THỰC TRẠNG SỬ DỤNG MUỐI I-ỐT VÀ MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG
CỦA THIẾU HỤT I-ỐT TRÊN CÁC ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ
TẠI ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2017
Hà Minh Nguyệt1, Nguyễn Hoài Lê1, Nguyễn Thanh Hải2,
1. Trung tâm Y tế Dự phòng Vĩnh Phúc
2. Sở Y tế Vĩnh Phúc
SUMMARY
Magnitude of iodsised salt use and effects of iodine deficiency in high risk populations in Vinh Phuc province, 2017
In Vietnam, salt iodisation program was funded by the Government. A reduction in funding, since 2005, has impacted on the prevention and control of iodine deficiency disorders in regions across the country, including Vinh Phuc province.
This cross-sectional study investigated the utilisation, quality of iodised salt, factors associated with utilisation, and prevalence of iodine deficiency disorders in high risk populations. The study was conducted in 2017, among 540 households, 108 women of reproductive age (18-49 years old), and 720 primary school students in 36 communes in Vĩnh Phúc province. Among these households, 98,1% used fish sauce, 11,9% use salt, 93,9% used any type of seasoning powder, and 72,4% used iodised seasoning powder. Iodine concentration tests were carried out for 540 samples of salt and seasoning powder. All of the tested samples (100%) did not meet the recommended levels of iodine. Among children, prevalence of goitre was 2,5%, with the majority (94,4%) having grade 1A goitre. There was no relationship between children’ gender and having goitre (p=0.6). In women, there was no association between their working status and the use of iodissed salt (p=0.57) and iodised seasoning (p=0.453). Similarly, no association between education attainment and the use iodised salt and seasoning was found (p=0.3 and p=0.7, respectively).
Iodisation of salt and other seasoning products is effective in prevention of disorders due to iodine deficiency. Strategies to ensure quality of iodised products are needed. These include an increase of monitoring and surveillance activities in companies that manufacture iodised salt and similar products and infringement measures.
Chịu trách nhiệm chính:
Ngày nhận bài:
Ngày phản biện khoa học:
Ngày duyệt bài:
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe con người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có hơn một trăm nước có vấn đề thiếu I-ốt, khoảng một tỷ rưỡi người sống trong vùng thiếu I-ốt và có nguy cơ bị các rối loạn do thiếu I-ốt, trong đó có hơn 11 triệu người bị chứng đần độn do thiếu I-ốt [7].
Việt Nam là một nước nằm trong vùng thiếu I-ốt với 94% dân số nằm trong vùng thiếu I-ốt. Từ năm 1994, Việt Nam đã vận động toàn dân sử dụng muối I-ốt để phòng bệnh và đã đạt được những thành công lớn trong các hoạt động phòng chống CRLTI. Năm 2005, Việt Nam đã thanh toán tình trạng thiếu hụt I-ốt thông qua ba chỉ số: Độ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt > 90%; tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi < 5% và mức I-ốt niệu trung vị ≥ 10 mcg/dl [1].
Tuy nhiên sau năm 2005 chương trình bổ sung I-ốt vào muối không còn là một hoạt động được Chính phủ tài trợ. Sự thiếu hụt ngân sách và thay đổi cấu trúc quản lý đã dẫn tới sự sụt giảm đáng kể mức độ bao phủ MI và nồng độ I-ốt niệu, tới mức mà các rối loạn thiếu I-ốt đã lại trở thành một vấn đề y tế cộng đồng. Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2011 thì tỷ lệ sử dụng MI tại Việt Nam là 45,1%, mức I-ốt niệu trung vị xuống mức thiếu nhẹ (chỉ đạt 8,3 mcg/dl năm 2010) [2], năm 2015 độ bao phủ MI tại đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 38,5% [3].
Cũng như các địa phương khác, chương trình Phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt tại Vĩnh Phúc từ sau năm 2005 đã bị cắt giảm nhiều, các hoạt động phòng chống CRLTI không thể thực hiện thường xuyên do thiếu kinh phí. Tỷ lệ các hộ sử dụng MI đang có dấu hiệu giảm qua các năm. Năm 2005 tỷ lệ số hộ dùng muối I-ốt trên địa bàn tỉnh đạt 95,7% , năm 2013 đạt 70%; năm 2015 còn 65,8%. Mức I-ốt niệu trung vị ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ giảm nghiêm trọng, năm 2005 là 32,51mcg/dl, năm 2010: 8,5 mcg/dl, năm 2016: 6,5 mcg/dl. Tỷ lệ bướu cổ học sinh: từ năm 2010 đến nay không được điều tra đánh giá. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành quả thanh toán tình trạng CRLTI, nguy cơ thiếu hụt I-ốt ảnh hưởng đến người dân đang hiện hữu.
Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng sử dụng muối, các chế phẩm có chứa I-ốt và mức độ ảnh hưởng của thiếu hụt I-ốt trên các đối tượng có nguy cơ tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” nhằm mục tiêu:
- Đánh giá thực trạng về sử dụng muối và các chế phẩm có chứa I-ốt của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
- Xác định mức độ ảnh hưởng của thiếu I-ốt trên đối tượng nguy cơ.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thiết kế nghiên cứu:
Áp dụng phương pháp Dịch tễ học mô tả – Điều tra cắt ngang.
2.2. Đối tượng nghiên cứu:
– Phụ nữ 18 – 49 tuổi.
– Trẻ em 8 – 12 tuổi.
2.3. Cỡ mẫu nghiên cứu:
* Tính số phụ nữ 18 – 49 tuổi sẽ điều tra:
Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho một tỷ lệ:
+ Với p là tỷ lệ ước sử dụng muối i ốt tính chung toàn tỉnh là 60%;
+ ∆ khoảng sai lệch mong muốn giữa tỷ lệ thu được từ mẫu (p) và tỷ lệ của quần thể (P), lấy bằng 0,042.
+ α: Mức ý nghĩa thống kê, lấy bằng 0,05 ứng với độ tin cậy 95%. Tương ứng ta có Z1-α/2 bằng 1,96.
Ta tính được n = 523, làm tròn số ta sẽ chọn 540 đối tượng điều tra.
* Tính số học sinh 8 – 12 tuổi sẽ điều tra:
Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho một tỷ lệ:
+ Với p là tỷ lệ bướu cổ trên địa bàn tỉnh, lấy theo kết quả điều tra năm 2010 là 3.9%;
+ ∆ khoảng sai lệch mong muốn giữa tỷ lệ thu được từ mẫu (p) và tỷ lệ của quần thể (P), lấy bằng 0,015.
+ α: Mức ý nghĩa thống kê, lấy bằng 0,05 ứng với độ tin cậy 95%. Tương ứng ta có Z1-α/2 bằng 1,96.
Ta tính được n = 640, làm tròn số ta sẽ chọn 720 học sinh tiểu học tham gia điều tra.
Cách chọn mẫu:
– Triển khai trên toàn tỉnh. Mỗi huyện điều tra đánh giá tại 4 xã và 4 trường tiểu học.
– Tại mỗi xã điều tra 3 khu hành chính với 15 hộ gia đình và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15 – 49 tuổi.
– Tại mỗi trường tiểu học điều tra 20 học sinh khối lớp 3 và lớp 4.
– Tổng số điều tra 540 hộ gia đình, lấy 540 mẫu muối/bột canh, 108 mẫu nước tiểu của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15 – 49 tuổi và khám siêu âm bướu cổ cho 720 học sinh tiểu học.
2.4. Phương pháp thu thập số liệu
– Phương pháp phỏng vấn, điều tra kết hợp quan sát.
– Phương pháp thực nghiệm áp dụng điều tra hàm lượng I-ốt trong muối/bột canh và trong nước tiểu và chẩn đoán hình ảnh (siêu âm) áp dụng điều tra bướu cổ học sinh.
2.5. Công cụ thu thập thông tin
– Bộ phiếu câu hỏi phỏng vấn và quan sát.
– Máy siêu âm có đầu dò chuyên dụng để siêu âm tuyến giáp.
– Ống đựng nước tiểu, túi PE có dán nẹp để đựng mẫu, bút viết kính.
– Bình tích lạnh, phích lạnh.
2.6. Phương pháp sử lý số liệu
– Thiết kế và nhập số liệu, phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0
– Dùng các test thống kê thích hợp để so sánh: c2- test, T test.
2.7. Sai số và cách khắc phục sai số
– Sai số:
+ Không đảm bảo ngẫu nhiên trong chọn xã và hộ gia đình, học sinh.
+ Đối tượng không hiểu câu hỏi dẫn đến trả lời sai.
+ Không lấy được đủ mẫu XN.
+ Xét nghiệm mẫu không chính xác.
– Cách khắc phục sai số:
+ Tập huấn chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ tham gia điều tra.
+ Điều tra viên phải thuộc bộ câu hỏi, tiếp cận đối tượng lịch sự, cởi mở, chân thành. Khi thấy đối tượng điều tra lúng túng cần làm rõ ý câu hỏi.
+ Hướng dẫn điều tra viên lấy đủ lượng muối và nước tiểu cần thiết để xét nghiệm: muối 30 gram, tương đương 4 thìa cà phê. Bột canh 40 gram, tương đương 4 thìa cà phê. Nước tiểu 5ml, tương đương 4cm chiều cao tuýp đựng.
3. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
3.1. Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Tuổi của đối tượng nghiên cứu
Nhận xét: Độ tuổi trung bình của đối tượng là 34.4. Trong đó tuổi lớn nhất là 49 tuổi, tuổi nhỏ nhất là 18 tuổi.
Bảng 2. Trình độ văn hóa
Nhận xét: Đa số phụ nữ trong độ tuổi 18 – 49 được điều tra đều có trình độ trung học cơ sở (40.2%) hoặc trung học phổ thông (38.9%). Tỷ lệ học tiểu học trở xuống rất thấp (4.6%).
Bảng 3. Nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu
Nhận xét: Đa số phụ nữ được điều tra đều làm ruộng (54.6%), nhiều thứ 2 là làm công nhân (22%).
3.2. Thực trạng sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm chứa I-ốt
Bảng 4. Tình hình sử dụng các gia vị mặn
Nhận xét: Hầu hết các hộ gia đình được điều tra đều dùng nước mắm (98.1%). Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối trong chế biến thực phẩm còn rất ít (11.9%) mà đa số là dùng bột canh (93.9%).
Bảng 5. Tỷ lệ sử dụng muối/bột canh I-ốt qua phỏng vấn
Nhận xét: Qua phỏng vấn nhận thấy người dân rất chú ý mua và sử dụng muối/bột canh I-ốt, số HGĐ cho rằng gia đình mình đang sử dụng muối/bột canh I-ốt là 71,3%.
Bảng 6. Kết quả xét nghiệm định lượng I-ốt trong muối và bột canh
Nhận xét: Tất cả các mẫu muối và bột canh được xét nghiệm đều không chứa đủ hàm lượng I-ốt ở mức độ phòng bệnh (từ 20 – 45 ppm).
3.3. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của thiếu I-ốt trên các đối tượng nguy cơ
Biểu đồ 1. Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh tiểu học
Nhận xét: Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh tiểu học chiếm 2,5%.
Biểu đồ 2. Mức độ bướu cổ
Nhận xét: Mức độ bướu cổ chủ yếu là độ 1A chiếm 94,4%.
Bảng 7. Tình trạng giới tính
Nhận xét: Không có mối liên quan giữa tình trạng giới tính và bướu cổ học sinh.
Biểu đồ 3. Phân vùng bướu cổ ở học sinh tiểu học
Nhận xét: Tỷ lệ bướu cổ thấp nhất ở 2 huyện đồng bằng: Vĩnh Tường và Yên Lạc, cao nhất ở huyện trung du miền núi: Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên. Ở 2 huyện miền núi của tỉnh: Sông Lô và Lập Thạch thì tỷ lệ học sinh bướu cổ chỉ ở mức trung bình trong khi đây chính là huyện trọng điểm của bệnh bướu cổ 10 – 15 năm trước. Kết quả xét nghiệm mức I-ốt niệu trung vị trong nước tiểu do Trung tâm KSBT tỉnh Thái Nguyên xét nghiệm là: 8,5 mg/dl, ở mức thiếu I-ốt nhẹ.
4. BÀN LUẬN
4.1. Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu
Để đảm bảo đánh giá đúng thực trạng sử dụng I-ốt và mức độ thiếu I-ốt thì đối tượng nghiên cứu phải đại diện cho cộng đồng dân cư. Trong kết quả nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 34.4 là ở độ tuổi sinh đẻ tốt và thường là người đảm nhận công việc nội trợ chính trong gia đình. Đa số phụ nữ được điều tra đều có trình độ trung học cơ sở (40.2%) hoặc trung học phổ thông (38.9%), điều này rất thuận lợi cho quá trình điều tra phỏng vấn và giúp kết quả điều tra càng chính xác hơn.
Đa số phụ nữ được điều tra đều làm ruộng (54.6%), nhiều thứ 2 là làm công nhân (22%), số phụ nữ có việc làm chiếm đa số (97.8%). Đặc điểm này có khác so với nghiên cứu năm 2016 của Hồng Hữu Đức và cộng sự tại tỉnh Bình Dương khi có đến 34.26% phụ nữ làm nội trợ [4].
4.2. Tình hình sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm chứa I-ốt
– Hầu hết các hộ gia đình được điều tra đều dùng nước mắm (98.1%). Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối trong chế biến thực phẩm còn rất ít (11.9%) mà đa số là dùng bột canh (93.9%). Do hình thái sử dụng gia vị mặn tại Vĩnh Phúc có điểm đặc biệt (thường dùng nước mắm và bột canh) nên cần khuyến khích việc trộn I-ốt vào bột canh và nước mắm. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lượng I-ốt bị mất trong nước mắm làm từ muối I-ốt là rất nhỏ và I-ốt không có ảnh hưởng lớn tới màu sắc cũng như mùi vị của nước mắm [6].
– Tình hình sử dụng muối/bột canh I-ốt theo nhãn mác hiện còn tại thời điểm điều tra: tỷ lệ HGĐ có sử dụng muối hoặc bột canh I-ốt là 71,3%. Tuy nhiên theo kết quả xét nghiệm thì tất cả các mẫu muối và bột canh đều không chứa đủ hàm lượng I-ốt ở mức độ phòng bệnh (từ 20 – 45 ppm). Việc bổ sung I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh vào muối ăn là rất quan trọng, qua đó nhiều quốc gia đã đạt được thanh toán CRLTI. Những quốc gia đó đều nhấn mạnh là cần duy trì để đảm bảo thành công bền vững mãi mãi [6]. Tại Vĩnh Phúc việc các mẫu muối và bột canh đều không chứa đủ hàm lượng I-ốt ở mức độ phòng bệnh theo chúng tôi có thể do các nguyên nhân như sau:
+ Do muối/bột canh I-ốt không đảm bảo chất lượng tại khâu sản xuất (hàng giả, hàng nhái).
+ Do muối/bột canh I-ốt giảm chất lượng trong quá trình lưu thông và sử dụng: thời gian lưu thông và phân phối kéo dài, nhiệt độ bảo quản không phù hợp.
4.3. Đánh giá CRLTI trên các đối tượng nguy cơ
Không có mối liên quan giữa tình trạng giới tính và bướu cổ học sinh. Điều này là do độ tuổi nghiên cứu của các học sinh là nhỏ (chủ yếu 9 – 10 tuổi) nên chưa có sự phát triển giới tính, nhu cầu I-ốt là như nhau. Tỷ lệ bướu cổ sẽ khác giữa hai giới nếu tăng tuổi điều tra. Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh tiểu học là 2,5%, trong đó chủ yếu là độ 1A chiếm 94,4%. Tỷ lệ bướu cổ học sinh đã giảm từ 3,89% năm 2010 xuống còn 2,5% năm 2017 là rất tốt vì mặc dù tỷ lệ sử dụng MI của tỉnh là rất thấp như trên nhưng không làm tăng tỷ lệ bướu cổ.
Tỷ lệ bệnh bướu cổ thấp nhất ở Vĩnh Tường và Yên Lạc (0%) theo chúng tôi đây là huyện đồng bằng có kinh tế khá so với tỉnh, đất đai phì nhiêu và đủ vi chất, chế độ dinh dưỡng của người dân đầy đủ nên không bị thiếu vi chất, trong đó có I- ốt. Tỷ lệ bệnh cao ở Tam Dương (33,3%) và Tam Đảo (27,8%) là do đây là hai huyện trung du, đất bị rửa trôi nhiều nên thiếu I-ốt trong đất dẫn đến người dân sống tại đây thiếu I-ốt nhiều hơn.
Kết quả xét nghiệm mức I-ốt niệu trung vị trong nước tiểu của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18 – 49 là: 8,5 µg/dl, ở mức thiếu I-ốt nhẹ. Số liệu các năm từ 2015 đến nay cho thấy đây là năm có mức I-ốt niệu cao nhất (năm 2015 là 6,5, năm 2016 là 5,9). Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng mức I-ốt niệu trung vị của Vĩnh Phúc đã nằm trong vùng thiếu I-ốt nhẹ từ năm 2010 đến nay, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Cần có một nghiên cứu tiếp theo đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc thiếu I-ốt đến nhóm đối tượng rất dễ tổn thương này bởi nhu cầu I-ốt của phụ nữ khi mang thai từ 20 – 24,9 mcg/dl, cao gấp rưỡi mức bình thường [5].
Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự đồng hành giữa mức I-ốt niệu và tỷ lệ bướu cổ tại địa phương. Chúng tôi cho rằng có thể tỷ lệ bướu cổ ở học sinh tại Vĩnh Phúc thấp là do khâu phát hiện và điều trị sớm đạt hiệu quả. Công tác khám phát hiện bướu cổ được các đơn vị y tế từ trạm y tế xã thực hiện như một hoạt động thường xuyên. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế huyện tổ chức các đợt khám tại các xã vùng sâu vùng xa hàng tháng với lịch báo trước để thông báo tới người dân địa phương.
5. KẾT LUẬN
5.1. Đặc điểm chung
– Độ tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 34.4.
– Trình độ học vấn: chủ yếu là trung học cơ sở (40,2%) và trung học phổ thông (38,9%).
– Nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng (54,6%) và làm công nhân (22%).
5.2. Thực trạng sử dụng muối/bột canh I-ốt
– Hầu hết HGĐ đều sử dụng nước mắm và bột canh để chế biến thực phẩm, tỷ lệ HGĐ sử dụng muối còn rất ít (11,9%).
– Qua phỏng vấn có đa số HGĐ dùng bột canh và muối I-ốt (71,3%).
– Qua xét nghiệm cho thấy 100% mẫu muối/bột canh đang được người dân Vĩnh Phúc sử dụng đều không đủ TCPB.
5.3. Đánh giá CRLTI trên các đối tượng nguy cơ
– Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh tiểu học là 2,5%, trong đó chủ yếu là độ 1A chiếm 94,4%. Không có mối liên quan giữa tình trạng giới tính và bướu cổ học sinh.
– Tỷ lệ bướu cổ thấp nhất tại Vĩnh Tường và Yên Lạc (0%), cao nhất ở Tam Dương (33,3%) và Tam Đảo (27,8%).
– Mức I-ốt niệu trung vị trong nước tiểu của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18 – 49 tuổi là: 8,5 µg/dl, ở mức thiếu I-ốt nhẹ.
6. KIẾN NGHỊ
- Tuyên truyền hướng dẫn người dân về cách lựa chọn thực phẩm, cách tìm hiểu thông tin trên bao gói nhãn mác để mua được thực phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
– Giải pháp bổ sung I-ốt vào nước mắm là một yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống CRLTI trong thời gian tới.
- Chất lượng muối, bột canh I-ốt ở HGĐ rất thấp cần phải tăng cường phối hợp giữa các ngành: Y tế, Công thương, Công an để quản lý tốt muối/bột canh I-ốt lưu thông trên thị trường. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, thực hiện xử phạt nghiêm minh với các trường hợp làm hàng giả, hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng đến tay người tiêu dùng.
- Tình trạng thiếu I-ốt của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Vĩnh Phúc qua điều tra tuy chỉ ở mức độ nhẹ nhưng do duy trì đã nhiều năm nên sẽ gây thiếu I-ốt trường diễn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản vì vậy cần tăng cường quản lý thai sản tại các bệnh viện và trạm y tế, tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú bổ sung vi chất hợp lý, trong đó có bổ sung I-ốt.
TÓM TẮT
Chương trình bổ sung I-ốt vào muối của Việt Nam là một hoạt động do Chính phủ tài trợ. Từ năm 2005 nguồn kinh phí bị cắt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến thành quả thanh toán các rối loạn do thiếu hụt I-ốt (CRLTI) trên toàn quốc, trong đó có Vĩnh Phúc.
Đề tài nghiên cứu áp dụng phương pháp Dịch tễ học mô tả – Điều tra cắt ngang nhằm đánh giá thực trạng sử dụng muối I-ốt (MI) và mức độ ảnh hưởng của thiếu I-ốt trên các đối tượng nguy cơ. Nghiên cứu được thực hiện năm 2017 trên 540 hộ gia đình (HGD), 108 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ từ 18-49 tuổi và 720 học sinh tiểu học trên địa bàn 36 xã của tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy 98,1% HGĐ sử dụng nước mắm, 11,9% sử dụng muối, 93,9% HGĐ sử dụng bột canh, trong số sử dụng bột canh có 72,4% sử dụng bột canh có nhãn ghi có bổ sung I-ốt. 540 mẫu muối và bột canh được lấy để xét nghiệm và tất cả các mẫu (100%) đều không chứa đủ hàm lượng I-ốt theo tiêu chuẩn phòng bệnh. Tỷ lệ bướu cổ ở học sinh tiểu học là 2,5%, chủ yếu là độ 1A (94,4%). Không có mối liên quan giữa tình trạng giới tính và bướu cổ học sinh (p=0.6). Ở phụ nữ, không có mối liên quan giữa tình trạng nghề nghiệp và sử dụng muối I-ốt (p=0.453) và sử dụng bột canh I-ốt (p=0. 57). Không có mối liên quan giữa trình độ văn hóa và sử dụng muối và bột canh I-ốt (p=0.3 và p=0.7). Bổ sung I-ốt vào muối, nước mắm và gia vị là một trong những biện pháp hiệu quả trong hoạt động phòng chống CRLTI. Nghiên cứu kiến nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra và thực hiện xử phạt nghiêm minh với các trường hợp sản xuất chế phẩm có I-ốt không đạt tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng đến tay người tiêu dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2006). Báo cáo Tổng điều tra toàn quốc Các rối loạn do thiếu I-ốt năm 2005. Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2005 triển khai kế hoạch năm 2006, Hà Nội, 4/2006, Bệnh viện Nội tiết Trung ương. tr 8 – 10.
- Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2011). Báo cáo công tác phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt của các địa phương trong nước 2010. Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2010 triển khai kế hoạch năm 2011, Hà Nội, 4/2011, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, 2 – 3, 10 – 12.
- Bộ Y tế – Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2015). Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015. Tài liệu tập huấn Dự án phòng chống đái tháo đường quốc gia, hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I-ốt, Hà Nội, 4/2015, Bộ Y tế, 9 – 12, 49 – 55.
- Hồng Hữu Đức, Lê Thị Ngọc Dung và Trần Bích Trâm (2016). Tình hình sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của phụ nữ 18 – 49 tuổi tại Bình Dương năm 2016. Tạp chí Nội tiết – Đái tháo đường. 22, 173 – 178.
- Viện Dinh Dưỡng (2016). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 71 – 73.
- Chavasit V, Chanthilath B, Chareonkiatkul S, Jud-prasong K (2009). Iodine stability and sensory quality of fermented fish sauce produced with the use of iodated salt. Food Nutr Bull, 30(2): 183 – 188.
- WHO/UNICEF/ICCIDD (1993). Biochemical indicators, Outcome indicators of IDD, The selection of appropriate indicators”, Indicators for Assessing Iodine Deficiency Disorders and their control programmes. 16-23.