ĐẶC ĐIỂM RỐI LOẠN LIPID MÁU Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 CHẨN ĐOÁN LẦN ĐẦU
Nguyễn Thu Hiền – Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Hoàng Trung Vinh – Học viện Quân y
Nguyễn Vinh Quang – Bệnh viện Nội tiết Trung ương
SUMMARY
Characteristics of dyslipidemia in patients with firstly-diagnosed type 2 diabetes mellitus.
Objectives: to investigate characteristics of dyslipidemia and relation to some risk factors in patients with firstly-diagnosed type 2 diabetes mellitus (T2DM). Subjects and methods: 247 patients with firstly-diagnosed T2DM were enrolled in our study, at the time of study, all of them had dyslipidemia. Patients were measured body mass index (BMI), waist circumference (WC), blood pressure, blood biochemistry test. Results: Respectively, rates of increased indexes were: non-HDL-c: 93.9%, LDL-c: 87.4%, triglyceride: 84.6%, cholesterol: 79.4%; rate of decreased HDL-c was 54.7%. 41.7% of patients had concurrently elevated triglyceride and decreaded HDL-c. Triglyceride, HDL-c and non-HDL-c were significantly related to BMI and WC; Cholesterol, LDL-c and non-HDL-c were related to hypertension. Conclusion: T2DM patients had mixed dyslipidemia, concurrent variations of all indexes. Non-HDL-c, triglyceride and HDL-c were related to anthropometric indexes; Non-HDL-c, cholesterol and LDL-c were related to hypertension.
Key words: type 2 diabetes mellitus; dyslipidemia; hypertension;
TÓM TẮT
Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát đặc điểm rối loạn lipid máu (RLLP) và mối liên quan với một số yếu tố nguy cơ (YTNC) ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 (BN ĐTĐ typ 2) chẩn đoán lần đầu. Đối tượng và phương pháp: 247 BN ĐTĐ typ 2 chẩn đoán lần đầu, tại thời điểm nghiên cứu đều có biểu hiện RLLP. Bệnh nhân được đo chỉ số khối cơ thể (BMI), chu vi vòng bụng, huyết áp, xét nghiệm sinh hóa máu. Kết quả: tỷ lệ tăng các chỉ số lần lượt là: non – HDL-c: 93,9%, LDL-c: 87,4%, triglycerid: 84,6%, cholesterol: 79,4%; giảm HDL-c: 54,7%. Có 41,7% BN đồng thời tăng triglycerid và giảm HDL-c. Các chỉ số triglycerid, HDL-c, non – HDL-c liên quan có ý nghĩa với BMI và chu vi vòng bụng; cholesterol, LDL-c, non – HDL-c liên quan với tăng huyết áp (THA). Kết luận: bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có RLLP hỗn hợp, biến đổi đồng thời tất cả các chỉ số. Non – HDL-c, triglycerid, HDL-c liên quan với chỉ số nhân trắc; Non – HDL-c, cholesterol, LDL-c liên quan với THA.
Từ khóa: Đái tháo đường typ 2, rối loạn lipid, tăng huyết áp.
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thu Hiền
Ngày nhận bài: 18.9.2017
Ngày phản biện khoa học: 21.9.2017
Ngày duyệt bài: 25.9.2017
ĐẶT VẤN ĐỀ
Rối loạn lipid máu là biểu hiện rối loạn chuyển hóa thường gặp ở BN ĐTĐ typ 2. Không chỉ là yếu tố nguy cơ của bệnh mà RLLP máu còn đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh, tiến triển và kết quả điều trị của BN ĐTĐ typ 2. Về mặt lý thuyết chung thì ở BN ĐTĐ typ 2 biểu hiện RLLP máu thường đặc trưng bởi sự tăng nồng độ triglycecid, giảm HDL-C kèm hay không kèm theo tăng cholesterol toàn phần, LDL-C. Tuy vậy ở bệnh nhân Việt Nam có ĐTĐ typ 2 biểu hiện RLLP máu lại có những đặc điểm khác biệt liên quan đến chủng tộc, thói quen ăn uống sinh hoạt. Đề tài nghiên cứu nhằm mục tiêu: Khảo sát một số đặc điểm rối loạn lipid máu ở BN ĐTĐ typ 2 và tìm hiểu mối liên quan giữa RLLP máu với chỉ số nhân trắc, THA ở BN ĐTĐ typ 2 chẩn đoán lần đầu.
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.Đối tượng
247 BN ĐTĐ typ 2 có biểu hiện RLLP máu theo tiêu chuẩn của Hội Tim mạch Việt Nam được lựa chọn theo các tiêu chuẩn sau:
* Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng
+ ĐTĐ typ 2 chẩn đoán lần đầu
+ Có biểu hiện RLLP máu tại thời điểm nghiên cứu
+ Có thể mắc bệnh mạn tính kèm theo
+ Đồng ý tham gia nghiên cứu
* Tiêu chuẩn loại trừ:
+ Bệnh nhân đang mắc các bệnh cấp tính
+ ĐTĐ typ 1, thai kỳ, có nguyên nhân
+ Có biểu hiện hội chứng thận hư tại thời điểm nghiên cứu.
+ Đang dùng các thuốc: Corticoid, lợi tiểu, chẹn B giao cảm, thuốc tránh thai.
2. Phương pháp
+ Thiết kế nghiên cứu: Tiến cứu, cắt ngang, mô tả.
+ Thời gian và địa điểm: Tháng 4/2016 đến 1/2017 tại Bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.
2.1. Nội dung nghiên cứu
+ Khai thác bệnh sử của BN
+ Khám lâm sàng: xác định chiều cao, cân nặng, đo chu vi vòng bụng, huyết áp.
+ Xét nghiệm hóa sinh máu bao gồm: Glucose, HbA1C, cholesterol, triglycerid, LDL-C, HDL-C….
2.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán, phân loại sử dụng trong nghiên cứu.
+ Chẩn đoán ĐTĐ theo ADA cập nhật năm 2013
+ Chẩn đoán typ ĐTĐ theo phân loại của Hội Nội tiết – ĐTĐ Châu Á – Thái Bình Dương.
+ Phân loại chỉ số nhân trắc (chu vi vòng bụng, chỉ số khối cơ thể) theo WHO áp dụng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
+ Chẩn đoán và phân loại THA theo JNC VII
+ Chẩn đoán RLLP máu theo Hội Tim mạch Việt Nam.
2.3. Xử lý số liệu và đạo đức y học trong nghiên cứu
+ Số liệu xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0
+ Nghiên cứu không vi phạm đạo đức y học, không gây ảnh hưởng đến BN.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bảng 2.1. Một số đặc điểm chung của BN (n=247)
+ BN có tăng BMI và/hoặc chu vi vòng bụng đều chiếm > 50% trường hợp.
+ BN có THA chiếm tỷ lệ thấp so với không THA
Bảng 2.2. Tỷ lệ BN dựa vào biến đổi chỉ số lipid (n=247)
+ Tỷ lệ BN tăng các chỉ số lipid máu giảm dần từ non – HDL – C, LDL – C, triglycerid, cholesterol.
+ Tỷ lệ giảm HDL-c thấp nhất so với biến đổi các chỉ số lipid khác.
Biểu đồ 2.1. Tỷ lệ BN dựa vào số lượng chỉ số lipid máu biến đổi (n=247)
+ BN có biểu hiện biến đổi đồng thời 3/5 chỉ số chiếm tỷ lệ cao nhất.
+ BN đồng thời có tăng TG và giảm HDL-C gặp ở 41,7% trường hợp
Bảng 2.3. Mối liên quan giữa các chỉ số lipid máu với BMI
+ BN dư cân, béo có nồng độ triglycerid, non – HDL – C cao hơn, HDL-c thấp hơn so với BN không dư cân, béo.
+ Nồng độ cholesterol, LDL-C liên quan không có ý nghĩa với BMI
Bảng 2.4. Mối liên quan giữa các chỉ số lipid máu với chu vi vòng bụng
+ Ở BN tăng chu vi vòng bụng, nồng độ triglycerid, non – HDL-C tăng, HDL-C giảm có ý nghĩa so với BN có chu vi vòng bụng bình thường.
+ Nồng độ cholesterol, LDL-C liên quan không có ý nghĩa với chu vi vòng bụng.
Bảng 2.5. Mối liên quan giữa các chỉ số lipid máu với THA
+ Ở BN ĐTĐ kèm THA, nồng độ cholesterol, LDL-C, non-HDL-C cao hơn so với BN không có THA.
+ Nồng độ triglycerid, HDL-C liên quan không có ý nghĩa với THA.
III. BÀN LUẬN
1.Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu.
Bệnh nhân ĐTĐ typ 2 thường hội tụ một số YTNC trong đó có YTNC thay đổi được và không thay đổi được. Trong số các YTNC có thể thay đổi được thì dư cân, béo phì, RLLP, THA là những YTNC hay gặp, tham gia vào cơ chế bệnh sinh và tiến triển của bệnh ĐTĐ. Đối tượng nghiên cứu đều là BN ĐTĐ typ 2 có biểu hiện RLLP theo tiêu chuẩn đã lựa chọn. Dư cân, béo phì là YTNC chung của bệnh ĐTĐ typ 2, tuy vậy BN Việt Nam lại có những nét đặc thù riêng liên quan đến chủng tộc, thói quen ăn uống. Trong số BN nghiên cứu có 51,8% dư cân, béo dựa vào BMI và 58,3% béo bụng dựa vào chu vi vòng bụng. Mặc dù số trường hợp BN ĐTĐ typ 2 có > 50% dư cân, béo song vẫn thấp hơn so với tỷ lệ phát hiện được của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Bản thân BN khi có dư cân, béo phì sẽ làm gia tăng tỷ lệ RLLP [3], [6]. Đối với BN ĐTĐ typ 2 thì THA có thể là YTNC – bệnh kèm theo song cũng có thể là biến chứng khi xuất hiện suy thận mạn tính. Tăng huyết áp cũng liên quan đến RLLP tương tự như bệnh ĐTĐ typ 2. Tuy vậy các BN nghiên cứu đều được chẩn đoán lần đầu, đều chưa có suy thận mạn tính, do vậy 27,5% kèm THA là tỷ lệ chưa cao, thấp hơn so với kết quả quan sát của các tác giả khác và có lẽ là đặc thù của BN ĐTĐ typ 2 người Việt Nam. Theo thời gian, sau khi mắc ĐTĐ typ 2 sẽ dần dần xuất hiện bệnh THA, do đó tỷ lệ THA đều là YTNC của RLLP máu. Đây là mối quan hệ 2 chiều, thuận và nghịch, nguyên nhân và hậu quả khó tách rời nhau, cần được nhận biết và điều chỉnh trong quá trình điều trị [2], [8].
2. Đặc điểm rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 chẩn đoán lần đầu.
Bản thân RLLP là biểu hiện rối loạn chuyển hóa và nếu trên BN ĐTĐ typ 2 thì ngoài việc gia tăng tỷ lệ còn mang những nét đặc trưng riêng. Theo lý thuyết cơ bản thì RLLP ở BN ĐTĐ typ 2 cũng như hội chứng chuyển hóa biểu hiện chủ yếu bởi sự tăng nồng độ triglycerid, giảm HDL-c. Tuy vậy khi kèm theo một số YTNC khác như dư cân, béo phì, THA thì đặc điểm RLLP sẽ có những nét khác biệt và thường là rối loạn thể hỗn hợp. [1]. Kết quả quan sát cho thấy tỷ lệ biến đổi các chỉ số lipid máu và có sự phân bố khác biệt, trong đó cao nhất là tăng non –HDL-c (93,9%), sau đó là tăng LDL-c (87,4%). Tăng triglycerid chiếm vị trí thứ 3 (84,6%) và giảm HDL-c có tỷ lệ thấp nhất. Theo kết quả quan sát trên nhận thấy: tăng triglycerid, giảm HDL-c không là biểu hiện đặc trưng, nổi trội ở BN Việt Nam bị ĐTĐ typ 2 mặc dù bệnh được chẩn đoán lần đầu. Có lẽ với đặc điểm RLLP trên là nguyên nhân làm gia tăng biến chứng cơ quan đích nhất là biến chứng mạch máu lớn ở BN ĐTĐ typ 2 [1], [5]. Tuy vậy khi phân tích, xem xét tỷ lệ BN có đồng thời tăng triglycerid và giảm HDL-c lại nhận thấy gặp với tỷ lệ cao (41,7%). Đặc điểm này có lẽ là sự liên quan chặt chẽ với ĐTĐ typ 2 [8]. Phân tích tần suất BN có biến đổi số lượng các chỉ số lipid nhận thấy với 3 chỉ số bất thường chiếm tỷ lệ cao nhất (38,7%), sau đó là 2 chỉ số (33,2%), phối hợp đồng thời 4,5 chỉ số gặp rất ít, tương ứng 5,7% và 1,2%. Nếu tính riêng rẽ từng chỉ số thì tỷ lệ biến đổi triglycerid hoặc HDL-c không phải cao nhất, tuy vậy biến đổi đồng thời 2 chỉ số trên ở một bệnh nhân lại có tỷ lệ khá cao (41,7%). Có lẽ sự biến đổi đồng thời 2 chỉ số trên là biểu hiện liên quan và đặc trưng của bệnh ĐTĐ typ 2, còn biến đổi các chỉ số còn lại là sự liên quan đến các YTNC khác như dư cân, béo phì, THA… . Như vậy trên thực tế đặc điểm RLLP ở BN ĐTĐ typ 2 thường là biến đổi phối hợp vừa đặc trưng cho ĐTĐ typ 2 vừa đặc trưng cho các YTNC khác kèm theo. Kết quả trên đây cũng phù hợp với quan sát của nhiều tác giả trong và ngoài nước [7].
3. Mối liên quan giữa rối loạn lipid máu với chỉ số nhân trắc và tăng huyết áp.
Rối loạn lipid máu ở bất kì đối tượng nào hoặc bệnh gì cũng đều có các YTNC liên quan mà BN ĐTĐ typ 2 cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy trên thực tế, RLLP máu ở BN ĐTĐ typ 2 thường có mối liên quan đa chiều với bệnh chính và YTNC đi kèm [3]. Khảo sát mối liên quan giữa RLLP với chỉ số nhân trắc như BMI hoặc béo bụng dựa vào chu vi vòng bụng đều có giá trị trung bình các chỉ số triglycerid, non – HDL-c cao hơn, HDL-c giảm hơn có ý nghĩa so với các mức ngược lại, trong khi đó cholesterol, LDL-c liên quan không có ý nghĩa. Dư cân, béo phì, tăng chu vi vòng bụng đều là những biểu hiểu rối loạn chuyển hóa thường kèm theo sự gia tăng bề dày lớp mỡ dưới da đặc biệt vùng bụng. Chính vì vậy rối loạn chuyển hóa lipid ở những đối tượng có dư cân, béo phì lại gần gũi với cơ chế bệnh sinh của RLLP ở BN ĐTĐ typ 2, do đó mối liên quan có ý nghĩa giữa các chỉ số lipid máu đặc trưng ở BN ĐTĐ typ 2 với các chỉ số nhân trắc cũng là những kết quả logic, phù hợp với lý thuyết [4], [5].
Khác với các chỉ số nhân trắc, RLLP liên quan với THA ở BN ĐTĐ typ 2 có kết quả gần như ngược lại, theo đó ở BN kèm THA có nồng độ trung bình cholesterol, LDL-c, non-HDL-c cao hơn có ý nghĩa, còn triglycerid và HDL-c liên quan không có ý nghĩa. Mặc dù đều là YTNC tim mạch, chuyển hóa song THA lại có một số một cơ chế, biến đổi khác so với dư cân, béo phì. Chính sự khác biệt này tạo ra mối liên quan giữa RLLP với THA biểu hiện sự khác biệt so với chỉ số nhân trắc cũng như những RLLP đặc trưng cho BN ĐTĐ typ 2. Như vậy ở BN ĐTĐ typ 2 khi kèm dư cân, béo, THA sẽ có biểu hiện RLLP hỗn hợp vừa liên quan đến bệnh chính vừa liên quan đến các YTNC đi kèm [6], [7].
KẾT LUẬN
+ Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có biểu hiện hỗn hợp trong đó tỷ lệ tăng các chỉ số theo thứ tự giảm dần là: non – HLD-c, LDL-c, triglycerid, cholesterol. Giảm HDL-c gặp với tỷ lệ thấp nhất.
+ Bệnh nhân đồng thời tăng triglycerid và giảm HDL-c gặp 41,7%.
+ Dư cân, béo phì, tăng chu vi vòng bụng có nồng độ non – HDL-c, triglycerid cao hơn, HDL-c thấp hơn so với không dư cân, béo hoặc chu vi vòng bụng bình thường.
+ Bệnh nhân kèm tăng huyết áp có nồng độ non – HDL-c, cholesterol, LDL-c cao hơn so với bệnh nhân không có tăng huyết áp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Văn Hiên (2007), “Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 lần đầu phát hiện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương”, Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành nội tiết và chuyển hóa lần thứ 3, Hà Nội, tr. 661-665.
- Nguyễn Đức Hoan (2009), “Nghiên cứu rối loạn lipid máu, kháng insulin và tổn thương một số cơ quan ở bệnh nhân nam có rối loạn glucose máu lúc đói”, Luận án tiến sỹ y khoa, Học viện Quân Y.
- Nguyễn Thy Khuê (1997), “Rối loạn lipid máu trên bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin”, Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh – Chuyên đề nội tiết, 3,5 -14.
- Buse JB (2004), “The effects of oral anti-hyperglycaemic medications on serum lipid profiles in patients with type 2 diabetes”, Diabetes, Obesity and metabolism, Vol 6, Issue 2, pp. 133-135.
- Dongway AC (2015), “C-reactive protein is associated with low-density lipoprotein cholesterol and obesity in type 2 diabetic Sudance”, Diabetes Metab Syndr Obes; 8: pp. 427-435.
- Goldberg I (2001), “Diabetic dyslipidemia: cause and consequences”, JCEM, 86: pp. 965-971.
- Krauss RM. (2004), “Lipid and Lipoproteins in Patients With Type 2 Diabetes”, Diabetes Care; 27(6): pp. 1496-1504.
- Liu J, Christopher T. et al. (2006), “Non – High – Density Lipoprotein and very-low-density lipoprotein Cholesterol and their risk predictive values in coronary heart disease”, Am J Cardiol, 98: pp. 1363-1368.