NHẬN XÉT TỈ LỆ RỐI LOẠN LIPID MÁU Ở BỆNH NHÂN
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2 CÓ TĂNG HUYẾT ÁP
PGS. Đỗ Trung Quân, ThS. Lâm Thị Mỹ Hạnh
Đại Học Y Hà Nội
ABSTRACT
Objective: to assess the rate of dyslipidemia in type 2 diabetic patients with hypertension in outpatient department on demand, Bach Mai hospital. Subjects: 183 type 2 diabetic patients in outpatient department on demand, Bach mai hospital from 3/2015 to 9/2015. Method: cross-sectional prospective study. Results: there was 183 patients in our study. The mean age of the study was 64,33±9,01in which the lowest was 30 and the highest was 86. The rate of female was 57,4% and male was 42,6%. The average of systolic blood pressure was 147,9±mmHg and the average of dystolic blood pressure was 80,7±9mmHg. The average of waist circumstance was 85.4 ± 7,5 and BMI was 23.04± 3.05 (kg/m2). In 183 type 2 diabetic patients, there were 131 patients with hypertension in disease group and 52 patients without hypertension in control group. The rate of dyslipidemia in group of type 2 diabetic patients with hypertension was higher than in control group (85,5% & 55,8%) (p< 0,05)
Chịu trách nhiệm chính: Đỗ Trung Quân
Ngày nhận bài: 16.9.2016
Ngày phản biện khoa học: 2.10.2016
Ngày duyệt bài: 15.10.2016
I.TÓM TẮT
Mục tiêu: Nhận xét tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp. Đối tượng nghiên cứu: 183 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 khám và điều trị ngoại trú tại khoa KCBTYC, bệnh viện Bạch mai, từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2015
Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang, tiến cứu, có đối chứng. Kết quả: Có 183 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 64.33 ± 9.01, tuổi thấp nhất là 30, tuổi cao nhất là 86. Trong nhóm nghiên cứu, tỉ lệ nữ (57.4%) cao hơn nam (42,6%). Huyết áp tâm thu trung bình 147.9 ± 24 mmHg, huyết áp tâm trương trung bình 80.7 ± 9 mmHg. Vòng eo trung bình là: 85.4 ± 7.5. Tỷ lệ tăng vòng eo chung là: 54.6%. BMI trung bình trung là: 23.04± 3.05 (kg/m2). Trong 183 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 được nghiên cứu thì có 131 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp 52 bệnh nhân không tăng huyết áp làm nhóm chứng. Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp (85.5%) cao hơn nhóm chứng 55.8%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p< 0.05.
II. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính có đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối, dẫn đến các rối loạn về chuyển hóa glucid, protid, lipid và các chất khoáng. Bệnh có tốc độ gia tăng nhanh chóng trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của liên đoàn đái tháo đường quốc tế thì trên thế giới mỗi năm có khoảng 3,2 triệu người chết vì đái tháo đường trong đó khoảng 80% biến chứng tim mạch đặc biệt ở đái tháo đường type 2vì bệnh thường phát hiện muộn [1]. Biến chứng mạch máu lớn là một trong những tổn thương phổ biến nhất ở bệnh nhân đái tháo đường type2, trong đó rối loạn chuyển hóa lipid máu và tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh và cũng là nguyên nhân sâu xa gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Nhiều nghiên cứu gần đây trên bệnh nhân đái tháo đường cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa tỷ lệ bệnh mạch vành và tình trạng rối loạn lipid máu [2], [3]. Theo UKPDS, nếu chỉ tăng 1 mmol/l lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL-C) thì nguy cơ mạch vành tăng lên 1,57 lần [3].Chính vì vậy để giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng tim mạch đặc biệt là biến chứng mạch máu lớn thì ngoài việc kiểm soát tốt đường máu chúng ta phải kiểm soát đồng thời cả rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Để tăng cường hạn chế cũng như phát hiện sớm các biến chứng của đái tháo đường và tăng cường hiệu quả trong công tác điều trị đái tháo đường chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu:
Nhận xét tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu là những bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp được điều trị ngoại trú tại khoa KCBTYC, bệnh viện Bạch Mai
Các bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp dựa vào các tiêu chuẩn sau:
* Chẩn đoán đái tháo đường:
Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabets Asociation) năm 2012,chẩn đoán đái tháo đường nếu có 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:
(1)Glucose máu bất kỳ ≥ 200 mg/dl (11,1mmol/l) kết hợp với các triệu chứng của tăng Glucose máu. Hoặc:
(2)Glucose máu lúc đói (nhịn đói qua đêm ít nhất 8h)≥ 126mg/dl(7.0 mmol/l). Hoặc:
(3) Glucose máu sau 2h uống 75g glucose≥ 200mg/dl (11.1mmol/l). Hoặc:
(4) HbA1C ≥ 6,5% bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp.
* Chẩn đoán tăng tăng huyết áp
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nhân tăng huyết áp khi BN có tiền sử dùng thuốc huyết áp trước đó hoặc đủ tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp theo JNC VII.
Loại trừ khỏi nghiên cứu những bệnh nhân sau:
– Bệnh nhân đái tháo đường typ1.
– Đái tháo đường typ 2 có thai.
– Đái tháo đường phối hợp bệnh lý có rối loạn chuyển hóa lipid máu thứ phát: Hội chứng thận hư, basedow, suy giáp, hoặc đang dùng thuốc corticoid.
– Bệnh nhân có đái tháo đường thứ phát: Hội chứng Cushing, HC Conn, u tủy thượng thận.
– Các bênh nhân có tăng huyết áp thứ phát:
+) Tăng huyết áp do nguyên nhân bệnh lý tại thận: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thân mạn…
+) Tăng huyết áp do bệnh nội tiết: u tủy thượng thận, hội chứng Cushing, to đầu chi, hội chứng Conn, cường chức năng tuyến giáp…
+) Tăng huyết áp do bệnh lý tim mạch: hẹp động mạch chủ, hẹp động mạch thân…
Bảng 2.1. Phân loại tăng huyết theo J.N.C VII (2003) [4]
Trong nghiên cứu này tất cả bệnh nhân đều có protein niệu âm tính ở xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường quy.
– Bệnh nhân không có nguyện vọng tham gia.
Phương pháp nghiên cứu
- Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang, có đối chứng
- Thời gian và địa điểm nghiên cứu: từ tháng 15/3/2015 đến 15/9/2015
- Cỡ mẫu: lấy cỡ mẫu thuận tiện
Các đối tượng nghiên cứu được hỏi bệnh, khám lâm sàng theo mẫu bệnh án thống nhất, được lấy máu xét nghiệm glucose máu lúc đói, HbA1c, bilan lipid…
IV. KẾT QUẢ
4.1. Đặc điểm của nhóm nghiên cứu
4.1.1. Tuổi.
Biểu đồ 1. Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi
Trong nhóm nghiên cứu bệnh nhân có độ tuổi từ 60- 69 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (44.3%).
Bảng 1. Tuổi trung bình của bệnh nhân
Nhận xét: Tuổi trung bình của bệnh nhân là: 64.33 ± 9.01 tuổi, tuổi thấp nhất là 30 tuổi, tuổi cao nhất là 86 tuổi, độ tuổi trung bình của 2 nhóm không có sự khác biệt
4.1.2. Giới
Biểu đồ 2. Phân bố bệnh nhân theo giới
Trong nhóm nghiên cứu bệnh nhân nữ (57.4%) chiếm tỷ lệ cao hơn bệnh nhân nam (42,6%).
4.2. Triệu chứng lâm sàng của nhóm nghiên cứu:
4.2.1. Huyết áp
Bảng 2. Đặc điểm HA của nhóm bệnh nhân nghiên cứu.
Nhận xét:huyết áp tâm thu trung bình 147.9 ± 24 mmHg, huyết áp tâm trương trung bình 80.7 ± 9 mmHg, không có sự khác biệt có ý nghĩa thông kê giữa nam và nữ với p > 0.05.Tỷlệ tăng huyết áp: 71.6%, không tăng huyết áp là 28.4%. không có sự khác biệt giữa hai giới.
4.2.2. Vòng eo.
Bảng 3. Chỉ số vòng eo theo phân loại nhóm bệnh nhân.
Nhận xét: Vòng eo trung bình là: 85.4 ± 7.5, nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp có vòng eo trung bình lớn hơn nhóm bệnh nhân đái tháo đường không tăng huyết áp, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05 (86.1± 7.7 so với 83.7 ± 6.9).
Tỷ lệ tăng vòng eo chung là: 54.6%. Tỷ lệ tăng vòng eo ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp (60.3%) cao hơn nhóm bệnh nhân đái tháo đường không có tăng huyết áp (40.4%) có ý nghĩa thống kê với p= 0.015 < 0.05, OR= 2.3, 95% CI =1.17- 4.3.
4.2.3. BMI.
Bảng 4. Chỉ số BMI theo phân loại tăng huyết áp
Nhận xét: BMI trung bình trung là: 23.04± 3.05 (kg/m2), BMI trung bình của nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp cao hơn nhóm bệnh nhân đái tháo đường không tăng huyết áp, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p< 0.05.Ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp thì có nguy cơ beó phì cao gấp 2 lần nhóm bệnh nhân đái tháo đường không có tăng huyết áp sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p=0.043<0.05, OR= 1.98, 95% CI= 1.02- 3.85.
4.3. Tình trạng kiểm soát đường máu của nhóm nghiên cứu:
Bảng 5. Đặc điểm glucose lúc đói và HbA1c theo nhóm bệnh nhân.
Nhận xét: Giá trị trung bình của glucose máu lúc đói và HbA1c giữa hai nhóm bệnh nhân không có sự khác biệt với p > 0.05
4.4. Tỉ lệ rối loạn lipid máu của nhóm nghiên cứu:
Trong 183 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 được nghiên cứu thì có 131 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp 52 bệnh nhân không tăng huyết áp làm nhóm chứng.
Biểu đồ 3. Tỷ lệ rối loạn lipid máu
Bảng 6. Phân bố tỷ lệ rối loạn lipid máu theo nhóm
Nhận xét:Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp (85.5%) cao hơn nhóm chứng 55.8%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p < 0.05.
V. BÀN LUẬN
5.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu:
Độ tuổi trung bình trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi là: 64.3 ± 9.1 (tuổi) trong đó lớn nhất là 86 tuổi thấp nhất là 30 tuổi. Tương đương với độ tuổi trung bình theo nghiên cứu của một số tác giả trong nước, cao hơn so với kết quả nghiên cứu ở nước ngoài, do các nghiên cứu này tiến hành trên nhóm đối tượng mắc đái tháo đường typ 2 chung, trong khi đó nhóm đối tương của chúng tôi chủ yếu là những bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp. Nhóm tuổi từ 60 tuổi đến 70 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (44.3%), thấp nhất là nhóm tuổi dưới 50 tuổi chiếm 7.7%. Kết quả này cũng tương tự như các kết quả của Trương Quang Phổ và Đỗ Thị Minh Thìn.
Tỷ lệ nam/nữ xấp xỉ 1/1.35. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nữ cao hơn nam điều này khác so với các nghiên cứu khác là tỷ lệ nam thường cao hơn nữ có lẽ do độ tuổi trong nghiên cứu cao và tuổi thọ của nữ cao hơn nam.
5.2. Triệu chứng lâm sàng của nhóm nghiên cứu:
Vòng eo trung bình ở hai nhóm bệnh nhân nghiên cứu thì không có sự khác biệt với p> 0.05, nhưng tỷ lệ tăng vòng eo ở nhóm bệnh nhânđái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp (60.3%) thì cao hơn ở nhóm bệnh nhânđái tháo đường typ 2 không tăng huyết áp, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0.05. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu khác.
BMI trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là: 23 ± 3.1(kg/m2). Nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp nguy cơ mắc béo phì cao gấp 2 lần nhóm chứng sự khác biệt này có ý nghĩa thông kê p < 0.05
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên 183 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có chỉ số huyết áp tâm thu trung bình là:147.9 ± 24 mmHg, huyết áp tâm trương trung bình :80.7 ± 9mmHg, tỷ lệ tăng huyết áp:71.6%. Xét riêng 131 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp có chỉ số huyết áp tâm thu trung bình là: 159.8 ± 15.7 mmHg, chỉ số huyết áp tâm trương trung bình là: 83.2 ± 8.7 mmHg. Tỷ lệ tăng huyết áp độ 1 (61.1%) cao hơn tăng huyết áp độ 2 (38.9%), kết quả cao hơn so với kết quả của Trương Quang Phổ thực hiện ở bệnh viện đa khoa Cần Thơ là (50,1% – 48.9%), có lẽ là do cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn ít và bệnh nhân của chúng tôi là bệnh nhân chương trình nên họ đã được điều trị từ trước rồi.
5.3. Tình trạng kiểm soát đường máu của nhóm nghiên cứu:
Glucose máu đói và HbA1c trung bình trong nhóm nghiên cứu thứ tự là: 9.5 ± 5 (mmol/l); 7.9 ± 1.8 (%), nếu phân theo nhóm tuổi thì glucose máu và HbA1c đều tăng dần theo tuổi, ở bệnh nhân trên 60 tuổi thì có glucose lúc đói và HbA1c trên 7 chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p> 0.05. Kết quả này của chúng tôi còn cao hơn so với các nghiên cứu khác do nhóm nghiên cứu của chúng tôi có độ tuổi trung bình cao, mục tiêu kiểm soát đường huyết đặt ra không cần chặt chẽ.
5.4. Tỉ lệ rối loạn lipid máu của nhóm nghiên cứu:
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ tăng triglycerid chiếm cao nhất ở cả hai nhóm Xét chung tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp (85.5%) thì cao hơn nhóm chứng (55.8) trong 131 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tăng huyết áp thì có tới 112 bệnh nhân có rối loạn lipid máu chiếm (85.5%) và 19 bệnh nhân không có rối loạn lipid máu , tỷ lệ này ở nữ (89.7%) cao hơn ở nam (79.2%), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0.05). Kết quả này của chúng tôi cao hơn kết quả của các tác giả trong nước như Trương Quang Phổ tỷ lệ (67,8%), Trần Văn Hiên 65.3%. Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự khác biệt này do tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau và do bệnh nhân khám tại phòng chương trình của bệnh viện Bạch Mai là những bệnh nhân các tuyến dưới chuyển đến nhiều bệnh nhân mắc bệnh lâu năm hoặc bệnh nhân lớn tuổi việc tuân thủ điều trị kém hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Steno Diabetes center (2003), “Intensive, multiplerisk factor intervention in patients with type 2 diabetes at high risk cuts cardiovascular event by half”, Steno 2 Study.
- Helain E.Resnick and Barbara v.Howard (2002) “Diabetes, dyslipidemia, and cardiovascular disease”; JAMA, vol 45, 246.
- Buse J.B., Polonsky K.S., Burant C.F. (2008), “Type 2 diabetes
- JNC 7 Repor. (2003), JAMA 289,2560- 2572
- Sowers JR. Treatment of hypertension in patients with diabetes. Arch Intern Med 2004;164(17): 1,850–157.
- Gress TW, Nieto FJ, Shahar E, Wofford MR, Brancati FL. The Atherosclerosis Risk in Communities; Hypertension and Antihypertensive Therapy as Risk Factors for Type 2 Diabetes Mellitus. N Engl J Med 2000;342(13):905–12.
- El-Atat F, McFarlane SI, Sowers JR. Diabetes, hypertension, and cardiovascular derangements: pathophysiology and management. Curr Hypertens Rep 2004;6(3): 215–23.
- Sowers JR, Epstein M, Frohlich ED. Diabetes, hypertension, and cardiovascular disease: an update. Hypertension 2001;37(4):1,053–59.
- Adler AI, Stratton IM, Neil AW, Yudkin JS, Matthews DR, Cull CA, et al. Association of systolic blood pressure with macrovascular and microvascular complications of type 2 diabetes (UKPDS 36): prospective observational study. BMJ 2000; 321(7,258):412–19.
- Steinhagen-Thiessen E, Bramlage P, et al. Dyslipidemia in primary care – prevalence, recognition, treatment and control: data from the German Metabolic and Cardiovascular Risk Project (GEMCAS). Cardiovasc Diabetol 2008;7:31.
- Ogbera AO, Fasanmade OA, Chinenye S, et al. Characterization of lipid parameters in diabetes mellitus-a Nigerian report. Int Arch Med 2009, 2:19.
- Matrinez CA, Ramos R, Gonzalez MT, et al.Dyslipidemia and cardiovascular risk factors in type 2 diabetes mellitus patients with associated nephropathy. Nephrologia 2002;22(1):51-58.