CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TỚI CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
CỦA BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ TỔN THƯƠNG THẬN
Nguyễn Ngọc Tâm1,2, Trần Ngọc Mạnh Tú2, Lê Đình Tùng1
1Trường Đại học Y Hà Nội, 2Bệnh viện Lão khoa Trung ương
SUMMARY
Objective: To assess some realted factors of quality of life in diabetic patients with nephropathy by using two questionnaires. Subjects and methods: A descriptive cross-sectional study included of patients diagnosed diabetes by using ADA 2016 guidelines and neurophathy by using NKF 2012 guidlines. Results: there were 188 diabetic patients with nephropathy. Elderly patients have poorer quality of life by both of two questionnaires (p<0.05). Patients with pre-existing nephropathy had a poorer quality of life than those newly diagnosed (p <0.05). There was no difference in quality of life between the two groups of good and poor blood glucose control by using WHOQoL-Bref. There is a weak correlation (|r| <0.3) between self-care and anxiety of patients by using EQ-5D-5L (p <0.05). The quality of life between the two groups of patients with good and poor blood pressure control was not significantly different (p> 0.05). Conclusion: Some related factors of quality of life in diabetic patients with nephropathy: old age, history of diagnosed nephrophathy, poor glycemic control.
Keywords: diabetes, nephropathy, quality of life, related factors.
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá một số yếu tố liên quan tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, trên bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường theo tiêu chuẩn ADA 2016 và có tổn thương thận theo tiêu chuẩn của NKF 2012. Kết quả: Nghiên cứu được tiến hành trên 188 bệnh nhân bệnh nhân mắc đái tháo đường và có tổn thương thận. Bệnh nhân cao tuổi trên 60 tuổi có chất lượng cuộc sống thấp hơn theo cả 2 bộ câu hỏi (p <0,05). Bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương thận từ trước có chất lượng cuộc sống thấp hơn những bệnh nhân lần đầu được chẩn đoán (p < 0,05). Không có sự khác biệt về chất lượng cuộc sống giữa 2 nhóm kiểm soát đường huyết tốt và chưa tốt theo WHOQoL-Bref. Tuy nhiên có tương quan yếu (|r| < 0,3) giữa khả năng tự chăm sóc, sự lo lắng của bệnh nhân theo EQ-5D-5L (p<0,05). Chất lượng cuộc sống giữa 2 nhóm bệnh nhân kiểm soát huyết áp mục tiêu tốt và chưa tốt không có sự khác biệt (p > 0,05). Kết luận: Một số yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận: tuổi cao, được chẩn đoán tổn thương thận từ trước, kiểm soát đường máu chưa tốt.
Từ khóa: đái tháo đường, tổn thương thận, chất lượng cuộc sống, yếu tố liên quan.
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Ngọc Tâm
Ngày nhận bài: 18.9.2017
Ngày phản biện khoa học: 21.9.2017
Ngày duyệt bài: 25.9.2017
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chất lượng cuộc sống (CLCS) liên quan đến sức khỏe gồm tất cả các khía cạnh về mặt tình cảm, xã hội và thể chất trong đời sống cá nhân.
Bệnh nhân mắc đái tháo đường (ĐTĐ) có chất lượng cuộc sống thấp hơn những người không có các triệu chứng mạn tính, nhưng lại cao hơn những bệnh nhân ĐTĐ có các biến chứng mạn tính nghiêm trọng như biến chứng thận.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ĐTĐ. Thời gian mắc và typ ĐTĐ không liên quan chặt chẽ với CLCS [1]. Điều trị kiểm soát đường huyết tốt làm cho CLCS bệnh nhân tốt hơn. Các biến chứng của ĐTĐ là các yếu tố quan trọng quyết định CLCS.
Các khía cạnh nhân khẩu học và các yếu tố tâm lí xã hội cũng ảnh hưởng đến CLCS và cần được kiểm soát khi so sánh các phân nhóm với nhau [2]. Các đặc điểm liên quan đến bệnh như thời gian mắc ĐTĐ, phương pháp điều trị, kiểm soát đường huyết hay các biến chứng mắc phải [1]. Sự kết hợp của biến chứng và các bệnh kèm theo làm suy giảm đáng kể tình trạng sức khỏe và CLCS [3], nhiều nhất là các ca đột quỵ hay trầm cảm [4].
Thái độ điều trị bệnh: hiệu quả điều trị, tự điều trị và sự hỗ trợ của xã hội và cộng đồng, các yếu tố nhân trắc như giới, tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân [1].
Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ theo tiêu chuẩn ADA 2016 và có tổn thương thận theo tiêu chuẩn của NKF 2012 [5],[6].
2.2 Địa điểm và thời gian nghiên cứu
- Địa điểm: Tại bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nội tiết Trung ương
- Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017
2.3 Phương pháp nghiên cứu
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
- Đánh giá chất lượng cuộc sống sử dụng hai bộ câu hỏi:
- Bộ câu hỏi EQ-5D-5L: gồm 5 câu hỏi về các lĩnh vực đi lại, tự chăm sóc, hoạt động hàng ngày, đau đớn/khó chịu, lo lắng/buồn phiền. Mỗi khía cạnh có 5 mức độ ảnh hưởng do tình trạng bệnh gây ra: Mức 1: Không ảnh hưởng; Mức 2: Ảnh hưởng ít; Mức 3: Ảnh hưởng tương đối; Mức 4: Ảnh hưởng nhiều; Mức 5: Ảnh hưởng rất nhiều/không thể làm được
Bệnh nhân tự đánh giá sức khỏe tổng quát của bản thân theo EQ-VAS theo thang điểm từ 0-100, hoàn toàn khỏe mạnh là 100 điểm, xấu nhất là 0 điểm.
- Bộ câu hỏi WHOQoL-Bref có 26 câu đánh giá CLCS của bệnh nhân, gồm: 24 câu hỏi trên 4 lĩnh vực về thể chất, tinh thần, các mối quan hệ xã hội, môi trường sống và 2 câu hỏi chấm nhận thức của bệnh nhân về CLCS và đánh giá tổng thể về sức khỏe bản thân. Phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân từng câu hỏi, yêu cầu bệnh nhân lựa chọn đáp án theo thang điểm từ 1 – 5. Tính điểm CLCS trung bình theo 4 lĩnh vực: thể chất, tâm lí, xã hội, môi trường. Chuyển sang thang điểm 100 với từng lĩnh vực và tính CLCS trung bình. Phân mức độ CLCS theo mốc điểm là 60 [7]. Dưới 60 điểm là CLCS chưa tốt và trên 60 là CLCS tốt.
- Các yếu tố liên quan tới chất lượng cuộc sống: tuổi, giới, tiền sử mắc các bệnh phối hợp, thời gian mắc bệnh, huyết áp, glucose, HbA1c.
- Phân tích số liệu: Số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 23. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình. Sử dụng test χ2 để phân tích mối liên quan giữa các biến. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
2.4 Đạo đức nghiên cứu
Bệnh nhân được giải thích rõ về mục đích của nghiên cứu. Các thông tin thu thập của bệnh nhân được bảo mật và chỉ được sử dụng phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong quá trình thu thập, chúng tôi phỏng vấn 245 người. Tuy nhiên, có 188 người hoàn thành cả 2 bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-Bref. Xét một số yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như sau:
3.1. Đặc điểm CLCS theo tuổi
Bảng 1. Điểm CLCS trung bình theo lứa tuổi của bệnh nhân (N=188)
Điểm CLCS trung bình theo WHOQoL-Bref của nhóm trên 60 tuổi thấp hơn trên lĩnh vực thể chất, tinh thần và môi trường (p < 0,05), nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa ở lĩnh vực xã hội
Điểm CLCS theo EQ-5D-5L có tương quan nghịch giữa 2 nhóm bệnh nhân (p < 0,05). Tương quan ở mức độ trung bình (0,5 > |r| > 0,3) ở lĩnh vực hoạt động hàng ngày và đau đớn, mức yếu (|r| < 0,3) ở các lĩnh vực còn lại..
Điểm EQ-VAS của nhóm trên 60 tuổi thấp hơn (p < 0,01)
3.2. Đặc điểm CLCS theo thời gian mắc bệnh
Bảng 2. CLCS theo thời gian chẩn đoán tổn thương thận (N=188)
Theo EQ-5D-5L có sự tương quan nghịch 2 nhóm (p < 0,05) nhưng tương quan ở mức yếu (|r| < 0,3). WHOQoL-BREF đánh giá CLCS trung bình ở nhóm đã được chẩn đoán thấp hơn nhóm chẩn đoán lần đầu trên 3 lĩnh vực thể chất, tinh thần, môi trường (p < 0,05) tuy nhiên điểm xã hội không khác biệt giữa 2 nhóm (p > 0,05)
Điểm EQ-VAS ở bệnh nhân đã từng được chẩn đoán kém hơn nhóm mới chẩn đoán (p < 0,01)
3.3. Đặc điểm CLCS theo HbA1c
Bảng 3. Điểm CLCS của bệnh nhân theo nồng độ HbA1c (N=188)
Điểm CLCS trung bình theo WHOQoL-BREF giữa 2 nhóm bệnh nhân khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Khi đánh giá CLCS theo EQ-5D-5L có sự tương quan thuận mức độ yếu (|r| < 0,3) có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) ở khía cạnh tự chăm sóc và lo lắng/buồn phiền.
3.4. Đặc điểm CLCS theo tình trạng kiểm soát huyết áp
Bảng 4. Điểm CLCS theo mức kiểm soát huyết áp (N=188)
So sánh, tương quan giữa điểm CLCS của cả 2 bộ câu hỏi EQ-5D-5L và WHOQoL-BREF và khả năng kiểm soát huyết áp của bệnh nhân khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
IV. BÀN LUẬN
Tuổi bệnh nhân càng cao sức khỏe thể chất càng bị ảnh hưởng, công việc và sinh hoạt sẽ không được như ý muốn, ảnh hưởng nhiều đến CLCS của bệnh nhân [8]. Khi sử dụng bộ câu hỏi WHOQoL-Bref, điểm CLCS trung bình của nhóm trên 60 tuổi về khía cạnh thể chất, tinh thần và môi trường đều giảm so với nhóm trên 60 tuổi (p < 0,05) tương đồng với kết quả của Harish (2014) [9]. Khi sử dụng bộ câu hỏi EQ-5D-5L, mức độ tương quan nghịch giữa công việc hàng ngày (r = -0,309) và đau đớn khó chịu (r = -0,367) của bệnh nhân ở mức trung bình trong khi các lĩnh vực còn lại ở mức tương quan yếu, có ý nghĩa thống kê (p < 0,05), khác biệt so với Vũ Phương Anh (2014) [10] chỉ có sự khác biệt ở khía cạnh đi lại và hoạt động hàng ngày. Do đó cần quan tâm hơn tới cuộc sống của những bệnh nhân cao tuổi, cải thiện CLCS giúp những bệnh nhân này giảm bớt các biến chứng, sự đau đớn và lo lắng áp lực khi điều trị và sống chung với bệnh tật.
Bệnh nhân ĐTĐ nếu được phát hiện và điều trị sớm biến chứng thận sẽ cải thiện quá trình tiến triển bệnh so với những bệnh nhân được chẩn đoán muộn, tuy nhiên sẽ kéo theo các gánh nặng về chi phí và thời gian điều trị. Theo kết quả nghiên cứu, điểm CLCS trung bình theo WHOQoL-Bref có sự khác biệt giữa nhóm mới chấn đoán biến chứng thận cao hơn nhóm đã được chẩn đoán trước đây có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) ở thể chất, tinh thần và môi trường, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở nhóm xã hội. Theo EQ-5D-5L có sự tương quan nghịch giũa 2 nhóm bệnh nhân, chỉ ra với những bệnh nhân được chẩn đoán từ trước có CLCS thấp hơn (p < 0,05) trong khi nghiên cứu của Vũ Phương Anh (2014) không cho thấy sự khác biệt [53]. Điều này có thể giải thích do quá trình điều trị, cộng thêm gánh nặng chi phí và thời gian điều trị làm ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần cho bệnh nhân so với những bệnh nhân chưa biết tinh trạng bệnh của mình.
Bệnh nhân ĐTĐ có THA cao gấp đôi người không có ĐTĐ có sự liên quan tiến triển bệnh thận mạn tính theo do kích hoạt hệ thống RAAS [11]. Hậu quả làm tăng áp lực cầu thận và xuất hiện albumine trong nước tiểu. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu không có sự khác biệt về điểm WHOQoL-Bref trung bình giữa 2 nhóm kiểm soát huyết áp tốt và chưa tốt (p > 0,05), tương đồng với Kumar S (2014) [12]. Tương tự khi so sánh mối tương quan giữa 2 nhóm bệnh nhân theo EQ-5D-5L không có sai khác (p > 0,05), khác biệt với Chin (2014) [13]. Kết quả có thể do quá trình nghiên cứu theo phương pháp cắt ngang, kết quả tại thời điểm đo huyết áp chưa đánh giá quá trình điều trị tăng HA của bệnh nhân.
Tăng đường huyết là đặc điểm cơ bản của ĐTĐ, nguyên nhân của biến chứng vi mạch như biến chứng thận. Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm CLCS trung bình của bệnh nhân theo 2 nhóm HbA1c < 7% và HbA1c ≥ 7% theo WHOQoL-Bref không có sự khác biệt (p > 0,05). Kết quả này phù hợp với Safa (2007) [14], nhưng khác biệt so với nghiên cứu của Maudrene (2014) [15] nhưng cũng chỉ có sự tương quan yếu (|r| < 0,3) cho thấy mối tương quan giữa tình trạng kiểm soát HbA1c có ảnh hưởng chưa rõ rệt lên CLCS của bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận. Khi sử dụng EQ-5D-5L có tương quan thuận mức độ yếu (|r| < 0,3) (p < 0,05) về khả năng tự chăm sóc và cảm giác lo lắng giữa 2 nhóm bệnh nhân, tương đồng với Vũ Phương Anh (2014) [10]. Có thể giải thích do bệnh nhân lo lắng vì bệnh thận mạn tính nhiều hơn, tỉ lệ bệnh nhân mắc CKD giai đoạn 3 trở lên ở nhóm HbA1c < 7% (74,4%) cao hơn ở nhóm HbA1c ≥ 7% (52,2%).
- KẾT LUẬN
Một số yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương thận: tuổi cao, được chẩn đoán tổn thương thận từ trước, kiểm soát đường máu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Rubin R.R. and Peyrot M. (1999). Quality of life and diabetes. Diabetes Metab Res Rev, 15(3), 205–218.
- Eljedi A., Rafael T Mikolajczyk, Alexander Kraemer et al (2006). Health-related quality of life in diabetic patients and controls without diabetes in refugee camps in the Gaza strip: a cross-sectional study. 3.
- Egede, L. E (2004). Diabetes, major depression,d and functional disability among U.S. adults. Diabetes Care, 27(2), 421–428.
- Maddigan S.L., Feeny D.H., Majumdar S.R. et al (2006). Understanding the Determinants of Health for People With Type 2 Diabetes. Am J Public Health, 96(9), 1649–1655.
- American Diabetes Association (2016). Microvascular complications and foot care. Diabetes Care, 39 (suppl 1), 72-80, January 2016.
- National Kidney Foundation (2012). KDIGO 2012 Clinical Practice Guildeline for the Evoluation and Management of Chronic Kidney Disease. Kidney Interational Supplement, 3(1), January 2013, 19-62.
- Vũ Phương Anh (2015), ”Evaluation on health-related quality of life in elderly diabetic outpatients”. Bachelor of science in nursing. HaNoi Medical University.
- Wändell P.E and Tovi J. (2000). The quality of life of elderly diabetic patients. J Diabetes Complications, 14(1), 25–30.
- Srinivas H.K., Venkatesha M., and Prasad R. (2014). Quality of Life assessment among Type 2 Diabetic patients in rural tertiary centre. Int J Med Sci Public Health, 3(4), 415–417.
- Vũ Phương Anh (2015), ”Evaluation on health-related quality of life in elderly diabetic outpatients”. Bachelor of science in nursing. HaNoi Medical University.
- Satirapoj B. (2010). Review on pathophysiology and treatment of diabetic kidney disease. J Med Assoc Thail Chotmaihet Thangphaet, 93 Suppl 6, S228-241.
- S G.K., Majumdar A., and G P. (2014). Quality of Life (QOL) and Its Associated Factors Using WHOQOL-BREF Among Elderly in Urban Puducherry, India. J Clin Diagn Res JCDR, 8(1), 54.
- Chin Y.R., Lee I.S., and Lee H.Y. (2014). Effects of Hypertension, Diabetes, and/or Cardiovascular Disease on Health-related Quality of Life in Elderly Korean Individuals: A Population-based Cross-sectional Survey. Asian Nurs Res, 8(4), 267–273.
- Safa N., Aliakbar, Larijani B. et al (2007). Depression, quality of life and glycemic control in patients with diabetes. Iran J Diabetes Metab, 7(2), 195–204.