ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG KHÁNG INSULIN Ở BỆNH NHÂN CAO TUỔI NHỒI MÁU NÃO GIAI ĐOẠN MẠN TÍNH
Trần Hữu Dàng*, Trần Thừa Nguyên**, Nguyễn Văn Trí***
* Trường Đại học Y Dược Huế;
**Bệnh viện Trung ương Huế; ***Bệnh viện Đà Nẵng
ABSTRACT
Assessment of the insulin resistance in elderly patiens with chronic cerebral infarction
Objectives:1. Assessment of the insulin resistance in elderly patients with chronic cerebral infarction; 2. Survey on the relation between insulin resistance and some risk factors for cerebral infarction in these patients. Subjects and methods :A descriptive, cross- sectional study on104 elderly patients with chronic cerebral infarction (Study group) and 70 normal elderly subjects (Control group). Patients were evaluated for blood pressure, BMI, waist circumference, waist hip ratio. Fasting glucose, insulin concentration and lipid profile were also recorded. The degree of insulin resistances was estimated at the baseline by HOMA according to the method described by Matthews et al. The cut-off of HOMA in our study is 2.04. Data were anlysed by Medcalc 5.00.013 and SPSS 16.0 program. Results: The insulin resistance rate of the elderly patients with chronic cerebral infarction was 52.9%.There were a positive correlation between HOMA and waist circumference, waist hip ratio, systolic blood pressure, and triglyceride. Conclusions: Insulin resistance is a risk factor of cerebral infarction in elderly.
Key words: insulin resistance, cerebral infarction
Chịu trách nhiệm chính: Trần Hữu Dàng
Ngày nhận bài: 11.11.2016
Ngày phản biện khoa học: 24.11.2016
Ngày duyệt bài: 1.12.2016
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tai biến mạch máu não là các thiếu sót chức năng của não xảy ra đột ngột do nguyên nhân mạch máu bao gồm nhồi máu não, xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện [5].
Người cao tuổi, hậu quả của quá trình lão hoá là sự suy giảm chức năng của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan nội tiết và chuyển hoá sẽ gây nên một loạt các rối loạn chuyển hoá. Đó là kháng insulin, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bệnh đái tháo đường típ 2, là tiền đề cho các bệnh lý tim mạch [7]. Tuổi thọ ngày càng cao, số người cao tuổi ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, ở người lớn tuổi với giảm khối cơ, tăng lượng mỡ, đặc biệt là mở vùng thân mình cùng với sự ít vận động càng làm tăng nguy cơ kháng insulin.
Sự hiện diện có ý nghĩa thống kê của tình trạng kháng insulin trong những bệnh lý liên quan tổn thương mạch máu đã làm cho nó trở thành một trong những yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu hàng đầu. Kháng insulin gây xơ vữa động mạch trong đó có mạch não và tim, từ đó làm tăng nguy cơ cho nhồi máu não.
Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu sau:
- Đánh giá tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não giai đoạn mạn tính.
- Khảo sát mối liên quan giữa kháng insulin với một số yếu tố nguy cơ nhồi máu não trên đối tượng nghiên cứu này.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
2.1.1. Nhóm bệnh
Gồm 104 bệnh nhân cao tuổi bị nhồi máu não giai đoạn mạn tính và đã điều trị tại khoa Nội Tổng Hợp Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian từ tháng 04 năm 2015 đến tháng 06 năm 2016.
2.1.2. Nhóm chứng
Mục đích: Tìm điểm cắt của HOMA-IR nhóm chứng và so sánh với nhóm bệnh.
Nhóm chứng: gồm 70 đối tượng cao tuổi trong số các đối tượng đến kiểm tra sức khỏe tại phòng khám yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng đạt các tiêu chuẩn sau:
– Tuổi ≥ 60, khỏe mạnh, có thể trọng bình thường
– Tình nguyện tham gia nghiên cứu
– Những người bình thường đi kiểm tra sức khỏe định kỳ
– Không bị NMN (dựa theo tiêu chuẩn lâm sàng của TCYTTG), không bị các bệnh nội tiết ảnh hưởng đến chuyển hóa insulin như ĐTĐ, Cushing…
– Không sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa insulin như steroid, Catecholamin…
– Chúng tôi tiến hành lấy máu lúc đói để xét nghiệm đường máu, insulin máu và biland lipid.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tiến cứu, cắt ngang, mô tả
Trong nghiên cứu chúng tôi sử dụng chỉ số gián tiếp HOMA để đánh giá tình trạng kháng insulin:
Matthews D.R, Hosker J.P, Rudenski A.S (1985) đưa ra chỉ số HOMA để đánh giátình trạng kháng insulin.
Theo Tổ chức y tế thế giới, khi giá trị HOMA ³ giá trị tứ phân vị cao nhất ở nhóm chứng thì gọi là có kháng insulin. Tứ phân vị là giá trị được chọn tại vị trí ba phần tư trong dãy các giá trị mà chúng đã được sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn [8] .
Bảng 2.1. Giá trị tứ phân vị của HOMA nhóm chứng
Trong nghiên cứu này chúng tôi đã xác định được giá trị tứ phân vị cao nhất của chỉ số HOMA ở nhóm người cao tuổi bình thường là 2,04 và chúng tôi xem như đó là giá trị điểm cắt HOMA của nhóm chứng.
2.3. Phương pháp xử lý số liệu
– Xử lý số liệu theo Medcalc 5.00.013 và chương trình SPSS 16.0 (Statistical Package for Social Sciences).
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Qua nghiên cứu 174 đối tượng gồm 104 bệnh và 70 chứng, chúng tôi rút ra một số kết quả sau:
3.1. Tình trạng kháng insulin
3.1.1. Đặc điểm một số yếu tố nguy cơ nhồi máu não của đối tượng nghiên cứu
3.1.1.1. Tuổi
Bảng 3.1. So sánh tuổi giữa các nhóm trong mẫu nghiên cứu
Tuổi trung bình nhóm chứng và nhóm nhồi máu não khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
3.1.1.2. Chỉ số khối cơ thể
Bảng 3.2. So sánh chỉ số khối cơ thể giữa các nhóm trong mẫu nghiên cứu
Sự khác biệt về chỉ số khối cơ thể giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
3.1.2. Tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não giai đoạn mạn tính
3.1.2.1. So sánh chỉ số gián tiếp đánh giá tình trạng kháng insulin tại thời điểm lúc đói giữa các nhóm trong mẫu nghiên cứu
Bảng 3.3. So sánh nồng độ glucose máu và insulin máu trung bình giữa các nhóm trong mẫu nghiên cứu tại thời điểm đói
Nồng độ trung bình glucose máu đói và insulin máu đói của nhóm nhồi máu não cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Giá trị trung bình chỉ số I0 /G0 của nhóm nhồi nhồi máu não cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Bảng 3.4. Giá trị trung bình của chỉ số HOMA giữa các nhóm trong mẫu nghiên cứu
Sự khác nhau về giá trị trung bình của HOMA giữa hai nhóm có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
3.1.2.2. Kháng insulin
Bảng 3.5. Giá trị tứ phân vị của HOMA nhóm chứng
HOMA: chọn tứ phân vị cao nhất làm điểm cắt giới hạn là 2,04.
Bảng 3.6. Phân bố tình trạng kháng insulin theo chỉ số HOMA trong mẫu nghiên cứu
Nhóm NMN có tỷ lệ kháng insulin (52,9%) cao hơn nhóm chứng (24,3%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
3.2. Mối liên quan giữa chỉ số gián tiếp đánh giá kháng Insulin với một số yếu tố nguy cơ nhồi máu não ở bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não giai đoạn mạn tính
3.2.1. Tương quan đơn biến giữa chỉ số HOMA với tuổi
Bảng 3.7: Hệ số tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA với tuổi
Không có sự tương quan giữa tuổi bệnh nhân với chỉ số HOMA
3.2.2. Tương quan đơn biến giữa chỉ số HOMA với các chỉ số nhân trắc
Bảng 3.8: Hệ số tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA
với các chỉ số nhân trắc
Có sự tương quan có ý nghĩa thống kê giữa chỉ số HOMA với vòng bụng và với tỷ vòng bụng/vòng mông, p<0,05.
Không có sự tương quan giữa chỉ số HOMA với chỉ số khối cơ thể (BMI), p>0,05.
– Tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA với Vòng bụng
Biểu đồ 3.1: Tương quan giữa chỉ số gián tiếp HOMA với vòng bụng
Mối tương quan thuận mức độ vừa giữa HOMA với vòng bụng theo phương trình y= 0,5639x + 80,391; r = 0,307 (p<0,005).
– Tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA với VB/VM
Biểu đồ 3.2: Tương quan giữa chỉ số gián tiếp HOMA với tỷ vòng bụng/vòng mông
Mối tương quan thuận mức độ yếu giữa HOMA với tỷ vòng bụng/ vòng mông theo phương trình y= 0,002x + 0,926; r = 0,206 (p<0,05).
3.2.3. Tương quan đơn biến giữa chỉ số HOMA với huyết áp
Bảng 3.9: Hệ số tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA
với các chỉ số huyết áp
– Có sự tương quan có ý nghĩa thống kê giữa chỉ số HOMA với HATTh (p<0,05) và không có mối tương quan giữa HOMA với HATTr (p>0,05).
– Tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA với HATTh
Biểu đồ 3.3: Tương quan giữa chỉ số gián tiếp HOMA với huyết áp tâm thu
Mối tương quan thuận mức độ yếu giữa HOMA với huyết áp tâm thu theo phương trình y= 0,906x + 142,9; r = 0,209 (p<0,05).
3.2.4. Tương quan đơn biến giữa chỉ số HOMA với bilan lipid
Bảng 3.10: Hệ số tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA
với bilan lipid
Có sự tương quan có ý nghĩa thống kê giữa chỉ số HOMA với triglyceride p<0,05.
Không có sự tương quan giữa chỉ số HOMA với HDL-C và LDL-C, p>0,05.
– Tương quan đơn biến giữa chỉ số gián tiếp HOMA với TG
Biểu đồ 3.4: Tương quan giữa chỉ số gián tiếp HOMA với triglyceride
Mối tương quan thuận mức độ yếu giữa HOMA với triglyceride theo phương trình y= 0,048x + 1,502; r = 0,254 (p<0,01).
IV. BÀN LUẬN
4.1. Tình trạng kháng Insulin
Kháng insulin là một tập hợp nhiều triệu chứng trong đó rối loạn chuyển hóa và tổn thương mạch máu là những biểu hiện thường gặp trên lâm sàng. Có nhiều yếu tố phối hợp trong phát triển kháng insulin: Người trên 40 tuổi, lối sống tĩnh tại, tiền sử gia đình ĐTĐ típ 2 hoặc bệnh tim mạch, tiền sử bị rối loạn dung nạp glucose hoặc ĐTĐ thai kỳ, BMI ≥ 25, vòng bụng nam ≥ 102cm và nữ ≥ 88cm, THA, tăng triglyceride và hoặc là giảm HDL-C… . Trong số đó tuổi, lối sống tĩnh tại, béo phì là một trong số nguyên nhân đưa đến kháng insulin và kháng insulin gây ra hậu quả rối loạn lipid máu, THA, ĐTĐ…
Chúng tôi chọn chỉ số HOMA làm chỉ số đánh giá tỷ lệ kháng insulin trong mẫu nghiên cứu, đồng thời chúng tôi chọn giá trị tứ phân vị cao nhất trong nhóm chứng của chỉ số HOMA làm điểm cắt giới hạn để chẩn đoán kháng insulin trong mẫu nghiên cứu. Điều này cũng phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và nhóm nghiên cứu kháng insulin châu Âu (EGIR): chọn tứ phân vị cao nhất trong nhóm chứng chỉ số HOMA làm điểm cắt giới hạn, lớn hơn giá trị này được xem là kháng insulin.
– Ở nghiên cứu này, chúng tôi đã áp dụng chỉ số gián tiếp HOMA để xác định tỷ lệ kháng insulin. Điểm cắt giới hạn là 2,04. Trong khi đó, Trần Thừa Nguyên khi nghiên cứu trên đối tượng người cao tuổi đã đưa ra điểm cắt giới hạn của chỉ số HOMA là 1,39; của Garmendia trên đối tượng người cao tuổi ở Chi Lê là 2,57; của các tác giả Nhật Bản Tabata S và cộng sự (2009) trên đối tượng nam giới cao tuổi là 2 [6].
– Trong nhóm chứng của chúng tôi, tỷ lệ kháng insulin khi áp dụng chỉ số HOMA là 24,3%, tương đương với tỷ lệ kháng insulin ở nhóm chứng của Trần Thừa Nguyên 24,3% (theo HOMA).
– Tác giả Ascaro J.K (2003) xác định tỷ lệ kháng insulin trong cộng đồng là 31,8% ở những người không mắc bệnh đái tháo đường, của Ezenwaka C.E và cộng sự là 35% (tiến hành trên 500 người cao tuổi ở vùng Tây-Nam nước Nigeria).
– Theo kết quả của chúng tôi, tỷ lệ kháng insulin ở nhóm nhồi máu não là 52,9%, cao hơn tỷ lệ kháng insulin trong nhóm chứng (24,3%) có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
– Theo kết quả nghiên cứu của Lê Thanh Hải trên đối tượng TBMMN, tỷ lệ kháng insulin ở nhóm nhồi máu não là 55,56% [3]. Theo Phạm Minh trên đối tượng cao tuổi bị gan nhiễm mở là từ 55,55% đến 71,74%. Có sự khác biệt này có lẽ do đối tượng nghiên cứu khác nhau nên kết quả khác nhau.
4.2. Mối liên quan giữa chỉ số HOMA với một số yếu tố nguy cơ nhồi máu não
4.2.1. Tương quan đơn biến giữa chỉ số HOMA với tuổi
Ở người cao tuổi, những biến đổi liên quan đến tuổi trong thành phần cấu tạo cơ thể với việc giảm khối cơ và tăng khối mỡ làm tăng sự kháng insulin. Tuổi, gen và các yếu tố môi trường, như ăn thức ăn giàu calo và lối sống kém vận động làm tăng mức độ kháng insulin.
Trong nghiên cứu chúng tôi, không có sự tương quan giữa tuổi và chỉ số HOMA. Kết quả nghiên cứu của Lê Thanh Hải cũng không có mối tương quan giữa các chỉ số gián tiếp xác định kháng insulin (HOMA, QUICKI, I0/G0, Mc Auley) với tuổi [5]. Có lẽ mẫu nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ lớn nên kết quả nghiên cứu chưa rõ ràng.
4.2.2. Tương quan đơn biến giữa chỉ số HOMA với một số chỉ số nhân trắc
Trong nghiên cứu của chúng tôi: chỉ số HOMA có tương quan thuận với vòng bụng và tỷ vòng bụng/vòng mông với hệ số tương quan r= 0,307 và r=0,206, p< 0,05.Không có tương quan giữa chỉ số HOMA với BMI, p>0,05.
Tác giả Lê Thanh Hải khi nghiên cứu trên đối tượng TBMMN cho thấy chỉ số HOMA tương quan không có ý nghĩa với tỷ vòng bụng/vòng mông (r=-0,07, p>0,05) [3].
Tác giả Kain K nghiên cứu trên nhóm nhồi máu não người Nam Á cũng cho thấy tương quan thuận giữa I0 đã hiệu chỉnh tuổi với chỉ số khối cơ thể (r= 0,38, p=0,0001) và với tỷ vòng bụng/ vòng mông (r=0,42, p=0,0001).
Theo Gayathri (2012), tỷ vòng bụng/ vòng mông tương quan có ý nghĩa và độc lập với bề dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Theo Mojdeh Mirarefin 1 và cộng sự, trong cả hai giới nam và nữ cao tuổi, vòng bụng và chỉ số HOMA tương quan thuận có ý nghĩa. Điểm cắt vòng bụng tối ưu ở nam là 94,5cm và ở nữ là 90,5cm.
Qua đây kết luận rằng: có thể đánh giá sự kháng insulin qua vòng bụng, điều này cũng phù hợp với nhận xét của Despres J.P: có mối tương quan đáng kể giữa béo bụng, kháng insulin và rối loạn lipoprotein máu ở phụ nữ béo phì.
Ở người cao tuổi có sự tăng giả tạo BMI, vì vậy không chỉ đánh giá nguy cơ của béo phì qua chỉ số BMI mà còn phải dựa vào vòng bụng. Điều này cũng phù hợp với đánh giá của Trần Hữu Dàng: tỷ lệ vòng bụng gia tăng, một nguy cơ quan trọng gây bệnh ĐTĐ [1].
4.2.3. Tương quan giữa chỉ số HOMA với huyết áp
Kháng insulin đã gây ra một loạt tác dụng dẫn đến tăng huyết áp.
Theo kết quả nghiên cứu, mức độ tương quan giữa chỉ số HOMA với HATTh là tương quan thuận mức độ yếu với r = 0,209 (p<0,05). Không có mối tương quan giữa HOMA với HATTr (p>0,05).
Trong nghiên cứu của Lê Thanh Hải, các chỉ số HOMA, QUICKI tương quan có ý nghĩa (p<0,05) với HATTh. Trái lại trong nhóm TBMMN không có kháng insulin, không có tương quan giữa các chỉ số gián tiếp và HATTh (p>0,05). Điều này chứng tỏ kháng insulin tương quan có ý nghĩa với chỉ số huyết áp [3].
Lindahl B. (2000) nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa TBMMN với proinsulin và insulin, kết quả cho thấy có tương quan thuận giữa nồng độ insulin và huyết áp tâm thu (r=0,25; p<0,05) ở nữ giới.
Kain K. (2001) nghiên cứu các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa thuyên tắc đối với nhồi máu não trong cộng đồng cư dân Nam Á, kết quả cho thấy có mối tương quan giữa nồng độ I0 với HATTh (r=0,21, p=0,02) và HATTr (r=0,23, p=0,008).
Các khác biệt và tương quan nói trên gợi ý rằng mức độ tăng huyết áp có liên quan đến tình trạng kháng insulin.
4.2.4. Tương quan giữa chỉ số HOMA với bilan lipid
Kháng insulin liên quan đến kiểu hình lipoprotein gây xơ vữa với tăng triglycerid máu, tăng nồng độ apo-B chứa các lipoprotein trong huyết tương, giảm HDL cholesterol và các phần tử LDL kích thước nhỏ.
Theo kết quả nghiên cứu, chúng tôi có chỉ số HOMA tương quan thuận yếu với nồng độ triglyceride (r=0,254, p<0,01) (biểu đồ 3.5) và không có mối tương quan giữa HOMA với HDL-C, LDL-C.
Theo kết quả của Chu Hoàng Bích Hồng, có sự tương quan thuận mức độ mạnh giữa triglyceride với chỉ số HOMA (r=0,52; p<0,05) khi nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường típ 2 [4].
Theo kết quả của Lê Thanh Hải, trong nhóm TBMMN không có kháng insulin, không có tương quan giữa các chỉ số gián tiếp HOMA, QUICKI với triglyceride (p>0,05). Trong cả hai nhóm có và không có kháng insulin, Lê Thanh Hải cũng nhận thấy không có mối tương quan nào giữa các chỉ số gián tiếp với HDL-C [3].
Tác giả Kain K. nghiên cứu trên nhóm nhồi máu não người Nam Á cho thấy tương quan thuận giữa I0 với triglyceride (r=0,2; p=0,03) và tương quan nghịch giữa I0 với HDL-C (r=-0,2; p=0,02).
Theo Kirsten McAuley có thể kết hợp sử dụng hai phương pháp xét nghiệm thường quy là insulin máu lúc đói và triglyceride để đánh giá KI trong cộng đồng [59].
Những nhận xét này cho thấy kháng insulin có liên quan rõ với nồng độ triglyceride máu, thực ra kháng insulin là một yếu tố nguy cơ thường kết chùm với tăng nồng độ triglyceride máu, chính sự hiện diện của yếu tố nguy cơ này trong các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa phần nào đã chứng minh cho nhận xét này.
- KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu nồng độ của insulin máu và glucose máu đói trên 174 người cao tuổi tại Bệnh viện Đà nẵng trong thời gian từ tháng 04/2015 đến tháng 06/2016, bao gồm 104 đối tượng nhồi máu não giai đoạn mạn tính và 70 đối tượng chứng, chúng tôi rút ra những kết luận sau:
- Tình trạng kháng insulin
– Tỷ lệ kháng insulin theo chỉ số HOMA ở bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não giai đoạn mạn tính chiếm 52,9%.
- Mối liên quan giữa kháng insulin với một số yếu tố nguy cơ nhồi máu não
– Có sự tương quan thuận mức độ vừa giữa chỉ số gián tiếp HOMA với vòng bụng trong nhóm bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não (r=0,307, p<0,05).
– Có sự tương quan thuận mức độ yếu giữa các chỉ số gián tiếp HOMA với tỷ vòng bụng/ vòng mông (r=0,206, p<0,05); HOMA với huyết áp tâm thu (r=0,209, p<0,05) và HOMA với nồng độ triglyceride ( r=0,254, p< 0,01) trong nhóm bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não.
– Không có mối tương quan giữa chỉ số gián tiếp HOMA với HDL-C và LDL-C trong nhóm bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não (p>0,05).
TÓM TẮT
Mục tiêu: 1. Đánh giá tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não giai đoạn mạn tính. 2. Khảo sát mối liên quan giữa kháng insulin với một số yếu tố nguy cơ nhồi máu não trên đối tượng nghiên cứu này.
Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: chúng tôi tiến hành nghiên cứu mô tả, cắt ngang trên 104 bệnh nhân cao tuổi bị nhồi máu não (nhóm bệnh) và 70 đối tượng cao tuổi bình thường (nhóm chứng). Tất cả đối tượng nghiên cứu được ghi nhận huyết áp, chỉ số BMI, vòng bụng, tỷ vòng bụng/vòng mông. Tiến hành định lượng nồng độ glucose, insulin và bilan lipid máu. Mức độ đề kháng insulin được đánh giá dựa vào chỉ số HOMA do Matthew đề xuất. Điểm cát giá trị HOMA là 2,04. Xử lý số liệu bằng chương trình Medcalc 5.00.013 và chương trình SPSS 16.0 (Statistical Package for Social Sciences).
Kết quả nghiên cứu:Tỷ lệ kháng insulin theo chỉ số HOMA ở bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não giai đoạn mạn tính là 52,9%. Có sự tương quan thuận mức độ vừa giữa chỉ số HOMA với vòng bụng (r=0,307, p<0,05), với tỷ vòng bụng/ vòng mông (r=0,206, p<0,05); với huyết áp tâm thu (r=0,209, p<0,05) và với nồng độ triglyceride (r=0,254, p< 0,01)trong nhóm bệnh nhân cao tuổi nhồi máu não.
Kết luận: kháng insulin là yếu tố nguy cơ trong bệnh lý nhồi máu não ở người cao tuổi
Từ khóa: kháng insulin, nhồi máu não
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Hữu Dàng (2008), “Béo phì”, Giáo trình sau Đại học chuyên ngành Nội tiết & Chuyển hoá, NXB Đại Huế, tr.204-214.
- Trần Hữu Dàng (2008), “Cơ chế sinh bệnh học kháng insulin”, Tạp chí Y học thực hành-Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, Hội nghị Đái tháo đường, Nội tiết và rối loạn chuyển hóa miền Trung lần thứ 6, 616-617, tr 122-127.
- Lê Thanh Hải (2007), Nghiên cứu sự kháng insulin, một yếu tố nguy cơ của bệnh tai biến mạch máu não, Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Huế.
- Chu Hoàng Bích Hồng, Nguyễn Thị Phương Ngọc (2012), “Tìm hiểu mối tương quan giữa kháng insulin với một số thành phần lipid máu ở bệnh nhân Đái tháo đường typ 2”, Y học thực hành (855), số 12, tr. 98-100.
- Hoàng Khánh, Lê Thanh Hải (2009), “Đề kháng insulin trong tai biến mạch máu não”, Tạp chí Nội khoa- Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học. Hội nghị Tim mạch miền Trung mở rộng lần thứ V, phụ trương đặc biệt chào mừng Hội nghị Tim mạch miền Trung mở rộng lần thứ V.
- Trần Thừa Nguyên (2011), Nghiên cứu kháng insulin ở người cao tuổi thừa cân, béo phì, Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Huế.
- Nguyễn Hải Thuỷ (2008), “Đề kháng insulin”, Bệnh tim mạch trong rối loạn nội tiết và chuyển hóa, NXB Đại học Huế, tr.9-58.
- Banks W. A., Thomas D.R et al(2007), Insulin resistance syndrome in the elderly, Diabetes Care; 30(9): 2369-2373.
- Rundek T., Gardener H et al (2010), Insulin resistance and risk of ischemic stroke among nondiabetic individuals from the Northern Manhattan study, Arch Neurol; 67(10): 1195-1200.
- Semenkovich C.F. (2006), Insulin resistance and atherosclerosis, The Journal of Clinical Investigation;116(7):1813-1822.
- Wieberdink R.G., Koudstaal P.J et al (2012), Insulin resistance and the risk of stroke and stroke subtypes in the nondiabetic elderly, American Journal of Epidemiology;176(8):699-707.