Thực trạng một số rối loạn do thiếu hụt i-ốt tại tỉnh Thái Nguyên năm 2018

THỰC TRẠNG MỘT SỐ RỐI LOẠN DO THIẾU HỤT IỐT

TẠI TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2018

Phạm Thị Lệ Thu và cộng sự

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên

ABSTRACT

The study was conducted on 1800 pupils aged 8 to10 years in Thai Nguyen province. Among the households with children selected for goitre survey there were also 1800 households (1800 housewives) selected for the KAP interviews and salt sample collection. The results show that: The prevalence of goitre in Thai Nguyen primary school pupils was 13.89% higher than the set target. The median urinary iodine level was 7.01 µg / dl that was below the WHO recommended level (> 10 µg / dl). Percentage of households using iodized salt meeting the disease prevention standard reached 45.2% that was lower than target for elimination (> 90%). The proportion of subjects who knew the benefits of iodized salt was 99.4%, in that knowledge of goitre prevention accounted for the highest rate of 99.2%.

Key words: iodine deficiency disorders, current status

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành trên 1800 học sinh  từ 8 – 10 tuổi tại tỉnh Thái Nguyên. Trong số các hộ gia đình có trẻ được chọn để điều tra bướu cổ cũng có 1800 hộ gia đình (1800 người nội trợ) được chọn để tiến hành phỏng vấn KAP và lấy mẫu muối của hộ gia đình đó. Kết quả cho thấy:

– Tỷ lệ bướu cổ của học sinh tiểu học Thái Nguyên là 13,89% cao hơn so với mục tiêu

– Mức I ốt niệu học sinh là 7,01 µg/dl thấp dưới mức khuyến cáo của WHO (>10 µg/dl)

– Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh  đạt 45,2%. Thấp hơn so với mục tiêu thanh toán (> 90%).

– Tỷ lệ đối tượng biết lợi ích của muối I ốt chiếm 99,4%; trong đó biết phòng bướu cổ chiếm tỷ lệ cao nhất 99,2%

Từ khóa: rối loạn thiếu i-ốt, thực trạng

Chịu trách nhiệm chính: Phạm Thị Lệ Thu

Ngày nhận bài: 01/7/2019

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019

Ngày duyệt bài: 1/8/2019

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

I ốt là một vi chất rất cần thiết cho đời sống con người. Tình trạng thiếu i ốt có thể xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống con người. Tùy thuộc từng giai đoạn phát triển của cuộc đời con người mà sự thiếu hụt i ốt có tác động khác nhau.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng mặc dù số nước thiếu i ốt đã giảm 50% trong những năm qua, song hiện tại trên toàn Thế giới vẫn còn một số lượng lớn dân số không được thu nhận đầy đủ i ốt vào cơ thể, đây là một nguy cơ có thể dẫn đến những bệnh lý của cơ thể. Tiến sĩ Michael B.Zinmerman, thành viên ICCIDD (2010) cảnh báo: Thiếu i ốt hiện vẫn là một vấn đề toàn cầu và ảnh hưởng đến các nước công nghiệp cũng như nhiều nước đang phát triển.

Hiện nay tình hình thiếu hụt i ốt và các rối loạn do thiếu hụt i ốt ở Việt Nam xảy ra ở nhiều nơi, không chỉ ở miền núi mà còn trên phạm vi toàn quốc. Nguy cơ tình trạng thiếu hụt i ốt quay trở lại đang hiện hữu và nhiều thách thức:

Theo kết quả tổng điều tra toàn quốc năm 2005, tỉ lệ bướu cổ trẻ em giảm xuống dưới 5%. Độ bao phủ muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh 92,3% mức trung vị i ốt niệu là > 10µg/dl và < 20µg/dl. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ dân số liên hợp quốc về kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2010 – 2011 cho thấy độ bao phủ muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt 45,1% (Trong khi đó năm 2005 là trên 90%).

Tại Thái Nguyên năm 2017 qua đợt điều tra, giám sát đánh giá chất lượng muối i ốt tại hộ gia đình cho kết quả: Số mẫu đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 47% (năm 2005 trên 90%); mức i ốt niệu trung vị kiểm tra từ các bà mẹ tại hộ gia đình giám sát là 6,5µg/dl (năm 2005 đạt trên 10 µg/dl).

Như vậy tình trạng thiếu hụt i ốt trong cộng đồng dân cư đang hiện hữu quay trở lại. Do vậy, trước tình hình thực tế trên chúng tôi xây dựng đề tài “Thực trạng một số rối loạn do thiếu hụt i ốt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2018”. Mục tiêu nghiên cứu:

– Xác định tỷ lệ bướu cổ và mức i ốt niệu trung vị ở trẻ em 8 – 10 tuổi tại tỉnh Thái Nguyên năm 2018.

– Xác định tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tại tỉnh Thái Nguyên năm 2018.

Qua đó, đề xuất các giải pháp nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Trẻ em 8 – 10 tuổi và người nội trợ của hộ gia đình có trẻ được chọn khám bướu cổ.

– Muối ăn/bột canh hiện đang được sử dụng tại hộ gia đình.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Thiết kế nghiên cứu: Sử dụng phương pháp nghiên cứu dịch tễ học mô tả, cắt ngang.

– Cỡ mẫu:

Trong đó:

Z (1 – α/2) = 1,96 (Khoảng tin cậy 95%)

p = 0,04 (Tỷ lệ bướu cổ trẻ em theo điều tra trước đó là 4%).

1 – p = 0,96

d = 0,01 (độ chính xác mong muốn)

Thêm 20% dự phòng mất mẫu trong quá trình điều tra và làm tròn số, ta xác định cỡ mẫu điều tra là 1800.

– Chọn mẫu:

+ Tại mỗi cụm (Phường/xã) chọn ngẫu nhiên 01 Trường tiểu học. Chọn danh sách số trẻ cần khám bướu cổ từ danh sách trẻ em 8 – 10 tuổi theo tuổi và giới (30 trẻ em nam, 30 trẻ em nữ) theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên có hệ thống (Mỗi nhóm tuổi chọn 10 nam và 10 nữ).

+ Trong số 60 hộ gia đình có học sinh điều tra bướu cổ sẽ có 60 hộ gia đình (60 người nội trợ) được chọn để tiến hành phỏng vấn KAP và lấy mẫu muối của hộ gia đình để làm xét nghiệm

2.3. Phương pháp thu thập thông tin

– Khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp cho toàn bộ trẻ em được chọn để điều tra

– Xét nghiệm: tất cả học sinh được khám đều lấy mẫu nước tiểu và mẫu muối ăn/bột canh tại hộ gia đình để làm xét nghiệm tại Labo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.

–  Phỏng vấn toàn bộ người nội trợ trong gia đình được chọn mẫu theo danh sách bằng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành về phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt.

– Thời gian tiến hành nghiên cứu: Quý IV năm 2018.

– Phương pháp xử lý, phân tích số liệu:

Số liệu điều tra được nhập bằng chương trình EPIDATA và phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS.

Các test thống kê trong y học được ứng dụng để xử lý số liệu.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ bướu cổ học sinh 8 – 10 tuổi

Bảng 3.1. Tỷ lệ bướu cổ học sinh tại 9 huyện, thành, thị

Nhận xét: Tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh là 13,89%, trong đó huyện Phú Lương có tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh cao nhất (16,66%), thành phố Sông Công có tỷ lệ học sinh mắc bướu cổ thấp nhất (4,5%).

Bảng 3.2. Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh phân theo giới

Nhận xét: Tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh nam là 13,33%, học sinh nữ là 14,44%.

Bảng 3.3. Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh theo lứa tuổi

Nhận xét: Tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh lứa tuổi 10 tuổi cao nhất (14,83%), lứa tuổi 8 tuổi thấp nhất (12,33%).

Bảng 3.4. Nồng độ i ốt trong nước tiểu của học sinh nói chung (đơn vị µg/dl)

Nhận xét: Đa số học sinh có mức i ốt niệu dưới tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO (67,8%). Có 25,5% học sinh có mức i ốt niệu từ 10 – 20 µg/dl; 6,7% học sinh >20 µg/dl.

Bảng 3.5. Nồng độ i ốt trong muối ăn của hộ gia đình (đơn vị µg/10g muối).

Nhận xét: Nồng độ i ốt trong muối ăn của các hộ gia đình < 200 chiếm tỷ lệ cao nhất (53,8%). Mức 200 – 400 chiếm 45,2%. Thấp nhất là > 400 chiếm 0,9%.

Bảng 3.6. Mối tương quan giữa i ốt niệu và i ốt trong muối

Nhận xét: Vì p < 0,05 => có mối liên quan giữa nồng độ I ốt niệu học sinh và nồng độ I ốt trong muối ăn hộ gia đình.

3.2. Kiến thức, thái độ, hành vi của người nội trợ trong gia đình có trẻ em 8 – 10 tuổi về muối i ốt và CRLTI

Bảng 3.7. Kiến thức của người dân về việc dùng muối i ốt thông qua các phương tiện  truyền thông

 

Nhận xét: Truyền thông thông qua cán bộ y tế chiếm tỷ lệ cao nhất 84,5%; tiếp theo là vô tuyến chiếm 80,7%.

Bảng 3.8. Kiến thức của người dân về lợi ích dùng muối i ốt

Nhận xét: Tỷ lệ đối tượng biết lợi ích của muối I ốt chiếm 99,4%; trong đó biết phòng bướu cổ chiếm tỷ lệ cao nhất 99,2%; tiếp theo là phòng ngừa đần độn 52,2%.

4. BÀN LUẬN

Qua điều tra, tỷ lệ bướu cổ chung của học sinh tiểu học Thái Nguyên là 13,89%; trong đó huyện Phú Lương có tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh cao nhất (16,66%), thành phố Sông Công có tỷ lệ học sinh mắc bướu cổ thấp nhất (4,5%).Tỷ lệ này khác với nghiên cứu ở Vĩnh Phúc năm 2018: tỷ lệ bướu cổ chung của học sinh tiểu học tại 36 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là 2,5%. Xét theo tuổi, tỷ lệ mắc bướu cổ học sinh lứa tuổi 10 tuổi cao nhất (14,83%), lứa tuổi 8 tuổi thấp nhất (12,33%). Tuy nhiên trong nghiên cứu tỷ lệ bướu cổ tăng dần theo lứa tuổi. Điều này phù hợp với một số nghiên cứu của các tác giả ở Thái Bình và Viện Nội tiết. Sở dĩ ở lứa tuổi càng lớn thì tỷ lệ bướu cổ càng cao có thể là do lứa tuổi gần dậy thì, thể tích tuyến giáp có thể lớn hơn để đáp ứng nhu cầu hormone sinh trưởng cho cơ thể phát triển.

Gần như toàn bộ I ốt thu nhập hàng ngày của cơ thể ngoài phần hấp thu còn lại đều thải ra theo nước tiểu, nên mức I ốt niệu là chỉ số quan trọng hàng đầu. Trong nghiên cứu này trung vị I ốt niệu là 7,01 µg/dl (không đạt tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO là > 10 µg/dl). Cụ thể tỷ lệ học sinh có nồng độ I ốt niệu <10 µg/dl chiếm 67,8%, học sinh có nồng độ i-ốt niệu >20 µg/dl chỉ chiếm 6,7% và có mối liên quan giữa nồng độ I ốt niệu học sinh và nồng độ I ốt trong muối ăn hộ gia đình.

5. KẾT LUẬN

Người dân đã có kiến thức về tác dụng của muối I ốt trong phòng chống bệnh bướu cổ và rối loạn do thiếu hụt I ốt. Nhưng vấn đề thiếu hụt I ốt đang trở lại và trở thành vấn đề cần quan tâm đối với ngành y tế Thái Nguyên, thể hiện thông qua các chỉ số:

– Tỷ lệ bướu cổ học sinh là 13,89% cao hơn so với mục tiêu (<8%).

– Mức I ốt niệu trung vị học sinh là 7,01 µg/dl thấp dưới mức tiêu chuẩn cho phép của WHO (>10 µg/10dl).

– Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh  đạt 45,2%. Thấp hơn so với mục tiêu thanh toán ( > 90%).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Văn Choang. Siêu âm tuyến giáp – Bệnh tuyến giáp và các rối loạn thiếu i-ốt – NXB Y học, Hà Nội, 1996.
  2. Lê Kim Chiêng, Đặng Tuấn Thanh. Điều tra thực trạng thiếu i-ốt ở Việt Nam năm 1993 – Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học Nội tiết chuyển hóa – NXB Y học, 2000. 182-188.
  3. Đặng Trần Duệ. Lịch sử nghiên cứu bệnh bướu cổ và bệnh đần độn. Bệnh tuyến giáp và chống rối loạn thiếu i-ốt – NXB Y học Hà Nội 1996.
  4. Nguyễn Tiến Dĩnh. Chiến lược phòng chống CRLTI ở nước ta 1995-2000-2005. Bệnh tuyến giáp và CRLTI. NXB Y học, 1996.
  5. Đặng Trần Duệ. Đại cương về các hiệu quả do thiếu i-ốt. NXB Y học, 1996.
  6. Trần Minh Hậu – Lê Kim Cúc. Tình hình bệnh bướu cổ học sinh tuổi học đường tỉnh Hòa Bình – Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học Nội Tiết chuyển hóa – NXB Y học, 2000, 189-193.
  7. Nguyễn Đức Thuận – Võ Phụng – Nguyễn Hải Thủy. Đánh giá kích thước tuyến giáp của học sinh 9-11 tuổi bằng siêu âm. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học Nội tiết chuyển hóa – NXB Y học, 2000, 27-31.
  8. Lê Quang Toàn, Đặng Tuấn Thanh. Khảo sát toàn quốc về muối i-ốt và i-ốt niệu ở Việt Nam năm 1998. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học Nội tiết chuyển hóa – NXB Y học, 2000, 241-248.
  9. Daisuke U. Normai Volume of th thyroid gland on children.Clinical Ultrasound julyl/1990, page 455-462.
  10. Roger C. Clinical sonography, copyright 1991. Printed in the United states of America, page 369-376.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …