Tình trạng dung nạp glucose ở bệnh nhân HBsAG (+) tại khoa Nội Tổng hợp bệnh viện Đại học Y Hà Nội

TÌNH TRẠNG DUNG NẠP GLUCOSE Ở BỆNH NHÂN HBsAG (+)
TẠI KHOA NỘI TỔNG HỢP BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Bùi Trung Đức*, Vũ Bích Nga**, Trần Hồng Quang***

*: Trường ĐH Y Hà Nội, ** Bộ môn Nội – Đại học Y Hà Nội, *** Đại học y tế công cộng

ABSTRACT

STUDY ON GLUCOSE TOLERANCE STATUS AMONG PATIENTS WITH HBsAG (+)  AT DEPARTMENT OF GENERAL INTERNAL MEDICINE – HANOI MEDICAL UNIVERSITY HOSPITAL

Aims: To identify proportion of glucose intolerance among patient who are infected Hepatitis B and explore relationship between glucose intolerance and clinical and sub-clinical factors among patients who are infected Hepatitis B. Methods: A prospective and cross-sectional descriptive study of 50 patients who are infected Hepatitis B and receiving treatment at Department of General internal medicine, Hanoi medical university hospital from 1 Nov, 2014 to 30 Apr, 2015 based on test results of HBsAG (+). Key findings: Proportion of glucose intolerance among patients who are infected Hepatitis B is high (64%). Among those patients, proportion of real diabetes is 28%. Research team did not find any relationship between blood glucose intolerance status and age, gender, cirrhosis status, concentration of transaminase, number of peripheral blood platelets and proportion of prothrombin.

Keywords: Hepatitis B, HBsAG, diabetes, pre-diabetes, blood glucose intolerance.

Chịu trách nhiệm chính: Bùi Trung Đức

Ngày nhận bài: 1.10.2015

Ngày phản biện khoa học:15.11.2015

Ngày duyệt bài: 25.11.2015

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh viêm gan do virus viêm gan B là một bệnh rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á. Virus viêm gan B (HBV – Hepatitis B virus) tấn công và làm tổn thương tế bào gan, gây nên bệnh cảnh viêm gan cấp và mạn tính. Theo thống kê của hiệp hội viêm gan B, hiện nay ước tính có khoảng 2 tỷ người bị nhiễm virus viêm gan B trên thế giới với khoảng 240-400 triệu người bị viêm gan B mạn tính và khoảng 600000 đến 1 triệu người chết mỗi năm do HBV [1]. Tại Việt Nam ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Đái tháo đường cũng là bệnh lý đã được biết đến từ lâu và là một trong những bệnh có số người mắc tăng nhanh nhất thế giới hàng năm. Theo liên đoàn đái tháo đường quốc tế, năm 2011 trên toàn thế giới có khoảng 366 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự đoán con số này sẽ lên tới 522 triệu người trong vòng 20 năm nữa [2]. Người ta thấy có 1 tỉ lệ cao về rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân bị bệnh gan, sự rối loạn dung nạp này rõ ràng hơn ở những bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B, C [3]. Trong khi mối liên quan giữa viêm gan virus C và bệnh đái tháo đường đã được xác nhận bằng nhiều nghiên cứu thì mối quan hệ giữa viêm gan virus B vẫn còn chưa rõ ràng và đang gây nhiều tranh cãi, bởi cả hai đều có thể gây nên những tổn thương ở gan nên có thể việc nhiễm virus viêm gan B cũng là một yếu tố nguy cơ gây nên bệnh đái tháo đường. Trên thế giới, trong 1 nghiên cứu của M. Li-Ng và cộng sự [4] trên 56 bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B thấy tỷ lệ bị đái tháo đường là 58,9%. Tại Việt Nam, nghiên cứu về bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B còn ít. Sự phối hợp giữa nhiễm virus viêm gan B và đái tháo đường trên cùng một bệnh nhân đã trở thành vấn đề khó khăn trong theo dõi, điều trị và dự phòng đặt ra với các bác sỹ lâm sàng nhằm cải thiện cuộc sống cho người bệnh và phòng các biến chứng. Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài ‘’Nghiên cứu tình trạng dung nạp glucose ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B’’ nhằm mục tiêu :

  1. Xác định tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B.
  2. Tìm hiểu mối liên quan giữa rối loạn dung nạp glucose và một số yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B.

3. ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được tiến hành tại khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ 1/11/2014 đến 30/4/2015.

Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, tiến cứu.

Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: Tất cả các bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B.

Tiêu chuẩn loại trừ:

  • Đồng nhiễm virus viêm gan khác, viêm gan do rượu.
  • Bệnh nhân được chẩn đoán và theo dõi đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường trước khi bị nhiễm virus viêm gan B.
  • Những bệnh lý kèm theo gây rối loạn dung nạp glucose máu thứ phát: cường giáp, bệnh lý tụy, nhiễm trùng, nhiễm sắt …
  • Tiền sử dùng những thuốc có thể gây rối loạn dung nạp glucose thứ phát: corticoid, lợi tiểu nhóm thiazide, hormone tuyến giáp, thuốc tránh thai có estrogen, acid nicotinic …
  • Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Cách tiến hành:

Hỏi bệnh: các bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B được hỏi các thông tin về hành chính, tiền sử viêm gan virus B, tiền sử mắc các bệnh lý khác.

Khám lâm sàng: tìm các triệu chứng thực thể của bệnh.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

– Dấu ấn miễn dịch HBV: HbsAg, chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B khi HbsAg (+)

– Xét nghiệm về dung nạp glucose máu: Glucose máu lúc đói; HbA1c; Nghiệm pháp dung nạp glucose: chỉ định cho tất cả bệnh nhân nhiễm HBV trong nhóm nghiên cứu chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) năm 2010.

Phân loại bệnh nhân

– Theo mức độ nặng của xơ gan dựa vào giai đoạn lâm sàng

– Theo tình trạng dung nạp Glucose máu: áp dụng theo tiêu chuẩn của ADA năm 2010

Xử lý số liệu: số liệu thu thập được từ nghiên cứu xử lý theo phương pháp thống kê bằng phần mềm SPSS 22.0

II. KẾT QUẢ

Tình trạng dung nạp glucose máu của nhóm nghiên cứu

Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B trong nhóm nghiên cứu có rối loạn dung nạp glucose máu chiếm tỷ lệ 64%. Trong đó tỷ lệ đái tháo đường là 38%, tỷ lệ tiền đái tháo đường là 26%.

Bảng 1: Tình trạng dung nạp glucose máu
của nhóm nghiên cứu

 

Tìm hiểu mối liên quan giữa rối loạn dung nạp glucose máu và một số yếu tố của tình trạng nhiễm virus viêm gan B

Liên quan với nhóm tuổi: Các bệnh nhân ở nhóm tuổi từ 60 trở lên có tỷ lệ bị rối loạn dung nạp glucose thấp nhất 46,7%. Ở các nhóm tuổi còn lại, tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose đều cao hơn 50% và cao nhất ở nhóm tuổi từ 40-49 với tỷ lệ là 62,5%. Khi so sánh tình trạng rối loạn dung nạp glucose giữa các nhóm tuổi trên, chúng tôi không thấy có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (p=0,072)

Liên quan với giới tính:

Bảng 2: Liên quan giữa tình trạng dung nạp glucose với giới tính

Tỉ lệ mắc rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân nam cao hơn so với bệnh nhân nữ, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

 Liên quan với tình trạng xơ gan:

Bảng 3: Liên quan giữa dung nạp glucose với tình trạng xơ gan

Trong nghiên cứu này chúng tôi không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p>0,05) khi so sánh tình trạng rối loạn dung nạp glucose giữa bệnh nhân xơ gan và không xơ gan.

Liên quan với một số đặc điểm cận lâm sang của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B:

Bảng 4: Liên quan giữa dung nạp glucose với tình trạng xơ gan

Tỷ lệ không RLDNG ở nhóm AST bình thường chiếm đa số và ngược lại tỷ lệ có RLDNG ở nhóm AST tăng chiếm đa số. Khi men AST tăng tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng nhiều (từ 40% lên 65,2%) (p=0,239).

Ở cả 2 nhóm ALT bình thường và tăng, tỷ lệ có RLDNG đều chếm đa số. Khi men ALT tăng thì tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng ít, không đáng kể (từ 61,5% lên 64,9%) (p=0,83).

Ở cả 2 nhóm số lượng tiểu cầu bình thường và giảm, tỷ lệ có RLDNG đều chếm đa số. Khi số lượng tiểu cầu giảm, tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng lên (từ 60% lên 68%) (p=0,556).

Tỷ lệ không RLDNG ở nhóm tỷ lệ prothrombin bình thường chiếm đa số và ngược lại tỷ lệ có RLDNG ở nhóm tỷ lệ prothrombin giảm chiếm đa số. Khi tỷ lệ prothrombin giảm, tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng lên đáng kể (từ 47,6% lên 76,5%) (p=0,07).

Nhóm có nồng độ bilirubin toàn phần máu bình thường, không có bệnh nhân nào có RLDNG. Khi nồng độ bilirubin toàn phần máu tăng, tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng lên đáng kể (từ 0% lên 39,4%) (p=0,084).

Nhóm có nồng độ albumin máu bình thường, tỷ lệ có RLDNG và không RLDNG bằng nhau. Khi nồng độ albumin máu giảm, tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng lên đáng kể (từ 50% lên 72,2%) (p=0,317).

III. BÀN LUẬN

Qua số liệu thu thập được, bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 51,32 ± 15,33 tuổi. Chúng tôi thấy tình trạng nhiễm virus viêm gan B thường gặp ở lứa tuổi từ 30 trở lên. Sở dĩ có tỷ lệ này theo chúng tôi vì viêm gan B khi đã tiến triển thành viêm gan mạn tính phải điều trị lâu dài, những bệnh nhân vào khám và được điều trị tại khoa nội bệnh viện đại học Y Hà Nội đều là những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc bệnh cảnh nặng nề, thường là là bệnh đã phát triển qua một thời gian dài chưa điều trị khỏi được khỏi hoặc bệnh nhân không phát hiện ra đề đến điều trị nên số lượng bệnh nhân trẻ ít. Việc bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi lao động là một vấn đề đáng lo ngại cho gia đình và cộng đồng vì gây ảnh hưởng
tới lao động sản xuất, kinh tế của gia đình và xã hội.

Kết quả về tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi khi so sánh với kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác thấy: Kết quả nghiên cứu của Fumio Imazeki và cộng sự [3]: tuổi trung bình là 45,1 ± 13,6 tuổi. Nghiên cứu của Simona Caronia và cộng sự [5]: tuổi trung bình là 54 ± 7 tuổi. Nghiên cứu của A. Mavrogiannak [4] và cộng sự: tuổi trung bình là 53,2 ± 1,4 tuổi.

Như vậy, về độ tuổi nhiễm virus viêm gan B trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với các nghiên cứu của Fumio Imazeki nhưng thấp hơn của Simona Caronia và A. Mavrogiannak. Theo chúng tôi, lý do có thể là: Thứ nhất cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ lớn, các đối tượng được chọn một cách ngẫu nhiên. Thứ hai trong nghiên cứu của mình, chúng tôi lấy bệnh nhân có HbsAg(+) còn trong các nghiên cứu khác lấy bệnh nhân đã được chẩn đoán rõ ràng viêm gan B mạn tính.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu là nam giới (chiếm 76%), nữ giới chỉ chiếm 24%. So sánh với các tác giả nghiên cứu khác, chúng tôi thấy có nhiều khác biệt, cụ thể là: Tỷ lệ nam/nữ cao hơn so với nghiên cứu của Fumio Imazeki và cộng sự [3]: tỷ lệ nam/nữ là 1,34/1. Kết quả của chúng tôi gần với nghiên cứu của Simona Caronia và cộng sự [5]: tỷ lệ nam/nữ là 2,9/1. Tuy nhiên chúng tôi thống nhất với các tác giả trên là nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn so với nữ giới.

Tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B

Theo kết quả nghiên cứu thu thập được, chúng tôi thấy hầu hết các bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B trong nhóm nghiên cứu đều có tình trạng rối loạn dung nạp glucose (chiếm 64%), trong đó tỷ lệ đái tháo đường chiếm cao nhất là 38%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường (gồm rối loạn glucose máu lúc đói, giảm dung nạp glucose hoặc kết hợp cả hai tình trạng) là 24% và tỷ lệ bệnh nhân không bị rối loạn dung nạp glucose cũng chiếm khá cao (36%).

Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nhiều so với tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose nói chung trong quần thể người Việt Nam. Theo điều tra quốc gia năm 2012 về dịch tễ học đái tháo đường ở Việt Nam [6], tỷ lệ đái tháo đường, rối loạn dung nạp glucose chung cho cả nước lần lượt là 5,7% và 12,8%. Như vậy khi so sánh với kết quả của nghiên cứu này cho phép chúng tôi kết luận tình trạng nhiễm virus viêm gan B có một ảnh hưởng rõ rệt đến chuyển hóa glucose.

Vấn đề rối loạn dung nạp glucose trong bệnh lý gan mạn tính nói chung và tình trạng nhiễm virus viêm gan B nói riêng đã được một số tác giả trong và ngoài nước đề cập tới. Nghiên cứu của M. Li-Ng và cộng sự trên 411 người Châu Á và 424 cư dân đảo trên Thái Bình Dương trong 5 năm cho thấy tỷ lệ bị đái tháo đường cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân nhiễm HBV so với những người không nhiễm HBV (58,9% so với 33,3%, P<0.001), (OR=3.17; 95% CI, 1.58-6.35). Khi tiến hành nghiên cứu riêng rẽ giữa 2 nhóm người thì tỷ lệ bị đái tháo đường ở người Châu Á bị nhiễm HBV cao hơn hẳn người không nhiễm (65.0% vs. 27.5%, P<0.001), trong khi tỷ lệ này không khác biệt nhiều ở nhóm dân cư đảo trên Thái Bình Dương (43.8% vs. 37.1%, P=0.60). Tác giả cho rằng có 1 mối liên quan mật thiết giữa nhiễm HBV với mắc bệnh đái tháo đường ở những người Châu Á, nhưng không có ở những người dân đảo trên Thái Bình Dương [7]. Trong nghiên cứu của Boyoung Park và cộng sự [8] tiến hành trên 916 bệnh nhân nhiễm HBV, tỷ lệ rối loạn glucose máu lúc đói là 18,1%, đái tháo đường là 10%. Nghiên cứu của A. Mavrogiannak và cộng sự trên 81 bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính cho kết quả tỷ lệ tiền đái tháo đường là 13,6%, tỷ lệ đái tháo đường là 16% [4].

Tại Việt Nam theo Phạm Thị Thu Thủy, nghiên cứu trên các bệnh nhân bị viêm gan virus B, C, xơ gan cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở bệnh nhân bị viêm gan virus B là 5,18% [9].

Như vậy, khi so sánh với các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước đã kể trên, chúng tôi đi đến kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của M. Li-Ng và cộng sựnhưng lại cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Boyoung Park,A. Mavrogiannak và Phạm Thị Thu Thủy. Điều này có lẽ do sự khác nhau về cỡ mẫu, đối tượng nghiên cứu và mức độ nặng của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B trong nghiên cứu của chúng tôi khác các tác giả trên

IV. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 50 trường hợp bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B điều trị nội trú tại khoa Nội bệnh viện đại học Y Hà Nội, chúng tôi rút ra những kết luận sau:

– Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B

64% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B có rối loạn dung nạp glucose máu, trong đó tỷ lệ đái tháo đường là 38% và tỷ lệ tiền đái tháo đường là 28%.

  • Rối loạn dung nạp glucose không liên quan với tuổi, giới, tình trạng xơ gan và một số đặc điểm cận lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Xác định tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B và tìm hiểu mối liên quan giữa rối loạn dung nạp glucose với một số yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B. Phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang trên 50 bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B đang điều trị tại khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ 1/11/2014 đến 30/4/2015 dựa vào kết quả xét nghiệm HBsAG (+). Kết quả: Chúng tôi nhận thấy ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B có tỉ lệ bị rối loạn dung nạp glucose cao (64%). Trong đó tỉ lệ đái tháo đường thật sự là 38%; tỉ lệ tiền tiền đái tháo đường là 28%. Không tìm được mối liên quan giữa nhóm tuổi, giới tính, tình trạng xơ gan, nồng độ men transaminase, số lượng tiểu cầu máu ngoại vi, tỷ lệ prothrombin với tình trạng rối loạn dung nạp glucose máu.

Từ khóa: virus viêm gan B, HBsAG, đái tháo đường, tiền đái tháo đường, rối loạn dung nạp glucose máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Niederau C. (2014). Chronic hepatitis B in 2014: Great therapeutic progress, large diagnostic deficit.World J Gastroenterol, 20(33), 11595-11617.
  2. IDF (2010). The global burden Diabetes and Impaired glucose tolerance.
  3. Fumio Imazeki, Osamu Yokosuka, Kenichi Fukai et al. (2008). Prevalence of Diabetes Mellitus and Insulin Resistance in Patients With Chronic Hepatitis C: Comparison With Hepatitis B Virus-Infected and Hepatitis C Virus-Cleared Patients, Liver International, 28(3), 355-362.
  4. Mavrogiannaki, B. Karamanos, E. K. Manesis et al (2009). Prevalence of glucose intolerance in patients with chronic hepatitis B or C: a prospective case-control study, J Viral Hepat 2009, 16(6),430-436.
  5. Simona Caronia, Kevin Taylor, Luigi Pagliaro et al. (1999). Further evidence for an association between non–insulin-dependent diabetes mellitus and chronic hepatitis C virus infection, Hepatology, 30(14), 1059-1063.
  6. Trần Đức Thọ (2002), Điều tra dịch tễ tỉ lệ đái tháo đường và rối loạn dung nạp Glucose máu, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  1. Li-Ng, S. Tropp, A. Danoff et al (2007) Association between chronic hepatitis B virus infection and diabetes among Asian Americans and Pacific Islanders, Digestive and Liver Disease, 39, 549-556.
  2. Phạm Thị Thu Thủy (2001). Mối liên quan giữa tiểu đường và nhiễm siêu vi viêm gan C,15-21.
  3. Boyoung Park, MD, PhD, Kyu-Won Jung, MS, Chang-Mo Oh, MD et al (2014). Prevalence of and Factors Influencing Impaired Glucose Tolerance Among Hepatitis B Carriers: A Nationwide Cross-Secti onal Study in the Republic of Korea, Medicine, 93, No20, 1-7
  4. AM Prince, B Brotman, GF Grady, WJ Kuhns, C Hazzi, RW Levine, et al. Long-incubation post-transfusion hepatitis without serological evidence of exposure to hepatitis-B virus. Lancet. 1974; 2(7875): 241–46.
  5. W Ray Kim. Global epidemiology and burden of Hepatitis C.Microbes Infect.2002;4:1219–25.
  6. D Lavanchy. Evolving epidemiology of Hepatitis C Virus.Clinical Microbiology and Infection.2011;17(1):107–15.
  7. JP Messina, I Humphreys, A Flaxman, A Brown, GS Cooke, OG Pybus. Global Distribution and Prevelance of Hepatitis C Virus Genotypes. Hepatology. 2014; 60(6): 1–11.
  8. World Health Organization. Hepatitis C. June 2011.2011:7–13.
  9. K Mohd Hanafiah, J Groeger, AD Flaxman, T Weirsmas. Global Epidemiology of Hepatitis C virus infection: New Estimates of age specific antibody to HCV Seroprevalence.  Hepatology. 2013;57(4):1333–42.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …