Tình hình sử dụng muối i-ốt tại hộ gia đình ở tỉnh Quảng Trị năm 2016

TÌNH HÌNH SỬ DỤNG MUỐI I ỐT 

TẠI  HỘ GIA ĐÌNH Ở TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 2016

Lê Việt, Đỗ Thị Ý Nhi, Nguyễn Xuân Tường

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị

BACKGROUNDS

Iodine deficiency is a lack of the trace element iodine, an essential nutrient in the diet. It may result in a goiter. Objectives: This study aimed to determine the proportion of households using iodized-salts in Quang Tri province population; and evaluate the public awareness of using them in practice. Methods: A cross-sectional study with probability proportional to size sampling method was done to recruit 600 households having women aged between18-45 year old in 30 clusters among total 141 communes/wards in Quang Tri province. Iodized-salt samples collected from the households were quantitatively analyzed in Quang Tri Provincial Preventive Medicine laboratory. Results: The results showed that the proportion of households using iodized salts was 98.2% in overall population, 100% in mountain areas, 98.4% in coastal areas and 96.5% in flat areas. The proportion of households using iodized-salts meeting the prevention standard was 65.5% in overall, 65.9% in mountainous areas, 65.0 % in coastal areas and 65.4 % in flat areas. The proportion of participants with full awareness, not-in-full awareness and non-awareness of iodized-salt effects were zero, 91.3% and 8.7% respectively. The proportion of participants with proper way of iodized-salts storage was 62.7%. Conclusions: Increasing public communication on effects, storage of iodized-salts is needed.

TÓM TẮT

Thiếu iốt là thiếu nguyên tố vi lượng iốt, một chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống, có thể dẫn đến bướu cổ. Nghiên cứu này nhằm: Xác định tình trạng sử dụng muối iốt tại tỉnh Quảng Trị và đánh giá kiến thức, thực hành của người dân về dùng muối I ốt. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 600 hộ gia đình có phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi bằng phương pháp chọn mẫu xác suất tỷ lệ với kích cỡ của quần thể để chọn 30 cụm trên tổng số 141 xã, phường trên toàn tỉnh Quảng Trị. Mẫu muối thu thập tại các hộ gia đình được phân tích tại khoa xét nghiệm Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Trị. Nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ các hộ gia đình được điều tra sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn toàn tỉnh là 98,2%, miền núi 100%, miền biển 98,3% và đồng bằng 96,5%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên toàn tỉnh là 65,5%: miền núi 65,9%, miền biển 65%, đồng bằng là 65,4%. Tỷ lệ người dân có kiến thức đầy đủ về tác dụng của muối iốt là 0%, kiến thức chưa đầy đủ về tác dụng của muối I ốt là 91,3% và không có kiến thức về tác dụng của  muối iốt là 8,7%. Tỷ lệ hộ gia đình biết cách bảo quản muối iốt đúng cách là 62,7%. Cần tăng cường hoạt động truyền thông về tác dụng của muối i ốt, bảo quản muối iốt.

Chịu trách nhiệm chính: Lê Việt

Ngày nhận bài: 01/7/2019

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019

Ngày duyệt bài: 1/8/2019

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

I-ốt được coi là một vi chất cần thiết đối với sự phát triển của đời sống con người. Tùy từng giai đoạn khác nhau của đời người, khi thiếu I-ốt sẽ gây nên những tác hại khác nhau.. Chính vì vậy, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 53 đã kêu gọi toàn thế giới phòng chống các rối loạn do thiếu iốt và gọi đây là “nạn đói tiềm ẩn” [6].

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (2005), ước tính gần 2 tỷ người trong đó có 284 triệu trẻ em 6-12 tuổi bị thiếu iốt. Thiếu iốt hiện còn phổ biến ở tất cả quốc gia trên thế giới. Châu Mỹ có tình trạng thiếu iốt nhẹ nhất (10,1%), tiếp đến là khu vực Tây Thái Bình Dương (24%), Đông Nam Á (40%), châu Phi (43%), Địa Trung Hải (54%) và nặng nhất là khu vực châu Âu (59,9%). Tỷ lệ bướu cổ toàn cầu là 15,8%.

Ở Việt Nam để phòng chống các tác hại do thiếu Iốt Dự án quốc gia  Phòng chống các rối loạn tiếu Iốt (DAPCCRLTI) đã ra đời từ năm 1995. Mặc dù sau 10 năm hoạt động DAPCCRLTI thu được những thành tựu đáng kể: từng bước hạ tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em, nâng cao độ bao phủ muối Iốt  (MI) và cải thiện tình trạng thiếu Iốt ở cộng đồng [1].

Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, độ bao phủ muối i-ốt toàn quốc năm  2005 là gần 93% nhưng đến năm 2009 đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 70%. Báo động nhất là ở Hà Nội, hiện nay độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 25,6%, trong khi tỷ lệ sử dụng các chế phẩm có i-ốt là 81,7%.

Trong khi năm 2005, độ bao phủ muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tại Hà Nội là gần 100%. Tương tự ở TP.HCM, tỉ lệ này giảm từ gần 68% xuống còn hơn 54%; duyên hải miền Trung từ 93,7% xuống 68%…[3].

Riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, kết quả Điều tra dịch tể học bướu cổ học sinh 8 – 10 tuổi trên địa bàn năm 2015, vùng miền  núi tỉnh Quảng Trị đang ở trong vùng thiếu Iốt nhẹ, vùng đồng bằng có nguy cơ thiếu hụt Iốt và theo kết quả giám sát sử dụng muối I ốt tại hộ gia đình năm 2015 tại tỉnh Quảng Trị là 96,2%, tuy nhiên chưa có nghiên cứu công bố độ bao phủ muối I ốt trên địa bàn tỉnh theo kết quả định lượng mẫu muối lấy từ các hộ gia đình.

Vì vậy, nghiên cứu: Tình hình sử dụng muối I ốt tại hộ gia đình – tỉnh Quảng Trị năm 2016” nhằm mục tiêu: Xác định tình trạng sử dụng muối iốt tại tỉnh Quảng Trị; và Đánh giá kiến thức, thực hành của người dân về dùng muối I ốt.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu 

Hộ gia đình có phụ nữ từ 18 – 49 tuổi.

2.2.  Địa điểm và thời gian nghiên cứu

2.2.1. Địa điểm nghiên cứu: Điều tra tại 09 huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

2.2.2. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 6 đến tháng 11/2016

2.3. Phương pháp nghiên cứu:

Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang

2.3.1. Cỡ mẫu:

Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng tỷ lệ:

n: số hộ gia đình được chọn

Z1-α/2   giá trị giới hạn tin cậy = 1.96 với α = 0.05

p  Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối Iốt là 96,2% (Theo báo cáo giám sát sử dụng muối iốt tại hộ gia đình tỉnh Quảng Trị năm 2015).

d là độ chính xác mong muốn: d = 0.016

Cỡ mẫu tối thiểu cần thiết n=548, lấy thêm 10% mẫu dự phòng nên mẫu thu thập thực tế là 600 hộ gia đình.

2.3.2. Chọn mẫu:

Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để chọn 30 cụm (30 xã trong 141 xã của toàn tỉnh).

– Giai đoạn 1: Chọn 30 cụm theo phương pháp xác suất tỷ lệ với kích cỡ của quần thể.

– Giai đoạn 2: Chọn hộ gia đình

+ Chọn ngẫu nhiên trong mỗi cụm (đơn vị là xã, phường) một thôn hoặc khu vực theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn.

+ Từ danh sách các hộ gia đình trong thôn hoặc khu vực tại điểm trung tâm xã đi theo hướng chọn ngẫu nhiên (bằng quay bút trên nền phẳng) đi liên tục cho đến đủ 20 hộ, nếu hộ không có chủ nhà hoặc không hợp tác chuyển hộ kế tiếp.

2.4. Phương pháp thu thập số liệu

– Phỏng vấn theo bộ câu hỏi soạn sẵn:

+ Các kiến thức về RLDTI, về MI, thu thập thông tin bằng phỏng vấn, quan sát và điền vào bộ câu hỏi điều tra in sẵn.

+ Mức độ hiểu biết:

Hiểu đầy đủ: trả lời đúng toàn bộ các câu hỏi về RLTI. Hiểu một phần: trả lời đúng ít nhất một câu hỏi.

– Lấy mẫu xét nghiệm: Lấy mẫu muối tại hộ điều tra đang dùng. Mẫu MI được định lượng tại phòng XN TT Y tế dự phòng Quảng Trị.

2.5. Tiêu chuẩn đánh giá 

Theo quy chuẩn quốc gia đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng ban hành theo Thông tư số 04/TT-BYT ngày 13/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

– Tiêu chuẩn đánh giá nồng độ Iốt trong muối: Mẫu muối I-ốt gửi về phòng xét nghiệm định lượng:

+ Hàm lượng I ốt trong muối thấp khi hàm lượng Iốt < 20ppm

+ Đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khi hàm lượng Iốt từ 20ppm đến 40ppm.

+ Hàm lượng I ốt trong muối cao khi hàm lượng I ốt  > 40 ppm.

2.6. Xử lý số liệu   

Nhập số liệu bằng phần mềm Excel và Epidata 3.1.

Xử lý, phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thực trạng sử dụng muối iốt và các chế phẩm có iốt tại tỉnh Quảng Trị.

3.1.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Bảng 3.1.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Độ tuổi của đối tượng phỏng vấn từ 18-49 tuổi trong đó nhóm tuổi 18 – 30 chiếm 23,3%, từ 31-40 chiếm 33,2%, từ 41-49 chiếm 43,5%. Dân tộc kinh chiếm tỉ lệ cao: 67,2% còn lại là dân tộc thiểu số: 32,8%.

Trình độ học vấn của đối tượng: Tốt nghiệp THCS chiếm tỷ lệ cao: 32,5%, tốt nghiệp tiểu học: 20,5%, THPT: 17%, không biết đọc, không biết viết chiếm 12,8%, CĐ,ĐH: 10% và chưa tốt nghiệp tiểu học là 7,2%.

Nghề nghiệp của đối tượng phỏng vấn bao gồm Nghề nông: 25,7%, Công nhân: 1,2%,  Hành chính sự nghiệp: 9,8%, Buôn bán: 21,1%, Học sinh, sinh viên: 1,5%, Nội trợ: 15,7%,  Làm rẫy: 23,8, Khác: 1,2%.

3.1.2. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt

Bảng 3.1.2. Tình hình sử dụng muối iốt

Tỷ lệ các hộ gia đình được điều tra sử dụng muối trong chế biến thức ăn ở mức cao là 98,2%, còn những gia đình không sử dụng muối I ốt trong chế biến thức ăn thì có 1,2% sử dụng bột canh và nước mắm thay thế muối I ốt hoặc 0,6% hộ gia đình chỉ sử dụng bột canh, không có hộ gia đình nào chỉ sử dụng nước mắm.

Bảng 3.1.3.  Tỷ lệ sử dụng muối I ốt theo vùng địa lý

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I ốt ở đồng bằng là 96,5%, miền núi là 100%, miền biển là 98,3%.

Bảng 3.1.4. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 65,5%, hàm lượng I ốt trong muối thấp là 21,2% và hàm lượng I ốt trong muối cao là 13,3%.

Bảng 3.1.5. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh theo vùng địa lý.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ở đồng bằng là 65,4%, miền núi: 65,9%, miền biển là 65%; Hàm lượng I ốt trong muối thấp ở đồng bằng chiếm 23,1%, miền biển: 22,5%, miền núi 18,2% và hàm lượng I ốt trong muối cao ở đồng bằng là 11,5%, miền núi: 15,9%, miền biển là 12,5%.

3.2. Kiến thức, thực hành của người dân về dùng muối I ốt

Bảng 3.2.1.  Kiến thức của đối tượng điều tra về tác dụng muối iốt

Tỷ lệ người dân hiểu biết đầy đủ tác dụng của muối I ốt là 0%, hiểu biết chưa đầy đủ về tác dụng của muối I ốt là 91,3% và không hiểu biết về tác dụng của  muối I ốt là 8,7%.

Tỷ lệ người dân đồng bằng hiểu biết đầy đủ tác dụng của muối I ốt là 0%, hiểu biết chưa đầy đủ về tác dụng của muối I ốt là 98,8% và không hiểu biết về tác dụng của  muối I ốt là 1,2%. Tỷ lệ người dân miền núi hiểu biết đầy đủ tác dụng của muối I ốt là 0%, hiểu biết chưa đầy đủ về tác dụng của muối I ốt là 84,5% và không hiểu biết về tác dụng của  muối I ốt là 15,5%.

Tỷ lệ người dân miền biển hiểu biết đầy đủ tác dụng của muối I ốt là 0%, hiểu biết chưa đầy đủ về tác dụng của muối I ốt là 87,5% và không hiểu biết về tác dụng của  muối I ốt là 12,5%.

Bảng 3.2.2. Thực hành bảo quản muối iốt

Tỷ lệ hộ gia đình được điều tra biết cách bảo quản muối I ốt đúng cách là 62,7% còn bảo quản không đúng cách là 37,3%

4. BÀN LUẬN

4.1. Tình hình sử dụng muối iốt và các chế phẩm có iốt

Trên thế giới, cách bổ sung iốt phổ biến nhất là trộn iốt vào muối ăn. Dùng muối iốt là cách rẻ nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo cung cấp tới tất cả mọi người.

Vào tháng 8 năm 1995, Việt Nam đã ban hành Quyết định “về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối iốt” thay cho muối thường, với mong muốn loại trừ các rối loạn thiếu iốt ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Gia vị mặn chính được dùng trong chế biến thức ăn là muối iốt chiếm tỷ lệ 98% cao hơn năm 2015, tỉ lệ sử dụng muối iốt tại hộ gia đình ở Quảng Trị là 96,2% (Theo báo cáo giám sát sử dụng muối iốt tại hộ gia đình tỉnh Quảng Trị năm 2015).

Điều này nói lên việc đưa iốt vào muối là giải pháp đúng và hiệu quả trong bổ sung iốt hàng ngày.

– Tỷ lệ sử dụng muối iốt và chế phẩm có iốt theo vùng địa lý (miền núi, miền biển, đồng bằng) cũng khác nhau, đặc biệt là sự chênh lệch giữa vùng núi (100%) so với đồng bằng (96,5%) và miền biển (98,3%), lý do nhờ vào chính sách trợ giá sản phẩm muối iốt cho các xã vùng cao, người dân ở vùng núi chỉ sử dụng sản phẩm muối iốt trợ giá nhà nước.

Kết quả định lượng muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 65,5%, tỷ lệ này cao hơn so với kết quả công bố năm 2015 mà Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố là 57,9% [2] và tỷ lệ này có sự đồng đều giữa 3 vùng đồng bằng (65,4%), vùng núi (65,9%), vùng biển (65%). Như vậy, qua kết quả điều tra các hộ gia đình thì muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chưa đạt tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90%. Vì vậy cần bổ sung I ốt vào muối ăn ở cả miền núi, miền biển và đồng bằng.

4.2. Kiến thức, thực hành của người dân về sử dụng muối iốt

Tỷ lệ phụ nữ biết đầy đủ tác dụng của muối iốt là 0%, hiểu biết chưa đầy đủ là 91,3%, không có hiểu biết là 8,7% và có 62,7% số phụ nữ được phỏng vấn biết cách bảo quản muối đúng cách; điều này cho thấy công tác truyền thông về tác dụng của muối iốt, cách sử dụng, bảo quản muối iốt thực hiện trong những năm qua chưa thực sự hiệu quả, người dân chưa có hiểu biết, kiến thức về tác dụng của muối iốt để họ thay đổi nhận thức đưa muối iốt vào chế biến thức ăn hằng ngày.

Hầu hết các đối tượng được phỏng vấn đều không hiểu biết đầy đủ về tác dụng của muối i ốt , không hiểu biết về tác dụng của muối i ốt ở vùng đồng bằng, miền núi, miền biển lần lượt là 1.2%; 15.5%; 12.5%, ở đây ta thấy rằng tỷ lệ không hiểu biết tác dụng của muối i ốt là cao nhất mặc dù tỷ lệ sử dụng muối i ốt ở miền núi là 100%.

Điều này chứng tỏ không phải do người dân ở đây hiểu biết đầy đủ tác dụng của muối i ốt mà đưa muối i ốt vào sử dụng trong cuộc sống hằng ngày mà nhờ vào chính sách trợ giá của nhà nước người dân miền núi mới sữ dụng muối i ốt 100%.        

5. KẾT LUẬN

1. Thực trạng sử dụng muối iốt và các chế phẩm có I ốt tại tỉnh Quảng Trị

Tỷ lệ các hộ gia đình được điều tra sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn là 98,2%, không có hộ gia đình nào chỉ sử dụng nước mắm; ở miền núi là 100%, miền biển là 98,3% và đồng bằng là 96,5%.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 65,5%, muối iốt có hàm lượng iốt trong muối thấp là 21,2% và muối có hàm lượng iốt trong muối cao là 13,3%.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ở đồng bằng là 65,4%, miền núi: 65,9%, miền biển là 65%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối có hàm lượng iốt trong muối thấp ở đồng bằng chiếm 23,1%, miền biển chiếm 22,5%, miền núi chiếm 18,2% và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối có hàm lượng iốt trong muối cao ở đồng bằng là 11,5%, miền núi là 15,9%, miền biển là 12.5%.

2. Kiến thức, thực hành của người dân về dùng muối I ốt

Tỷ lệ người dân có kiến thức đầy đủ về tác dụng của muối iốt là 0%, kiến thức chưa đầy đủ về tác dụng của muối I ốt là 91,3% và không có kiến thức về tác dụng của  muối iốt là 8,7%. Tỷ lệ hộ gia đình biết cách bảo quản muối iốt đúng cách là 62,7% và bảo quản không đúng cách là 37,3%.

6. KIẾN NGHỊ

– Tăng cường và duy trì các hoạt động giám sát muối iốt để đảm bảo chất lượng phòng bệnh của muối iốt. Đặc biệt là giám sát khâu sản xuất và lưu thông muối I ốt trên thị trường.

– Tăng cường hoạt động truyền thông tuyên truyền phòng chống CRLTI đặc biệt là tryền thông về tác dụng của muối I ốt, cách sử dụng, bảo quản muối I ốt.

– Giải pháp tăng cường bổ sung I ốt vào muối ăn  là một yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống CRLTI trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2013), Báo cáo thực tổng kết hoạt động năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt, Hà Nội.
  2. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2015), Báo cáo thực trạng sử dụng muối I ốt, sự cần thiết phải xã hội hóa nguồn hóa chất KIO3, Hà Nội.
  3. Bộ Y tế (2015), Báo cáo đánh giá 09 năm thi hành nghị định số 163/2005/NĐ-CP ngày 29/12/2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng muối I ốt cho người ăn, Hà Nội.
  4. Dự án phòng chống bướu cổ – Bộ Y tế (2006), Hướng dẫn triển khai hệ thống giám sát muối I ốt và thiếu hụt I ốt tại Việt Nam, Hà Nội.
  5. Unicef (2013), Chương trình phòng chống rối loạn do thiếu I ốt.
  6. http://www.cimsi.org.vn/phòng chống rối loạn do thiếu I ốt cập nhật ngày 22/3/2016.
  7. http://www.thuvienykhoa.vn/nghiên cứu kiến thức, thực hành sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có i-ốt ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam năm 2005 cập nhật ngày 22/3/2016.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …