Khoảng từ 2015 đến 2016 đã có gần 40% dân số Mỹ bị béo phì. Những người béo phì có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe, tác động lên hầu hết các bộ phận cơ thể kể cả não, mạch máu, tim, gan, túi mật, xương, và khớp.
Hãy xem infographic này để tìm hiểu xem béo phì ảnh hưởng đến các vùng khác nhau trên cơ thể bạn như thế nào.
1. Hệ thần kinh
Thừa cân hay béo phì đều tăng nguy cơ bị đột quỵ, tức máu không lên được não. Béo phì cũng gây những ảnh hưởng sâu sắc lên sức khỏe tinh thần, bao gồm nguy cơ cao bị trầm cảm, tự ti, và những vấn đề với ngoại hình.
2. Hệ hô hấp
Mỡ tích tụ quanh cổ làm khí quản nhỏ đi, gây khó thở vào ban đêm. Hay còn được gọi là “chứng ngưng thở khi ngủ”. Người mắc chứng này sẽ có một khoảng ngắn không thở khi ngủ.
3. Hệ tiêu hóa
Béo phì là yếu tố nguy cơ gây trào ngược thực quản (gastroesophageal reflux disease — GERD). GERD xảy ra khi acid dạ dày rỉ ra trào lên thực quản.
Ngoài ra, béo phì cũng tăng nguy cơ bị sỏi mật. Điều này xảy ra khi dịch mật tích tụ và cứng lại trong túi mật. Tình trạng này có thể cần đến phẫu thuật.
Mỡ cũng có thể tích tụ ở gan và gây tổn thương gan, mô sẹo, thậm chí là suy gan.
4. Tim mạch và hệ nội tiết
Ở người béo phì, tim cần phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này dẫn đến huyết áp cao, hay còn gọi là tăng huyết áp – là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.
Béo phì có thể khiến cơ thể kháng lại insulin. Insulin là hormon vận chuyển đường trong máu đến tế bào để tạo thành năng lượng. Nếu cơ thể kháng insulin, đường sẽ không thể tới tế bào, kết quả là đường trong máu sẽ cao. Điều này làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường típ 2, đồng thời dẫn đến nhiều hệ lụy khác như biến chứng tim, thận, đột quỵ, bàn chân đái tháo đường và mù lòa.
Tăng huyết áp, mỡ máu cao, đường huyết cao khiến mạch máu có nhiệm vụ đưa máu về tim trở nên cứng và hẹp. Động mạch bị cứng lại còn gọi là xơ vữa động mạch (atherosclerosis) làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Đái tháo đường và tăng huyết áp cũng là những nguyên nhân phổ biến của những bệnh mạn tính của thận.
5. Hệ sinh dục
Béo phì khiến phụ nữ khó có thai hơn. Đồng thời càm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ.
6. Hệ xương và cơ
Béo phì làm giảm mật độ xương và khối cơ. Điều này dẫn đến hội chứng béo phì loãng xương teo cơ (osteosarcopenic obesity), hậu quả là dễ gãy xương, khiếm khuyết về thể chất, kháng insulin, và tổng trạng yếu hơn.
Thừa cân cũng làm tăng gánh nặng lên các khớp, gây đau và cứng khớp.
7. Hệ bì
Vết ban có thể xuất hiện trên da ở những nếp gấp da do mỡ. Người béo phì có thể bị bệnh gai đen, đặc trưng bởi sự thay đổi màu da và da mỏng hơn ở những nếp gấp da.
8. Những ảnh hưởn khác lên cơ thể
Béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị nhiều loại ung thư, bao gồm nội mạc tử cung, gan, thận, cổ tử cung, ruột già, thực qản, tụy,…
Chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao thì nguy cơ ung thư cũng càng lớn.
9. Tổng kết
Béo phì tác động lên hầu hết các bộ phận của cơ thể. Nếu bị béo phì, bạn có thể điều trị hoặc quản lý các yếu tố nguy cơ với sự kết hợp của ăn kiêng, tập thể dục, duy trì lối sống khỏe mạnh.
Giảm 5-10% cân nặng của bạn hiện giờ có thể giảm thiểu khả năng mắc các vấn đề sức khỏe. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm cân và duy trì lối sống khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo:
Adult obesity facts. (2018).
cdc.gov/obesity/data/adult.html
Health risks of being overweight. (2015).
niddk.nih.gov/health-information/weight-management/health-risks-overweight
The impact of obesity on your body and health. (n.d.).
asmbs.org/patients/impact-of-obesity
Obesity and cancer. (2017).
cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/obesity/obesity-fact-sheet
Ormsbee MJ, et al. (2014). Osteosarcopenic obesity: the role of bone, muscle, and fat on health. DOI:
10.1007/s13539-014-0146-x
Link nguồn: https://www.healthline.com/health/obesity/how-obesity-affects-body
Người dịch: Diệu Hương
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi CLB Nội tiết trẻ trên DEMACVN.COM – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!