Các yếu tổ nguy cơ ở đối tượng tiền đái tháo đường

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ Ở ĐỐI TƯỢNG

TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

                                                 PGS.TS. Đỗ Trung Quân

Đại học Y Hà Nội

 Abstract

ASSESSMENT SOME RISK FACTORS IN PREDIABETES

Objective : Assess some risk factors in prediabetes.Subject research : Healthy Vietnamese people from 30 to 69 years old had their health care in out – patient department from 2/2012 to 10/2012. Methods: descritive cross-sectional study. Results : The prevalence of prediabetes and diabetes increases with age, lowest in aged 30 – 39 (24,4%) and highest in aged 60 – 69 (49,6%). The risk of prediabetes in patients with BMI from and over  23 is 1,3 fold higher than in patiens with normal BMI. Patients with hypertension had a 3,8 fold higher risk of prediabetes than whom without hypertension. The risk of prediabetes is 3,8 fold higher in patients with dyslipidemia than in patients without dyslipidemia, p < 0,001, 95% CI =  [2,871 ; 5,088]. The prevalence of prediabetes in male is 31,5%, in female is 68,5% and there is no difference between two genders. Conclusions : There is a strong association between the risk of prediabetes and age, hypertension, dyslipidemia and BMI. There is no association between the risk of prediabetes and gender

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tiền đái tháo đường là tình trạng đường máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ đến mức chẩn đoán ĐTĐ khi làm xét nghiệm đường máu lúc đói hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose. Tiền ĐTĐ bao gồm: Rối loạn dung nạp glucose (Impaired Glucose Tolerance – IGT) và rối loạn glucose máu lúc đói (Impaired Fasting Glucose – IFG) [3]. Trong giai đoạn tiền ĐTĐ, nhiều cơ quan trong cơ thể đã bắt đầu bị tổn thương.

Những người tiền ĐTĐ nếu không được phát hiện sớm sẽ tiến triển thành bệnh ĐTĐ dẫn đến việc điều trị rất tốn kém và có nguy cơ gây nhiều biến chứng nặng nề như: biến chứng mắt, suy thận, tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, các biến chứng thần kinh, biến chứng bàn chân gây loét bàn chân và cắt cụt chi ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh [1].

Tiền ĐTĐ có thể phòng chống tiến triển thành ĐTĐ bằng cách thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc. Chính vì vậy việc nghiên cứu về tiền ĐTĐ và phát hiện các yếu tố nguy cơ tiền ĐTĐ là rất quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu : Khảo sat một số yếu tố nguy cơ ở đối tượng tiền đái tháo đường

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu:

1054 người khoẻ mạnh, tuổi từ 30 – 69. Chẩn đoán ĐTĐ theo ADA 2011 , khi có ít nhất 2 trong số các tiêu chuẩn sau: 1/ HbA1c ³ 6,5%; 2 / Đường máu đói ³ 126mg/dl (7,0mmol/l) ; 3/ Đường máu 2 giờ ³ 200mg/dl (11,1 mmol/l) khi làm NPDN glucose 4/ Bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của ĐTĐ kèm theo xét nghiệm đường máu ngẫu nhiên ³ 200mg/dl (11,1 mmol/l)

Đối tượng được chẩn đoán xác định tiền ĐTĐ theo ADA 2003 [2], khi có ít nhất 1 trong 2 tiêu chuẩn sau: 1/ Đường máu 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose từ 7,8 mmol/l (140mg/dl) đến < 11,1 mmol/l (200mg/dl) ; 2/ Đường máu đói từ 5,6 mmol/l (100 mg/dl) đến < 7 mmol/l (126 mg/dl).

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu : nghiên cứu mô tả cắt ngang

2.2. Các biến số nghiên cứu : thông tin thu thập theo mẫu bệnh án chung, bao gồm tuổi, giới, BMI, huyết áp, tình trạng rối loạn lipid máu .

2.3. Xử lý số liệu : sử dụng phần mềm thống kê y học SPSS 16.0

III. KẾT QUẢ

3.1. Tiền ĐTĐ và giới

Bảng 1.1. Tiền ĐTĐ, ĐTĐ và giới

Tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ và ĐTĐ chung cho tất cả các đối tượng nghiên cứu là 38% và 9%. Tỷ lệ này ở nam tương ứng là 38% và 9,6%, ở nữ là 38% và 8,7%, sự khác biệt về tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ và ĐTĐ ở hai giới không có ý nghĩa thống kê. (p > 0,05)

3.2. Tiền ĐTĐ và tuổi

Biểu đồ 1.1. Tỷ lệ  đường máu theo nhóm tuổi

 Tỷ lệ đối tượng có tình trạng tiền ĐTĐ và đối tượng mắc ĐTĐ tăng dần theo nhóm tuổi, thấp nhất là ở nhóm tuổi 30 – 39 với 24,4% là tiền ĐTĐ và 3% là ĐTĐ, cao nhất ở nhóm tuổi 60 – 69 với 49,6% là tiền ĐTĐ và 14,4% là ĐTĐ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. (p < 0,05).

3.3. Tiền ĐTĐ và BMI

Bảng 1.2. Tiền ĐTĐ, ĐTĐ và BMI

Ở nhóm có chỉ số BMI bình thường, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ là 36,4%, mắc ĐTĐ là 6,8 %, ở nhóm có tăng BMI, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ là 40,1%, mắc ĐTĐ là 12,2%. Nguy cơ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có BMI ≥ 23 là 1,3 lần so với nhóm có BMI bình thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05, 95% CI = [1,008 ; 1,701]. Trong khi đó nguy cơ mắc ĐTĐ của nhóm này cao gấp 2,14 lần so với nhóm có BMI bình thường, p < 0,05 và  95% CI = [1,382 ; 3,331]

3.4. Tiền ĐTĐ và tăng huyết áp

Bảng 1.3. Tiền ĐTĐ, ĐTĐ và tăng HA

Ở nhóm người có HA bình thường, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ là 33,6%, ĐTĐ là 6,6%. Ở nhóm người có tăng HA, tỷ lệ mắc lần lượt là 55,5% và 18,7%. Ở nhóm người có tăng HA nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cao gấp 3,8 lần so với

nhóm có HA bình thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001, OR = 3,820, 95% CI = [ 2,681 ; 5,443]. Nguy cơ mắc ĐTĐ ở nhóm tăng HA cao gấp 6,5 lần ở nhóm có HA bình thường.

3.5. Tiền ĐTĐ và rối loạn lipid máu

Bảng 1.4. Tiền ĐTĐ, ĐTĐ liên quan RL lipid máu

Tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có RLLP máu là 47,2%, mắc ĐTĐ là 12,7%, tỷ lệ mắc này ở nhóm co lipid máu bình thường

lần lượt là 22,9% và 3%, sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê. (p < 0.001)

Nguy cơ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có RLLP máu gấp 3,8 lần so với nhóm bình thường, p < 0,001, 95% CI = [2,871 ; 5,088].

Nguy cơ mắc ĐTĐ ở nhóm có RLLP máu cao gấp 7,8 lần so với nhóm bình thường, p < 0,001, 95% CI = [4,216 ; 14,794].

IV. BÀN LUẬN

4.1. Tuổi: Nghiên cứu của chúng tôi nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cũng như nguy cơ mắc ĐTĐ tăng dần theo tuổi. Nếu dựa vào đường máu lúc đói, tỷ lệ tiền ĐTĐ ở các nhóm tuổi 30 – 39, 40 – 49, 50 – 59, 60 – 69 lần lượt là 18,8%, 23,2%, 38,7%, và 39,6%. Tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ tăng dần theo tuổi khi dựa vào kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose, tỷ lệ lần lượt theo các nhóm tuổi là 19,8%, 23,5%, 35,5% và 42,4%. Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ cũng tăng dần theo tuổi với tỷ lệ lần lượt là 2,5%, 6%, 11,4%, 11,5%.Kết quả cho thấy tuổi càng cao, nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cũng như ĐTĐ càng tăng lên. Nghiên cứu của Nguyễn Hải Nam ở 811 người tuổi từ 30 đến 69 tại Huế cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ ở nhóm tuổi ≥ 45 (20,6%) cao hơn so với nhóm tuổi < 45 (9,1%) có ý nghĩa thống kê.

4.2. Giới: Trong nghiên cứu của chúng tôi, kết quả phân tích ở bảng 1.1 cho thấy: Tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ và ĐTĐ ở nam tương ứng là 38% và 9,6%, ở nữ là 38% và 8,7%, sự khác biệt về tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ và ĐTĐ ở hai giới không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Nghiên cứu của Lê Quang Minh (Bắc Kạn), Nguyễn Văn Nam (Huế), Phạm Thị Hồng Hoa (Hà Nội) [4] và nhiều tác giả khác cũng cho thấy không có sự khác biệt về về tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ, ĐTĐ giữa hai giới.

4.3. BMI: Theo các chuyên gia của WHO, yếu tố nguy cơ mạnh mẽ nhất tác động lên khả năng mắc ĐTĐ type 2 và RLDNG là béo phì. Khi đánh giá về liên quan của chỉ số BMI với mắc tiền ĐTĐ và ĐTĐ, các tác giả đều chỉ ra rằng nếu BMI > 23 thì nguy cơ mắc tiền ĐTĐ sẽ tăng lên.Theo Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2005), nhóm thừa cân và béo phì có nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cao gấp 1,67 lần so với nhóm có BMI bình thường ( OR = 1,67, 95% CI = [1 ; 2,8], p < 0,05). Nguy cơ mắc ĐTĐ của nhóm thừa cân này cũng gấp 2,27 lần so với nhóm bình thường ( 95%CI = [1,34 ; 3,85], p < 0,01) [5]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, nguy cơ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có BMI ≥ 23 là 1,3 lần so với nhóm có BMI bình thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05, 95% CI = [1,008 ; 1,701]. Trong khi đó nguy cơ mắc ĐTĐ của nhóm này cao gấp 2.14 lần so với nhóm có BMI bình thường, p < 0,05 và  95% CI = [1,382 ; 3,331]. Như vậy, kết quả của chúng tôi cho thấy nguy cơ mắc bệnh tăng hơn ở người có thừa cân và béo phì tương tự như các nghiên cứu trên. Tác giả Lê Minh Sử nghiên cứu tại Thanh Hoá cho thấy tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose máu ở nhóm có BMI < 23 là 3,7%; nhóm có 23 ≤ BMI ≤ 25 là 7,95% và nhóm có BMI ≥ 25 là 11,1%, với p < 0,05. Theo Hoàng Kim Ước, Phan Hướng Dương, nhóm nghiên cứu có BMI < 23 tỷ lệ rối loạn glucose máu là 7,8%, nhóm BMI từ 23-29,9 là 16,1%, nhóm có BMI > 30 là13,5%. Béo phì có liên quan chặt chẽ tới rối loạn dung nạp glucose máu. Cơ thể càng béo thì nguy cơ bị rối loạn dung nạp glucose máu càng nhiều.

4.4. Tăng HA: Nghiên cứu của chúng tôi, nhóm người có HA bình thường, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ là 33,6%, ĐTĐ là 6,6%. Ở nhóm người có tăng HA, tỷ lệ mắc lần lượt là 55,5% và 18,7%. Ở nhóm người có tăng HA nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cao gấp 3,8 lần so với nhóm có HA bình thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001, OR = 3,820, 95% CI = [ 2,681 ; 5,443]. Nguy cơ mắc ĐTĐ ở nhóm tăng HA cao gấp 6,5 lần ở nhóm có HA bình thường. Chúng tôi cũng thấy, ở nhóm người có đường máu bình thường, tỷ lệ tăng HA là 9,7%, tỷ lệ này tăng lên 29% ở nhóm mắc tiền ĐTĐ và 41,1% ở nhóm mắc ĐTĐ.

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Huyền, nhóm có tăng HA có nguy cơ mắc tiền ĐTĐ đường là 2,5 lần, mắc ĐTĐ là 3,8 lần [5]

4.5. Tiền ĐTĐ và ĐTĐ liên quan với lipid máu: Tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có rối loạn lipid máu máu là 47,2%, mắc ĐTĐ là 12,7%, tỷ lệ mắc này ở nhóm có lipid máu bình thường lần lượt là 22,9% và 3%, sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê (p < 0,001)

V. KẾT LUẬN

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ càng lớn. Không có khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ giữa nam và nữ. Có sự tương quan chặt chẽ giữa nhóm tăng HA và nhóm mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ. Người THA, nguy cơ mắc tiền ĐTĐ là 3,8 lần, ĐTĐ là 6,5 lần so với người có HA bình thường.Người có rối loạn lipid máu, nguy cơ mắc tiền ĐTĐ là 3,8 lần, ĐTĐ là 7,8 lần so với người bình thường.Có sự tương quan chặt chẽ giữa nhóm đối tượng có BMI ≥ 23 và nhóm mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ. Người có BMI ≥ 23, nguy cơ mắc tiền ĐTĐ là 1,3 lần, mắc ĐTĐ là 2,1 lần so với người có BMI < 23.

Tóm tắt

Mục tiêu: Tìm hiểu một số yếu tố nguy cơ ở đối tượng tiền đái tháo đường (ĐTĐ.Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là những người Việt Nam khoẻ mạnh, tuổi từ 30 – 69 đến khám sức khoẻ tại khoa KCBTYC – Bệnh viện Bạch mai từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2012.Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.

Kết quả: Tỷ lệ đối tượng có tình trạng tiền ĐTĐ và đối tượng mắc ĐTĐ tăng dần theonhóm tuổi, thấp nhất là ở nhóm tuổi 30 – 39 (24,4%)và cao nhất ở nhóm tuổi 60 – 69 (49,6%).

 Nguy cơ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có BMI ≥ 23 là 1,3 lần so với nhóm có BMI bình thường. Ở nhóm người có tăng HA nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cao gấp 3,8 lần so với nhóm có HA bình thường. Nguy cơ mắc tiền ĐTĐ ở nhóm có rối loạn lipid máu gấp 3,8 lần so với nhóm bình thường, p < 0,001, 95% CI = [2,871 ; 5,088].Tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ ở nam là 31,5% , ở nữ là 68,5%, sự khác biệt về tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ ở hai giới không có ý nghĩa thống kê. (p > 0,05).

Kết luận : Có mối liên quan giữa nguy cơ mắc tiền ĐTĐ với tuổi, tình trạng tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, BMI. Không có mối liên quan giữa nguy cơ mắc tiền ĐTĐ với giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2004): “Dịch tễ học bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam, các phương pháp điều trị và dự phòng”.
  2. Các bệnh liên quan đến thuốc lá và cách phòng ngừa, NXB Y học, Tr.57 – 60.
  3. Trần Hữu Dàng (2010): “Tiền đái tháo đường”, Y học thực hành, 710 – 711, Tr 10 – 12.
  4. Alberti KG, Genuth S, Bennett P et al (2003): “Follow-up report on the diagnosis of diabetes mellitus”, Diabetes Care, 26, pp. 3160.
  5. IDI & WPRO (2000): “The Asia Pacific perspective redefining obasity and its treatment”, Health communication Australia, pp. 8 – 55.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …