Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng vủa viêm tuyến giáp bán cấp ở bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG

CỦA VIÊM TUYẾN GIÁP BÁN CẤP Ở BỆNH NHÂN ĐẾN KHÁM

TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TRUNG ƯƠNG

Nguyễn Thị Ngọc Hoa1, Nguyễn Khoa Diệu Vân2

Lê Quang Toàn1, Nguyễn Thị Hồ Lan1

1Bệnh viện Nội tiết Trung ương, 2Đại học Y Hà Nội 

ABSTRACT

Clinical and laboratory characteristics of subacute thyroiditis in patients attending the National  Hospital of Endocrinology

Background: Clinical symptoms and routine laboratory tests of subacute thyroiditis are not of specific so it could be mistakenly diagnosed and treated as oropharyngeal inflammation. Objectives: To describe the clinical and laboratory characteristics of subacute thyroiditis. Objects and methods: A cross-sectional study of 59 patients diagnosed with sub-acute thyroiditis based on presence of painful swelling of the thyroid gland, increased plasma CRP and blood sedimentation rate, decreased plasma TSH and increased plasma FT4 levels, decreased thyroid ultrasound echo density. Results: The mean age was 44.6 ± 9.2, the female / male ratio is 3.9 / 1. More than half of patients were previously examined and treated, of which two thirds were diagnosed with pharyngitis and treated with antibiotics. All patients presented with thyroid spontaneous pain and tender when palpated, 32.4% had fever, 47.3% had symptoms and signs of thyrotoxicosis. Thyrotoxicosis, defines as serum TSH level below 0.1mIU/L, was present in 73.0% of the patients, among which 59.5% was overt one and 13.5% subclinical. 100% of patients had increased 1 and 2 hour erythrocyte sedimentation rate, 90.4% had increased plasma CRP, 100% had an uneven decrease in thyroid ultrasound echo density. Absent or reduced radio-active-uptake on thyroid scintigraphy was present in 27 among 28 patients (96.4%). Decrease in I131uptake at 2 and 24 hours was present in 49.1% and 92.5%, respectively. Conclusions: Thyroid pain, accelerated erythrocyte sedimetation rate and reduced thyroid ultrasound echo density was present in all the patients with subacute thyroiditis. Nearly three quarters of the patients were in thyrotoxicosis phase. Elevated serum CRP, decreased or absent scintigraphy radioactive uptake and decreased thyroid radio-iodine uptake was present in almost all the patients.

Key words: subacute thyroiditis, clinical, laboratory  TÓM TẮTĐặt vấn đề: Triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng thường quy của viêm tuyến giáp bán cấp không đặc hiệu nên dễ chẩn đoán và điều trị nhầm với viêm vùng hầu họng. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh viêm tuyến giáp bán cấp. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 59 bệnh nhân được chẩn đoán viêm giáp bán cấp dựa trên sưng đau vùng tuyến giáp, tăng CRP và máu lắng, hormon TSH huyết tương giảm, FT4 huyết tương tăng và giảm âm tuyến giáp trên siêu âm. Kết quả: Tuổi trung bình là 44,6 ± 9,2, tỷ lệ nữ/nam là 3,9/1. Hơn một nửa bệnh nhân được khám và điều trị trước đó, trong đó 2/3 được chẩn đoán viêm hầu họng và được điều trị kháng sinh. Tất cả bệnh nhân đến khám có triệu chứng sưng đau vùng tuyến giáp và tuyến giáp đau khi sờ nắn, 32,4% có sốt, 47,3% có triệu chứng nhiễm độc giáp. Tỷ lệ nhiễm độc giáp với TSH < 0,1 mIU/L là 73,0%, trong đó nhiễm độc giáp rõ là 59,4%, nhiễm độc giáp dưới lâm sàng là 13,5%. 100% bệnh nhân có tăng máu lắng 1h và 2h, 90,4% có tăng CRP huyết tương, 100% có giảm âm không đều trên siêu âm tuyến giáp. Giảm bắt xạ trên xạ hình tuyến giáp gặp ở 27/28 bệnh nhân (96,4%). 49,1% và 92,% các bệnh nhân có giảm độ tập trung I131 tương ứng vào thời điểm 2h và 24h. Kết luận: Đau vùng tuyến giáp, tăng tốc độ máu lắng và giảm mật độ echo tuyến giáp trên siêu âm gặp ở tất cả bệnh nhân; gần 3/4 bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm độc giáp; tăng CRP huyết tương, hình ảnh khuyết xạ trên xạ hình và giảm độ tập trung i-ốt phóng xạ gặp ở hầu hết các bệnh nhân.Từ khóa: Viêm giáp bán cấp, lâm sàng, cận lâm sàng

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Ngày nhận bài: 01/7/2019

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2019

Ngày duyệt bài: 1/8/2019 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Viêm tuyến giáp bán cấp được De Quervain mô tả từ năm 1904, bệnh còn được gọi là viêm tuyến giáp De Quervain, viêm tuyến giáp bán mô hạt cấp, viêm giáp tế bào khổng lồ [1].

Viêm tuyến giáp bán cấp ít gặp, nhưng là viêm tuyến giáp gây đau hay gặp nhất, bệnh thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên, nguyên nhân được cho là do virus nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng [1], [2]. Bệnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các bệnh tuyến giáp điều trị tại bệnh viện, chủ yếu gặp ở nữ, tuổi trẻ – trung niên. Đau vùng tuyến giáp là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân, sốt là triệu chứng thường gặp thứ 2, ở khoảng một nửa số bệnh nhân [2],[4],[5],[6].

Về cận lâm sàng, bệnh viêm giáp bán cấp có tăng cao các chỉ số phản ứng viêm như máu lắng và CRP, thay đổi hormon trục yên – giáp và chức năng tuyến giáp đánh giá bằng xạ hình và độ tập trung I131.

Diễn biến lâm sàng của bệnh thường qua bốn giai đoạn: nhiễm độc giáp, bình giáp, suy giáp và phục hồi. Nồng độ hormon trục yên – giáp cũng như chức năng tuyến giáp đánh giá bằng thăm dò phóng xạ thay đổi tùy thuộc vào các giai đoạn của bệnh [2].

Trong thực hành lâm sàng, bệnh cảnh lâm sàng và các xét nghiệm thường quy thông thường của viêm tuyến giáp bán cấp không đặc hiệu, không điển hình, rất dễ nhầm với bệnh lý vùng hầu họng và viêm tuyến giáp cấp khi bệnh nhân đi khám và điều trị theo nhiều chuyên khoa khác nhau và không được làm xét nghiệm về hormon. Chẩn đoán, điều trị đúng và sớm làm giảm nhanh triệu chứng đau cũng như thoái lui bệnh.

Tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về bệnh này. Dó đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này để góp phần cung cấp thêm thông tin về bệnh, giúp định hướng chẩn đoán đúng và kịp thời căn bệnh này, với các mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh viêm giáp bán cấp ở bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân:

– Bệnh nhân đượcxác định viêm giáp bán cấp theo Hướng dẫn chẩn đoán của Hội tuyến giáp Nhật Bản năm 2010[10]:

+ Lâm sàng:  sưng và đau ở tuyến giáp.

+ Cận lâm sàng:

  • Tăng CRP hoặc tăng tốc độ máu lắng
  • Tăng FT4 và giảm TSH< 0,1 mIU/L
  • Trên siêu âm có giảm mật độ âm của vùng tuyến giáp đau.

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

– Bệnh nhân có hội chứng nhiễm độc giáp do các nguyên nhân khác: Basedow, bướu nhân độc tuyến giáp, nhiễm độc giáp do sử dụng hormon giáp.

– Bệnh lý viêm giáp khác: đợt cấp của viêm giáp mãn tính, viêm giáp cấp tính.

– Ung thư biểu mô tuyến giáp.

– Bệnh nhân là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú hoặc có các bệnh cấp tính.

2.2. Thời gian nghiên cứu:

Từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2019 tại Bệnh viện Nội tiết trung ương

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả cắt ngang

Chon mẫu thuận tiện: 59 bệnh nhân

Các giá trị xét nghiệm sinh hóa theo tiêu chuẩn ISO 2012 15189, xét nghiệm miễn dịch, huyết học tiêu chuẩn tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Siêu âm tuyến giáp: thực hiện trên máy siêu âm Philips Electric Systems hoặc/và Prosound α 7 của hãng Aloka của Nhật Bản, đầu dò phẳng, tần số 7,5 MHz có đầy dủ các mode 2B và Doppler. Đo độ tập trung I131: dùng đồng vị phóng xạ I131  đo độ tập trung I131, bằng máy Captus 3000 hãng Capintec của Mỹ vào các thời điểm 2 giờ, 24 giờ. Giá trị tham chiếu độ tập trung I131 ở người trưởng thành: Sau 2h: 12 ± 4%. Sau 24h: 36 ± 4%.

Xạ hình tuyến giáp đánh giá mức độ bắt xạ tại tuyến giáp được thực hiện bằng máy Spect, kỹ thuật 07 mCi TcO4 tư thế thẳng bằng collimator, hóa chất 99mTc Pertechnetate.

Xét nghiệm tế bào tuyến giáp đánh giá thâm nhiễm lympho bào và sự có mặt của tế bào khổng lồ đa nhân. Sử dụng phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm.

2.4. Phân tích và xử lý số liệu

Nhập, xử lý và phân tích số liệu bằng phần mềm chương trình SPSS 20.0. Sử dụng các thuật toán thống kê, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung

Bảng 1. Nhóm tuổi bệnh nhân nghiên cứu

Tuổi thấp nhất là 25, cao nhất là 71, tuổi trung bình là 44,6 ± 9,2. Nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 40 – 49, chiếm 40,5%, tiếp theo là nhóm 30 – 39 (28,4%) và nhóm 50 – 59 (21,6%), nhóm < 30 và ≥ 60 chiếm tỷ lệ thấp.

Trong nghiên cứu, có 20,3% là nam và 79,7% là nữ, tỷ lệ nữ/namlà 3,9/1.

Nghề nghiệp: 33,9% là lao động tự do, 33,9% là nông dân, nội trợ, buôn bán; công nhân cán bộ chiếm tỷ lệ 32,2%.

3.2. Đặc điểm bệnh sử và lâm sàng

Bảng 2. Khám chẩn đoán và điều trị trước đến viện

30/59 (50,8%) bệnh nhân đã được khám và điều trị trước vào viện, 21/30 (70,0%) trường hợp được chẩn đoán và điều trị viêm nhiễm vùng hầu họng (20 trường hợp được dùng kháng sinh, 01 trường hợp được dùng corticoid không rõ liều) và 9/30 (30,0%) trường hợp đã được chẩn đoán viêm tuyến giáp nhưng không rõ thể viêm (7 trường hợp được dùng corticoid không rõ liều, 01 trường hợp dùng kháng sinh và 01 trường hợp dùng giảm đau thông thường). 16/30 bệnh nhân đã khám và điều trị tại cơ sở tư nhân. 29/59 (49,2%) bệnh nhân không đi khám và chưa từng được chẩn đoán trước khi đến viện.

Thời gian điều trị trung bình trước khi đến khám là 27 ngày.

Bảng 3. Đặc điểm lâm sàng

Chú thích: Giá trị trình bày là số lượng (tỷ lệ %) trừ biến đánh dấu *

23 bệnh nhân có hội chứng giống cúm trước khi xuất hiện đau vùng cổ, chiếm tỷ lệ 31,7%, trong đó mệt mỏi, sốt và viêm họng gặp nhiều nhất. Thời gian trung bình từ khi xuất hiện cúm đến khi đau vùng cổ là 33,2 ngày (ngắn nhất là 5 ngày, dài nhất là 3 tháng).

Thời gian trung bình từ khi đau vùng cổ đến khi đi khám là 28,7 ngày (ngắn nhất là 3 ngày, dài nhất là 3 tháng). Đau vùng cổ gặp ở 100% bệnh nhân và là lý do bệnh nhân đến khám, hầu hết khởi phát ở một bên cổ, hiện tại đau một bên cổ nhiều hơn đau cả 2 bên, đa số đau có lan và tăng khi nuốt.

Triệu chứng nhiễm độc giáp gặp ở 47,3%, trong đó gặp nhiều nhất là lo lắng, căng thắng và gầy sút cân.

Bảng 4. Đặc điểm tuyến giáp khi thăm khám

Khoảng một nửa số bệnh nhân có bướu cổ độ 1B, ¼ có độ 1A hoặc độ 2, chỉ có 5,4% bệnh nhân không có tăng kích thước tuyến giáp (độ 0). Đa số có tăng kích thước 1 thùy tuyến giáp (62,2%). 100% bệnh nhân tới khám với lý do đau vùng cổ và 100% bệnh nhân có đau vùng tuyến giáp khi thăm khám, trong đó 60,8% đau 1 thùy và 39,2% đau cả 2 thùy. 36,5% bướu giáp có mật độ mềm và 63,5% có mật độ chắc.

3.3. Đặc điểm cận lâm sàng

Bảng 5. Nồng độ hormone FT4 và TSH huyết tương

Chú thích: Giá trị trình bày là n (tỷ lệ%), trừ trung bình ± SD và trung vị. Nồng độ FT4 huyết tương trung bình là 30,48 ± 13,25 pmol/L, tỷ lệ giảm, bình thường và tăng tương ứng là 0%, 21,6% và 78,4%. Nồng độ TSH huyết tương trung vị là 0,03 mIU/L, tỷ lệ dưới 0,1 và dưới < 0,3 mIU/L tương ứng là 73,0% và 82,5%.

Bảng 6. Chức năng tuyến giáp

Tỷ lệ bệnh nhân có nhiễm độc giáp (TSH < 0,1 mIU/L) là 73,0%, trong đó nhiễm độc giáp rõ và nhiễm độc giáp dưới dưới lâm sàng lần lượt là 59,5% và 13,5%.

Bảng 7. Nồng độ kháng thể tuyến giáp huyết tương

Nồng độ trung bình, trung vị và tỷ lệ tăng (> 34 IU/L) Anti-TPO huyết tương lần lượt là 63,99 IU/mL, 22,40 IU/ml và 24,3%, tỷ lệ Anti-TPO tăng rất cao > 200 IU/L là 10,2%.

Nồng độ trung bình, trung vị và tỷ lệ tăng Anti-TG huyết tương lần lượt là 170,59 IU/mL, 42,84 IU/mL và 34,6%, tỷ lệ tăng Anti-TG rất cao (> 300 IU/L) là 26,9%.

Bảng 8. CRP huyết tương và tốc độ máu lắng

Nồng độ CRP huyết tương trung bình là 37,6 ± 19,4 mg/L, tỷ lệ tăng là 90,4%.

Máu lắng 1 h trung bình là 57,9 ± 22,9 mm, tỷ lệ tăng là 100%.

Máu lắng 2 h trung bình ± SD là 75,8 ± 17,7 mm, tỷ lệ tăng là 100%.

Bảng 9. Hình ảnh vị trí giảm âm tuyến giáp trên siêu âm

Tất cả các bệnh nhân đều có hình ảnh tuyến giáp giảm âm không đều trên siêu âm, trong đó giảm âm ở cả 2 thùy, chỉ ở thùy phải và chỉ ở thùy trái lần lượt gặp ở 79,7%, 12,2% và 8,1% bệnh nhân. Thể tích tuyến giáp trung bình là 21,2 ± 8,9 cm3.

Trong số 59 bệnh nhân đến khám, siêu âm tuyến giáp phát hiện 16 trường hợp có bướu giáp nhân kèm theo, chiếm tỷ lệ 21,6 %.

Bảng 10. Tính chất giảm bắt xạ trên xạ hình tuyến giáp

Có 28 ca được xạ hình tuyến giáp, trong đó 27 ca (96,4%) có giảm bắt xạ, 21 ca (75,0%) có giảm mật độ bắt xạ 2 thùy, 6 ca (21,4%) giảm mật độ bắt xạ 1 thùy, 01 ca (3,6%)có mật độ bắt xạ bình thường.

Bảng 11. Kết quả đo độ tập trung I131 tuyến giáp

53 bệnh nhân được đo độ tập trung I131 tại thời điểm 2h và 24h, trong đó tỷ lệ bệnh nhân có giảm độ tập trung I131 vào thời điểm 2h và 24 h lần lượt là 49,1% và 92,5%.


4. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứuNghiên cứu cho thấy tuổi trung bình mắc viêm tuyến giáp bán cấp là 44,6 ± 9,2 tuổi, cũng tương đồng với nghiên cứu của C.A. Benbassat và cộng sự tuổi trung bình là 48,6 ± 12 tuổi và Nishiharavới tuổi từ 40 đến 50 tuổi [4], [14].Biểu đồ 1 cho thấy, nữ chiếm ưu thế, 79,7% , hơn nam với tỷ lệ nữ: nam là 3,9/1, tương tự với các nghiên cứu khác: nghiên cứu của C.A. Benbassat với 70% là nữ [3], gần tương đồng với nghiên cứu của Lê Huy Liệu, tỷ lệ gặp nữ là 82,6% và 17,4% nam [5] và các nghiên cứu nước ngoài khác [13], [15].

4.2. Đặc điểm bệnh sử và lâm sàng

Gần 1/3 bệnh nhân có các biểu hiện giống cúm trước khi xuất hiện đau ở vùng cổ, điều đã được nghi nhận trong các nghiên cứu và hướng tới căn nguyên khởi phát bệnh là virus đường hô hấp trên.

Thời gian từ khi có biểu hiện giống cúm đến khi xuất hiện đau vùng cổ dao động khá lớn, từ 5 ngày đến 3 tháng.

Do là bệnh hiếm gặp và biểu hiện ban đầu là các triệu chứng ban đầu là đau vùng cổ (100%), sốt nên đa số đã được chẩn đoán là nhiễm trùng hầu họng (21/30 trường hợp khám bệnh trước khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chiếm 70,0%) và hầu hết được điều trị bằng kháng sinh (20/21 bệnh nhân) và chỉ có 9/30 (30,0%) được chẩn đoán là viêm giáp, nhưng không rõ thể viêm giáp nào.

Trong 9 trường hợp được chẩn đoán viêm giáp và 7/9 trường hợp được điều trị bằng corticoid (không rõ liều), như vậy đây có thể là các trường hợp được chẩn đoán viêm giáp bán cấp.

Điều quan trọng là phải phân biệt viêm tuyến giáp bán cấp với các nguyên nhân khác gây đau vùng tuyến giáp, đặc biệt là viêm giáp cấp, bởi nếu điều trị bằng steroid ở viêm giáp cấp có thể dẫn đến diễn biến viêm giáp cấp nặng lên nguy hiểm.

Viêm giáp cấp thường do vi khuẩn gram dương có biểu hiện nhiễm trùng rõ, sốt cao, bạch cầu tăng cao [6].

Thời gian từ khi đau vùng cổ đến khi khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương dao động khá lớn, từ 3 ngày đến 3 tháng.

Trong nghiên cứu của chúng tôi chẩn đoán viêm tuyến giáp bán cấp dựa vào triệu chứng lâm sàng điển hình, thay đổi hormon tuyến giáp, hormon TSH, tăng máu lắng hay CRP. Việc sử dụng đo độ tập trung I131 chỉ trong những trường hợp cần phân biệt với bệnh Basedow.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% bệnh nhân có đau vùng cổ trước, 83,8% trường hợp có đau lan (góc hàm, mang tai cùng bên), 89,2% có đau tăng khi nuốt và 100% có đau tuyến giáp khi sờ nắn. Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của Fatourechi, V [11].

Trong pha cấp của viêm tuyến giáp bán cấp, tuyến giáp thường sưng gấp 2-3 lần bình thường, mật độ chắc, ấn đau [1], [8]. Trong nghiên cứu cho thấy có 63.5% ca có mật độ bướu giáp chắc, đau, kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu của Lê Huy Liệu và nghiên cứu nước ngoài khác [5], [13], [14].

Có 47,3% số ca có biểu hiện nhiễm độc giáp trên lâm sàng khi vào viện, kết quả thấp hơn với nghiên cứu trước đó của Yotsapon Thewjitcharoen là 67,1% và Nishihara và cộng sự là 60% [13], [14], một phần có thể do bệnh nhân của chúng tôi đến khám muộn hơn và một số đã được điều trị trước đó.

4.3. Đặc điểm cận lâm sàng

Diễn biến lâm sàng của bệnh thường qua bốn giai đoạn bao gồm giai đoạn nhiễm độc giáp, bình giáp, suy giáp và phục hồi. Các chỉ số cận lâm sàng, nồng độ hormon tuyến giáp và hormon của tuyến yên kích thích tuyến giáp (TSH) tùy thuộc vào các giai đoạn của bệnh, trong giai đoạn đầu các tế bào tuyến giáp phá huỷ, giải phóng hormon FT3, FT4 và hormon TSH hạ thấp; chỉ số máu lắng tăng cao; siêu âm tuyến giáp thường giảm âm hai thùy, ít mạch máu; hấp thu i-ốt giảm do tế bào tuyến giáp bị phá huỷ; mô bệnh học thấy tổ chức tuyến giáp bị xâm nhiễm bởi các bạch cầu đa nhân, bạch cầu Lympho và các tế bào khổng lồ đa nhân [2].Theo kết quả nghiên cứu nồng độ hormon tuyến giáp FT4 trung bình là 30,48 ± 13,25 pmol/l, tương tự kết quả nghiên cứu của Nguyễn Huy Liệu và của Yotsapon Thewjitcharoen [5], [13], kết quả này thấp hơn kết quả nghiên cứu của Assim A.Alfadda và cộng sự nghiên cứu ở 7 bệnh nhân có viêm giáp bán cấp với FT4 trung bình là 53,7 ±31,4 pmol/l [5]. 78,0% bệnh nhân có tăng FT4 và không có bệnh nhân nào ở giai đoạn suy giáp (FT4 giảm). Nồng độ hormon TSH trung vị là 0,03 mIU/L, trong đó số ca có nồng độ TSH ≤ 0,1 mIU/L là 73,0% và dưới 0,3 mIU/L là 82,4%. Tỷ lệ nhiễm độc giáp rõ (TSH < 0,1 mIU/L và FT4 tăng > 22 pmol/L) là 59,5%, nhiễm độc giáp dưới lâm sàng (TSH < 0,1 mIU/L và FT4 bình thường) là 13,5% và tỷ lệ nhiễm độc giáp chung là 73,0%, tương tự với kết quả nghiên cứu nước ngoài khác [13], [14]. Như vậy, 17,5% bệnh nhân viêm giáp bán cấp có FT4 và TSH huyết thanh bình thường, lý do có thể là bệnh nhân đến khám muộn và bệnh đã qua giai đoạn nhiễm độc giáp. Trong các nghiên cứu trên thế giới cũng thấy có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân viêm giáp bán cấp có FT4 và TSH huyết thanh bình thường.Tóm lại, khoảng 3/4 bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm độc giáp và 1/3 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn bình giáp khi đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.Các kháng thể kháng tuyến giáp như anti- TG, anti – TPO thường không xuất hiện ở bệnh nhân viêm giáp bán cấp. Tuy nhiên, viêm giáp mạn tính dưới lâm sàng với tăng nhẹ các kháng thể này có thể gặp ở một tỷ trên 10% và có tăng cao, đặc biệt là anti-TG trong giai đoạn đầu do phá hủy tuyến giáp và tăng bộc lộ kháng nguyên. Hiện tượng này cũng được ghi nhận trong nghiên cứu của chúng tôi (tăng Anti-TPO là 24,3% và tăng Anti-TG là 34,6%) và nghiên cứu khác [13]. Mặt khác nghiên cứu của chúng tôi cũng có tỷ lệ khá lớn bệnh nhân có tăng rất cao nồng độ 2 kháng thể này: 10,2% có Anti-TPO tăng > 200 IU/L và 26,9% có Anti-TG tăng trên 300 IU/L. Liệu đây có phải là những trường hợp viêm giáp mạn thực sự có từ trước viêm giáp bán cấp hay cũng chỉ là tăng thoáng qua, điều này cần được nghiên cứu thêm.

Phản ứng viêm mạnh là một biểu hiện đặc trưng của viêm giáp bán cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ CRP huyết tương, máu lắng 1h và 2h tăng lần lượt trong 90,4%, 100% và 100% trường hợp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Lê Huy Liệu và nghiên cứu nước ngoài trước đó [5], [16]. Như vậy máu lắng tăng hằng định trong viêm giáp bán cấp và có độ nhạy cao hơn trong chẩn đoán viêm giáp bán cấp.

Giảm âm không đều trên hình ảnh siêu âm cũng là một đặc trưng của viêm giáp bán cấp và gặp ở 100% bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi, trong đó 79,7% ca có giảm âm không đều ở 2 thùy và 21,3% ca có giảm âm không đều trên 1 thùy tuyến giáp, tương tự như nghiên cứu khác [5].Giảm chức năng tuyến giáp với biểu hiện giảm bắt phóng xạ trên xạ hình và giảm độ tập trung i-ốt phóng xạ là một đặc điểm đặc trưng nữa của viêm giáp bán cấp. Trong nghiên cứu của chúng tôi 27 trong 28 bệnh nhân được làm xạ hình có giảm bắt xạ, chiếm 96,4% (trong đó giảm 2 thùy là 75,0%). Trong 53 bệnh nhân được làm độ tập trung I131, tỷ lệ giảm độ tập trung ở thời điểm 2h và 24h tương ứng là 49,1% và 92,5%. Nghiên cứu của Fatourechi, V., et al có 14/14 trường hợp xạ hình tuyến giáp khuyết xạ [11].

5. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 74 trường hợp viêm giáp bán cấp chúng tôi thấy:Triệu chứng đau vùng tuyến giáp gặp ở tất cả các bệnh nhân, gần 3/4 bệnh nhân đến khám ở giai đoạn nhiễm độc giáp, tuy nhiên triệu chứng nhiễm độc giáp trên lâm sàng chỉ gặp ở gần một nửa bệnh nhân. Tăng tốc độ máu lắng và giảm mật độ echo tuyến giáp trên siêu gặp ở tất cả bệnh nhân, tăng CRP huyết tương, hình ảnh khuyết xạ trên xạ hình và giảm độ tập trung i-ốt phóng xạ gặp ở hầu hết các bệnh nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bindra, A. and G.D. Braunstein (2006). American family physician, 73(10): p. 1769-76.
  2. Nguyễn Hải Thủy (2017). Viêm tuyến giáp, Bệnh học nội khoa tập I, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  3. Benbassat, C.A., et al, (2005).Subacute thyroiditis: clinical characteristics and treatment outcome in fifty-six consecutive patients diagnosed between 1999 and. J Endocrinol Invest, 2007. 30(8): p. 631-5.
  4. Erdem, N., et al, (2007).Demographic and clinical features of patients with subacute thyroiditis: results of 169 patients from a single university center in Turkey. J Endocrinol Invest. 30(7): p. 546-50.
  5. Lê Huy Liệu, (1991). Bệnh viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain 23 trường hợp, Nội khoa, số 4 chuyên đề Nội tiết, Hội Nội khoa Việt Nam. Tr. 5-9.
  6. Bệnh viện Bạch Mai, (2013). Nội tiết cơ bản (Giáo trình đào tạo sau đại học).
  7. Phạm Minh Đức, (2007). “Sinh lý nội tiết”, Bài giảng Sinh lý học. NXB Y học.
  8. Mai Thế Trạch, Nguyễn Thy Khuê (2007). Nội tiết học đại cương.
  9. Cunha, B.A. and N. Berbari, (2013). Subacute thyroiditis (de Quervain’s) due to influenza A: presenting as fever of unknown origin (FUO). Heart Lung. 42(1): p. 77-8.
  10. Association, J.T. (2010). Guidelines for the Diagnosis of Subacute Thyroiditis.
  11. Fatourechi, V., et al, (2003).Clinical features and outcome of subacute thyroiditis in an incidence cohort: Olmsted County, Minnesota, study. J Clin Endocrinol Metab. 88(5): p. 2100-5.
  12. Kubota, S., et al, (2013).Initial treatment with 15 mg of prednisolone daily is sufficient for most patients with subacute thyroiditis in Japan. 23(3): p. 269-72.
  13. Thewjitcharoen, Y., et al, (2015).Clinical Features and Outcomes of Subacute Thyroiditis in Thai Patients. Journal of the ASEAN Federation of Endocrine Societies. 30(2): p. 125.
  14. Nishihara, E., et al, (2008).Clinical characteristics of 852 patients with subacute thyroiditis before treatment. Intern Med. 47(8): p. 725-9.
  15. Espinoza, P.G., et al, (2010).A comparison between two imaging techniques for the diagnosis of subacute thyroiditis (de Quervain thyroiditis): brief communication. Clin Nucl Med. 35(11): p. 862-4.
  16. Mizukoshi T, Noguchi S, Murakami T, et al. Evaluation of recurrence in 36 subacute thyroiditis patients managed with prednisolone. Intern Med. 2001; 40(4):292-5.
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …