THỰC TRẠNG BƯỚU CỔ Ở HỌC SINH 8-10 TUỔI TỈNH LẠNG SƠN
VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN
BS.CKII Nguyễn Thị Hoa
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn
ABSTRACT
This study aimed to assess the prevalence for goiter and risk factors among schoolchildren aged 8-10 years in Langson province. A cross-sectional study was conducted in 30 primary schools Langson province during September-December 2015. Clinical examination for goiter was performed in 1,800 schoolchildren aged 8-10 years, their urinary and household salt samples were performed to assessed iodized levels. Mother’s knowledge, attitude and practice (KAP) on iodized salt utilization were assessed. Goitre prevalence was 12.1%. 71.7% of the participants had UIC less than 10μg/dl, the overall median urinary iodine concentration (UIC) was 6.2 μg/dl indicating iodine deficiency in the population. Iodized salt coverage was 65%. Mother’s KAP at the poor level were 56.7%, 72.5% and 80.3%. Goitre was significantly associated with gender, mother’s KAP, iodized salt coverage and UIC levels (p<0.05). The results revealed the potential public health problem of goiter and iodine deficiency among schoolchildren in Langson province. An effective iodized salt monitoring program and health education for childrent’s mothers must be continued to ensure optimal iodine stutus and prevent the population from developing iodine defectiency dissorder.
Keywords: Goitre, risk factors, iodized salt
TÓM TẮT
Mục đích của nghiên cứu là xác định tỷ lệ mắc bướu cổ và các yếu tố liên quan ở học sinh 8-10 tuổi tỉnh Lạng Sơn. Nghiên cứu mô tả cắt ngang đã được tiến hành ở 30 trường tiểu học tỉnh Lạng Sơn trong thời gian từ tháng 9-12/2015. Phương pháp khám lâm sàng đã được tiến hành ở 1,800 học học sinh 8-10 tuổi để xác định bướu cổ. Mẫu nước tiểu học sinh và mẫu muối ăn hộ gia đình đã được xét nghiệm đánh giá tình trạng i-ốt. Kiến thức, thái độ và thực hành (KAP) về sử dụng muối i-ốt (MI) của các bà mẹ có con khám bướu cổ đã được xem xét đánh giá. Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh 8-10 tuổi là 12,1%. 71,7% học sinh thiếu i-ốt, trong đó thiếu nhẹ 29,6%, thiếu vừa 29,6% và thiếu trầm trọng 12,2%. Trung vị i-ốt niệu 6.2 μg/dl chỉ báo Lạng Sơn là vùng thiếu i-ốt. Độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh 65%. KAP bà mẹ về sử dụng MI ở mức yếu kém lần lượt là 56,7%, 72,5% và 80,3%. Bướu cổ học sinh có liên quan đến giới, KAP của các bà mẹ, hàm lượng i-ốt muối ăn hộ gia đình và mức độ i-ốt niệu học sinh (p<0.05). Kết quả cho thấy bướu cổ học sinh và các rối loạn do thiếu i-ốt đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở tỉnh Lạng Sơn. Chương trình truyền thông – giáo dục sức khỏe cho các bà mẹ và cung cấp MI tiếp tục được triển khai để phòng bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt có hiệu quả.
Từ khóa: Bướu cổ, yếu tố liên quan, muối i-ốt.
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Hoa
Ngày nhận bài: 01/7/2019
Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019
Ngày duyệt bài: 1/8/2019
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh bướu cổ, đặc biệt bướu cổ do thiếu iốt là vấn đề bức xúc ở nhiều nước trên thế giới vì hậu quả của bướu cổ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần, trí tuệ, đến tương lai và giống nòi của cả một dân tộc. Số liệu WHO cho thấy, tỷ lệ bướu cổ năm 1993 ở học sinh 8-12 tuổi Việt Nam là 21,9%, nồng độ i-ốt niệu trung vị là 4,0 µg/dl, ước tính 84% dân số Việt Nam thiếu i-ốt [5]. Dựa trên cơ sở dữ liệu này, Chính phủ đã ra Quyết định về việc tổ chức và vận động toàn dân sử dụng muối i-ốt và đưa chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt (PCCRLTI) vào mục tiêu quốc gia [3].
Trải qua hơn một thập kỷ thực hiện chương trình, Việt Nam đã đạt được các cam kết với chương trình muối i-ốt (MI) toàn cầu.
Dữ liệu điều tra toàn quốc năm 2000, 2003 và 2005 cho thấy mức bao phủ hộ gia đình MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tăng từ 78% năm 2000 lên 93% năm 2005, mức trung vị nồng độ i-ốt niệu của cả phụ nữ và trẻ em tuổi đi học đã duy trì trong phạm vị khuyến nghị của WHO (>10 µg/dl), tỷ lệ bưới cổ ở trẻ em tuổi đi học đã giảm từ 12,9% năm 1998 xuống 3,5% năm 2005 dưới mức khuyến cáo WHO (<5%) [4].
Đạt được kết quả này, Chính phủ Việt Nam đã hạ cấp độ từ chương trình mục tiêu quốc gia thành hoạt động y tế thường xuyên. Quyết định này đã làm thay đổi cơ chế quản lý, cơ cấu tổ chức, các hoạt động giám sát, cắt giảm ngân sách và hệ lụy là bướu cổ và thiếu i-ốt tái diễn ở hầu hết các địa phương trong cả nước [2], [4].
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nguy cơ bướu cổ là rất lớn, có thể cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với 02 mục tiêu:
- Xác định tỷ lệ bướu cổ ở học sinh 8-10 tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2015.
- Mô tả một số yếu tố liên quan đến bướu cổ ở học sinh 8-10 tuổi.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
Đối tượng nghiên cứu là học sinh 8-10 tuổi, bà mẹ của học sinh và muối ăn hộ gia đình. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được áp dụng.
Phương pháp chọn mẫu chùm được thực hiện. 1,800 học sinh 8-10 tuổi ở 30 trường tiểu học (30 chùm) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được chọn ngẫu nhiên.
Tất cả học sinh được khám lâm sàng để đánh giá tình trạng bướu cổ. Theo khuyến cáo của WHO, số mẫu nước tiểu cần lấy để định lượng i-ốt niệu ít nhất là 40% số học sinh được khám [6]. Nghiên cứu này, lựa chọn ngẫu nhiên 893 mẫu nước tiểu (>40%) được làm xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên.
Các chỉ số i-ốt niệu của WHO-UNICEF-ICCIDD [6] được áp dụng để đánh giá tình trạng i-ốt: thiếu i-ốt nặng (<2 µg/dl); thiếu vừa (2-4,9 µg/dl); thiếu nhẹ (5-9,9 µg/dl); đủ (10-19,9 µg/dl); dư thừa (20-29,9 µg/dl) quá mức (≥30 µg/dl).
1,748 hộ gia đình đang sử dụng muối ăn được tiến hành lấy mẫu, các mẫu muối ăn này được làm xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn. Theo khuyến cáo của WHO-UNICEF-ICCIDD, muối ăn đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khi hàm lượng i-ốt trong muối ăn ≥ 15µg/1gr muối [6].
Tất cả các bà mẹ có con khám bướu cổ (1,800) đã được phỏng vấn về kiến thức, thái độ và thực hành (KAP) liên quan sử dụng MI. KAP của các bà mẹ được đánh giá bởi điểm số của từng câu hỏi. Tổng số điểm của mỗi phần được phân chia làm 3 mức độ: kém (<60% số điểm), trung bình (60-79% số điểm), và tốt (≥ 80% số điểm).
Thống kê mô tả được sử dụng để mô tả tần suất và tỷ lệ phần trăm của các biến số. Chi-square test được sử dụng để xác định mối liên quan giữa 2 biến số.
3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Tuổi và giới là tương đương, dân tộc thiểu số là chủ yếu, phần lớn học sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, ở thành phố chiếm tỷ lệ thấp (Bảng 1). Các tỷ lệ này tương đối phù hợp so với sự phân bố về giới, dân tộc và nơi sinh sống trong quần thể học sinh Lạng Sơn.
Bảng 1. Đặc điểm đối tượng (n=1800)
3.2. Tỷ lệ bướu cổ
Kết quả khám 1,800 học sinh, phát hiện 218 học sinh mắc bệnh chiếm 12,1% (Biểu đồ 1). Tỷ lệ này cao hơn so với thời điểm trước đây ở Lạng Sơn và cao hơn nhiều so với báo cáo của các tỉnh/thành khác năm 2015 [2] và vượt xa so với mục tiêu của hoạt động phòng chống CRLTI sau năm 2005 là duy trì tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi <5%.
Theo chúng tôi, kể từ năm 2005 Lạng Sơn cũng như các tỉnh khác trong cả nước chương trình phòng chống CRLTI đã chuyển từ mục tiêu quốc gia chuyển sang hoạt động thường xuyên, vì thế nguồn lực cho chương trình rất hạn hẹp, bên cạnh đó Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, nơi trên 80% diện tích là đồi núi cao, phần lớn là người dân tộc sinh sống, giao thông đi lại khó khăn v.v…Tất cả các yếu tố này gộp lại là yếu tố thuận lợi làm cho tỷ lệ bướu cổ tỉnh Lạng Sơn tăng cao.
Biểu đồ.1. Tỷ lệ bướu cổ học sinh 8-10 tuổi
Kết quả Bảng 2 cho thấy, hầu hết học sinh mắc bướu cổ nhỏ – bướu độ I (95,0%) và thể bướu lan tỏa (97,2%). Kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu của Tạ Văn Bình ở 7 vùng sinh thái Việt Nam [1].
Bảng 2. Phân loại bướu cổ theo độ bướu và thể bướu (n=218)
3.3. Chất lượng muối i-ốt
Theo khuyến cáo của WHO-UNICEF-ICCIDD mức bao phủ hộ gia đình sử dụng MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh >90% [6]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu Bảng 3 cho thấy độ bao phủ MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (≥15µg i-ốt/1gr muối) chiếm tỷ lệ thấp (65%).
Điều này cho thấy hệ thống đảm bảo và cung cấp muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đến người dân tỉnh Lạng Sơn còn hạn chế.
Bảng 3. Kết quả định lượng i-ốt muối ăn hộ gia đình (n=1748)
3.4. Tình trạng i-ốt niệu
Theo WHO-UNICEF-ICCIDD, một vùng được coi là đủ i-ốt khi trung vị i-ốt niệu ≥ 10µ/dl, lý tưởng từ 10 – 20µ/dl. Nếu từ 20 – 30µ/dl được coi là dư thừa dễ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp tự miễn; >30µ/dl là có hại [6].
Ngoài giá trị trung vị của i-ốt niệu, thì vùng được gọi là không thiếu i-ốt khi có tỷ lệ số mẫu có nồng độ i-ốt >10µ/dl phải đạt >50% và tỷ lệ số mẫu có nồng độ i-ốt <5µ/dl chỉ cho phép dưới 20% [6]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trung vị i-ốt niệu là 6,2µ/d thấp hơn nhiều so với khuyến cáo (>10µ/dl).
Bảng 4. Tình trạng i-ốt niệu ở học sinh 8-10 tuổi (n=893)
Bên cạnh đó, kết quả Bảng 4 cho thấy số mẫu có nồng độ i-ốt >10µg/dl chỉ có 28,3% (dưới 50%), số mẫu có nồng độ i-ốt <5µg/dl chiếm 41,8% (trên 20%). Kết quả này khẳng định Lạng Sơn thuộc vùng thiếu i-ốt và tỷ lệ thiếu i-ốt ở học sinh 8-10 tuổi tỉnh Lạng Sơn là rất cao (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2. Tình trạng i-ốt ở học sinh 8-10 tuổi
3.5. Kiến thức, thái độ và thực hành của các bà mẹ
Hiểu biết của các bà mẹ về lợi ích, cách bảo quản và sử dụng MI là nền tảng hình thành thái độ tích cực hướng đến tìm kiếm, bảo quản và sử dụng MI thường xuyên ở các hộ gia đình, góp phần quan trọng trong phòng chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt ở cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả ở Biểu đồ 3 cho thấy phần lớn các bà mẹ có KAP về sử dụng MI ở mức yếu kém (56,7%, 72,5% và 80,3% theo thứ tự). Điều này cho thấy Chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt ở tỉnh Lạng Sơn là chưa hiệu quả.
Biểu đồ 3. Kiến thức, thái độ, thực hành bà mẹ
Bảng 5. Một số yếu tố liên quan đến bướu cổ ở học sinh 8-10 tuổi
3.6. Một số yếu tố liên quan
Giả thuyết nghiên cứu rằng có mối liên quan giữa bướu cổ học sinh với dân tộc, nơi sinh sống và nguồn nước. Tuy nhiên, kết quả Bảng 5 cho thấy không có mối liên quan này (p>0,05).
Theo chúng tôi, phần lớn mẫu nghiên cứu là học sinh người dân tộc thiểu số, hơn nữa các học sinh cùng chung sống trong khu vực mà >80% diện tích là đồi núi, phần lớn sử dụng nguồn nước giếng khơi do vậy không tìm thấy sự khác biệt này.
Kết quả nghiên cứu Bảng 5 cho thấy bướu cổ học sinh có mối liên quan chặt chẽ với giới (p<0,001), kiến thức, thái độ, thực hành của bà mẹ (P<0,05), hàm lượng i-ốt muối ăn hộ gia đình (p=0,038), và mức đội i-ốt niệu của học sinh (p<0,001).
4. KẾT LUẬN
- Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh 8 – 10 tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2015 là 12,1%.
- Độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh 65%.
- Mức trung vị i-ốt niệu ở học sinh 8 – 10 tuổi 6,2 µg/dl.
- 71,7% học sinh 8-10 tuổi thiếu i-ốt, trong đó thiếu hụt nặng chiếm 12,2%, vừa 29,6% và nhẹ 29,9%.
- Phần lớn các bà mẹ có KAP về sử dụng MI ở mức độ yếu kém (56,7%, 72,5% và 80,3% theo thứ tự).
- Không có mối liên quan giữa bướu cổ học sinh với dân tộc, nơi sinh sống và nguồn nước hộ gia đình (p>0,05).
- Có mối liên quan giữa bướu cổ học sinh với giới tính, kiến thức, thái độ, thực hành của bà mẹ, hàm lượng i-ốt muối ăn hộ gia đình và mức độ i-ốt niệu học sinh (p<0,05).
5. KHUYẾN NGHỊ
Triển khai mạnh mẽ các giải pháp: Truyền thông – giáo dục sức khỏe; Tổ chức; chuyên môn kỹ thuật; tài chính cho công tác PCCRLTI trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tạ Văn Bình and và cộng sự (2007). Nghiên cứu đánh giá tỷ lệ bướu cổ, i ốt niệu trung vị ở trẻ em 8 -10 tuổi tại 7 vùng sinh thái Việt Nam – năm 2005. Báo cáo toàn văn các đề tài khoa học Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành nội tiết và chuyển hóa lần thứ ba. Nhà xuất bản Y học. Tr.189.
- Bộ Y tế – Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2016). Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 Dự án Phòng chống đái tháo đường quốc gia; hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Tổ chức tại T Lao Cai từ ngày 18-19/3/2016.
- Thủ tướng Chính phủ (1994). Quyết định Số 481/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8 tháng 9 năm 1994 về tổ chức và vận động toàn dân ăn muối iốt.
- Tổ chức UNICEF tại Việt Nam (2013). Chương trình Phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt ở Việt Nam: Bài học quá khứ và khởi động lại chương trình tốt hơn. Truy cập ngày 25/8/2016 tại: http://www.unicef.org/vietnam/vi/Final_IDD_VN_email_version.pdf.
- WHO (2004). Iodine Status Worldwide. WHO Database on Iodine Infecency; Accsessed August 25, 2016 from: http://apps.who.int/iris/bitstream/10665/43010/1/9241592001.pdf
- WHO/UNICEF/ICCIDD (2007). Assessment of iodine deficiency disorders and monitoring their elimination: a guide for programme managers. Third edition. Accsessed August 25, 2016 from: http://apps.who.int/iris/bitstream/10665/43781/1/9789241595827_eng.pdf