Y học từ xa – xu hướng mới y học hiện đại

Y HỌC TỪ XA – XU HƯỚNG MỚI Y HỌC HIỆN ĐẠI

Quách Hữu Trung

Bệnh viện 199, Đà Nẵng

DOI: 10.47122/vjde.2021.47.17

TÓM TẮT

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, những lĩnh vực liên quan đến sức khỏe di động, sức khỏe kỹ thuật số, sức khỏe công nghệ thông tin hay y học từ xa đang ngày càng được quan tâm, áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của cộng đồng. Y học từ xa (Telehealth) là xu hướng mới trên thế giới trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp thân thiện với công nghệ thông tin. Dịch vụ này có thể bao gồm cả chẩn đoán, điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, giải đáp thắc mắc, xử trí tình huống khẩn cấp hay dự phòng dịch bệnh, mà không phải đối mặt với những thách thức về khoảng cách địa lý. Y học từ xa nổi bật với các ưu điểm như: sự nhanh chóng, thuận tiện, dễ tiếp cận và chi phí thấp. Đặc biệt, khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang phải đối mặt với mối nguy cơ đến từ đại dịch Covid-19, việc áp dụng y học từ xa trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ giúp quá trình khám chữa bệnh được duy trì thông suốt, kịp thời và chất lượng mà còn hỗ trợ đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, trong thực tế, một số cơ sở y tế vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn để đưa y học từ xa đến với bác sĩ và người bệnh, những yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất vẫn là trở ngại lớn. Như vậy, tuy không thể thay thế hoàn toàn cho khám chữa bệnh trực tiếp nhưng y học từ xa vẫn là công cụ hỗ trợ đắc lực, đóng vai trò quan trọng trong y học hiện đại.

Từ khóa: Y học từ xa, Y học hiện đại

SUMMARY

Telehealth – New trend of modern medicine

Quach Huu Trung 199 Hospital, Danang

Nowadays, mobile medicine, digital medicine,  medical  information  technology or

telehealth are being focused to improve the quality of medical services and meet the increasing healthcare needs of community. Telehealth is a new health care trend in the world which is integrated with information technology. This health service may include diagnosis, treatment, medication delivery, counseling, inquiry, emergency management or disease prevention that can be overcome the challenges of geographical distance.  Telehealth stands out with advantages such as fast, convenient, easy access and low cost. In particular, when the world in general and Vietnam in particular are still facing the dangers of the Covid-19 pandemic, the application of remote medicine in diagnosis, treatment and health care not only help the treatment be maintained smoothly, promptly and quality, but also support to ensure epidemic safety. However, in reality, some medical facilities still have many difficulties  in applying telehealth for doctors and patients, facilities and equipment requirements are still a huge obstacle.

Keywords: Telehealth,  Telemedicine, Modern medicine

Chịu trách nhiệm chính: Quách Hữu Trung Ngày nhận bài: 09/01/2021

Ngày phản biện khoa học: 09/02/2021 Ngày duyệt bài: 01/04/2021

Email: [email protected] Điện thoại: 0916306466

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và Internet đang thay đổi cuộc sống của con người trên mọi phương diện. Thay vì phải trực tiếp đến bệnh viện để tiếp nhận khám chữa bệnh, ngày càng nhiều người lựa chọn các kênh thông tin trực tuyến như một giải pháp hỗ trợ quá trình chăm sóc sức khỏe. Khoảng 64% người dùng Internet tại Mỹ sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ cho sức khỏe của họ [8] và 4% trong tổng số lượt truy cập Internet trên thế giới là để TKTTSK [11]. Sức khỏe là nội dung lớn thứ sáu trên mạng thông tin toàn cầu và hiện đang có hàng ngàn trang web liên quan đến thông tin sức khỏe, dự phòng và điều trị bệnh tật [12]. Tại Việt Nam, 82,9% người dân rất quan tâm đến sức khỏe của bản thân, trong đó, 48,3% thường xuyên sử dụng Internet để tìm kiếm những thông tin về sức khỏe [3, 5]. Không đứng ngoài sự chuyển mình đó, lĩnh vực y tế cũng đang dần cải tiến và phát triển không ngừng để tiếp cận, khai thác tối đa các lợi ích đến từ công nghệ thông tin và hệ thống kết nối toàn cầu Internet nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của cộng đồng.

Y học từ xa là một trong những sáng kiến nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và khám chữa bệnh, đây là một cách tiếp cận sáng tạo, kết hợp chuyên môn y tế với thiết bị thông tin và công nghệ truyền thông cho phép việc kiểm tra, giám sát và điều trị được thực hiện ngay tại nhà người bệnh, các chuyên gia y tế có thể dễ dàng trao đổi, nâng cao chuyên môn từ các tỉnh thành, khu vực hoặc thậm chí là ở các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, tuổi thọ con người đang gia tăng, ngày càng có nhiều người mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính, nhu cầu điều trị lâu dài dẫn đến yêu cầu phải phát triển một mô hình chăm sóc mới cho phép mọi người được điều trị và theo dõi tại nhà. Sử dụng các hình thức truyền thông điện tử, y học từ xa đang cách mạng hóa cách thức cung cấp dịch vụ y tế [10].

Rất nhiều lợi ích đã được ghi nhận khi ứng dụng hình thức y học từ xa vào thực tế, có thể kể đến như: Cho phép cá nhân kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh, giảm nhu cầu khám bệnh tại bệnh viện, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, hỗ trợ quản lý dài hạn tại nhà cho một tình trạng bệnh lý, đặc hiệu cho từng cá nhân, tăng cường tiếp cận với các dịch vụ ở vùng sâu vùng xa, giải quyết vấn đề thiếu hụt (nhân lực) của các nhà cung cấp dịch vụ y tế… [10]. Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc ứng dựng y học từ xa vào thực tế vẫn còn một số khó khăn do những yêu cầu cao về kỹ thuật và trang thiết bị, tính không ổn định của đường tuyền Internet hay thậm chí một số báo cáo gần đây đang ghi nhận mối lo ngại về việc giảm tương tác trực tiếp giữa bác sĩ và người bệnh nếu lạm dụng mô hình này [4].

Bài viết này nhằm mô tả tổng quan về y học từ xa trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích các ưu điểm và hạn chế của mô hình này, đặc biệt là khi áp dụng tại Bệnh viện 199 Đà Nẵng, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đề nâng cao chất lượng hoạt động và ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ của công nghệ thông tin vào y học lâm sàng.

2.  KHÁI NIỆM Y HỌC TỪ XA

Y học từ xa (Y học từ xa) là một từ ghép bắt nguồn từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” trong tiếng Latin là “mederi” nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Y học từ xa được dùng nhằm mô tả cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các người bệnh từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu… [10]

Theo Tổ chức y tế thế giới, Y học từ xa là khái niệm để chỉ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó người bệnh và nhà cung cấp không cần phải tiếp xúc trực tiếp về mặt địa lý mà thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT- Information & Communication Technologies) để trao đổi thông tin, nhằm chẩn đoán, đánh giá và điều trị, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, y học từ xa cũng đóng vai trò đào tạo liên tục cán bộ nhân viên và chuyên gia y tế. Telehealth có thể góp phần đạt được mức độ bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế chất lượng, tiết kiệm chi phí, và xóa bỏ khó khăn về khoảng cách địa lý [14].

Tại Việt Nam, y học từ xa là mô hình y tế được cung cấp thông qua hệ thống âm thanh, hình ảnh điện tử, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giữa các bệnh viện hoặc giữa bác sĩ với người bệnh. Mô hình này bao gồm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc, phân phát tài liệu hướng dẫn người bệnh hoặc các dịch vụ y tế khác như theo dõi y tế từ xa, tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế… [2]

Điểm đặc trưng của ứng dụng mô hình Y học từ xa tại Việt Nam hiện nay là sử dụng công nghệ để tổ chức hội chẩn chuyên môn giữa các đơn vị, hỗ trợ kịp thời các trường hợp cấp cứu. Với mô hình này, việc chẩn đoán và điều trị với ý kiến của các chuyên gia đầu ngành giữa bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tỉnh, khu vực sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, tạo cơ hội cho nhân viên y tế địa phương được đào tạo liên tục, nâng cao năng lực chuyên môn, là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm tải người bệnh đối với các bệnh viện tuyến trung ương.

3.   SỰ PHÁT TRIỂN CỦA Y HỌC TỪ XA TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

Trên thế giới

Báo cáo năm 2017 về Y học từ xa và Y học kỹ thuật số tại các nước Châu Âu cho kết quả Phần lớn các quốc gia đều đang cung cấp hoặc có kế hoạch cung cấp dịch vụ y học từ xa. Quan trọng hơn 68% các nước đã hoàn thiện hệ thống này, 53% đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng, con số này cao hơn 34% so với cuộc khảo sát tương tự vào năm 2014 [13]  66% người dân tại Mỹ năm 2019 sẵn sàng sử dụng y học từ xa, trong đó 8% đã trải nghiệm mô hình này, gần 70% người bệnh thường xuyên sử dụng các ứng dụng hoặc thiết bị hỗ trợ theo dõi sức khỏe cá nhân tại nhà. 32% thực sự hài lòng với mô hình chăm sóc này và chỉ 3% cảm thấy không thích thú khi sử dụng. Người càng trẻ tuổi càng có xu hướng thích sử dụng y học từ xa (74% với nhóm tuổi 18-34 và 72% với nhóm tuổi 35-44) [6].

Năm 2020, theo thống kê của Đài quan sát sức khỏe toàn cầu, trực thuộc Tổ chức y tế thế giới, 67% các quốc gia trên thế giới đã xây dựng chính sách cụ thể về việc áp dụng y học từ xa vào thực tế, trong đó có 80% các chính sách được hình thành trong năm 2020, tăng gấp 3 lần so với thống kê cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, hầu hết các chương trình này được tổ chức trong phạm vi quốc gia mà chưa có sự kết nối giữa các nước trên thế giới [7] [14].

Tại các quốc gia đang phát triển, y học từ xa cũng đang có những bước tiến đáng kể, năm 2020, tỉ lệ sử dụng y học từ xa tại các bệnh viện tuyến trung ương tăng 36%, tuyến tỉnh tăng 20% và tuyến cơ sở tăng 11%. Hình thức được sử dụng nhiều nhất là tư vấn y tế từ xa, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa và hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật [15]. Một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hiện đang phổ biến rất nhanh mô hình y học từ xa, có thể kể đến như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam,…

Tại Việt Nam

Y học từ xa lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam vào khoảng thập niên 90. Tháng 12/1998, TS. Michael Ricci (Hoa Kỳ) đã thực hiện việc khám 1 người bệnh ở Việt Nam thông qua hệ thống ISDN. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ và sinh viên của Việt Nam (03 bệnh viện Trung ương ở Hà Nội và Trường Đại học Y Hà Nội) được biết đến nền y học tiên tiến thông qua việc trao đổi với các bác sĩ ở Hoa Kỳ và hội chẩn ca bệnh bằng sử dụng đường truyền ISDN có kết hợp của hệ thống truyền hình trực tuyến.

Từ năm 2000, Bộ quốc phòng đã có triển khai thử nghiệm Dự án “Y Học Từ Xa” , các thành viên tham gia dự án là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và Quân y viện 175 (Thành phố Hồ Chí Minh). Tại mỗi bệnh viện thiết lập một mạng LAN kết nối 2 máy chẩn đoán hình ảnh chủ yếu là CT scanner và siêu âm.

Đến giữa năm 2013: Bộ Quốc Phòng đã thiết lập và đưa vào sử dụng mạng y học từ xa “xương sống” gồm 4 điểm: Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội), Bệnh viện 175 (Tp Hồ Chí Minh), Bệnh viện 211 (Tây Nguyên), Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Đến cuối 2013, mạng mở rộng đến Bệnh viện 103 (Hà Nội), Bệnh viện 121 (Cần Thơ) và Bệnh viện 87 (Khánh Hòa).

Ngày 22/06/2020, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã banh hành quyết định Phê duyệt Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 nhằm nâng cao chất lượng điều trị và bao phủ y tế toàn dân. Đề án nêu rõ Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân [2].

Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa. Toàn bộ 63 tỉnh thành đã có bệnh viện đăng ký. Có một số bệnh viện của nước bạn Lào và Campuchia đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia đề án [1].

4.    ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA Y HỌC TỪ XA

Ưu điểm

Chăm sóc người bệnh thuận tiện hơn, dễ tiếp cận người bệnh hơn: Y học từ xa ban đầu được phát triển ở Mỹ như là một cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt là ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Ngày nay, Y học từ xa được sử dụng trên toàn thế giới, cho dù đó là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ở các nước kém phát triển hoặc cho phép người bệnh cao tuổi có vấn đề về di chuyển có thể gặp bác sĩ ở  nhà. Sức mạnh của Y học từ xa không chỉ phá vỡ các rào cản địa lý điển hình để tiếp cận chăm sóc, mà còn tạo ra sự thuận tiện hơn cho người bệnh trong toàn bộ mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trong thời Covid, y học từ xa có khả năng cho phép những người bệnh được chăm sóc sức khỏe mà không cần phải đến bệnh viện, giảm thiểu sự tiếp xúc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở y tế [7].

Tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe: Mỗi năm, Hoa Kỳ chi hơn 2,9 nghìn tỷ đô la cho việc chăm sóc sức khỏe, nhiều hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác. Hơn thế nữa, ước tính 200 tỷ đô la trong những chi phí đó là chi phí không cần thiết. Y học từ xa có khả năng cắt giảm chi tiêu chăm sóc sức khỏe bằng cách giảm các chi phí gián tiếp và chi phí không liên quan đến y tế.

Tăng cơ hội tiếp cận tư vấn sức khỏe cho người bệnh: Người bệnh ngày nay sống trong một thế giới ngày càng kết nối và mong đợi một dịch vụ chăm sóc khác. Y học từ xa thu hút người bệnh bằng cách cho phép họ kết nối với bác sĩ của họ một cách thuận tiện và thường xuyên hơn. Họ có thể đưa ra nhiều câu hỏi hơn và nhận được nhiều câu trả lời hơn từ bác sĩ, mối quan hệ bác sĩ-người bệnh gắn kết hơn, người bệnh cảm thấy được trao quyền để quản lý việc chăm sóc sức khỏe của họ.

Cơ hội trao đổi chuyên môn và đào tạo liên tục cho cán bộ y tế: Với y học từ xa, một hệ thống y tế trực tuyến sẽ được thiết lập, cán bộ y tế có thể ngay lập tức mở rộng việc tiếp cận các chuyên gia thích hợp. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp và chuyên gia lĩnh vực về các case bệnh phức tạp, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn.

Hạn chế

Các rào cản chính đối với việc thực hiện y học từ xa được ghi nhận là: Thiếu kinh phí để phát triển, thiếu cơ sở hạ tầng (thiết bị và kết nối Internet), hạn chế trong quá trình tiếp nhận của cộng đồng và bản thân cơ sở y tế cũng như những bất cập về luật và chính sách liên quan [14]. Yêu cầu đào tạo kỹ thuật  và trang thiết bị: Cũng giống như hầu hết các giải pháp công nghệ khác, nền tảng y học từ xa  thường đòi hỏi việc đào tạo và mua sắm thiết bị. Chí phí phụ thuộc vào giải pháp – một nền tảng y học từ xa nội trú rộng rãi sẽ được sử dụng giữa các bác sĩ chính và chuyên gia tư vấn có thể yêu cầu đào tạo nhiều hơn, thiết bị y tế đa dạng hơn. Hiện chỉ có 34% đơn vị trong ngành y tế có mạng cục bộ LAN, 27% đơn vị có máy chủ và chỉ có 1/3 trong số đó là máy chủ đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các đơn vị đều thiếu máy trạm và thiết bị ngoại vi. Mặt khác, đội ngũ cán bộ CNTT chuyên ngành y tế là tự đào tạo. Việc thu hút cán bộ thông tin cho ngành y tế cũng gặp không ít khó khăn vì chưa có khoản chi riêng cho công nghệ thông tin trong mục lục ngân sách Nhà nước. Hiện chúng ta chưa có tiêu chuẩn thống nhất về quản lý và tiêu chuẩn kỹ thuật về CNTT và truyền thông trong lĩnh vực y tế.

Có thể làm giảm sự tương tác trực tiếp với bác sĩ: Một số nhà phê bình Y học từ xa cho rằng các tương tác trực tuyến là phi cá nhân, và những kiểm tra vật lý thường cần thiết để đưa ra một chẩn đoán đầy đủ, chính xác. Nếu có nhiều người bệnh sử dụng tương tác trực tuyến thay cho thăm khám trực tiếp, thì sẽ có những tác động nào? Các cuộc thăm khám trực tiếp giữa bác sĩ và người bệnh – rõ ràng là có giá trị và cần thiết trong nhiều trường hợp. Y học từ xa được sử dụng tốt nhất khi bổ sung cho những lần thăm khám trực tiếp, thực hiện việc kiểm tra đơn giản với người bệnh và đảm bảo tình trạng sức khỏe người bệnh ỏn định. Đối với các tình trạng cấp tính nhẹ (như nhiễm trùng), thường không cần đến khám trực tiếp, Y học từ xa sẽ thuận tiện hơn cho người bệnh, bác sĩ, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Nguy cơ rò rĩ thông tin cá nhân: Để áp dụng y học từ xa vào thực tế, yêu cầu bắt buộc là số hóa thông tin người bệnh và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị. Nếu quá trình quản lý và bảo mật không tốt, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ rò rĩ thông tin cá nhân. 30% người bệnh trả lời rằng họ cảm thấy lo lắng về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và có đến 5% trả lời rằng họ nghi ngờ cơ sở y tế đã làm rò rĩ thông tin của họ trong quá trình thực hiện dịch vụ [13]

Ngoài ra, chất lượng hoạt động của mô hình y hoc từ xa còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan khác như khả năng giao tiếp, truyền đạt của cán bộ y tế; khả năng tiếp nhận thông tin của người bệnh; niềm tin giữa người bệnh và bác sĩ cũng như sự tuân thủ điều trị của người tiếp nhận dịch vụ.

Một nghiên cứu hệ thống được thực hiện năm 2015 đã cho kết quả, hiệu quả của quá trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa phụ thuộc đến 32,1% vào thính giác của người bệnh, 19,4% vào giọng nói của bác sĩ, 16,5% cuộc gọi thất bại do bất đồng ngôn ngữ giữa bác sĩ và người bệnh [9]. Sự tuân thủ điều trị trong mô hình này hoàn toàn chỉ đến từ phía người bệnh, rất khó để cán bộ y tế có thể theo dõi trực tiếp và can thiệp kịp thời. Vì vậy, nguy cơ bỏ trị hoặc các trường hợp tai biến trong quá trình điều trị không được can thiệp kịp thời là một trong những vấn đề cần được cân nhắc và quan tâm.

5.  Y HỌC TỪ XA TẠI BỆNH VIỆN 199 ĐÀ NẴNG

Bệnh viện 199 Đà Nẵng đã áp dụng mô hình y học từ xa vào lâm sàng thông qua các hình thức chính: triển khai dịch vụ khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh, xây dựng các ứng dụng công nghệ quản lý sức khỏe từ xa và tổ chức hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện trong khu vực và trên cả nước.

Ngày 10/09/2020, trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ tư vấn, Khám bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phòng khám Chăm sóc Sức khỏe từ xa Telehealth được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện 199 với nhiệm vụ hỗ trợ đắc lực cho việc kết nối người bệnh trên địa bàn thành phố với các chuyên gia đầu ngành tại Hà Nội. Tính đến tháng 03/2021, Phòng khám Chăm sóc Sức khỏe từ xa Telehealth đã tiếp nhận chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 bệnh nhân, thể hiện vai trò tích cực  và tính ưu việt trong quá trình nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh trong đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bệnh viện 199 cũng đang vận hành rất thành công các ứng dụng và thiết bị quản lý sức khỏe từ xa, có thể kể đến như phần mềm di động Isofhcare, hỗ trợ bệnh nhân đặt lịch khám và tư vấn sức khỏe tại nhà hay hệ thống Iholter, Facare, góp phần hỗ trợ bác sĩ theo dõi các chỉ số sức khỏe của người bệnh trực tuyến và liên tục mà không phải thăm khám trực tiếp hằng ngày. Có thể nói, đây là những thành công bước đầu đáng ghi nhận của quá trình đưa y học từ xa vào lâm sàng tại Bệnh viện 199, Đà Nẵng.

Hình 1. Một bệnh nhân nước ngoài tham gia chương trình khám bệnh từ xa Telehealth tại Bệnh viện 199

Hình 2. Bệnh nhân được thăm khám, hội chẩn trực tuyến với chuyên gia đầu ngành tại Hà Nội thông qua thiết bị truyền hình ảnh

Từ cuối tháng 08/2020, Bệnh viện 199 đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các cơ sở y tế đầu ngành như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế,.. và thường xuyên tổ chức các phiên hội chẩn trực tuyến nhằm xử trí các case bệnh phức tạp, trao đổi chuyên môn, chuyển giao công nghệ cũng như đào lạo liên tục và nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên y tế. Hoạt động này  hiện vẫn đang được duy trì, mang lại hiệu quả rõ rệt và nhận được rất nhiều sự ủng hộ đến từ các bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc tại bệnh viện.

6.   KẾT LUẬN

Dù không thể thay thế hoàn toàn việc khám chữa bệnh trực tiếp, nhưng y học từ xa là công cụ hỗ trợ ưu việt cho quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, điều trị và dự phòng bệnh tật cũng như đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của y học từ xa cũng như chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phát triển khoa học kỹ thuật ở mỗi bệnh viện và nhân viên y tế là vô cùng cần thiết, góp phần tạo bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách giữa y học truyền thống và y học hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2020), Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế, Hà Nội, truy cập ngày 27/03-2021.
  2. Bộ Y tế (2020), Quyết định Phê duyệt Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Y tế, chủ biên, Bộ Y tế, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đắc Quỳnh Anh và các cộng sự. (2019), “Mối liên quan giữa việc sử dụng Internet và hành vi tìm kiếm thông tin sức khỏe của người dân khu vực miền Trung, Việt Nam”, Tạp chí Y học dự phòng,. 29(11/2019), 262.
  4. Trần Thu Giang (2018), Ưu điểm và hạn chế của Telemedicine, Hà Nội, truy cập ngày 26/03-2021, tại trang web https://evisit.com/.
  5. Viện nghiên cứu W&S (2013), Quan điểm chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam, Hà Nội.
  6. Amerian Well Association (2019), “Telehealth Index: 2019 Consumer Survey”, American health runs American Well.
  1. American Telemedicine Association (2020), Congress for giving HHS authority to waive restrictions on telehealth for Medicare beneficiaries in response to the COVID-19 outbreak., Arlington.
  2. Atkinson NL, Saperstein SL và Pleis J (2015), “Using the internet for health- related activities: findings from a national probability sample”, J Med Internet Res 21(5), 15-18.
  3. Daniela Regina Molini-Avejonas, Silmara Rondon-Melo và Cibelle Albuquerque de La Higuera (2015), “A systematic review of the use of telehealth in speech, language and hearing sciences”, Journal of Telemedicine and Telecare. 21(7), 367-376.
  4. European Lung Foundation (2019),
  5. Eysenbach G và Kohler C (2003), “What is the prevalence of health related searches on the world wide web? Qualitative and quantitative analysis of search engine queries on the Internet”, AMIA Annu Symp Proc. 2003, 225- 229.
  6. Fox S và Duggan (2016), “Health online “, J Med Internet Res 35(5), 20-26.
  7. Lacktman N và Rosen D (2017), “Telemedicine and Digital Health Survey”, Foley & Lardner LLP, 2- 16.
  8. WHO (2020), Global Health Observatory data of telehealth, WHO (2020), Telemedicine in developing countries: A review of the literature

 

 

 

 

 

 

 

 

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …