Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng bệnh tuyến giáp tự miễn ở trẻ em

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG

BỆNH TUYẾN GIÁP TỰ MIỄN Ở TRẺ EM 

Trần Thị Dung*, Hoàng Thị Thủy Yên**, Nguyễn Thị Diễm Chi***

*Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, Bình Thuận. ** Đại học Y Dược Huế,
*** Bệnh viện Trung ương Huế
.

ASTRACT

Clinical and biological aspects of autoimmune thyroid disease disease in children. Backgrounds: Autoimmune thyroid disease actually is not rare in children, but if not recognized and treated it can seriously interfere with growth, development and puberty.Objectives:  To determine the natural history, and clinical and paraclinical characteristics of autoimmune thyroid disease   in pediatric patients.Methods:The method conducted was a cross-sectional survey. In total, 50 cases were diagnosed. Children with anti-TPO positivity and goiter were summoned for detailed examinations.Results:The mean age at diagnosis was 10,52 ± 3,04 years. Grave’s disease in the family was present in 24% of the children. At diagnosis, 48% patients wasGrave’s disease, 28% was Hashimoto’s thyroiditis Hashimoto and 24% was euthyroid goiter.Conclusions: The antibodies TPOAb, TgAb has an important role in diagnosis and Autoimmune thyroid disease surveillance.

Chịu trách nhiệm chính: Trần Thị Dung

Ngày nhận bài: 5.11.2016

Ngày phản biện khoa học: 18.11.2016

Ngày duyệt bài: 1.12.2016

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh tuyến giáp tự miễn không còn hiếm gặp ở trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn chức năng tuyến giáp ở trẻ em, có diễn tiến và điều trị kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, tinh thần, quá trình học tập của trẻ. Có hai dạng thường gặp là bệnh Graves và viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là những căn bệnh tự miễn cục bộ, trong đó, các kháng thể tự miễn tấn công các tuyến giáp và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bài tiết hormone tuyến giáp [1], [2], [10]. Tuy nhiên có nhiều bệnh nhi chỉ biểu hiện bướu giáp bình giápvà nếu không có các xét nghiệm kháng thể kháng giáp thì dễ chẩn đoán nhầm với bệnh bướu giáp đơn thuần. Đây là bệnh lý ở trẻ em chưa được nghiên cứu hệ thống cả ở trong nước và trên thế giới. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh tự miễn tuyến giáp ở trẻ em” với mục tiêu:Nghiên cứu triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng bệnh tự miễn tuyến giáp ở trẻ em.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Gồm 50 bệnh nhi được chẩn đoán bệnh tự miễn tuyến giáp, điều trị nội trú và phòng khám ngoại trú tại khoa Nhi Tổng Hợp 2, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung Ương Huế và khoa Nhi, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh

Bệnh tuyến giáp giáp tự miễn: bệnh nhi có các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm sau:

+ Có bướu giáp lan tỏa

+ Kháng thể kháng giáp TPOAb dương tính (> 34 IU/ml) [3].

-Chẩn đoán Basedow: Bướu giáp tự miễn tuyến giáp kết hợp các dấu hiệu của cường giáp: có một trong các biểu hiện như kích động tâm thần kinh, nhịp tim nhanh, da nóng, ẩm ướt, ăn nhiều, sụt cân [2] và nồng độ TSH trong huyết thanh giảm (< 0,05 µIU/ml) FT4 trong huyết thanh tăng (> 21 pmol/l) [6].

– Chẩn đoán viêm giáp Hashimoto:  bướu giáp tự miễn kết hợp có thể có các dấu hiệu suy giáp như: mệt mỏi, nhịp tim chậm, tăng cân, da khô, táo bón, chậm phát triển chiều cao, rối loạn kinh nguyệt… [3] với TSH huyết thanh tăng (> 10 µIU/ml), FT4 huyết thanh giảm (< 9 pmol/l) [6].

Chẩn đoán bướu giáp tự miễn bình giáp: bướu giáp tự miễn tuyến giáp mà không có các biểu hiện của suy giáp hay cường giáp và nồng độ TSHhuyết thanh bình thường (0,5 – 5 µIU/ml) hoặc  tăng nhẹ 5 < TSH ≤ 10 µIU/ml), hoặc giảm (0,05 ≤ TSH < 0,5 µIU/ml) với nồng độ FT4 trong huyết thanh bình thường (9 – 20 pmol/l) [5].

2.1.2.Tiêu chuẩn loại trừ : Bệnh nhi bướu giáp có kháng thể kháng giáp âm tính ; Viêm tuyến giáp cấp, bán cấp do nhiễm trùng…

2.2.Thời gian và địa điểm nghiên cứu :  Từ tháng 2/2015 đến tháng 4/2016, tại khoa Nhi Tổng Hợp 2, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung Ương Huế và khoa Nhi, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

2.3. Phương pháp nghiên cứuNghiên cứu mô tả cắt ngang.

3. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung

3.1.1. Giới

Biểu đồ 3.1. Phân bố theo giới

3.1.2. Tuổi

Bảng 3.1. Phân bố theo tuổi

3.1.3. Địa dư

Bảng 3.2. Đặc điểm địa dư của nhóm nghiên cứu

3.1.4. Tiền sử bản thân và gia đình

  • Tiền sử bản thân: Không ghi nhận mắc các bệnh lý tự miễn khác.

Bảng 3.3. Tiền sử gia đình có bệnh lý tuyến giáp

3.2. Đặc điểm lâm sàng

3.2.1. Phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Bảng 3.4. Phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

3.2.2.Đặc điểm lâm sàngtheo phân loại bệnh bướu giáp tự miễn

Biểu đồ 3.2. Triệu chứng lâm sàng bệnh Basedow

Bảng 3.5. Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm giáp Hashimoto

Bảng 3.6. Triệu chứng lâm sàng cường giao cảm bệnh bướu giáp tự miễn bình giáp

3.2.3. Đặc điểm bướu giáp tự miễn

Bảng 3.7. Độ lớn bướu giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Bảng 3.8. Tính chất bướu giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

3.3. Đặc điểm các xét nghiệm cận lâm sàng

3.3.1. Siêu âm tuyến giáp

Bảng 3.9. Thể tích tuyến giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Bảng 3.10. Độ hồi âm bướu giáp qua siêu âm theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Bảng 3.11. Tăng sinh mạch máu qua siêu âm theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

3.3.2. Nồng độ hormon trục tuyến yên – tuyến giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Bảng 3.12. Nồng độ TSH, FT4 theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

3.3.3. Nồng độ kháng thể kháng giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Bảng 3.13. Nồng độ TPOAb, TGAb theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

4. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm của nhóm nghiên cứu

4.1.1.Giới

Biểu đồ 3.1 cho thấy nữ chiếm ưu thế hơn nam ở bệnh tự miễn tuyến giáp. Nhận xét bệnh tự miễn tuyến giáp hay gặp ở nữ giới cũng đã được ghi nhận trong các tài liệu trong nước và trên thế giới [1], [6], [7, [8], [10] Tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam có thể do nữ dậy thì sớm hơn, tỷ lệ bướu giáp cao ở nữ có thể do giai đoạn dậy thì có liên quan hoạt động của hormon sinh dục nữ estrogen tăng hoạt động của trục giáp.

4.1.2.Tuổi

Kết quả cho thấy nhóm tuổi hay gặp nhất là từ 12-15 tuổi, chiếm 46% trong bệnh tự miễn tuyến giáp, tương đồng với nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên với 57% trẻ ≥ 10 tuổi [1]. Tuổi mắc bệnh trung bình bệnh tự miễn tuyến giáp là 10,52 ± 3,04 tuổi, tương tự nghiên cứu  khác [1], [9]. Yếu tố nguy cơ của bệnh tự miễn tuyến giáp là sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường. Trong giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì có sự thay đổi rất lớn sinh lý nội tiết trẻ, đây cũng là giai đoạn trẻ tiếp xúc với xã hội, môi trường sống thay đổi, áp lực học tập tạo cho trẻ nhiều stress. Vì vậy, bệnh tự miễn tuyến giáp hay gặp ở lứa tuổi này.

4.1.3. Địa dư

Nghiên cứu cho thấy phân bố địa dư của bệnh tự miễn tuyến giáp không đều với tỷ lệ  ở nông thôn là 70%, cao hơn tỷ lệ bệnh nhân ở thành phố. Tỷ lệ này cao hơn trong nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên với 62% sống ở nông thôn [1].

Kết quả này có thể giải thích cho yếu tố nguy cơ của bệnh có liên quan đến môi trường, virus, vi khuẩn[2], [6], [8], [9]. Mặt khác, dân số nước ta sống ở nông thôn với tỷ lệ cao hơn thành phố và bệnh nhi ở nông thôn thường lựa chọn bệnh viện tuyến trên là nơi khám chữa bệnh đầu tiên, trong khi trẻ em ở thành phố thường có lựa chọn đến phòng khám tư của các chuyên gia nội tiết.

4.1.4. Tiền sử bản thân và gia đình

Trong nghiên cứu này, không ghi nhận bệnh nhi và người nhà có mắc các bệnh lý tự miễn khác ngoài các bệnh lý tự miễn ở tuyến giáp, tương tự nghiên cứu của Bumin Dundar trên bệnh nhi viêm giáp Hashimoto [7]. Theo các tài liệu, có tỷ lệ khá cao các bệnh lý tự miễn ở bệnh nhân và người thân như đái tháo đường type 1, thiếu máu tan huyết, nhược cơ nặng, teo tuyến thượng thận,… do có chung một số yếu tố di truyền, đặc biệt ở nhóm HLA DR [2], [3], [6].

Tỷ lệ trẻ có người thân trong gia đình mắc các bệnh lý tuyến giáp ở bệnh tự miễn tuyến giáp là 24%, các bệnh lý ghi nhận được gồm Basedow và bướu giáp khác (không rõ loại). Kết quả này tương tự nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên với 1/4 trường hợp ghi nhận tiền sử gia đình có bệnh lý tuyến giáp [1]. Trong bệnh Basedow, các nghiên cứu có tỷ lệ tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn trương tự các nghiên cứu khác [7], [9],[10].

Các kết quả này góp phần khẳng định sự tham gia của yếu tố di truyền trong cơ chế sinh bệnh tự miễn tuyến giáp.

4.2. Nhận xét về các đạc điểm lâm sàng và cận lâm

4.2.1. Phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp của nhóm nghiên cứu

Nghiên cứu gồm 50 bệnh nhân trong đó có 24 bệnh nhân Basedow (48%), 14 bệnh nhân viêm giáp Hashimoto (28%) và 12 bệnh nhân bướu giáp tự miễn bình giáp (24%). So sánh với nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên trên 84 trẻ bệnh tự miễn tuyến giáp nhập viện Nhi Đồng 2 trong 5 năm thì 64% là bệnh Basedow và 36% là bệnh viêm giáp Hashimoto. Nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên gộp chung cả bướu giáp tự miễn bình giáp vào trong viêm giáp Hashimoto [1].Bướu giáp tự miễn bình giáp chiếm tỷ lệ không cao trong nghiên cứu này không phản ánh được tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng, nhưng cho thấy rõ bướu giáp tự miễn ở trẻ em có thể chỉ biểu hiện như bướu giáp đơn, bệnh nhi thường không biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng ngoài bướu giáp nên không được tầm soát chẩn đoán.

4.2.2. Đặc điểm lâm sàng

4.2.2.1. Đặc điểm bướu giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Về độ lớn bướu giáp: chủ yếu là bướu giáp độ II, III và không có sự khác biệt về độ lớn bướu giáp ở 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp (p>0,05). Kết quả này có khác biệt so với nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên, với tỷ lệ bướu độ I, II, III lần lượt là 32%, 49%, 18% [1].  Nghiên cứu này có tỷ lệ bướu giáp độ II, III cao có thể do điều kiện kinh tế khó khăn,  70% trẻ ở vùng nông thôn khi điều kiện tiếp xúc với y tế khó khăn, chỉ khi nào bướu giáp đã lớn, quan sát được bằng mắt thường hay có triệu chứng lâm sàng rõ rệt thì mới được đưa đi khám.

4.2.2.2. Triệu chứng lâm sàng theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Theo biểu đồ 3.2, trong bệnh Basedow, các triệu chứng thường gặp nhất là nhịp tim nhanh 75%, da nóng ẩm 70,83%. Các triệu chứng khác: run tay 58,33%, kích động tâm thần kinh 50%, hồi hộp, sụt cân (41,67%), ngon miệng, ăn nhiều 33,33%, tiêu chảy 12,5%. Các triệu chứng này biểu hiện tình trạng cường giáp trên lâm sàng và phù hợp với ghi nhận trong các tài liệu của các tác giả khác [2], [3], [6]. Các triệu chứng suy giáp trong viêm giáp Hashimoto có tỷ lệ thấp là do bệnh thường chỉ biểu hiện suy giáp trên lâm sàng khi chức năng tuyến giáp suy giảm rõ ở giai đoạn sau của bệnh [2], [9]. Ngoài ra, có một số triệu chứng cường giao cảm như nhịp tim nhanh 14,29%, run tay 7,14%, so sánh với nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên có 10% nhịp tim nhanh, 10% run tay [1]. Bướu giáp lớn có thể gây chèn ép thần kinh X gây kích thích giao cảm . Các triệu chứng này xuất hiện trên bệnh nhân có bướu giáp dễ gây chẩn đoán nhầm với bệnh Basedow.

Nhóm bướu giáp tự miễn bình giáp, chỉ một số trẻ có triệu chứng của cường giao cảm như nhịp tim nhanh (8,33%), run tay (8,33%). Bệnh có biểu hiện bình giáp, trên lâm sàng không có triệu chứng của suy giáp hay cường giáp nên dễ bỏ sót bệnh, đặc biệt ở trẻ nhỏ [5], [8].

4.2.3. Đặc điểm xét nghiệm cận lâm sàng

4.2.3.1. Đặc điểm siêu âm tuyến giáp

Không có sự khác biệt trong thể tích trung bình tuyến giáp giữa 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp (p> 0,05).

Về độ hồi âm nhu mô giáp qua siêu âm: nhóm nhu mô giảm âm và echo hỗn hợp chiếm đa số và có sự khác biệt trong độ hồi âm trên siêu âm ở 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp (p<0,05). Trong đó, bệnh Basedow có tỷ lệ echo hỗn hợp cao nhất (50%) còn viêm giáp Hashimoto và bướu giáp tự miễn bình giáp có tỷ lệ nhu mô giảm âm cao nhất, lần lượt là 57,14% và 66,67%. Kết quả này phù hợp với các tài liệu về bệnh tự miễn tuyến giáp [4], [5]. Sự giảm hồi âm ở bệnh tự miễn tuyến giáp liên quan đến sự thay đổi chất keo của nang giáp, tăng tưới máu và thâm nhiễm lympho vào nhu mô giáp. Đồng thời, bệnh Hashimoto được chẩn đoán muộn thì bướu giáp sau thời gian dài có thể xơ hóa dần làm nhu mô giảm hồi âm trên siêu âm.

Về tăng sinh mạch máu trên siêu âm: tỷ lệ có tăng sinh mạch máu ở bệnh Basedow là cao nhất (75%), viêm giáp Hashimoto là 64,29%, bướu giáp tự miễn bình giáp là 50% và không có sự khác biệt giữa 3 bệnh (p>0,05). Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Phạm Thị Ngọc Quyên với 50% Basedow và 17% viêm giáp Hashimoto có tăng sinh mạch máu [1]. Ở bệnh Basedow, có hiện tượng tăng sinh mạch máu toàn bộ tuyến giáp do gia tăng hoạt động tuyến giáp, trong khi viêm giáp Hashimoto có sự phá hủy tế bào nang giáp do phản ứng viêm miễn dịch nên chỉ những vùng viêm mới có tăng sinh mạch máu.

4.2.3.2. Nồng độ hormon TSH, FT4 theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Trong nhóm bệnh Basedow, nồng độ TSH giảm rõ trung bình 0,005(0,004-0,014) µIU/ml, nồng độ FT4 cao73,07 (58,84-81,05) pmol/l, tương tự nghiên cứukhác [2],[3].Kết quả này phù hợp với đặc điểm của bệnh Basedow sản xuất ra kháng thể kháng thụ thể TSH dạng kích thích làm gia tăng sản xuất hormon giáp, điều này dẫn tới giảm sản xuất TSH thông qua cơ chế điều hòa ngược lên vùng dưới đồi và tuyến yên [2], [3].Trong nhóm viêm giáp Hashimoto, nồng độ TSH tăng cao là 51,28 (31,69-74,39) µIU/ml, nồng độ FT4 là 6,32 (4,40-7,36) pmol/l, thấp hơn bình thường tương đương các nghiên cứu khác [3],[7]. Viêm giáp Hashimoto giảm tổng hợp hormon giáp do hoạt động của kháng thể kháng Tg, kháng thể kháng microsome và sự phá hủy tế bào tuyến giáp bởi lymphocyte độc tế bào. Nồng độ hormon giáp giảm sẽ điều hòa ngược lên vùng dưới đồi, tuyến yên làm tăng tiết TSH [2], [4].

Trong nhóm bướu giáp tự miễn bình giáp, TSH trung bình là 2,13 (1,21-4,20) µIU/ml,  FT4 là 15,99 (13,78-17,46) pmol/l, đều trong giá trị bình thường. Vì vậy, bệnh nhân bướu giáp tự miễn bình giáp vào viện vì bướu giáp, không có các triệu chứng suy giáp hoặc cường giáp trên lâm sàng, nếu chỉ dựa vào TSH, FT4 thì rất dễ chẩn đoán nhầm với bướu giáp đơn thuần. Trong khi bệnh này có thể tiến triển sang suy giáp hoặc cường giáp với tỷ lệ 2 – 5% mỗi năm, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển ở trẻ [7], [8]. Do đó, cần phải xét nghiệm kháng thể kháng giáp để chẩn đoán sớm, theo dõi và điều trị bệnh kịp thời.

4.2.3.3. Nồng độ kháng thể kháng giáp theo phân loại bệnh tự miễn tuyến giáp

Nồng độ TPOAb và TGAb tăng trong cả 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp (p>0,05)  Theo một số tài liệu, nồng độ TPOAb trong viêm giáp Hashimoto thường cao hơn trong các bệnh tự miễn tuyến giáp khác. Nghiên cứu này có nồng độ TPOAb trong viêm giáp Hashimoto cao nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với 2 bệnh còn lại. Bên cạnh đó, TPOAb có độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh tự miễn tuyến giáp cao hơn so với TGAb, vì vậy TPOAb được ứng dụng nhiều hơn trong chẩn đoán bệnh. Nếu cả 2 tự kháng thể cùng dương tính thì chẩn đoán  bệnh lên đến 95% [2], [4], [8], [9], [10]. Do vậy, xét nghiệm nồng độ TPOAb và TGAb là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh cũng như chứng tỏ bản chất miễn dịch của bệnh.

5. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 50 trẻ bị bệnh tự miễn tuyến giáp có một số kết luận như sau:

Về đặc điểm chung :Tuổi trung bình là 10,52 ± 3,04 tuổi, trẻ nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 15 tuổi.Nữ chiếm đa số (84%), 70% sống ở nông thôn.Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp ghi nhận 24%.

Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng bướu giáp tự miễn ở trẻ em có 48% trẻ bị Basedow, 28%  bệnh viêm giáp Hashimoto, 24% bị bướu giáp tự miễn bình giáp.

Bướu giáp: chủ yếu là bướu giáp độ II, độ III với 87,5% bệnh Basedow, 92,86% viêm giáp Hashimoto và 100% bướu giáp tự miễn bình giáp. Bệnh Basedow: các triệu chứng hay gặp là nhịp tim nhanh (75%), da nóng, ẩm (70,83%), run tay (58,33%), kích động tâm thần kinh (50%), hồi hộp, sụt cân (41,67%)’.Bệnh viêm giáp Hashimoto: các triệu chứng thường gặp là lờ đờ, mệt mỏi, da khô (28,57%), táo bón, chậm phát triển chiều cao (21,43%), nhịp tim chậm (14,29%). Các triệu chứng cường giao cảm như nhịp tim nhanh (14,29%), run tay (7,14%).Bướu giáp tự miễn bình giáp có triệu chứng nhịp tim nhanh, run tay (8,33%).

Các xét nghiệm cận lâm sàng:

Siêu âm tuyến giáp: Bệnh Basedow chủ yếu có echo hỗn hợp (50%), 75% có tăng sinh mạch máu. Viêm giáp Hashimoto chủ yếu có nhu mô giảm âm (57,14%), 64,29% có tăng sinh mạch máu. Bướu giáp tự miễn bình giáp chủ yếu có nhu mô giảm âm (66,67%), 50% có tăng sinh mạch máu.

Nồng độ hormon trục giáp 

Bệnh Basedow: nồng độ TSH  rất giảm,  0,005 (0,004-0,014) µIU/ml, FT4 tăng cao 73,07 Bệnh viêm giáp Hashimoto: nồng độ TSH tăng cao 51,28 (31,69-74,39) µIU/ml, FT4 giảm rõ 6,32 (4,40-7,36) pmol/l, Bướu giáp tự miễn bình giáp có  nồng độ TSH là 2,13 (1,21-4,20) µIU/ml, FT4 là 15,99 (13,78-17,46) pmol/l.

Nồng độ các kháng thể kháng giáp: Nồng độ TPOAb và TGAb tăng trong cả 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp (p>0,05)

6. KIẾN NGHỊ. Bệnh nhi có bướu giáp cần được xét nghiệm các kháng thể kháng giáp để phát hiện bệnh lý tuyến giáp tự miễn kể cả nhóm bướu giáp bình giáp để điều trị và theo dõi.

TÓM TẮT

 Mục tiêu:  Mô tả các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng xét nghiệm của bướu giáp tự miễn ở trẻ em. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang 50 trường hợp. Tiêu chuẩn chọn bệnh: bệnh nhi bướu giáp có kháng thể TPOAb dương tính. Kết quả: Tuổi trung bình là 10,52 ± 3,04 tuổi. 24% có tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp. Có 48% cas  Basedow, 28% viêm giáp Hashimoto, 24% cas là bướu giáp tự miễn bình giáp. Nồng độ TPOAb và TGAb tăng trong cả 3 typ bệnh tự miễn tuyến giáp và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 loại bệnh tự miễn tuyến giáp (p>0,05). Kết luận: Bệnh nhi có bướu giáp cần được xét nghiệm các kháng thể kháng giáp để phát hiện bệnh lý tuyến giáp tự miễn kể cả nhóm bướu giáp bình giáp để điều trị và theo dõi .

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thị Ngọc Quyên (2012), “Đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng bệnh tự miễn tuyến giáp tại bệnh viện Nhi Đồng 2”, Nghiên cứu Y học TP Hồ Chí Minh, 16 (1), tr. 31-37.
  2. Nguyễn Hải Thủy (2011), “Bệnh Basedow”, “Viêm tuyến giáp”, Bệnh nội tiết chuyển hóa, NXB giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 195-252.
  3. Hoàng Thị Thủy Yên (2012), “Đặc điểm sinh lý và bệnh lý hệ nội tiết ở trẻ em”, “Bướu giáp ở trẻ em”, “Suy giáp ở trẻ em”, “Cường giáp ở trẻ em”, Giáo trình SĐH Nhi khoa, 4,NXB Đại học Huế, Huế, tr. 1-39.
  4. Amino N., Lazarus H.J., De Groot J.L. (2016), “Chronic (Hashimoto’s) Thyroiditis”, Endocrinology: Adult and Pediatric, 2, pp. 1516-1527.
  5. Biondi B. (2012), “Natural history, diagnosis and management of subclinical thyroid dysfunction”, Best Practice and Research Clinical Endocrinology and Metabolism, 26, pp. 431-446.
  6. Cappa M., Bizzarri C (2011) ,“Autoimmune Thyroid Diseases in Children”, SAGE-Hindawi Access to Research Journal of Thyroid Research, 2011, pp. 93-106.
  7. Dundar B. et al (2011), “Hashimoto thyroiditis in children and adolescents : evaluation of clinical and laboratory findings”, Turkish Archives of Pediatrics, 46, pp. 309-313.
  8. Effraimidis G. et al (2011), “Natural history of the transition from euthyroidism to overt autoimmune hypo- or hyperthyroidism: a prospective study”, Eur J Endocrinol, 164, pp. 107-113.
  9. Nabhan M.Z., Kreher C.N., Eugster A.E. (2005), “Hashitoxicosis in children: clinical features and natural history”, J Pediatric, 146, pp. 533-536.
  10. Prummel F.M., Wilmar M.Wiersinga M.W. (2005),“Thyroid peroxidase autoantibodies in euthyroid subjects”, Best Practice and Research Clinical Endocrinology and Metabolism, 19 (1), pp. 1-15.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …