PHÂN TÍCH DANH MỤC THUỐC SỬ DỤNG TẠI
BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN NĂM 2017
Bùi Huy Cường, Hoàng Phạm Quý, Phạm Thị Thu Hiền
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
ABSTRACT
The objective: of this study was to analyze the structure of drug list using in the Nghe An Hospital of Endocrinology in 2017. Subjects and methods: A retrospective study was applied to analyze the drug list using in Nghe An Hospital of Endocrinology in 2017 (01/01/2017 to 30/8/2017). Results: The drug list consisted of 190 drugs and was categoried into into 18 pharmacological groups. The were 35 drugs enlisted in the hormone group and the endocrine system-affecting drug groups and these drugs costed 16.537 million of the use value. The imported drugs accounted for 78.54% of the use value. There were 162 drugs containing only one active pharmaceutical ingredient. The generic drugs accounted for 64.97% of the use value. The oral route of administration was the main drug administration for these investigated drugs. There were 21 drugs in group A, 34 in group B and 135 in group C. Conclusion: The drug list using in 2017 basically conformed to the model of disease and met the healthcare demand of the patients in hospital.
Keywords: List of using drugs
TÓM TẮT
Mục tiêu: Phân tích cơ cấu danh mục thuốc được sử dụng tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An năm 2017 và đề xuất một số giải pháp để tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả hồi cứu danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An năm 2017 (từ 01/01/2017 đến 30/8/2017). Kết quả: DMT sử dụng gồm 190 thuốc chia vào 18 nhóm tác dụng dược lý. Nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết có 35 thuốc với giá trị sử dụng 16.537 triệu đồng. Thuốc nhập khẩu chiếm 78,54% giá trị sử dụng. Thuốc đơn thành phần có 162 thuốc. Thuốc mang tên generic chiếm 64,97% giá trị sử dụng. Đường dùng chủ yếu của thuốc là đường uống. Có 21 thuốc nhóm A, 34 thuốc nhóm B và 135 thuốc nhóm C. Kết luận: Danh mục thuốc sử dụng năm 2017 về cơ bản đã phù hợp với mô hình bệnh tật và đáp ứng được nhu cầu sử dụng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh của bệnh viện..
Từ khóa: Danh mục thuốc sử dụng.
Chịu trách nhiệm chính: Bùi Huy Cường
Ngày nhận bài: 1/10/2017
Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017
Ngày duyệt bài: 07/11/2017
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sử dụng thuốc kém hiệu quả và bất hợp lý đã và đang là vấn đề bất cập của nhiều quốc gia. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí điều trị, tăng tính kháng thuốc và giảm chất lượng chăm sóc sức khoẻ [1].
Tại Việt Nam, với những chính sách mở cửa theo cơ chế thị trường và đa dạng hoá các loại hình cung ứng, thị trường thuốc ngày càng phong phú cả về số lượng và chủng loại. Điều này giúp cho việc cung ứng dễ dàng và thuận tiện hơn tuy nhiên cũng gây ra nhiều khó khăn, lúng túng trong việc chọn lựa, sử dụng thuốc ở các bệnh viện. Chính vì vậy một danh mục thuốc hiệu quả sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế Nghệ An. Hàng năm bệnh viện sử dụng một số lượng khá lớn thuốc để phục vụ công tác khám chữa bệnh, do đó tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để thực hiện mục tiêu này, không thể thiếu nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn được danh mục thuốc bệnh viện hợp lý. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có nghiên cứu nào phân tích về danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Do đó, chúng tôi tiến hành đề tài: “Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An năm 2017” với mục tiêu phân tích cơ cấu danh mục thuốc được sử dụng tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An năm 2017.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An từ 01/01/2017 đến 30/8/2017.
2.2. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hồi cứu.
2.3. Các biến số nghiên cứu
Các biến số: Nhóm tác dụng dược lý, thành phần thuốc, nguồn gốc xuất xứ, đường dùng, nhóm generic/biệt dược, thuốc hội chẩn, thuốc thường/gây nghiện-hướng tâm thần, nhóm ABC, thuốc tân dược/chế phẩm YHCT, thuốc ngoài thầu.
2.4. Phương pháp thu thập số liệu
Thu thập số liệu từ: Danh mục thuốc trúng thầu năm 2016, 2017; báo cáo sử dụng thuốc năm 2017 (hết tháng 08/2017).
2.5. Xử lý số liệu
Các số liệu được xử lý và phân tích bằng Sử dụng phần mềm Microsoft Excel.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Phân tích cơ cấu DMT sử dụng theo nhóm tác dụng dược lý
Bảng 3.1. Cơ cấu DMT sử dụng năm 2017 theo nhóm tác dụng dược lý
– Về số lượng sử dụng: Nhóm Thuốc tim mạch có số lượng nhiều nhất 48 thuốc (chiếm 25,26%).
– Về Giá trị sử dụng: Nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ nội tiết chiếm nhiều nhất 50,69%
Bảng 3.2. Cơ cấu về số lượng và giá trị sử dụng nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ nội tiết
Trong nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ nội tiết thì nhóm Insulin và nhóm thuốc hạ đường huyết có số lượng thuốc cũng như giá trị sử dụng lớn nhất: 23 thuốc (65,71%) với giá trị sử dụng là 15.871 triệu VNĐ (95,98%).
3.2. Phân tích cơ cấu DMT được sử dụng theo nguồn gốc, xuất xứ
Bảng 3.3. Cơ cấu DMT sử dụng năm 2017 tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An theo nguồn gốc, xuất xứ
Thuốc được sử dụng phần lớn là thuốc nhập khẩu (78,54% về giá trị).
3.3. Phân tích cơ cấu DMT được sử dụng theo đơn thành phần/đa thành phần
Bảng 3.4. Cơ cấu DMT sử dụng năm 2017 theo thuốc đơn/đa thành phần
Thuốc đơn thành phần được sử dụng nhiều hơn. Về số lượng: 162 thuốc đơn thành phần/28 thuốc đa thành phần. Về giá trị: 73,82% so với 26,18%.
3.4. Phân tích cơ cấu DMT được sử dụng theo tên generic và tên biệt dược
Bảng 3.5. Cơ cấu DMT sử dụng theo tên generic-tên biệt dược
Thuốc mang tên generic chiếm đa số cả về số lượng và giá trị sử dụng.
3.5. Phân tích cơ cấu DMT sử dụng theo đường dùng
Bảng 3.6. Cơ cấu DMT sử dụng theo đường dùng
Số lượng thuốc được sử dụng theo đường uống là nhiều nhất: 99 thuốc (chiếm 52,10% về số lượng) có giá trị 26.050 triệu (chiếm 79,85% về giá trị sử dụng). Số lượng thuốc tiêm chiếm tỷ lệ cao thứ 2 với 84 thuốc (chiếm 44,21%) với tổng giá trị sử dụng là 6.545 triệu đồng. Còn các thuốc có đường dùng khác như xịt, hít, dùng ngoài da… thì năm 2017 bệnh viện sử dụng rất ít: chỉ có 7 thuốc với giá trị sử dụng 27 triệu (chiếm 0,09% về giá trị sử dụng).
3.6. Phân tích giá trị DMT sử dụng năm 2107 theo phương pháp ABC
3.6.1. Kết quả phân tích DMT sử dụng năm 2017 theo phương pháp ABC
Bảng 3.7. Phân tích Giá trị DMT sử dụng năm 2017 theo phương pháp ABC
Nhóm A chiếm nhiều nhất về giá trị sử dụng 75,89% , nhưng số lượng chỉ gồm 21 thuốc chiếm 11,05%. Thuốc hạng B chiếm 17.89% về số lượng sử dụng và 14,95% về giá trị sử dụng. Trong khi đó, thuốc hạng C lại chiếm 71.06% về số lượng sử dụng (153 thuốc) nhưng giá trị sử dụng chỉ chiếm 9,16%.
3.6.2. Kết quả phân tích ABC theo nhóm tác dụng dược lý:
Bảng 3.8. Kết quả phân tích ABC theo nhóm tác dụng dược lý
Nhóm Hocmon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết và thuốc tim mạch có số lượng thuốc và giá trị sử dụng chiếm chủ yếu ở nhóm A.
IV. BÀN LUẬN
DMT sử dụng tại bệnh viện năm 2017 gồm 190 thuốc thuộc 18 nhóm tác dụng dược lý cho thấy bệnh viện Nội tiết Nghệ An tuy là một bệnh viện chuyên khoa về bệnh nội tiết chuyển hóa nhưng vẫn có một số nhóm thuốc của chuyên khoa khác để đảm bảo nhu cầu khám và điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường thường mắc kèm nhiều biến chứng. Kết quả này cũng tương tự ở bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa năm 2014 có 20 nhóm thuốc [2].
Nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ nội tiết có số lượng thuốc lớn thứ 2 (35 thuốc) và có giá trị sử dụng lớn nhất (chiếm 50,69% tổng kinh phí mua thuốc năm 2017). Kết quả này hoàn toàn phù hợp do Bệnh viện Nội tiết Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa về nội tiết chuyển hóa tuyến cuối của tỉnh Nghệ An. Các thuốc có giá trị cao trong nhóm chủ yếu là các thuốc điều trị đái tháo đường.
Nhóm thuốc tim mạch có số lượng lớn nhất với 48 thuốc (25,26%) và có giá trị đứng thứ hai (22,29%) bao gồm các nhóm nhỏ là thuốc chống đau thắt ngực, thuốc chống loạn nhịp, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị suy tim, thuốc chống huyết khối, thuốc hạ lipid máu và các thuốc tim mạch khác. Điều này có thể giải thích một phần là do các bệnh nội tiết thường liên quan đến tim mạch, huyết áp, mỡ máu, và đối tượng mắc các bệnh tiểu đường rối loạn chuyển hóa thường là những người trung và cao tuổi. Bệnh ĐTĐ có biến chứng đáng kể là biến chứng mạch máu với các biểu hiện là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bệnh lý thần kinh. Các bệnh về tuyến giáp đều có ảnh hưởng đến tim mạch như bệnh cường giáp làm nhịp tim nhanh, tăng huyết áp có thể dẫn đến rung nhĩ, suy tim; bệnh suy giáp gây nhịp tim chậm, huyết áp thấp, có thể suy tim.
Đặc biệt, trong nhóm hormone và thuốc tác động vào hệ nội tiết có 3 nhóm nhỏ, thì nhóm Insulin và thuốc hạ đường huyết vượt trội về cả số lượng thuốc (23 thuốc chiếm 65,71%) và giá trị sử dụng 15.871 triệu VNĐ chiếm 95,987%. Hai nhóm còn lại gồm 7 thuốc nhóm hormone tuyến giáp, cận giáp và thuốc kháng giáp trạng tổng hợp và 05 thuốc khác với chi phí tổng 2 nhóm rất nhỏ so với nhóm Insulin và thuốc hạ đường huyết (666 triệu vnđ chiếm 4,02% về giá trị sử dụng của nhóm)
Tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An năm 2017, số thuốc nhập khẩu hơn gấp đôi số thuốc sản xuất trong nước (128 thuốc so với 62 thuốc sản xuất trong nước). Về giá trị: Thuốc nhập khẩu chiếm tới 78,54%. Kết quả này có sự chênh lệch so với một số nghiên cứu khác. Các kết quả khảo sát tại một số BV đa khoa và chuyên khoa ở 3 tuyến bệnh viện đều cho thấy các thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 25.5% – 43.3% số khoản mục thuốc và 37%-57.1% tổng giá trị sử dụng, trong đó thấp nhất là các BV tuyến trung ương [4]. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh hóa, tổng giá trị sử dụng thuốc nội là 29,7 tỷ chiếm 29.64% tổng giá trị sử dụng và 35.93 % số lượng biệt dược sử dụng tại bệnh viện [5]. Tỷ lệ thuốc nội ở bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc cạn là 31.3% ứng với khoảng 7.8 tỷ đồng [6].
Trong DMT sử dụng năm 2017 tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An số lượng thuốc đơn thành phần là 162 thuốc (chiếm 85,26%) trong khi thuốc đa thành phần chỉ là 28 thuốc (chiếm 14,74%). Như vậy là phù hợp với thông tư 21/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong bệnh viện đã quy định ưu tiên sử dụng thuốc ở dạng đơn chất.
Tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An số lượng thuốc tên generic chiếm tỷ lệ 72,10% số lượng, trong khi thuốc mang tên biệt dược chỉ chiếm 27,90%. Trong nhóm thuốc biệt dược thì đa số thuốc thuộc nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ nội tiết và tim mạch, 2 nhóm thuốc chính. Tại một số bệnh viện, các thuốc biệt dược thường chiếm tỷ lệ cao trong DMT bệnh viện. Nghiên cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa năm 2014 thuốc mang tên thương mại chiếm 11.13%; bệnh viện phụ sản Hà Nội năm 2012 số lượng thuốc tên biệt dược chiếm 83.03%; bệnh viện đa khoa Đông Anh năm 2012 thuốc tên biệt dược chiếm 54.21% trên tổng số thuốc sử dụng [3],[7],[8]. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn năm 2014 tỷ lệ thuốc mang tên biệt dược gốc chiếm 7.2% số lượng và 4.5% giá trị sử dụng. Trong khi đó số thuốc mang tên thương mại chiếm 95.5% giá trị sử dụng [6].
Theo thông tư 23/2011/TT-BYT về Hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh thì “Chỉ dùng đường tiêm khi người bệnh không uống được thuốc hoặc khi sử dụng thuốc theo đường uống không đáp ứng được yêu cầu điều trị hoặc với thuốc chỉ dùng đường tiêm”. Số lượng thuốc tiêm sử dụng năm 2017 tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An là 84 thuốc (chiếm 44,21%) có giá trị sử dụng là 6.545 triệu đồng (chiếm 20,06%). Trong khi đó, số lượng thuốc đường uống là 99 thuốc với giá trị sử dụng 26.050 triệu đồng. Loại thuốc tiêm sử dụng nhiều nhất tại bệnh viện là Insulin: 14 thuốc với giá trị 4.704 triệu đồng (chiếm 72,88% giá trị thuốc tiêm). Điều này là hợp lý với bệnh viện chuyên khoa nội tiết chuyển hóa như bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
Phân tích ABC danh mục thuốc sử dụng năm 2017:
Số lượng thuốc hạng A là 21 thuốc chiếm tỷ lệ thấp (11,05%) về số lượng thuốc nhưng chiếm tỷ lệ cao về giá trị sử dụng (75,89%). Thuốc hạng B chiếm 17,89 % về số lượng và 14,95% về giá trị. Thuốc hạng C lại chiếm tỷ lệ cao về số lượng (71,06%) nhưng chiếm tỷ lệ thấp về giá trị (9,16%). Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Nguyễn Hằng Nga (2008) đã thực hiện phân tích ABC ở 3 bệnh viện: BV Nhi Trung Ương, BV Hữu Nghị, BV Lao phổi Trung Ương: Kết quả: tỷ lệ theo chủng loại nhóm A ở Bệnh viện Nhi Trung Ương (9.6%), Lao phổi Trung Ương (9.9%) thấp hơn ở bệnh viện Hữu Nghị là 15.7% [9].
So sánh với kết quả nghiên cứu của Lê Thị Thuận Nguyên thì số lượng thuốc hạng A thấp hơn về số lượng (21 so với 33) nhưng về giá trị sử dụng lại cao hơn (24.758 triệu đồng-75,89% so với 19,200 triệu đồng-75.6%).
Còn các thuốc hạng B lại lớn hơn cả về số thuốc và giá trị sử dụng (34 thuốc với 19 thuốc và 4.876 triệu đồng với 3.710 triệu đồng). Nhóm C có số lượng thuốc cao hơn (135 với 123) và giá trị sử dụng cũng cao hơn (2.988 triệu đồng với 2,500 triệu đồng) [2].
V. KẾT LUẬN
DMT sử dụng gồm 190 thuốc chia vào 18 nhóm tác dụng dược lý. Nhóm Hormon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết có 35 thuốc với giá trị sử dụng 16.537 triệu đồng chiếm 50,69%.
Thuốc nhập khẩu chiếm 78,54% giá trị sử dụng, thuốc sản xuất trong nước chiếm 21,46% giá trị. Thuốc đơn thành phần có 162 thuốc, giá trị sử dụng chiếm 73,82%.
Thuốc mang tên generic chiếm 64,97% giá trị còn thuốc mang tên biệt dược chiếm 35,03%.
Thuốc đơn thành phần có 162 thuốc và 28 thuốc đa thành phần.
Đường dùng chủ yếu của thuốc là đường uống, chiếm 79,85% giá trị sử dụng. Thuốc đường tiêm chiếm 20,06% giá trị.
Kết quả phân tích ABC DMT sử dụng: Có 21 thuốc Hạng A chiếm tỷ lệ 11,05% với giá trị sử dụng là 24.758 triệu đồng và 75,89%. Thuốc hạng B chiếm 17,89% và 14,95% về số lượng và giá trị sử dụng. Thuốc hạng C chiếm 71,06% về số lượng và 9,16% về giá trị sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- WHO (2004), Drug and therapeutic commitee: a practical guiden, World health organization, France.
- Lê Thị Thuận Nguyên (2014), Phân tích thực trạng sử dụng thuốc tại bệnh viện nội tiết Thanh Hóa năm 2014, Luận văn dược sỹ chuyên khoa cấp 1, Đại học Dược Hà Nội.
- Nguyễn Thị Trang (2015), Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Luận văn dược sĩ chuyên khoa I, Đại học Dược Hà Nội.
- Bộ Y tế, Bộ Tài chính (2012), Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, số 01/2012/ TTLT-BYT-BTC, ngày 19 tháng 01 năm 2012.
- Hoàng Thị Minh Hiền (2012), Hoạt động cung ứng thuốc tại bệnh viện Hữu Nghị – thực trạng và một số giải pháp, Luận án tiến sĩ dược học, Đại học Dược Hà Nội.
- Phạm Thị Bích (2015), Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn năm 2014, Luận văn dược sĩ chuyên khoa I, đại học Dược Hà Nội, pp.
- Vũ Đình Phóng (2013), Phân tích hoạt động cung ứng thuốc tại bệnh viện phụ sản Trung ương năm 2012, Luận văn Thạc sĩ dược học, Đại học Dược Hà Nội.
- Vũ Thị Thúy (2013), Phân tích hoạt động lựa chọn và sử dụng thuốc tại bệnh viện đa khoa Đông Anh giai đoạn 2008-2012, Luận văn Thạc sĩ dược học, Đại học Dược Hà Nội.
- Nguyễn Hằng Nga (2009), Phân tích cơ cấu tiêu thụ thuốc tại một số bệnh viện trong năm 2008, Đại học Dược Hà Nội.