Nghiên cứu tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em 8-10 tuổi và kiến thức – thực hành của phụ nữ 18-49 tuổi về phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt tại Bình Định năm 2015

NGHIÊN CỨU TỶ LỆ BỆNH BƯỚU CỔ CỦA TRẺ EM 8-10 TUỔI VÀ KIẾN THỨC – THỰC HÀNH CỦA PHỤ NỮ 18-49 TUỔI VỀ PHÒNG CHỐNG CÁC RỐI LOẠN THIẾU I-ỐT TẠI BÌNH ĐỊNH NĂM 2015

BSCKII Hoàng Xuân Thuận, BSCKII  Phạm Văn Bảo và cộng sự

                    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định

ABSTRACT

The Iodine Deficiency Disorders Control Program (IDDCP) in Binh Dinh province hasachieved the overall goal set in 2005. After 10 years since the end of the program, providing the iodine deficiency disorders show signs of reintroduction, the research group conducted the study with the aims: to determine the goiter rate in school-age children, to review thecoverage of quality iodized salt for goiter prevention, and to evaluate the knowledge and practice of women aged 18-49 years in the province in the prevention of iodine deficiency disorders. In this cross-sectional epidemiological study, samples were collected to represent various areas of the province. The results showed that the rate of goiter among children aged 8-10 years increased by 6.6%, the proportion of quality iodized salt coverage decreased to 85.8%. In addition, 98.5% of the women knew the negative effects of iodine deficiency when asked; but only 7.1% of them achieved complete awareness. Increasingly, 99.5% did not know about the government’s regulations on the production and sales of iodized salt for human consumption. With respect to practice, 18.5% of women preserved the iodized salt above the kitchen fire and 17.1% stored the salt in the opened packaging, whichresulted in lost iodine due to evaporation. The results of the study indicated the risks of returning iodine deficiency disorders, which required the on-going and active preventive measures of iodine deficiency disorders in the coming time.

TÓM TẮT

Chương trình phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt (CRLTI) tại Bình Định đã đạt mục tiêu  năm 2005. Sau 10 năm kết thúc Chương trình,giả thiết CRLTI có dấu hiệu quay trở lại, đề tài đã được thực hiện  nhằm: “Xác định tỷ lệ bướu cổ trẻ em, đánh giá độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và kiến thức – thực hành phòng chống CRLTI của phụ nữ 18 – 49 tuổi ở tỉnh Bình Định”.

Với phương pháp nghiên cứu dịch tễ học mô tả cắt ngang, chọn mẫu đại diện ở các vùng trong tỉnh Bình Định, Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi đã tăng lên 6,6%, tỷ lệ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đã giảm còn 85,8%. Có 98,5% hiểu biết tác hại của thiếu i-ốt, nhưng hiểu biết đầy đủ chỉ đạt 7,1%. Có 99,5% không biết Nhà nước có quy định về việc sản xuất và buôn bán muối i-ốt cho người ăn. Có 18,5% bảo quả MI trên bếp lửa và 17,1% để MI trong các đồ đựng hở dễ làm hao hụt i-ốt. Kết quả nghiên cứu báo hiệu tình trạng CRLTI đang có nguy cơ quay trở lại, cần phải tiếp tục duy trì hoạt động phòng chống CRLTI trong thời gian tới.

Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Xuân Thuận

Ngày nhận bài: 01/7/2019

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019

Ngày duyệt bài: 1/8/2019

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chương trình Quốc gia Phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt (CRLTI) đã đạt mục tiêu vào năm 2005. Từ năm 2006, Chương trình này trở thành hoạt động thường quy của Ngành Y tế và các địa phương.

Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ vào năm 2011 Bình Định có độ bao phủ muối i-ốt(MI) thấp hơn so với năm 2005 và có 15% số người điều tra có trung vị i-ốt niệu rất thấp thuộc diện thiếu i-ốt vừa và nặng. Để làm sáng tỏ giả thiết phải chăng CRLTI đang có dấu hiệu quay trở lại? Mức độ của nó như thế nào? từ đó đề xuất các biện pháp can thiệp nhằm duy trì bền vững kết quả đã đạt được. Chúng tôi thực hiện đề tài với mục tiêu:

  1. Xác định tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 – 10 tuổi của tỉnh Bình Định;
  2. Đánh giá độ bao phủ MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và kiến thức-thực hành phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt của phụ nữ 18-49 tuổi ở tỉnh Bình Định.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

  • Trẻ em 8-10 tuổi và Phụ nữ 18-49 tuổi trên địa bàn tỉnh tỉnh.
  • Muối ăn hiện đang được sử dụng tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: Dịch tễ học mô tả cắt ngang.

Cỡ mẫu  theo công thức:

– Cỡ mẫu điều tra tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10  tuổi: 1800 em.

– Cỡ mẫu cho điều tra của phụ nữ 18- 49 tuổi:  600 người.

Chọn 30 cụm theo phương pháp PPS (Probability Proportionate to Size).

Trẻ em được khám bướu cổ có kết hợp lâm sàng và siêu âm và lấy 300 mẫu nước tiểu để xét nghiệm i-ốt. Mỗi hộ gia đình sẽ phỏng vấn 1 phụ nữ theo bảng câu hỏi được soạn sẵn, lấy 300 mẫu nước tiểu của phụ nữ để xét nghiệm i-ốt. Lấy 600 mẫu muối ở các hộ gia đình test nhanh và định lượng i-ốt tại labo  xét nghiệm Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết Bình Định. Nước tiểu được xét nghiệm ở Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh.

2.3. Phương pháp xử lý số liệu: Chương trình EPIDATA, phần mềm SPSS.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ bướu cổ trẻ em

                                            Biểu đồ 3.1. Tỷ lệ bướu cổ trẻ em

  • Kết quả: Tỷ lệ bướu cổ trẻ em 6,6% ( độ I là 6,3%, độ II là 0,3% ). Tỷ lệ bướu cổ trẻ em nữ 8,7% cao hơn ở trẻ em nam là 4,6%.Với p < 0,05.

– Tỷ lệ mắc bướu cổ ở miền núi (11,7%), trung du (6,7%), đồng bằng (6,5%) và thành thị (5,0%).  Với p < 0,05.

3.2. Nồng độ i-ốt trong nước tiểu của trẻ em

Trung vị i-ốt niệu của trẻ em là 15,99 mcg/dl (đạt tiêu chuẩn của WHO), trung bình 19,27mcg/dl, tối thiểu là 1,46 mcg/dl tối đa là 96,25 mcg/dl.

– Có 31% thiếu i-ốt ở các mức độ (thiếu nặng 1,3% < 2mcg/dl; thiếu vừa 5,4% từ 2-4,9 mcg/dl; thiếu nhẹ 17% từ 5-9,9 mcg/dl), có 41,3% đủ i-ốt theo tiêu chuẩn của TCYTTG. 35 % i-ốt nước tiểu > 20mcg/dl.

Bảng 3.1. Phân bố tỷ lệ trẻ em có bướu cổ ở các mức iốt niệu khác nhau

– Mức i-ốt niệu < 10mcg/dl có 11,3%  trẻ em bướu cổ và ở mức >10 mcg/dl có 8,3% trẻ em bướu cổ.

3.3.  Kiến thức của phụ nữ về phòng chống các rối loạn thiếu i ốt            

 

 

Biểu đồ 3.2. Hiểu biết quy định về sản xuất và buôn bán muối i-ốt

 –  Có 99,5% không biết quy định  của Nhà nước về việc sản xuất và buôn bán muối i-ốt; có 0,5%  có biết quy định này.

–   Có 98,5%  hiểu biết về tác hại của thiếu i-ốt ( chỉ có 7,1%  biết đầy đủ, 92,9% biết không đầy đủ). 1,5% hoàn toàn không biết về tác hại của thiếu i-ốt.

3.4. Thực hành việc phòng chống các rối loạn thiếu  i-ốt

Biểu đồ 3.3. Thực hành về việc bảo quản muối i-ốt

– Có  81,5% số hộ gia đình bảo quản MI xa bếp. 18,5% bảo quản MI ở gần bếp. 82,9%bảo quản MI trong đồ đựng kín. 17,1% bảo quản MI trong đồ đựng  hở.

Bảng 3.2. Tỷ lệ hộ gia đình dùng MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh

85,8% hộ gia đình dùng MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (20-40 PPm);  14,2% hộ gia đình dùng MI không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (trong đó 9,5%; < 20 PPm và 4,7%; > 40 PPm).

3.5. I-ốt niệu của phụ nữ 18-49 tuổi

Trung vị i-ốt niệu (15,22mcg/dl); trung bình (19,66mcg/dl); tối thiểu (0,13 mcg/dl); tối đa (78,88 mcg/dl). Có 31% thiếu i-ốt ở các mức độ (thiếu nặng 1,7% < 2mcg/dl; thiếu vừa 8,0% từ 2-4,9 mcg/dl; thiếu nhẹ 21,3% từ 5-9,9 mcg/dl), có 32,3% đủ i-ốt theo tiêu chuẩn của TCYTTG. 36,7 % i-ốt nước tiểu > 20mcg/dl.

4. BÀN LUẬN

4.1. Tỷ lệ mắc bướu cổ trẻ em

– Tỷ lệ bướu cổ chung ở  trẻ em là 6,6% trong đó độ I là 6,3% và độ II là 0,3% ( biểu đồ 3.1). Tương đương kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Nga và cộng sự (2012) ở Đồng Tháp: bướu cổ trẻ em  6,51% [9], cao hơn một số tỉnh như Điện Biên 4,6%, Quảng Ninh 5%, Hòa Bình 6,07% (2008), Hà Nam 4%, Bình Định 3,9% (2011).

Thấp hơn một số địa phương: Lạng Sơn 13%, Trà Vinh 15% [1],[2],[10]. Như vậy tỷ lệ bướu cổ trẻ em ở Bình Định tăng báo hiệu tình trạng CRLTI có nguy cơ quay trở lại?

–  Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ bướu cổ trẻ em nam (4,6%) thấp hơn ở trẻ nữ (8,7%) sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05.

Tương tự nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hà và cộng sự ( BVNTTƯ): bướu cổ trẻ em nam 13,9%, nữ 15,8% [5], của Hoàng Ngọc Minh ở Tam Kỳ(2009): bướu cổ trẻ em nam 3,76%, nữ  6,5%. Trần Thanh Hiền (Kon Tum – 2008): bướu cổ trẻ em nam 2,9%, nữ 7,6% [6].

Kết quả phù hợp với nhiều tác giả cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em nữ cao hơn trẻ em nam. Điều này được giải thích, vì trẻ em nữ thời kỳ này phát triển mạnh và nhiều em dậy thì sớm, nên nhạy cảm với sự thiếu i-ốt hơn so với trẻ em nam.

–  Miền núi bướu cổ trẻ em 11,7%, đồng bằng 6,5%, trung du 6,7%, thành thị 5%. Ở Bình Định tỷ lệ bướu cổ trẻ em còn cao, đặc biệt là ở miền núi, có lẽ do sống ở vùng đất nghèo i-ốt, các lương thực, thực phẩm từ vật nuôi, cây trồng ở vùng này cũng bị thiếu i-ốt do đó dẫn đến nguồn cung cấp i-ốt cho con người cũng bị thiếu và do vậy tỷ lệ bướu cổ trẻ em cao hơn ở các vùng khác.

4.2. Nồng độ i ốt trong nước tiểu của trẻ em                                                                   

Trung vị i-ốt niệu của trẻ em lớn hơn 10mcg/dl, đạt mức khuyến cáo của TCYTTG/ICCIDD [11]. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có mức i-ốt niệu quá thấp 1,46mcg/dl hoặc quá cao 96,25mcg/dl. Theo nghiên cứu của chúng tôi vẫn có 23,7% trẻ em có biểu hiện thiếu i-ốt ở các mức độ: (i) thiếu nặng 1,3% (i-ốt niệu < 2mcg/dl); (ii) thiếu trung bình 5,4% (i-ốt niệu 2-4,9 mcg/dl); (iii) thiếu nhẹ 17%(i-ốt niệu 5-9,9mcg/dl);(iv) đủ i-ốt 41,3% (i-ốt niệu 10-20mcg/dl); (v) có biểu hiện thừa i-ốt 35% (i-ốt niệu > 20mcg/dl) (Bảng 3.5).

Kết quả tương đương thành phố Tam Kỳ là 14,8mcg/dl cao hơn nghiên cứu tại Tiền Giang là 10,2mcg/dl, Nghệ An là 10,1mcg/dl, của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2012 là 8,4mcg/dl. Tuy nhiên, mức độ đủ i-ốt tại Bình Định mới chỉ đạt 41,3% [1],[7],[8].

Tuy nhiên với mức i-ốt niệu < 10mcg/dl có 11,3% trẻ em bướu cổ. Ở mức > 10mcg/dl có 8,3% mắc bước cổ (Bảng 3.1). Như vậy, với mức i-ốt niệu không đủ theo khuyến cáo của TCYTTG thì tỷ lệ mắc bướu cổ trẻ em cao nhất (11,3%).

Mặc dù trẻ em có i-ốt niệu < 10mcg/dl vẫn có tỷ lệ không có bướu cổ, có lẽ những trường hợp này đang trong tình trạng thiếu i-ốt tạm thời do nhiều nguyên nhân nên chưa có biểu hiện bệnh.

Nhóm có nồng độ i-ốt niệu từ 10mcg/dl trở lên có 8,3% mắc bướu cổ. Có lẽ đây là những trường hợp bướu cổ tản phát do nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ.

Điều này phản ánh những khó khăn trước đây chưa giải quyết được trong nghiên cứu nguyên nhân gây bướu cổ tản phát [4]. Kết quả tương đương nghiên cứu của Nguyễn Văn Chính, Trần Hữu Dàng cho  thấy nồng độ i-ốt niệu < 10mcg/dl vẫn có  bướu cổ là 10,6%, nhóm nồng độ i-ốt niệu từ 10mcg/dl trở lên có 6,46% bướu cổ. [3].

4.2. Kiến thức của phụ nữ về muối i-ốt

Kết quả có 98,5% hiểu biết về tác hại của thiếu i-ốt,1,5% hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, chỉ 7,1% biết đầy đủ. 99,5% không biết quy định của Nhà nước về việc sản xuất và buôn bán MI (Biểu đồ 3.2). Đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền PCCRLTI theo chiều sâu, quan tâm tới công tác đào tạo cho cán bộ y tế, kết hợp các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú ý tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, những người  sản xuất, buôn bán muối.

4.3. Thực hành về việc bảo quản muối i-ốt

Nghiên cứu cho biết 18,5% để muối i-ốt ở trên bếp (Biểu đồ 3.3); 17,1% bảo quản MI ở các vật dụng hở.

Việc bảo quản MI không đúng cách như trên sẽ dẫn đến lượng i-ốt trong muối bị hao hụt nhanh chóng, không đảm bảo chất lượng phòng bệnh.

Bảo quản MI của các hộ gia đình tại Bình Định đạt yêu cầu 81,5% cao hơn so với nghiên cứu tại tỉnh Đồng Tháp (71%)[9].

4.4. Độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh

Kết quả có 85,8% sử dụng MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh với hàm lượng i-ốt trong muối đạt 20-40Ppm vẫn còn 14,2% hộ gia đình sử dụng MI không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (Bảng 3.2), so với mục tiêu phải trên 90% thì Bình Định không đạt yêu cầu.

Nhưng cao hơn một số địa phương khác: thị trấn Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp (71%), nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (58,4%), kết quả trên là một thực tế báo động CRLTI đang quay trở lại [1],[8].

4.5. I-ốt niệu của phụ nữ 18-49 tuổi

Kết quả i-ốt niệu trung vị của phụ nữ 15,22mcg/dl. Tuy nhiên chỉ có 32,3% có mức i-ốt 10-20 mcg/dl (đạt khuyến cáo của TCYTTG), thiếu nặng 1,7%, thiếu nhẹ 8%, thiếu vừa 21,3% và có 36,7% có mức i-ốt niệu trên 20mcg/dl.

Mặc dù trung vị i-ốt niệu đạt yêu cầu nhưng vẫn có 1 tỷ lệ lớn thiếu i ốt.

Sau 10 năm kết thúc Chương trình quốc gia Phòng chống CRLTI, hiện nay Bình Định mới đạt được 1 chỉ số trung vị i-ốt niệu của trẻ em 15,99mcg/dl (của phụ nữ 15,22mcg/dl), còn 2 chỉ số tỷ lệ bướu cổ trẻ em và độ phủ MI chưa đạt mục tiêu.

Như vậy cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống CRLTI, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về lợi ích của dùng MI, đồng thời phải sản xuất MI đảm bảo chất lượng, phân phối bán lẻ thuận lợi để người dân dễ mua và sử dụng, tăng cường khâu kiểm tra giám sát để MI đảm bảo chất lượng cho việc phòng bệnh.

5. KẾT LUẬN

  1. Tỷ lệ bướu cổ của trẻ em 8-10 tuổi tỉnh Bình Định: Là 6,6%, nữ 8,7%, nam 4,6%. Miền núi bướu cổ trẻ em: 11,7%,trung du: 6,7%; đồng bằng: 6,5%; thành thị: 5,0%. Trẻ em có mức i-ốt niệu<10mcg/dl có 11,3% bướu cổ, mức i-ốt >10mcg/dl có 8,3% trẻ em bướu cổ.
  2. Độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và kiến thức, thực hành phòng chống CRLTI của phụ nữ 18-49 tuổi: 85,8% hộ gia đình sử dụng MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. 98,5% phụ nữ biết tác hại của thiếu i-ốt; 7,1% biết đầy đủ; 92,9% biết không đầy đủ. 99,5% không biết quy định việc buôn bán và sản xuất MI. 18,5% bảo quản MI không đúng cách như để ở trên hoặc gần bếp lửa, 17,1% để MI trong đồ đựng hở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2015), “Sơ bộ kết quả đánh giá tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi và KAP hộ gia đình về phòng chống CRLTI”.
  2. Bộ Y tế (2003)“Quản lý Dự án phòng chống bướu cổ”. Tài liệu hướng dẫn quản lý chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS, Hà Nội, 190-197.
  3. Nguyễn Văn Chính, Trần Hữu Dàng (2005),“Nghiên cứu bệnh bướu cổ ở lứa tuổi học sinh từ 8-10 tuổi tại tỉnh Lâm Đồng năm 2003”. Tạp chí Y học thực hành số 14-15/4/2005, Bộ Y tế, tr.1110-1116.
  4. Đặng Trần Duệ (1996),“Bệnh tuyến giáp và các rối loạn do thiếu i-ốt”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Trí Dũng và cộng sự (2002), “Tình hình bệnh bướu cổ địa phương tại một số huyện đồng bằng Bắc Bộ”, Vietnam Journal of Physiology 6(2), tháng 8/2002.
  6. Trần Thanh Hiền (2008) “Nghiên cứu tình hình bệnh bướu giáp đơn thuần ở học sinh từ 8-10 tuổi tại Kon Tum năm 2008” Luận văn chuyên khoa cấp I chuyên ngành Y tế Công cộng.
  7. Nguyễn Văn Hoàn (2013), “Giải pháp giảm tỷ lệ bướu cổ học sinh ở độ tuổi 8- 10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, Thông tin KH & CN Nghệ An số 1+2/2013.
  8. Nguyễn Quang Thiện Lâm (2010), “Nghiên cứu thực trạng sử dụng muối i ốt, mức i ốt niệu và tỷ lệ mắc bướu giáp học sinh 8-12 tuổi tại tỉnh Tiền Giang năm 2009”, Luận văn chuyên khoa cấp I, Đại học Huế.
  9. Nguyễn Ngọc Nga (2013), Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp “Thực trạng thiếu i ốt trẻ em 8- 10 tuổi tỉnh Đồng Tháp năm 2012”.
  10. Chu Minh Tân (2008) “Đánh giá thực trạng các rối loạn do thiếu i ốt ở Hòa Bình sau 3 năm thanh toán 2006- 2008”, Báo Hòa Bình điện tử ngày 20/10/2008.
  11. ICCIDD (2015), Management council meeting of iodine global network (ING) at muscat (oman) 1st-3rd april, Jagriti.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …