Hiệu quả của mô hình can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng ở người tiền đái tháo đường

HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH CAN THIỆP HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC

TẠI CỘNG ĐỒNG Ở NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Nguyễn Ngọc Tâm1,2, Nguyễn Xuân Thanh2, Nguyễn Thiện Thế1,

Bùi Công Đức3, Vũ Thị Thanh Huyền1,2

1Trường Ðại học Y Hà Nội, 2Bệnh viện Lão khoa Trung ương,

 3Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

ABSTRACT

Introduction: Applying intervention models of physical activity in community is an effective mesure in controlling pre-diabetes condition, inexpensive and easy to implement. Objectives: The aim of this research is to assess the effectiveness of an intervention model of physical activity in community on pre-diabetic subjects. Subjects and Methods: The model was applied in a suburban ward of the Hanoi capital to educate health workers in the community, to educate purposeful group and to do physical activity on prescription for each pre-diabetic subjects. Results: The results showed that the effectiveness of the intervention model of physical activity on pre-diabetic patients: reducing postprandial blood glucose in the intervention group of 1.4 mmol/l (p <0.05), increasing reserval rates to normal blood glucose and reduce the proportion of people progressing to diabetes actually. Conclusion: It is important to have a combination of policy makers and health professionals in the community to build a comprehensive intervention model of physical activity in community which help to prevent and treat NCDs and diabetes mellitus.

Key word: Intervention model in community, physical activity, pre-diabetes.

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Ngọc Tâm

Ngày nhận bài: 18.9.2016

Ngày phản biện khoa học: 8.10.2016

Ngày duyệt bài: 15.10.2016

TÓM TẮT

Tổng quan: Áp dụng mô hình can thiệp tại cộng đồng là một biện pháp được chứng minh là có hiệu quả trong kiểm soát tình trạng tiền đái tháo đường, chi phí thấp và dễ thực hiện. Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm mục đích mô tả hiệu quả của một mô hình can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng trên người tiền đái tháo đường (TĐTĐ). Đối tượng và phương pháp: Mô hình được áp dụng tại một phường ngoại ô thành phố Hà Nội với các biện pháp: giáo dục cán bộ y tế tại cộng đồng, giáo dục cộng đồng hướng đến nhóm chủ đích và kê đơn hoạt động thể lực cho từng người TĐTĐ. Kết quả: Nghiên cứu cho thấy việc thực hiện mô hình là khả thi và hiệu quả của nó đối với tình trạng TĐTĐ: giảm đường máu sau ăn ở nhóm nhận can thiệp 1,4 mmol/l (p<0,05), tăng tỷ lệ đối tượng có đường máu trở về bình thường và giảm tỷ lệ đối tượng tiến triển thành đái tháo đường thực sự. Kết luận: Cần có sự phối hợp của các nhà chính sách và các nhân viên y tế trong cộng đồng giúp có một mô hình can thiệp HĐTL toàn diện trong cộng đồng, giúp phòng và điều trị hiệu quả và bền vững các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh đái tháo đường nói chung.

Từ khóa: Mô hình can thiệp cộng đồng, hoạt động thể lực, tiền đái tháo đường.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay mô hình bệnh tật đang có xu hướng thay đổi, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường,… đang ngày càng gia tăng và trở thành gánh nặng lớn cho từng cá nhân, gia đình, ngành y tế và toàn xã hội [1]. Sự gia tăng nhanh chóng này một phần là do lối sống của người dân với chế độ ăn không lành mạnh và thiếu hụt hoạt động thể lực.

Tiền đái tháo đường (TĐTĐ) tình trạng rối loạn đường máu lúc đói và/hoặc rối loạn dung nạp đường máu, đối tượng này có nguy cơ cao dẫn tới bệnh ĐTĐ týp 2 thực sự [2]. Tuy nhiên TĐTĐ hoàn toàn có thể dự phòng và cải thiện được bằng thay đổi lối sống, bao gồm thực hiện chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoạt động thể lựcvà bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe [2,3].

Việt Nam là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình vì vậy một phương pháp giúp cải thiện bệnh hiệu quả, dễ áp dụng và chi phí thấp nhưtăng cường hoạt động thể lực rất cần thiết được chú ý quan tâm và tuyên truyền trong cộng đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy có một tỷ lệ cao người không hoạt động thể lực và kiến thức về hoạt động thể lực của người dân còn thiếu hụt[1,3].Các chương trình can thiệp giúp tăng hiểu biết của người dân đồng thời làm tăng mức độ hoạt động thể lực của người dân là rất cần thiết. Thêm vào đó, ở Việt Nam cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về hiệu quảcủa can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng trên người TĐTĐ được công bố.

Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mô tả hiệu quả củamột mô hình can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng trên người TĐTĐ.Kết quả nghiên cứu sẽ bước đầu đưa ra một mô hình can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng và cung cấp bằng chứng khoa học về hiệu quả của tập luyện trên quần thể người Việt Nam mắc TĐTĐ. Trên cơ sở đó có thể gợi mở các nhà chính sách đưa ra những biện pháp can thiệp cộng đồng đúng đắn và hợp lý giúp quản lý và can thiệp sớmđối tượng nguy cơ này.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại trạm y tế phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong thời gian tháng 3/2015 đến tháng 12/2015.

Đặc điểm kinh tế xã hội của địa điểm nghiên cứu:

2.2. Đối tượng nghiên cứu:

– Tiêu chuẩn lựa chọn:

+ Chẩn đoán tiền ĐTĐ theo Quyết định 3280/QĐ-BYT ngày 09/9/2011 của Bộ Y tế [4]:

  • Rối loạn dung nạp glucose (IGT), nếu mức glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống từ 7,8 mmol/l (140 mg/dl) đến 11,0 mmol/l (200 mg/dl).
  • Rối loạn glucose máu lúc đói (IFG), nếu lượng glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 6,1 mmol/l (110 mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125 mg/dl) và lượng glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp tăng glucose máu dưới 7,8 mmol/l (< 140 mg/dl).

+ Tuổi: 45 – 69 tuổi.

– Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Đối tượng không đồng ý tham gia hoặc bỏ dở nghiên cứu

+ ≥ 1 câu trả lời là “Có” khi phỏng vấn bộ câu hỏi về tiền sử tim mạch (Gồm 7 câu hỏi giúp sàng lọc bệnh lý tim mạch bệnh nhân có thể mắc phải là chống chỉ định của việc luyện tập)[5]

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tiến cứu có đối chứng.

2.4. Cỡ mẫu nghiên cứu:

Chọn mẫu theo phương pháp chọn mẫu toàn bộ: Toàn bộ người tiền đái tháo đường đang được quản lý tại trạm y tế phường Phú Diễn, phường Bắc Từ Liêm, Hà Nội thỏa mãn theo tiêu chuẩn lựa chọn và tiêu chuẩn loại trừ đã nêu.

2.5.   Quy trình nghiên cứu

  • Quy trình can thiệp được thực hiện theo sơ đồ sau:
  • Mô hình can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng:

Mô hình được áp dụng trên đối tượng thuộc nhóm nhận can thiệp, bao gồm các biện pháp: giáo dục cán bộ y tế tại cộng đồng, giáo dục cộng đồng hướng đến nhóm chủ đích và kê đơn hoạt động thể lực cho từng người TĐTĐ

Giáo dục cộng đồng hướng đến nhóm chủ đích – nhóm nhận can thiệp:

Tiến hành giáo dục truyền thông trực tiếp về tác dụng của hoạt động thể lực, các biện pháp nhằm tăng cường hoạt động và các biện pháp hoạt động thể lực phù hợp nên thực hiện tại cộng đồng, đặc biệt là tại địa phương với các đặc điểm về kinh tế, xã hội và địa dư đặc thù.

Kê đơn hoạt động thể lực cho từng đối tượng

  • Việc kê đơn HĐTL được thực hiện sau khi khám lâm sàng, đánh giá mức độ HĐTL ban đầu, thói quen, sở thích và quỹ thời gian của đối tượng.
  • Thảo luận với đối tượng về mục tiêu cần đạt được để có hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường: hoạt động thể lực với cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần, hoặc với cường độ cao 75 phút/tuần không nghỉ quá 2 ngày (đưa ví dụ cụ thể về các loại hình luyện tập với mức độ tương ứng).
  • Mẫu đơn HĐTL thống nhất cho đối tượng nêu rõ loại hình tập luyện, thời gian, tần suất mức độ cần thực hiện
  • Mục tiêu của chương trình HĐTL đạt tối thiểu 7000 bước chân/ngày hoặc HĐTL cường độ trung bình đạt ít nhất 30 phút/ngày và 05 ngày/tuần theo WHO.

Theo dõi việc luyện tập của bệnh nhân:

Theo dõi sự tuân thủ theo mô hình can thiệp được thực hiện bởi cán bộ tại trạm y tế xã. Sự tuân thủ được đánh giá dựa trên việc sử dụng máy đếm bước chân và ghi nhật ký HĐTL.

+ Máy đếm bước chân (Pedometer): Cách sử dụng:

Bước 1: Bệnh nhân ấn nút Reset (trên máy) trước khi đi bộ.

Bước 2: Đeo máy ngang hông, ở vị trí tạo với đầu gối và ngón chân cái thành đường thẳng

Bước 3: Đi bộ và ghi lại số trên máy vào nhật ký HĐTL (phụ lục 2) vào cuối ngày.

Lặp lại các bước trên vào những ngày tiếp theo. Hàng ngày, ghi các con số trên máy đếm bước chân vào nhật ký HĐTL.

+ Nhật ký HĐTL:

Đối tượng được hướng dẫn cách ghi vào từng mục trong nhật ký và mang tới mỗi khi khám lại (mỗi 01 tháng).Tất cả các hoạt động khác (không đánh giá được bằng máy đếm bước chân) sẽ được bác sỹ quy đổi ra số bước chân tương đương.

Hàng tháng, đối tượng được tư vấn trực tiếp tại trạm y tế phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Căn cứ vào dữ liệu trên nhật ký HĐTL và đường máu của đối tượng để tư vấn cho đối tượng thực hiện trong tháng tiếp theo.

2.6. Các chỉ tiêu nghiên cứu

  • Chỉ tiêu chính: sự thay đổi đường máu đói, đường máu sau ăn, HbA1c, tỷ lệ đối tượng có đường máu trở về bình thường và tỷ lệ đối tượng tiển triển thành ĐTĐ thực sự, sự tuân thủ chương trình can thiệp.
  • Chỉ tiêu phụ: sự thay đổi về các chỉ số nhân trắc (Vòng eo, vòng mông, waist-hip ratio (WHR), cân nặng, BMI), huyết áp khi nghỉ (huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu).

2.7. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Các biến được phân loại và trình bày bằng các kết quả tỷ lệ phần trăm, trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn, so sánh trung bình, tương quan của 2 biến định lượng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p<0,05.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 183 đối tượng là người tiền đái tháo đường – được quản lý bởi Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong thời gian 9 tháng (từ tháng 3/2015 đến tháng 12/2015).

Trong 9 tháng can thiệp chúng tôi đã thực hiện được 3 buổi giáo dục cộng đồng và kê đơn hoạt động thể lực cho 97 đối tượng người TĐTĐ.

Đặc điểm chung của người tiền đái tháo đường trước nghiên cứu

Không có sự khác biệt giữa giữa nhóm chứng và nhóm can thiệp về đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu (p > 0,05).Nữ chiếm đa số trong tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu,(n=141, chiếm 77,0%).

Sự tuân thủ của bệnh nhân theo mục tiêu của can thiệp HĐTL

100% số đối tượng tham gia đầy đủ các buổi giáo dục truyền thông tại cộng đồng.

Căn cứ vào số liệu ghi lại bằng máy đếm bước chân và nhật ký HĐTL ghi lại tất cả hoạt động của bệnh nhân trong nhóm can thiệp (N1 = 97). Từ đó xác được tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ theo mục tiêu của chương trình HĐTL.

Bảng 1: Sự tuân thủ theo mục tiêu của can thiệp HĐTL

Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu HĐTL đạt 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần là tương đối cao (>60%). Tuy nhiên, tính số bước chân đo bằng máy đếm bước chân thì chỉ 38,1% đạt > 7000 bước chân/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần.

Tác dụng của mô hình can thiệp HĐTL tại cộng đồng đối với kiểm soát đường máu ở người tiền đái tháo đường

Bảng 2. Hiệu quả kiểm soát đường máu ở người tiền đái tháo đường

Sau 3 tháng can thiệp, đường máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uốngthay đổi có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm; giảm 1,4 mmol/l ở nhóm can thiệp trong khi lại có xu hướng tăng lên ở nhóm chứng.Sự thay đổi là không có ý nghĩa thống kê khi xem xét chỉ số đường máu đói và HbA1c.

Biểu đồ 1. Tiến triển của tình trạng TĐTĐ

Tỷ lệ đối tượng có đường máu trở về bình thường của nhóm nhận can thiệp là 20,3% cao hơn có ý nghĩa thống kê so với của nhóm chứng là 10,1% (p<0,05).

Tác dụng của can thiệp HĐTL tới cấu trúc cơ thể

Bảng 3.Sự thay đổi về các chỉ số nhân trắc và huyết áp

Các chỉ số cân nặng, BMI, vòng eo, chỉ số eo hông WHR, huyết áp tâm thu và huyết áp

tâm trương sau can thiệp có xu hướng giảm ở nhóm được nhận can thiệp, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

IV. BÀN LUẬN

Mô hình can thiệp hoạt động thể lực tại cộng đồng được thực hiện nhờ sự phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội và trạm y tế phường Phú Diễn, quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Giáo dục cho nhóm chủ đích và các nhân viên y tế tại cộng đồng cũng như các kết quả của nghiên cứu là cơ sở giúp duy trì và nhân rộng việc áp dụng mô hình tại cộng đồng.

Chúng tôi tiến hành các biện can thiệp nhằm làm tăng và duy trì mức độ HĐTL đạt mục tiêu giúp kiểm soát đường máu. Tỷ lệ có tuân thủ thực hiện chương trình HĐTL của bệnh nhân là 100%: trong đó 38,1% tuân thủ hoàn toàn và 62,9% tuân thủ một phần, bệnh nhân đạt số bước chân/ngày thấp nhất là 4330. Lý do bệnh nhân không tuân thủ hoàn toàn trong nghiên cứu của chúng tôi là: chưa đủ quyết tâm thực hiện, không có đủ thời gian để HĐTL, lo lắng về sự an toàn khi tăng HĐTL và chưa ý thức cao về việc điều trị và

phòng ngừa bệnh lý của bản thân. Đó là những lý do có thể dần dần thay đổi được

 

bằng cách: khuyến khích bệnh nhân, tư vấn trao đổi trực tiếp với bệnh nhân về các lợi ích – nguy cơ khi HĐTL; hướng dẫn bệnh nhân luyện tập tăng dần cường độ với thời gian giảm dần mà vẫn đạt được mức độ HĐTL tương đương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động thể lực có tác dụng làm giảm có ý nghĩa thống kê đường máu sau ăn. Đường máu đói có xu hướng giảm nhiều hơn ở nhóm can thiệp so với nhóm chứng (p>0,05). Sau nghiên cứu tỷ lệ bệnh nhân chuyển từ tiền đái tháo đường về trạng thái đường máu bình thường ở nhóm can thiệp đạt 20,3% cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển thành đái tháo đường thực sự ở nhóm can thiệp và nhóm chứng tương ứng là 7,1% và 9,6%. Kết quả nghiên cứu dài 6 năm ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ chuyển đái tháo đường thực sự ở nhóm nhận can thiệp HĐTL là 41,1% so với ở nhóm chứng là 66,7%[6]. Điều này cho thấy hoạt động thể lực giúp làm chậm tiến triển thành bệnh ĐTĐ, thậm chí còn giúp chuyển từ trạng thái TĐTĐ về bình thường.

Qua nghiên cứu của chúng tôi cho thấy HĐTL làm thay đổi cân nặng, BMI, vòng eo, WHR, huyết áp không có sự khác biệt giữa hai nhóm. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Yavari (2012) [7]. Tuy nhiên, lượng HĐTL cần để đạt đươc thay đổi cân nặng là cao hơn nhiều so với lượng HĐTL đủ để giúp kiểm soát đường máu và một số yếu tố nguy cơ khác [7], vì vậy để đạt mục tiêu giảm các chỉ số về cấu trúc cơ thể đạt ngưỡng cho phép cần tăng cường hơn nữa cường độ, thời gian HĐTL, kết hợp giữa loại hình hiếu khí và các bài tập kháng trở [8], phối hợp với chế độ ăn hợp lý [9].

Hạn chế trong nghiên cứu của chúng tôi là các biện pháp can thiệp mới chỉ đến với nhóm chủ đích, các biện pháp tác động tới toàn bộ người dân cũng như tới các nhà chính sách còn chưa được thiết lập. Việc kiểm soát về lượng HĐTL (tính theo bước chân/ngày) chứ chưa kiểm soát được về cường độ luyện tập của bệnh nhân. Trong khi cường độ HĐTL càng cao giúp làm giảm HbA1c càng nhiều, mối tương quan này chặt chẽ hơn so với việc tăng lượng HĐTL [7].

V. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu trên người tiền ĐTĐ tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, năm 2015 áp dụng một mô hình can thiệp HĐTL trên cộng đồng cho thấy các đối tượng thuộc nhóm nhận can thiệp hoạt động thể lực với thời gian trung bình 32,1 ± 10,6 phút/ngày và 5,4 ± 1,0 ngày/tuần giảm đường máu 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose đừng uống trung bình 1,4 mmol/l (p<0,05), làm giảm tỷ lệ tiến triển thành ĐTĐ thực sự và tăng tỷ lệ đối tượng có đường máu trở về bình thường. Như vậy, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy vai trò của HĐTL trên nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc đái tháo đường tuy nhiên cần có những nghiên cứu quy mô hơn với thời gian can thiệp dài hơn và áp dụng đầy đủ các biện pháp can thiệp cộng đồng để thấy rõ được tác dụng của hoạt động thể lực trong phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh đái tháo đường nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2002). Điều tra y tế quốc gia.
  2. Gllies C.L., Abrams KR., Lambert PC., and al. (2007) Pharmacological and lifestyle intervention preventions to prevent or delay type 2 diabetes in people with impaired glucose tolerance: systematic review and meta-analysis. ; 334(7588):299.
  3. WHO (2006). Definition and diagnosis of diabetes mellitus and intermediate hyperglycemia.
  4. Quyết định số 3280/QĐ-BYT ngày 09/9/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ týp 2 của Bộ Y tế.
  5. Borjesson M. and al. (2010) Cardiovascular evaluation of middle aged/senoir individuals engaged in leisure-time sport activities: position stand from the sections of exercise physiology and sport cardio;ogy of the European Asociation of Cardiovascular Prevention and Rehabilitation. European Journal of Cardiovascular Prevention and Rehabilitation 18(3).
  6. Xiao-ren Pan and al. (1997). Effect of diet and exercise in preventing NIDDMin people with inpaired glucose tolerance – The Daqing IGT and diabetes study. Diabetes care, 20-4.
  7. Ronald JS, Glen PK, and al. (2004). Physical activity/Exercise and Type 2 diabetes. Diabetes Care, 27(10), 2518 – 2539.
  8. Yavari A, Najafipoor F, and Aliasgharzadeh Aetal. (2012). Effect of aerobic exercise, resistance training or combined training on glycaemic control and cardiovascular risk factors in patients with type 2 diabetes. Biology of Sport, 29, 135 – 143.
  9. Maiorana A, O’Driscoll G, and al. (2002). Combined aerobic and resistance exercise improves glycemic control and fitness in type 2 diabetes. Diabetes Research and Clinical Practice, 56, 115 – 123.

About Hội Nội tiết & Đái tháo đường Miền Trung

Check Also

Khảo sát mối liên quan giữa vitamin D huyết thanh và một số các yếu tố liên quan đến tổn thương thận mạn ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường

KHẢO SÁT MỐI LIÊN QUAN GIỮAVITAMIN D HUYẾT THANH VÀ MỘT SỐ CÁC YẾU TỐ …