Đánh giá vai trò của các kháng thể kháng giáp ở bệnh nhân bướu giáp tự miễn trẻ em

ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA CÁC KHÁNG THỂ KHÁNG GIÁP

Ở BỆNH BƯỚU GIÁP TỰ MIỄN TRẺ EM

Lê Thỵ Phương Anh, Hoàng Thị Thủy Yên

Trường Đại học Y Dược Huế

ABSTRACT

Evaluate the role of thyroid auto- antibodies in children with autoimmune thyroid goiter

Objective: Evaluate the level of thyroid auto- antibodies in children with autoimmune thyroid goiter. Method: Retrospective descriptive study. Results:In 34 patients with goiter and positive thyroid peroxidase antibody at Hue Pediatric Centre and Pediatric Departement – Hue Medicine and Pharmacy University, the level of auto- antidodies increased highly. There is no significantly difference when compared the level of Thyroid peroxidase antibody, thyroglobulin antibody between three groups: hyperthyroidism, euthyroidism, hypothyroidism. Thyroid peroxidase antibody has no relation with the thyroid goiter volume, clinical symtoms, TSH, FT4 level. Thyroid peroxidase antibody level has the medium possitive corelation with thyroglobulin antibody level (r=0,36 with p<0,05). Proposal: This study suggests that thyroid peroxidase antibody should be used to diagnosis, monitoring the auto-immune thyroid disease instead of using both thyroid peroxidase antibody and thyroglobulin antibody.

Keywords: auto-immune thyroid goiter; auto-immune thyroid disease; thyroid auto-antibody; thyroid peroxidase antibody; thyroglobulin antibody

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá vai trò của các kháng thể kháng giáp ở bệnh bướu giáp tự miễn trẻ em. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Nghiên cứu trên 34 trẻ em được chẩn đoán bệnh bướu giáp tự miễn khi có bướu giáp và kháng thể kháng thyroid peroxidase (TPO Ab) dương tính tại trung tâm Nhi khoa Huế và khoa Nhi bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế thấy nồng độ các kháng thể kháng giáp  tăng rất cao. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nồng độ các kháng thể kháng thyroglobulin (Tg Ab) và kháng thể kháng thyroid peroxidase giữa ba nhóm bệnh bướu giáp tự miễn cường giáp, bình giáp và suy giáp (p> 0,05). Không có mối tương quan giữa nồng độ TPO Ab với thể tích tuyến giáp, triệu chứng lâm sàng cũng như nồng độ TSH, FT4. Có mối tương quan thuận mức độ trung bình giữa nồng độ kháng thể kháng thyroglobulin và kháng thể kháng thyroid peroxidase (r=0,36, p<0,05). Kiến nghị: Nghiên cứu khuyến cáo nên dùng kháng thể kháng thyroid peroxidase để chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân mắc bệnh bướu giáp tự miễn thay vì sử dụng cả hai loại kháng thể.

Từ khóa: bướu giáp tự miễn; bệnh tuyến giáp tự miễn; kháng thể kháng giáp; kháng thể kháng thyroid peroxidase; kháng thể kháng thyroglobulin.

Chịu trách nhiệm chính: Lê Thỵ Phương Anh

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh bướu giáp tự miễn gây ra các rối loạn về việc tổng hợp hormone giáp, bệnh có thể gây ra các biến đổi nặng nề về phát triển tâm thần vận động hoặc ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy chẩn đoán sớm bệnh bướu giáp tự miễn luôn là một thách thức đối với người thầy thuốc trên lâm sàng. HơTuy nhiên không phải bất kì cơ sở nào cũng có thể làm các xét nghiệm về nồng độ các kháng thể kháng giáp. Điều đó dễ dẫn tới chẩn đoán nhầm sang bệnh lý tuyến giáp khác như bướu giáp đơn và liệu trình điều trị cũng sẽ khác đi, đặc biệt khi trẻ ở giai đoạn bình giáp. Vì vậy, làm thế nào để hạn chế những nhầm lẫn, chẩn  đoán  sớm  và  điều  trị  đúng những rối loạn do bệnh gây ra là điều rất quan trọng.

Hiện nay có rất ít các nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý này trong khi bệnh ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục tiêu đánh giá nồng độ các kháng thể kháng giáp ở bệnh bướu giáp tự miễn.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng:

34 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh bướu giáp tự miễn, được theo dõi điều trị ngoại trú tại trung tâm Nhi khoa Huế và khoa Nhi bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

Tiêu chuẩn chọn bệnh:

Các bệnh nhi được chẩn đoán bệnh bướu giáp tự miễn với các tiêu chuẩn sau: tất cả bệnh nhi có bướu giáp lớn lan tỏa và kháng thể kháng TPO dương tính (> 34UI/ml) [4].

Tiêu chuẩn loại trừ

– Bướu giáp nhưng TPO Ab(-)

2.2. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang

2.3. Xử lý số liệu: sử dụng phần mềm Medcal 12.3.0

2.4. Đạo đức nghiên cứu: Bệnh nhân tự nguyện tham gia và có quyền rút lui khỏi nghiên cứu bất cứ thời  điểm nào và các thông tin bệnh nhân được mã hóa, giữ bí mật.

3. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung

Tuổi trung bình là 10,18 ± 3,46 (nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất 15 tuổi), nhóm tuổi thường gặp nhất là 7-11 tuổi chiếm tỷ lệ 44,1%. Trẻ nữ gặp nhiều hơn 3,85 lần so với trẻ nam, đa số ở vùng nông thôn 61,8%. Bướu giáp cường giáp chiếm đa số với 58,8%, bình giáp 17,6%, suy giáp 23,6%.

3.2. Nồng độ các kháng thể kháng giáp rất cao ở các bệnh nhân mắc bướu giáp tự miễn 

Bảng 1. Nồng độ TPOAb theo phân loại bệnh bướu giáp tự miễn

Nhận xét: Trong bệnh Bướu giáp tự miễn cường giáp, nồng độ TPO Ab là 662,42 ± 355,16IU/ml; với Bướu giáp tự miễn suy giáp, nồng độ TPO Ab là 817,26 ±  326,84IU/ml, trong bướu giáp tự miễn bình giáp, nồng độ TPO Ab là 635,11 ±  320,99IU/ml. Sự khác biệt giữa nồng độ TPO Ab của 3 bệnh bướu giáp tự miễn không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Bảng 2. Nồng độ TGAb theo phân loại bệnh bướu giáp tự miễn

Nhận xét:
Trong bệnh Bướu giáp tự miễn cường giáp, nồng độ Tg Ab là 532,80 ± 428,99IU/ml; với Bướu giáp tự miễn suy giáp, nồng độ Tg Ab là 1292,57 ±  1673,98 UI/ml, trong bướu giáp tự miễn bình giáp, nồng độ Tg Ab là 485,92 ±  407,78IU/ml.

Sự khác biệt giữa nồng độ Tg Ab của 3 bệnh bướu giáp tự miễn không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

3.3. Liên quan giữa nồng độ TPO Ab với một số triệu chứng lâm sàng

3.3.1. Liên quan giữa nồng độ TPO Ab với độ lớn bướu giáp

Bảng 3. Liên quan giữa nồng độ TPO Ab với độ lớn bướu giáp

Nhận xét: Không có mối tương quan giữa độ lớn bướu giáp với nồng độ TPO Ab (p > 0,05).

3.3.2. Liên quan giữa nồng độ TPO Ab với một số triệu chứng lâm sàng 

Bảng 4. Liên quan giữa nồng độ TPO với một số triệu chứng lâm sàng

Nhận xét: Không có mối tương quan giữa TPO Ab với các triệu chứng lâm sàng của tuyến giáp (p>0,05).

3.4. Liên quan giữa nồng độ TSH, FT4 với TPO Ab, Tg Ab

Bảng 5. Liên quan giữa nồng độ TSH, FT4 với nồng độ TPO Ab

Nhận xét: Các­ mối tương quan không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

3.5. Liên quan giữa nồng độ Tg Ab với nồng độ TPO Ab

Bảng 6. Liên quan giữa các nồng độ Tg Ab với nồng độ TPO Ab

Nhận xét: Có mối tương quan thuận mức độ trung bình giữa nồng độ Tg Ab với TPO Ab (p < 0,05).

4. BÀN LUẬN

Ở bảng1, nồng độ TPO Ab ở bệnh bướu giáp tự miễn tăng rất cao lần so với mức bình thường. Tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa về nồng độ TPO Ab giữa 3 bệnh bướu giáp tự miễn (p > 0,05).

Trong bệnh bướu giáp tự miễn cường giáp, nồng độ TPO Ab là 662,42 ± 355,16 IU/ml; nghiên cứu của Nguyễn Thị Thảo Trinh có nồng độ TPOAb thấp hơn là 421,75 (337,15 – 593,57) IU/ml [2], của Võ Thị Thùy Nga và cộng sự là 340,24± 240,75 IU/ml [3] (kết quả này nghiên cứu trên đối tượng người lớn). Nghiên cứu này chọn bệnh nhân phải có bướu giáp nên có lẽ mức kháng thể ở giai đoạn này cao hơn so với trung bình chung của hai nghiên cứu trên (không đòi hỏi phải có bướu giáp).

Với bướu giáp tự miễn suy giáp, nồng độ TPO Ab là 817,26 ±  326,84 IU/ml, cao hơn nghiên cứu của Nabhan M.Z. với nồng độ TPOAb là 559,3 ± 1019 IU/ml [11], Dunbar 464± 585 UI/ml [7].

Trong bướu giáp tự miễn bình giáp, nồng độ TPO Ab là 635,11 ±  320,99 IU/ml. Theo nghiên cứu của Dunbar B. nồng độ TPO Ab ở bệnh tuyến giáp tự miễn bình giáp thấp hơn là 426± 570 UI/ml [7]. Tuy nhiên theo Prummel, sự hiện diện của TPO Ab ở bệnh nhân bình giáp có mối liên quan với nguy cơ chuyển sang suy giáp rõ trên lâm sàng: nếu TPO Ab âm tính, nguy cơ là 4%, dương tính yếu 23%, dương tính trung bình 33%, dương tính mạnh 53%. Đó là lí do tại sao chúng ta phải sàng lọc TPO Ab trên lâm sàng cho tất cả bệnh nhân có bướu giáp bình giáp [13].

Trong nghiên cứu của Ozsu E., Dunbar B. có nói rằng nồng độ kháng thể kháng giáp không có sự khác biệt có ý nghĩa theo phân loại chức năng tuyến giáp, giống như nghiên cứu của chúng tôi [7], [12]. Như vậy nồng độ TPO Ab không giúp gợi ý phân nhóm bệnh bướu giáp tự miễn.

Theo nhiều tài liệu, TPOAb có độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh tuyến giáp tự miễn cao hơn so với TGAb, vì vậy nhiều bệnh viện và phòng xét nghiệm ưu tiên chọn TPOAb để sàng lọc bệnh tuyến giáp tự miễn [4], [5].

Theo bảng 2 (n=26), ở bệnh bướu giáp tự miễn cường giáp, nồng độ Tg Ab là 532,80 ± 428,99 IU/ml; với bệnh bướu giáp tự miễn suy giáp, nồng độ Tg Ab là 1292,57 ±  1673,98 IU/ml, trong bướu giáp tự miễn bình giáp, nồng độ Tg Ab là 485,92 ±  407,78 IU/ml. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 loại bệnh bướu giáp tự miễn (p>0,05).

Trong các nghiên cứu về bệnh tuyến giáp tự miễn, người ta ít đề cập đến Tg Ab hơn là TPO Ab. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thảo Trinh về bệnh Basedow có nồng độ Tg Ab khá tương đương là 556,15 (447,66-671,43) IU/ml [2], nghiên cứu của Ozsu về bệnh Hashimoto có nồng độ Tg Ab thấp hơn là 760 (4,7- 7288) UI/ml [12], chưa tìm thấy tài liệu nào nói về nồng độ Tg Ab ở bệnh bướu giáp tự miễn bình giáp.

Tần suất Tg Ab dương tính trong các nghiên cứu khác cũng thấp hơn so với TPO Ab. Jaruratanasirikul S. nghiên cứu về bệnh Basedow có 71,4% dương tính với Tg Ab [8], De Vries L., nghiên cứu bệnh Hashimmoto thấy tỷ lệ dương tính của Tg Ab lần lượt là 69,9%, thấp hơn so với tần suất dương tính của TPO Ab  [6].

Trong  nhiều y văn gần đây, người ta đề nghị làm Tg Ab khi TPO Ab âm tính ở những bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến giáp. Và nếu cả hai xét nghiệm âm tính ta có thể hầu như loại trừ bệnh tuyến giáp tự miễn [5], [14].

Ta thấy không có sự tương quan giữa nồng độ TPOAb và độ lớn bướu giáp ở bảng 3.

Võ Thị Thùy Nga, Nguyễn Thị Thảo Trinh ghi nhận có mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa TPO Ab và độ lớn bướu giáp [3], [2]. Tuy nhiên nghiên cứu của Nguyễn Thị Diễm Chi, Yamaguchi lại nhận thấy không có sự tương quan giữa TPO Ab và độ lớn bướu giáp [1], [15].

Các tác giả giải thích rằng các tự kháng ví dụ như TRAb ở bệnh Basedow có tác dụng như TSH kích thích tăng trưởng tuyến giáp. Mặt khác sự tăng sinh mạch máu tại các vùng tuyến giáp bị viêm cũng gây tăng thể tích tuyến giáp. Ngoài ra các kháng thể như TGI (Thyroid Growth Immunoglobulin), TSI đóng vai trò chính trong việc làm tăng sinh tuyến giáp. Do đó trong nghiên cứu này không tìm thấy mối tương quan giữa TPO Ab và độ lớn bướu giáp.

Bảng 4 cho thấy không có mối tương quan giữa TPO Ab và các triệu chứng run tay, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi lòng bàn tay, hồi hộp, mệt ngực (p>0,05). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Diễm Chi cũng cho thấy không có mối tương quan giữa TPO Ab và nhịp tim nhanh [1]. Có thể các triệu chứng cường giao cảm trên bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các hormone giáp hơn là TPO Ab.

Bảng 5 cho thấy không có mối tương quan giữa nồng độ FT4 cũng như TSH với TPO Ab (p>0,05). Kết quả này tương tự với kết luận nghiên cứu của Nguyễn Thị Diễm Chi và Võ Thị Thùy Nga [1], [3]. Có tài liệu ghi nhận rằng hoạt động độc tế bào của TPO Ab không có mối liên hệ với nồng độ của nó [9]. Hơn nữa có thể do kháng thể này nằm ở màng tế bào giáp nên ít ảnh hưởng đến sự tổng hợp hormone giáp.

Có mối tương quan thuận mức độ trung bình giữa hai kháng thể TPO Ab và Tg Ab (p<0,05) ở bảng 5.

TPO Ab và Tg Ab là các kháng thể liên quan đến quá trình thâm nhiễm và phá hủy tế bào tuyến giáp trong bệnh tuyến giáp tự miễn. Theo McLachlan, nồng độ TPO Ab và Tg Ab luôn có sự dao động song song với nhau, và ông cũng chỉ ra điều đó trong các nghiên cứu của các đồng nghiệp khác ví dụ như trong điều trị Basedow, trong viêm giáp hậu sản…[10].

Như vậy trên lâm sàng thay vì theo dõi sự biến đổi của cả hai kháng thể, ta có thể chỉ cần theo dõi TPO Ab là đủ. 

5. KẾT LUẬN

Nồng độ các kháng thể kháng giáp tăng rất cao trong bệnh bướu giáp tự miễn trẻ em.

Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nồng độ các kháng thể kháng thyroglobulin (Tg Ab) và kháng thể kháng thyroid peroxidase giữa ba nhóm bệnh bướu giáp tự miễn cường giáp, bình giáp và suy giáp (p> 0,05). Không có mối tương quan giữa nồng độ TPO Ab với thể tích tuyến giáp, triệu chứng lâm sàng cũng như nồng độ TSH, FT4.

Có mối tương quan mức độ thuận về nồng độ giữa kháng thể kháng thyroid peroxidase và kháng thể kháng thyroglobulin.

Đề nghị

Tuy mối tương quan giữa TPO Ab và Tg Ab trong nghiên cứu chỉ ở mức độ trung bình vì cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn nhỏ, nhưng dựa vào các nghiên cứu của các đồng nghiệp ở trên chúng tôi khuyến cáo dùng kháng thể kháng thyroid peroxidase để chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân mắc bệnh bướu giáp tự miễn thay vì sử dụng cả hai loại kháng thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Diễm Chi (2012), Nghiên cứu sự biến đổi kháng thể kháng giáp trong điều trị nội khoa bệnh Basedow trẻ em. Luận án chuyên khoa cấpII,Trường Đại học Y Khoa Huế.
  2. Nguyễn Thị Thảo Trinh (2011), Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh Basedow trẻ em tại khoa Nhi bệnh viện Trung Ương Huế. Luận văn thạc sĩ y học của bác sỹ nội trú Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.
  3. Võ Thị Thuỳ Nga và cộng sự (2008), Nghiên cứu nồng độ hai tự kháng thể TPO và Tg ở bệnh nhân Basedow. Tạp chí y học thực hành (616+617): 422-427.
  4. Amino N., Lazarus H.J., and De Groot J.L. (2016), Chronic (Hashimoto’s) Thyroiditis, Endocrinology: Adult and Pediatric,. 1516-1527.
  5. Cappa M., Bizzarri C., and Crea F.(2011), Autoimmune Thyroid Diseases in Children. Journal of Thyroid Research. 2011: 1-13.
  6. De Vries L., Bulvik S., and Phillip M.(2009), Chronic autoimmune thyroiditis in children and adolescents: at presentation and during long-term follow-up. Arch Dis Child. 94: 33-37.
  7. Dundar B. et al. (2011), Hashimoto thyroiditis in children and adolescents: evaluation of clinical and laboratory findings. Turkish Archives of Pediatrics. 46: 309-313.
  8. Jaruratanasirikul S., Leethanaporn K., and Sriplung H. (2006), Thyrotoxicosis in Children: Treatment and outcome. J Med Assoc Thai. 89(7): 967-973.
  9. Latrofa F.andPinchera A. (2008), Autoimmune Hypothyroidism, Autoimmune Disease in Endocrinology. 137-164.
  10. McLachlan M.S.andRapoport B. (2004), Why Measure Thyroglobulin Autoantibodies Rather Than Thyroid Peroxidase Autoantibodies?, THYROID. Mary Ann Liebert. 510-520.
  11. Nabhan M.Z., Kreher C.N., and Eugster A.E. (2005), Hashitoxicosis in children: clinical features and natural history. J Pediatric. 146: 533-536.
  12. Özsu Elif, et al. (2011), Characteristics of our patients with Hashimoto thyroiditis. Turk Arch Ped. 46: 244-247.
  13. Prummel F.M. andWiersinga M.W. (2005), Thyroid peroxidase autoantibodies in euthyroid subjects. Best Practice and Research Clinical Endocrinology and Metabolism. 19(1): 1-15.
  14. Swain M., Swain T., and Mohanty K.B. (2005), Autoimmune Thyroid Disorders – An Update. Indian Journal of Clinical Biochemistry. 20 (1): 9-17.
  15. Yamaguchi Y et al. (1990), Changes in thyroid volumne during antithyroid drug therapy for Graves’ disease and its relationship to TSH receptor antibodies, TSH and thyroglobulin. Acta Endocrinologica(Copenh). 123(40): 411-415.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …