ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN CƯỜNG GIÁP CÓ BIẾN CHỨNG RUNG NHĨ
ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN
Nguyễn Thành Lam1, Nguyễn Thị Thu Minh1, Triệu Mai Nga1,
Vũ Đình Kiên2, Mao Thị Thanh Ngân3
1. Khoa Nội tiết
2. Trung tâm Ung bướu
3. Khoa Thăm dò chức năng
4. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
SUMMARY
Characteristics of hyperthyroid patients with complication of atrial fibrillation treated at Thai Nguyen Central Hospital
Objectives: To study some characteristics of hyperthyroid patients with complication of atrial fibrillation treated at Thai Nguyen Central Hospital. Materials and method: A descriptive study was conducted on 354 hyperthyroid patients examined and treated at Department of Endocrinology and Centre of Oncology – Thai Nguyen Central Hospital from Jue 2018 to March 2019. Results: The rate of hyperthyroid patients with atrial fibrillation was 9.6 %. Medial age of patients was 47.3 ± 12.7, 70.6 % patients was over 65 years old, 52.8 % patients was male, 2.3 % patients with both atrial fibrillation and heart falure. The rates of hyperthyroid patients with complication of atrial fibrillation was higher in those who were: male, over 65 years old, hyperthyroidism over 4 months without any treatment, serum T3 levels were over 300 ng/dL, with heart falure, 58.8 % atrial fibrillation was persistent. Conclusion: In 354 patients with hyperthyroidism, 9.6 % had atrial fibrillation. Atrial fibrillation in hyperthyroid patients was more common in those who were: male, over 65 years old, had hyperthyroidism was over 4 months without treatment, serum T3 levels were over 3 ng/dL, with congestive heart failure.
Keywords: Hyperthyroidism, atrial fibrillation, congestive heart failure.
Chịu trách nhiệm chính:
Ngày nhận bài:
Ngày phản biện khoa học:
Ngày duyệt bài:
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cường giáp là tình trạng bệnh lý tuyến giáp hay gặp, bệnh có ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể trong đó tim mạch là một trong các cơ quan bị ảnh hưởng sớm và rõ rệt nhất. Các biểu hiện tại tim mạch rất phong phú, đa dạng như: nhịp tim nhanh, ngoại tâm thu, tăng huyết áp, suy tim, rung nhĩ…trong đó rung nhĩ là biến chứng khá phổ biến. Theo số liệu thống kê rung nhĩ xảy ra ở 8 – 25 % bệnh nhân cường giáp. Rung nhĩ là một biến chứng nguy hiểm, rung nhĩ làm tình trạng bệnh nhân nặng thêm. Nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời có thể đưa đến những diễn biến xấu hơn như suy tim, đột quỵ, tử vong. Có những yếu tố liên quan đến tỷ lệ mắc rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp. Vì thế việc nghiên cứu các biến chứng tim mạch nói chung và rung nhĩ nói riêng ở bệnh nhân cường giáp rất hữu ích cho việc tiên lượng, hạn chế, phát hiện và kiểm soát kịp thời.
Khoa Nội tiết và Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là nơi từ lâu đã điều trị rất nhiều bệnh nhân cường giáp nhưng chưa có tổng kết, đánh giá một cách hệ thống về các bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ. Do đó chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu: Nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh nhân cường giáp biến chứng rung nhĩ được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, thời gian, địa điểm nghiên cứu
Bệnh nhân bị cường giáp có biến chứng rung nhĩ được khám và điều trị tại Khoa Nội tiết và Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 06 năm 2018 đến tháng 03 năm 2019.
* Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: Bệnh nhân cường giáp được chẩn đoán rung nhĩ dựa vào nghe tim có loạn nhịp hoàn toàn và kết quả điện tim đồ:
– Sóng P biến mất, được thay thế bằng những sóng lăn tăn (sóng f) có đặc điểm: tần số không đều khoảng 300 – 600 chu kỳ/phút, khác nhau về hình dạng, biên độ, thời gian, thấy rõ ở V1, D2, D3, aVF.
– Nhịp thất không đều về tần số (các khoảng PR dài ngắn khác nhau) và biên độ (biên độ sóng R thay đổi cao thấp khác nhau không theo quy luật nào).
Phân loại rung nhĩ theo tiêu chuẩn của Hội Tim mạch học Việt Nam (2014).
* Tiêu chuẩn loại trừ:
– Bệnh nhân cường giáp có tiền sử mắc bệnh tim mạch từ trước như: bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp.
– Bệnh nhân cường giáp có mắc các bệnh mạn tính khác kèm theo như: đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn…
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả.
2.2.2. Chọn mẫu
Bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn lựa chọn, loại trừ và trong thời gian trên, tiến hành lấy mẫu tích luỹ đến khi đủ cỡ mẫu nghiên cứu.
2.2.3. Chỉ tiêu nghiên cứu
+ Tỷ lệ bệnh nhân cường giáp biến chứng rung nhĩ, rung nhĩ và suy tim.
+ Loại rung nhĩ.
+ Độ tuổi của bệnh nhân.
+ Giới của bệnh nhân.
+ Thời gian từ khi mắc cường giáp đến khi được điều trị.
+ Mức độ nhiễm độc giáp.
+ Một số yếu tố liên quan đến tỷ lệ mắc rung nhĩ ở bệnh nhân nghiên cứu.
2.2.4. Các bước tiến hành
– Bệnh nhân được chẩn đoán xác định là cường giáp, được hỏi bệnh, thăm khám, xét nghiệm và thu thập các thông tin theo chỉ tiêu nghiên cứu.
– Bệnh nhân trước khi khám và làm điện tim đồ phải được nghỉ ngơi 15 phút và không dùng các thuốc điều trị tim mạch hoặc chất kích thích tim mạch trước đó.
– Bệnh nhân nằm ngửa, ghi điện tim đồ ở 12 chuyển đạo bằng máy điện tim 6 cần CARDISUNY tại khoa Thăm dò chức năng – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đọc kết quả. Ghi và đọc điện tim trước, sau các lần khám và điều trị.
– So sánh: độ tuổi, giới, thời gian mắc cường giáp đến khi được điều trị, mức độ nhiễm độc giáp, T3, biến chứng suy tim… ở bệnh nhân có và không có rung nhĩ.
2.2.5. Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 16.0 for Windows.
2.2.6. Đạo đức nghiên cứu: Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được giải thích kỹ. Thông tin được giữ bí mật. Các xét nghiệm và điện tim đồ đều là thường quy và cần thiết.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong 354 bệnh nhân mắc bệnh cường giáp có 34 trường hợp (9,6 %) bị biến chứng rung nhĩ.
Bảng 1. Tuổi của bệnh nhân cường giáp biến chứng rung nhĩ
Nhận xét: Tuổi trung bình của bệnh nhân mắc bệnh cường giáp có biến chứng rung nhĩ là 63,7 ± 11,3 (thấp nhất là 35 tuổi, cao nhất là 79 tuổi), độ tuổi chúng tôi gặp nhiều nhất là > 65 tuổi.
Bảng 2. Giới của bệnh nhân cường giáp biến chứng rung nhĩ
Nhận xét: Trong số 34 bệnh nhân cường giáp có rung nhĩ thì 52,9 % là nam, 47,1 % là nữ. Còn trong 354 bệnh nhân cường giáp, nữ chiếm 82,2 % (tỷ lệ nữ : nam = 4,6).
Bảng 3. Các loại rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp nghiên cứu
Nhận xét: Trong số 34 bệnh nhân cường giáp có rung nhĩ thì 58,8 % là rung nhĩ dai dẳng trong đó 41,1 % là rung nhĩ dai dẳng có đáp ứng thất trên 100 lần/phút.
Bảng 4. Thời gian bệnh nhân từ khi mắc cường giáp đến khi được điều trị
Nhận xét: Phần lớn bệnh nhân (47,5 %) có triệu chứng cường giáp từ trên 2 – 4 tháng mới được điều trị, có 28,8 % bệnh nhân cường giáp trên 4 tháng mới đến điều trị.
Bảng 5. Mức độ nhiễm độc giáp ở bệnh nhân trước điều trị
Nhận xét: Trong số bệnh nhân có 50,6 % trường hợp nhiễm độc giáp mức độ trung bình.
Bảng 6. Biến chứng rung nhĩ, rung nhĩ và suy tim ở bệnh nhân nghiên cứu
Nhận xét: Trong số 34 bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ thì 8 trường hợp (2,3 %) bị cả biến chứng rung nhĩ và suy tim sung huyết.
Bảng 7. Liên quan giữa tuổi và tỷ lệ mắc rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp
Nhận xét: Bệnh nhân cường giáp ở độ tuổi trên 65 có tỷ lệ bị rung nhĩ cao hơn bệnh nhân ở độ tuổi từ 65 trở xuống.
Bảng 8. Liên quan giữa giới và tỷ lệ mắc rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp
Nhận xét: Bệnh nhân nam cường giáp có tỷ lệ bị rung nhĩ cao hơn bệnh nhân nữ.
Bảng 9. Liên quan giữa thời gian từ khi mắc cường giáp tới khi được điều trị
và tỷ lệ mắc rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp
Nhận xét: Bệnh nhân bị cường giáp lâu trên 4 tháng mới điều trị có tỷ lệ bị rung nhĩ cao hơn bệnh nhân bị cường giáp từ 4 tháng trở xuống mới điều trị.
Bảng 10. Liên quan giữa mức độ nhiễm độc giáp và tỷ lệ mắc rung nhĩ
Nhận xét: Chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ bị biến chứng rung nhĩ của bệnh nhân mắc nhiễm độc giáp ở các mức độ khác nhau.
Bảng 11. Liên quan giữa nồng độ T3 và tỷ lệ mắc rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp
Nhận xét: Bệnh nhân cường giáp với nồng độ T3 trong máu trên 300 ng/dL có tỷ lệ bị rung nhĩ cao hơn bệnh nhân có nồng độ T3 từ 300 ng/dL trở xuống.
Bảng 12. Liên quan giữa biến chứng suy tim sung huyết và tỷ lệ mắc rung nhĩ
ở bệnh nhân cường giáp
Nhận xét: Bệnh nhân cường giáp bị biến chứng suy tim sung huyết có kèm theo bị rung nhĩ nhiều hơn bệnh nhân cường giáp không có suy tim sung huyết bị rung nhĩ và ngược lại.
4. BÀN LUẬN
Rung nhĩ là bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Rung nhĩ có thể được coi là một triệu chứng hoặc biến chứng của bệnh nhân cường giáp. Trong bệnh lý cường giáp, các hormone tuyến giáp tăng sinh một cách quá mức làm thay đổi các đặc tính sinh lý của tế bào cơ nhĩ bằng cách rút ngắn thời gian hoạt động tiềm năng, tăng cường tính tự động và kích hoạt hoạt động trong các tế bào cơ tim, tĩnh mạch phổi, làm tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim, đồng thời gây rối loạn hệ thống dẫn truyền tín hiệu điện trong tim, gây nguy cơ cao dẫn đến biến chứng rung nhĩ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rung nhĩ là bệnh lý tim mạch phổ biến ở bệnh nhân cường giáp. Cường giáp làm tăng nguy cơ mắc rung nhĩ lên 3 lần, và có tới 25 – 40% bệnh nhân cường giáp trên 60 tuổi mắc bệnh rung nhĩ [1], [2], [5]. Christian Selmer và cộng sự thấy rằng nguy cơ mắc rung nhĩ tăng cao hơn 12 % ở những người có chức năng tuyến giáp cao hơn bình thường và tăng cao hơn 30 % ở những người cường giáp cận lâm sàng [8], ngược lại rung nhĩ có thể là một dấu hiệu dự báo cường giáp. Tỷ lệ bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ theo nghiên cứu của chúng tôi (9,6 %), thấp hơn nghiên cứu của Hoàng Thị Minh Tâm (14,3 %) [3], Malvinder S. Parmar (15%), nhưng cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Thành (3,8 %) [4] , Lars Frost (8,3 % trong 30 ngày sau chẩn đoán cường giáp) [6]. Trong số 34 bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ, chúng tôi gặp 20 trường hợp có rung nhĩ dai dẳng phải điều trị phối hợp.
Rung nhĩ hay gặp ở người cao tuổi, có bệnh van tim, bệnh mạch vành, suy tim sung huyết. Nhiều tác giả cũng thấy rằng bệnh nhân cường giáp có tỷ lệ biến chứng rung nhĩ cao hơn ở nam, cao tuổi, bệnh tim sung huyết kèm theo [6], [7], [8]. Muhammet Gürdoğan (2016): tuổi của bệnh nhân là 65,53 ± 6,53, Chung-Wah Siu (2008): tuổi bệnh nhân là 57 ± 2, 72 % là nam. Christian Selmer (2013) thấy tuổi là 66,4 ± 13,2 và 55,3 % là nam [8], còn bệnh nhân của chúng tôi có tuổi 63,7 ± 11,3, 52,8 % là nam.
Thời gian mắc bệnh cường giáp, mức độ nhiễm độc giáp cũng có ảnh hưởng tới sự xuất hiện rung nhĩ. Bệnh nhân cường giáp lâu ngày chưa được điều trị làm hệ thống tim mạch bị ảnh hưởng nặng nề và kéo dài dễ dẫn đến rung nhĩ, suy tim. Một số tác giả thấy rằng những trường hợp nhiễm độc giáp T3 hoặc cường giáp có T3 tăng cao gây ảnh hưởng nhiều tới tim. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ mắc rung nhĩ cao hơn ở những bệnh nhân có thời gian mắc cường giáp trên 4 tháng mới được điều trị, những bệnh nhân có T3 trên 300 ng/dL. Agata Bielecka-Dabrowa (2009), Malvinder S. Parmar (2005) cũng thấy rằng những bệnh nhân cường giáp có T3 tăng cao dễ mắc rung nhĩ. Bệnh nhân cường giáp nặng có thể có dấu hiệu suy tim sung huyết khi không có bệnh lý tim trước đó. Biểu hiện tim ở bệnh nhân cường giáp là kết quả của nhiễm độc giáp, có thể biến chứng rung nhĩ dai dẳng, lâu ngày dẫn tới suy tim hoặc ngược lại. Trong 34 bệnh nhân cường giáp, chúng tôi gặp 8 trường hợp có cả biến chứng rung nhĩ và suy tim sung huyết, 24 trường hợp có biến chứng suy tim sung huyết và không có rung nhĩ, 26 trường hợp biến chứng rung nhĩ đơn thuần. Tỷ lệ có biến chứng rung nhĩ ở những bệnh nhân biến chứng suy tim sung huyết này cao hơn so với tỷ lệ có biến chứng rung nhĩ ở những bệnh nhân không biến chứng suy tim. Điều này tương tự nghiên cứu của Lars Frost (2004), Mohan Garikiparithi (2016). Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra nhiễm độc giáp kèm theo rung nhĩ làm tăng khả năng suy tim và tang nguy cơ thuyên tắc huyết khối mạch não, mạch vành làm bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân phức tạp và nặng nề hơn. Tuy vậy số lượng bệnh nhân chúng tôi chưa nhiều, thời gian còn ngắn, cần có những nghiên cứu về sau.
5. KẾT LUẬN
Nghiên cứu 354 bệnh nhân cường giáp khám và điều trị là tại Khoa Nội tiết và Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phát hiện 9,6 % trường hợp có biến chứng rung nhĩ. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 63,7 ± 11,3, 70,6 % bệnh nhân trên 65 tuổi, 52,8 % là nam, 2,3 % bệnh nhân bị cả biến chứng rung nhĩ và suy tim sung huyết, 58,8 % rung nhĩ là rung nhĩ dai dẳng.
Tỷ lệ bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ cao hơn ở những trường hợp: tuổi trên 65, nam, có thời gian bị cường giáp trên 4 tháng mới được điều trị, có nồng độ T3 máu trên 3 ng/dL, có biến chứng suy tim kèm theo.
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến hành trên 354 bệnh nhân cường giáp đến khám và điều trị tại Khoa Nội tiết và Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019. Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ là 9,6 %.Tuổi trung bình của bệnh nhân là 63,7 ± 11,3, 70,6 % bệnh nhân trên 65 tuổi, 52,8 % là nam, 2,3 % bệnh nhân bị cả biến chứng rung nhĩ và suy tim sung huyết, 58,8 % rung nhĩ là rung nhĩ dai dẳng. Tỷ lệ bệnh nhân cường giáp có biến chứng rung nhĩ cao hơn ở những trường hợp: tuổi trên 65, nam ,có thời gian bị cường giáp trên 4 tháng mới được điều trị, có nồng độ T3 máu trên 300 ng/dL, có biến chứng suy tim kèm theo. Kết luận: Trong 354 bệnh nhân cường giáp có 9,6 % trường hợp bị biến chứng rung nhĩ. Rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp hay gặp hơn trong những trường hợp: nam, tuổi trên 65, bị cường giáp trên 4 tháng mới được điều trị, T3 trên 300 ng/dL, bị biến chứng suy tim sung huyết.
Từ khóa: Cường giáp, rung nhĩ, suy tim sung huyết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Phú Kháng (1997): “Rung nhĩ do nhiễm độc hormone giáp”. Tạp chí Y học thực hành, số 6(336), trang 29 – 30.
- Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Thị Loan (2000): “Nhận xét biểu hiện tim mạch trên điện tâm đồ ở bệnh nhân Basedow điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên”. Tạp chí Y học thực hành, số 41, trang 145 – 147.
- Hoàng Thị Minh Tâm, Đinh Hữu Bách, Cổ Thị Thu Hằng (2011): “Khảo sát rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân Basedow điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên”. Tạp chí Y học thực hành, số 794 + 795, trang 217 – 220.
- Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Văn Tư (2009): “Nghiên cứu mối liên quan giữa triệu chứng triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng tim mạch ở bệnh nhân Basedow”. Tạp chí Y học thực hành, số 10(679), trang 41 – 43.
- Nguyễn Hải Thuỷ (2008): “Tim và cường giáp”. Bệnh tim mạch trong rối loạn nội tiết và chuyển hoá, Nhà xuất bản Đại học Huế, trang 178 – 194.
- Lars Frost, Peter Vestergaard, Leif Mosekilde (2004): ‘Hyperthyroidism and risk of atrial fibrillation or flutter a population – based study’. Arch Intern Med.164(15), pp. 1675 -1678.
- Malvinder S. Parmar (2005): ‘Thyrotoxic Atrial Fibrillation’. MedGenMed. 7(1), pp. 74.
- Christian Selmer, Morten Lock Hansen, Jonas Bjerring Olesen, Charlotte Mérie, Jesper Lindhardsen (2013): ‘New-Onset Atrial Fibrillation Is a Predictor of Subsequent Hyperthyroidism: A Nationwide Cohort Study’. Plos one, 8(2), pp.1 – 7.