NGHIÊN CỨU MICROALBUMIN NIỆU VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
Ngô Đức Kỷ, Hồ Thị Hoài Thương
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
ABSTRACTS
Objectives: Prevalence and characteristics of MAU in type 2 diabetes patients. Subjects and Methods: A cross-sectional descriptive analysis and selective sampling method was used. Total 116 of participants. All tests were performed at the Department of Biochemistry, Nghe An Polytechnic State Hospital, on the Cobas 6000 of Roche. Results: Average age was 60.3 ± 9.7 years; Average duration of illness was 4.4 ± 3.2 years; BMI averaged 22.4 ± 3.32 kg / cm2; the prevalence of hypertension was 66.6% and the proportion of patients with MAU (+) was 46%. There was no correlation between MAU and BMI, as MAU (+) increased with time. In patients with uncontrolled HbA1c> 7% blood glucose levels, the risk of MAU (+) was 2.7 times greater than that of the control group with HbA1c <7% (p <0.01) and patients with hypertension ≥ 140/90 mmHg the risk of MAU (+) than that of HB <140/90 mmHg was 3.9 times (p <0.01). Conclusion: Control of blood glucose in patients with diabetes mellitus in general and patients with diabetes mellitus (MAU) is not good. There is a relationship between blood pressure control, duration of illness and good blood glucose control with the possibility of microalbuminuria.
Key words: type 2 diabetes, MAU, HbA1c
TÓM TẮT
Mục tiêu nghiên cứu: Tỷ lệ và đặc điểm MAU ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 và tìm hiểu mối liên quan giữa MAU với một số đặc điểm ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu của chúng tối gồm 116 bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường type 2 theo khuyến cáo của Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam nhưng không có các bệnh về thận, cầu thận. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích và chọn mẫu có chủ đích.Tất cả các xét nghiệm được thự hiện tại Khoa Hóa sinh Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, thực hiện trên máy xét nghiệm Cobas 6000. Kết quả: Tuổi trung bình 60.3 ± 9.7 tuổi; thời gian bị bệnh trung bình 4.4 ± 3.2 năm; BMI trung bình 22.4 ± 3.32 kg/cm2; tỷ lệ THA 66.6% và tỷ lệ bệnh nhân có MAU (+) là 46%. Không có mối liên quan giữa MAU với BMI, tỷ lệ MAU (+) tăng lên theo thời gian bị bệnh. Ở nhóm bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết HbA1c > 7% có nguy cơ MAU (+) hơn 2.7 lần so với nhóm kiểm soát tốt đường huyết HbA1c ≤ 7% (p< 0.01) và nhóm bệnh nhân THA ≥ 140/90 mmHg nguy cơ MAU (+) hơn nhóm HA < 140/90 mmHg là 3.9 lần (p <0.01). Kết luận: Việc kiểm soát glucose máu ở các bệnh nhân đái tháo đường nói chung và bệnh nhân đái tháo đường MAU (+) đều chưa tốt. Có mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp, thời gian bị bệnh và kiểm soát tốt đường máu với khả năng xuất hiện microalbumin niệu
Từ khóa: Đái tháo đường type2, MAU, HbA1c.
Chịu trách nhiệm chính: Ngô Đức Kỷ
Ngày nhận bài: 1/10/2017
Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017
Ngày duyệt bài: 07/11/2017
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm. Các biến chứng này không chỉ để lại nhiều di chứng nặng nề mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là do đái tháo đường typ 2 thường được phát hiện muộn. Nhiều nghiên cứu cho thấy có tới hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường typ 2 khi được phát hiện đã có biến chứng và biến chứng hay gặp nhất là biến chứng thận.
Tại Việt Nam, theo thống kê cuả một số tác giả tỉ lệ biến chứng thận tiết niệu nói chung do đái tháo đường là 30%. Theo Thái Hồng Quang: Trong số bệnh nhân đái tháo đường typ 1 điều trị tại Bệnh viện biến chứng thận là 57,14%, typ 2 là 42,85% trong đó 14,2% suy thận giai đoạn cuối [1].
Kể từ năm 1982 thuật ngữ “Microalbumin niệu” (MAU) được chính thức sử dụng trong lâm sàng, nó đã trở thành mối quan tâm của y học, đặc biệt trong các lĩnh vực bệnh tim mạch và nội tiết chuyển hoá.
MAU được coi là yếu tố dự đoán biến chứng thận và tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường [2].
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về MAU ở Việt Nam nhưng trên địa bàn khu vực Nghệ An chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể, do đó chúng tôi tiến hành tực hiện nghiên cứu này.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, thời gian nghiên cứu
Đối tượng được chọn vào nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường typ 2 điều trị tại khoa Nội tiết và phòng khám nội tiết Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2017.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, chọn mẫu có chủ đích.
Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu
Bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ dựa trên khuyến cáo của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (2016) [3] và không có các bệnh thận, cầu thận.
2.3. Các tham số nghiên cứu
– Giới, Tuổi, Thời gian phát hiện đái tháo đường
– Tiền sử tăng huyết áp
Chia đối tượng nghiên cứu thành hai nhóm: có và không có tiền sử THA qua hỏi bệnh sử, đo huyết áp.
– Xác định THA: theo JNC xác định THA là huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg [trích 4].
– Đo các chỉ số nhân trắc: Vòng bụng, BMI
Đánh giá: áp dụng tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á – Thái Bình Dương. Vòng bụng nguy cơ khi ≥ 90 cm ở nam và ≥ 80 cm ở nữ [5].
– Chỉ số khối cơ thể (BMI)
Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) theo công thức của WHO.
BMI = Cân nặng (kg) / chiều cao2 (m2)
Đánh giá chỉ số BMI theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đề nghị cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2005 [5]
– Glucose huyết tương đói, HbA1c, Biland lipid máu: các xét nghiệm thực hiện tại khoa Hóa sinh và máy xét nghiệm Cobas 6000 của hãng Roche.
Đánh giá rối loạn lipid máu dựa theo tiêu chuẩn của ATP III [4],[5].
– MAU
Tiến hành: lấy nước tiểu người bệnh khi thức dậy buổi sáng.
Định lượng microalbumin niệu bằng test thử ALBT2 của hãng Roche cho máy phân tích Cobas, theo nguyên lí đo độ đục miễn dịch.
Tính tỉ số Albumin/Creatinin niệu (mg/g). Microalbumin niệu (+) được xác định khi ACR (Albumin/Creatinin Ratio) nằm trong khoảng 30-300mg/g [2].
2.5. Xử lý số liệu
Các số liệu thực hiện được mã hoá đưa vào máy tính và xử lý bằng phần mềm Medcalc 12 và Excel 2010.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Bảng 3.1. Đặc điểm chung nhóm nghiên cứu
Nhận xét:
– Tuổi trung bình (TB) của đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) là 60,3 ± 9,7. Thời gian phát hiện bệnh TB của bệnh nhân là 4,4±3,2 năm. BMI TB là 22,41 ± 3,32 kg/ kg/m2, vòng bụng TB là 79,79 ± 8,37, HA tâm thu TB là144,13 ± 22,01 mmHg, HA tâm trương TB là 81,21 ± 9,24 mmHg. Tỉ lệ tăng huyết áp là 46.6%
3.2. Thời gian mắc bệnh
Bảng 3.2. Phân bố theo thời gian phát hiện ĐTĐ
Nhận xét: Thời gian phát hiện bệnh từ 1-5 năm chiếm tỉ lệ cao nhất 56%.
3.3. Kết quả định lượng MAU và một số liên quan
Biểu đồ 3.1. Tỉ lệ phát hiện MAU (+) ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có macroalbumin niệu (-)
Nhận xét: Trong 116 bệnh nhân tỉ lệ phát hiện MAU (+) là 45,7% (n = 53)
Bảng 3.3. Liên quan giữa BMI và MAU
Nhận xét: chỉ số khối của hai nhóm MAU(+) và nhóm MAU(-) không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Bảng 3.4. Liên quan giữa vòng bụng và MAU
Nhận xét: MAU (+) có liên quan đến vòng bụng tăng, những trường hợp vòng bụng tăng trên 90cm ở nam và trên 80cm ở nữ có nguy cơ MAU (+) cao gấp 3,3 lần những trường hợp vòng bụng ở ngưỡng bình thường (p< 0,01).
Biểu đồ 3.2. Tỉ lệ MAU (+) theo thời gian phát hiện bệnh
Nhận xét: Tỉ lệ MAU (+) tăng dần theo thời gian phát hiện bệnh.
Bảng 3.5. Liên quan giữa glucose, HbA1c, HA với MAU
Nhận xét: MAU (+) có liên quan đến tăng glucose máu lúc đói, những trường hợp glucose máu lúc đói > 7mmol/l có nguy cơ MAU (+) cao gấp 2,2 lần những trường hợp glucose máu bình thường (p < 0,05), tương tự như vậy, những trường hợp HbA1c > 7% có nguy cơ MAU (+) cao gấp 2,7 lần những trường hợp HbA1c bình thường (p < 0,01). Ở nhóm không kiểm soát được huyết áp nguy cơ MAU (+) cao gấp 3,9 lần những trường hợp kiểm soát được huyết áp với p < 0,01.
IV. BÀN LUẬN
4.1.Đặc điểm nhóm nghiên cứu
Ở nghiên cứu chúng tôi cho thấy tuổi trung bình là 60,3 + 9,7 tuổi. Nhóm tuổi 50-59 chiếm tỉ lệ cao nhất (32,8%). Đây cũng là nhóm tuổi thường gặp trong các nghiên cứu khác trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2 [4],[6]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ nam (n = 69) chiếm 59,5 %, cao hơn nữ (n = 47) chiếm 40,5%. Kết quả này cũng phù hợp với một số kết quả nghiên cứu về phân bố tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường theo giới ở trong nước và một số nước Châu Á.
Về thời gian phát hiện bệnh, trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian phát hiện đái tháo đường trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 4,4 ± 3,2 năm. Đa số bệnh nhân có thời gian phát hiện bệnh từ 1-5 năm chiếm tỉ lệ cao nhất 56%, sau đó đến thời gian phát hiện bệnh trong khoảng 5-10 năm chiếm tỉ lệ 31,9%. Và ở nhóm bệnh nhân có MAU (+) có thời gian phát hiện bệnh từ 5-10 năm chiếm tỉ lệ 62,1%, 88% bệnh nhân có thời gian phát hiện bệnh trên 10 năm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác ở các Bệnh viện trong nước [4],[6],[7].
4.2.MAU
Trong thời gian gần đây, xét nghiệm MAU niệu được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là một yếu tố đánh giá sớm tình trạng BCT ở bệnh nhân ĐTĐ, các tác giả nhận thấy khi có MAU chứng tỏ bệnh nhân bắt đầu có BCT [1],[7],[8]
Trong số 116 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 chưa có protein niệu (+) đã có 53 bệnh nhân có MAU (+) (ACR nằm trong khoảng 30-300mg/g) chiếm tỉ lệ 45,7%. Tần suất MAU (+) trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi tương đương với một số nghiên cứu [6],[8], cao hơn so với một số nghiên cứu [7] và sự khác nhau này có thể: do cách lựa chọn bệnh nhân, phương pháp đánh giá thuộc loại định tính, bán định lượng hay định lượng. Bên cạnh đó sự khác biệt về này chịu ảnh hưởng rất rõ bởi sự quản lý đối tượng về glucose máu và huyết áp không đồng đều giữa các cơ sở điều trị.
4.3. MAU và một số mối liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2
Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy tuy đa số bệnh nhân trong nghiên cứu (cả MAU (+) và MAU (-) đều có thể trạng gầy hoặc trung bình, không có mối liên quan giữa BMI và MAU ở đối tượng nghiên cứu (p > 0,05).
Những trường hợp vòng bụng tăng nguy cơ MAU (+) cao gấp 3,3 lần những trường hợp vòng bụng ở ngưỡng bình thường. Ở một số nghiên cứu cho thấy VB tương quan thuận với tăng nồng độ triglycerid. Phải chăng VB tăng gián tiếp cho thấy ảnh hưởng của triglycerid với MAU (+), cho thấy sự nguy hiểm của béo tạng tới biến chứng mạch máu. Nhận định này của chúng tôi cũng giống như nhiều tác giả trong nước và nước ngoài khác[4],[8],[9].
Mối liên quan giữa MAU và tỉ lệ tăng huyết áp
Tăng huyết áp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh thận đái tháo đường. Ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp vừa là hậu quả vừa là yếu tố thúc đẩy sự tiến triển của bệnh lý cầu thận. Tỷ lệ tăng huyết áp trong nghiên cứu của chúng tôi là 46,6%. Tỉ lệ này cũng tương tự kết quả của một số nghiên cứu trong nước như tác giả Nguyễn Văn Công tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2002) tỉ lệ này là 44,2% [6] và thấp hơn một số tác giả nước ngoài [9]. Theo Batty Stults ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, tỉ lệ tăng huyết áp là 50% ở thời điểm phát hiện bệnh, tăng lên tới 80% khi có microalbumin niệu và tới hơn 90% khi có macroalbumin niệu [9].
MAU và kiểm soát glucose máu
Ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, nghiên cứu UKPDS trên hơn 4000 bệnh nhân cho thấy cứ giảm 1% HbA1c thường kết hợp với giảm 25% nguy cơ biến chứng vi mạch, 18% nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm 17% nguy cơ tử vong [9].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gần 3/4 bệnh nhân ở nhóm MAU (+) và gần 1/2 bệnh nhân ở nhóm MAU (-) có glucose máu lúc đói trên 7,0 mmol/l và HbA1c trên 7%.
V. KẾT LUẬN
Như vậy, có thể thấy kiểm soát glucose máu ở các bệnh nhân đái tháo đường nói chung và bệnh nhân đái tháo đường MAU (+) đều chưa tốt. Có mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp, thời gian bị bệnh và kiểm soát tốt đường máu với khả năng xuất hiện microalbumin niệu. Đây cũng là thực trạng chung của các bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thái Hồng Quang (2000), “Bệnh thận do đái thoá đường vai trò của Microalbumin trong chẩn đoán và theo dõi”, Kỷ yếu toàn văn công trình nghiên cứu khoa học Nội tiết và chuyển hoá, tr. 490-498.
- Harison tập VI (2008), “Đái tháo đường”, Nxb y học, Hà Nội, tr. 529-574.
- Bộ Y tế (2016), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết và chuyển hóa”, Nxb y học, Hà Nội, tr. 237-246.
- Bùi Thế Bừng (2004), “Nghiên cứu hàm lượng một số thành phần lipid máu và mối liên quan với biến chứng mạn tính thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2”, Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên.
- Trần Hữu Dàng (2008), “Béo phì”, Giáo trình sau đại học chuyên nghành nội tiết và chuyển hóa, Nxb Đại học Huế, Huế, tr. 304-312.
- Nguyên Văn Công (2002), “Nghiên cứu mối liên quan giữa Microalbumin niệu và tổn thương mạch máu lớn trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2”, Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
- Hồ Sỹ Thống (1999), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương thận ở bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi”, Luận văn tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II, Học viện Quân y.
- Trần Xuân Trường, Nguyễn Chí Dũng và Phan Sỹ An (2008), “Nghiên cứu mối tương quan giữa microalbumin niệu với các chỉ số hóa sinh trên bệnh nhân đái tháo đường trong tiên lượng biến chứng thận”, Tạp chí Y học thực hành, Số 5/2008, tr. 40-44.
- Tults B., Jones RE. (2006) “Management of hypertension in diabetes”, Diabetes Spectr 19(1), 25-31.