KẾT QUẢ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT BẰNG CHẾ ĐỘ ĂN VÀ LUYỆN TẬP Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
1Vũ Quỳnh Trang , 2Nguyễn Khoa Diệu Vân,3Nghiêm Nguyệt Thu
1Bệnh viện Nội tiết Trung ương, 2Trường Đại học Y Hà Nội, 3Viện Dinh dưỡng Quốc gia,
ABSTRACT
A study of glycemic control with diet in gestational diabetic patients
Background: Nutrition intervention is considered as the primary therapeutic strategy for gestational diabetes mellitus (GDM). Objectives: To evaluate the effects of nutrition therapy in glycemic control amongGDM patients. Methods:A prospective study of 95 women between 24 and 34 weeks’ gestation diagnosed asGMD according to ADA 2014 criteria was undertaken in Bach mai hospital.Nutrition therapy was prescribed individually by a team of dietitian, and endocrinologist and it was adjusted during the pregnancy if necessary. The blood glucose was monitored until the end of pregnacy.Maternal and neonatal outcomes was recorded including birth weight, serious perinatal complications, induction of labor, cesarean birth. Results: The average age was 29,3±4,2 years, the average gestation week was 29,6 ±2,6 weeks, and there was 4% GDM women aged over 35. The prevalence of GDM patients with glycemic control was 88,6% using nutritional treatment, only 3,2% using insulin in combination. There were insignificant differences in ceasarean section, birth weight, prenatal BMI in 2 groups with nutritional treatment or insulin in combination. Gestational weight gain below, within and above IOM recommendation was 35,8%, 35,8% and 28,3% respectively. Birthweight was significantly higher in GMD patients with weight gain above IOM recommendation than those of weight gain within IOM recommendations (3386,6 gr vs 3031,6 gr, p= 0,01). Conclusion: Most of GDM patients cansuccessfully regulate maternal glycaemia using diet alone. Therefore, medical nutritional therapy is the first line of defense and treatment for GDM women.
Keywords: Gestational Diabetes Mellitus, nutrition therapy, diet, exercisie
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Quản lý dinh dưỡng được coi là nền tảng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK). Mục tiêu: xác định kết quả kiểm soát glucose máu và tìm hiểu một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ điều trị bằng tư vấn dinh dưỡng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến hành trên 95 thai phụ ĐTĐ thai kỳ được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ADA 2014 tại bệnh viện Bạch mai. Thai phụ được phỏng vấn theo bộ câu hỏi, hướng dẫn, kê đơn, theo dõi thực hiện chế độ ăn luyện tập (theo phác đồ đã thống nhất) cho từng bệnh nhân đến kết thúc thai kỳ. Thai phụ được quản lý, hướng dẫn bởi nhóm nghiên cứu bao gồm: chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa Dinh dưỡng. Kết quả: Tuổi trung bình của đối tượng là 29,3±4.2, trong đó 7,4% đối tượng ≥35 tuổi (n=7) với tuổi thai trung bình là 29,6 ±2,6 tuần. Tỷ lệ thai phụ kiểm soát glucose máu bằng chế độ ăn chiếm 88,6% (n=44), chỉ có 3 đối tượng sử dụng insulin (3,2%). Tỷ lệ sinh mổ, cân nặng lúc sinh, BMI trước khi mang thai có sự khác biệt giữa 2 nhóm điều trị bằng chế độ ăn và bằng insulin nhưng không có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ tăng cân trong thai kỳ của thai phụ ít hơn mục tiêu, đạt mục tiêu, nhiều hơn mục tiêu khuyến cáo của IOM tương ứng là: 35,8%; 35,8%; 28,4%. Cân nặng trẻ lúc sinh cao hơn có ý nghĩa ở nhóm tăng cân nhiều hơn khuyến cáo IOM so với nhóm đạt mục tiêu IOM (3386,6 gr so với 3031,6 gr, p= 0,01). Kết luận: Chế độ dinh dưỡng điều trị giúp kiểm soát glucose máu ở hầu hết các đối tượng, do vậy quản lý dinh dưỡng cần được coi là biện pháp điều trị chính đối với đái tháo đường thai kỳ.
Từ khóa: Đái tháo đường thai kỳ, liệu pháp dinh dưỡng, chế độ ăn, tập luyện
Chịu trách nhiệm chính: Vũ Quỳnh Trang
Ngày nhận bài: 01/4/2019
Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019
Ngày duyệt bài: 30/4/2019
1.ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK), rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thời kỳ mang thai. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, ĐTĐTK sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh kiểm soát glucose máu là mục tiêu quan trọng nhất để cải thiện kết cục thai kỳ. Trong đó can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho thai phụ ĐTĐTK được công nhận là nền tảng của liệu pháp điều trị ở tất cả hướng dẫn về quản lý ĐTĐTK của các hiệp hội chuyên ngành.Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy 70-85% thai phụ ĐTĐTK có thể kiểm soát ĐTĐTK chỉ bằng cách điều chỉnh lối sống.Tuy nhiên trong thực hành tại Việt nam, chưa có phác đồ quản lý dinh dưỡng thống nhất giữa các nhà dinh dưỡng tiết chế và bác sĩ chuyên ngành nội tiết cũng như các bằng chứng, các nghiên cứuvề quản lý chế độ ăn trên đối tượng này ở người Việt Nam còn hạn chế. Do vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: Nhận xét kết quả kiểm soát glucose máu và tìm hiểu một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ điều trị bằng chế độ ăn và luyện tập.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là những thai phụ được chẩn đoán, điều trị ngoại trúĐTĐTK tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 4 năm 2019. Đối tượngđược chẩn đoán ĐTĐTK khimang thai từ tuần thai thứ 24- 34 theo ADA 2014, đồng ý tham gia nghiên cứu, loại trừcác trường hợp được chẩn đoán ĐTĐ từ trước khi mang thai,dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản,mắc các bệnh có ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose và các bệnh cấp tính hoặc trong tình trạng stress và đang sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose.
2.2. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu
2.3. Phương pháp thu thập số liệu
2.3.1.Hướng dẫn chế độ ăn, luyện tập đối tượng nghiên cứu
Thai phụ ngay sau khi chẩn đoán ĐTĐTK được giáo dục thay đổi lối sống, hướng dẫn, kê đơn chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp bởi nhóm nghiên cứu bao gồm: bác sĩ nội tiết, bác sĩ dinh dưỡng và cử nhân dinh dưỡng (theo phác đồ dinh dưỡng đã thống nhất cùng Viện Dinh dưỡng). Ban đầu đối tượng được điều tra khẩu phần ăn hàng ngày bằng phương pháp hỏi ghi khẩu phần ăn 24 giờ qua đánh giá năng lượng và các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn điển hình, thói quen ăn uống của thai phụ.
Thai phụ cũng được điều tra hoạt động thể lực thường ngày bằng mẫu phiếu, sau đó được hướng dẫn mục đích và nguyên tắc chế độ ăn luyện tập đối với ĐTĐTK, hướng dẫn lựa chọn và chuyển đổi thực phẩm. Thai phụ được kê đơn chế độ ăn với mức năng lượng (Theo khuyến cáo Quốc gia về Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú )và cân bằng các chất sinh năng lượng như sau: 50 – 55% từ carbohydrate (tối thiểu 175 gram), 15-20% từ protein, và 25-30% từ lipid, tăng chất xơ, số lượng bữa ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Việc kê đơn dinh dưỡng, hoạt động thể lực được cá thể hoá dựa trên thói quen ăn uống, chỉ số BMI trước khi mang thai (tính toán từ cân nặng, chiều cao hỏi lại trước khi mang thai), mức glucose máu huyết tương, mức độ tăng cân, mức độ hoạt động thể lực.Nếu không có chống chỉ định, các bài tập thể dục mức độ vừa phải hàng ngày 20- 30 phút được được khuyên.
2.3.2. Theo dõi điều trị:Thai phụ được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp vào ngày đến khám và được hướng dẫn tự ghi chép nhật ký chế độ ăn, tự theo dõi đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết 4- 6 lần mỗi ngày: lúc đói, trước và sau khi ăn.
Thai phụ được tiếp tục theo dõi và hướng dẫn chế độ ăn, luyện tập bằng điện thoại trung bình 1 tuần/ lần trong 1 tháng đầu tiên, tần suất nhiều hơn nếu thai phụ gặp các khó khăn khi thực hiện chế độ ăn hoặc không tuân thủ. Việc theo dõi, điều chỉnh thực đơn dựa trên kết quả tự theo dõi glucose, sự thích nghi của thai phụ và tốc độ tăng cân của thai phụ(dựa theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ – IOM), phát triển của thai nhi.
Giám sát kiểm soát glucose máu, cân nặng của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong các lần tái khám. Đối với thai phụ không đạt mục tiêu kiểm soát glucose máu trong vòng 1 tuần tuân thủ, sẽ được cân nhắc điều trị bổ sung Insulin theo quyết định bác sĩ chuyên khoa Nội tiết
2.3.3. Thu thập số liệu:Thai phụ được hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng theo mẫu bệnh ánnghiên cứu thống nhất. Mức độ kiểm soát glucose máu dựa trên glucose huyết tương khi tái khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết (kiểm soát tốt hoặc kém), được coi là kiểm soát đường huyết tốt khi có tối thiểu 70% số lần thử glucose máu tại nhà đạt mục tiêu.
2.4. Các tiêu chí đánh giá:
– Đánh giá kiểm soát đường huyết trong thai kỳ: theo ADA 2014
– Yếu tố nguy cơ của ĐTĐTK: Theo Hội nghị quốc tế (HNQT) lần thứ 4 về ĐTĐTK
– Mức độ tăng cântrong thai kỳ: Theo khuyến cáo của IOM năm 2009 và phân nhóm mức tăng cân trong thai kỳ so với khuyến cáo: ít hơn, đạt mục tiêu, nhiều hơn
– Kết quả sơ sinh: thai to (khi trọng lượng sinh ra nằm trên đường bách phân vị thứ 90th so với tuổi thai hoặc trên 4000g), sơ sinh nhẹ cân (khi trọng lượng sơ sinh lúc sinh < 2500g)
– Nguy cơ tai biến cho mẹ: Đẻ non (khi thai được sinh trong khoảng từ 28 đến 37 tuần), thai lưu, bất thường về ối (dư ối/thiểu ối)
2.5. Xử lý số liệu
Các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình. Thống kê phân tích được thực hiện thông qua các test như khi bình phương so sánh các tỷ lệ, Mann-Whitney test đối với so sánh 2 nhóm. Phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng để khảo sát mối tương quan giữa các biến. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Nhận xét kết quả kiểm soát glucose máu
Bảng 1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
.Bảng 1 chỉ ra có 100 thai phụ ĐTĐTK tham gia nghiên cứu, trong đó có 5 thai phụ bị mất liên lạc, 53 thai phụ đã kết thúc quá trình thai kỳ. Hầu hết thai phụ trong nhóm tuổi trên 25 tuổi chiếm87,4% vớituổi thai trung bình lúc tham gia nghiên cứu là 29,6 2,6 tuần.
BMI trước khi mang thai nhóm thai phụ có BMI trước khi mang thai (18,5 – 22,9 kg/m2) chiếm tỷ lệ cao nhất 72,6% (n= 69), nhóm thai phụ có BMI trước khi mang thai >23 kg/m2 chiếm 18,9% (n= 18)
Bảng 2. Tốc độ tăng cân, cân nặng trước khi chẩn đoán theo các mức BMI
Bảng 2 cho thấy nhóm thai phụ có BMI trước mang thai > 23 có tốc độ tăng cân/ tuần đến khi chẩn đoán trung bình cao hơn 1,45 lần so với nhóm có BMI18,5-22,9 (p< 0.01).
Cân nặng lúc chẩn đoán của nhóm thai phụ có BMI trước mang thai > 23 cao gấp 1,13 lần so với Nhóm thai phụ có BMI trước mang thai 18,5-22,9.
3.2. Nhận xét kết quả kiểm soát glucose máu và yếu tố liên quan
Trong nghiên cứu này có 53/95 thai phụ đã sinh, trong số thai phụ đã sinh có 9 đối tượng không đồng ý tái khám chuyên khoa nội tiết và tự theo dõi glucose máu tại nhà, nên không đánh giá glucose máu trong quá trình theo dõi.
Bảng 3. Kiểm soát glucose máu, tự theo dõi glucose máu và tuân thủ tái khám.
* p= 0.014
Tỷ lệ thai phụ đạt mục tiêu glucose máu khi mang thai là 88,6% (n=39/44)
Tự theo dõi glucose máu tại nhà phát hiện được 100% (5/5)thai phụ không đạt mục tiêu glucose máu(p= 0.014), trong số đó chỉ có 3/5 thai phụ tái khám.
Bảng 4. Phương pháp điều trị theo mức độ kiểm soát glucose máu
*Được chỉ định khi Glucose máu không đạt mục tiêu bằng chế độ ăn luyện tập
Hầu hết thai phụ điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập 94,3% (n=50). Có 2/3 (40%) thai phụ không đạt mục tiêu glucose máu nhưng vẫn điều trị bằng chế độ ăn luyện tập (p>0.05).
Bảng 5. Mức độ tăng cân và tình trạng kiểm soát glucose máu bằng chế độ ăn
Nhóm thai phụ không đạt mục tiêu glucose máu có tỷ lệ đạt mục tiêu tăng cân theo khuyến cáo là 80% (n= 4/5), không có thai phụ nào có mức độ tăng cân thấp hơn khuyến cáo.
Bảng 6. Kết quả sản khoa, tai biến sản khoa theo kết quả điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập
Tỷ lệ mổ đẻ ở nhóm không đạt mục tiêu cao nhất là 80%. Tai biến sản khoa nhiều nhất là Thai to chiếm tỷ lệ 11,3%. Tỷ lệ thai to, đẻ non, trong nhóm điều trị đạt mục tiêu cao hơn nhóm không đạt mục tiêu, p >0.05
3.3. Nhận xét kết quả mục tiêu kiểm soát cân nặng và một số yếu tố liên quan
Tỷ lệ tăng cân gần bằng nhau giữa 3 nhóm ít hơn, đạt mục tiêu, nhiều hơn theo khuyến cáo IOM lần lượt là 35,8%, 35,8% và 28,4%
Tuổi thai phụ trung bình ở nhóm nhóm thai phụ tăng cân ít hơn khuyến cáo là cao nhất và cao hơn gấp 1,16 lần so với nhóm thai phụ tăng cân nhiều hơn khuyến cáo (p < 0.01)
So với nhóm thai phụ tăng cân ít hơn khuyến cáo, nhóm thai phụ tăng cân nhiều hơn khuyến cáo có tốc độ tăng cân trung bình/tuần sau khi chẩn đoán cao gấp 1.79 lần (p < 0.05)
Cân nặng trẻ lúc sinh trung bình ở Nhóm thai phụ tăng cân nhiều hơn khuyến cáo cao nhất trong 3 nhóm, gấp 1.12 lần so với Nhóm thai phụ tăng cân đạt mục tiêu khuyến cáo (p < 0.05). Cân nặng trẻ lúc sinh trung bình ở nhóm thai phụ đạt mục tiêu thấp nhất là 3031.5 314.5.
Nhóm thai phụ đạt mục tiêu đạt mục tiêu tăng cân có 100% cân nặng trẻ lúc sinh bình thường
Tỷ lệ xuất hiện tai biến sản khoa, cũng như tỷ lệ sinh mổ ở 3 nhóm gần như nhau (p>0.05)
4. BÀN LUẬN
Nghiên cứu này chỉ ra hầu hết thai phụ ĐTĐTK kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu bằng chế độ ăn với theo dõi điều trị phác đồ thống nhất, giữa chuyên gia dinh dưỡng tiết chế và bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
Nghiên cứu tiến hành trên các thai phụ với tuổi trung bình 29,3 4,1 tuổi, nhóm tuổi chiếm đa số là 25-34 tuổi. Tỷ lệ tương đồng với nghiên cứu của Trương Thị Phương Hảo (29,7 4,6). Tuổi thai trung bình là 29,6 2,6 tuần, muộn hơn so với các nghiên cứu khác cũng như hướng dẫn của ADA tầm soát ĐTĐTK ở tuần 24-28. Đây chính là đặc điểm của các đối tượng ĐTĐTK tại phòng khám chuyên khoa nội tiết, thường bệnh nhân được chuyển từ chuyên khoa sản, nên được chẩn đoán ĐTĐTK thời điểm muộn hơn.
Đối tượng trong nghiên cứu có BMI trước khi mang thai trung bình là 21,1 2,5, phần lớn thai phụ có BMI trước khi mang thai bình thường, chỉ có 18,9% thai phụ thai phụ có BMI thừa cân.
Tương tự như trong nghiên cứu của Nguyễn Hằng Giang (22,38 2,7).
Trong nghiên cứu, thai phụ ngay sau khi chẩn đoán được kê đơn chế độ ăn với nhu cầu năng lượng theo Khuyến cáo Quốc gia về Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Khác với nghiên cứu của Nguyễn Hằng Giang (theo ADA 2012) và nghiên cứu của Trương Thị Phương Thảo (theo ADA dựa trên BMI trước mang thai và cân nặng hiện tại) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do chúng tôi nhận thấy Khuyến cáo Quốc gia về Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú 2017 phù hợp với thai phụ Việt nam hơn so với Khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Mỹ. Các chất sinh năng lượng trong nghiên cứu gồm: 50 – 55% từ carbohydrate (tối thiểu 175 gram), 15-20% từ protein, và 25-30% từ lipid, tăng chất xơ, số lượng bữa ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Phác đồ tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Hằng Giang. Khác với nghiên cứu của Trương Thị Phương Thảo (carbohydrate 33- 40%).
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ đạt mục tiêu kiểm soát glucose máu bằng chế độ ăn và luyện tập là 88,6%. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Hằng Giang trên 224 thai phụ (91,5%) và nghiên cứu của Trương Thị Phương Thảo trên 166 thai phụ (90,3%).
Sự khác biệt này do cỡ mẫu của chúng tôi nhỏ hơn và thiết kế nghiên cứu khác nhau: tuổi thai, tiêu chí đánh giá kiểm soát glucose máu, đánh giá tuân thủ điều trị, cách theo dõi điều trị ngoại trú. Ở nghiên cứu của chúng tôi, việc theo dõi điều trị ngoại trú theo phương thức gọi điện trực tiếp, tư vấn, thay đổi cá thể hoá chế độ ăn theo từng bệnh nhân và phát hiện có đến 17% thai phụ không đi khám lại chuyên khoa nội tiết và không tự theo dõi glucose máu do đó không đánh giá được mức độ kiểm soát Glucose máu mặc dù nhóm nghiên cứu đã gọi điện tư vấn nhiều lần do: tuổi thai của thai phụ đều từ 31- 34 tuần, không đủ khả năng mua máy thử, không có thời gian khám lại.
Đây là tình hình thực tế trong quản lý thai phụ ĐTĐTK tại Việt Nam: tuổi thai chẩn đoán muộn, phối hợp với bác sỹ sản khoa chưa chặt chẽ, thai phụ chưa có hiểu biết nhiều về bệnh ĐTĐTK. Nghiên cứu của Trương Thị Phương Thảo, chỉ đánh giá đạt mục tiêu glucose máu trong 3-4 lần tái khám, không theo dõi được điều trị tại nhà.
Tuân thủ tái khám chuyên khoa nội tiết và tự theo dõi glucose máu của thai phụ chưa tốt mặc dù nhóm nghiên cứu đã gọi điện định kỳ tư vấn, hướng dẫn thai phụ.
Trong nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy tự theo dõi glucose máu tại nhà phát hiện được nhiều trường hợp glucose máu không đạt mục tiêu, tuy nhiên chỉ có 60% thai phụ này tái khám chuyên khoa Nội tiết và có chỉ định dùng insulin sau đó.
Tỷ lệ thai phụ có chỉ định điều trị phối hợp insulin chiếm 11,4% (5/44).Tỷ lệ tuân thủ điều trị phối hợp insulin chiếm 6,8% (3/44)và không tuân thủ phối hợp insulin chiếm 4,6% (2/44).
Tỷ lệ khá tương đồng với nghiên cứu của Lê Thị Thanh Tâm: tỷ lệ thai phụ có chỉ định điều trị phối hợp insulin chiếm 9,4%, tỷ lệ tuân thủ điều trị phối hợp insulin chiếm 3,6% và không tuân thủ phối hợp insulin chiếm 5,8%.
Yếu tố liên quan đến kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu.
Trong nghiên cứu, chỉ có một phần ba thai phụ đạt mục tiêu tăng cân theo khuyến cáo của IOM. Kết quả tương đồng với nghiên cứu của Daphna Komem và cộng sự trên 451 thai phụ ĐTĐTK. Nghiên cứu của chúng tôi cũng như đa số nghiên cứu khác không tìm thấy có mối liên qua giữa tăng cân thai kỳ và kiểm soát glucose máu. Khác với nghiên cứu của Nguyễn Hằng Giang thấy tăng cân quá mức làm giảm khả năng ổn định glucose máu.
Do cỡ mẫu còn nhỏ nên chưa thấy được mối liên quan giữa kết quả kiểm soát glucose máu với các yếu tố nguy cơ ĐTĐTK
Kết quả sản khoa
Trong nhóm thai phụ không đạt mục tiêu glucose máu khi điều trị bằng chế độ ăn luyện tập hầu hết sinh mổ: 80% (3/5).
Khoảng 1/2 số thai phụ đạt mục tiêu glucose máu sinh mổ. Tai biến sản khoa trong nghiên cứu gồm: thai to, đẻ non, đa ối, thiểu ối gặp chủ yếu trong nhóm đạt mục tiêu glucose máu, không có mối liên quan với kiểm soát glucose máu do cỡ mẫu còn hạn chế.
Tương tự như trong nghiên cứu của Trương Thị Nguyệt Hảo (166 thai phụ)
Nhóm thai phụ tăng cân nhiều hơn khuyến cáo có cân nặng trẻ lúc sinh trung bình cao nhất trong 3 nhóm, gấp 1.12 lần so với Nhóm thai phụ tăng cân đạt mục tiêu khuyến cáo.Thai phụ có mức độ tăng cân đạt mục tiêu so với khuyến cáo của IOM không có thai phụ sinh con to.
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ mổ đẻ và tai biến sản khoa không khác biệt giữa các nhóm mức độ tăng cân. Kết quả khác biệt so với những nghiên cứu trước, do đối tượng trong nghiên cứu chưa đủ nhiều. Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu bao gồm 31.074 phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cho thấy những người có mức tăng cân đạt mục tiêu IOM có kết quả tối ưu, trong khi tăng cân quá mức có liên quan đến nguy cơ mang thai lớn trẻ sơ sinh, sinh non và sinh mổ. Tăng cân ít hơn khuyến cáo làm giảm điều trị bằng thuốc và giảm tỷ lệ thai to; tuy nhiên, tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân tăng (7,3 so với 5,6%).
Như vậy, việc kiểm soát chế độ ăn, luyện tập trong điều trị ĐTĐTK, cũng như kiểm soát tăng cân trong thai kỳ giúp đạt mục tiêu glucose máu, giảm tai biến sản khoa. Chế độ ăn điều trị như một can thiệp lối sống đặc biệt, rất khó thực hiện, theo dõi đánh giá. Liệu pháp dinh dưỡng cần sự tham gia của cả bác sĩ và bệnh nhân và điều chỉnh kịp thời dựa trên hiệu quả của việc thực hiện nó
5. KẾT LUẬN
Phần lớn thai phụ có đái tháo đường thai kỳ đạt mục tiêu glucose máu bằng chế độ ăn và luyện tập , để kiểm soát sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa: Nội tiết, sản khoa, dinh dưỡng trong quản lý, tuyên truyền, giáo dục thai phụ đái tháo đường thai kỳ.Để đánh giá kết quả điều trị và quản lý thai phụ ĐTĐTK phù hợp, cần có các nghiên cứu sâu hơn bao gồm cả các thử nghiệm can thiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- ADA (2014), “Standards of medical care in diabetes 2014“,Diabetes Care. 37 Suppl 1: p. S14-80.
- Bandyopadhyay M, Small R, Davey MA, Oats JJ, Forster DA, Aylward A: Lived experience of gestational diabetes mellitus among immigrant South Asian women in Australia. Aust N Z J Obstet Gynaecol 2011, 51(4):360–364.
- Institute of Medicine. Weight gain during pregnancy: reexamining the guidelines.Washington, DC., 2009, 1–4.
- Quyết định số 776/QĐ-BYT ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về“Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú“.
- Trương, T.N.H, Đánh giá hiệu quả tiết chế ăn uống trên thai phụ đái tháo đường thai kỳ tại bệnh viện quận Thủ Đức. 2016, Luận án Chuyên khoa cấp II: Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
- Nguyễn, H.G, Kết quả điều trị đái tháo đường thai kỳ bằng chế độ tiết chế tại bệnh việnHùng Vương. 2014, Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú: Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
- Viện Dinh dưỡng- Bộ Y tế (2016). Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, Nhà xuất bản y học, Hà nội.
- WHO Expert Committee on Physical Status: the Use and Interpretation ofAnthropometry, Physical status: the use and interpretation of anthropometry:report of a WHO Expert Committee. Geneva: World Health Organization;1995.