Hiện tượng Somogyi ở bệnh nhân bị đái tháo đường

Tổng quan

Vào năm 1930, bác sĩ Michael Somogyi nghiên cứu ra rằng hạ đường huyết về đêm gây ra bởi insulin có thể dẫn đến tình trạng tăng sản xuất các hormone đối kháng với insulin (nhìn hình bên dưới) làm tăng đường huyết vào buổi sáng sớm.

 

Hiện tượng này thực sự ít phổ hơn so với hiện tượng bình minh, đó là sự tăng bất thường nồng độ glucose trong máu vào lúc sáng sớm bởi sự thay đổi tự nhiên về mức độ hormone trong máu. Các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục trong cộng đồng khoa học về sự hiện diện thực sự của phản ứng hạ đường huyết này. Ví dụ, Shanik và cộng sự cho rằng tăng đường huyết là do hiện tượng Somogyi thực sự gây ra bởi tình trạng kháng insulin do insulin gây ra. Các cơ chế được đề xuất khác của tình trạng tăng đường huyết vào buổi sáng bao gồm tiết hormone tăng trưởng về đêm và tình trạng kháng insulin liên quan đến hội chứng chuyển hóa.

Nguyên nhân của hiện tượng Somogyi bao gồm tình trạng dư thừa insulin hoặc tiêm insulin không đúng giờ, bỏ lỡ bữa ăn hoặc ăn nhẹ và sử dụng insulin không có chủ ý. Tăng đường huyết sau hạ đường huyết không được phát hiện có thể dẫn đến giảm khả năng kiểm soát chuyển hóa và các biến chứng hạ đường huyết

Mặc dù không có dữ liệu về tần suất gặp, nhưng hiện tượng Somogyi có lẽ rất hiếm. Nó xảy ra ở bệnh đái tháo đường típ 1 và ít phổ biến hơn đái tháo đường típ 2. Với việc xác định và xử trí thích hợp, tiên lượng cho hiện tượng Somogyi là rất tốt và không có bằng chứng di chứng lâu dài.

Hướng dẫn bệnh nhân xác định đúng các triệu chứng của hạ đường huyết, liều lượng insulin, thời gian ăn và sử dụng insulin. Để biết những thông tin giáo dục cho bệnh nhân, hãy xem phản ứng insulin.

Sinh lý bệnh

Khả năng ức chế giải phóng insulin là một phản ứng sinh lý quan trọng mà những người mắc bệnh đái tháo đường không thể thực hiện được như hiện thị ảnh bên dưới.

Để bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng hạ đường huyết có liên quan đến các hormone đối kháng với insulin, nó sẽ kích thích quá trình tân tạo đường và quá trình phân giải glycogen và chống lại các tác dụng đồng hóa của insulin. Cơ chế này phụ thuộc vào hệ thống cảm biến glucose trong hệ thần kinh trung ương, tuyến tụy và dây thần kinh hướng tâm. Các hormone đối kháng insulin bao gồm:

  • Glucagon tác động trên gan để kích thích quá trình phân giải glycogen và tân tạo đường và có lẽ là hormone sớm nhất và quan trọng nhất trong hiện tượng Somogyi.
  • Epinephrine làm tăng vận chuyển các chất nền từ ngoại vi, giảm giải phóng insulin, kích thích giải phóng glucagon, ức chế sử dụng glucose của một số mô và kích thích hệ thống cảnh báo với đổ mồ hôi, lo lắng và nhịp tim nhanh.
  • Cortisol có thể hỗ trợ trong các trường hợp kéo dài và nghiêm trọng của hiệu ứng Somogyi bằng cách ngăn chặn việc sử dụng glucose và kích thích sản xuất glucose ở gan.
  • GH tác dụng tương tự như cortisol.

Các nghiên cứu đã đặt ra nghi ngờ về tầm quan trọng của các hormone đối kháng insulin trong việc điều hòa sự phục hồi đường huyết. Giảm insulin trong máu (giảm liều insulin), tình trạng đề kháng insulin và tăng nhạy cảm với tác dụng của hormone đối kháng cũng có thể đóng một vai trò nào đó

Choudhary và các cộng sự đã nghi ngờ thêm về tần suất của hiệu ứng Somogyi bằng cách nghiên cứu tình trạng hạ đường huyết về đêm với việc theo dõi glucose liên tục. 89 bệnh nhân bị đái tháo đường típ 1 đã được đưa vào nghiên cứu. Họ so sánh mức đường huyết mao mạch lúc đói sau buổi tối với hạ đường huyết về đêm. Họ phát hiện ra rằng đường huyết mao mạch lúc đói có nhiều khả năng thấp hơn sau khi hạ đường huyết về đêm chỉ có 2 trường hợp lượng đường lúc đói lớn hơn 180mg%. Họ kết luận rằng hiệu ứng Somogyi là rất hiếm và việc phát hiện ra 1 lượng đường huyết đói thấp là 1 dấu hiệu tốt hơn của tình trạng hạ đường huyết về đêm.

Bệnh sử

Bệnh nhân có hiện tượng Somogyi có biểu hiện tăng đường huyết vào buổi sáng trái với mức kiểm soát đường huyết thông thường của họ. Hạ đường huyết về đêm thường được bỏ qua hoặc là không có triệu chứng và sau tình trạng hạ đường huyết là tăng đường huyết trong máu không được quan tâm hoặc bị nhầm lẫn với hiện tượng bình minh

Nguyên nhân phổ biến của tăng đường huyết vào buổi sáng là giảm insulin máu. Bệnh nhân cần tăng tiết insulin vào sáng sớm chủ yếu do tiết ra hormone tăng trưởng, hormone này đối kháng với hoạt động của insulin. Cortisol có thể đóng vai trò hỗ trợ.

Bệnh nhân có thể giảm mức insulin do các vấn đề về hấp thu hoặc liều lượng từ buổi tối hôm trước. Điều này xảy ra khi nhu cầu của insulin đang tăng lên (hiện tượng bình minh – dawn phenomenon) và dẫn đến lượng đường trong máu tăng nhanh vào lúc 4-8h sáng. Sự xuất hiện này phổ biến ở những người bị đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để xác định hiện tượng Somogyi bao gồm đường huyết lúc đói, đường huyết về đêm, HbA1C, và lấy mẫu đường thường xuyên.

Mức đường huyết lúc đói dự kiến sẽ tăng không thích hợp do sự phục hồi của nội tiết tố gây ra. Kết quả đo đường huyết vào lúc nửa đêm sẽ tiết lộ tình trạng hạ đường huyết do điều trị bằng insulin. Điều này sẽ thiết lập chẩn đoán.

Mức HbA1C có thể hữu ích nếu nó nằm trong phạm vi tham chiếu hoặc thấp mặc dù mức đường huyết đói cao. Nó ủng hộ cho việc sự tăng đường huyết lúc đói sẽ phục hồi khi kiểm soát nồng độ glucose bình thường. HbA1C tăng cao không loại trừ được hiện tượng Somogyi.

Theo dõi tình trạng đường huyết thường xuyên là cần thiết để xác định chẩn đoán và tìm các giai đoạn hạ đường huyết khác có thể dẫn đến sự tăng đường huyết hồi phục. Hạ đường huyết thường xuyên là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạ đường huyết không nhận biết được, nó có thể bỏ qua các triệu chứng điển hình của hạ đường huyết.

Điều trị và quản lý:

Hiện tượng Somogyi nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có biểu hiện tăng đường huyết không điển hình vào buổi sáng sớm mà kháng lại liều điều trị bằng cách tăng liều insulin.

Nếu lượng đường trong máu về đêm cao hoặc nghi ngờ là cao, hãy giảm insulin vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm: tăng cân, mức đường huyết ban ngày bình thường và HbA1C tương đối thấp, cho thấy điều trị quá mức.

Việc thay thế insulin regular bằng insulin analog, chẳng hạn như Humulin lispro, có thể giúp ích 1 phần nào đó nhưng điều này vẫn chưa thiết lập chắc chắn.

Xem xét tư vấn nội tiết hoặc đái tháo đường cho những trường hợp khó hoặc bất thường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Somogyi M. Insulin as a cause of extreme hyperglycemia and instability. Bull St Louis Med Soc. 1938. 32:498-500.
  2. Bolli GB, Gerich JE. The “dawn phenomenon”–a common occurrence in both non-insulin- dependent and insulin-dependent diabetes mellitus. N Engl J Med. 1984 Mar 22. 310(12):746-50. [Medline].
  3. Campbell PJ, Bolli GB, Cryer PE. Pathogenesis of the dawn phenomenon in patients with insulin-dependent diabetes mellitus. Accelerated glucose production and impaired glucose utilization due to nocturnal surges in growth hormone secretion. N Engl J Med. 1985 Jun 6. 312(23):1473-9. [Medline].
  4. Rybicka M, Krysiak R, Okopie B. The dawn phenomenon and the Somogyi effect – two phenomena of morning hyperglycaemia. Endokrynol Pol. 2011. 62(3):276-84.
  5. Shanik MH, Xu Y, Skrha J, et al. Insulin resistance and hyperinsulinemia: is hyperinsulinemia the cart or the horse?. Diabetes Care. 2008 Feb. 31 Suppl 2:S262-8. [Medline][Full Text].
  6. Reyhanoglu G, Rehman A. Somogyi phenomenon. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island, FL: StatPearls Publishing. 2021 Jan. [Medline][Full Text].
  7. Bolli GB, Gottesman IS, Campbell PJ. Glucose counterregulation and waning of insulin in the Somogyi phenomenon (posthypoglycemic hyperglycemia). N Engl J Med. 1984 Nov 8. 311(19):1214-9. [Medline].
  8. Raskin P. The Somogyi phenomenon. Sacred cow or bull?. Arch Intern Med. 1984 Apr. 144(4):781-7. [Medline].
  9. Somogyi M. Exacerbation of diabetes by excess insulin action. Am J Med. 1959 Feb. 26(2):169-91. [Medline].
  10. McCrimmon R. The mechanisms that underlie glucose sensing during hypoglycaemia in diabetes. Diabet Med. 2008 May. 25(5):513-22. [Medline].
  11. Choudhary P, Davies C, Emery CJ, Heller SR. Do high fasting glucose levels suggest nocturnal hypoglycaemia? The Somogyi effect-more fiction than fact?. Diabet Med. 2013 Aug. 30(8):914-7. [Medline].
  12. Singh SR, Ahmad F, Lal A, et al. Efficacy and safety of insulin analogues for the management of diabetes mellitus: a meta-analysis. CMAJ. 2009 Feb 17. 180(4):385-97. [Medline][Full Text].
  13. Lind M, Fahlen M, Happich M, et al. The effect of insulin lispro on glycemic control in a large patient cohort. Diabetes Technol Ther. 2009 Jan. 11(1):51-6. [Medline].

Nguồn: Somogyi Phenomenon

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi CLB Nội tiết trẻ trên DEMACVN.COM – vui lòng không reup khi chưa được sự cho phép!

Người dịch: Bảo Huy

About ngannguyen

Check Also

Một số vi khuẩn đường ruột có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Trong một nghiên cứu quan sát ở Hà Lan cho thấy người có hệ vi …