Đánh giá chức năng vận động và nhận thức ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi

ĐÁNH GIÁ CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG VÀ NHẬN THỨC Ở BỆNH NHÂN

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CAO TUỒI

1Nguyễn Thị Hiền, 2,3Nguyễn Ngọc Tâm,2Nguyễn Thị Hoài Thu, 2,3Vũ Thị Thanh Huyền

1Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp Hải Phòng,

2Bệnh viện Lão khoa Trung ương,3Trường Đại học Y Hà Nội

ABSTRACT

Evaluation of Motor and Cognitivefunctions in the elderly diabetic patients

Introduction: The impairment of motor and cognitive functions increases the number of hospitalizations and the mortality rate, and it is a persistent burden on families, caregivers, and health systems, especially diabetic patients. Objective: To evaluate motor function impairment, cognitiveand some related factors in elderly diabetic patients. Subjects and Methods: The study was conducted on 354 diabetic patients at the Central Geriatric Hospital with the objective. Use Activity Dailly Living – ADL, Instrument Activity Dailly Living – IADL, Timed up and go – TUG, Montreal Cognitive Assessment – MOCA tests. Results: Mean age: 73.15 ± 8.88, females accounted for 78.5%. The rate of functional impairment according to ADL was 44.1%; IADL was 50.3% and TUG was 26.6%. The MOCA cognitive decline was 95.5%. Age, blood glucose levels, depression are associated with decreased functional functioning of elderly patients (ADL, IADL). Conclusion: The ADL functional impairment rate was 44.1%; IADL was 50.3% and TUG was 26.6%. The MOCA cognitive decline was 95.5%. There is a correlation between cognitive impairment and motor function.

Keywords: Diabetes mellitus, impaired cognitive function, impaired motor function.

TÓM TẮT

Tổng quan: Suy giảm chức năng vận động và nhận thức làm người bệnh tăng số lần nhập viện, tăng tỷ lệ tử vong, còn là gánh nặng kéo dài đối với gia đình, người chăm sóc và hệ thống y tế, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường. Mục tiêu: Đánh giá suy giảm chức năng vận động, nhận thức và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi. Đối tượng và phương pháp:Nghiên cứu thực hiện trên 354 người bệnh đái tháo đường tại Bệnh viên Lão khoa Trung ương. Sử dụng trắc nghiệm đánh giá hoạt động hàng ngày(Activity Dailly Living – ADL), hoạt động hàng ngày có sử dụng phương tiện(Instrument Activity Dailly Living – IADL), trắc nghiệm hoạt động Timed up and go (TUG), trắc nghiệm đánh giá nhận thức Montreal (MOCA). Kết quả: Tuổi trung bình: 73,15 ± 8,88, nữ chiếm 78,5%. Tỷ lệ  suy giảm chức năng vận động theo ADL là 44,1%; theo IADL là 50,3% và theo TUG là 26,6%. Tỷ lệ suy giảm chức năng nhận thức theo MOCA là 95,5%. Tuổi, nồng độ glucose máu, trầm cảm có liên quan với suy giảm chức năng hoạt động của người bệnhĐTĐ cao tuổi (trắc nghiệm ADL, IADL). Kết luận:Tỷ lệ suy giảm chức năng vận động theo ADL là 44,1%; theo IADL là 50,3% và theo TUG là 26,6%. Tỷ lệ suy giảm chức năng nhận thức theo MOCA là 95,5%. Có mối liên quan giữa việc suy giảm chức năng nhận thức và chức năng vận động.

Từ khoá: Đái tháo đường, suy giảm chức năng nhận thức, suy giảm chức năng vận động

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Hiền

Ngày nhận bài: 01/8/2018

Ngày phản biện khoa học: 18/8/2018

Ngày duyệt bài: 31/8/2018

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chức năng vận động và chức năng nhận thức liên quan đến khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa, lập kế hoạch khởi đầu, thực hiện các bước tiếp theo, theo dõi và ngừng một phức hợp các hoạt động. Khả năng khái quát hóa được đánh giá bằng cách yêu cầu người bệnh tìm những từ giống hay khác nhau trong danh sách từ [1]. Suy giảm chức năng vận động và nhận thức làm người bệnh tăng số lần nhập viện, tăng tỷ lệ tử vong, còn là gánh nặng kéo dài đối với gia đình, người chăm sóc và hệ thống y tế [2].Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa glucid mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường máu và các rối loạn chuyển hóa glucid, lipid, protid. Do giảm tuyệt đối hoặc tương đối tác dụng của insulin và hoặc tiết insulin dẫn đến sự phát triển của các bệnh liên quan và biến chứng như võng mạc, thận, thần kinh  ngoại vi, mất mát sự di chuyển của khớp và sức mạnh cơ bắp [3]. Chức năng vận động và nhận thức cũng bị suy giảm ở người bị đái tháo đường [4]. Đặc biệt người cao tuổi bị đái tháo đường có hoạt động kém hơn về chức năng di chuyển, nhiệm vụ kép và nhận thức dẫn đến sự suy giảm về chức năng huy động và chức năng điều hành ở người cao tuổi, nguy cơ ngã cao so với người cao tuổi không bị đái tháo đường [5]. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về suy giảm chức năng hoạt động hàng ngày ở người cao tuổi nói chung, tuy nhiên nghiên cứu về suy giảm chức năng vận động và nhận thức trên đối tượng người cao tuổi có đái tháo đường chưa có. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu đánh giá suy giảm chức năng vận động, nhận thức và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi.

2.   ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thực hiện từ 9/2017 – 7/2018.

2.2 Đối tượng nghiên cứu: Là các bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tiêu chuẩn chọn:các đối tượng từ 60 tuổi trở lên được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-2006) [6]. Tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu; đang có bệnh lý cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tình; có triệu chứng tâm thần

2.3. Phương pháp nghiên cứu:

2.3.1 Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt

2.3.2 Cỡ mẫu và chọn mẫu: Sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện phù hợp với tiêu chuẩn và trong thời gian nghiên cứu. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên 354 bệnh nhân.

2.3.3 Các biến số nghiên cứu: Các biến số về thông tin chung của bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi: tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn. Sử dụng trắc nghiệm đánh giá hoạt động hàng ngày (Activity Dailly Living – ADL), hoạt động hàng ngày có sử dụng phương tiện (Instrument Activity Dailly Living – IADL), trắc nghiệm hoạt động Timed up and go (TUG), trắc nghiệm đánh giá nhận thức Montreal (MOCA).Với trắc nghiệm ADL bệnh nhân đạt 6 điểm là bình thường, dưới 6 điểm là có rối loạn; với IADL thì đạt 8 điểm là bình thường, dưới 8 điểm là có rối loạn; với TUG thì dưới 20 giây là bình thường; và với MOCA là từ 26 điểm trở lên là bình thường. Các yếu tố liên quan: tuổi, giới, trầm cảm, nồng độ glucose máu,

2.3.4 Công cụ và phương pháp thu thập số liệu: Bệnh nhân được hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm và tiến hành đánh giá chức năng hoạt động hàng ngày ADL, IADL, TUG, MOCA, GDS theo mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất nhằm đánh giá các chỉ tiêu nghiên cứu.

2.3.5 Xử lý và phân tích số liệu: Các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình, sử dụng tỷ suất chênh (OR) để tìm mối liên quan giữa chức năng vận động, nhận thức với các yếu tố.

2.3.6 Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được Hội đồng Khoa học và Hội đồng Y đức Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Thu thập thông tin hoàn toàn khách quan và chỉ sử dụng cho mục tiêu nghiên cứu.

3.  KẾT QUẢ

3.1 Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Tổng số có 354  bệnh nhân ĐTĐ,  nữ  gồm 278 người chiếm 78,5% cao hơn nam (76 người chiếm 21,5%). Tuổi trung bình là 73,15 ± 8,88; nhóm tuổi 60-69 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (38,4%), nhóm tuổi ≥ 90 tuổi có tỷ lệ thấp nhất (3,4%). Có 3,1% bệnh nhân có biến chứng về mắt, trong khi đó biến chứng bàn chân chiếm thấp nhất với 0,6%.

Hơn 70% bệnh nhân không bị tăng huyết áp. Giá trị glucose máu trung bình là 6,9 ± 4,75 mmol/l, HbA1c trung bình là 6,7 ± 1,82 %.

3.2. Kết quả đánh giá chức năng nhận thức và chức năng vận động của người bệnh

Bảng 1. Tỷ lệ suy giảm đánh giá chức năng vận động theo ADL, IADL và TUG

Điểm ADL, IADL và thời gian TUG trung bình lần lượt là 4,86 ± 1,6 điểm; 6,33 ± 2,18 điểm và 17,3 ± 4,62 giây; số đối tượng có suy giảm bất kỳ từ 1 yếu tố theo ADL là 44,1%; theo IADL là 50,3% và theo TUG là 26,6%.

Bảng 2. Tỷ lệ suy giảm đánh giá chức năng nhận thức theo trắc nghiệm MOCA


Điểm MOCA trung bình là 18,09± 4,62 điểm. Trong đó có 95,5% bệnh nhân có suy giảm chức năng nhận thức.

3.3. Một số yếu tố liên quan đến chức năng vận động và nhận thức của bệnh nhân

Bảng 3. Một số yếu tố liên quan đến sự suy giảm chức năng vận động

Trong nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra được mối liên quan giữa sự suy giảm chức năng vận động với các yếu tố như tuổi, chỉ số glucose, việc trầm cảm của người bệnh. Ngoài ra chúng tôi thấy sự liên quan chặt chẽ giữa sự suy giảm vận động và sự suy giảm nhận thức.

 Bảng 4. Một số yếu tố liên quan đến sự suy giảm chức năng nhận thức

Có mối liên quan giữa đánh giásuy giảm nhận thức (MOCA) và suy giảm hoạt động có phương tiện (IADL). Cụ thể người có suy giảm hoạt động sẽ suy giảm nhận thức gấp 4,54 lần người bình thường (95% CI:1,27- 16,23).

4.  BÀN LUẬN

Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên 354 bệnh nhân, trong đó nữ gồm 278 người chiếm 78,5% cao hơn nam (76 người chiếm 21,5%). Tuổi trung bình là 73,15 ± 8,88; nhóm tuổi 60-69 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (38,4%), nhóm tuổi ≥ 90 tuổi có tỷ lệ thấp nhất (3,4%). Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hương với tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 70,2 ± 6,7, nhóm tuổi 60 – 69 chiếm tỷ cao nhất 49% [7] và của Dương Thị Liên có tuổi trung bình là 69,3 ± 6,3 tuổi, nhóm tuổi 60 – 69 chiếm tỷ lệ cao nhất 57,4%, nhóm tuổi từ 80 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp nhất 4,9% [8]. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Dương Thị Liên [8], Nguyễn Thị Hồng [9] nghiên cứu mô tả cắt ngang trên bệnh nhân Đái tháo đường typ 2 cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi  cho thấy, số đối tượng có suy giảm vận động theo ADL là 44,1%; theo IADL là 50,3% và theo TUG là 26,6%. Như vậy là có sự tương gần giống nhau giữa chỉ số ADL và IADL,  kết quả này khác với kết quả của tác giả Lê Anh Tú với tỷ lệ suy giảm chức năng vận động bởi ADL là 40,8% còn IADL là 59,9%. Trong khuôn khổ của nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy mối liên quan giữa tuổi với đánh giá ADL, cụ thể người ở độ tuổi 60-79 tuổi có suy giảm chức năng vận động chỉ bằng 0,187 lần người bệnh thuộc nhóm từ 80 trở lên (95% CI: 0,11- 0,32).

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các kết quả nghiên cứu khác trên thế giới về đánh giá hoạt động chức năng ở bệnh nhânĐTĐ: Nghiên cứu của tác giả A.Araki và cs cho thấy nhóm tuổi trên 80 tuổi có tỷ lệ cao hơn về suy giảm hoạt động chức năng ADL, IADL so với nhóm tuổi 70-79 tuổi và 60-69 tuổi [10].

Có mối liên quan chặt chẽ giữa việc kiểm soát nồng độ glucose máu với điểm  chức năng vận động ADL, IADL. Cụ thể, nhóm người bệnh kiểm soát đường huyết không tốt (> 7,2 mmol/l) lại có sự suy giảm chức năng vận động chỉ bằng lần lượt là 0,394 và 0,403 ở 2 trắc nghiệm ADL, IADL so với nhóm kiểm soát đường huyết tốt.

Kết quả này ngược lại với kết luận từ các nghiên cứu về đánh giá chức năng ở bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới [10], [11] khi cho rằng kiểm soát đường huyết có mối liên quan với suy giảm hoạt động chức năng ADL và IADL, nhóm kiểm soát đường huyết tốt có hoạt động chức năng tốt hơn. Cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng minh vấn đề này.

Bên cạnh đó, kết quả của chúng chỉ ra rằng, việc người bệnh mắc trầm cảm  liên quan mật thiết để việc suy giảm vận động. Những người có trầm cảm sẽ suy giảm vận động gấp 2,68 lần (95%CI: 1,67-4,29)  với trắc nghiệm ADL và 4,25 lần (95%CI: 2,56- 7,05) so với trắc nghiệm IADL. Điều này có thể dễ thấy khi người bệnh mắc trầm cảm sẽ ảnh hưởng rất lớn tâm lý, từ đó có thể dẫn đến lười vận động, chỉ ngồi một chỗ. Dần dần làm cho suy giảm vận động.

Một điều rất quan trọng của nghiên cứu của chúng tôi đó là tìm thấy được mối liên quan giữa suy giảm nhận thức và suy giảm vận động. Cụ thể, với trắc nghiệm IADL và trắc nghiệm MOCA thì người bệnh có suy giảm nhận thức (MOCA<26) sẽ có suy giảm về vận động cao gấp 4,54 lần (95%CI: 1,27- 16,23). Đây là một phát hiện rất quan trọng, điều này chứng tỏ có sự liên quan mật thiết giữa suy giảm nhận thức và suy giảm vận động. Từ đây có thể sơ bộ kết luận ở người bệnh cao tuổi mắc ĐTĐ, nếu có suy giảm về nhận thức thì có thể dẫn đến suy giảm về vận động và ngược lại. Tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu khác để chứng minh quan điểm này.

Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho rằng, việc sự dụng các trắc nghiệm ADL, IADL, TUG và MOCA có giá trị sàng lọc suy giảm vận động và nhận thức trên người bệnh với tính thuận tiện và nhanh gọn nhưng mang lại hiệu quả tương đối tốt.

I.   KẾT LUẬN

Tỷ lệ suy giảm chức năng vận động theo ADL là 44,1%; theo IADL là 50,3% và theo TUG là 26,6%. Tỷ lệ suy giảm chức năng nhận thức theo MOCA là 95,5%. Tuổi, nồng độ Glucose trong máu, trầm cảm có liên quan với suy giảm chức năng hoạt động của người bệnh ĐTĐ cao tuổi (trắc nghiệm ADL, IADL). Người có suy giảm hoạt động có suy giảm nhận thức gấp 4,54 lần.

Lời cảm ơn: Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương, đặc biệt là người bệnh đã tạo điều kiện thực hiện nghiên cứu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Psychiatric Association (2013), Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, American Psychiatric Association, chủ biên, Washington C
  2. Milisen K và các cộng sự (2004), “Falls among communitydwelling elderly: a pilot study of prevalence, circumstances and consequences in Flanders., Tijdschr Gerontol Geriatr. 35(1), 15-20.
  3. Lundin-Olsson L, Nyberg L và Gustafson Y (1997), “Stops walking when talking” as a predictor offalls in elderly people, Lancet. 349(9052), tr. 617.
  1. Bootsma-van der Wiel A, Gussekloo J and de Craen AJ (2003), “Walking and talking as predictors of falls in the general population: the Leiden 85-Plus Study, J Am Geriatr Soc. 51(10), 1466-71.
  2. Petrofsky JS và các cộng sự (2006), “Correlation between gait and balance in people with and without type 2 diabetes in normal and subdued light, Med Sci Monit. 12(7), CR273-81.
  3. World Health Organization (2006), Definition, Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus and its Complications: Report of a WHO Consultation. Part 1: Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus, Geneva.
  4. Nguyễn Thị Thu Hương (2013), Nghiên cứu rối loạn chuyển hóa lipid ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi, Khóa luận tốt nghiệp Bác sỹ y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.
  5. Dương Thị Liên (2014), Đánh giá khả năng tự tiêm insulin ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi bằng trắc nghiệm vẽ đồng hồ, Luận văn Thạc sỹ Y học, Đại học Y Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Hồng (2013), Kiến thức, thái độ, thực hành vềcác chỉ số kiểm soát và theo dõi điều trị trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 cao tuổi, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Y Hà Nội.
  7. Araki A và Ito H (2009), “Diabetes mellitus and geriatric syndromes, Geriatr Gerontol Int, 9(2):105-14.
  8. Edward Gregg, Gloria L.A. Beckles, David F. Williamson và các cộng sự. (2000), “Diabetes and Physical Disability Among Older U.S. Adults, Diabetes Care, 23:

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …