Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp có kích thước u ≤ 1 cm

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN GIÁP CÓ KÍCH THƯỚC U ≤ 1 CM

Vũ Thị Hải1* , Trần Hải1,2, Nguyễn Tuấn Đạt4, Nguyễn Quang Bảy2,3

1. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, 2. Trường Đại học Y Hà Nội,

 3. Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, 4. Bệnh viện Nội tiết Trung ương

 

DOI: 10.47122/vjde.2021.49.10

TÓM TẮT

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp có kích thước u ≤ 1cm (vi ung thư). Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang 303 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp có kích thước u ≤ 1cm được chẩn đoán qua kết quả mô bệnh học sau phẫu thuật. Kết quả: Tỷ lệ vi ung thư ở các bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật là 48,87%. Đa số bệnh nhân có tuổi < 55 và là nữ chiếm 77,6% và 88,1%. Bệnh nhân vi ung thư chủ yếu được phát hiện bởi khám sức khỏe định kỳ 78,22%. Hầu hết các bệnh nhân có chỉ số TSH và FT4 bình thường với 94,39% và 89,77%. Trên siêu âm tuyến giáp kích thước u trung bình 7,12 mm, đa số các u được phát hiện ở thùy phải, kích thước u 0,5-1cm và ≥ 2 u chiếm lần lượt 48,51%; 91,75% và 62,38%. Vi vôi hóa chiếm 33,33%. Tổng số TIRADS 4 và TIRADS 5 chiếm 98,68%. Tế bào học tuyến giáp (FNA) chẩn đoán ung thư và nghi ngờ ung thư chiếm 88,12%. Xâm lấn vỏ bao tuyến giáp chiếm 14,19%. Di căn hạch chiếm tỷ lệ 45,83%, trong đó di căn hạch tại khoang trung tâm thường gặp chiếm 66,67%. Tỷ lệ di căn hạch cổ ở nhóm kích thước u từ 0,5 – 1 cm và nhóm có u < 0,5 cm khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0,283. Kết luận: Ung thư biểu mô tuyến giáp có kích thước u ≤ 1cm chiếm gần một nửa số ung thư tuyến giáp được phẫu thuật. Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Nhưng có một tỷ lệ không nhỏ các bệnh nhân có biểu hiện xâm lấn vỏ bao tuyến giáp và di căn hạch bạch huyết.

Từ khóa: Ung thư tuyến giáp, u tuyến giáp ≤ 1cm, vi ung thư tuyến giáp, xâm lấn vỏ, di căn hạch bạch huyết.

ABSTRACT

Clinicopathological characteristics of patients with thyroid carcinoma with tumor size ≤ 1cm

Vu Thi Hai1* , Tran Hai1,2, Nguyen Tuan Dat4, Nguyen Quang Bay2,3

1. Hai Duong General hospital

2. Hanoi Medical University,

3. Endocrinology Department, Bach Mai hospital,

4. Endocrinology National hospital

Objectives: To describe the clinical and subclinical characteristics of patients with thyroid carcinoma with tumor size ≤ 1cm (microcarcinoma). Methods: A description study of 303 patients with thyroid carcinoma with tumor size ≤ 1cm diagnosed with thyroid carcinoma through histopathological results after surgery. Results: The rate of microcarcinoma in thyroid cancer patients who had surgery was 48.87%. Popular in age < 55 at 77.6% and in female at 88.1%. Patients with microcarcinoma are mainly detected by routine physical examination with 78.22%. Most of the patients had normal TSH and FT4 with 94.39% and 89.77%. On ultrasonoghraphy, the average tumor size was 7,12 mm, the tumors were detected in the right lobe, size from 0.5-1 cm and ≥ 2 tumor accounted for 48,51%; 91,75% and 62,38%. Microcalcification accounts for 33.33%. TIRADS 4 and TIRADS 5 accounted for 98,68%. Fine needle aspiration cytology (FNA) diagnosis of cancer and suspicion of cancer with 88.12%. Invasion of thyroid capsule with 14,19%. Lymph node metastasis was found at 45.83%, central lymph node metastasis at 66.67%. The rate of cervical lymph node metastasis in the group with tumor size from 0.5 to 1 cm and the group with tumor size < 0.5 cm was not statistically significant with p = 0.283. Conclusion: Thyroid carcinoma with tumor size ≤ 1cm accounts for nearly half of thyroid cancers surgically. Most patients have no clinical symptoms. But there is not small percentage of patients presenting with thyroid capsular invasion and lymph node metastasis.

Keywords: Thyroid cancer, thyroid tumor ≤ 1cm, thyroid microcarcinoma, capsular invasion, lymph node metastasis.

Chịu trách nhiệm chính: Vũ Thị Hải

Ngày nhận bài: 10/7/2021

Ngày phản biện khoa học: 10/7/2021

Ngày duyệt bài: 27/7/2021

Email: [email protected]

Điện thoại: 0904065748

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ung thư tuyến giáp là sự bất thường về mô bệnh học bắt nguồn từ các tế bào biểu mô nang tuyến giáp. Trong 20 năm trở lại đây với sự phát triển của siêu âm và chọc hút kim nhỏ tuyến giáp, ung thư tuyến giáp là một trong số những bệnh được chẩn đoán tăng nhanh nhất và thường gặp nhất trong ung thư các tuyến nội tiết [1]. Năm 1988 Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra phân loại vi ung thư thể nhú tuyến giáp là những ung thư có đường kính u ≤ 1cm [2]. Tỷ lệ vi ung thư thay đổi 2 – 21,6% trong phẫu thuật và từ 2 – 35,6% trong các mẫu tử thiết [3]. Mặc dù vi ung thư có tiên lượng tốt với tỷ lệ tử vong dưới 1% cho các thể nhú, tuy nhiên nó thường xuyên lan đến các hạch bạch huyết ở cổ (3,1-59%), thường đa ổ (15,5 – 40%), xâm lấn vỏ bao tuyến giáp (10 – 20%) và có thể di căn xa, đây cũng là những yếu tố liên quan đến nguy cơ tái phát cao (10 – 20%) trong các nghiên cứu [3]. Một số tác giả cho rằng vi ung thư có mức độ ác tính thấp chỉ yêu cầu theo dõi sát, nhưng một số khác cho rằng tồn tại một nhóm vi ung thư có mức ác tính cao đòi hỏi phải điều trị tích cực ngay từ đầu tức là phẫu thuật và nạo vét hạch dự phòng. Vậy cần xác định các yếu tố tiên lượng liên quan đến mức độ ác tính và tái phát của khối u giúp điều chỉnh phương pháp phẫu thuật và chiến lược điều trị tiếp theo. Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp có kích thước u ≤ 1cm.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 Đối tượng nghiên cứu: 303 bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp bằng mô bệnh học tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nội tiết Trung ương từ 12/ 2020 đến 4/ 2021.

 Tiêu chuẩn lựa chọn

 – Bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tuyến giáp bằng xét nghiệm mô bệnh học.

 – Bệnh nhân có kích thước các u đo được trên siêu âm và trên mô bệnh học đều ≤ 1cm.

 – Bệnh nhân chưa được áp dụng các biện pháp điều trị trước đây từ khi phát hiện bệnh.

 Tiêu chuẩn loại trừ

 – Bệnh nhân có kết quả giải phẫu bệnh là ung thư di căn từ nơi khác đến, ung thư dạng sarcom hoặc dạng lympho.

 – Nếu bệnh nhân có ≥ 2 u, trong đó có ít nhất một u có kích thước > 1 cm trên siêu âm hoặc trên mô bệnh học đề được loại ra khỏi nghiên cứu.

 – Các trường hợp giải phẫu bệnh không xác định được rõ ranh giới của nhân ung thư và không đo được kích thước u trên giải phẫu bệnh.

 Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang hồi cứu.

 Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu: Lấy tất cả các bệnh nhân có kết quả mô bệnh học sau mổ là u ≤ 1cm sau đó tra ngược lại các thông tin về bệnh. Chúng tôi thu thập được 303 bệnh nhân thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn.

 Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm thống kê SPSS 20.0.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ bệnh nhân vi ung thư biểu mô tuyến giáp

Biểu đồ 3.1. Tỷ lệ bệnh nhân vi ung thư biểu mô tuyến giáp

Nhận xét: Có 303/ 620 (48,87%) bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp có kích thước u ≤ 1cm trong tổng số bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật.

3.2. Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân vi ung thư

Bảng 3.1. Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân vi ung thư

Chỉ số Số bệnh nhân (n) Tỷ lệ (%)
       
Tuổi < 55 235 77,6
       
  ≥ 55 68 22,4
       
Giới tính Nữ 267 88,1
       
  Nam 36 11,9
       
Tình huống phát hiện Tình cờ khám sức khỏe 237 78,22
       
  Tình huống khác 66 21,78
       

 

Nhận xét: Đa số bệnh nhân có tuổi < 55 tuổi chiếm 77,6% và là nữ giới chiếm 88,1%. Bệnh nhân vi ung thư chủ yếu được phát hiện bởi khám sức khỏe định kỳ 78,22%.

3.3. Đặc điểm cận lâm sàng của bệnh nhân vi ung thư

3.3.1. Xét nghiệm máu của bệnh nhân vi ung thư trước phẫu thuật

Bảng 3.2. Xét nghiệm máu của bệnh nhân vi ung thư trước phẫu thuật

Chỉ số   Đặc điểm    
      Tổng n (%)
Thấp n (%) Bình thường n (%) Cao n (%)
 
         
FT4 14 (4,62) 272 (89,77) 17 (5,61) 303 (100)
         
TSH 7 (2,31) 286 (94,39) 10 (3,30) 303 (100)
         

 

Nhận xét: Đa số các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm bình thường với TSH chiếm 94,39% và FT4 chiếm 89,77%.

3.3.2. Đặc điểm u tuyến giáp trên siêu âm của bệnh nhân vi ung thư

 
  Bảng 3.3. Kích thước u tuyến giáp trên siêu âm  
Kích thước u Trung bình Nhỏ nhất Lớn nhất Tập trung
         
Đơn vị đo (mm) 7,12 ± 1,85 2 10 7

Nhận xét: Kích thước u tuyến giáp trung bình 7,12 ± 1,85 mm, thay đổi trong khoảng dao động từ 2 mm đến 10 mm, hay gặp nhất là 7 mm.

 

Bảng 3.4. Đặc điểm u tuyến giáp trên siêu âm

Đặc điểm Tính chất Tần số (n) Tỷ lệ (%)
       
  Thùy phải 147 48,51
       
  Thùy trái 127 41,91
Vị trí u      
Eo tuyến 29 9,57
 
       
Kích thước u < 0,5 cm 25 8,25
     
0,5 – 1cm 278 91,75
 
       
  1 114 37,62
Số lượng u      
≥ 2 189 62,38
       
  Vi vôi hóa 101 33,33
Vôi hóa      
Không vi vôi hóa 202 66,67
       
  TIRADS 3 4 1,32
       
ACR- TIRADS TIRADS 4 154 50,83
       
  TIRADS 5 145 47,85
       

 

Nhận xét: Đa số các u được phát hiện ở thùy phải với 48,51% và kích thước u từ 0,5 – 1 cm với 91,75%. Bệnh nhân có ≥ 2 u chiếm 62,38%. Vi vôi hóa chiếm 33,33%. TIRADS 4 và TIRADS 5 chiếm 98,68%.

3.3.3. Xét nghiệm tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm

Bảng 3.5. Xét nghiệm tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ tuyến giáp

Phân loại Bethesda Tần số (n) Tỷ lệ (%)
     
Bethesda VI 172 56,77
     
Bethesda V 95 31,35
     
Bethesda II 36 11,88
     
Tổng 303 100
     

 

Nhận xét: Kết quả FNA chẩn đoán ung thư và nghi ngờ ung thư chiếm đa số với 88,12% và chỉ 11,88% số bệnh nhân có FNA lành tính.

 

3.3.4. Đặc điểm xâm lấn vỏ bao tuyến giáp và di căn hạch cổ ở bệnh nhân được nạo vét hạch Bảng 3.6. Đặc điểm xâm lấn vỏ và di căn hạch cổ

Đặc điểm Tính chất Tần số (n) Tỷ lệ (%)
       
  43 14,19
       
Xâm lấn vỏ Không 260 85,81
     
Tổng 303 100
 
       
  66 45,83
       
Di căn hạch Không 78 54,17
     
Tổng 144 100
 

Nhận xét: Có 14,19% số bệnh nhân có xâm lấn vỏ bao tuyến giáp và 45,88% bệnh nhân di căn hạch cổ trên mô bệnh học.

 

Bảng 3.7. Đặc điểm vị trí di căn hạch cổ

Vị trí di căn Tần số (n) Tỷ lệ (%)
     
Trung tâm 44 66,67
     
Khoang bên 7 10,61
     
Trung tâm và khoang bên 15 22,72
     
Tổng 66 100
     

Nhận xét: Di căn hạch tại khoang trung tâm thường gặp chiếm 66,67% số bệnh nhân.

 

Bảng 3.8. Đặc điểm di căn hạch cổ và kích thước của u

    Di căn hạch p
Kích thước u        
Có (n,%)   Không (n,%) 0,283
   
       
< 0,5 cm 12 (37,50)   20 (62,50)  
         
0,5 -1 cm 54 (48,21)   58 (51,79)  
         

Nhận xét: Tỷ lệ di căn hạch cổ ở nhóm bệnh nhân có kích thước u từ 0,5 – 1 cm và nhóm có kích thước u < 0,5 cm khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0,283.

4. BÀN LUẬN

4.1. Tỷ lệ bệnh nhân vi ung thư biểu mô tuyến giáp

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 620 bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật, trong đó vi ung thư là 303 chiếm 48,87% số bệnh nhân. Kết quả của chúng tôi tương đồng với hầu hết các nghiên cứu những năm gần đây và cao hơn so với một số nghiên cứu lâu năm [4], [5]. Điều này có thể do sự phát triển của các công nghệ và kỹ thuật chẩn đoán với các máy siêu âm độ phân giải cao kết hợp với FNA tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm và chụp cắt lớp vi tính vùng cổ đã giúp chẩn đoán các vi ung thư dễ dàng hơn. Hơn nữa hiện nay các bác sĩ có xu hướng thự hiện FNA cho các khối u khi kích thước còn nhỏ. Mặt khác tỷ lệ bệnh nhân vi ung thư sẽ thay đổi phụ thuộc cách đo kích thước u. Nếu sử dụng kích thước u trên mô bệnh học thì tỷ lệ này sẽ tăng lên do khối u sẽ bị co lại và giảm kích thước. Ngược lại tỷ lệ ung thư sẽ giảm đi nếu sử dụng phương pháp đo kích thước u trên siêu âm, trong nghiên cứu chúng tôi áp dụng cả hai cách đo này. Dù đo với cách nào thì ta thấy rằng tỷ vi ung thư ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của bệnh ung thư tuyến giáp nói chung và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do sự phát triển của các công nghệ chẩn đoán hình ảnh và tế bào học.

4.2. Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân vi ung thư

Trong nghiên cứu của chúng tôi bệnh nhân vi ung thư có tuổi < 55 chiếm đa số với 77,6%. Kết quả của chúng tôi đều tương đồng với các nghiên cứu khác trong y văn, tuổi của bệnh nhân đa số là lứa tuổi trẻ và đang trong độ tuổi lao động hay được khám sàng lọc sức khỏe. Theo AJCC những bệnh nhân có tuổi ≤ 55 tuổi chỉ xếp loại bệnh giai đoạn I, II dù bất kể có di căn hạch hay không, trong khi đó nếu bệnh nhân có tuổi > 55 tuổi được xếp loại giai đoạn bệnh từ giai đoạn I đến giai đoạn IV và nếu có di căn hạch là yếu tố khiến bệnh được xếp giai đoạn cao hơn [6]. Vì vậy tuổi < 55 là yếu tố tiên lượng tốt với bệnh nhân vi ung thư.

Về giới tính tỷ lệ nữ/ nam ≈ 7,4/ 1. Kết quả về tỷ lệ giới tính này có khác nhau giữa các nghiên cứu tuy nhiên vẫn thể hiện rằng vi ung thư tuyến giáp hay gặp ở nữ giới hơn so với nam giới. Điều này có thể được cho là có liên quan đến thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, và sử dụng hormon thay thế dẫn đến tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp hơn nhưng khi đã bị ung thư nam giới có biểu hiện hung hăng hơn so với giới nữ, theo Kai Guo nam giới có tỷ lệ tái phát gấp 1,53 lần so với nữ giới [7]. Sakorafas cũng cho thấy tỷ lệ di căn hạch ở nam giới cao hơn so với nữ giới [8].

Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng 87,22% bệnh nhân được phát hiện tình cờ qua siêu âm trong khi khám sức khỏe. Các trường hợp khác chiếm 21,78% chủ yếu được phát hiện do bệnh nhân đi khám vì các triệu chứng liên quan đến khối u như nuốt nghẹn, khàn tiếng, thấy cổ to ra, đau vùng cổ. Bệnh nhân có thể đến khám vì một lý do của bệnh vùng đầu cổ hay qua các khối u được chẩn đoán trước mổ là lành tính sau đó mổ cho kết quả ung thư. Các nghiên cứu những năm gần đây đều chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân vi ung thư tuyến giáp được phát hiện tình cờ ngày càng cao dần. Lý giải đầu tiên cho vấn đề là do hầu hết các u có kích thước ≤ 1cm chưa gây thay đổi về hình dạng hay thể tích tuyến giáp khiến tuyến giáp không to và không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu.

4.3. Đặc điểm cận lâm sàng của bệnh nhân vi ung thư

Trong nghiên cứu của chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân đều có chỉ số TSH và FT4 trước phẫu thuật trong giới hạn bình thường. Có một phần nhỏ các bệnh nhân có mức xét nghiệm cao hay thấp hơn, tuy nhiên sự dao động này chỉ xung quanh khoảng bình thường của mỗi giá trị.

Trên siêu âm kích thước trung bình của u là 7,12 mm, đa số các u được phát hiện ở thùy phải với 48,51% và kích thước từ 0,5 – 1 cm với 91,75%. Số bệnh có từ hai u tuyến giáp trở lên chiếm đa số với 62,38%. TIRADS4 và TIRADS5 chiếm chủ yếu với 98,68%, chỉ có 1,32% số bệnh nhân có TIRADS3. Trong nghiên cứu của chúng tôi bệnh nhân có vi vôi hóa chiếm 33,33%. Các vi vôi hóa có thể xuất hiện cả trong những tổn thương lành tính và ác tính, nó là biểu hiện đặc trưng của ung thư biểu mô thể nhú bởi các vi vôi hóa chính là hình ảnh các “thể cát”, sự vôi hóa mô đệm hay hình thành xương. Cơ chế hình thành của vi vôi hóa chưa được biết rõ nhưng có nghiên cứu cho biết sự hình thành của vi vôi này có sự tham gia của các chất osteonectin/ protein có tính acid, cysteine, phosphatase kềm, sialoprotein xương và osteopontin [9]. Vì vậy vi vôi hóa là một đặc điểm thể hiện tính chất ác tính cao nhưng không thường xuyên xuất hiện trong các bệnh nhân vi ung thư.

Tất cả 303 bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đều được chọc hút kim nhỏ tế bào tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm. Với các u có kích thước nhỏ dưới 1 cm, đặc biệt trên bệnh nhân của chúng tôi kích thước của u trên siêu âm chỉ có 2 mm thì vai trò hướng dẫn của siêu âm rất quan trọng, nhờ có siêu âm làm tăng tỷ lệ lấy bệnh phẩm chính xác trong nhân tuyến giáp với kích thước rất nhỏ. Trong số các bệnh nhân có 11,88% bệnh nhân có Bethesda II, bệnh nhân có Bethesda V và Bethesda VI chiếm đa số với 88,12%.

Có 14,19% số bệnh nhân của chúng tôi có xâm lấn vỏ, tỷ lệ này thấp hơn của Mai Thế Vương với 18,63%, điều này được lý giải do bệnh nhân của chúng tôi có kích thước u trung bình thấp hơn, tuy nhiên việc xâm lấn vỏ ngoài việc liên quan đến kích thước khối u nó còn liên quan đến vị trí của u, nếu u nằm sát vỏ và với đặc tính sinh sản nhanh, mạnh, quá sản không giới hạn và có nhiều rễ xâm xập vào mô xung qanh. Theo Woolner [11] các vi ung thư có tiên lượng tốt khi u còn khu trú trong tuyến giáp và chưa xâm lấn ra ngoài, yếu tố này còn quan trọng hơn cả kích thước của u.

Di căn hạch cổ của nghiên cứu chúng tôi chiếm 45,88% số bệnh nhân. Trong đó di căn hạch tại khoang trung tâm thường gặp chiếm 66,67%. Tỷ lệ này có khác nhau giữa các nghiên cứu, nó phụ thuộc vào số bệnh nhân được nạo vét hạch của nghiên cứu, khả năng bóc tách hạch cổ của phẫu thuật viên và kinh nghiệm của các nhà giải phẫu bệnh. Hay và cộng sự cho thấy có hai yếu tố liên quan chặt chẽ tới sự tái phát bệnh là độ rộng của phẫu thuật và di căn hạch [10]. Tỷ lệ di căn hạch cổ ở nhóm bệnh nhân có kích thước u từ 0,5 – 1 cm cao hơn nhóm có kích thước u < 0,5 cm, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0,283. Mặc dù u kích thước ≤ 1 cm nhưng các vi ung thư tuyến giáp đều có khả năng di căn hạch như các ung thư có kích thước lớn hơn và là yếu tố quan trọng trong tiên lượng bệnh.

5. KẾT LUẬN

Vi ung thư chiếm gần một nửa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp được phẫu thuật. Bệnh gặp chủ yếu ở tuổi < 55 và ở nữ giới. Hầu hết các bệnh nhân được phát hiện bệnh qua khám sức khỏe 78,22%. Các chỉ số TSH và FT4 đa số cho kết quả bình thường. Trên siêu âm gặp đa số các u với TIRSDS 4 và TIRADS 5. Đặc biệt có một tỷ lệ không nhỏ các bệnh nhân có biểu hiện xâm lấn vỏ bao tuyến giáp (14,9%) và di căn hạch bạch huyết (45,83%), vì vậy cần tầm soát sớm các bệnh nhân ung thư tuyến giáp để có chiến lược quản lý phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. AJCC Cancer Staging Manual | Frederick L. Greene, Stephen Edge, Richard L. Schilsky, Lauri E. Gaspar, Mary Kay Washington, Daniel C. Sullivan, Robert K. Brookland, Mahul B. Amin | download. Accessed March 15, 2021. https://vn1lib.org/book/2957056/bb4e1c
  2. Hedinger C, Williams ED, Sobin LH. The WHO histological classification of thyroid tumors: a commentary on the second edition. Cancer. 1989;63(5):908-911. doi:10.1002/1097-0142(19890301)63:5<908::aid-cncr2820630520>3.0.co;2-i
  3. Mercante G, Frasoldati A, Pedroni C, et al. Prognostic Factors Affecting Neck Lymph Node Recurrence and Distant Metastasis in Papillary Microcarcinoma of the Thyroid: Results of a Study in 445 Patients. Thyroid. 2009;19(7):707-716. doi:10.1089/thy.2008.0270
  4. Nguyễn Xuân Hậu, Trần Thị Hậu, Lê Thị Hằng. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và mô bệnh học của ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm tại bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Tạp chí Y Học Việt Nam. 2017;1(456):88-91.
  5. Park YJ, Kim YA, Lee YJ, et al. Papillary microcarcimoma in comparison with larger papillary thyroid carcinoma in BRAFV600Emutation, clinicopathological features, and immunohistochemical findings. Head Neck. Published online 2009:NA-NA. doi:10.1002/hed.21142
  6. AJCC/TNMstaging.AccessedApril20,2020. https://www.pathologyoutlines.com/topic/thyroidstaging.html
  7. Guo K, Wang Z. Risk factors influencing the recurrence of papillary thyroid carcinoma: a systematic review and meta-analysis. Int J Clin Exp Pathol. 2014;7(9):5393-5403.
  8. Sakorafas GH, Stafyla V, Kolettis T, Tolumis G, Kassaras G, Peros G. Microscopic papillary thyroid cancer as an incidental finding in patients treated surgically for presumably benign thyroid disease. Journal of Postgraduate Medicine. 2007;53(1):23. doi:10.4103/0022-3859.30323.
  9. Ferreira LB, Gimba E, Vinagre J, Sobrinho-Simões M, Soares P. Molecular Aspects of Thyroid Calcification. Int J Mol Sci. 2020;21(20):E7718. doi:10.3390/ijms21207718.
  10. Hay ID, Johnson TR, Kaggal S, et al. Papillary Thyroid Carcinoma (PTC) in Children and Adults: Comparison of Initial Presentation and Long-Term Postoperative Outcome in 4432 Patients Consecutively Treated at the Mayo Clinic During Eight Decades (1936-2015). World J Surg. 2018;42(2):329-342. doi:10.1007/s00268-017-4279-x
Print Friendly, PDF & Email

About dacdien

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …