Cảm giác sợ ngã và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 cao tuổi

CẢM GIÁC SỢ NGÃ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TRÊN BỆNH NHÂN

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2 CAO TUỔI

1Xaypanya Chanthavong, 2Nguyễn Xuân Thanh,

2Trần Lan Phương, 1,2Vũ Thị Thanh Huyền

1Trường Đại học Y Hà Nội, 2Bệnh viện Lão khoa Trung ương

ABSTRACT

Fear and risk factors of falls in the elderly patients with type 2 diabetes mellitus

Background: Fear of falling is common and has negative consequences for the elderly with diabetes. Objectives: To evaluate the prevalence of fear of falling and some related factors in elderly with type 2 diabetes mellitus. Subjects and methods: A cross- sectional descriptive study included of 200 diabetic patients were examined and treated at the National Geriatric Hospital. Results: The average age of subjects was 73.33 ± 8.61, the ratio of male / female was 1.66. 63.5% of patients were observed with fear of falling. There was a relationship between age group 70-79, female, duration of type 2 diabetes, treatment regimen and fear of falling in elderly with diabetes. Conclusion: Fear of falling is prevalent among elderly with diabetes. Assessment of fear of falling should be conducted routinely in type 2 diabetic elderly.

Key words: Feeling afraid of falling, elderly, type 2 diabetes mellitus.

TÓM TẮT

Tổng quan: Cảm giác sợ ngã khá phổ biến và để lại nhiều hậu quả nặng nề trên người cao tuổi có đái tháo đường. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ cảm giác sợ ngã và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 200 bệnh nhân đái tháo đường đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Kết quả: Tuổi trung bình: 73,33 ± 8,61. Tỷ lệ nữ/nam: 1/1,66; có 63,5% bênh nhân có cảm giác sợ ngã. Có mối liên quan giữa nhóm tuổi 70-79, giới nữ, thời gian mắc bệnh đái tháo đường typ 2, phác đồ điều trị với cảm giác sợ ngã trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi (p < 0,05). Kết luận: Cảm giác sợ ngã khá phổ biến trên người cao tuổi có đái tháo đường. Đánh giá cảm giác sợ ngã nên được tiến hành thường quy đối với bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cao tuổi.

Từ khóa:Cảm giác sợ ngã, người cao tuổi, đái tháo đường typ 2.

Chịu    trách    nhiệm   chính:   Xaypanya Chanthavong

Ngày nhận bài: 01/8/2018

Ngày phản biện khoa học: 18/8/2018

Ngày duyệt bài: 31/8/2018

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngã là sự mất cân bằng ngoài ý muốn khiến cho cơ thể bất ngờ rơi xuống mặt đất, nền nhà. Khoảng 30% người cao tuổi từ 65 tuổi ngã ít nhất một lần và 15% ngã từ hai lần trở lên mỗi năm [1]. Ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động thể chất và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi như gãy xương, các chấn thương nghiêm trọng, hạn chế các chức năng, khuyết tật và thậm chí tử vong [2-4].

Trong một thời gian dài, cảm giác sợ ngã chỉ là một kết quả của chấn thương tâm lý của ngã, hay được gọi là hội chứng sau ngã. Hội chứng này lần đầu tiên được Murphy và Isaacs đề cập vào năm 1982 [5], các tác giả thấy rằng sau khi bị ngã sẽ xuất hiện cảm giác sợ ngã và rối loạn dáng đi. Cảm giác sợ ngã đã được xác định là một trong những triệu chứng chính của hội chứng này. Kể từ đó, cảm giác sợ ngã đã được công nhận là một vấn đề sức khoẻ ở người cao tuổi. Tuy nhiên, cảm giác sợ ngã cũng có thể xảy ra ở người chưa có tiền sử ngã. Các yếu tố liên quan bao gồm: yếu tố bên trong và bên ngoài như rối loạn thăng bằng và dáng đi, giảm thị lực, sử dụng quá nhiều thuốc, suy giảm nhận thức, tuổi cao, sử dụng chất kích thích, không đủ ánh sáng, sàn nhà trơn, cầu thang cao, …

Một số nghiên cứu trên thế giới đã đánh giá cảm giác sợ ngã trên người cao tuổi có đái tháo đường (ĐTĐ) [6,7]. Tác giả Bruce và cộng sự cho thấy rằng cảm giác sợ ngã trên những người mắc bệnh đái tháo đường có thể được giải thích bằng sự mất cân bằng và sự suy giảm khả năng vận động, béo phì, trầm cảm và các biến chứng về đái tháo đường khác [7]. Tại nước ta đã có một số nghiên cứu về ngã ở người cao tuổi, tuy nhiên các nghiên cứu về cảm giác sợ ngã trên đối tượng người cao tuổi có đái tháo đường còn khá hạn chế. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu mô tả cảm giác sợ ngã trên nhóm đối tượng người cao tuổi có ĐTĐ typ 2.

2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên được chẩn đoán ĐTĐ týp 2 đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tiêu chuẩn lựa chọn: Đối tượng từ 60 tuổi trở lên được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-1999)[8]đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, có khả năng trả lời các câu hỏi và đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân mắc các bệnh lý cấp tính như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy hô hấp. Những bệnh nhân không đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

2.2 Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, chọn mẫu thuận tiện.

2.3. Các biến số nghiên cứu

Đặc điểm chung: tuổi, giới, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân. Thang điểm đánh giá cảm giác sợ ngã sử dụng thang điểm FES- I của Tinetti 1990 [9]. Các yếu tố liên quan đến cảm giác sợ ngã bao gồm: chỉ số khối cơ thể (BMI- phân loại dựa theo khuyến cáo của WHO 2004 áp dụng cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) [10], thời gian mắc bệnh đái tháo đường (chia thành 3 nhóm: <5 năm, 5-10 năm, >10 năm, nồng độ glucose máu (phân thành nhóm kiểm soát đường máu tốt – glucose máu ≤ 7,2 mmol/l và nhóm kiểm soát đường máu không tốt -glucose máu > 7,2 mmol/l), HbA1C (phân thành nhóm kiểm soát tốt HbA1C<7% và nhóm kiểm soát không tốt HbA1C ≥ 7%), phác đồ điều trị đái tháo đường (insulin, không điều trị insulin).

2.4. Phương pháp thu thập số liệu:

Bệnh nhân được khám và chẩn đoán có cảm giác sợ ngã bằng thang điểm FES-I (Fall Efficacy Scale – International) [9]. Tất cả 16 câu, mỗi câu sẽ có 4 sự lựa chọn. 1=không lo sợ, 2=lo sợ một chút, 3=lo sợ, 4= rất lo sợ. Tổng số điểm là 16-64 điểm. Đánh giá kết quả: có giảm giác sợ ngã khi tổng số điểm > 23.

2.5 Xử lý số liệu: Các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 16. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình. Sử dụng test χ2 để phân tích mối liên quan giữa các biến. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

3.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1 Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Đặc điểm dân số – xã hội của nhóm nghiên cứu (n=200)

Tổng số có 200 bệnh nhân nghiên cứu, nam chiếm 37,5%, nữ chiếm 62,5%. Tuổi trung bình là 75,4±6,8 tuổi, thấp nhất 60 tuổi cao nhất 100 tuổi, nhóm tuổi 60-69 chiếm tỷ lệ cao nhất 27,5%, nhóm tuổi 70-79 chiếm 45,5%, còn lại nhóm từ 80 tuổi trở lên chiếm 27%. Trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên chiếm 64,5% cao hơn nhóm dưới trung học phổ thông 35,5%. Đa số sống cùng vợ hoặc chồng chiếm 78,5%, còn lại góa/ly dị và độc thân chiếm 21,5%. Có 80 bệnh nhân đã có tiền sử với ngã chiếm 40%. 

3.2. Cảm giác sợ ngã trên bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường typ 2 và một số yếu tố liên quan

Biểu đồ 1. Tỷ lệ cảm giác sợ ngã trên người cao tuổi có đái tháo đường

Có 63,5% người cao tuổi đái tháo đường có cảm giác sợ ngã, tỷ lệ không có cảm giác sợ ngã chiếm 36,5%.

Bảng 2. Mối liên quan giữa cảm giác sợ ngã với tuổi, giới và chỉ số khối cơ thể (BMI) ở những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi (n=200)

Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa cảm giác sợ ngã với nhóm tuổi và giới, trong đó, nhóm tuổi 70-79 có cảm giác sợ ngã cao nhất; giới nữ có cảm giác sợ ngã cao hơn nam với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p< 0,05).

Bảng 3. Mối liên quan giữa cảm giác sợ ngã với đặc điểm của bệnh đái tháo đường(N=200)

Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian mắc bệnh ĐTĐ có mối liên quan với cảm giác sợ ngã, trong đó thời gian mắc bệnh từ 5-10 năm có tỷ lệ sợ ngã cao nhất (65,36%). Không có mối liên quan giữa HbA1C và Glucose máu với cảm giác sợ ngã (p > 0,05). Nhóm bệnh nhân điều trị bằng insulin có cảm giác sợ ngã thấp hơn điều trị bằng phương pháp khác (p < 0,05).

4.  BÀN LUẬN

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy ĐTĐ ở người cao tuổi có liên quan đến tình trạng suy giảm chức năng và tỷ lệ người cao tuổi bị đái tháo đường bị ngã cao hơn so với những người không bị đái tháo đường [11]. Trong nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên 200 bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong đó nhóm tuổi 70- 79 chiếm tỷ lệ cao nhất (45,5%), phần lớn bệnh nhân kết hôn (78,5) và 40% số người  cao tuổi bị đái tháo đường có tiền sử ngã, cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Vũ Xuân Triển được thực hiện tại cộng đồngvà trên đối tượng không được sàng lọc đái tháo đường (35,23%) [12].

Sự gia tăng cảm giác sợ ngã trên bệnh nhân đái tháo đường có thể được giải thích bởi sự rối loạn thăng bằng và suy giảm khả năng vận động, béo phì, trầm cảm nhưng cũng có thể liên quan đến các biến chứng của bệnh đái tháo đường.Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 80 người có tiền sử ngã nhưng có đến 127 người cao tuổi có cảm giác sợ ngã chiếm 63,5%, cho thấy cảm giác sợ ngã cũng có thể xảy ra ở người chưa có tiền sử ngã. Cảm giác sợ ngã trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nhiều so với nghiên cứu của tác giả Bruce và cộng sự (24,2%) [6]. Có thể lý giải sự khác biệt này do nghiên cứu của tác giả Bruce được thực hiện tại cộng đồng và trên các đối tượng khỏe mạnh, trong khi nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên các đối tượng đang nằm viện, mắc các bệnh lý cấp tính, đa bệnh lý và có nguy cơ ngã cao hơn.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa cảm giác sợ ngã với nhóm tuổi, giới. Nghiên cứu của tác giả Yoshihito cũng có kết quả tương tự chúng tôi, trong đó giới nữ có cảm giác sợ ngã cao hơn so với nam giới [13]. Một số nghiên cứu giải thích tình trạng này do nữ giới thường dễ bày tỏ cảm xúc hơn nam giới, trong khi nam giới thường mạnh mẽ và không muốn bộc lộ cảm xúc sợ hãi và cảm giác thiếu độc lập, tự chủ [14]. Không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa chỉ số khối cơ thể và cảm giác sợ ngã trong nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên trong nghiên cứu của tác giả Kumar cho thấy chỉ số khối cơ thể có mối liên quan tỷ lệ thuận với cảm giác giác sợ ngã (OR=1,06, p< 0,05) [15].Chúng tôi thấy bệnh nhân có thời gian mắc bệnh ĐTĐ từ 5-10 năm thì cảm giác sợ ngã cao hơn so với các nhóm còn lại, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Có thể do đối tượng nghiên cứu có thời gian mắc ĐTĐ từ 5-10 năm chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nhóm còn lại. Không có mối liên  quan giữa HbA1C và Glucose máu với cảm giác sợ ngã. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của tác giả Bruce, sau khi phân tích hồi quy đa biến cũng không thấy mối liên quan giữa mức độ kiểm soát đường máu và cảm giác sợ ngã trên người cao tuổi có đái tháo đường [6].

5.  KẾT LUẬN

Cảm giác sợ ngã trên người cao tuổi có đái tháo đường chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt là trên giới nữ, nhóm tuổi từ 70-79 và thời gian mắc bệnh đái tháo đường từ 5-10 năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Campbell A. J et al (1990). Circumstances and consequences of falls experienced by a community populmion 70 years and over during a prospective study. Age Ageing, 19(2), 136-141.
  2. Cesari M et al (2002). Prevalence and risk factors for falls in an older community-dwelling population. J Gerontol A Biol Sci Med Sci, 57(11), M722-726.
  3. Van Weel et al (1995). Falls, a community care perspective. Lancet, 345(8964), 1549-1551.
  4. Peek-Asa et al (2003). Role of environmental interventions in injury control and prevention. Epidemiol Rev, 25, 77-89.
  5. Murphy et al.The post-fallsyndrome. Gerontology 28.4 (1982):265-270.
  6. Roman De Mettelinge T et al (2013). Understanding the relationship between type 2 diabetes mellitus and falls in older adults: a prospective cohort study. PLoS One. 8(6) 67055
  7. Bruce D et al (2015). Fear of falling is common in patients with type 2 diabetes and is associated with increased risk of falls. Age Ageing. 44(4):687–90
  8. Tinetti ME (1990).Falls efficacy as a measure of  fear  of  falling.  J   45(6). 239-43.
  9. WHO (2004). Appropriate body-mass index for Asian populations and its implications for policy and intervention Lancet. 363(9403):157-63.
  10. World Health Organization (1999), Definition, Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus and its Complications: Report of a WHO Part 1: Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus, Geneva.
  11. Tinetti ME (1990). Falls efficacy as a measure of  fear  of  falling.  J   45(6). 239-43.
  12. WHO (2004). Appropriate body-mass index for Asian populations and its implications for policy and intervention Lancet. 363(9403):157-63
  13. Robbins AS et al (1989). Predictors of falls among elderly people. Results of two population-based studies. Archives of internal medicine. 149:1628-1633.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …