dưỡng iốt cao (20,0 – 29,9 µg/dl)  chiếm khá thấp 11,0% và thừa iốt (≥30,0 µg/dl) là thấp nhất 3,0% (Bảng 3.2).

Theo nghiên cứu toàn quốc năm 2008 – 2009 của Nguyễn Vinh Quang thì tỷ lệ nhóm đối tượng có dinh dưỡng iốt tối ưu là 47,1% [2] cao hơn nghiên cứu này (30,2%), chứng tỏ có sự sụt giảm về tình trạng dinh dưỡng iốt trong những năm gần đây.

4.1.2. Hàm lượng iốt trong muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của hộ gia đình đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu cho thấy hàm lượng iốt trong muối < 20 ppm chiếm 46,7%, từ 20 – 40 ppm chiếm 53,3% và > 40 ppm chiếm 0,0% (Bảng 3.3), như vậy, hàm lượng iốt trong muối tại nơi sản xuất đúng theo khuyến cáo của WHO/UNICEF/ICCIDD từ 20 – 40 ppm [9], do đó, không có mẫu muối có hàm lượng iốt > 40 ppm.

Tỷ lệ mẫu muối có hàm lượng iốt < 20 ppm chiếm 46,7%, có thể, do cách bảo quản và thời gian sử dụng muối iốt của đối tượng nghiên cứu, vì theo khuyến cáo của WHO/UNICEF/ICCIDD thì iốt sẽ mất đi 20% khi vận chuyển từ nơi sản xuất đến hộ gia đình, và mất tiếp 20% trong nấu và chế biến thức ăn, với trung bình thu nhận khoảng 10 gam muối iốt/người/ngày thì sẽ cung cấp được khoảng 150 µg iốt/người/ngày [9].

Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (≥ 20 ppm) chiếm 53,3% (Bảng 3.3), trong đó miền núi có tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là cao nhất 62,9%, lần lượt đến hải đảo và đồng bằng tương ứng là 55,0% và 50,2% (Bảng 3.4).

Kết quả của nghiên cứu này thấp hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu toàn quốc năm 2008-2009 của tác giả Nguyễn Vinh Quang 69,5%, trong đó có duyên hải miền Trung 68,3% [2], và của Hồng Hữu Đức tại Bình Dương năm 2016 là 69,3% [10], nhưng cao hơn kết quả trong báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê/UNICEF/UNFPA năm 2011 tại Việt Nam thì tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chiếm 45,1% , trong đó có duyên hải miền Trung 50,2% [11], cao hơn nghiên cứu của Nguyên Văn Lành năm 2014 tại Hậu Giang 34,8% [8], và phù hợp với báo cáo thống kê của Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi về tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trong những năm 2011 đến 2015 dao động trong khoảng từ 40,4% đến 58,0% [12].

Như vậy, Quảng Ngãi không đạt mục tiêu theo khuyến cáo của WHO, ICCIDD về tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90%.

4.2. Một số yếu tố liên quan đến nồng độ iốt trong nước tiểu

– Liên quan giữa thói quen dùng muối iốt để nấu, chế biến thức ăn và nồng độ iốt trong nước tiểu (n = 329): Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm có dùng muối iốt liên tục để nấu và chế biến thức ăn (73,3%) cao hơn nhóm dùng muối thường và dùng muối iốt cùng lúc hoặc dùng muối iốt không liên tục để nấu và chế biến thức ăn (55,0% và 59,7%) (Bảng 3.6), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05. Phù hợp với kết quả nghiên cứu của Wei Z tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 2015 sử dụng mưới iốt liên tục có liên quan với nồng độ iốt trong nước tiểu với p < 0,001.

– Liên quan giữa nguyên nhân chính không dùng muối iốt và nồng độ iốt trong nước tiểu: Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm nguyên nhân không có MI được bán hoặc bán không liên tục trong vùng 16,9% thấp hơn nơi có muối iốt được bán liên tục 34,5%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05, điều này cho thấy rằng sự có sẵn của muối iốt trong vùng là rất hữu ích, giúp sử dụng muối iốt được liên tục và làm tăng  nồng độ iốt trong nước tiểu của quần thể dân cư đó.

Các nhóm nguyên nhân khác như: Muối iốt có mùi khó chịu, không sạch và đắt; dùng muối thường vì không biết, không cần thiết, để tiện nấu ăn và nuôi gia súc đều cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p > 0,05 (Bảng 3.7).

4.2.2. Liên quan giữa muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và nồng độ iốt trong nước tiểu

Tỷ lệ đối tượng có nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl ở nhóm có dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 20 ppm (65,9%) cao hơn nhóm dùng muối iốt không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh < 20 ppm (19,3%) (Bảng 3.8), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Phù hợp với nghiên cứu của Tạ Văn Bình năm 2005 (r2 = 0,8196, p < 0,001) [1], và nghiên cứu của Nguyễn Văn Hoàn năm 2011 (r2 = 0,7983, p < 0,001), có nghĩa là tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh cao thì nồng độ iốt trong nước tiểu cũng cao [3].

Theo khuyến cáo của WHO/UNICEF/ICCIDD, hàm lượng iốt trong muối đạt chuẩn từ 20 – 40 ppm sẽ cung cấp khoảng 150 µg iốt cho một người trong một ngày, và nồng độ iốt trong nước tiểu sẽ dao động từ 10,0 – 19,9 µg/dl [9].

5. KẾT LUẬN

5.1. Nồng độ iốt trong nước tiểu

– Trung vị nồng độ iốt trong nước tiểu ở phụ nữ có độ tuổi từ 18 – 49 tuổi của tỉnh Quảng Ngãi là 8,8 µg/dl, trong đó: Miền núi 8,7 µg/dl, đồng bằng 8,6 µg/dl, hải đảo 18,4 µg/dl.

–  Nồng độ iốt trong nước tiểu ≥ 10 µg/dl: 44,2%; nồng độ iốt trong nước tiểu < 10 µg/dl: 55,8%.

5.2. Một số yếu tố liên quan đến nồng độ iốt trong nước tiểu

Có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa:  Sử dụng muối iốt để nấu, chế biến thức ăn; thói quen sử dụng muối iốt liên tục; nhóm nguyên nhân không có muối iốt được bán hoặc bán không liên tục trong vùng; và sử dụng muối iốt đủ tiêu chuấn phòng bệnh với nồng độ iốt trong nước tiểu (p < 0,05).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Vinh Quang, Lê Phong, Phan Hướng Dương và Cs (2012), “Tình hình sử dụng muối iốt và thu nhận iốt của phụ nữ có con dưới 5 tuổi năm 2008, 2009”. Tạp chí Nội tiết Đái tháo đường, 1 (6), tr. 493-498.
  2. Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thanh Bình, Lê Anh Tú và Cs (2012), “Nghiên cứu kiến thức, thái độ thực hành sử dụng muối iốt và các sản phẩm có iốt ở phụ nữ 18-49 tuổi tại Nghệ An năm 2011”. Tạp chí Nội tiết Đái tháo đường, 8, tr.310-318.
  3. WHO (2004), “Iodine status worldwide”. WHO Global Database on Iodine Deficiency, pp. 1-47.
  4. WHO (2013), “Urinary iodine concentrations for determining iodine status in populations”. Vitamin and Mineral Nutrition information System, pp.1.
  5. Konrade I, Neimane L, Makrecka M, et al (2014), “A cross-sectional survey of urinary iodine status in Latvia”. Medicina 50, 124 – 129.
  6. Nguyễn Thành Danh, Trần Việt Tân, Nguyễn Kiều Uyên, Trần Văn Hà và Cs (2007), “Nghiên cứu kiến thức thái độ thực hành sử dụng muối iốt của phụ nữ 15-49 tuổi tỉnh Bình Dương năm 2005”. Báo cáo toàn văn các đề tài khoa học-Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành nội tiết và chuyển hóa lần thứ ba, tr. 214-220.
  7. Nguyễn Văn Lành, Phan Quốc Tuấn (2014), “Thực trạng thiếu iốt ở phụ nữ tuổi 15 – 49 tại tỉnh Hậu Giang, năm 2014”. Tạp chí Y học Dự phòng, tập 26, số 8 (181), tr. 143 – 149.
  8. WHO/UNICEF/ICCIDD (2007), Assessment of Iodine Deficiency Disorders and Monitoring their Elimination. A guide for programme managers, Third edition.
  9. Hồng Hữu Đức, Lê Thị Ngọc Dung, Trần Bích Trâm (2016), “Tình hình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của phụ nữ 18 – 49 tuổi tại Bình Dương năm 2016”. Tạp chí Nội tiết và Đái tháo đường, Số 22, tr. 173 – 178.
  10. Tổng cục thống kê (2011), Điều tra đánh giá Các mục tiêu trẻ em và phụ nữ 2011, Hà Nội, tr. 65 – 67.
  11. Trung tâm Nội tiết tỉnh Quảng Ngãi (2016), Báo cáo tổng kết hoạt động phòng chống bệnh nội tiết và các rối loạn chuyển hóa năm 2011-2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …