Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 mới phát hiện tại Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang

NGHIÊN CỨU RỐI LOẠN LIPID MÁU

Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 MỚI PHÁT HIỆN

TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TIỀN GIANG

Nguyễn Văn Mừng*, Tạ Văn Trầm ** và cộng sự

*Trung tâm Y tế Gò Công Tây, **Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang

RESEARCH DYSLIPIDEMIA IN PATIENTS WITH TYPE 2 DIABETES  NEWLY DISCOVERED IN TIEN GIANG GENERAL CENTRAL HOSPITAL 

SUMMARY

Backgrounds: Many domestic and foreign studies have determined the proportion of dyslipidemia in patients with type 2 diabetes is very high now. Objectives: Determine the percentage of dyslipidemia in patients with type 2 diabetes discovered at the Hospital Center of Tien Giang. Methods: cross-sectional descriptive study. Results:Prevalence of dyslipidemia in patients with type 2 diabetes mellitus was 86.1% of new findings, men accounted for 45.9%, accounting for 54.1% female; Age group <60 53.3% and 46.7% aged ≥60. The proportion of each component disorders hyperlipidemia: hypercholesterolemia 45.1%, up 18% triglyceride, LDL-cholesterol increased by 9% and 7.4% decrease HDL-cholesterol. Conclusions:Prevalence of dyslipidemia in patients with type 2 diabetes discovered at the Tien Giang central hospital is quite high and related to age, gender, body weight.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Văn Mừng

Ngày nhận bài: 3.11.2016

Ngày phản biện khoa học: 16.11.2016

Ngày duyệt bài: 1.12.2016

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Rối loạn lipid máu là tình trạng rối loạn và/ hoặc tăng nồng độ các thành phần lipid trong máu, hậu quả là hình thành các mãng xơ vữa gây tắc mạch, làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ, tăng các biến chứng mạch máu khác. Hậu quả nặng nề nhất là đưa đến tử vong hoặc tàn phế [10],[14].

Đái tháo đường là một rối loạn về chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính gây rối loạn chuyển hóa carbohydrat, mỡ, đạm; do những khiếm khuyết về tiết insulin hoặc hoạt động insulin hoặc cả hai.

Phát triển kinh tế kéo theo sự thay đổi lối sống công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đái tháo đường phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới. Điều đáng lo ngại là đái tháo đường tăng nhanh ở các nước đang phát triển.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, bệnh đái tháo đường týp 2 chiếm vào khoảng 85 – 95% tổng số người mắc bệnh đái tháo đường. Ước tính mới nhất của Liên Đoàn Đái Tháo Đường thế giới, năm 2012 trên toàn thế giới có 371 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và ước tính đến năm 2030 là khoảng 552 triệu người. Ở Việt Nam, bệnh đái tháo đường trong cả nước ước tính chiếm trên 5% tức khoảng 4,5 triệu người bị đái tháo đường[5],[11],[2]. Như vậy, từ 2012 đến 2030, số lượng bệnh nhân đái tháo đường mới phát hiện trên toàn thế giới khoảng 181 triệu người gây áp lực lớn lên kinh tế và cả các gánh nặng xã hội [6]. Do vậy, chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang” với mục tiêu:

Xác định tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang.

2. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Bệnh nhân lần đầu tiên được chẩn đoán đái tháo đường týp 2 dựa vào tiêu chí của Hiệp hội đái tháo đường Mỹ ADA 2013 [1].

– Đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Mô tả cắt ngang

2.3. Cỡ mẫu

Cỡ mẫu dùng để tính tỉ lệ trong một nghiên cứu cắt ngang chúng tôi áp dụng công thức sau:

n: cỡ mẫu tối thiểu dùng trong nghiên cứu.

z: hệ số tin cậy ở mức xác suất 95% = 1,96.

c: độ chính xác của nghiên cứu (hay là sai số cho phép) 6%.

p: theo Nguyễn Thị Thu Thảo, tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện có rối loạn lipid máu 86,8%. Do đó chúng tôi chọn  p= 86,8% (p=0,868) [13].

Thay vào công thức ta có:

Vậy cỡ mẫu tối thiểu hợp lý chúng tôi phải lấy là 122.

2.4. Phương pháp chọn mẫu

Chọn mẫu thuận tiện, đủ tiêu chuẩn chọn bệnh.

2.5. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường týp 2

Tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường (Theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ ADA 2013) dựa vào 1 trong 4 tiêu chí sau đây [1]:

(1) Đường huyết tương lúc đói >126mg/dL ( ≥7,0mmol/L).

(2) Đường huyết tương sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose ≥200mg/dL (≥11,1mmol/L).

(3) Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết, đường huyết bất kỳ ≥200mg/dL (≥11,1mmol/L).

(4) HbA1c ≥6,5%.

2.6. Tiêu chuẩn rối loạn lipid máu

Bảng: Tiêu chuẩn rối loạn lipid máu [8].

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN 

Qua nghiên cứu, chúng tôi thu thập được 122 trường hợp đái tháo đường týp 2 mới phát hiện đủ tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu và kết quả như sau.

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu 

Bảng 3.1. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo tuổi

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm tuổi <60 chiếm 53,3% trong khi đó nhóm tuổi ≥60 chiếm 46,7%, điều này phù hợp với y văn đái tháo đường týp 2, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với kết quả nghiên cứu về tuổi của các tác giả Võ Phúc Ánh [3], Mai Xuân Hải [7], Trần Thị Mỹ Loan [12].

Bảng 3.2. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới

Trong nghiên cứu của chúng tôi, giới nam chiếm tỷ lệ 45,9% thấp hơn giới nữ 54,1%, kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hoàng Lê Anh Dũng, có tỷ lệ nam 47,0% và tỷ lệ nữ 53,0% [6], của Huỳnh Văn Huân có tỷ lệ nam 25,0% và tỷ lệ nữ 75,0% [8], của Lê Văn Thành có tỷ lệ nam 26,3% và tỷ lệ nữ 73,7% [14].

Như vậy, qua kết quả của các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường giữa nam và nữ có sự khác nhau. Sự khác nhau này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế vì nó phụ thuộc vào các yếu tố như thói quen ăn uống, hoạt động thể lực, điều kiện sống, tất cả các yếu tố trên có ảnh hưởng đến sự xuất hiện bệnh đái tháo đường týp 2.

Bảng 3.3. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo tình trạng béo phì

.Béo phì và đái tháo đường từ lâu đã được nhiều tác giả cho rằng hai bệnh đi kèm với nhau, béo phì được xem như là hậu quả của mất cân bằng năng lượng, cung vượt cầu và đưa đến rối loạn chuyển hóa lipid máu, điều này phù hợp với đời sống khá hơn trong những năm gần đây của người dân Tiền Giang nói riêng và tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam trong thời kỳ chuyển tiếp. Đây cũng là yếu tố góp phần vào quá trình tăng đề kháng insulin, làm cho bệnh đái tháo đường týp 2 phát triển [14].

Các chỉ số thường được sử dụng để đánh giá tình trạng thừa cân và béo phì là chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng eo và tỉ số vòng eo/vòng mông

Trong nghiên cứu của chúng tôi, béo theo BMI chiếm 78,7%, trị số trung bình BMI ở nam 25,99 + 3,01Kg/m2, và 26,68 + 2,76Kg/m2 ở nữ, BMI trung bình chung của cả 2 giới là 26,36 + 2,88Kg/m2, trị số trung bình này cao hơn trị số trung bình trong kết quả nghiên cứu của Võ Phúc Ánh, BMI ở nam 23,88 + 3,41Kg/m2 và 24,52 + 4,05Kg/m2 ở nữ, BMI trung bình chung của cả 2 giới là 24,01 + 3,55Kg/m2 [3];

Số đối tượng trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi béo theo vòng eo (dạng nam) chiếm tỷ lệ 76,2%, trong đó trị số trung bình ở nam là 92,87 + 5,46cm và ở nữ 87,56 + 7,17cm, trung bình chung ở cả 2 giới là 90,00 + 6,94cm, trị số trung bình này thấp hơn kết quả nghiên cứu của Võ Phúc Ánh, trị số trung bình ở nam 95,34 + 7,51cm, ở nữ 87,24 + 12,67cm, trung bình chung cả 2 giới là 93,74 + 9,33cm [3]. Như vậy, béo theo vòng eo là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường, làm rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa đường, làm chậm quá trình chuyển hydratcarbon thành mỡ, giảm tổng hợp glycogen ở gan, tăng tân tạo đường mới và bệnh đái tháo đường xuất hiện.

3.2. Tình hình rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 mới phát hiện 

3.2.1. Tỷ lệ rối loạn lipid máu chung

Biểu đồ: Tỷ lệ rối loạn lipid
máu chung

Nghiên cứu trên 122 đối tượng đái tháo đường týp 2 mới phát hiện có 105 đối tượng có rối loạn chuyển hóa lipid máu, chiếm tỷ lệ 86,1%. Tỷ lệ rối loạn lipid chung cho nhóm bệnh nhân đái tháo đường trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn kết quả nghiên cứu của Lý Huy Khanh (84,9%) [9], của Lê Văn Thành (84,8%) [14]. Bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tỷ lệ rối loạn lipid máu rất cao, nguy cơ tổn thương mạch máu và các biến chứng mắt, thận, tim, tăng huyết áp, cơn đột quỵ, hoại tử bàn chân là rất lớn. Đây là nguyên nhân người ta khuyến cáo nên gửi người bệnh đái tháo đường lần đầu được phát hiện đến những trung tâm có kinh nghiệm nhất để theo dõi, đánh giá chặt chẽ tình trạng người bệnh một cách tổng quát [14].

Bảng 3.4. Tỷ lệ rối loạn lipid máu
theo giới

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ rối loạn lipid máu theo giới nữ là 84,8%, tỷ lệ rối loạn lipid máu theo giới nam là 87,5%. Tỷ lệ này cao hơn kết quả nghiên cứu của Lê Văn Thành, tỷ lệ rối loạn lipid máu theo giới nữ là 62,6%, theo giới nam là 22,1% [14].

Bảng 3.5. Tỷ lệ rối loạn lipid máu
theo tuổi

Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm tuổi <60 là 83,1%, nhóm tuổi ≥60 là 89,5%. Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Văn Thành, tỷ lệ rối loạn lipid máu theo nhóm tuổi <60 là 87,52% [14]. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến mọi lứa tuổi để phát hiện sớm rối loạn lipid máu từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

3.2.2. Các dạng lipid máu bị rối loạn

Bảng 3.6. Hình thái rối lọan lipid máu

Trong tổng số 122 đối tượng nghiên cứu có 105 đối tượng có rối loạn lipid máu, qua thu thập và phân tích số liệu, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ các dạng rối loạn lipid máu như sau: tăng cholesterol đơn thuần 45,1%, tăng triglycerid đơn thuần 18%, tăng LDL-C đơn thuần 9%, giảm HDL-C đơn thuần 7,4% và rối loạn lipid máu phối hợp là 9% so với tổng số mẫu nghiên cứu.

Như vậy, nhiều tác giả nghiên cứu về rối loạn chuyển hóa lipid máu trong đái tháo đường týp 2 cho thấy rối loạn chuyển hóa lipid máu là thường gặp ở người đái tháo đường và có thể có rối loạn nhiều loại lipid với nhau.. Việc phát hiện sớm rối loạn lipid máu có ý nghĩa quan trọng trong công tác dự phòng biến chứng bệnh đái tháo đường.

V. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu tình hình rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, chúng tôi ghi nhận một số kết quả sau:

– Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện là 86,1%, trong đó nam chiếm 45,9%, nữ chiếm 54,1%; Nhóm tuổi <60 chiếm 53,3% và nhóm tuổi ≥60 chiếm 46,7%.

– Tỷ lệ rối loạn từng thành phần lipid máu: tăng cholesterol 45,1%, tăng triglycerid 18%, tăng LDL-cholesterol 9% và giảm HDL-cholesterol 7,4%.

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã xác định tỷ lệ rối loạn lipid máu trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 hiện nay là rất cao. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện là 86,1%, trong đó nam chiếm 45,9%, nữ chiếm 54,1%; Nhóm tuổi <60 chiếm 53,3% và nhóm tuổi ≥60 chiếm 46,7%. Tỷ lệ rối loạn từng thành phần lipid máu: tăng cholesterol 45,1%, tăng triglycerid 18%, tăng LDL-cholesterol 9% và giảm HDL-cholesterol 7,4%. Kết luận: Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang là khá cao và liên quan đến tuổi, giới tính, thể trọng cơ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Diabetes Association (2013), “Standards of Medical Care in Diabetes – 2013”, Diabetes Care, Vol. 36 (supp 1): S11-S66.
  2. American Diabetes Association (2014), “Standards of Medical Care in Diabetes – 2014”, Diabetes Care, Vol. 37 (supp 1): S11-S60.
  3. Võ Phúc Ánh (2013), Nghiên cứu tình hình biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đến khám sức khỏe và điều trị tại Phòng khám cán bộ tỉnh Bến tre năm 2012, Luận án Bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Đại học Y Dược Cần Thơ.
  4. Nguyễn Công Bình (2011), Tỉ lệ đái tháo đường và các yếu tố liên quan ở người từ 25-64 tuổi tại huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010, Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học y Dược TP Hồ Chí Minh.
  5. Đào Thị Dừa (2010), “Nghiện cứu một số biến chứng vi mạch ở bệnh nhân đái tháo đường điều trị nội trú”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, Hội nghị nội tiết – Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa Miền Trung và Tây Nguyên mở rộng lần thứ VII, tr. 979 – 983.
  6. Hoàng Lê Anh Dũng, Trần Hữu Dàng (2010), “Đánh giá đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân đái tháo đường mới phát hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, Hội nghị nội tiết – Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa Miền Trung và Tây Nguyên mở rộng lần thứ VII, tr.
    321 – 328.
  7. Mai Xuân Hải, Nguyễn Thành Công (2010), “Tần suất lưu hành và kiến thức bệnh đái tháo đường ờ người trên 45 tuổi tại Tỉnh Gia Lai”, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, Hội nghị nội tiết – Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa Miền Trung và Tây Nguyên mở rộng lần thứ VII, tr. 163 – 174.
  8. Huỳnh Văn Huân (2013), Nghiên cứu tình hình biến chứng và kết quả can thiệp kiến thức thực hành phòng chống biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Ngã Bảy năm 2012, Luận án Bác sĩ chuyên khoa cấp 2,Đại học Y Dược Cần Thơ.
  9. Lý Huy Khanh, Đỗ Công Tâm, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Phạm Thị huỳnh Giao, Nguyễn Thị Thu Vân (2010), “Các dạng rối loạn chuyển hóa lipid ở bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (từ 11/2009 đến 10/2010)”, Chuyên đề Hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Trưng Vương, Tập 14 (phụ bản số 2), tr. 74 – 81.
  10. Nguyễn Thy Khuê (2007), “Rối loạn chuyển hóa lipid”, Nội tiết học Đại cương, Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.457- 502.
  11. Nguyễn Thy Khuê (2011), “Statin và rối loạn chuyển hóa lipid ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2”, Chuyên đề tim mạch học, tr. 46 – 56.
  12. Trần Thị Mỹ Loan (2005), Khảo sát mối tương quan giữa rối loạn Lipid máu và chỉ số BMI trên bệnh nhân tăng huyết áp người lớn, Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
  13. Nguyễn Thị Thu Thảo (2013), “Nghiên cứu tình trạng đề kháng insulin và chức năng tế bào beta ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới được chẩn đoán”, Hội nghị Hội Đái tháo đường và Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần VII. 2013, tr.21 – 22.
  14. Lê Văn Thành (2013), Khảo sát rối loạn lipid máu và đánh giá kết quả điều trị bằng Atorvastatin trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Luận án Bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Đại học Y Dược Cần Thơ

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …