Đánh giá kết quả điều trị đái tháo đường type 2 bằng Metformin và Vildagliptin tại Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Tiền Giang năm 2015

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 BẰNG METFORMIN VÀ VILDAGLIPTIN TẠI BAN BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2015

  Nguyễn Hữu Diệp*, Tạ Văn Trầm*

Bệnh viện Đa Khoa Tiền Giang

SUMMARY

Evaluating the result of treatment of type 2 diabetes with metformin and vildagliptin at protection committee, healthcare staff Tien Giang province in 2015

Backgrounds: Metformin is the first drug used treat type 2 diabetes, hypoglycemic drugs dipeptidyl peptidase inhibitors – 4 (DPP – 4) will be put to use works well to control glucose metabolism. Objectives: Evaluating the result of treatment of type 2 diabetes with Metformin and Vildagliptin at Protection Committee, healthcare staff Tien Giang province in 2015. Methods: Description cross section analysis was conducted on 81 patients with type 2 diabetes mellitus with weight gain, hypoglycemia. Results: the rate of patients achieving target: achieving increased HbA1c by 3,7%; fasting plasma glucose reached target increased by 18,5%; achieving increased triglycerides by 32.1%; achieving increased LDL-c 24.7%; HDL–c achieving increased by 19,7%; systolic blood pressure achieving increased by 30.9%; diastolic blood pressure achieving increased by 13,6%; the patient rate with BMI ≥ 23 kg/m2 decreased 9.9%; BMI < 23 kg/m2 increased 9,9%. The average value of the body mass index (BMI) decreased 0,7kg/m2 and the mean value of HbA1c, fasting plasma glucose, LDL-c, HDL-c, systolic blood pressure, diastolic blood pressure to reach the target. In which the average value of fasting plasma, glucose decreased by 1.2mmol/L and the average weight reduction of 1.99 kg. No increased Creatinine, AST, ALT index. No side effects were noted in the study subjects treated with Vildagliptin and Metformin combination, especially not recognized complication weight gain and hypoglycemia. Conclusions: Metformin and Vildagliptin is effective in treating type 2 diabetes.

Keywords: Metformin, Vildagliptin, type 2 diabetes mellitus.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Hữu Diệp

Ngày nhận bài: 4.11.2016

Ngày phản biện khoa học: 18.11.2016

Ngày duyệt bài: 1.12.2016

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang gia tăng nhanh chóng ở tất cả các khu vực trên thế giới. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2013 ghi nhận hơn 382 triệu người trên thế giới mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên tới 592 triệu người vào năm 2035 [4].

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 5,42% dân số, có khuynh hướng tiếp tục tăng nhanh, so sánh tỷ lệ mắc bệnh của năm 2002 là 2,7% và năm 2012 là 5,42% cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở Việt Nam trong 10 năm qua tăng tới 201%) [1].

Tăng cân và hạ đường huyết là những rào cản chính khi điều trị bệnh đái tháo đường. Để phòng tăng cân và hạ đường huyết, cách tốt nhất là xác định các yếu tố gây tăng cân và hạ đường huyết [8].

Hiện nay, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) khuyến cáo Metformin là thuốc được sử dụng đầu tiên điều trị đái tháo đường týp 2 vì: giảm đường huyết tốt, không gây tăng cân, không gây hạ đường huyết nặng, giá thành thấp [2].

Khi Metformin đơn trị liệu không hiệu quả thì phối hợp với thuốc thứ 2 có thể là Sulfamide, Insulin tuy giảm đường huyết tốt nhưng thường gây tăng cân, hạ đường huyết nặng. Gần đây, các thuốc hạ đường huyết nhóm ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) mới được đưa vào sử dụng có tác dụng tốt lên kiểm soát chuyển hóa glucose, ít có tác dụng phụ gây hạ đường huyết và không gây tăng cân.

Tại Tiền Giang bệnh nhân đái tháo đường và cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý có tỷ lệ mắc bệnh cao và tác dụng phụ khi điều trị đái tháo đường như tăng cân và hạ đường huyết khá nhiều. Đồng thời, ngành Y tế Tiền Giang đã bắt đầu sử dụng thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

Tuy nhiên, chưa có đề tài nào nghiên cứu về vấn đề nầy cho nên chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Đánh giá kết quả điều trị đái tháo đường týp 2 bằng Metformin và Vildagliptin tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Tiền Giang năm 2015” với mục tiêu như sau

: Đánh giá kết quả điều trị đái tháo đường týp 2 bằng Metformin và Vildagliptin tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Tiền Giang năm 2015.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân được điều trị đái tháo đường týp 2 và quản lý tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Tiền Giang từ tháng 5 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015.

2.2. Tiêu chí chọn mẫu: Chọn tất cả bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có tăng cân, hạ đường huyết đã được điều trị tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Tiền Giang; Đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.3. Tiêu chí loại trừ: Những bệnh nhân không trả lời phỏng vấn, không tỉnh táo, không có khả năng nghe, hiểu và trả lời những câu hỏi; Những bệnh nhân đang mắc các bệnh cấp tính, đang nằm viện, bị nhiễm trùng, bị bệnh lý ác tính, chấn thương tâm lý; Những bệnh nhân trong vòng 7 ngày trước đó có điều trị bằng những loại thuốc ảnh hưởng đến đường máu như thuốc corticoide, lợi tiểu thiazide, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc ngừa thai có chứa estrogen, đang mắc bệnh nội tiết khác; Bệnh nhân bỏ điều trị; Những bệnh nhân có tăng men gan (AST, ALT gấp > 2 lần, bệnh thận mạn (độ thanh thải Creatinin ước lượng < 60ml/phút), thiếu máu mạn (Hb < 10g/dl).

2.4. Phương pháp nghiên cứu:Mô tả cắt ngang có phân tích.

2.5. Phân tích xử lý số liệu nghiên cứu:Phần mềm SPSS 18.0.

2.6. Nội dung nghiên cứu:

Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị phối hợp Metformin và Vildagliptin đạt mục tiêu theo khuyến cáo ADA năm 2014(trước điều trị và sau điều trị 3 tháng, 6 tháng): HbA1c, Đường huyết lúc đói, Lipid máu (TG, LDL-c, HDL-c), Huyết áp (HATT, HATTr). Sự thay đổi trung bình của các chỉ số trước điều trị và sau điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: HbA1c, Đường huyết lúc đói, Lipid máu (TG, LDL-c, HDL-c), Huyết áp trung bình (HATT, HATTr). Tỷ lệ BN ĐTĐ bị tác dụng phụ của thuốc Metformin phối hợp Vildagliptin trong điều trị: Tăng cân, hạ đường huyết, rối loạn tiêu hoá, run, chóng mặt, nhức đầu, đau cơ, sốt, phù, tăng men gan.

III. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm của bệnh nhân trước điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

3.1.1. Giới

Bảng 3.1 Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới

3.1.2. Tuổi

Bảng 3.2 Đặc điểm tuổi của đối tượng nghiên cứu

3.1.3. Chỉ số khối cơ thể (BMI)

Bảng 3.3 Đặc điểm BMI của đối tượng nghiên cứu

3.2. Kết quả điều trị ĐTĐ Týp 2 bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

3.2.1. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu đường huyết đói và HbA1c theo khuyến cáo ADA 2014

Bảng 3.4 Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu đường huyết đói và HbA1c theo khuyến cáo ADA 2014

3.2.2 Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối họp Vildagliptin đạt mục tiêu lipid máu theo khuyến cáo ADA 2014

Bảng 3.5 Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu lipid máu theo khuyến cáo ADA 2014

3.2.3 Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu huyết áp theo khuyến cáo ADA 2014

Bảng 3.6 Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu huyết áp theo khuyến cáo ADA 2014

3.2.4. Sự thay đổi BMI của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

Bảng 3.7 Sự thay đổi BMI của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

3.3. So sánh giá trị TB của các chỉ số với mức khuyến cáo ADA 2014

Bảng 3.8 So sánh giá trị trung bình của một số chỉ số với mức khuyến cáo ADA 2014

3.4. Tác dụng phụ của thuốc điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

Không ghi nhận những tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Đặc biệt không gây tăng cân, hạ đường huyết.

IV. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm của bệnh nhân trước điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

Về giới tính trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi nam giới 70 chiếm tỷ lệ 86,4% nhiều hơn gấp 6,3 lần nữ giới 11 chiếm tỷ lệ 13,6%. Tuổi nhỏ nhất là 46, lớn nhất là 91, tuổi trung bình 63,3 ± 9,4. Bệnh nhân có BMI thấp nhất:17,6 kg/m2,  cao nhất 32 kg/m2, trung bình 24,9 ± 3 kg/m2. Trong đó bệnh nhân có BMI ≥ 23 kg/m2 chiếm tỷ lệ 71,6%.

4.2. Kết quả điều trị đạt mục tiêu khi phối hợp Metformin với Vildagliptin

4.2.1. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu theo khuyến cáo ADA 2014

Về chỉ số HbA1c đạt mục tiêu ở bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng đạt (60,5%; 35,8%; 64,2%). Như vậy sau điều trị 6 tháng bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu về chỉ số HbA1c tăng 3,7%. Như vậy, Vildagliptin có tác dụng cải thiện đường huyết khi được dùng kết hợp với Metformin được đánh giá về mặt lâm sàng bằng sự giảm rõ HbA1c. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p< 0,009).

Theo nghiên cứu của Xavier (2007) [10]: HbA1c đạt mục tiêu (< 7%) là 39,1% thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi vì trong nghiên cứu của chúng tôi có phối hợp thêm Metformin nên tỷ lệ HbA1c đạt mục tiêu cao hơn.

Về đường huyết lúc đói đạt mục tiêu ở bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng đạt (38,3%; 49,4%; 56,8%). Như vậy sau điều trị 6 tháng bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu về đường huyết lúc đói tăng 18,5%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p< 0,043).

Về triglycerid đạt mục tiêu ở bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng đạt (8,6%; 38,3%; 40,7%). Như vậy sau điều trị 6 tháng bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu về chỉ số triglycerid tăng 32,1%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p= 0,001).

Về LDL-c đạt mục tiêu ở bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng đạt (21,0%; 44,4%; 45,7%). Như vậy sau điều trị 6 tháng bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu về chỉ số LDL-c tăng 24,7%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p=0,020).

Về HDL-c đạt mục tiêu ở bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng đạt (56,8%; 72,8%; 76,5%). Như vậy sau điều trị 6 tháng bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu về chỉ số HDL-c tăng 19,7%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p=0,002).

Nghiên cứu của Matikainen (2006) [7]: Vildagliptin cải thiện lipid máu. Trong khi nghiên cứu của chúng tôi cũng có kết quả tương tự.

Về HATT, HATTr đạt mục tiêu ở bệnh nhân điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng đạt (69,1%, 97,5%, 100%; 28,4%, 38,3%, 42%). Như vậy sau điều trị 6 tháng bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu về chỉ số HATT tăng 30,9%, HATTr tăng 13,6%. Tuy nhiên chỉ có 100% bệnh nhân kiểm soát HATT đạt mục tiêu.

4.2.2. Sự thay đổi BMI của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

Sự thay đổi BMI của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin có BMI ≥ 23 kg/m2: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng (71,6%; 61,7%; 61,7%). Như vậy sau 6 tháng điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì BMI ≥ 23 kg/m2 giảm 9,9%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).

Sự thay đổi BMI của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin có BMI < 23kg/m2: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng (28,4%; 38,3%; 38,3%). Như vậy sau 6 tháng điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin thì BMI < 23 kg/m2 tăng lên 9,9%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (với
p<0,001).

Giá trị BMI trung bình của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin: trước khi điều trị, sau 3 tháng, sau 6 tháng (24,9 ± 3 kg/m2, 24,5 ± 3 kg/m2; 24,2 ±  3 kg/m2). Như vậy giá trị BMI trung bình sau 6 tháng điều trị giảm 0,7 kg/m2 .

Thừa cân béo phì giảm dần theo thời gian, điều này có lợi cho việc cải thiện hiệu quả điều trị ĐTĐ týp 2 cho bệnh nhân.

4.2.3. So sánh giá trị trung bình của các chỉ số sau điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin với mức khuyến cáo ADA 2014

So sánh với mức khuyến cáo ADA 2014, giá trị trung bình của các chỉ số: ĐH lúc đói, Triglycerid, LDL-c, trước điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin chưa đạt mục tiêu.  Sau 6 tháng điều trị thì giá trị trung bình HbA1c, đường huyết đói, LDL-c, HDL-c, HATT, HATTr đạt mục tiêu, triglycerid chưa đạt mục tiêu. Creatinin, AST, ALT không tăng.

Về HbA1c trong nghiên cứu của chúng tôi không ghi nhận giảm. Theo nghiên cứu của Bosi và cộng sự (2007) [3]: Vildagliptin 100 mg phối hợp Metformin 2000 mg/ngày: HbA1c giảm 1,1 ± 0,1%. Cao hơn nghiên cứu của chúng tôi có lẽ do mức nền HbA1c trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn.Về đường huyết lúc đói của nghiên cứu chúng tôi giảm 1,2 mmol/l. Sự khác biệt này có ý nghĩa thông kê với p< 0,001. Thấp hơn nghiên cứu của Bosi giảm là 1,7 ± 0,3 mmol/l và tương đương với nghiên cứu của Xavier (2007) [10]: đường huyết đói giảm 1,1± 0,3 mmol/l.

Về cân nặng trung bình giảm 1,99 kg. Theo nghiên cứu của Xavier (2007) [10]: cân nặng giảm 0,4 ± 0,3 kg thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi. Có lẽ do trọng lượng trong nhóm nghiên cứu cao hơn nhóm nghiên cứu của chúng tôi.

4.2.4. Tác dụng phụ của thuốc điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin

Mặc dù các tác dụng phụ của Metformin và Vildagliptin đã được ghi nhận trên lâm sàng như hạ đường huyết, rối loạn tiêu hoá, run, chóng mặt, nhức đầu, đau cơ, sốt xảy ra từ 10% đến 15% bệnh nhân theo Ulrike HostalekMike Gwilt (2015) [9]. Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi chưa ghi nhận những tác dụng phụ trong điều trị. Có thể do đối tượng nghiên cứu đã gặp phải với mức độ nhẹ nên họ không nhớ rõ rằng có xảy ra hay không hoặc có thể do cỡ mẫu trong nghiên cứu chúng tôi không đủ lớn và thời gian theo dõi chưa đủ dài để phát hiện ra các tác dụng phụ của Metformin và Vidagliptin. Đặc biệt không gây tăng cân và hạ đường huyết tương tự như nghiên cứu của Xavier (2007) [10].

V. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 81 bệnh nhân có biến chứng tăng cân, hạ đường huyết điều trị bằng Metformin phối hợp với Vildagliptin trong thời gian 6 tháng, tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2014 về các chỉ số: HbA1c đạt mục tiêu tăng 3,7%; đường huyết lúc đói đạt mục tiêu tăng 18,5%; triglycerid đạt mục tiêu tăng 32,1%; LDL-c đạt mục tiêu tăng 24,7%; HDL-c đạt mục tiêu tăng 19,7%; huyết áp tâm thu đạt mục tiêu tăng 30,9%, huyết áp tâm trương đạt mục tiêu tăng 13,6%. BMI ≥ 23 kg/m2 giảm 9,9%; BMI < 23 kg/m2 tăng 9,9%; BMI trung bình giảm 0,7kg/m2. Giá trị trung bình của các chỉ số: HbA1c, LDL-c, HDL-c, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương sau 6 tháng điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin đạt mục tiêu. Đường huyết lúc đói giảm 1,2 mmol/l. Creatinin, AST, ALT không tăng. Cân nặng trung bình giảm 1,99 kg sau 6 tháng điều trị. Chưa ghi nhận tác dụng phụ nào trên đối tượng nghiên cứu điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin, đặc biệt không ghi nhận biến chứng tăng cân và hạ đường huyết.

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Metformin là thuốc được sử dụng đầu tiên điều trị đái tháo đường týp 2, các thuốc hạ đường huyết nhóm ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) mới được đưa vào sử dụng có tác dụng tốt lên kiểm soát chuyển hóa glucose. Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị đái tháo đường týp 2 bằng Metformin và Vildagliptin tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Tiền Giang năm 2015. Đối tượng và Phương pháp: Mô tả cắt ngang có phân tích được tiến hành trên 81 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng cân, hạ đường huyết. Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu: HbA1c đạt mục tiêu tăng 3,7%; đường huyết lúc đói đạt mục tiêu tăng 18,5%; triglycerid đạt mục tiêu tăng 32,1%; LDL-c đạt mục tiêu tăng 24,7%; HDL-c đạt mục tiêu tăng 19,7%; huyết áp tâm thu đạt mục tiêu tăng 30,9%, huyết áp tâm trương đạt mục tiêu tăng 13,6%. Tỷ lệ bệnh nhân BMI ≥ 23 kg/m2 giảm 9,9%, BMI <23 kg/mtăng 9,9%; BMI trung bình giảm 0,7kg/m2 và giá trị trung bình của HbA1c, đường huyết lúc đói, LDL-c, HDL-c, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương đạt mục tiêu. Giá trị trung bình đường huyết lúc đói giảm 1,2 mmol/l và cân nặng trung bình giảm 1,99 kg. Các chỉ số Creatinin, AST, ALT không tăng. Chưa ghi nhận tác dụng phụ nào trên đối tượng nghiên cứu điều trị bằng Metformin phối hợp Vildagliptin, đặc biệt không ghi nhận biến chứng tăng cân và hạ đường huyết. Kết luận: Metformin và Vildagliptin có hiệu quả trong điều trị đái tháo đường týp 2.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (2014), “Kết quả hoạt động điều tra lập bản đồ dịch tể học bệnh ĐTĐ toàn quốc năm 2012 và xây dựng bộ công cụ đánh giá mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường dành cho người Việt Nam”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Nội tiết và chuyển hóa toàn quốc lần thứ VII, tr. 23.
  2. American Diabetes Association (2014), “Standards of Medical Care in Diabetes – 2014”, Diabetes Care, Vol. 37 (supp 1), pp. S14-S80.
  3. Bosi, Erika Rochotte, MSC2, Riccardo Paolo Camisasca et al (2007), “Effects of Vildagliptin on Glucose Control Over 24 Weeks in Patients With Type 2 Diabetes Inadequately Controlled With Metformin”, Diabetes Care, 30, pp. 890-895.
  4. International Diabetes Federation (2013), IDF Diabetes Atlas Sixth edition, pp. 1-155.
  5. Irene M Stratton, Amanda I Adler, H Andrew W Neil, et al (2000), “Association of glycaemia with macrovascular and microvascular complications of type 2 diabetes (UKPDS 35): prospective observational study”, BMJ,volume 321, 2000, pp. 405-412.
  6. Mafauzy M., FRCP (2005), “Diabetes Control and Complications in Private Primary Healthcare in Malaysia”, Med J Malaysia, 60, pp. 212- 217.
  7. Matikainen N., S. Manttari, A. Schweizer, et al (2006), “Vildagliptin therapy reduces postprandial intestinal triglyceride-rich lipoprotein particles in patients with type 2 diabetes”, Diabetologia, 49, pp. 2049-2057.
  8. Philip E. Cryer, Stephen N. Davis, Harry Shamoon (2003), “Hypoglycemia in Diabetes”, Diabetes Care, Vol. 26 (6), pp. 1902-1912.
  9. Ulrike HostalekMike Gwilt, and Steven Hildemann (2015), “Therapeutic Use of Metformin in Prediabetes and Diabetes Prevention”, Drugs 2015, 75(10), pp. 1071-1094.
  10. Xavier F. Pi-Sunyer, Anja Schweizer, David Mills, et al (2007), “Efficacy and tolerability of vildagliptin monotherapy in drug-naïve patients with type 2 diabetes”, Diabetes Research and Clinical Practice, 76, pp. 132-138.
  11. International Diabetes Federation. IDF Diabetes Atlas. 5th ed. Brussels, Belgium: International Diabetes Federation; 2011. http://www.idf.org/diabetesatlas/5e/diabetes. Accessed Aug 5, 2013.
  12. Kawamori R. Diabetes trends in Japan. Diabetes Metab Res Rev. 2002;18:S9–S13. doi: 10.1002/dmrr.296. [PubMed] [Cross Ref]
  13. Neville SE, Boye KS, Montgomery WS, Iwamoto K, Okamura M, Hayes RP. Diabetes in Japan: a review of disease burden and approaches to treatment. Diabetes Metab Res Rev. 2009;25:705–716. doi: 10.1002/dmrr.1012. [PubMed] [Cross Ref]
  14. Fukushima M, Usami M, Ikeda M, et al. Insulin secretion and insulin sensitivity at different stages of glucose tolerance: a cross-sectional study of Japanese type 2 diabetes. Metabolism. 2004;53:831–835. doi: 10.1016/j.metabol.2004.02.012. [PubMed] [Cross Ref]
  15. Japan Diabetes Clinical Data Management Study Group. HbA1c (NGSP) in 2008. Ibaraki. http://jddm.jp/data/index.html. Accessed Aug 10, 2013.
  16. Japan Diabetes Society, Treatment Guide for Diabetes edited by Japan Diabetes Society 2012–2013. Bunkodo Co. Ltd.; 2013.
  17. Kirpichnikov D, McFarlane SI, Sowers JR. Metformin: an update. Ann Intern Med. 2002;137:25–33. doi: 10.7326/0003-4819-137-1-200207020-00009. [PubMed] [Cross Ref]
Print Friendly, PDF & Email

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …