Dịch tễ học và một số yếu tố nguy cơ với bệnh đái tháo đường tại tỉnh Phú Yên

DỊCH TỄ HỌC VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ NGUY CƠ

VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI TỈNH PHÚ YÊN

Trần Duy Thuần, Ngô Đức Thịnh

Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên

ABSTRACT

Aim: To estimate the prevalence of type 2 diabetes in the Phu Yen population, and degree associated with its risk factors. Method: The study was designed as a cross-sectional investigation with 1116 men and 1134 women, who were aged between 30 and 69 in Phu Yen province in the 2015 – 2016 period. The participants were interviewed for demographic information (age, gender, ethnicity, occupation…), personal and familial history related to non-communicable diseases, lifestyle factors; and also taken anthropometric measurements (BMI, waist circumference). The ADA diagnostic criteria were used to determine the type 2 diabetes. Logistic regression model was used to develop prognostic model for the community. The prognostic performance of the model was assessed by the AUC and the type 2 diabetes risk assessment form was constructed from the logistic regression model. Results: The prevalence of type 2 diabetes was 4.36% and prediabetes was 40.2%. Risk of diabetes development increased in group aged over 45 (OR: 2.72; 95% CI 1.48 – 4.72); diabetes related familial history (OR 2.72; 95% CI 1.51-4.90); hypertension (OR 3.29; 95% CI 2.05-5.30); overweight and obesity (OR 2.28; 95% CI 1.30-3.99) high WC (OR 2.01; 95% CI 1.13-3.55). The AUC for the model was 0.83; ≥ 5 score cut-off, with a sensitivity of 86.7% and specificity of 63.0%. Conclusions: These data suggest that combination of age, diabetes related familial history, waist circumference, hypertension could help identify individuals at high risk undiagnostic diabetes in Phu Yen province. Type 2 diabetes risk assessment form can be implemented easily at communal at health stations.

Chịu trách nhiệm chính: Trần Duy Thuần

Ngày nhận bài: 6/7/2017

Ngày phản biện khoa học: 21/7/2017

Ngày duyệt bài: 31/7/2017

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa có cơ chế bệnh sinh phức tạp, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính kèm theo các rối loạn chuyển hoá lipid, protid và glucid, do cơ thể sản xuất không đủ insulin, hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, hoặc cả hai. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hiện đang là một bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên toàn cầu [16]. Tại Việt Nam, tình hình mắc bệnh ĐTĐ cũng đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, từ 2,7% (năm 2002) [1] lên 5,42% (năm 2012) [9]. Hậu quả của việc thay đổi nhanh chóng các yếu tố kinh tế – xã hội như tuổi thọ tăng khiến dân số già đi, quá trình đô thị hoá, lối sống ít hoạt động thể lực, môi trường sống và làm việc căng thẳng, chế độ ăn không cân đối, nhiều mỡ, nhiều đường, ít rau quả, bệnh béo phì,… là những yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ [12],[13],[14].

IDF đã xếp các yếu tố nguy cơ đối với bệnh ĐTĐ thành 2 nhóm: các yếu tố không thay đổi được gồm: tuổi, giới, chủng tộc, tiền sử gia đình ĐTĐ, tiền sử thai kỳ liên quan ĐTĐ, hội chứng buồng trứng đa nang và các yếu tố thay đổi được gồm: quá cân, béo phì, lối sống tĩnh tại, ít hoạt động, rối loạn glucose máu lúc đói, suy giảm dung nạp glucose, hội chứng chuyển hoá, các yếu tố dinh dưỡng,…[12].

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ týp 2 ở người 30 đến 69 tuổi tại tỉnh Phú Yên năm 2015 – 2016, mức độ liên quan của một số yếu tố nguy cơ (YTNC) với bệnh ĐTĐ týp 2 và đề xuất thang điểm nguy cơ ĐTĐ týp 2 tại địa phương.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đây là một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện năm 2015 – 2016 tại Phú Yên. Để có 95% tin cậy xác định được tỷ suất hiện mắc ĐTĐ là 5,42% [9], với sai số cho phép 5%, cỡ mẫu được ước lượng là 735 người.

Để có 80% khả năng xác định được nguy cơ mắc ĐTĐ của một người có YTNC là cao gấp 2,4 lần so với một người không có YTNC [9], ở mức ý nghĩa 5%, cỡ mẫu được ước lượng là 732. Tất cả có 2.250 người 30 – 69 tuổi được chọn bằng phương pháp phân tầng tỷ lệ với dân số ở 3 vùng sinh thái trong toàn tỉnh. Biến số phụ thuộc của nghiên cứu là mắc bệnh ĐTĐ. Những biến số yếu tố nguy cơ gồm có tuổi ≥ 45, tiền sử thai kỳ liên quan ĐTĐ, tiền sử gia đình bị ĐTĐ, tăng huyết áp, quá cân, béo phì, vòng bụng có nguy cơ, ít hoạt động thể lực. Các biến số kiểm soát là các đặc tính sinh học, xã hội (tuổi, giới, dân tộc, vùng sinh thái cư trú của đối tượng).

Đối tượng đã chọn được phỏng vấn, cân đo các chỉ số nhân trắc và xét nghiệm glucose máu mao mạch bằng máy và que thử OnCall Plus (Mỹ).

Những số thống kê được tính gồm: tỷ lệ mắc ĐTĐ và tiền ĐTĐ, phân bố theo các đặc tính sinh học, xã hội. Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ với mắc bệnh ĐTĐ được xác định bằng phép kiểm χ2; ước lượng mức độ liên quan bằng tỷ số số chênh (OR) và khoảng tin cậy 95% (KTC95%). Phân tích đa biến sử dụng hồi qui logistic.

III. KẾT QUẢ

Bảng 1. Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở Phú Yên theo các đặc tính sinh học, xã hội

Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở nhóm 30-39 tuổi là 1,56%; tăng dần đến 3,44% ở nhóm 40-49 tuổi; tăng nhanh đến 7,34% ở nhóm 50-59 tuổi và 7,89% ở nhóm 60-69 tuổi (Bảng 1). Khi phân nhóm mỗi 5 tuổi, tỷ lệ mắc ĐTĐ tăng nhanh đột ngột từ nhóm 45-49 tuổi (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1. Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở tỉnh Phú Yên năm 2015-2016 theo các nhóm tuổi

Tỷ lệ ĐTĐ ở nữ cao hơn nam (tương ứng là 5,64% và 3,05%), ở dân tộc Kinh cao hơn ở các dân tộc khác (tương ứng là 4,45% và 3,26%). Tỷ lệ mắc ĐTĐ tại các vùng đồng bằng, ven biển, miền núi lần lượt là: 4,53%; 5,20%; 3,33% và toàn tỉnh là 4,36% (Bảng 1).

Bảng 2. Phân bố tiền ĐTĐ ở Phú Yên theo các đặc tính sinh học, xã hội


Xét trong số người không mắc ĐTĐ, tiền ĐTĐ ở nhóm 30-39 tuổi là 29,8%; tăng nhanh đến 41,2% ở nhóm 40-49 tuổi; tăng đến 48,6% ở nhóm 50-59 tuổi và 49,0% ở nhóm 60-69 tuổi. Tiền ĐTĐ phân bố ở nữ cao hơn nam (tương ứng là 46,4% và 34,0%); ở dân tộc Kinh (41,0%) cao hơn ở các dân tộc ít người khác (31,5%).

Tiền ĐTĐ phân bố tại miền núi là 36,4%, thấp hơn so với vùng đồng bằng (42,9%) và khu vực ven biển (41,6%) (Bảng 2).

Bảng 3. Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ với ĐTĐ


* p < 0,05; OR đc: OR điều chỉnh

­­Kết quả phân tích hồi quy logistic cho thấy, sau khi điều chỉnh theo các đặc tính nhân khẩu, nguy cơ ĐTĐ ở những người từ 45 tuổi trở lên cao gấp 2,64 lần nhóm người dưới 45 tuổi và người có tiền sử gia đình bị ĐTĐ cao gấp 2,72 lần so với người không có tiền sử. Tăng huyết áp làm tăng tỷ lệ ĐTĐ gấp 3,29 lần. Trong khi đó, quá cân béo phì làm khả năng bị ĐTĐ tăng 2,28 lần và vòng bụng có nguy cơ làm tăng khả năng mắc ĐTĐ lên 2,01 lần. Mối liên quan giữa tình trạng ít hoạt động thể lực, tiền sử thai kỳ và ĐTĐ không được phát hiện trong nghiên cứu này (Bảng 3).

Bảng 4. Điểm nguy cơ đề xuất mô hình đánh giá nguy cơ ĐTĐ tại Phú Yên

Tổng số điểm tối đa là 15 điểm.

Biểu đồ 2. Đường ROC của mô hình thang điểm đánh giá nguy cơ ĐTĐ

Đường cong ROC của mô hình cho biết khả năng phát hiện được người mắc ĐTĐ với diện tích dưới đường cong (AUC ROC) là 0,8310 (Biểu đồ 2).

Bảng 5. Độ nhạy và độ đặc hiệu của mô hình theo các ngưỡng giá trị

Có 881 người (39,16%) ở giá trị ngưỡng xác định nguy cơ ĐTĐ ≥ 5 điểm, với độ nhạy là 86,73% và độ đặc hiệu là 63,01% (Bảng 5).

IV. BÀN LUẬN

1.Tình hình mắc ĐTĐ ở người 30 – 69 tuổi tỉnh Phú Yên

Tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ ở người 30 – 69 tuổi trong toàn tỉnh Phú Yên vào năm 2015 – 2016 là 4,36% (Bảng 1), thấp hơn tỷ lệ mắc ĐTĐ khu vực Duyên hải miền Trung (6,37%) và toàn quốc (5,42%) [9], cũng như dự đoán tỷ lệ mắc ĐTĐ tại Việt Nam vào năm 2015 của IDF và WHO (5,6%) [12],[16].

Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở Phú Yên cao hơn ở Điện Biên (3,52%; năm 2012) [8], Hà Nam (3,7%; năm 2011) [15], nhưng thấp hơn ở Hải Phòng (5,2%; 2012) [4], Quảng Ngãi (5,5%; 2011) [6], Khánh Hoà (5,9%; 2010) [3]. Tỷ lệ mắc ĐTĐ phần nào phản ảnh sự khác biệt về phát triển kinh tế xã hội, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa cũng như khác biệt về lối sống giữa các vùng miền trong cả nước.

Xu hướng mắc ĐTĐ tăng dần theo nhóm tuổi (Bảng 1). Điều này cũng phù hợp với số liệu báo cáo từ các nghiên cứu khác [1],[3],[9],[14], cũng như số liệu của IDF và WHO [12],[16]. Đặc biệt, khi phân theo nhóm mỗi 5 tuổi, tỷ lệ ĐTĐ tăng nhanh đột ngột từ nhóm 45–49 tuổi (Biểu đồ 1).

Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở nữ (5,64%) cao hơn nam (3,05%) có ý nghĩa kê (Bảng 1). Trong các nghiên cứu trước, tuỳ thuộc các nhóm dân cư khác nhau, tỷ lệ mắc ĐTĐ cũng khác nhau ở hai giới, nhưng hầu như chỉ có khác biệt nhỏ [1],[16]. Nguyên nhân được cho là do tại Phú Yên, tỷ lệ các YTNC như quá cân, béo phì vòng bụng nguy cơ, tình trạng ít hoạt động thể lực ở nữ cao hơn ở nam một cách có ý nghĩa.

Điều này góp phần phản ánh sự tương tác phức tạp giữa yếu tố sinh học, chủng tộc, văn hoá, lối sống, môi trường,… đối với phát sinh bệnh ĐTĐ. Khi phân tích đa biến theo mô hình hồi quy logistic, tỷ lệ mắc ĐTĐ giữa hai giới, giữa dân tộc Kinh và dân tộc khác khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) (Bảng 3).

Tương tự như một số điều tra trước [2],[9],[6], tỷ lệ mắc ĐTĐ ở Phú Yên năm 2015–2016 thay đổi khác nhau giữa các vùng sinh thái (Bảng 1), điều này phần nào phản ánh tốc độ phát triển kinh tế và đời sống của người dân ở các vùng khác nhau.

2.Tình hình tiền ĐTĐ ở người 30 – 69 tuổi tỉnh Phú Yên

Tỷ lệ hiện mắc tiền ĐTĐ ở đối tượng 30 – 69 tuổi tỉnh Phú Yên vào năm 2015 – 2016 là 40,2% (Bảng 2), cao hơn điều tra toàn quốc năm 2008 (33,6%) [2] và ở Quảng Ngãi năm 2011 (21,4%)[6]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng điểm cắt glucose máu lúc đói ≥ 5,6 mmol/l để xác định các trường hợp tiền ĐTĐ (phân biệt những người bình thường và người tiền ĐTĐ), trong khi đó, các tác giả khác sử dụng ngưỡng glucose máu lúc đói ≥ 6,1 mmol/l.

Tương tự tình hình mắc ĐTĐ, tỷ lệ tiền ĐTĐ tại Phú Yên cũng theo xu hướng tăng dần theo tuổi và tại khu vực miền núi thấp hơn vùng đồng bằng và ven biển (Bảng 2). Ngược lại, tỷ lệ tiền ĐTĐ tại Phú Yên ở giới nữ (46,4%) cao hơn nam (34,0%) có ý nghĩa thống kê (với p < 0,0001) (Bảng 2).

Một vấn đề đáng lưu ý trong dự phòng ĐTĐ là những người tiền ĐTĐ có thể trì hoãn chậm quá trình tiển triển thành ĐTĐ hoặc tránh hoàn toàn khởi phát ĐTĐ với 3 chiến lược đơn giản: giảm cân hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực (tập thể dục) và thực hiện chế độ ăn lành mạnh [15].

3. Liên quan giữa các YTNC và ĐTĐ

Các YTNC ĐTĐ đã được ghi nhận trong y văn cũng như trong nhiều tài liệu, nghiên cứu khác. Đây là điều tra cắt ngang, chúng tôi không xác định YTNC mà chỉ đánh giá mức độ liên quan giữa các YTNC với ĐTĐ và tiền ĐTĐ tại tỉnh Phú Yên.

Tuổi là YTNC chính của ĐTĐ týp 2 [18], nguy cơ mắc ĐTĐ của nhóm người từ 45 tuổi trở lên tăng gấp 2,64 lần so với nhóm người dưới 45 tuổi (Bảng 3). Tuổi cao, chức năng tụy nội tiết bị suy giảm, khả năng tiết insulin của tụy cũng bị giảm, đồng thời giảm nhạy cảm của tế bào đích với các kích thích của insulin [1]. Mối liên quan này cũng đã được nhiều tác giả đề cập đến với mức độ liên quan thay đổi từ 1,3 đến 4,42, tuỳ theo tác giả và tuỳ từng địa phương [1],[4],[9].

Sở dĩ kết quả khác nhau như vậy, theo chúng tôi, là do đối tượng nghiên cứu không giống nhau, nhóm tuổi so sánh không đồng nhất nhau, cơ cấu tuổi trong từng dân số khác nhau, cũng như hành vi, lối sống,… của từng địa phương không giống nhau. Nghiên cứu này, chúng tôi điều tra trên nhóm đối tượng 30 – 69 tuổi và so sánh giữa nhóm ≥ 45 tuổi và nhóm < 45 tuổi.

Yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong ĐTĐ týp 2. Nguy cơ mắc ĐTĐ của những người có người thân trong gia đình bị ĐTĐ tăng gấp 2,72 lần so với người không có tiền sử gia đình bị ĐTĐ (Bảng 3). Kết quả này tương tự với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, thay đổi từ 1,5 đến 4,2 lần [1],[4],[9],[15].

Những người tăng huyết áp có nguy cơ mắc ĐTĐ cao hơn người bình thường khoảng 3,3 lần (Bảng 3). Kết quả này tương tự như nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, thay đổi từ 1,57 đến 3,45 lần, tuỳ theo tác giả, tuỳ theo địa phương và tuỳ theo dân số nghiên cứu [4],[6],[9],[15].

Tăng huyết áp và ĐTĐ có mối liên quan lẫn nhau và thường song hành nhau, bệnh này có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh kia [7],[15] và cả hai bệnh đều có liên quan đến các yếu tố như béo phì, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn nhiều chất béo,… Do đó, kế hoạch phòng chống ĐTĐ cần phải đồng hành cùng với phòng chống tăng huyết áp.

Quá cân béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) làm tăng khả năng bị ĐTĐ lên 2,28 lần so với người bình thường (Bảng 3). Mối liên quan này cũng đã được nhiều tác giả ghi nhận [6],[9],[14], cho thấy nguy cơ mắc ĐTĐ ở những người quá cân, béo phì cao gấp từ 1,47 đến 2,7 người có cân nặng bình thường. Một số tác giả nước ngoài sử dụng phân loại quá cân khi BMI ≥ 25 kg/m2 và béo phì khi BMI ≥ 27,5 kg/m2 hoặc BMI ≥ 30 kg/m2 [11], trong khi chúng tôi sử dụng phân loại của IDF có hiệu chỉnh theo khu vực châu Á [1],[5],[12],[16]. Do đó, tỷ lệ quá cân, béo phì ghi nhận được cũng như mức độ liên quan với ĐTĐ sẽ có khác nhau.

BMI là chỉ số chính dùng để xác định tình trạng quá cân, béo phì. BMI phản ảnh tình trạng mỡ chung toàn cơ thể gồm mỡ tạng, tay, chân, đùi, xương, nhưng không phản ánh được mối liên quan giữa sự gia tăng khối cơ và sự phân bố lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Giữa những người có cùng chỉ số BMI, khối lượng mỡ bụng có thể rất khác nhau, do vậy vòng bụng cũng được xem là chỉ số đánh giá tình trạng béo phì, liên quan với các nguy cơ đối với sức khoẻ [5]. Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ, béo bụng là yếu tố liên quan mạnh hơn đối với ĐTĐ so với béo phì chung.

Nam giới có vòng bụng ≥ 90 cm và nữ có vòng bụng ≥ 80 cm có nguy cơ mắc ĐTĐ cao hơn người bình thường 2 lần (Bảng 3). Điều tương tự cũng được ghi nhận qua những nghiên cứu khác [6],[9], nguy cơ mắc ĐTĐ ở người có vòng bụng nguy cơ cao hơn từ 1,74 đến 2,81 so với người bình thường.

Tuy nhiên, béo phì, béo bụng là những YTNC có thể phòng tránh được của bệnh ĐTĐ týp 2 bằng một lối sống lành mạnh với chế độ vận động và ăn uống khoa học, điều độ. Dung nạp glucose máu có thể được cải thiện nếu gia tăng hoạt động thể lực và kiểm soát tốt trọng lượng, từ đó giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh ĐTĐ [1],[16].

Duy trì một lối sống lành mạnh, kết hợp giữa chế độ ăn uống khoa học và luyện tập thể dục hợp lý là điều kiện tiên quyết nhằm dự phòng, ngăn ngừa sự tiến triển của các bệnh chuyển hoá nói chung, trong đó có ĐTĐ.

Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới đã cho thấy việc luyện tập thể dục thường xuyên có tác dụng cải thiện sự nhạy cảm của insulin, cải thiện hoạt động chức năng của các cơ quan, từ đó có tác dụng làm giảm nồng độ glucose máu, phòng hoặc làm chậm sự xuất hiện ĐTĐ týp 2, đồng thời giúp duy trì sự bình ổn của lipid máu, huyết áp và giúp cải thiện tâm lý 16].

ADA và WHO khuyên mọi người vận động thể lực ít nhất 30 phút trong ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần thì sẽ tốt cho sức khỏe và giúp cơ thể chống lại một số bệnh, trong đó có bệnh ĐTĐ [10],[16]. Phối hợp hoạt động thể lực thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp giảm 58% tỷ lệ mới mắc ĐTĐ týp 2 [1].

Ít hoạt động thể lực có làm gia tăng khả năng mắc ĐTĐ nhưng không có ý nghĩa thống kê (Bảng 3). Mối liên quan này đã được các tác giả trong và ngoài nước báo cáo là lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực làm tăng từ 1,2 đến 1,9 lần nguy cơ mắc ĐTĐ [4],[14],[15]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tiêu chí đánh giá hoạt động thể lực chủ yếu dựa trên khai báo về công việc và thói quen sinh hoạt, tập thể dục hằng ngày của đối tượng nghiên cứu, do đó có thể chưa phản ánh trung thực yếu tố này, tuy nhiên số người ít hoạt động thể lực cũng chiếm 20,7%, gần với ước tính của WHO là 23,6% [16],[17].

Nguy cơ mắc ĐTĐ của những phụ nữ đã từng được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ và/hoặc có tiền sử sinh con nặng trên 4.000g tăng 1,28 lần so với những phụ nữ không có tiền sử này (Bảng 3). Điều tương tự cũng đã được một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, những phụ nữ có con sinh ra nặng trên 4.000g có nguy cơ mắc ĐTĐ cao hơn 1,8 – 2,88 lần so với những phụ nữ khác [1],[4],[6].

4. Thang điểm đánh giá nguy cơ ĐTĐ

Trong phạm vi một nghiên cứu cắt ngang, chúng tôi không có nhiều tham vọng, chỉ đề xuất một thang điểm đánh giá nguy cơ ĐTĐ như một công cụ sàng lọc ban đầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thang điểm của chúng tôi có khả năng phát hiện người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ khá tốt với diện tích dưới đường cong ROC là 0,8310 (Biểu đồ 2).

Với mục đích đề xuất thang điểm dựa trên các yếu tố đơn giản, dễ thực hiện tại nhà, không sử dụng bất cứ xét nghiệm hay số liệu đo lường đặc hiệu nào, được áp dụng như là một công cụ sàng lọc ban đầu để xác định nhóm những người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ, từ đó tiến hành các bước xét nghiệm tiếp theo để chẩn đoán bệnh, chúng tôi đưa ra ngưỡng giá trị ≥ 5 điểm. Khi đó, số người được xác định là có nguy cơ cao mắc ĐTĐ cần tiến hành các bước xét nghiệm tiếp theo để chẩn đoán bệnh giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 39,16% dân số. Điều này đồng nghĩa với chi phí sàng lọc sẽ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ở ngưỡng giá trị này, độ nhạy là 86,73% và độ đặc hiệu là 63,01%; nghĩa là bệnh nhân ĐTĐ bị bỏ sót sẽ tăng lên (13,27%), nhưng số người bình thường phải thực hiện thêm các xét nghiệm glucose máu giám đáng kể, còn khoảng gần 37% (Bảng 5). Sàng lọc là một quá trình tiếp diễn, đặc biệt là người dân tự sàng lọc, nên có lẽ một số người âm tính giả sẽ trở thành dương tính thật qua thời gian và sẽ được phát hiện để làm những xét nghiệm tiếp theo.

Với cỡ mẫu đủ lớn, được chọn ngẫu nhiên theo những tiêu chí định trước, phân tích đa biến hồi qui logistic, nghiên cứu này cung cấp được số liệu cơ bản, giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, khái quát tình hình dịch tễ học bệnh ĐTĐ tại tỉnh Phú Yên cũng như đánh giá mức độ liên quan giữa các YTNC với bệnh ĐTĐ đồng thời đề xuất thang điểm đánh giá nguy cơ ĐTĐ theo đặc thù của địa phương.

Biện pháp dự phòng được đề xuất là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ để nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân trong cộng đồng, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng đến vùng sâu, vùng xa; phổ biến thang điểm để người dân tự đánh giá nguy cơ ĐTĐ và khi tổng điểm ≥ 5 điểm thì cần phải xét nghiệm để chẩn đoán sớm ĐTĐ. Đồng thời khuyến cáo người dân cần chú ý giữ cân nặng một cách hợp lý, thực hành lối sống tích cực, chế độ ăn uống phù hợp, năng vận động.

Ngoài ra, qua nghiên cứu, chúng tôi cũng kiến nghị đưa dự án phòng chống bệnh ĐTĐ, lồng ghép cùng với dự án phòng chống tăng huyết áp thuộc chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, vào chương trình mục tiêu về y tế hằng năm để các thông tin về phòng ngừa, kiểm soát bệnh ĐTĐ cũng như bệnh tăng huyết áp được cộng đồng tiếp cận thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong nhận thức, thái độ, hành vi của mọi người đối với căn bệnh đang ngày càng phổ biến và âm thầm tác động sức khoẻ cá nhân, kinh tế gia đình và xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Văn Bình (2006). Dịch tễ học bệnh đái tháo đường ở Việt Nam – Các phương pháp điều trị và biện pháp dự phòng. Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Nhà xuất bản Y học, tr 57-63, 119-149.
  2. Tạ Văn Bình. Điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường và hội chứng chuyển hoá tại một số vùng sinh thái của Việt Nam. Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu cấp bộ. Hà Nội, 2009.
  3. Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Thị Nhạn, Lâm Chi Cường, Trương Tấn Minh (2014). Nghiên cứu tình hình bệnh đái tháo đường ở đối tượng 30 tuổi trở lên tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa năm 2010. Y học thực hành. Số 929+930, tr 59-62.
  4. Phan Hướng Dương (2016). Thực trạng tiền đái tháo đường và hiệu quả can thiệp có bổ sung Metformin ở người có BMI ≥ 23 kg/m2 tại thành phố Hải Phòng năm 2012-2014. Luận án Tiến sĩ Y học.
  5. Nguyễn Thị Lâm. Thống nhất phương pháp kỹ thuật sử dụng trong đánh giá thừa cân – béo phì của các nhóm tuổi khác nhau. Tạp chí DD&TP/Journal of Food and Nutrition Sciences – Số 1 – Tháng 10 năm 2003 / No.1 – October 2003
  6. Phạm Hồng Phương, Lê Quang Toàn và CS (2012). Khảo sát một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh đái tháo đường týp 2 và tiền đái tháo đường tại tỉnh Quảng Ngãi. Tạp chí Nội tiết – đái tháo đường. Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học. Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam. Số 8, 2012, Số 8, tr.95-105.
  7. Mai Thế Trạch, Đặng Thị Bảo Toàn, Diệp Thị Thanh Bình (1994). Dịch tễ học và điều tra cơ bản bệnh tiểu đường ở nội thành TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Y học, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Số 4.
  8. Kháng A Tu. Thực trạng khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường ở đối tượng có nguy cơ tỉnh Điện Biên năm 2012. Y học thực hành. Số 929+930, tr 77-81.
  9. Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Vinh Quang. Kết quả hoạt động điều tra lập bản đồ dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012. Y học thực hành. Số 929+930, tr 82-86.
  10. Standards of Medical Care in Diabetes – 2014.
  11. Asia Pacific Cohort Studies CollaborationNi Mhurchu CParag VNakamura MPatel ARodgers ALam TH. Body mass index and risk of diabetes mellitus in the Asia-Pacific region. Asia Pac J Clin Nutr 2006; 15 (2): 127-133.
  12. IDF (2015). Diabetes Atlas – the seventh edition 2015.
  13. Menke A, Rust KF, Fradkin J, Cheng YJ, Cowie CC. Associations between trends in race/ethnicity, aging, and body mass index with diabetes prevalence in the United States: a series of cross-sectional studies. Ann Intern Med. 2014;Vol.161(5):328.
  14. Ngoc Minh Pham, Karen Eggleston. Diabetes Prevalence and Risk Factors Among Vietnamese Adults: Findings From Community-Based Screening Programs. Diabetes Care 2015;38.
  15. Tran Quang Binh, Pham Tran Phuong, Bui Thi Nhung, Dang Dinh Thoang, Pham Van Thang, Tran Khanh Long and Duong Van Thanh. Prevalence and correlates of hyperglycemia in a rural population, Vietnam: implications from a cross–sectional study. BMC Public Health 2012, 12:939.
  16. WHO (2016). Global Report On Diabetes.
  17. WHO (2016). World Health Day 7 April 2016. e-Bulletin no.2.wpro.who.int/world_health_day/2016/whd-eb2.pdf
  18. Zhang M, Zhang H, Wang C, Ren Y, Wang B, Zhang L, et al. (2016). Development and Validation of a Risk-Score Model for Type 2 Diabetes: A Cohort Study of a Rural Adult Chinese Population. PLoS ONE 11(4): e0152054. April 12, 2016.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Tình trạng suy dinh dưỡng cà một số yếu tố liên quan của người bệnh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang năm 2022

TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH …