Đánh giá trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi tại bệnh viện nội tiết Nghê An

ĐÁNH GIÁ TRẦM CẢM Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CAO TUỔI

TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN

Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thanh Bình, Lê Anh Tú

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.

ABSTRACT

Objective: to evaluate depression and some related factors in elderly with type 2 diabetes mellitus. Subjects and Methods: A cross-sectional descriptive study included of 233 patients diagnosed with type 2 diabetes according to WHO – 2006. The subjects were interviewed by questionnaire and were assessed depression by GDS (Geriatric Depression Scale). Results: The average age of subjects was 67 ± 5.7, the ratio of female/male was 1.2. The average duration of diabetes was 7.1 ± 5.9 years. The rate of depression was 45.1%, 4.3% had severe depression, 11.6% had Moderate Depression and 29.2% had mild depression. There was a relationship between depression and age, gender and duration of type 2 diabetes. There was no correlation between depression and blood glucose and HbA1C levels. Conclusion: Age, gender, duration of type 2 diabetes were associated depression. Assessment of depression is important and should be conducted routinely in type 2 elderly diabetic persons.

Keywords: Type 2 diabetes mellitus, depression, GDS.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 cao tuổi. Đối tượng và phương pháp:  Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 233 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 được chẩn đoán theo tiêu chuẩn WHO 2006. Các bệnh nhân được phỏng vấn theo bộ câu hỏi thống nhất và tiến hành đánh giá trầm cảm bằng GDS (Geriatric Depression Scale). Kết quả: Tuổi trung bình: 67 ± 5,7, tỉ lệ nữ/nam là 1,2, thời gian mắc bệnh ĐTĐ trung bình 7,1 ± 5,9 năm. Tỷ lệ trầm cảm là 45,1%, 4,3% có trầm cảm nặng, 11,6% có trầm cảm trung bình và 29,2% có trầm cảm nhẹ. Trầm cảm có liên quan với tuổi, giới, thời gian mắc bệnh đái tháo đường týp 2. Không có mối liên quan giữa trầm cảm chức năng và mức độ kiểm soát glucose máu và HbA1c. Kết luận: Tuổi, giới, thời gian mắc bệnh đái tháo đường có mối liên quan với trầm cảm. Đánh giá trầm cảm là quan trọng và nên được tiến hành thường quy đối với bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cao tuổi.

Từ khóa: Đái tháo đường typ 2 cao tuổi, trầm cảm, GDS.

Chịu trách nhiệm chính: Lê Anh Tú

Ngày nhận bài: 1/10/2017

Ngày phản biện khoa học: 01/11/2017

Ngày duyệt bài: 07/11/2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trầm cảm là vấn đề sức khỏe được quan tâm trên người cao tuổi. Đánh giá trầm cảm là một trong những thành phần quan trọng trong đánh giá lão khoa toàn diện [1]. Một số nghiên cứu cho thấy, trầm cảm có mối liên quan với nhiều yếu tố trong đó có tuổi, thời gian mắc bệnh và mức độ kiểm soát glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi [2],[ 3].

Đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 là bệnh thường gặp trên người cao tuổi và được xếp thứ sáu trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi [4]. Sự hiện diện của bệnh ĐTĐ làm tăng gấp đôi tỷ lệ trầm cảm đang phát triễn [5], trầm cảm có thể liên quan với kiểm soát bệnh ĐTĐ ngày càng kém và giảm tuân thủ điều trị.

Phát hiện trầm cảm là dấu hiệu riêng dự báo quan trọng nhất của tử vong đến sau ở nhóm các bệnh nhân ĐTĐ nhập viện và thất bại trong việc nhận ra trầm cảm có thể nghiêm trọng vì nó là một mối đe dọa tính mạng trong thời gian dài, khó kiểm soát bệnh tật và tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân [6].

Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về trầm cảm ở người cao tuổi nói chung, tuy nhiên nghiên cứu về trầm cảm trên đối tượng người cao tuổi có đái tháo đường còn khá hạn chế. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu đánh giá trầm cảm và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 cao tuổi.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường týp 2 đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Tiêu chuẩn chọn: các đối tượng từ 60 tuổi trở lên được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-2006) [7] đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân có rối loạn ý thức nặng, không hồi phục, không có khả năng giao tiếp được; đang dùng các thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, các thuốc khác có nguy cơ gây trầm cảm: corticoid, thuốc chống lao, thuốc hạ áp (reserphin, methyldopa, clonidin).

2.2. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

2.3. Các biến số nghiên cứu

Các biến số về thông tin chung của bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi: tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn. Đánh giá trầm cảm bằng thang điểm đánh giá trầm cảm ở người cao tuổi – GDS (Geriatric Depression Scale). Các yếu tố liên quan: nồng độ glucose máu (phân thành nhóm kiểm soát đường máu tốt – glucose máu ≤ 7,2 mmol/l và nhóm kiểm soát đường máu không tốt -glucose máu > 7,2 mmol/l), HbA1C (phân thành nhóm kiểm soát tốt HbA1C < 7% và nhóm kiểm soát không tốt HbA1C ≥ 7%), thời gian mắc bệnh ĐTĐ (phân thành ba nhóm < 5 năm, 5-10 năm và > 10 năm).

2.4. Phương pháp thu thập số liệu

Bệnh nhân được hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm và tiến hành đánh giá trầm cảm theo mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất nhằm đánh giá các chỉ tiêu nghiên cứu.

Sử dụng thang điểm đánh giá trầm cảm ở người cao tuổi – GDS (Geriatric Depression Scale) để đánh giá trầm cảm cho bệnh nhân.

Thang điểm đánh giá trầm cảm ở người cao tuổi-GDS [8],[ 9]

Phỏng vấn đối tượng nghiên cứu lần lượt từng câu hỏi trong 15 câu hỏi của thang điểm đánh giá trầm cảm GDS, mỗi câu hỏi có đáp án “có” hoặc “không” để bệnh nhân trả lời, khoanh vòng hoặc gạch chân vào đáp án “có” hoặc “không” tương ứng với câu trả lời của bệnh nhân.  Câu trả lời là “có” ở các câu 2,3,4,6,8,9,10,12,14,15 được in đậm và câu trả lời là “không” ở các câu 1,5,7,11,13 được in đậm. Mỗi câu trả lời in đậm được tính 1 điểm.

Đánh giá kết quả: Thang điểm tối đa cho đánh giá này là 15 điểm. Từ 0-5 điểm: bình thường. Từ 6-8 điểm: trầm cảm nhẹ (Mild Depression). Từ 9-11 điểm: trầm cảm trung bình (Moderate Depression). Từ 12-15 điểm: trầm cảm nặng (Severe Depression)

2.5. Xử lý số liệu

Các số liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê y học SPSS 16.0. Sử dụng các thuật toán: tính tỷ lệ phần trăm, tính giá trị trung bình. Thống kê phân tích được thực hiện thông qua các test: khi bình phương để so sánh các tỷ lệ, Mann-Whitney test đối với so sánh 2 nhóm và Kruska Wallis test đối với so sánh 3 nhóm. Phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng để khảo sát mối tương quan giữa các biến. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung

Tổng số có 233 bệnh nhân ĐTĐ typ 2, nữ gồm 127 người chiếm 54,5% cao hơn nam (106 người chiếm 45,5%). Tỉ lệ nữ/nam = 1,2. Tuổi trung bình là 67 ± 5,7; nhóm tuổi 60-69 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (70,8%), nhóm tuổi ≥ 80 tuổi có tỷ lệ thấp nhất (5,2%). Thời gian mắc bệnh trung bình là 7,1 ± 5,9 năm; phần lớn bệnh nhân có thời gian phát hiện ĐTĐ từ 5 năm trở lên (57,5%). Có 66 bệnh nhân có nồng độ glucose máu ≤ 7,2 mmol/l chiếm tỷ lệ 28,3% và 58 bệnh nhân có HbA1c < 7% chiếm 24,9%.

3.2. Kết quả đánh giá trầm cảm

Bảng 1. Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi

Điểm GDS trung bình là 5,5 ± 3,1; số đối tượng có trầm cảm là 45,1%; có 29,2% bị trầm cảm nhẹ, 11,6% bị trầm cảm trung bình và 4,3% bị trầm cảm nặng.

3.3. Trầm cảm và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi

Bảng 2. Trầm cảm và mối liên quan với tuổi

Nhóm tuổi ≥ 80 tuổi có tỷ lệ trầm cảm cao nhất (66,7%), tỷ lệ trầm cảm ở nhóm tuổi 70-79 tuổi là 66,1%, và nhóm 60-69 tuổi có tỷ lệ trầm cảm thấp nhất (36,4%). Sự khác biệt có ý nghĩa (p < 0,05).

Bảng 3. Trầm cảm và mối liên quan với giới

Nữ có tỷ lệ bị trầm cảm là 51,2% cao hơn so với nam (37,7%), khác biệt có ý nghĩa (p= 0,04; OR = 1,73; 95% CI: 1,02-2,92).

Bảng 4. Trầm cảm và mối liên quan với thời gian mắc ĐTĐ

Điểm trung bình GDS có mối liên quan với thời gian mắc bệnh ĐTĐ: nhóm có thời gian mắc bệnh trên 10 năm có điểm trung bình GDS cao nhất (6,23 ± 2,35), tiếp theo là nhóm có thời gian mắc bệnh 5-10 năm (5,45 ± 3,48), nhóm có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm có điểm trung bình GDS thấp nhất (4,92 ± 2,91), p < 0,05.

Bảng 5. Trầm cảm và mối liên quan với nồng độ glucose máu và HbA1C

Tỷ lệ bị trầm cảm ở nhóm có glucose máu > 7,2 mmol/l là 42,5% không khác biệt so với nhóm glucose máu ≤ 7,2 mmol/l (51,5%) (p > 0,05). Tỷ lệ bị trầm cảm ở nhóm bệnh nhân có HbA1c ≥ 7% là 48,6% cao hơn không có ý nghĩa so với nhóm có HbA1c < 7% (34,5%) (p > 0,05).

Bảng 6. Tương quan giữa tuổi, thời gian mắc bệnh, nồng độ glucose máu,

HbA1c với điểm GDS

Tuổi, thời gian mắc bệnh có mối tương quan thuận so với điểm đánh giá trầm cảm GDS (r >0,3; p < 0,05). Không có mối tương quan giữa nồng độ Glucose máu lúc đói và HbA1c với điểm đánh gía trầm cảm GDS (r<0,3; p > 0,05).

IV. BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có tuổi trung bình là 67 ± 5,7 tuổi. Nhóm tuổi 60 –  69 chiếm tỷ cao nhất 70,8%, nhóm tuổi từ 80 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp nhất 5,2%, nhóm tuổi từ 70 – 79 chiếm 24%. Tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với một số nghiên cứu của các tác giả tiến hành trên đối tượng bệnh nhân cao tuổi tại Việt Nam: nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hương, bệnh nhân được lựa chọn là tất cả các bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên tại Bệnh viện lão khoa Trung ương, tuổi trung bình của bệnh nhân là 70,2 ± 6,7, nhóm tuổi 60 – 69 chiếm tỷ cao nhất 49% [10] và nghiên cứu của Dương Thị Liên có tuổi trung bình là 69,3 ± 6,3 tuổi, nhóm tuổi 60 –  69 chiếm tỷ lệ cao nhất 57,4%, nhóm tuổi từ 80 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp nhất 4,9% [11].

Tỷ lệ nữ giới trong nghiên cứu của chúng tôi gồm 127 người chiếm 54,5% cao hơn nam (106 người chiếm 45,5%). Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Dương Thị Liên [11], Lê Anh Tú [12] nghiên cứu mô tả cắt ngang trên bệnh nhân Đái tháo đường typ 2 cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Thời gian mắc bệnh đái tháo đường trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 7,1±5,9 năm, trong đó đa số mắc ĐTĐ từ 5 năm trở lên (57,5%), cũng tương tự nghiên cứu của Dương Thị Liên là 6,3 ± 5,4 năm [11], trong đó đa số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh từ 5 năm trở lên (65,3%), Lê Anh Tú [12] có thời gian mắc ĐTĐ trung bình 6,6±3,5 năm, trong đó đa số mắc ĐTĐ từ 5 năm trở lên (68,9%).

Tỷ lệ trầm cảm trong nghiên cứu của chúng tôi là 45,1%, cũng tương tự với một số kết quả nghiên cứu của các tác giả: Bagher Larijani [3] tại Iran cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 là 41,9% và nghiên cứu của De la Roca-Chiapas JM [13] trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 từ 40-60 tuổi tại Mexico cho thấy tỷ lệ trầm cảm là 44,6%. Tại Việt Nam, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Công [14] có tỷ lệ trầm cảm là 52,5%; tác giả Lê Anh Tú [12] nghiên cứu trên đối tượng ĐTĐ typ 2 ≥ 60 tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy tỷ lệ bị trầm cảm là 53%.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tuổi càng cao bệnh nhân càng có khả năng mắc trầm cảm cao hơn (r = 0,412, p < 0,05). Tỷ lệ bị trầm cảm cao nhất ở nhóm tuổi ≥ 80 tuổi (66,7%), tiếp đến là nhóm 70-79 tuổi (66,1%) và thấp nhất ở nhóm 60-69 tuổi (36,4%) (p < 0,05). Kết quả của chúng tôi tương tự với Isabella Buber [15] khi tiến hành phân tích kết quả từ cuộc điều tra về y tế, lão hóa và hưu trí ở Châu âu – SHARE (Survey of Health, Ageing and Retirement in Europe) đã chỉ ra rằng mức độ trầm cảm gia tăng theo tuổi và giới, trong đó nữ giới có mức độ trầm cảm cao hơn nam, nghiên cứu của Lê Anh Tú [12] cho thấy tuổi có mối liên quan với trầm cảm, theo đó tuổi càng cao thì nguy cơ bị trầm cảm càng cao (r=0,419, p <0,05).

Chúng tôi nhận thấy nữ giới có tỷ lệ bị trầm cảm cao hơn so với nam (51,2% và 37,7%; p < 0,05; OR: 1,73; 95% CI: 1,02-2,92). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả Bagher Larijani [3], Nguyễn Hữu Công [14], Lê Anh Tú [12].

Thời gian mắc bệnh đái tháo đường đã được chứng minh là có liên quan đến trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi, bệnh nhân có thời gian mắc bệnh lâu có nguy cơ trầm cảm cao hơn so với nhóm có thời gian mắc bệnh ngắn hơn [2], [12].

Nghiên cứu của chúng tôi cũng có kết quả tương tự, điểm GDS có mối tương quan thuận với thời gian mắc ĐTĐ.Chúng tôi phân nhóm kiểm soát nồng độ glucose máu theo Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA 2017) [16].

Qua nghiên cứu không nhận thấy có mối liên quan giữa mức độ kiểm soát đường huyết với trầm cảm. Tỷ lệ bị trầm cảm ở nhóm glucose máu > 7,2 mmol/l và HbA1c ≥ 7 % là 42,5% và 48,6%, không khác biệt so với nhóm glucose máu ≤ 7,2 mmol/l (51,5%; p > 0,05) và nhóm có HbA1c < 7% (34,5%; p > 0,05). Kết quả của chúng tôi khác với một số nghiên cứu của các tác giả: Bagher Larijani [3], De la Roca-Chiapas JM [13] đều nhận thấy mối liên quan có ý nghĩa giữa kiểm soát đường huyết và trầm cảm.

V. KẾT LUẬN

Trầm cảm gặp nhiều ở nữ giới và có mối liên quan tỷ lệ thuận với tuổi, thời gian mắc bệnh đái tháo đường, tuy nhiên không có mối liên quan với mức độ kiểm soát glucose máu và HbA1c ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi. Đánh giá trầm cảm có ý nghĩa trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cao tuổi, cần được tiến hành khi bệnh nhân tới khám, nhập viện và trong quá trình theo dõi điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bernabei R và các cộng sự (2000), “The comprehensive geriatric assessment: when, where, how., Crit Rev Oncol Hematol. 33, tr. 45-56.
  2. Almeida OP và các cộng sự (2016), “Duration of diabetes and its association with depression in later life: The Health In Men Study (HIMS), Maturitas. 86: 3-9.
  3. Bagher Larijani, Maryam Khoram Shahi Bayat và Mahboubeh Khalili Gorgani (2004), “Association Between Depression and Diabetes, German Journal of Psychiatry (ISSN 1433-1055).
  4. Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Hải Hằng (2008), Mô hình bệnh tật của người cao tuổi điều trị tại Viện lão khoa quốc gia năm 2008, Luận án tốt nghiệp Đại học, Đại học Y Dược Hà Nội, Hà Nội.
  5. Anderson RJ và các cộng sự (2001), “The prevalence of comorbid depression in adults with diabetes: a meta-analysis, Diabetes Care. 24(6):1069-78.
  6. Egede LE, Zheng D và Simpson K (2002), “Comorbid depression is associated with increased health care use and expenditures in individuals with diabetes, Diabetes Care. 25(3):464-70.
  7. World Health Organization (2006), Definition, Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus and its Complications: Report of a WHO Consultation. Part 1: Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus, Geneva.
  8. Joseph A. Bianco và Tracy L. Marx (2011), “Depression and diabetes in older adults, DOs Against DIABETES.
  9. S.A Greenberg (2007), “How to Try This: The Geriatric Depression Scale: Short Form, AJN. 107(10), 60-69.
  10. Nguyễn Thị Thu Hương (2013), Nghiên cứu rối loạn chuyển hóa lipid ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi, Khóa luận tốt nghiệp bác sỹ y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.
  11. Dương Thị Liên (2014), Đánh giá khả năng tự tiêm insulin ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi bằng trắc nghiệm vẽ đồng hồ, Luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Nội.
  12. Lê Anh Tú (2016), Đánh giá lão khoa toàn diện ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Luận văn Thạc sỹ Y học, Đại học Y Hà Nội.
  13. De la Roca-Chiapas JM, Hernández-González M và Candelario M (2013), “Association between depression and higher glucose levels in middle-aged Mexican patients with diabetes, Rev Invest Clin. 65(3):209-13.
  14. Nguyễn Hữu Công và Tô Thị Hồng Liên (2013), “Tỷ lệ trầm cảm và các yếu tố liên quan đến trầm cảm trên bệnh nhân Parkinson, Y học TP.Hồ Chí Minh. 17 (1): 109-114.
  15. Isabella Buber và Henriette Engelhardt (2011), “The Association between Age and Depressive Symptoms among Older Men and Women in Europe. Findings from SHARE, Comparative Population Studies –Zeitschrift für Bevölkerungswissenschaft. 36, 1 (2011): 103-12.
  16. American Diabetes Association (ADA) (2017), “STANDARDS OF MEDICAL CARE IN DIABETES, Diabetes Care. Vol. 40, Supplement 1, January 2017.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …