Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận bẳng bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA BỆNH NHÂN

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ TỔN THƯƠNG THẬN BẰNG BỘ CÂU HỎI

EQ-5D-5LWHOQoL-Bref

Nguyễn Ngọc Tâm1,2, Trần Ngọc Mạnh Tú2, Lê Đình Tùng1

1Trường Đại học Y Hà Nội, 2Bệnh viện Lão khoa Trung ương

SUMMARY

Objective: To assess the quality of life in diabetic patients with nephropathy by using two questionnaires EQ-5D-5L and WHOQoL-Bref. Subjects and methods: A descriptive cross-sectional study included of patients diagnosed diabetes by using ADA 2016 guidelines and neurophathy by using NKF 2012 guidlines. Results: 188 diabetic patients with nephropathy with mean age of 66.71 ± 9.97 were included. The quality of life was assessed by using EQ-5D-5L: 73.5% had problems on mobility, 75.5% had problems on usual activities, 68.2% were pain or discomfort, 100% were anxiety or depressed; Physical health was the worst domain of quality of life by using WHOQoL-Bref. Two questionnaires had relative on three domains: physical health, psychological and environment. Conclusion: Quality of life of diabetic patients with nephropathy was decreased on most of domains. We should use simultaneously two questionnaires to assess completely the quality of life in diabetic patients with nephropathy.

Keywords: Diabetes, nephropathy, quality of life, questionnaires.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận sử dụng hai bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, trên bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường theo tiêu chuẩn ADA 2016 và có tổn thương thận theo tiêu chuẩn của NKF 2012. Kết quả: Nghiên cứu được tiến hành trên 188 bệnh nhân bệnh nhân mắc đái tháo đường và có tổn thương thận với tuổi trung bình 66,71 ± 9,97. Chất lượng cuộc sống đánh giá sử dụng bộ câu hỏi EQ-5D-5L: 73,5% có khó khăn về vận động, 75,5% có khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, 68,2% bệnh nhân có đau hoặc khó chịu, 100% có lo lắng hoặc phiền muộn; Thể chất là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đánh giá bằng bộ câu hỏi WHOQoL-Bref. Hai bộ câu hỏi có sự tương quan trên 3 lĩnh vực: thể chất, tâm lý và môi trường. Kết luận: Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận giảm ở hầu hết các lĩnh vực. Chúng ta nên sử dụng đồng thời hai bội câu hỏi để đánh giá toàn diện chất lượng cuộc sống đối tượng bệnh nhân này.

Từ khóa: Đái tháo đường, tổn thương thận, chất lượng cuộc sống, bộ câu hỏi.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Ngọc Tâm

Ngày nhận bài: 12.9.2017

Ngày phản biện khoa học: 17.9.2017

Ngày duyệt bài: 25.9.2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

“Chất lượng cuộc sống” (CLCS) được mô tả là một khái niệm toàn diện, phức tạp và đa chiều trong đó bao gồm các khía cạnh liên quan đến sức khỏe, xã hội, môi trường, cấu trúc… Người mắc đái tháo đương (ĐTĐ) còn phải trải qua tình trạng suy giảm chức năng nhận thức và sức khỏe thể chất, đặc biệt khi kết hợp với các hội chứng khác của tuổi già, hạ đường huyết hay biến chứng ĐTĐ phối hợp [1]. Thực tế, CLCS của những bệnh nhân  mắc ĐTĐ giảm hơn so với những người không mắc cùng lứa tuổi [2], và suy giảm theo tiến triển và biến chứng của bệnh  [3]. Ngoài các biến chứng liên quan đến ĐTĐ, sự thay đổi lối sống có thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe [2]. Chúng ta đã biết CLCS là một mối quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa, đặc biệt là ở bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận. Tuy nhiên vấn đề CLCS của bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là tại Việt Nam. Để góp phần hiểu rõ hơn CLCS ở những đối tượng trên chúng tôi thực hiện đề tài nhằm mô tả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận bằng hai bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn ADA 2016 và có tổn thương thận theo tiêu chuẩn của NKF 2012 [4],[5].

2.2 Địa điểm và thời gian nghiên cứu

  • Địa điểm: Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
  • Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017.

2.3 Phương pháp nghiên cứu

  • Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

Các biến số nghiên cứu: đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: tuổi, giới, thời gian mắc bệnh đái tháo đường và bệnh lý thận, số thuốc dùng, số bệnh kèm theo, tình trạng bệnh lý đái tháo đường: glucose, HbA1c. Đánh giá chất lượng cuộc sống sử dụng hai bộ câu hỏi: EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref.

  • Bộ câu hỏi EQ-5D-5L: gồm 5 câu hỏi về các lĩnh vực đi lại, tự chăm sóc, hoạt động hàng ngày, đau đớn/khó chịu, lo lắng/buồn phiền. Mỗi khía cạnh có 5 mức độ ảnh hưởng do tình trạng bệnh gây ra: Mức 1: Không ảnh hưởng; Mức 2: Ảnh hưởng ít; Mức 3: Ảnh hưởng tương đối; Mức 4: Ảnh hưởng nhiều; Mức 5: Ảnh hưởng rất nhiều/không thể làm được. Bệnh nhân tự đánh giá sức khỏe tổng quát của bản thân theo EQ-VAS theo thang điểm từ 0-100, hoàn toàn khỏe mạnh là 100 điểm, xấu nhất là 0 điểm.
  • Bộ câu hỏi WHOQoL-Bref có 26 câu đánh giá CLCS của bệnh nhân, gồm: 24 câu hỏi trên 4 lĩnh vực về thể chất, tinh thần, các mối quan hệ xã hội, môi trường sống và 2 câu hỏi chấm nhận thức của bệnh nhân về CLCS và đánh giá tổng thể về sức khỏe bản thân. Phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân từng câu hỏi, yêu cầu bệnh nhân lựa chọn đáp án theo thang điểm từ 1 – 5. Tính điểm CLCS trung bình theo 4 lĩnh vực: thể chất, tâm lí, xã hội, môi trường. Chuyển sang thang điểm 100 với từng lĩnh vực và tính CLCS trung bình. Phân mức độ CLCS theo mốc điểm là 60 [6]. Dưới 60 điểm là CLCS chưa tốt và trên 60 là CLCS tốt.
  • Phân tích số liệu: Số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 23. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình. Sử dụng test χ2 để phân tích mối liên quan giữa các biến. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

2.4 Đạo đức nghiên cứu

Bệnh nhân được giải thích rõ về mục đích của nghiên cứu. Các thông tin thu thập của bệnh nhân được bảo mật và chỉ được sử dụng phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Trong quá trình thu thập, chúng tôi phỏng vấn 245 người. Tuy nhiên, có 188 người hoàn thành cả 2 bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref với tuổi trung bình 66,71 ± 9.97.

3.1.   Mô tả chất lượng cuộc sống bằng bộ câu hỏi EQ-5D

Sử dụng câu hỏi EQ-VAS

Bảng 1. Mô tả CLCS của bệnh nhân theo EQ-VAS (N=188)

Điểm EQ- VAS trung bình là 65,3 ± 9,7, nhóm có tổn thương thận càng nặng điểm EQ-VAS càng thấp (p < 0,01)

Biểu đồ 1. CLCS của bệnh nhân theo EQ-5D-5L (N=188)

Tổn thương thận ảnh hưởng đến CLCS của bệnh nhân ĐTĐ chủ yếu ở mức tương đối hoặc ít ảnh hưởng chiếm khoảng 80% (p < 0,05). Tỉ lệ bệnh nhân gặp khó khăn nhiều trong hoạt động thể lực từ 9% đến 13,3%, 20,2% bệnh nhân lo lắng nhiều vì bệnh tật, 5,9% đau đớn, khó chịu nhiều.

3.2.   Mô tả chất lượng cuộc sống sử dụng bộ câu hỏi WHOQoL-Bref

Chất lượng cuộc sống tổng quát trên bệnh nhân

Bảng 2. Điểm CLCS trung bình trên bệnh nhân nghiên cứu (N=188)

Các câu hỏi thuộc nhóm thể chất, tâm lý và môi trường có chỉ số Cronbach-α cao (≥ 0,7) tuy nhiên 3 câu hỏi thuộc nhóm xã hội (Q20, Q21, Q22)  chưa có tính thống nhất khi chỉ số Cronbach-α là 0,31 < 0,7.

3.3.   Đánh giá tương quan giữa EQ-5D-5L và WHOQOL-BREF

Bảng 3. Tỉ lệ bệnh nhân trả lời 2 bộ câu hỏi (N=245)

76,7% bệnh nhân trả lời đầy đủ cả 2 bộ câu hỏi, trong khi số không trả lời cả 2 là 8,2%. Số bệnh nhân chỉ trả lời EQ-5D-5L chiếm 15,1%. Không có bệnh nhân nào chỉ trả lời EQ-5D-5L.

Bảng 4. Tương quan giữa EQ-5D-5L và WHOQOL-BREF

Các câu hỏi của EQ-5D-5L có sự tương quan có ý nghĩa thống kê mức độ mạnh với thể chất (|r| > 0,5), mức trung bình với tinh thần và môi trường của WHOQoL-Bref (0,5 > |r| > 0,3) (p < 0,05). Tuy nhiên không có sự tương quan giữa lĩnh vực xã hội và các câu hỏi EQ-5D-5L (p > 0,05)

IV. BÀN LUẬN

Chúng tôi sử dụng bộ câu hỏi EQ-5D-5L để đánh giá CLCS của bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận: Khả năng đi lại và vận động của bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thận khó khăn do ảnh hưởng bởi các triệu chứng lâm sàng và sự suy giảm mức lọc cầu thận dẫn đến bệnh thận mạn tính. Trong nghiên cứu của chúng tôi, khả năng đi lại của bệnh nhân chủ yếu ở mức độ khó khăn ít (35,6%), và tương đối khó khăn (48,9%), cao hơn so với nghiên cứu của Ye Wang (2015) [7]. Bệnh thận mạn tính làm ảnh hưởng khả năng tự chăm sóc bản thân của bệnh nhân ĐTĐ so với những bệnh nhân chưa có biến chứng thận. Khả năng tự tắm rửa, thay quần áo, v.v… của bệnh nhân chủ yếu ở mức ảnh hưởng ít (51,6%), và vừa (33%), chỉ ra khả năng tự chăm sóc của bệnh nhân ít chịu ảnh hưởng hơn so với vấn đề đi lại, cao hơn so với nghiên cứu của Ye Wang và Lee (2012) [8]. Bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thận dần dần sẽ xuất hiện các triệu chứng khiến khả năng lao động thường ngày của bệnh nhân bị giảm sút tùy mức độ từ trung bình đến nặng. Những bệnh nhân này sẽ có năng suất lao động kém hơn so với các nhóm khác, thậm chí so với bệnh nhân ĐTĐ không có biến chứng thận, tăng thêm chi phí điều trị [9] và gánh nặng cho gia đình. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả tỷ lệ bệnh nhân có đau đớn cao hơn nhiều so với nghiên cứu của Ye Wang (2015) với 87,5% bệnh nhân mức độ đau ít [7]. Khi chức năng thận càng suy giảm, tiến triển của bệnh không được cải thiện, mức độ lo lắng và áp lực vì đau đớn, giảm khả năng lao động, sinh hoạt càng tăng lên [10], thậm chí trầm cảm. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tất cả bệnh nhân đều gặp lo lắng.

Mô tả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bằng WHOQoL-Bref, theo kết quả nghiên cứu, các câu hỏi trên từng lĩnh vực có tính thống nhất cao từ 0,7 trở lên theo chỉ số Cronbach-α ở các lĩnh vực sức khỏe thể chất (0,82), sức khỏe tinh thần (0,7), môi trường (0,75) tuy nhiên điểm lĩnh vực xã hội có tính thống nhất thấp (0,31), phù hợp với nghiên cứu của Eljedi (2006) [11] và Yang (2005) [12]. Điểm CLCS của bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận là 60,3 ± 7,3 và bệnh nhân có MLCT trung bình càng thấp điểm CLCS càng nhỏ (p < 0,05). Chúng tôi nhận thấy rằng điểm CLCS trung bình của các nhóm có MLCT < 60ml/min/1,73m2 (60,7%) là 58,9 ± 7,3, thấp hơn điểm cut-off là 60 theo nghiên cứu của Silva (2014) [13].

Khía cạnh thể chất đánh giá về: ảnh hưởng của đau đớn với công việc, mức độ cần thiết của việc điều trị, cảm nhận của bệnh nhân về năng lượng sống, khả năng đi lại, hài lòng về giấc ngủ và khả năng làm việc. Theo kết quả nghiên cứu, điểm trung bình ở nam giới là 46,6 ± 11,5 và ở nữ là 45,6 ± 10,8, thấp hơn Bani-Issa (2011) (p > 0,05) [14].

Điểm thể chất trung bình có xu hướng giảm theo mức độ tổn thương thận, từ mức 49,8 điểm ở nhóm CKD 1, CKD 2 tới 43,9 điểm ở CKD 3, CKD 4 và 42,9 điểm ở nhóm ESRD, kết quả này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) phù hợp với các nghiên cứu trên bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thận như Castillo (2005) [15]. Do đó, cần cái thiện sự suy giảm MLCT nhằm giảm bớt sự khó khăn, ảnh hưởng trong đi lại, công việc

Kết quả nghiên cứu chỉ ra điểm sức khỏe tinh thần trung bình của bệnh nhân là 62,0 ± 9,1, điểm trung bình của bệnh nhân giảm dần tương ứng với mức độ tổn thương thận của bệnh nhân, từ 64,7 điểm ở nhóm CKD 1 và 2 tới 58,8 điểm ở nhóm bệnh nhân ESRD. Kết quả này tương đồng đối với nghiên cứu của Bani-Issa (2011) với điểm trung bình 61,5 [14].

Điểm trung bình trong nghiên cứu ở khía cạnh xã hội là 65,6 ± 9,3, có sự tương đồng với nghiên cứu của Bani-Issa (2011) có điểm trung bình 66,5 [14]. Tuy nhiên điểm lĩnh vực xã hội có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) với mức độ bệnh thận mạn tính, ngoài ra các câu hỏi trong lĩnh vực xã hội có điểm Cronbach-α thấp dưới 0,7 thể hiện các câu hỏi trong lĩnh vực này chưa có độ thống nhất cao để bệnh nhân có thể trả lời đúng mục đích của lĩnh vực, phù hợp với nghiên cứu của Bani-Issa (2011) [14] và Eljedi (2006) [11] có chỉ số Cronbach-α là 0,6.

Khía cạnh môi trường bao gồm các câu hỏi về các vấn đề xung quanh cuộc sống hàng ngày của bênh nhân như mức độ lành mạnh, an toàn của môi trường sống xung quanh nơi ở và làm việc, kinh tế bản thân và gia đình, những thông tin bệnh nhân đón nhận hàng ngày và cơ hội tham gia các hoạt động giải trí. Điểm trung bình là 67,3 ± 7,5 , cao hơn so với Bani-Issa (2011) [14] là 63,4 điểm. MLCT càng thấp điểm càng nhỏ (p < 0,05). Mức độ tiến triển biến chứng thận ảnh hưởng đến kinh tế của bệnh nhân và gia đình cho việc điều trị, giảm cơ hội được giải trí của bệnh nhân, kéo theo ảnh hưởng đến CLCS ở các lĩnh vực khác.

Đánh giá sự tương quan giữa 2 bộ câu hỏi qua so sánh các câu hỏi của EQ-5D-5L và các lĩnh vực của WHOQoL-Bref cho thấy tương quan có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) giữa các câu hỏi của EQ-5D-5L với ¾ lĩnh vực của WHOQoL-Bref là thể chất, tinh thần và môi trường. Tuy nhiên sự tương quan của EQ-5D-5L lại không có ý nghĩ thống kê đối với lĩnh vực xã hội trong WHOQoL-BREF (p > 0,05). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Hung (2015)  [16].

V. KẾT LUẬN

Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận giảm ở nhiều lĩnh vực: thể chất, tâm lý, môi trường. Có mối tương quan khi sử dụng 2 bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref trong đánh giá CLCS của bênh nhân. Mỗi bộ câu hỏi có những ưu điểm riêng nên sử dụng phối hợp hai bộ câu hỏi này để đánh giá CLCS được toàn diện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wändell P.E and Tovi J. (2000). The quality of life of elderly diabetic patients. J Diabetes Complications, 14(1), 25–30.
  2. Solli O., Stavem K., and Kristiansen I. (2010). Health-related quality of life in diabetes: The associations of complications with EQ-5D scores. Health Qual Life Outcomes, 8, 18.
  3. Koopmanschap M. and CODE-2 Advisory Board (2002). Coping with Type II diabetes: the patient’s perspective. Diabetologia, 45(7), S18-22.
  4. American Diabetes Association (2016). Microvascular complications and foot care. Diabetes Care, 39 (suppl 1), 72-80, January 2016.
  5. National Kidney Foundation (2012). KDIGO 2012 Clinical Practice Guildeline for the Evoluation and Management of Chronic Kidney Disease. Kidney Interational Supplement, 3(1), January 2013, 19-62.
  6. Vũ Phương Anh (2015), ”Evaluation on health-related quality of life in elderly diabetic outpatients”. Bachelor of science in nursing. HaNoi Medical University.
  7. Wang Y., Tan N.-C., Tay E.-G. et al (2015). Cross-cultural measurement equivalence of the 5-level EQ-5D (EQ-5D-5L) in patients with type 2 diabetes mellitus in Singapore. Health Qual Life Outcomes, 13, 103.
  8. Lee W.J., Song K.-H., Noh J.H. et al (2012). Health-Related Quality of Life Using the EuroQol 5D Questionnaire in Korean Patients with Type 2 Diabetes. J Korean Med Sci, 27(3), 255–260.
  9. Collins A.J., Foley R.N., Gilbertson D.T. et al (2015). United States Renal Data System public health surveillance of chronic kidney disease and end-stage renal disease. Kidney Int Suppl, 5(1), 2–7.
  10. National Kidney Foundation (2007). American Journal of Kidney Diseases, Vol 49, No 2, Supply 2. S13–S19.
  11. Eljedi A., Rafael T Mikolajczyk, Alexander Kraemer et al (2006). Health-related quality of life in diabetic patients and controls without diabetes in refugee camps in the Gaza strip: a cross-sectional study. 3.
  12. Yang S.-C., Kuo P.-W., Wang J.-D. et al (2005). Quality of Life and Its Determinants of Hemodialysis Patients in Taiwan Measured With WHOQOL-BREF(TW). Am J Kidney Dis, 46(4), 635–641.
  13. Silva P.A.B., Soares S.M., Santos J.F.G. et al (2014). Cut-off point for WHOQOL-bref as a measure of quality of life of older adults. Rev Saude Publica, 48(3), 390–397.
  14. Bani-Issa W. (2011). Evaluation of the health-related quality of life of Emirati people with diabetes: integration of sociodemographic and disease-related variables. East Mediterr Health J Rev Sante Mediterr Orient Al-Majallah Al-Sihhiyah Li-Sharq Al-Mutawassit, 17(11), 825–830.
  15. Castillo D. los R., Lauro J., Sosa S. et al (2005). Quality of life in patients with diabetic nephropathy. Investig Educ En Enferm, 23(1), 30–61.
  16. Nørholm V. and Bech P. (2001). The WHO Quality of Life (WHOQOL) Questionnaire: Danish validation study. Nord J Psychiatry, 55(4), 229–235.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …