ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG INSULIN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
TYP 2 ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI PHÒNG KHÁM NỘI TIẾT VÀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN
Đinh Thị Thu Ngân1, Nguyễn Thu Hương2
1. Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên
2. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
SUMMARY
Evaluating the use of insulin on typ 2 diabetes oupatients treated at Thai Nguyen Central Hospital
Objectives: 1. Investigating the use of insulin in the treatment of typ 2 diabetes at Thai Nguyen central hospital. 2. Evaluating the effects of treatment on typ 2 diabetes outpatients at Thai Nguyen cetral hospital. Subjects and Methods: 196 outpatients with typ 2 diabetes who were treated at Thai Nguyen cetral hospital from từ 01/03/2018 to 30/06/2018. Methods: Using the cross – sectional methods. Results: There are 4 typs of insulin used: mixed, regular, glargine and NPH. Among these, mixed insulin is the most popular use (81,9% for t0). The most prevelent ways of using are using only mixed insulin or mixed insulin with oral medications. The daily dosage is normally mức 0,2 – 1,0 UI/mg/kg (93,9% for t3). After 3 months of treatment, fasting blood glucose decreased steadily (t0: 8,5 (6,7 – 10,7) mmol/L compared to t3 8,4 (6,8 – 10,5) mmol/L (p > 0,05). HbA1c felt from 8,8 ± 1,9 % to 8,3 ± 1,4 (p < 0,05). With regard to lipid profile, total cholesterol and LDL – C all decreased from 5,7 ± 1,2 to 5,0 ± 1,3 mmol/L and from 3,8 ± 0,8 to 3,2 ± 0,8 mmol/L (p < 0,05). Blood pressures were unchanged compared to the beginning (p > 0,05).
Conclusion:…………………………………
Key words: Diabetes, insulin, Thai Nguyen central hospital…
Chịu trách nhiệm chính:
Ngày nhận bài:
Ngày phản biện khoa học:
Ngày duyệt bài:
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của inslin, hoặc cả hai [1]. Theo liên đoàn Đái tháo đường thế giới IDF (International Diabetes Federation), năm 2017, toàn thế giới có 425 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 2/3 là những người đang ở tuổi lao động (327 triệu người ở lứa tuổi 20 – 64 tuổi). Theo dự đoán, cho đến năm 2045, toàn thế giới sẽ có 629 triệu người mắc đái tháo đường [6]. Ở Việt Nam, nghiên cứu năm 2012 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy: Tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,42%. Trong khi đó, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Cùng với con số người mắc bệnh ngày càng gia tăng, bệnh ĐTĐ còn gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. [1]
Với bệnh nhân đái tháo đường typ 2, các hướng dẫn điều trị hiện nay đều tập trung trước hết vào việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện và ưu tiên sử dụng các thuốc hạ đường huyết đường uống. Tuy nhiên, cùng với sự tiến triển của bệnh, nhiều bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đến một giai đoạn nào đó sẽ phải sử dụng insulin để điều chỉnh đường huyết [2]. Với mong muốn tìm hiểu thực trạng việc sử dụng insulin trong điều trị đái tháo đường typ 2 hiện nay, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm 2 mục tiêu sau:
- Khảo sát một số đặc điểm sử dụng insulin điều trị bệnh nhân Đái tháo đường typ 2 tại phòng khám Nội tiết và Đái tháo đường, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
- Đánh giá kết quả điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có sử dụng insulin tại Phòng khám Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là 196 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 đang điều trị ngoại trú tại Phòng khám Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong thời gian từ 01/03/2018 đến 30/06/2018.
1.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn
– Bệnh nhân đái tháo đường typ 2 được chỉ định dùng insulin trong điều trị.
– Theo dõi một số kết quả sau 3 tháng.
– Các biện pháp điều trị khác vẫn được thực hiện theo chỉ định.
1.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ
– Bệnh nhân bỏ điều trị giữa chừng.
– Bệnh nhân có mức đường huyết quá cao phải chuyển sang điều trị nội trú.
– Bệnh nhân không tuân thủ điều trị: Không dùng thuốc theo đúng chỉ định, không đến khám đúng hẹn.
1.2. Phương pháp nghiên cứu
– Thiết kế nghiên cứu: quan sát, mô tả, theo dõi dọc 3 tháng.
– Cỡ mẫu nghiên cứu: Chọn mẫu thuận tiện, không xác suất.
– Các bước tiến hành: Các bệnh nhân được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm sinh hóa tại các thời điểm t0, t1, t2, t3 (thời điểm ban đầu và các thời điểm sau 1, 2, 3 tháng điều trị) theo mẫu phiếu nghiên cứu thống nhất.
– Các chỉ số theo dõi, đánh giá bao gồm glucose máu lúc đói, HbA1c ( sau 3 tháng) lipid máu, huyết áp sau từng tháng.
1.3. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm thống kê y học SPSS 22.0.
2. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
2.1. Đặc điểm chung bệnh nhân nghiên cứu
Bảng 3.1. Một số đặc điểm chung bệnh nhân nghiên cứu ( n = 196)
Mẫu nghiên cứu bao gồm 196 bệnh nhân. Trong số đó, không có bệnh nhân nào dưới 40 tuổi. Độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là > 65 tuổi (86,7%). Những con số này phù hợp với đặc điểm về tuổi khởi phát của bệnh nhân đái tháo đường typ 2 (thường trên 40 tuổi) [3]. Tỷ lệ nam giới nhiều hơn nữ giới (52,6% so với 47,4%). Về nghề nghiệp, có đến 86,2% bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là cán bộ hưu. Kết quả này phù hợp với thực tế do Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện thuộc tuyến Trung ương đặt tại thành phố Thái Nguyên, các bệnh nhân ngoại trú đến khám tại đây chủ yếu sống tập trung trong thành phố. Do đó, đối tượng cán bộ hưu chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt số tỷ lệ bệnh nhân là nông dân chỉ chiếm 7,7%.
Bệnh mắc kèm phổ biến nhất là tăng huyết áp (THA), với tỷ lệ 89,9% và rối loạn lipid máu (RLLP) với tỷ lệ 48,5%. Tỷ lệ này hơi khác so với nghiên cứu trước đó cũng tại phòng khám với 69,8% bệnh nhân mắc kèm THA và 80,2% bệnh nhân RLLP máu, có thể là do tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng nghiên cứu [4]. Về thời gian mắc bệnh, phần lớn các bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu có thời gian mắc bệnh khá dài, lên đến 10 – 20 năm. Điều này dễ hiểu do các bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là các bệnh nhân đã phải sử dụng insulin, là giai đoạn sau khi không đáp ứng điều trị với thuốc điều trị đái tháo đường đường uống. Đáng chú ý, các bệnh nhân có BMI cao (25 – 29,9) chiếm tới 35,5%. Đây là một vấn đề đáng lo ngại vì tình trạng thừa cân, béo phì còn liên quan đến nhiều rối loạn chuyển hóa khác.
2.2. Đặc điểm sử dụng insulin
Bảng 2.2. Loại insulin dùng cho bệnh nhân
Tại phòng khám Nội tiết và Đái tháo đường, hiện có sử dụng nhiều loại insulin trong điều trị: Insulin hỗn hợp, Insulin regular, insulin glargine và insulin NPH. Các thuốc đều được sản xuất bởi các hãng Dược phẩm lớn và có uy tín trên thế giới, danh mục các loại insulin cũng tương đối phong phú. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các loại insulin human. Bên cạnh các dạng bào chế kinh điển như dạng lọ và dạng ống để phối hợp với bơm tiêm, hiện đã có dạng bút tiêm, tạo nhiều thuận lợi trong điều trị.
Bảng 2.3. Tỷ lệ loại insulin dùng trong điều trị
Trong số các loại insulin được sử dụng, insulin hỗn hợp chính là loại insulin phổ biến nhất. Insulin hỗn hợp là sự trộn lẫn của insulin tác dụng trung bình và insulin tác dụng ngắn hoặc nhanh. Thuốc sẽ có 2 đỉnh tác dụng, insulin tác dụng nhanh hoặc ngắn để chuyển hóa carbonhydrat trong bữa ăn và insulin tác dụng trung bình để tạo nồng độ insulin nền giữa các bữa ăn, tạo nhiều thuận lợi trong điều trị [1].
Bảng 2.4. Phương thức sử dụng insulin theo thời gian
Trong các kiểu sử dụng insulin, kiểu sử dụng đơn độc insulin dạng hỗn hợp hoặc insulin hỗn hợp kết hợp với thuốc uống chiếm ưu thế, nhưng tỷ lệ này giảm dần qua từng tháng. Trong khi đó, một số kiểu sử dụng chiếm tỷ lệ rất thấp như sử dụng đơn độc insulin regular hoặc sử dụng insulin regular phối hợp với thuốc uống (chiếm tỷ lệ chỉ 0,5% ở tháng thứ ba).
Bảng 2.5. Liều dùng insulin/ngày
Trong số 196 bệnh nhân, chỉ có 114 bệnh nhân có dữ liệu cân nặng để tính liều insulin hàng ngày.
Đa số các bệnh nhân sử dụng mức liều 0,2 – 1,0 UI/kg/ngày và có rất ít bệnh nhân vượt quá mức liều 1,0 UI/kg/ngày. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều bệnh nhân còn phải phối hợp insulin với các thuốc hạ đường huyết đường uống mới có thể kiểm soát được đường huyết tương đối ổn định.
2.3. Một số kết quả điều trị
Bảng 2.6. Biến đổi nồng độ glucose máu lúc đói theo thời gian.
Chỉ số glucose máu là chỉ số được theo dõi đều đặn hàng tháng ở các bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu. Sau 1 tháng điều trị, chỉ số glucose máu giảm từ 8,5 (6,7 – 10,7) mmol/L xuống còn 8,3 (6,5 – 10,5) mmol/L, tuy nhiên sự giảm này không có ý nghĩa thống kê. Chỉ số glucose máu ở tháng thứ 2 và tháng thứ 3 lần lượt là 8,3 (6,5 – 10,8) và 8,4 (6,8 – 10,5) (p > 0,05).
Kết quả này có thể là do các bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu đều là các bệnh nhân mắc bệnh lâu năm, thường xuyên có chỉ số đường huyết được kiểm soát kém và phải sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết.
Bảng 2.7. Biến đổi HbA1c sau 3 tháng điều trị
Ngoài glucose máu lúc đói, HbA1c cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả điều trị [6].
Tuy nhiên, trong số 196 bệnh nhân, chỉ có 24 bệnh nhân được làm xét nghiệm HbA1c ở cả t0 và t3.
Kết quả cho thấy, HbA1c của 24 bệnh nhân này giảm từ 8,8 ± 1,9 % xuống 8,3 ± 1,4 % và sự giảm này có ý nghĩa thống kê. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong điều trị vì chỉ số HbA1c phản ánh đường máu trung bình trong vòng 2 – 3 tháng trước [7].
Bảng 2.8. Đánh giá biến đổi các chỉ số lipid máu
Bênh cạnh việc kiểm soát đường huyết, kiểm soát các chỉ số lipid máu và huyết áp cũng là vấn đề cần quan tâm trong điều trị đái tháo đường. Trong 3 tháng điều trị, có 56 bệnh nhân được làm xét nghiệm các chỉ số lipid máu. Trong các chỉ số này, chỉ có cholesterol toàn phần và LDL – C là giảm có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Đáng chú ý, LDL – C chính là loại lipoprotein tham gia trực tiếp vào việc hình thành mảng xơ vữa mạch máu và là mục tiêu nhắm đến hàng đầu trong các hướng dẫn điều trị [7]. Sự giảm LDL – C cho thấy việc điều chỉnh các chỉ số lipid máu đã có những hiệu quả nhất định.
Bảng 2.9. Đánh giá biến đổi chỉ số huyết áp
Chỉ số huyết áp trung bình ở thời điểm tovà t3 gần như không có quá nhiều thay đổi: 145 ± 20/79 ± 35 mmHg và 145 ± 19/77 ± 13 mmHg.
Điều này có thể là do có đến 89,9% bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu mắc kèm THA và đang sử dụng thuốc điều trị THA. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân đến ngày hẹn khám không uống thuốc huyết áp vào buổi sáng mà chỉ uống thuốc sau khi đã khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
3. KẾT LUẬN
Có 4 loại insulin chính được sử dụng: Insulin hỗn hợp, insulin regular, insulin glargine và insulin NPH,trong đósử dụng nhiều nhất là insulin hỗn hợp, chiếm 81,9% vào tháng thứ nhất. Cách sử dụng insulin phổ biến nhấtlà dùng riêng insulin hỗn hợp hoặc kết hợp với thuốc uống. Liều dùng hàng ngày của insulin phổ biến ở mức 0,2 – 1,0 UI/mg/kg (93,9% vào tháng thứ 3). Sau 3 tháng điều trịglucose máu lúc đói giảm so với tháng thứ nhất chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Song HbA1c giảm từ 8,8 ± 1,9 % xuống 8,3 ± 1,4 (p < 0,05). Chỉ số cholesterol và LDL – C giảm có ý nghĩa thống kê (5,7 ± 1,2 xuống 5,0 ± 1,3 mmol/L và 3,8 ± 0,8 xuống 3,2 ± 0,8 mmol/L. Chỉ số huyết áp không biến đổi so với ban đầu (p > 0,05).
TÓM TẮT
Mục tiêu: 1. Khảo sát một số đặc điểm sử dụng insulin và kết quả điều trị bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có sử dụng insulin tại Phòng khám Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đối tượng và phương pháp: 196 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 đang điều trị ngoại trú tại Phòng khám Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong thời gian từ 01/03/2018 đến 30/06/2018 được quan sát, mô tả theo dõi dọc. Kết quả: Có 4 loại insulin được sử dụng bao gồm các loại: Hỗn hợp, regular, glargine và NPH, trong đósử dụng nhiều nhất là insulin hỗn hợp(t0: 81,9%). Cách sử dụng phổ biến nhất là dùng insulin loại hỗn hợp, đơn độc hoặc insulin hỗn hợp kết hợp với thuốc uống. Liều dùng hàng ngày phổ biến 0,2 – 1,0 UI/mg/kg (t3: 93,9%). Sau 3 tháng điều trị, glucose máu lúc đói giảm chưa có ý nghĩa so với tháng thứ nhất (t0: 8,5 (6,7 – 10,7) mmol/L so với t3 8,4 (6,8 – 10,5) mmol/L (p > 0,05) song HbA1c giảm có ý nghĩa từ 8,8 ± 1,9 % xuống 8,3 ± 1,4% (p < 0,05). Các chỉ số cholesterol và LDL – C giảm có ý nghĩa thống kê (5,7 ± 1,2 xuống 5,0 ± 1,3 mmol/L và 3,8 ± 0,8 xuống 3,2 ± 0,8 mmol/L. Chỉ số huyết áp không thay đổi so với ban đầu (p > 0,05). Kết luận: Bệnh nhân đái tháo đường typ 2 tại phòng khám Nội tiết – Đái tháo đường sử dụng insulin loại hỗn hợp chiếm tỷ lệ cao. Kết quả sau 3 tháng tác dụng giảm HbA1c có ý nghĩa.
Từ khóa: Đái tháo đường, insulin, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế (2017), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường typ 2, trang 1 – 36.
- Hoàng Thị Kim Huyền (2011), Chăm sóc Dược, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 112 – 137.
- Nguyễn Kim Lương (2011), Bệnh Đái tháo đường trong thực hành lâm sàng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 9 – 15.
- Đinh Thị Thu Ngân, Trần Văn Tuấn (2013), “Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc đái tháo đường tại phòng khám ngoại trú bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên,” Tạp chí Y học Việt Nam, tập 412, số 11, trang 78–84.
- Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết chuyển hóa, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 1 – 275.
- International Diabetes Federation (2017), “ IDF atlas, Eighth edition 2017, p. 1 – 147.
- C. Riddle et al. (2018), “Standard of medical care in diabetes,” Diabetes Care, vol. 41, no. 1, p. 1 – 149.