Tỉ lệ tiền đái tháo đường, đái tháo đường phát hiện lần đầu ở cán bộ viên chức Thị xã Phước Long – Tỉnh Bình Phước

TỈ LỆ TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, ĐÁI THÁO ĐƯỜNG PHÁT HIỆN LẦN ĐẦU Ở CÁN BỘ VIÊN CHỨC THỊ XÃ PHƯỚC LONG – TỈNH BÌNH PHƯỚC

Lê Thanh Long1 , Hoàng Trung Vinh2

1. TTYT Phước Long – Bình Phước

2. Học viện Quân y

SUMMARY

Prevalence of newly diagnosed prediabetes, diabetes mellitus among the personals communications service from Phuoc Long district of Binh Phuoc province

  Objective: To evaluate the prevalence of newly diagnosed prediabetes, diabetes mellitus among the personals communications service from Phuoc Long district of Binh Phuoc province. Subjects and methods: 268 personals communications service was examined the impaired fasting glucose (G0); impaired glucose tolerance (G2) anh HbA1c. Results: Prevalence of prediabetes, type 2 diabetes mellitus by G0, G2, HbA1c as follows 16,0%; 13,1%; 17,9% and 3,8%; 6,7%; 2,2%. Common prevalence of prediabetes in 26,9%; type 2 diabetes mellitus in 7,1%. Conclusion: Personals communications service from Phuoc Long district have percentage of prediabetes higher compared to type 2 diabetes mellitus which of prediabetes was diagnosed by HbA1c have highest percentage; diabetes mellitus was diagnosed by G2 have highest percentage.

 Keywords: Prediabetes, type 2 diabetes mellitus, impaired glucose tolerance.

Chịu trách nhiệm chính:

Ngày nhận bài:

Ngày phản biện khoa học:

Ngày duyệt bài:

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tỷ lệ TĐTĐ, ĐTĐT2 đang gia tăng nhanh chóng trong cộng đồng, thuộc nhiều lứa tuổi, đối tượng khác nhau. Tính chung có khoảng 50% bệnh nhân ĐTĐT2 được chẩn đoán muộn, đối với TĐTĐ chắc tỷ lệ đó còn cao hơn rất nhiều. Đa số trường hợp TĐTĐ và ĐTĐT2 giai đoạn đầu đều không có biến chứng, biểu hiện thầm lặng gây khó khăn cho cả 2 phía bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc phát hiện bệnh kịp thời. Trong cộng đồng có nhiều đối tượng nguy cơ cao mắc TĐTĐ và ĐTĐT2 trong đó có cán bộ viên chức với những nét đặc thù liên quan. Sàng lọc TĐTĐ, ĐTĐT2 trong cộng đồng có thể dựa vào đồng thời 3 biện pháp gồm xét nghiệm glucose máu lúc đói, glucose máu giờ thứ 2 của nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống và HbA1c. Mỗi chỉ số lại cho kết quả khác nhau, có thể đơn độc hoặc phối hợp. Đề tài nhằm mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ tiền đái tháo đường, đái tháo đường typ 2, phát hiện lần đầu dựa vào glucose máu lúc đói, nghiệm pháp dung nạp glucose và HbA1c ở cán bộ viên chức thị xã Phước Long.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

2.1. Đối tượng: 268 cán bộ viên chức thuộc các ban, ngành của thị xã Phước Long được theo dõi sức khỏe tại Trung tâm y tế là các đối tượng nghiên cứu được lựa chọn theo công thức dịch tễ học mô tả.

2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn.

+ Cán bộ viên chức thuộc các lứa tuổi đang công tác tại các ban, ngành của thị xã.

+ Bao gồm cả nam và nữ, thuộc các lứa tuổi.

+ Được lựa chọn ngẫu nhiên trong toàn bộ cán bộ viên chức của thị xã.

+ Đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ.

+ Đã được xác định là TĐTĐ, ĐTĐT2 hoặc các typ khác đái tháo đường.

+ Đang mắc các bệnh cấp tính.

+ Mắc các bệnh mạn tính như xơ gan, suy thận, suy tuyến giáp, đã và đang sử dụng corticoid, bệnh tụy mạn tính.

2.2. Phương pháp:

+ Thiết kế nghiên cứu: tiến cứ, mô tả, cắt ngang.

+ Địa điểm và thời gian tiến hành: Trung tâm y tế thị xã Phước Long, thời gian từ tháng 8-2017 đến tháng 3-2018.

2.2.1. Các bước nghiên cứu.

+ Bước 1: công tác tổ chức. Dựa vào danh sách CBVC các ban, ngành để chọn ngẫu nhiên đối tượng nghiên cứu.

+ Bước 2: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhân viên y tế tham gia sàng lọc liên quan đến công việc thực hiện.

+ Bước 3: Thông báo cho các đối tượng sàng lọc về công tác chuẩn bị, thời gian, địa điểm.

+ Bước 4: Tổ chức thực hiện tại Trung tâm y tế thị xã.

+ Bước 5: Tổng hợp và phân tích số liệu.

2.2.2. Nội dung nghiên cứu.

+ Khai thác tiền sử sức khỏe chung, đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số khối cơ thể.

+ Xét nghiệm glucose máu tĩnh mạch lúc đói và HbA1c sau đó thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống với 75 gram đường anhydrit pha với 250 ml nước đun sôi để nguội, uống trong 5 phút. Xét nghiệm lại glucose máu tĩnh mạch giờ thứ 2.

2.2.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán sử dụng trong nghiên cứu. 

Bảng 2.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ và TĐTĐ

Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 17.0. Nội dung nghiên cứu không vi phạm đạo đức y học.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3.1. Tỷ lệ đối tượng theo tuổi, giới (n = 268)

+ Đối tượng lứa tuổi < 40 chiếm tỷ lệ cao nhất.

+ Lứa tuổi ≥ 60 chiếm tỷ lệ thấp nhất.

+ Đối tượng nữ nhiều hơn so với nam.

 Bảng 3.2. Tỷ lệ đối tượng dựa vào các chỉ số xét nghiệm (n=268)

+ Chẩn đoán TĐTĐ dựa vào HbA1c có tỷ lệ cao nhất.

+ Chẩn đoán ĐTĐT2 dựa vào G2 có tỷ lệ cao nhất.

 Bảng 3.3. Phân bố đối tượng dựa vào glucose và HbA1c (n=268)

Tỷ lệ TĐTĐ cao hơn so với ĐTĐT2.

 Bảng 3.4. Đặc điểm TĐTĐ, ĐTĐT2 được xác định dựa vào số lượng tiêu chí chẩn đoán

+ Đối tượng TĐTĐ có 1 tiêu chí chẩn đoán chiếm tỷ lệ cao nhất.

+ Đối tượng ĐTĐT2 có 2 tiêu chí chẩn đoán chiếm tỷ lệ cao nhất.

4. BÀN LUẬN

Dựa vào kết quả thu được cho thấy trong số đối  tượng được sàng lọc đã có 7,1 % trường hợp đái tháo đường phát hiện lần đầu. Đây rõ ràng là những trường hợp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm. Biểu hiện tiền đái tháo đường thỏa mãn các tiêu chuẩn chẩn đoán tương ứng 26,9%.

Thực ra nếu chỉ tỉnh riêng tỷ lệ đái tháo đường typ 2 chẩn đoán ở lần đầu qua sàng lọc trong số cán bộ viên chức với nhiều lứa tuổi khác nhau , đa số < 60 tuổi thì cũng có thể nói thuộc tỷ lệ cao. Kể cả 26,9% trường hợp tiền đái tháo đường trong số đối tượng sàng lọc cũng không phải là tỷ lệ thấp. Tuy vậy khi so sánh với kết quả của các tác giả khác cũng về tỷ lệ tiền đái tháo đường, đái tháo đường typ 2 phát hiện lần đầu thì cũng rất khó mà có nhận xét ở mức cao hay thấp bởi vì đối tượng điều tra là rất khác nhau.

Khó có một tác giả nào có được đối tượng tương đồng như khảo sát của đề tài này. Hầu hết các nghiên cứu về dịch tễ học trong những năm gần đây đều khảo sát đồng thời tỷ lệ mắc TĐTĐ và ĐTĐT2 trong cộng đồng, phản ánh những mối liên quan qua lại trong quan hệ nguyên nhân và hậu quả.

Phan Hướng Dương và cs điều tra tại một số phường thuộc Hải Phòng năm 2012 – 2014 đã cho biết tỷ lệ ĐTĐT2 là 5,2%, TĐTĐ là 26,8% [3]. Trần Ngọc Thanh khảo sát TĐTĐ ở sinh viên Đại học Dược thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận thấy: ĐTĐT2 gặp 1,7%; tăng glucose máu lúc đói – 16,1%; giảm dung nạp glucose lên đến 23,4% [7]. Phan Long Nhơn và cs khảo sát TĐTĐ chưa được chẩn đoán tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bình Định nhận thấy tỷ lệ lên đến 53,38% [6]. Nguyễn Văn Lành năm 2014 nhận thấy tỷ lệ ĐTĐT2 ở người Khmer > 45 tuổi thuộc tỉnh Hậu Giang là 17,91% và 11,91% [4]. Nguyễn Thy Khuê và cs năm 2012 khảo sát đặc điểm dịch tễ học rối loạn glucose máu của cán bộ viên chức quận 10 thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết một tỷ lệ khá cao, trong đó ĐTĐT2 là 5,3%; rối loạn glucose máu lúc đói là 9,2% trong đó 48,2% mới được phát hiện lần đầu [5].

Năm 2001, một nghiên cứu trên diện rộng về dịch tễ học bệnh ĐTĐ tại Việt Nam theo quy chuẩn quốc tế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Bệnh viện Nội tiết TW) đã tiến hành điều tra ĐTĐ tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nằng và thành phố Hồ Chí Minh ở lứa tuổi từ 30 -64 tuổi. Kết quả, tỷ lệ RLDNG là 5,1%. Năm 2002, Bệnh viện Nội tiết TW điều tra toàn quốc bệnh ĐTĐ cho thấy tỷ lệ RLDNG và RLGMLĐ toàn quốc tương ứng là 7,3% và 1,9%; tỷ lệ tương ứng tại khu vực miền núi là 7,1% và đồng bằng: 7,0% và 1,4%, khu vực trung du và ven biển: 8,3% và 2,4%và khu vực thành phố là 6,5% và 1,8% [2]. Nghiên cứu trên 2700 người tuổi từ 30-64 tuổi tại tỉnh Kiên Giang năm 2004, kết quả cho thấy tỷ lệ RLGMLĐ là 4,1% và RLDNG là 10,7%. Tỷ lệ RLDNG ở nữ là 12,1% cao hơn nam là 8,3% nhưng không có ý nghĩa thống kê với p>0,05 [1]. Như trên đã nêu biện pháp sàng lọc, chẩn đoán đái tháo đường, tiền đái tháo đường bao gồm 3 hình thức là dựa vào glucose máu lúc dói, nghiệm pháp dung nạp glucose và HbAc. Mỗi biện pháp lại có tiêu chí chẩn đoán riêng , tương đương ngang hàng nhau mặc dù có thể nói nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống có vẻ cho kết quả khách quan hơn. Chính vì vậy dù đối tượng chỉ đạt  tối thiểu 1 tiêu chuẩn tương ứng cũng đã được xác định là tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Phân tích các trường hợp được chẩn đoán , phát hiện là tiền đái tháo đường, đái tháo đường typ 2 cho thấy: đối tượng được chẩn đoán tiền đái tháo đường đáp ứng một tiêu chí chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến đáp ứng 2 tiêu chí. Có 7 trường hợp đáp ứng đồng thời cả 3 tiêu chí. Trong số đối tượng được chẩn đoán đái tháo đường typ 2 thì số trường hợp thỏa mãn 2 tiêu chí chiếm tỷ lệ cao nhất , sau đó đến thỏa mãn 1 tiêu chí. Đối tượng đái tháo đường typ 2 thỏa mãn đồng thời cả 3 tiêu chí gặp ở 15,8% trong số đối tượng được xác định bệnh. Tùy thuộc vào tiêu chuẩn của từng Hiệp  hội mà đưa ra tiêu chí chẩn đoán khác nhau. Tổ chức y tế thế giới chủ yếu khuyến khích chẩn đoán tiền đái tháo đường và đái  tháo đường typ 2 dựa vào xét nghiệm glucose máu lúc đói và nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

 KẾT LUẬN

+ Tỷ lệ đái tháo đường: 7,1%; tiền đái tháo đường: 26,9%.

+ Chẩn đoán đái tháo đường typ 2 dựa vào G2 có tỷ lệ cao nhất.

+ Chẩn đoán tiền đái tháo đường dựa vào HbA1c có tỷ lệ cao nhất.

+ Tiền đái tháo đường với 1 tiêu chí chẩn đoán chiếm tỷ lệ cao nhất.

+ Đái tháo đường typ 2 với 2 tiêu chí chẩn đoán chiếm tỷ lệ cao nhất.

 TÓM TẮT

Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát tỷ lệ tiền đái tháo đường (TĐTĐ), đái tháo đường typ 2 (ĐTĐT2) phát hiện lần đầu ở cán bộ viên chức (CBVC) thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Đối tượng và phương pháp: Khảo sát 268 CBVC đáp ứng yêu cầu về số lượng của dịch tễ học mô tả dựa vào glucose máu lúc đói (G0), glucose giờ thứ 2 của nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (G2) và HbA1c. Kết quả: Tỷ lệ TĐTĐ, ĐTĐT2 dựa vào G0, G2, HbA1c lần lượt là 16,0%; 13,1%; 17,9% và 3,8%; 6,7%; 2,2%. Tỷ lệ chung TĐTĐ là 26,9%; ĐTĐT2 là 7,1%. Kết luận: Ở CBVC thị xã Phước Long có tỷ lệ chung TĐTĐ cao hơn ĐTĐT2 trong đó xác định TĐTĐ dựa vào HbA1c có tỷ lệ cao nhất, xác định ĐTĐT2 dựa vào G2 có tỷ lệ cao nhất.

Từ khóa: Tiền đái tháo đường, đái tháo đường typ 2, nghiệm pháp dung nạp glucose.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình và CS (2012). “Dịch tễ học bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Các phương pháp điều trị và biện pháp dự phòng”. Một số công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các dự án Quốc gia thực hiện tại Bệnh viện Nội tiết. NXB Y học.
  2. Tạ Văn Bình và CS (2012). “Báo cáo tóm tắt những kết quả chính của nghiên cứu dịch tễ học bệnh đái tháo đường, các yếu tố nguy cơ và các vấn đề lien quan đến quản lý bệnh đái tháo đường trong phạm vi toàn quốc”. Một số công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các dự án Quốc gia thực hiện tại Bệnh viện Nội tiết. NXB Y học.
  3. Phan Hướng Dương (2016), “Thực trạng tiền đái tháo đường và hiệu quả can thiệp có bổ sung metformin ở người có BMI ≥ 23kg/m2 tại TP. Hải Phòng năm 2012-2014”. Luận án Tiến sĩ Y học. Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.
  4. Nguyễn Văn Lành (2014),“Thực trạng bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường ở người Khmer tỉnh Hậu Giang và đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp”. Luận án Tiến sĩ y học, chuyên ngành Vệ sinh xã hội học và Tổ chức y tế. ĐHY TP. HCM, tr. 1 – 139.
  5. Phan Long Nhơn, Đặng Xuân Hào, Hoàng Thị Kim Nhung (2012), “Nghiên cứu thực trạng TĐTĐ chưa được chẩn đoán tại BVĐKKV Bồng Sơn Bình Định”. Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học – Hội nghị Nội tiết & Đái tháo đường toàn quốc lần thứ VI, tr. 22 – 27.
  6. Nguyễn Thy Khuê, Trần Minh Triết (2012),“Tỷ lệ đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ ở nhóm công chức viên chức quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Nội tiết đái tháo đường”. Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học – Hội nghị Nội tiết & Đái tháo đường toàn quốc lần thứ VI, tr. 333 – 341.
  7. Trần Ngọc Thanh (2011),“Tỉ lệ mắc tiền đái tháo đường và khả năng rút ngắn thời gian thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose”. Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Sinh lý học, tr. 1 – 55.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …