KHẮC CHẾ CHỨNG TIỂU ĐÊM Ở NGƯỜI CAO TUỔI
HOW TO CONTROL NOCTURIA IN THE ELDER ?
TS.BS Trần Bá Thoại
BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
I. LỜI MỞ
Tiểu đêm là một rối loạn tiểu rất hay gặp ở người cao tuổi. Thống kê y học cho thấy tần suất bị tiểu đêm thay đổi rõ rệt theo tuổi tác với xu hướng càng già càng dễ bị tiểu đêm: chỉ 5% ở trẻ em khoảng 15 tuổi tăng dần lên 70% ở tuổi 60 và đến 90% ở tuổi 80.
Tiểu đêm là một phiền toái thường gặp của người cao tuổi. Tuy không nghiêm trọng, nhưng tiểu đêm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống: mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu, không thoải mái, kém tự tin, nhiều lúc trầm cảm, sa sút trí tuệ…
Do đó, trong y khoa, tiểu đêm là một chỉ định chăm sóc cần thiết cho người cao tuổi.
II. THẾ NÀO LÀ TIỂU ĐÊM ?
Bình thường, người trưởng thành mối ngày tiểu tiện từ 4 đến 8 lần, với lượng nước tiểu từ 1,8-2,5 lít.
Y khoa phân ra 3 nhóm rối loạn sự đi tiểu là:
(1) Tiểu nhiều, đa niệu, khi lượng nước tiểu trên 2,5 lít trong 24 giờ;
(2) Tiểu nhiều lần, tiểu láu, tiểu thường xuyên, khi đi trên 8 lần/ngày; và
(3) Tiểu đêm, nocturnal polyuria, nocturia, khi phải thức giấc đi tiểu hơn 1 lần trong mỗi đêm.
Các thống kê y học đều cho thấy tần suất bị tiểu đêm thay đổi rõ rệt theo tuổi tác với xu hướng càng già càng dễ bị tiểu đêm: chỉ 5% ở trẻ em khoảng 15 tuổi, 70% ở người tuổi 60 và lên đến 90% ở tuổi 80.
III. NGUYÊN NHÂN
Dựa theo thứ tự tần suất gây bệnh, các nhà chuyên môn xếp các nguyên nhân khiến người cao tuổi bị tiểu đêm ra bốn nhóm:
(1) Tình trạng rối loạn giấc ngủ,
(2) Uống nhiều nước, bia, rượu..trước khi đi ngủ,
(3) Các bệnh lý bàng quang, tiền liệt tuyến, và
(4) Bệnh lý gây thiếu hormone kháng tiểu (antidiuretic hormone, ADH).
IV. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Các yếu tố nguy cơ, góp phần gây chứng tiểu đêm ở người cao tuổi gồm:
(1) Giảm khả năng trì hoãn đi tiểu;
(2) Giảm sự chịu đựng, giảm dung tích chứa của bàng quang;
(3) Giảm tốc độ dòng nước tiểu tối đa;
(4) Tăng nồng độ catecholamine về đêm;
(5) Tăng nồng độ peptide lợi tiểu (natriuretic peptide) về đêm; và
(6) Giảm nồng độ hormone ADH về đêm.
V. BỆNH LÝ NGOÀI THẬN
Một số bệnh lý và thuốc có liên quan đến chứng tiểu đêm của người cao tuổi được nêu ra là: Đái tháo đường, Suy tim, Tăng huyết áp, Phì đại tuyến tiền liệt, Viêm bàng quang mãn, Thuốc kháng histamine, Thuốc chẹn beta, Thuốc chẹn kênh canxi, Thuốc ức chế cholinesterase, Thuốc lợi tiểu…
VI. KHẮC PHỤC & ĐIỀU TRỊ
Việc xử lý chứng tiểu đêm ở người cao tuổi nhằm mục tiêu chung là giải quyết các nguyên nhân, và hạn chế các yếu tố liên quan:
* Tránh làm mất ngủ bắng các biện pháp đơn giản như: Không uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn lỏng buổi chiều tối; và Bố trí phòng ngủ phải sạch sẽ, thoáng mát, giường nệm êm ấm, tiện nghi; ánh sáng, âm thanh phải vừa phải nhẹ nhàng, tránh quá sáng hoặc quá ồn ào…
* Tránh uống nhiều nước, bia rượu, chè, cà phê, nước tăng lực.v.v… vào buổi chiều, tối.
* Tránh những tranh luận, stress tâm lý khiến khó đi vào giấc ngủ êm ả..
* Giải quyết các bệnh lý kèm theo, như viêm bàng quang, u xơ tiền liệt, đái tháo nhạt…
* Hạn chế, không dùng các thuốc có thể gây tiểu đêm như kháng histamine, chẹn beta, chẹn kênh canxi, lợi tiểu…
* Sử dụng các thuốc chống co thắt bàng quang, độc tố botulinum trong vài trường hợp kháng trị chọn lọc.
VII. BÀN VÀ KẾT LUẬN
Bình thường, giấc ngủ trải qua chu kỳ hai pha luân phiên: Không nháy mắt nhanh (Non Rapid Eye Movement, NREM) và Nháy mắt nhanh (Rapid eye movement, REM). Pha NREM chiếm 75 % chu kỳ và có 4 giai đoạn: (1) lơ mơ hay ngủ thiu thiu; (2) rời rạc không thấy dù mắt còn mở; (3) chuẩn bị ngủ sâu, phải gọi to, lay mạnh mới tỉnh; và (4) ngủ rất sâu. Sau ngủ sâu, người ngủ quay lại giai đoạn 2 và rồi đi vào pha kỳ REM. Sau giai đoạn ngủ sâu 4 kết thúc, người ngủ quay lại giai đoạn 2 và rồi đi vào pha REM. Ngủ REM còn được gọi là ngủ “trái ngược” hay “không đồng bộ” (paradoxal sleep, desynchronized sleep) vì dù đang ngủ nhưng hệ thống thần kinh trung ương não bộ lại đang thức do đó giấc mơ xẩy ra. Trong một giấc ngủ, REM và NREM khoảng 4 – 6 lần với chu kỳ trung bình 90 phút. Kiểu ngủ thay đổi theo tuổi tác, người lớn, bệnh nhân thường có REM kéo dài nên họ thường khó ngủ và hay mộng mị.
Tiểu đêm làm gián đoạn giấc ngủ và là phiền toái hay gặp ở người cao tuổi. Vì rất phổ biến, nhiều bác sĩ lâm sàng coi tiểu đêm là đương nhiên của sự lão hóa và ít lưu tâm, hướng dẫn, xử lý đúng mức cho bệnh nhân.
Dù không cấp tính hay nghiêm trọng, tiểu đêm lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống vì ngoài gây mất ngủ, mệt mỏi, tiểu đêm còn khiến con người khó chịu, tâm lý không thoải mái nên giao tiếp kém tự tin nhiều lúc trầm cảm vì cảm giác già nua, kém cõi. Tiểu đêm cũng có thể nguy hiểm, đặc biệt người già có thể bị té ngã xẩy ra khi thức dậy ban đêm để vào nhà vệ sinh. Do đó, trong một số hướng dẫn y khoa, chứng tiểu đêm là một chỉ định chăm sóc cho người cao tuổi.
Cần lưu ý giải quyết đúng nguyên căn (root cause) những trường hợp tiểu đêm do bệnh lý như u xơ tiền liệt, viêm bàng quang mãn, bất thường hệ tiết niệu, xơ gan, suy thận, suy tim…
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Excessive urination at night (Nocturia)
https://www.healthline.com/health/urination-excessive-at-night#causes
[2] Everything you need to know about nighttime urination
https://www.healthline.com/health/sleep/excessive-urination-at-night
[3] Nocturia and Aging: Diagnosis and Treatment
https://www.ackdjournal.org/article/S1548-5595(10)00076-5/pdf
[4] Why does nocturnal polyuria syndrome happen?
http://flotrolbladdercontrol.org/2016/04/30/nocturnal-polyuria-syndrome-nps-the-nocturia-condition/
[5] Nocturia: A guide to assessment and management
https://www.racgp.org.au/afp/2012/june/nocturia-a-guide-to-assessment-and-management/
[6] Nocturia as a manifestation of systemic disease
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/10.1111/j.1464-410X.2010.09763.x
[7] Nocturia in the elderly: A wake-up call
https://pdfs.semanticscholar.org/a025/7bb2457ec46caaa3120e0486a2b5caf22ed2.pdf
[8] Focus on nocturia in the elderly
https://www.futuremedicine.com/doi/abs/10.2217/ahe.13.22
[9] Sleep and quality of life in nocturia and nocturnal polyuria
https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-1-60327-343-5_43
[10] Physiology of sleep and dreaming
http://nwkpsych.rutgers.edu/~jose/courses/CNS-sleep.pdf
[11] Sleep physiology
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK19956/
[12] Physiology and psychology of dreams.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15798942
[13] 4 giai đoạn của một giấc ngủ
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/4-giai-doan-cua-mot-giac-ngu/