Đánh giá một số yếu tố liên quan với mật độ xương ở bệnh nhân Basedow

ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN VỚI MẬT ĐỘ XƯƠNG

Ở BỆNH NHÂN BASEDOW

                                                                  BoutsaBa Silathod, Đỗ Trung Quân

Đại học Y Hà Nội

ABSTRACT

Assessement of  some relative factors with bone mass density in new diagnosed patients with Grave’s disease

Objectives:To assess some relative factors with bone mass density in new diagnosed Grave’s disease. Subjects: 60 Grave’s disease patients and 50 normal people that visited at outpatient department for required service, Bạch Mai hospital, from October 2017 to July 2018.Methods:Cross-sectional study. Results: There was no difference between bone mass density and BMI, FT4 level, thyroid volume, age, gender. The mean bone mass density (T-score) at neck of thigh bone in patients with TSH level <0,05 μIU/ml was lower than that in patients with TSH level ≥ 0,05μIU/ml (p < 0,05). There was no difference in bone mass density (T-score) at spine between two groups of patients with TSH < 0,05 μIU/ml and ≥ 0,05μIU/ml (p > 0,05).

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá một số yếu tố liên quan với mật độ xương ở bệnh nhân Basedow mới phát hiện. Đối tượng và phương pháp: 60 bệnh nhân Basedow và 50 người chứng được khám tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 10/2017 đến tháng 7/2018. Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả và bàn luận: Không có sự khác biệt về mật độ xương với BMI, nồng độ FT4, độ to của bướu, tuổi và giới. Mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cổ xương đùi có sự khác biệt ở bệnh nhân có nồng độ TSH < 0,05 μIU/ml thấp hơn so với những bệnh nhân có nồng độ TSH ≥ 0,05μIU/ml (p < 0,05). Mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cột sống thắt lưng ở bệnh nhân có nồng độ TSH < 0,05 μIU/ml không khác biệt so với những bệnh nhân có nồng độ TSH ≥ 0,05μIU/ml (p >0,05).

Chịu trách nhiệm chính: BoutsaBa Silathod

Ngày nhận bài: 01/4/2019

Ngày phản biện khoa học: 16/4/2019

Ngày duyệt bài: 30/4/2019

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves) là một bệnh nội tiết cường chức năng tuyến giáp hay gặp nhất. Bệnh được đặc trưng với tuyến giáp to lan tỏa,nhiễm độc hormon giáp,bệnh mắt và thâm nhiễm hốc mắt,đôi khi có thâm nhiễm da[1]. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, thường gặp nhất là độ tuổi 20-40. Vào những năm cuối thế kỷ XX, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về mật độ xương ở bệnh nhân cường giáp đã chứng minh hormon tuyến giáp tăng cao và kéo dài dẫn đến tình trạng mất xương và loãng xương [2]. Cường giáp nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có loãng xương. Loãng xương làm cho xương dễ gẫy, các biểu hiện của bệnh loãng xương thường kín đáo, khi trọng lượng xương mất khoảng 30 -40% mới có dấu hiệu lâm sàng như: đau cột sống, vẹo cột sống hay gẫy xương …, gây giảm chất lượng cuộc sống, giảm vận động và tốn kém trong điều trị. Loãng xương do cường giáp là một bệnh rối loạn chuyển hóa xương thường gặp. Vì vậy phát hiện sớm loãng xương ở những bệnh nhân cường giáp để có biện pháp điều trị và phòng ngừa là rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu: tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến mật độ xương ở bệnh nhân Basedow.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

110 bệnh nhân có độ tuổi từ 20 – 50 cả nam và nữđến khám bệnh và khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 10/2017 đến tháng 7/2018. Các đối tượng này được chia thành 2 nhóm:

  • -Nhóm bị Basedow (nhóm bệnh):

– Bệnh nhân được chẩn đoán xác định Basedow theo Bộ trưởng Bộ y tế năm 2015 (hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết – chuyển hóa). Tuy bệnh nhân Basedow có nhiều triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng song chẩn đoán xác định dựa vào một số triệu chứng chủ yếu: Bướu giáp to lan tỏa (hoặc hỗn hợp), nhịp tim nhanh thường xuyên, lồi mắt, mệt mỏi, nóng bức ra nhiều mô hôi, ăn nhiều, uống nhiều, sút cân, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, yếu hoặc liệt cơ chu kỳ, run tay đầu ngón. Xét nghiệm: tăng nồng độ hormone tuyến giáp FT4, giảm TSH, TRAb dương tính hoặc tăng nồng độ.

– Các bệnh nhân này được chẩn đoán Basedow mới phát hiện chưa được dùng thuốc bình giáp bao giờ.

-Bệnh nhân đồng ý tham gia vào nghiên cứu

-Đang ở trong giai đoạn nhiễm độc giáp

  • Nhóm không bị Basedow (nhóm chứng):

-Bệnh nhân khỏe mạnh đến khám sức khỏe định kỳ tại khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai. Khám lâm sàng không có triệu chứng bệnh lý Basedow và các bệnh lý khác. Cận lâm sàng: sinh hóa máu, công thức máu, hormone tuyến giáp bình thường.Bệnh nhân đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ:

Các bệnh nhân bị Basedow đã được điều trị thuốc kháng giáp trạng.

  • Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến loãng xương: Sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài với liều cao, Heparin, phenobacbital. Bất động lâu, mãn kinh rất sớm trước 40 tuổi, cắt buồng trứng, cắt dạ dày
  • Mắc các bệnh nội khoa khác kèm theo: Suy thận mạn tính, suy gan mạn tính, bệnh đa u tủy xương, bệnh cường cận giáp, đái tháo đường phụ thuộc insulin, hội chứng Cushing, ung thư di căn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính …
  • –  Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 10/2017 đến tháng 7/2018 tại Bệnh viện Bạch Mai

2.2.1.Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu mô tả cắt ngang

2.2.2.Cỡ mẫu: Áp dụng cỡ mẫu thuận tiện

2.2.3. Phương pháp tiến hành

Các bệnh nhân đều được hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng: Khai thác thông tin chung. Đo mạch,huyết áp, khai thác tiền sử gia đình và bản thân.

Bệnh nhân được đo chiều cao, cân nặng,tính chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index).Khám phát hiện các triệu trứng lâm sàng, cận lâm sàng của Basedow. Xét nghiệm: FT4, TSH, TRab

Tất cả các bệnh nhân đều được đo mật độ xương vùng cột sống thắt lưng L1-L4 và cổ xương đùi theo phương pháp hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA) bằng máy Hologic Explorer của Mỹ.

Đánh giá kết quả đo mật độ xương theo tiêu chuẩn LX của WHO 1994:

– BMD bình thường: T – score ≥ -1:  tức là BMD của đối tượng bằng và trên -1 độ lệch chuẩn (ecart-type) so với giá trị trung bình của người trưởng thành trẻ tuổi.

– Giảm mật độ xương: -1 > T – score > -2,5: khi BMD từ – 1 đến – 2,5 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình của người trưởng thành trẻ tuổi.

– Loãng xương: T – score ≤ -2,5: khi BMD bằng và dưới và ngưỡng cố định là – 2,5, độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình của người trưởng thành trẻ tuổi, tại bất cứ vị trí nào của xương.

– Loãng xương nặng: T – score  ≤ – 2,5 và có một hoặc nhiều gẫy xương.

2.2.4. Phương pháp xử lý số liệu: Xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0

3.KẾT QUẢ

3.1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu.

Bảng 3.1. Phân bố độ tuổi của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Độ tuổi chiếm nhiều nhất ở nhóm mắc Basedow là từ 20 – 29 tuổi có 36 BN chiếm 60%; độ tuổi này ở nhóm chứng (nhóm không mắc bệnh) có 17 BN chiếm 34%.

Bảng 3.2. Phân bố giới tính của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Sự phân bố về giới ở cả nhóm bệnh và nhóm chứng chủ yếu là ở giới nữ.

Bảng 3.3. Phân bố BMI của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Sự khác biệt về BMI của 2 nhóm này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

 Bảng 3.4. Phân bố độ bướu

Nhận xét: Độ bướu của bệnh nhân Basedow chủ yếu ở độ II chiếm 51,67%, tiếp đến là độ I chiếm 41,67%, thấp nhất là độ III chiếm 6,66%.

3.2. Các yếu tố liên quan đến mật độ xương 

Bảng 3.5. Mối liên quan giữa giá trị trung bình mật độ xương và BMI

Nhận xét: Không có sự khác biệt về mật độ xương với BMI.

Bảng 4.6. Liên quan giá trị trung bình của nồng độ FT4 với mật độ xương

Nhận xét: Không có mối liên quan giữa nồng độ FT4 và mật độ xương (p > 0,05).

Bảng 4.7. Liên quan giá trị trung bình của mật độ xương và nồng độ TSH

Nhận xét: Mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cổ xương đùi có sự khác biệt ở bệnh nhân có nồng độ TSH < 0,05 μIU/ml thấp hơn so với những bệnh nhân có nồng độ TSH ≥ 0,05μIU/ml (p < 0,05). Mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cột sống thắt lưng ở bệnh nhân có nồng độ TSH < 0,05 μIU/ml không khác biệt so với những bệnh nhâncó nồng độ TSH ≥ 0,05μIU/ml (p > 0,05).

Bảng 4.8. Mối liên quan giữa độ bướu với mật độ xương

Nhận xét: Không có sự khác biệt về mật độ xương so với độ bướu với p > 0,05.

Bảng 4.9. Liên quan giữa giá trị trung bình mật độ xương và tuổi

Nhận xét: Không có sự khác biệt về mật độ xương theo nhóm tuổi

Bảng 4.10. Liên quan giữa giá trị trung bình mật độ xương và giới

Nhận xét: Không có mối liên quan giữa mật độ xương với giới

4. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Độ tuổi chiếm nhiều nhất ở nhóm mắc Basedow là từ 20 – 29 tuổi có 36 bệnh nhân chiếm 60%; trong khi đó ở độ tuổi này ở nhóm chứng có 17 bệnh nhân chiếm 34%; ở nhóm chứng độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 30 – 39 tuổi chiếm 56.

Khi so sánh tìm sự khác biệt về độ tuổi của nhóm bệnh và nhóm chứng; ta thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Độ tuổi trung bình của nhóm chứng là 41,52 ± 6,85 năm cao hơn so với nhóm bệnh là 37,43 ± 9,58 năm; sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

So sánh kết quả nghiên cứu của chúng tôi với kết quả nghiên cứu của Mai Thị Minh Tâm và cộng sự (2002) cho thấy sự tương đồng về độ tuổi trung bình của nhóm Basedow là 35,1 ± 7,7 năm [3].

Sự phân bố về giới ở cả nhóm bệnh và nhóm chứng chủ yếu là ở giới nữ; với nhóm bệnh chiếm 73,33% và nhóm chứng chiếm 84%, sự khác biệt về tỷ lệ giới không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

BMI trung bình của nhóm chứng là 21,68 ± 2,71 cao hơn so với nhóm bệnh là 19,66 ± 2,28. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.

Kết quả này của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Mai Thị Minh Tâm và cộng sự (2002) ở bệnh nhân nữ Basedow tại Bệnh viện Bạch Mai với BMI trung bình của nhóm bệnh là 18,3 ± 2,1 [3].

Kết quả cho thấy độ bướu của bệnh nhân Basedow chủ yếu ở độ II chiếm 51,67%; ở độ I chiếm 41,67%; thấp nhất là độ III chiếm 6,66%.

Kết quả này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Mai Thị Thanh Tâm và cộng sự (2002) độ bướu II gặp nhiều nhất chiếm 55,3%, độ bướu III gặp ít nhất chiếm 12,8% [3].

Điều này có thể lý giải là do kết quả điều trị và thói quen đi khám bệnh của bệnh nhân. Ngoài ra, do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những bệnh nhân Basedow mới phát hiện vì vậy phần nhiều bệnh nhân có độ to bướu giáp ở độ I và II nhưng ít có bệnh nhân có độ bướu giáp độ III.

4.2. Các yếu tố liên quan đến mật độ xương

4.2.1. Mối liên quan giữa BMI và mật độ xương

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi so sánh mối liên quan giữa giá trị trung bình mật độ xương, sự phân bố xương đùi và xương cột sống thắt lưng với BMI của bệnh nhân Basedow đều không có khác biệt có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Kết quả này tương đồng với kết quả của Mai Thị Thanh Tâm và cộng sự (2002) khi tác giả chỉ ra không có sự khác biệt giữa giá trị trung bình mật độ xương gót và xương cẳng tay giữa hay nhóm gầy (BMI < 18,6) và bình thường (BMI 18,7 – 23) [3].

Có thể lý giải sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi khác so với các tác giả khác, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu trên đối tượng Basedow mới phát hiện bệnh.

Mặc dù không có mối liên quan giữa BMI và mật độ xương phân loại theo T – score nhưng chúng tôi nhận thấy trong kết quả nghiên cứu của mình ở những bệnh nhân có BMI < 18,6 có tỷ lệ giảm mật độ xương và loãng xương là lớn nhất, ở vị trí cổ xương đùi tỷ lệ giảm mật độ xương là 48% và tỷ lệ loãng xương là 12,0% hay ở vị trí xương cột sống thắt lưng tỷ lệ giảm mật độ xương là 36,0% và tỷ lệ loãng xương là 4,0%.

Những bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể thấp làm tăng nguy cơ loãng xương tại cột sống thắt lưng, cổ xương đùi [4]. Zerbini và cộng sự (2000) trong một nghiên cứu mật độ xương của 288 nam giới Brazin từ 50 tuổi trở lên cho thấy chỉ số khối cơ thể có thế có mối liên quan thuận với mật độ xương cột sống thắt lưng, cổ xương đùi [5].

4.2.2. Mối liên quan giữa nồng độ hormone với mật độ xương

–         Mối liên quan giữa nồng độ FT4 với mật độ xương

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra mật độ xương ở cổ xương đùi ở những bệnh nhân có nồng độ FT4 < 50pmol/l có mật độ xương cao hơn so với những bệnh nhân có nồng độ FT4 ≥ 50pmol/l; tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Mật độ xương ở CSTL ở những bệnh nhân có nồng độ FT4 < 50 pmol/l thấp hơn so với những bệnh nhân có nồng độ FT4 ≥ 50pmol/l.

Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Bên cạnh đó khi phân loại loãng xương theo T – score, ở những bệnh nhân Basedow có FT4 huyết thanh cao ≥ 50pmol/l khi đo ở xương đùi có tỷ lệ loãng xương cao hơn so với bệnh nhân Basedow có FT4 huyết thanh cao < 50pmol/l và ở những bệnh nhân Basedow có FT4 huyết thanh cao ≥ 50pmol/l khi đo ở xương cột sống thắt lưng có tỷ lệ giảm mật độ xương cao hơn so với bệnh nhân Basedow có FT4 huyết thanh cao < 50pmol/l nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Trong nghiên cứu của Trịnh Xuân Tráng và cộng sự (2014) tác giả cũng chỉ ra có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nồng độ FT4 huyết thanh và mật độ xương của bệnh nhân Basedow với p < 0,001 [6]. Tuy vậy, nhiều tác giả cũng cho rằng cường giáp kéo dài ảnh hưởng đến mật độ xương. Fraser và cộng sự [7] thấy cường giáp kéo dài dẫn đến mất xương.

Floder và cộng sự cũng cho thấy cường giáp kéo dài có thể phát triển thành loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh [8]. Meunier cho rằng ảnh hưởng đến xương ở bệnh nhân nhiễm độc giáp thường sau 1 năm mắc bệnh [9].

Meema và cộng sự cho rằng cường giáp ảnh hưởng lên xương trên hình ảnh Xquang sau 5 năm mắc bệnh [10].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi do tiến hành trên đối tượng là bệnh nhân Basedow mới phát hiện, thời gian khá ngắn nên có thể chưa phát hiện được sự liên quan giữa các yếu tố hormon và bệnh.

  • Mối liên quan giữa nồng độ TSH với mật độ xương

Mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cổ xương đùi ở BN có nồng độ TSH < 0,05μIU/ml thấp hơn so với những BN có nồng độ TSH ≥ 0,05μIU/ml, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cột sống thắt lưng ở BN có nồng độ TSH < 0,05μIU/ml thấp hơn so với những BN có nồng độ TSH ≥ 0,05μIU/ml, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Nghiên cứu mối liên quan giữa TSH với sự phân bố mật độ xương theo T – score: không có sự khác biệt về phân loại mật độ xương được đo ở cổ xường đùi giữa hai nhóm bệnh nhân có nồng độ TSH < 0,05μIU/ml và TSH ≥ 0,05μIU/ml (p > 0,05) và không có sự khác biệt về phân loại mật độ xương được đo ở cột sống thắt lưng giữa hai nhóm bệnh nhân có nồng độ TSH < 0,05μIU/ml và TSH ≥ 0,05 IU/ml  (p > 0,05).

Tuy nhiên tỷ lệ giảm mật độ xương và loãng xương ở nhóm bệnh nhân có TSH < 0,05μIU/ml cao hơn so với nhóm bệnh nhân có TSH ≥ 0,05μIU/ml.

Trong nghiên cứu của tác giả Trịnh Xuân Tráng và cộng sự (2014) trên bệnh nhân nữ Basedow tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, tác giả cũng chỉ ra tỷ lệ giảm mật độ xương ở nhóm bệnh nhân có TSH < 0,05μIU/ml cao hơn so với nhóm bệnh nhân có TSH ≥ 0,05μIU/ml [6]. Điều này đã củng cố thêm nhận định: tình trạng dư thừa hormon tuyến giáp nặng và kéo dài sẽ làm quá trình chuyển hóa xương bị kích thích, làm gia tăng sự luân chuyển của xương, vì vậy cơ thể cần có một lượng các chất cần thiết cho sự tạo xương nhiều hơn, dẫn tới sự mất xương một cách đều đặn [6].

4.2.3. Mối liên quan độ bướu với mật độ xương

Xét mối liên quan giữa mật độ xương trung bình so với các độ bướu nhận thấy, không có sự khác biệt về mật độ xương so với độ bướu với p > 0,05. Xét mối liên quan giữa phân loại mật độ xương theo T – score đo được ở xương đùi và xương cột sống thắt lưng, chúng tôi nhận thấy chưa tìm ra mối liên quan giữa độ bướu mà mật độ xương với p > 0,05.

Kết quả này của chúng tôi cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Trịnh Xuân Tráng và cộng sự (2014) trên bệnh nhân nữ Basedow tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, tác giả cũng chỉ ra rằng không có mối liên quan giữa độ to của bướu giáp với tình trạng mật độ xương ở bệnh nhân mắc Basedow [6].

Ngoài ra kết quả nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy ở cổ xương đùi có mức độ loãng xương ít hơn so với xương cột sống thắt lưng. Cụ thể ở cổ xương đùi có 15 bệnh nhân giảm mật độ xương chiếm 25% (phân bố đều ở bệnh nhân bướu giáp độ I, II nhưng thấp hơn ở bệnh nhân bướu giáp độ III) và 2 bệnh nhân bướu giáp độ I bị loãng xương chiếm 3,33% trong khi đó ở xương cột sống thắt lưng có 20 bệnh nhân giảm mật độ xương chiếm 33,33% (phân bố giảm dần từ bệnh nhân bướu giáp độ I đến bướu giáp độ III); 4 bệnh nhân bướu giáp độ I và độ II chiếm 6,67%. Có thể thấy mức độ giảm mật độ xương và loãng xương cũng giảm dần ở những bệnh nhân có độ bướu giáp tăng lên.

4.2.4. Mối liên quan giữa tuổi và mật độ xương

Không có sự khác biệt về mật độ xương trung bình theo thang đo T – score ở cổ xương đùi và cột sống thắt lưng ở các nhóm tuổi với p > 0,05.

Phân bố mật độ xương đùi theo T – score ở những bệnh nhân có giảm mật độ xương đùi ở lứa tuổi 40 – 49 tuổi chiếm 23,08%; ở lứa tuổi 30 – 39 tuổi chiếm 22,73% và 20 – 29  tuổi chiếm 18,87% trong khi đó ở những bệnh nhân có loãng xương tỷ lệ này lần lượt là 2,27% và 0%. Tuy vậy, sự khác biệt này là không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Phân bố mật độ xương cột sống thắt lưng theo T – score ở những bệnh nhân có giảm mật độ xương đùi ở lứa tuổi 40 – 49 tuổi chiếm 30,77%; ở lứa tuổi 30 – 39 tuổi chiếm 31,82% và 20 – 29  tuổi chiếm 30,19% trong khi đó ở những bệnh nhân có loãng xương tỷ lệ này lần lượt là 15,38%; 0% và 7,55%. Tuy vậy, sự khác biệt này là không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Có thể thấy rằng lứa tuổi 40 – 49 là những lứa tuổi đang và đã bước vào giai đoạn già hóa, ở nữ giới còn có thêm giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Ở những giai đoạn này đã có sự suy giảm về các hệ cơ quan trong đó có hệ cơ-xương-khớp và sự suy giảm nội tiết tố sinh dục. Nếu kết hợp bệnh Basedow thì nguy cơ dẫn tới tình trạng mất xương càng cao, biểu hiện này cũng phù hợp với cơ chế bệnh sinh của loãng xương.

4.2.5. Mối liên quan giữa giới và mật độ xương

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có sự khác biệt giữa giá trị trung bình mật độ xương, tỷ lệ phân bố mật độ xương theo T – score với giới tính của đối tượng tham gia nghiên cứu (p > 0,05).

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng giá trị trung bình mật độ xương ở nữ thấp hơn nam và tỷ lệ giảm mật độ xương, loãng xương ở cả 2 vị trí cổ xương đùi và xương cột sống thắt lưng của nữ giới cao hơn so với nam giới.

Có thể nhận thấy rằng, về sinh lý cơ thể nữ giới thoái hóa nhanh so với nam giới trong đó có hệ cơ-xương-khớp.

Phụ nữ trải qua các thời kỳ: sinh nở, tiền mãn kinh và mãn kinh cũng ảnh hưởng nhiều tới quá trình thoái hóa của xương, khớp.

Quá trình sinh sản, bào thai lấy calci từ cơ thể mẹ để hình thành nên xương – khớp của mình; quá trình tiền mãn kinh và mãn kinh làm thay đổi lớn một lượng hormon sinh dục cũng gây ảnh hưởng tới cơ thể, làm tăng nguy cơ bị loãng xương cho phụ nữ ở độ tuổi này.

Phụ nữ có nguy cơ loãng xương tiên phát cao gấp 4 lần nam giới, vì khối lượng xương của họ thấp hơn và quá trình mất xương cũng nhanh hơn ở nam giới do hậu quả của suy giảm chức năng buồng trứng nhanh chóng sau mãn kinh [11].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thị Hà (2000). Một số nhận xét đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của Basedow.Tạp chí Y Học, số 11, trang. 96 -98.
  2. Trần Đức Thọ (1983). Bệnh Basedow Bài giảng bệnh học nội khoa. Tạp chí Y Học, Tổng hội Y học Việt Nam, số 3: trang 146 – 171.
  3. Mai Thị Minh Tâm (2002), Nghiên cứu mật độ xương ở bệnh nhân nữBasedow tại Bệnh viện Bạch Mai, Luận văn tốt nghiệp Bác sỹ Chuyên khoa II, Trường Đại học Y Hà Nội.
  4. Stavroulopoulos A, Porter CJ, Roe SD and et al (2008), “Relationship between vitamin D status, parathyroid hormone levels and bone mineral density in patients with chronic kidney disease stages 3 and 4”, Nephrology 13: 63-67.
  5. Zerbini CA, Latome MR and et al (2000), “Bone mineral density in Brazilian men 50 years and older”, Braz-J-Med-Biol-Res, 33(12), 1429-35.
  6. Trịnh Xuân Tráng, Lưu Thị Bình, Nguyễn Tiến Đoàn (2014). Đánh giá tình trạng mật độ xương ở các bệnh nhân nữ Basedow tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tạp chí Y học Việt Nam, tháng 8/ số đặc biệt, tr 149-157.
  7. Fraser SA, Smith DA, Anderson JB, Wilson GM (1971). “Osteoporosis and fractures following thyrotoxicosis”. The Lancet, 981-983.
  8. Foldes J, Lakatos P (1995). “Thyroid and osteoporosis”. Clin Endocrinol (Oxf), 43(3), 339-45.
  9. Meunier PJ, Bianchi (1972). “Le retentissement osseux des hyperthyroides”. Rev-Rhum, 39, 19-32.
  10. Meema HE and et al (1970). “Simple radiologie demonstration of cortical bone loss in thyrotoxicosis”. Radiology, 97-9.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …