ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG MÁU Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 MỚI ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN
1Văn Thị Thu Hiền, 1Hoàng Thị Liễu, 1Tăng Thị Lợi
1Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
DOI: 10.47122/vjde.2022.56.16
ABSTRACT
Introduction: Newly diagnosed with type 2 diabetes have active interventions with appropriate regimens can achieve glycemic goals in the first 3 months. Initial management need to be achieved on glycemic goals to reducing long-term chronic complications for patients. Objective: Clinical, subclinical characteristics and effectiveness of glycemic control in the early stages in patients with type 2 diabetes newly discovered at Nghe An Endocrine Hospital. Subjects and Methods: Observational and interventional study on 269 newly diagnosed type 2 diabetes patients by the American Diabetes Association (ADA) 2021. The patients were clinically examined, diagnostic tests and followed up for 3 months. Results: The average age of subjects was 56,3 ±11,1 years, focus on classes over 40 years old. Co-morbidities with dyslipidemia accounted for 45,7%; hypertension accounted for 17,1%. More than half of the patients had symptoms of hyperglycemia (54,3%). Most of the patients achieved the goal of blood sugar control after 3 months of treatment with the average fasting blood glucose and HbA1c after treatment being 7,15 ± 4,45 mmol/L and 6,57 ± 1,0%. Metformin accounted for most of the cases in regimen 1 oral hypoglycaemic drug with the rate of 36,7%. The combination of metformin with SU accounted for the highest rate in the 2-drug regimen with the rate of 23,7%. Conclusion: Newly diagnosied type 2 diabetes can achieve to glycemic target threshold in the first 3 months even though the glycemic level is high at the time of diagnosis. Therefore, clinicians should aim for early glycemic control in patients and maintain it for long-term benefit.
Keywords: Newly diagnosed with type 2 diabetes mellitus, glycemic goals, choice of initial therapy for type 2 diabetes mellitus.
TÓM TẮT
Tổng quan: Bệnh nhân đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ típ 2) mới phát hiện nếu được can thiệp tích cực với phác đồ phù hợp có thể đạt mục tiêu đường máu trong 3 tháng đầu. Kiểm soát đường máu đạt mục tiêu sớm ngay từ giai đoạn đầu góp phần làm giảm biến chứng mạn tính lâu dài cho người bệnh. Mục tiêu: Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hiệu quả kiểm soát đường máu trong giai đoạn đầu ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới được phát hiện tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An (BVNTNA). Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu can thiệp, tiến cứu trên 269 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ADA-2021. Các bệnh nhân được khám lâm sàng, xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi điều trị trong 3 tháng. Kết quả: Tuổi trung bình: 56,3 ±11,1 tuổi, tập trung phần lớp ở độ tuổi trên 40. Bệnh đồng mắc rối loạn lipid máu chiếm 45,7%; tăng huyết áp chiếm 17,1%. Hơn một nửa bệnh nhân có các triệu chứng của tăng glucose máu (54,3%). Phần lớn bệnh nhân đều đạt mục tiêu kiểm soát đường máu sau 3 tháng điều trị với chỉ số glucose máu đói và HbA1c trung bình sau điều trị lần lượt là 7,15 ± 4,45 mmol/L và 6,57 ± 1,0%. Metformin chiếm hầu hết các trường hợp trong phác đồ 1 thuốc uống hạ glucose máu với tỷ lệ 36,7%. Phối hợp metformin với SU chiếm tỷ lệ cao nhất trong phác đồ 2 thuốc với tỷ lệ 23,7%. Kết luận: Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới phát hiện có thể kiểm soát đường máu về ngưỡng mục tiêu trong 3 tháng đầu dù thời điểm phát hiện bệnh mức độ đường máu cao. Do đó, các bác sỹ lâm sàng nên đặt mục tiêu kiểm soát đường máu sớm cho bệnh nhân và duy trì để đạt lợi ích lâu dài.
Từ khóa: Đái tháo đường típ 2 mới được chẩn đoán, mục tiêu đường máu, lựa chọn điều trị ban đầu đái tháo đường típ 2.
Tác giả liên hệ: Văn Thị Thu Hiền Email: [email protected] Ngày nhận bài: 01/9/2022
Ngày phản biện khoa học: 1/10/2022 Ngày duyệt bài: 28/10/2022
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường típ 2 là bệnh lý đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng tế bào beta của tuyến tụy trong việc tiết Insulin và tình trạng tăng đề kháng Insulin ở mô đích. Sự suy giảm chức năng tế bào beta được giải thích bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất do các độc tính chuyển hóa có thể hồi phục (ví dụ như glucotoxicity, lipo-toxicity…), thứ 2 là sự chết không hồi phục của tế bào beta. Mỗi nguyên nhân góp phần độc lập vào quá trình sinh lý bệnh.
Lựa chọn thuốc điều trị bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ típ 2 cần phù hợp với cả 2 cơ chế trên. Đối với bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới phát hiện trong tình trạng đường máu cao có triệu chứng ngộ độc đường rõ, HbA1c ≥ 10%, điều trị bằng liệu pháp Insulin trong thời gian ngắn hạn 2 đến 4 tuần giúp cải thiện đáng kể chức năng tế bào beta. Liệu pháp Insulin dài hạn giúp bổ sung hormon ngoại sinh để bù đắp phần thiếu hụt trong chức năng tế bào beta. Với bệnh nhân ĐTĐ típ 2 phát hiện sớm, kiểm soát đường máu bằng metformin và thay đổi lối sống hoặc phối hợp sớm các loại thuốc viên khác mang lại hiệu quả tối ưu trong phòng ngừa biến chứng tim mạch và thận.
Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về tiếp cận điều trị bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới phát hiện. Đối với bệnh đái tháo đường típ 2, rất cần sự linh hoạt trong điều trị và cá thể hóa trên từng đối tượng bệnh nhân, ngoài liên quan đến tình trạng bệnh lý còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như kinh tế, hoàn cảnh xã hội, hiểu biết tuân thủ của người bệnh.
Tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An những năm gần đây, trong điều trị các loại thuốc viên điều trị ĐTĐ mới và các phác đồ Insulin được sử dụng rất đa dạng giúp ích rất nhiều trong tiếp cận và quản lý ĐTĐ nhất là ĐTĐ típ 2 mới được chẩn đoán. Do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “Đánh giá hiệu quả kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 mới được chẩn đoán tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An”.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Các bệnh nhân đái tháo đường típ 2 mới được chẩn đoán lần đầu, đến khám và điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Bệnh nhân chưa sử dụng thuốc điều trị làm giảm đường máu trước đây. Tiêu chuẩn chọn: Bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ típ 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA-2021) đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân bị biến chứng cấp tính: Hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê do tai biến mạch máu não; đợt cấp mất bù của suy tim, suy gan, suy thận.
2.2. Thiết kế nghiên cứu:
Nghiên cứu can thiệp, tiến cứu.
2.3. Các biến số nghiên cứu
Các biến số về thông tin chung của bệnh nhân ĐTĐ: tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, BMI, mạch , huyết áp, nồng độ glucose, chỉ số lipid máu, GOT, GPT, creatinin, ure.
2.4. Phương pháp thu thập số liệu
Lựa chọn đối tượng theo tiêu chuẩn lựa chọn, tiêu chuẩn loại trừ tại khoa khám chữa bệnh – Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Nghiên cứu viên giới thiệu bản thân, giải thích cho tất cả đối tượng hiểu rõ nghiên cứu và mục đích nghiên cứu. Từng đối tượng được điều dưỡng phòng khám đo chiều cao, cân nặng, BMI, mạch, huyết áp. Bệnh nhân được bác sỹ cho chỉ định cận lâm sàng lúc đói (nồng độ glucose, chỉ số lipid máu, GOT, GPT, Creatinin, ure….). Từ đó cấp thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Bệnh nhân khám lại hàng tháng, mỗi lần khám bệnh nhân được đo mạch, huyết áp và xét nghiệm đường huyết lúc đói, các xét nghiệm khác theo chỉ định bác sỹ, đồng thời được chỉ định thuốc và điều chỉnh thuốc nếu cần.
Đánh giá lại: mạch, huyết áp, C-peptid, glucose máu đói, HbA1c, tổng liều Insulin ngoại sinh, các chỉ số lipid máu sau 3 tháng.
2.5. Xử lý số liệu
Các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình.
Sử dụng Paired-Sample T Test để so sanh 2 giá trị trung bình trước và sau điều trị.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đặc điểm chung
Tổng số có 269 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới được chẩn đoán, tuổi trung bình của bệnh nhân nghiên cứu khá cao 56,3 ±11,1 tuổi; tập trung phần lớn ở độ tuổi trên 40. Bệnh đồng mắc rối loạn lipid máu chiếm 45,7%; tăng huyết áp chiếm 17,1%. Hơn một nửa bệnh nhân có các triệu chứng của tăng glucose máu (54,3%). Chỉ số BMI trung bình của nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu là 21,8 ± 2,0 kg/m2. Trên một nửa bệnh nhân có BMI trong giới hạn bình thường (68,4%).
3.2. Đặc điểm cận lâm sàng ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới được chẩn đoán
Bảng 1. Đặc điểm cận lâm sàng bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới được chẩn đoán
Nồng độ c-peptid trung bình của nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu ở thời điểm mới phát hiện là 1,5 ± 0,7 ng/mL. Phần lớn bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có c-peptid trong giới hạn bình thường chiếm 89,6%. Nồng độ glucose máu đói trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu tại thời điểm mới phát hiện là 11,4 ± 4,8 mmol/L. Nhóm bệnh nhân có glucose máu trong khoảng 7,0 – <10,0 mmol/ L chiếm tỷ lệ cao nhất (42,9%). Nồng độ HbA1c trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu tại thời điểm mới phát hiện là 9,6 ± 6,5%. Trong đó nhóm bệnh nhân có HbA1c ≥ 10.0% chiếm tỷ lệ cao nhất (34,6%).
3.3. Hiệu quả điều trị ban đầu
Bảng 2. Hiệu quả kiểm soát đường máu sau 3 tháng điều trị
Nồng độ c-peptid sau điều trị cao hơn so với trước điều trị có ý nghĩa thống kê với p=0,00 < 0,01. Nồng độ glucose máu đói của nhóm bệnh nhân nghiên cứu tại 2 thời điểm trước điều trị và sau điều trị 3 tháng lần lượt là 11,4 ± 4,8 mmol/L và 7,2 ± 4,5 mmol/L. Nồng độ glucose máu đói sau điều trị thấp hơn so với trước điều trị có ý nghĩa thống kê với p = 0,00 < 0,01. Nồng độ HbA1c của nhóm bệnh nhân nghiên cứu tại 2 thời điểm trước điều trị và sau điều trị 3 tháng lần lượt là 9,6 ± 6,5 % và 6,6 ± 1,0 %. Nồng độ glucose máu đói sau điều trị thấp hơn so với trước điều trị có ý nghĩa thống kê với p = 0,00 < 0,01.
Bảng 3. Hiệu quả kiểm soát đường máu giữa các phác đồ điều trị
Hầu hết bệnh nhân tham gia nghiên cứu được điều trị bằng phác đồ 1 thuốc với metformin (36,7%), sau 3 tháng điều trị HbA1c trung bình 6,6 ± 0,9%. Hầu hết các bệnh nhân có HbA1c < 7% đều được khởi trị sớm bằng phác đồ 1 thuốc hạ glucose máu là metformin kết hợp với tư vấn thay đổi lối sống và tập luyện. Trong số bệnh nhân điều trị phác đồ 2 thuốc hạ glucose máu, bệnh nhân sử dụng phác đồ metformin phổi hợp sulfunylurea chiếm tỷ lệ cao nhất 23,7%.
4. BÀN LUẬN
Nghiên cứu của chúng tôi có tổng 269 bệnh nhân, bao gồm 154 nam (57,2%) và 115 nữ (42,8%) được đưa vào nghiên cứu, tương tự như trong nghiên cứu của Hoàng Thu Trang và cộng sự 2020 tỷ lệ nam là 57,8% và nữ là 42,2%.
Tuổi trung bình của bệnh nhân nghiên cứu là 56,3 ± 11,1 tuổi, thấp nhất là 19 tuổi, cao nhất là 84 tuổi. Đái tháo đường típ 2 có tuổi phát hiện bệnh thường cao, mặc dù đang có xu hướng trẻ hóa.
123 bệnh nhân nghiên cứu có rối loạn lipid máu (45,7%). Đái tháo đường típ 2 mới phát hiện có kèm theo tăng huyết áp là (46 bệnh nhân; 17,1%).
Cả rối loạn lipid máu và tăng huyết áp mắc kèm lúc mới phát hiện đều có xu hướng giảm, điều này có thể do bệnh được phát hiện sớm hơn trước đây, khi chưa có triệu chứng tăng glucose máu rõ và chưa có các rối loạn khác đi kèm, tuổi mắc bệnh cũng trẻ hóa, mà các bệnh lý mắc kèm thường tăng theo tuổi, và tại thời điểm lúc mới phát hiện tình trạng bệnh đang dần được cải thiện, giảm tình trạng nặng.
Hơn một nửa bệnh nhân có các triệu chứng của tăng glucose máu (146 người; 54,3%). Điều này cho thấy việc phát hiện ĐTĐ ở giai đoạn muôn, khi đã có triệu chứng lâm sàng rõ của tình trạng ngộ độc đường.
Lý do có thể giải thích, do điều kiện kinh tế tại địa phương, tỷ lệ người có điều kiện đi khám sức khỏe tầm soát ĐTĐ ít, nên số người được chẩn đoán và quản lý sớm từ giai đoạn tiền ĐTĐ chiếm tỷ lệ thấp.
BMI trung bình tại thời điểm phát hiện ĐTĐ là 21,8 ± 2,0 kg/m2, thấp hơn nghiên cứu của Hoàng Thu Trang trên các bệnh nhân mắc đái tháo đường típ 2 ở bệnh viện Nội tiết Trung ương có BMI trung bình là 23,22 ± 2,89 kg/m2.
Sự khác biệt này là do đặc điểm dân số ở tỉnh Nghệ An có nhiều huyện nghèo, tỷ lệ người thừa cân béo phì thấp hơn. Tuy nhiên vẫn cho thấy thấy người có BMI cao có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao hơn so với người có BMI tiêu chuẩn
Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị thuốc hạ glucose máu là 99,6% (168 bệnh nhân). Trong số bệnh nhân có dùng thuốc hạ glucose máu, phác đồ có dùng đơn trị liệu metformin là cao nhất chiếm (36,7%), tiếp lần lượt là phác đồ 2 thuốc viên (35,6%), phác đồ có Insulin (12,1%), ít nhất là phác đồ 3-4 thuốc viên (14,1%). So với các nghiên cứu từ cách đây khoảng 10 năm cho thấy sự khác biệt rất lớn trong cách thức sử dụng thuốc ở các phác đồ đơn trị hoặc kết hợp 2 thuốc, trước đây sự phổ biến của các thuốc nhóm SU có sự phổ biến chỉ thấp hơn metformin, hoặc tương đương.
Điều này cho thấy những năm gần đây, các bác sỹ đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong điều trị, tạo nên sự đa dạng trong các phác đồ, và các thuốc thế hệ mới đều có các lợi ích trên các cơ quan như tim mạch, thận, bảo tồn tế bào beta tụy tốt hơn so với SU.
Tại BVNTNA, quan điểm điều trị so với trước đây đã thay đổi rõ rệt, cập nhật các khuyến cáo trên thế giới. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế cũng như điều kiện tiếp cận các thuốc mới của bệnh nhân còn hạn chế, nên việc sử dụng các thuốc ĐTĐ nhóm mới chưa được lâu dài.
HbA1c giảm đáng kể sau 3 tháng ở bất kỳ ngưỡng nào. Điều này cho thấy, sự hồi phục đáng kể của tuyến tụy và tình trạng giảm đề kháng Insulin nhờ hiệu quả của việc can thiệp ban đầu giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đường máu cao.
Sau thời gian điều trị ban đầu, hầu hết các bệnh nhân đều đạt về mục tiêu. Điều này chứng tỏ ĐTĐ típ 2 mới phát hiện bất kể mức độ nào, nếu được quản lý đúng và kịp thời có thể nhanh chóng đưa về được mục tiêu đường máu sau 3 tháng, đề giảm thiểu biến chứng về lâu dài.
5. KẾT LUẬN
Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới được phát hiện nếu được can thiệp kịp thời và đúng phác đồ qua giai đoạn tăng đường máu cấp tính, tuyến tụy thoát ức chế có thể hồi phục tốt chức năng tiết Insulin. Bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị kiểm soát về ngưỡng đường máu mục tiêu trong 3 tháng đầu dù thời điểm phát hiện bệnh mức độ đường máu cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Rajesh Jain (2021). “Early Combination Therapy for Type 2 Diabetes as per ADA”, Diabeteasisa.org.
- Inzucchi SE, Bergenstal RM, Buse JB, et (2012). “Management of hyperglycaemia in type 2 diabetes: a patient-centered approach”, Position statement of the American Diabetes Association (ADA) and the European Association for the Study of Diabetes (EASD) (55), pp.1577–1596.
- Bệnh viên Nội tiết Trung Ương (2020). “Khảo sát thực trạng lựa chọn phác đồ hạ glucose máu ở các bệnh nhân ĐTĐ típ 2 mới phát hiện tại bệnh viện Nội tiết Trung ương”, Tạp chí Nội tiết và Đái tháo đường, NXB Y học, số 42 (42), tr.43-50.
- Brown JB, Nichols GA, Perry A (2004). “The burden of treatment failure in type 2 diabetes”, Diabetes Care (27), pp.1535–
- Prasad-Reddy L, Williams KL (2012). “Incretinbased therapies: A focus on safety concerns and emerging uses”, Formulary (47), pp.369–
- Iyer SN, Tanenberg RJ, Mendez CE, West RL, Drake AJ 3rd (2013). “Pancreatitis associated with incretin-based therapies”, Diabetes Care (36), pp.49.
- Wajchenberg, B. L (2007).“Beta-cell failure in diabetes and preservation by clinical treatment”, Endocr. Rev, (28), pp.187–218.
- Nathan DM (2002). “Initial management of glycemia in type 2 diabetes mellitus”, N Engl J Med, (347), pp.1342 –1349.
- Weng J, Li Y, Xu W, Shi L, Zhang Q, Zhu D, Hu Y, Zhou Z, Yan X, Tian H, Ran X, Luo Z, Xian J, Yan L, Li F, Zeng L, Chen Y, Yang L, Yan S, Liu J, Li M, Fu Z, Cheng H (2008). “Effect of intensive insulin therapy on beta-cell function and glycaemic control in patients with newly diagnosed type 2 diabetes: a multicentre randomised parallel-group trial”, Lancet, (371), pp.1753– 1760.