NGHIÊN CỨU NỒNG ĐỘ IGF-1 VÀ MỐI LIÊN QUAN
VỚI CÁC CHỈ SỐ NHÂN TRẮC Ở NAM GIỚI TRƯỞNG THÀNH
Nguyễn Thị Thu Trang*, Nguyễn Thị Phi Nga*, Nguyễn Tiến Sơn*
Bệnh viện 198. Bộ Công An
TÓM TẮT
Mục tiêu: nghiên cứu nồng độ IGF-1 huyết thanh và mối liên quan với một số chỉ số nhân trắc ở nam giới trưởng thành. Phương pháp: 36 nam giới trưởng thành, đến khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện 198, được khám lâm sàng, xét nghiệm cân lâm sàng và định lượng IGF-1 huyết thanh. Kết luận: Nồng độ IGF-1 huyết thanh trong nhóm nghiên cứu là 65,67 ± 25,92 ng/mL, có mối liên quan đến tuổi và không liên quan đến tình trạng sử dụng rượu, BMI.
Từ khóa: IGF-1 huyết thanh; nồng độ; nam giới trưởng thành.
ABSTRACT
Study of IGF-1 serum concentration in male adults.
Objective: to study the serum IGF-1 concentration and the correlation between serum IGF-1 concentration and some anthropometric characteristics in male adults. Method: 36 male adults were examined in Hospital No198 and were taken laboratory tests and the serum IGF-1 concentration quantify test. Conclusion: The level of serum IGF-1 concentration of the researched group is 65.67 ± 25.92 ng/mL. It correlates to age and not to alcohol use status, BMI.
Keyword: The serum IGF-1 concentration; concentration, male adults.
Chịu trách nhiệm chính:Nguyễn Thị Thu Trang
Ngày nhận bài: 20.5.2015
Ngày phản biện khoa học: 24.5.2015
Ngày duyệt bài: 26.5.2015
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (insulin-like growth factor-1 hay IGF-1) là hóc môn đóng vai trò mediator chính của hóc môn tăng trưởng (growth hormone – GH), và cũng là mediator của đáp ứng tăng trưởng không phụ thuộc GH của các tế bào và mô. Nồng độ IGF-1 huyết thanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi, giới, tình trạng dinh dưỡng, … [2][5][6]
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự biến đổi của IGF-1 có liên quan nhiều đến bệnh lý phát triển các khối u, dự báo sự tiến triển tới đái tháo đường týp 2 ở nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ loãng xương và các biến chứng của nó,… [6], [9].Đồng thời, ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 2, nồng độ IGF-1 có biến đổi rõ rệt so với mức sinh lý tùy theo từng chủng tộc. Vì vậy, nghiên cứu nồng độ IGF-1 huyết thanh ở người khỏe mạnh góp phần đưa ra chỉ số tham khảo có ý nghĩa để đánh giá ở nhóm bệnh lý, và góp phần tiên lượng nguy cơ tiến triển đến các bệnh lý thực tổn khác có liên quan đến rối loạn IGF-1 huyết thanh.Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đánh giá nồng độ IGF-1 sinh lý và mối liên quan của nó với các yếu tố nhân trắc của người Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu:
Xác định nồng độ IGF-1 huyết thanh ở nam giới trưởng thành Việt Nam.
– Đánh giá mối liên quan nồng độ IGF-1 huyết thanh với một số chỉ số nhân trắc học, tình trạng hút thuốc, uống rượu ở 36 người Việt nam, nam giới trưởng thành.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Đối tượng nghiên cứu
Gồm 36 nam giới khỏe mạnh, được khám lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng loại trừ các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa,… đến khám sức khỏe định kỳ.
Địa điểm thực hiện: phòng khám bệnh bệnh viện 198 – Bộ Công An.
Thời gian thực hiện: từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 7 năm 2014.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: tiến cứu, mô tả cắt ngang.
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu:
– 36 nam giới trưởng thành đến khám định kỳ tại khoa khám bệnh Bệnh viện 198 – Bộ Công An được tiến hành khám lâm sàng kỹ lưỡng, đo các chỉ số nhân trắc:
+ Chiều cao, cân nặng: sử dụng cân bàn SMIC Trung Quốc
+ Các yếu tố nguy cơ tim mạch:
hút thuốc, uống rượu, tình trạng ít vận động thể lực,…
– Các tiêu chuẩn sử dụng trong nghiên cứu: Đánh giá BMI theo IDF (2005) cho người châu Á trưởng thành [8]
+ Yếu tố nguy cơ tim mạch: hút thuốc lá trong ít nhất là 2 năm, uống rượu > 2 chén trong 1 ngày liên tục trên 2 năm (60 mL rượu vang, 300 mL bia, hoặc 30 mL rượu trên 40 độ) được coi là có nguy cơ tim mạch [1].
– Làm các xét nghiệm máu lúc đói (sau ăn gần nhất ít nhất 8 tiếng): nồng độ glucose máu, HbA1C, lipid máu (cholesterol, triglyceride, LDL-C, HDL-C),…
– Nồng độ IGF-1 được định lượng theo phương pháp miễn dịch phóng xạ (Radio-immuno assay – RIA), được làm trên máy miễn dịch Architech I 2000, được tiến hành tại Labo công nghệ cao của Học viện Quân y. Đơn vị tính ng/mL.
2.3. Xử lý số liệu: số liệu được thu thập và xử lý theo phần mềm SPSS 14.0 và các phương pháp thống kê y học khác.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đặc điểm nhóm nghiên cứu
Bảng 1: Đặc điểm chỉ số nhân trắc
của nhóm nghiên cứu
Nhóm nam giới có độ tuổi từ 50 đến 63 tuổi, với độ tuổi trung bình là 56,7 tuổi, chỉ số BMI phân thành 2 nhóm chính: nhóm bình thường, và nhóm thừa cân. Không có ai trong tình trạng béo phì, hoặc gầy.
Bảng 2: Tỷ lệ sử dụng rượu và thuốc lá ở nhóm nghiên cứu
3.2. Nồng độ IGF-1 huyết thanh
Bảng 2: Nồng độ IGF-1 huyết thanh của nhóm nghiên cứu
3.3. Mối liên quan nồng độ IGF-1 và các chỉ số nhân trắc
Bảng 3: So sánh nồng độ IGF-1 huyết thanh giữa các nhóm tuổi
Nồng độ IGF-1 huyết thanh ở nhóm < 60 tuổi cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm > 60 tuổi (p < 0,05).
Bảng 4: Mối liên quan giữa IGF-1 huyết thanh với phân loại thể trạng theo chỉ số BMI
Nồng độ IGF-1 huyết thanh ở nhóm BMI bình thường có xu hướng cao hơn nhóm thừa cân, tuy nhiên khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
Bảng 5: Mối liên quan giữa IGF-1 huyết thanh với tình trạng hút thuốc lá
Nồng độ IGF-1 ở nhóm không hút thuốc lá có có xu hướng cao hơn nhóm hút thuốc lá, tuy nhiên khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
Bảng 6: Mối liên quan giữa IGF-1 huyết thanh với tình trạng uống rượu
Nồng độ IGF-1 ở nhóm không uống rượu có xu hướng cao hơn nhóm uống rượu, tuy nhiên khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
IV. BÀN LUẬN
IGF-1 là một peptide nhỏ (gồm 70 axít amin, có KLPT 7649 Dalton) tuần hoàn trong huyết tương ở dạng gắn kết cao với protein (99 %). Có 2 nơi chính tổng hợp hóc môn này: gan sản xuất 75 % tổng lượng IGF-1 đưa vào máu, và các mô ngoại biên của hệ trung mô. Chính vì vậy, khi các mô cơ quan bị tổn thương, nồng độ IGF-1 sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. [5].Nồng độ IGF-1 trong máu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm tuổi, nồng độ GH, chế độ dinh dưỡng (gầy, béo), hóc môn T4, estrogen,…IGF-1 được sản xuất trong suốt cuộc đời. Ở người trưởng thành, nồng độ IGF-1 tăng gấp 7 lần so với mức rất thấp khi sinh (20-60 ng/mL) và đạt đỉnh ở tuổi dậy thì. Sau đó, khi 20 tuổi, nồng độ IGF-1 giảm dần 40-50 % so với nồng độ đỉnh ở tuổi dậy thì, rồi tiếp tục giảm 25 % khi đạt 60 tuổi. Nguyên nhân sự giảm sinh lý này là do sự giảm tiết GH của cơ thể. [5].IGF-1 tuần hoàn trong huyết tương ở dạng gắn kết cao với protein huyết tương (99 %), chỉ khoảng 1 % IGF-1 ở dạng tự do trong huyết tương – dạng trực tiếp phát huy tác dụng với các mô đích. Nhóm protein gắn kết với IGF-1 có tên là IGFBP (IGF binding protein). Các protein này nằm trong một lớp gồm 6 protein được đánh số thứ tự từ 1 đến 6 là: IGFBP-1, IGFBP-2, IGFBP-3, IGFBP-4, IGFBP-5, IGFBP-6. Trong đó, 75 % lượng IGF-1 huyết thanh gắn kết với IGFBP-3, sự tăng hoặc giảm protein này sẽ ảnh hưởng đến sự giảm hoặc tăng tác dụng của IGF-1 ở ngoại biên.
IGF-1 kích thích quá trình tổng hợp DNA in vitro. Trên cơ thể, IGF-1 tác dụng lên nhiều mô cơ quan, cụ thể [5]:- Kích thích các phản ứng quan trọng cho quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể (vận chuyển glucose, oxy hóa glucose,…), và chuyển hóa lipid. Hoạt động như một yếu tố tăng trưởng tế bào. Ở hầu hết các mô cơ quan, IGF-1 ức chế quá trình chết tự nhiên, đặc biệt là hệ máu và thần kinh. Trên hệ thần kinh cơ, IGF-1 chỉ dẫn trình diện của myogenin với receptor đặc hiệu ở mô cơ vân. Thúc đẩy quá trình tân tạo xương, thông qua tăng các marker kích thích quá trình tạo xương.
Hiện nay trên thế giới có nhiều nghiên cứu nồng độ IGF-1 huyết thanh ở người trưởng thành, nhưng ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào được công bố về vấn đề này. Nghiên cứu của Virginia G. Kaklamani và cộng sự năm 1999 nghiên cứu trên 130 người Hy Lạp khỏe mạnh chỉ ra rằng, giới tính và tình trạng sử dụng rượu không liên quan có ý nghĩa thống kê với nồng độ IGF-1 huyết thanh, nhưng tuổi và tình trạng sử dụng thuốc lá (số bao-năm) có liên quan chặt chẽ với nồng độ IGF-1 huyết thanh. [2]. Nghiên cứu của Pedro Weslley Rosario năm 2010 trên 1000 người Brazil khỏe mạnh, cho thấy nồng độ IGF-1 biến thiên nghịch theo tuổi và không có sự khác biệt giữa các giới. Ở nhóm tuổi từ 50 – 60 tuổi, nồng độ IGF-1 huyết thanh là 133 ± 27,75 ng/mL. [4].Nghiên cứu của Kučera R. và cộng sự năm 2014 về nồng độ IGF-1 huyết thanh và IGFBP-3 huyết thanh nhận thấy nồng độ IGF-1 giảm theo sự gia tăng của tuổi có ý nghĩ thống kê, ở nhóm tuổi từ 50 – 60 tuổi, nồng độ này là 27 – 339,3 ng/mL. [7]
Qua nghiên cứu trên 36 nam giới trưởng thành đến khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện 198, chúng tôi nhận thấy: Nhóm có độ tuổi trung bình là 56,70 ± 2,64 (tuổi) phân bố từ 50 đến 63 tuổi, chiều cao trung bình là 1,68 ± 0,05 (m), cân nặng trung bình 64,92 ± 5,09 (kg) chủ yếu tập trung thành 2 nhóm BMI bình thường và thừa cân, không có ai gầy hoặc béo phì, tỷ lệ hút thuốc, uống rượu còn cao (> 86 %) gợi ý nguy cơ tim mạch gia tăng. Nồng độ IGF-1 của nhóm nghiên cứu là 65,67 ± 25,92 ng/mL. Thay đổi theo nhóm tuổi, theo đó, khi tuổi càng cao, nồng độ IGF-1 giảm. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Kucera R.. Tuy nhiên còn thấp hơn kết quả của Pedro W. có thể giải thích do sự khác biệt về yếu tố nhân chủng học giữa người châu Á và châu Mỹ. Nồng độ IGF-1 huyết thanh không có sự khác biệt giữa 2 nhóm BMI của nghiên cứu, điều này chưa loại trừ mối liên quan giữa nồng độ IGF-1 huyết thanh và BMI vì trong nhóm nghiên cứu, chỉ có nhóm bình thường và thừa cân. Theo David R Clemmons và cộng sự (2013) thì nồng độ IGF-1 tự do trong huyết thanh chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi nồng độ IGFBP-3 [5], protein này chỉ giảm khi có các bệnh lý viêm hoặc tình trạng suy dinh dưỡng. [6]. Trong nghiên cứu này, không thấy có sự khác biệt nồng độ IGF-1 huyết thanh ở nhóm có và không hút thuốc. Điều này không hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Virginia G. năm 1999, có thể do nồng độ IGF-1 có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng bao-năm như là 1 biến định lượng, chứ không phải biến định tính là có hay không hút thuốc lá. [2]. Chúng tôi cũng không nhận thấy sự khác biệt nồng độ IGF-1 huyết thanh ở nhóm uống rượu hay không uống rượu, hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Virginia G. và cộng sự (1999).
V. KẾT LUẬN
– Nồng độ IGF-1 trung bình qua nghiên cứu ở nhóm nam giới khỏe mạnh tuổi từ 50 – 63 tuổi là 65,67 ± 25,92 ng/mL (từ 31,48 – 134,26 ng/mL). – Nhóm dưới 60 tuổi có nồng độ IGF-1 huyết thanh (75,62 ± 27,87 ng/mL) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm trên 60 tuổi (57,71 ± 21,77 ng/mL), p < 0,05.- Nồng độ IGF-1 liên quan không có ý nghĩa thống kê với các chỉ số nhân trắc: chỉ số BMI, chiều cao, cân nặng, tình trạng sử dụng rượu, thuốc lá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hội tim mạch học Quốc gia Việt Nam (2014). “Các yếu tố nguy cơ tim mạch”.
- Virginia G. Kaklamani và cs (1999). “Age, Sex, and Smoking Are Predictors of Circulating Insulin-Like Growth Factor 1 and Insulin-Like Growth Factor–Binding Protein 3.” J Clin Oncol 17: 813-17.
- Laron Z. (2001). “Insulin-like growth factor 1 (IGF-1): A growth hormone.” J Clin Pathol:Mol Pathol 54:311–16
- Pedro Weslley Rosario (2010). “Normal values of serum IGF-1 in adults: results from a Brazilian population.” Arq Bras Endocrinol Metab 54(5):477-81.
- David R. Clemmons và cs (2013). “Physiology of Insulin-like growth factor I.” Wolters Kluwer Health: 10.
- Morgan E. Levine và cs (2014). “Low protein intake is associated with a major reduction in IGF-1, cancer, and overall mortality in the 65 and younger but not older population.” Cell Metabolism 19(3): 407-17.
- Kučera R. và cs (2014). “Normal value of IGF-1 and IGFBP-3”.
- IDF (2005). “Diabetes atlas”. ISBN 2-930229-14-4.
- Nele Friedrich và cs (2012). “The association between IGF-1 and insulin resistance”. Diabetes care 35(4): 768-773.